1.12.18

Cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sau cuộc bầu cử “giữa nhiệm kỳ”: dừng lại hay tiếp tục?


CUỘC CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI TRUNG-MỸ SAU CUỘC BẦU CỬ “GIỮA NHIỆM KỲ”: DỪNG LẠI HAY TIẾP TỤC?
Một thỏa thuận thương mại giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp tổng thống Mỹ Donald Trump là điều có thể nhưng vẫn là điều không chắc do sự cạnh tranh về công nghệ giữa hai cường quốc. (Nguồn: AP News)
Cuộc chiến chống lại Trung Quốc không phải là cuộc chiến đầu tiên mà Washington khởi động ở châu Á. Nhưng khác với cuộc xung đột thương mại với Nhật Bản vào những năm 1980, Hoa Kỳ đang đối mặt với một quốc gia có thể nói không. Liệu chúng ta có đang ở giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh thương mại hai mươi năm, như dự đoán của Jack Ma, ông chủ của Alibaba, hay không? Hay đang ở buổi bình minh của một cuộc chiến tranh lạnh mới, như dự báo của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence?
Đây cũng không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc khơi mào một cuộc xung đột. Nhưng Trung Quốc từng tấn công những đối thủ nhỏ hơn: Hàn Quốc, bị buộc tội vì đã chấp nhận việc triển khai hệ thống phòng thủ của Mỹ, hay Thụy Điển, bị công khai sỉ nhục vì đã trao giải thưởng Nobel cho Lưu Hiểu Ba. Trong các trường hợp này, tương tự đối với Nhật Bản, chính phủ Trung Quốc đã tấn công vào các công ty con của các quốc gia này. Khi từ bỏ những lời khuyên thận trọng của Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình đã tăng sức các biện pháp đánh trả của mình. Liệu ông ta có nhắm vào các công ty con của Mỹ ở Trung Quốc không?
Cuối tháng 10 [năm 2018], Bắc Kinh và Washington đã công bố các số liệu về tăng trưởng kinh tế trong quý 3 năm 2018. Với 3,5% tăng trưởng nền kinh tế Mỹ đạt hiệu suất tốt nhất kể từ năm 2015 và kết quả của tháng 10 cho thấy sự bùng nổ kinh tế vẫn tiếp diễn. Ngược lại, với 6,5% mức tăng trưởng của Trung Quốc là mức thấp nhất trong mười năm qua. Sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, đã được báo trước, không phải là hậu quả của cuộc xung đột mà là của các biện pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng nợ trong năm 2017. Các biện pháp này đã kìm hãm nguồn đầu tư và đặc biệt hơn hết là nguồn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước, gần như bị đình trệ (+ 1%). Lo ngại một sự suy thoái trong quý cuối, Bắc Kinh đã công bố các biện pháp kích thích (+ 180 tỷ US$ vào tháng 10) sau những quyết định khác đã được triển khai vào mùa thu.
Tác động của việc tăng thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã được bù đắp nhiều hơn bởi sự xói mòn của đồng nhân dân tệ (-7% so với đồng US$ kể từ ngày 1 tháng 1). Để hạn chế sự giảm giá này và ngăn đồng US$ vượt qua mức biểu tượng 7 nhân dân tệ (6,94 vào ngày 8 tháng 11), Ngân hàng Trung ương [Trung Quốc] đã can thiệp nhiều lần. Sự can thiệp mạnh tay của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc – khoảng 100 tỷ US$ kể từ tháng Giêng – không bị chỉ trích trong Báo cáo của Bộ tài chính Hoa Kỳ về vấn đề tiền tệ vào ngày 17 tháng 10. Trong khi vẫn thừa nhận đồng tiền Trung Quốc chưa bị thao túng[*], Bộ Tài chính giám sát đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như với đồng won của Hàn Quốc. Ngược lại, sự tăng giá của đồng US$ và việc tăng lãi suất là tin xấu đối với các doanh nghiệp Trung Quốc mắc nợ bằng đồng US$. Tất cả các điều trên góp phần làm các dòng vốn chuyển ra ngoài, thường là thông qua việc không gia hạn các hạn mức tín dụng.
Việc tăng thuế quan lên giá các sản phẩm Trung Quốc còn tác động rất ít lên các hộ gia đình – ngoại trừ đối với các sản phẩm máy giặt có mức giá sẽ tăng 20%. Ngược lại, các biện pháp của Trung Quốc đã gây ra một mức sụt giảm bằng 80% trong quý thứ ba đối với các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ.
THƯƠNG MẠI SONG phương BÙNG NỔ
Điều nghịch lý là thương mại Trung-Mỹ đã tăng tốc trong quý 3 năm 2018! Theo cơ quan Hải quan của Mỹ, mức giao dịch đã đạt 175 tỷ US$ từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2018, tức + 6% so với mức cùng kỳ năm 2017. Còn mức thâm hụt của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã phá kỷ lục mới khi đạt 110 tỷ US$. Hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm 7,6%, trong khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 7,5%, xuất phát từ sự tăng trưởng và sự kỳ vọng của các nhà nhập khẩu Mỹ, những người đã gia tăng các đơn hàng của mình để tránh bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế quan có hiệu lực vào đầu vào tháng Chín. Tháng 10 năm ngoái, theo cơ quan hải quan Trung Quốc, hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 15% trên thế giới và 13% đối với Mỹ, trong khi hàng nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc giảm 2%. Cùng thời gian đó, nhưng điều này chưa bao giờ được Donald Trump đề cập đến, khi ông chỉ tập trung vào hàng hóa, mức thặng dư thương mại dịch vụ với Trung Quốc ở mức cao nhất với 20 tỷ US$.
HƯỚNG TỚI MỘT THỎA THUẬN?
Vào tháng 10, Tập Cận Bình đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc mở cửa kinh tế tại tỉnh Quảng Đông. Ông ca ngợi thành công của Trung Quốc trong khi nhấn mạnh đến những nỗ lực cần thiết để đạt được sự độc lập về công nghệ của đất nước. Vào ngày 5 tháng 11, trong bài phát biểu khai mạc cuộc triển lãm tại Thượng Hải, vị chủ tịch Trung Quốc đã nhắc lại bài phát biểu của ông tại Diễn đàn Thế giới ở Davos: ông đã cáo buộc người đồng cấp Mỹ sử dụng luật rừng. Một ngày sau đó, vị Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã đưa ra những lời lẽ ôn hòa hơn, và tuyên bố cuộc họp song phương bị hủy bỏ hồi cuối tháng 8 sẽ được tổ chức vào tháng 11. Điều gì có thể tạo ra một cuộc đối thoại mới, một vài ngày trước cuộc hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12, mà tại đó có sự tham dự của Donald Trump và Tập Cận Bình? Liệu có thể dẫn đến một thỏa thuận trước ngày 1 tháng 1 năm 2019 không? Chính vào ngày đó sẽ phải triển khai giai đoạn ba của cuộc xung đột: mở rộng thuế quan lên 500 tỷ US$, tức toàn bộ số lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc, mức thuế quan 10% và tăng 25% lên nhiều triệu dòng thuế quan khác.
Kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cho phép Tổng thống Trump có một không gian xoay sở rất lớn. Thực vậy, sau biện pháp đánh trả của Trung Quốc nhắm vào các sản phẩm của Mỹ có nguồn gốc từ những đơn vị bầu cử đại diện bởi đảng Cộng hòa, các nhà phân tích dự báo một sự thất bại toàn diện của các đơn vị này trong cuộc bầu cử. Thế nhưng đảng Cộng hòa đã củng cố thế đa số của mình tại Thượng viện. Mặc dù hàng xuất khẩu nông nghiệp bị giảm, cử tri miền Trung Tây đã không trừng phạt đảng Cộng hòa. Với lợi thế nắm đa số tại Hạ viện, đảng Dân chủ đã không chỉ trích chính sách thương mại của Donald Trump. Ngược lại, họ sẽ công kích nếu ông đề xuất một thỏa thuận tạm ngừng! Còn đối với nhiều đảng viên Cộng hòa muốn dừng cuộc xung đột thương mại, họ sẽ không chỉ trích vị tổng thống của mình.
Một thỏa thuận là khả thi, trong khi vẫn là điều không chắc. Thực vậy, đối với cả hai bên, thách thức không phải là sự mất cân bằng thương mại. Tình trạng mất cân bằng thương mại trừng phạt thực tế người Mỹ tiêu dùng nhiều hơn mức mà họ sản xuất. Vấn đề chủ yếu là sự vi phạm của Trung Quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ và sự tiếp cận của ngành công nghiệp Trung Quốc với công nghệ cao. Trên cơ sở các điểm này, có một sự đồng thuận của hai bên. Người Mỹ sợ “cú sốc Sputnik”. Về phần Trung Quốc, kể từ vụ ZTE, làm nổi bật sự phụ thuộc công nghệ của Trung Quốc, Bắc Kinh muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”.
Vì thế, đây là thời kỳ tạm lắng trên mặt trận cuộc chiến về công nghệ. Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ giám sát việc mua lại các doanh nghiệp Mỹ, bị sụp đổ trong những tháng nửa đầu năm 2018. Việc bán các thiết bị sản xuất của Mỹ càng bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn: cuối tháng 10, Fujian Jinhua, công ty đang xây dựng một đơn vị chế tạo phần mềm bộ nhớ Dram, đã vấp phải sự phủ quyết của Mỹ và phải từ bỏ việc mua lại các thiết bị mà họ cần. Diễn ra sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Hội nghị thượng đỉnh Internet tại Wuzhen (gần Thượng Hải) đã bị các ông chủ của Thung lũng Silicon không màng quan tâm nữa.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là thành viên của Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Cùng với M. Lautier, ông đã phát hành: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation” [Kinh tế Đông Nam Á ở ngã tư toàn cầu hóa] (Bréal, 2018), và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché” [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường] (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




Chú thích:

[*] Để đánh giá một đồng tiền có bị thao túng hay không, Bộ Tài chính Hoa Kỳ phân tích theo ba tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất, phải có một mức thặng dư thương mại song phương ít nhất bằng 20 tỷ US$. Tiêu chí thứ hai, cán cân hiện hành phải vượt quá 3% GDP. Tiêu chí thứ ba, Nhà nước nhắm đến việc can thiệp, một cách dai dẳng, lên thị trường ngoại hối ít nhất bằng 2% GDP trong thời gian 12 tháng.

Print Friendly and PDF