MỘT VẤN ĐỀ ĐỊA CHÍNH TRỊ MỚI VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Sophia là một robot có hình dạng con người có thể trò chuyện và thực hiện các biểu cảm thật trên khuôn mặt
Hình ảnh: REUTERS / Valentyn Ogirenko
Hệ thống đa phương cần ngay lập tức chung tay xây dựng một khế ước xã hội mới nhằm đảm bảo rằng sự đổi mới công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), phải được triển khai một cách an toàn và phù hợp với các yêu cầu đạo đức trong thế giới đang toàn cầu hoá.
Hằng hà sa số các chương trình tự động, các bài đăng ẩn trên Facebook và các trang web tin tức giả mạo đã xâm chiếm thế giới trực tuyến, với các hậu quả đáng kể trên toàn cầu. Chỉ việc xem qua một vài sự kiện gần đây: trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Nga đã ủng hộ một ứng cử viên [tổng thống] vượt qua người kia bằng một chiến dịch khổng lồ bao gồm quảng cáo trả phí, tài khoản mạng xã hội giả và nội dung phân cực.
Ở Trung Quốc, hai gã khổng lồ công nghệ Alibaba và Tencent đã triển khai hàng triệu camera với khả năng nhận dạng khuôn mặt để thu lợi từ những luồng dữ liệu riêng tư liên tục từ người dân. Tại Myanmar, một báo cáo của LHQ đã xác nhận rằng những bài đăng trên Facebook đã kích động các phát ngôn thù địch độc ác nhắm vào những người Hồi giáo Rohingya.
Sự kết hợp mạnh mẽ và sinh lợi giữa AI và một xã hội được dữ liệu định hướng đã đưa mạng xã hội trở thành kiến trúc sư của các trao đổi của chúng ta, những ông chủ mới định hình lại chính cấu trúc của thực tại.
Trong bối cảnh này, sự lo âu của công chúng đang ngày càng gia tăng về việc mất kiểm soát với một cuộc cách mạng thuật toán, dường như thoát khỏi những phương thức về sự hiểu biết và về trách nhiệm giải trình của chúng ta. Niềm tin vào sự quản trị quốc gia và quốc tế đang trên bờ vực sụp đổ.
Đồng thời, các công nghệ theo hướng-AI sẽ có xu hướng phá hủy, chứ không thực thi, các cơ chế quản trị toàn cầu. LHQ đang phải đối mặt với một loạt các thách thức liên quan đến nhau. Hãy xem ba trong số đó.
AI và sự xuống cấp của sự thật
Thứ nhất, AI vốn là một công nghệ lưỡng dụng với các tác động mạnh mẽ (cả tích cực lẫn tiêu cực) ngày càng khó dự đoán, kiềm chế và giảm thiểu.
Lấy [công nghệ] Deepfake làm ví dụ. Các chương trình AI tinh vi giờ đây có thể nguỵ tạo âm thanh, hình ảnh và video, tạo nên các phiên bản mạo danh thường không thể phân biệt với bản gốc. Các thuật toán học-sâu có thể, với độ chính xác đáng kinh ngạc, đọc môi người, tổng hợp lời nói, và ở mức độ nào đó mô phỏng biểu cảm khuôn mặt.
Một khi được phát hành ra ngoài phòng thí nghiệm, các mô phỏng ấy có thể dễ dàng bị lạm dụng với các tác động trên diện rộng (thực sự, điều này đã và đang xảy ra ở mức thấp). Vào đêm trước một cuộc bầu cử, các video Deepfake có thể tái hiện giả tạo các quan chức tham gia vào hoạt động rửa tiền; những video cảnh báo về một dịch bệnh hay cuộc tấn công mạng không có thật có thể gieo rắc sự hoảng loạn trong công chúng; và các sự cố giả mạo như vậy có thể dẫn đến việc leo thang sự căng thẳng ở tầm quốc tế.
Năng lực gây ảnh hưởng lên ý kiến công chúng của các diễn viên với các mô phỏng gây hiểu lầm có thể có những tác động lâu dài và mạnh mẽ tới vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh. Bằng cách làm xói mòn cảm giác tin cậy và chân lí giữa công dân và nhà nước - và thực sự là giữa các quốc gia - tin tức giả mạo thực sự có thể gặm mòn sâu vào hệ thống quản trị toàn cầu của chúng ta.
AI và giám sát chính xác
Thứ hai, AI đã và đang kết nối và hội tụ với một loạt các công nghệ khác, bao gồm công nghệ sinh học, với các tác động quan trọng tới an ninh toàn cầu. Các hệ thống AI trên toàn thế giới được huấn luyện để dự đoán các khía cạnh khác nhau của cuộc sống hàng ngày bằng cách tạo nghĩa từ các tập dữ liệu khổng lồ, chẳng hạn như các biểu đồ giao thông của thành phố, thị trường tài chính, dữ liệu xu hướng hành vi của người tiêu dùng, hồ sơ sức khỏe và thậm chí cả bộ gen của chúng ta.
Những công nghệ AI này ngày càng có khả năng khai thác dữ liệu hành vi và sinh học của chúng ta theo những cách sáng tạo và đôi khi đầy mánh khoé thao túng, có các tác động lên tất cả chúng ta. Ví dụ, búp bê thông minh My Friend Cayla gửi dữ liệu giọng nói và cảm xúc của trẻ em chơi cùng nó lên đám mây, tính năng dẫn đến khiếu nại của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kì và lệnh cấm tại Đức. Tại Hoa Kì, kĩ thuật phân tích cảm xúc đã được sử dụng trong phòng xử án để phát hiện sự hối hận trong các video hỏi cung. Nó có thể sớm trở thành một phần của các cuộc phỏng vấn việc làm để đánh giá câu trả lời của ứng viên và sự phù hợp của họ với công việc.
Khả năng AI can thiệp vào - và có khả năng kiểm soát - hành vi riêng tư của con người có các tác động trực tiếp lên chương trình nghị sự về nhân quyền của LHQ. Các hình thức kiểm soát về mặt xã hội và về mặt sinh học mới trong thực tế có thể đòi hỏi phải cấu trúc lại các khuôn khổ giám sát và thực thi Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền hiện tại, và chắc chắn sẽ yêu cầu hệ thống đa phương phải dự đoán tốt hơn và hiểu rõ lĩnh vực đang nổi lên nhanh chóng này.
Chiến trường AI
Cuối cùng, khả năng ảnh hưởng đến phần lớn dân số của các công nghệ theo hướng AI có một giá trị cấp bách và quan trọng đến mức mà gần như chắc chắn chúng sẽ trở thành sân khấu của các xung đột trong tương lai. Có một viễn cảnh rất thực của một “cuộc đua trên không gian điều khiển” (cyber race), trong đó các quốc gia mạnh và các nền tảng công nghệ lớn tham gia vào những cạnh tranh cho dữ liệu tập trung của chúng ta, làm nhiên liệu để tạo ra uy quyền kinh tế, y tế và an ninh trên toàn cầu. Các hình thức “thực dân hóa-không gian điều khiển” (cyber-colonization) ngày càng có nhiều khả năng sẽ xảy ra, bởi những quốc gia hùng mạnh có thể khai thác AI và công nghệ sinh học để hiểu và có thể kiểm soát người dân và hệ sinh thái của các quốc gia khác.
Hướng tới sự quản trị toàn cầu với AI
Về chính trị, luật pháp và đạo đức, xã hội chúng ta chưa chuẩn bị cho việc triển khai AI. Thêm vào đó, Liên Hiệp Quốc - vốn được thành lập nhiều thập kỉ trước khi có sự nổi lên của các công nghệ này - đang gặp khó khăn theo nhiều cách nhằm phát triển một cách quản trị trách nhiệm mà sẽ hướng các tiềm năng của AI tránh xa khỏi những rủi ro này, và hướng đến an toàn và an sinh chung của chúng ta.
Trong thực tế, sự hồi sinh của các chương trình nghị sự của những nhà dân tộc chủ nghĩa trên toàn thế giới có thể dẫn đến khả năng suy giảm của hệ thống đa phương thực hiện một vai trò quan trọng trong quản trị toàn cầu với AI. Các tập đoàn lớn và những quốc gia thành viên hùng mạnh có thể thấy ít giá trị trong việc đưa các phương pháp tiếp cận đa phương vào những gì mà họ xem là các công nghệ sinh lợi và được bảo hộ bằng bản quyền.
Nhưng có một số cách sáng tạo mà LHQ có thể giúp xây dựng các loại mạng lưới hợp tác minh bạch mà có thể giải quyết vấn đề “rối loạn thâm hụt niềm tin” của chúng ta.
Thúc đẩy bởi một nhiệm vụ được trao cho Đại học Liên hợp quốc (UNU) trong Chiến lược của Tổng thư kí về Công nghệ mới, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại UNU đã viết ra một “Nền tảng Quản trị AI và Toàn cầu” như một không gian tất-cả-trong-một (không loại trừ ai) cho các nhà nghiên cứu, nhà làm chính sách, các lãnh đạo doanh nghiệp và tư tưởng để khám phá những thách thức chính sách toàn cầu do trí tuệ nhân tạo đặt ra.
Từ những đóng góp toàn cầu của các lãnh đạo trong lĩnh vực này, nền tảng này hướng tới việc thúc đẩy những hiểu biết đa ngành đặc biệt nhằm thông tin cho các cuộc tranh luận hiện tại từ lăng kính đa phương, cùng với các bài học thực tế. Những hiểu biết này sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên LHQ, các cơ quan đa phương, các quỹ, các chương trình và các bên liên quan khác khi họ xem xét cả vai trò tập thể và vai trò của họ trong việc định hình sự quản trị AI.
Eleonore Pauwels |
Có lẽ thách thức quan trọng nhất đối với Liên Hợp Quốc trong bối cảnh này là về sự thích hợp, về việc thiết lập lại một cảm giác tin tưởng vào hệ thống đa phương. Nhưng nếu các xu hướng trên cho ta biết điều gì, thì đó là các công nghệ theo hướng AI là một vấn đề của mọi cá nhân và mọi quốc gia, và nếu không có các hình thức hợp tác chung về quản trị thì sẽ thực sự có nguy cơ phá hủy sự ổn định toàn cầu.
Eleonore Pauwels, Nhà nghiên cứu về Các Công nghệ Mạng Mới nổi, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách thuộc Đại học United Nations
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của một mình tác giả, và không phải là của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Nguồn: The new geopolitics of artificial intelligence, World Economic Forum, Oct 15, 2018.