30.5.19

Khi các nhà bảo vệ nữ quyền quấy rối các nhà khoa học


KHI CÁC NHÀ BẢO VỆ NỮ QUYỀN QUẤY RỐI CÁC NHÀ KHOA HỌC
BÌNH LUẬN. Nhân danh một sự phân biệt đối xử tích cực đã trở nên điên rồ, các nhà vật lý học thấy mình bị bêu riếu, chẳng liên quan gì đến năng lực khoa học của họ.
Peggy Sastre
Liệu thời đại của sự điều tra khoa học khách quan đã kết thúc chăng? Trong các phòng thí nghiệm, ranh giới giữa sự phân biệt đối xử tích cực và sự quấy rối ý thức hệ tiếp tục mờ dần. Nhưng ưu tiên cho những ý kiến ​​và danh tính của các nhà khoa học thay vì cho chất lượng các công trình nghiên cứu của họ đang cản trở sự nghiệp và tạo ra những ngược đãi thực sự.
“Hiện tại, tôi chọn cách phát biểu ẩn danh. Tôi không thích điều đó, nhưng tôi còn phải kiếm sống và tôi còn chịu trách nhiệm về những cơ hội nghiên cứu của các sinh viên của tôi và của các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ của tôi.” Người nói với tôi điều đó là một nhà vật lý học thiên văn, ông không hề giết ai cả, ông nói ông đã quyết định rời bỏ nước Úc, nơi ông đã tốt nghiệp và là nơi diễn ra phần lớn sự nghiệp của mình, để sang làm việc ở Trung Quốc. Tại sao? Bởi vì, với tư cách là một nhà nghiên cứu, ông cảm thấy tự do hơn ở Trung Quốc. Có lẽ đó là điều nói quá, nhưng đó là thực tế. Đối với ngày càng nhiều nhà khoa học, những áp lực và việc bị buộc phải vào khuôn phép “phải đạo về mặt chính trị” (không có cách diễn đạt nào khác tốt hơn) trong nội bộ các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu khác nặng nề đến mức mà việc chọn sống lưu vong ở một quốc gia không dân chủ, nơi mà những người đối lập biến mất và các nhóm thiểu số tôn giáo bị khoanh vùng trong những trại cải tạo, trở thành điều bất đắc dĩ nếu muốn làm việc một cách bình thường.” Tôi rời bỏ nước Úc bởi vì tôi đã quá chán ngấy khi thấy những học vị và những nguồn tài trợ dành cho các nhà vật lý học thiên văn thực sự ngày càng giảm”, vị chuyên gia về thiên văn học vô tuyến này tóm lại, với thái độ bực mình.
Giờ đây (gần như vậy) tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng, cho dù đó là vấn đề về tình dục, học tập, đạo đức hay liên quan đến Liên đoàn LOL, sự quấy rối là một bệnh dịch cần phải chống lại. Nhưng sự đồng thuận càng kém vững chắc hơn khi những cá nhân bị quấy rối, đến mức mất đi cả sở thích làm việc hoặc sinh sống, là những nhà khoa học bị tẩy chay vì “tư tưởng lệch lạc”, bất luận tính chính trực, nghiêm túc và chất lượng công trình của họ. Và điều này diễn ra cả khi những điều ức hiếp đó dựa trên những âm mưu dối trá và vu khống.
“Tuyên ngôn về sự đa dạng”
“Bầu không khí chính trị tại các trường đại học Úc thực sự là một trong những lý do chính khiến tôi ra đi. Ngày nay rất khó tìm được một việc làm cố định nếu bạn không thuộc thành phần của một phe phái được bảo vệ (than ôi, tôi là một người đàn ông da trắng, có tình dục khác giới và có đạo Kitô giáo, thật không may!) và/hoặc nếu bạn không có một chính kiến tích cực rõ ràng (hoặc, ít nhất, thể hiện bản thân mình là người đạo đức) đối với một số chủ đề được các nhà sinh thái học cánh tả ấp ủ,” người đối thoại tôi nói rõ. “Ở Trung Quốc, có nhiều khả năng các nhà thiên văn học Trung Quốc sẽ chịu sự can thiệp chính trị của Đảng Cộng sản, nhưng với tư cách là người nước ngoài, người ta để tôi yên. Tôi có thể yên tâm nghiên cứu về thiên văn học, mà không lãng phí thời gian cho những dự án “linh tinh”. Ở đây, người ta luôn tuyển dụng những ứng viên giỏi nhất, bất luận quan điểm tình dục, giới tính hay nguồn gốc sắc tộc. Và trái với ông chủ người Úc của tôi, ông chủ người Trung Quốc chưa bao giờ trách móc tôi vì không phải là một người xã hội chủ nghĩa.”
Giống như ở nơi khác, những điều phiền nhiễu, những thứ đã đẩy nhà vật lý học này sống lưu vong về mặt học thuật, là sự phân biệt đối xử tích cực đã trở nên điên rồ trên toàn cầu. Các mức độ phân biệt đối xử còn rất nhiều”, theo lời giải thích của nhà vật lý học thiên văn. “Đã có ngày càng nhiều chức vụ, học bổng và trợ cấp chính thức dành riêng cho phụ nữ và cho những thành viên của “các quốc gia hàng đầu”. Kế tiếp, đối với những vị trí tuyển dụng người da trắng, có những điều khoản đặc biệt đảm bảo việc tuyển dụng những ứng viên có một hồ sơ ý thức hệ duy nhất. Ví dụ, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn viết một “tuyên ngôn về sự đa dạng” [không gì khác hơn là một lời thề trung thành] trong đó bạn sẽ phải chi tiết hóa toàn bộ “phong cách lãnh đạo” mà bạn đã từng thể hiện trong các nghiên cứu của mình hoặc trong các bài giảng trước đây (ví dụ, bằng cách tổ chức những hội thảo hoặc hội nghị dành cho phụ nữ).”
Những thiên kiến ​​về ý thức hệ
Alessandro Strumia (1969-)
Cách đây vài tuần, trong khuôn khổ một cuộc điều tra đang diễn ra về thuyết Darwin đương đại, hai nhà khoa học người Pháp về các khoa học nhận thức đã yêu cầu tôi “off [ngoại tuyến]” vì một lý do giống nhau: xuất hiện một cách đích danh trên tạp chí Le Point, một ấn phẩm được cho là quá theo “cánh hữu”, giống như tự bắn vào chân mình so với đồng nghiệp và sinh viên của mình. Điều lo lắng là rất khó để không hiểu – hoặc thậm chí hiểu sai – những nhà khoa học thích che giấu danh tính hoặc thay đổi quốc tịch để không phải chịu đựng những búa rìu của dòng chính thống đạo đức đương đại. Alessandro Strumia, giáo sư về vật lý hạt tại Đại học Pisa và còn là một trong số các đồng tác giả của nghiên cứu về sự phát hiện hạt Higgs, là một trong những nạn nhân mới nhất.
Ngày 28 tháng 9 năm 2018, tại tổ chức CERN [Conseil Européen pour la Recherche Nucléaire, Hội đồng Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu] (Geneva), nhà vật lý học [Strumia] đã đọc tham luận trong một cuộc hội thảo mang tên “Lý thuyết về các năng lượng cao và giới tính”. Làm việc trong nhiều tháng để nghĩ ra các thuật toán nhằm cải thiện hệ thống đánh giá các ấn phẩm khoa học, Strumia đã tận dụng hội nghị để trình bày những dữ liệu trắc lượng thư mục – ở cấp độ quốc tế và bao phủ nửa thế kỷ qua – liên quan đến tác giả và tuyển dụng trong ngành vật lý cơ bản. Theo tính toán của ông, các dữ liệu trắc lượng thư mục cho phép chứng thực một sự thật, cuối cùng là đáng mừng: phụ nữ không phải là nạn nhân của sự phân biệt giới tính trong ngành của ông. Những quan sát nhất quán với, ví dụ, một báo cáo dày được Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APS, American Psychological Society) công bố vào tháng 10 năm 2014, từng kết luận rằng, “mặc cho những khẳng định trái chiều thường gặp”, “tính trung lập về giới” – các nhà nghiên cứu được đánh giá dựa trên năng lực của họ, chứ không phải dựa trên danh tính của họ – là quy tắc trong ngành vật lý, cũng như trong các ngành khoa học địa chất, kỹ thuật, kinh tế, toán học và khoa học máy tính. Đó là bấy nhiêu lĩnh vực khoa học mà đàn ông nói chung nhiều hơn so với phụ nữ và vì thế bị người ta nghi ngờ, là có nhiều “sự phân biệt đối xử có hệ thống”. Theo Strumia, một sự đánh giá như vậy có nguyên nhân nhiều từ một định kiến ​​về ý thức hệ có dấu ấn của “chủ nghĩa Mác trong văn hóa” hơn là từ một thực tế hữu hình và có thể đo lường được. Nếu có phân biệt đối xử, Strumia cho rằng sự phân biệt đối xử đó có lợi cho phụ nữ hơn, những người, trung bình, có được học vị sớm hơn trong sự nghiệp của mình và có ít những ấn phẩm và trích dẫn hơn so với các đồng nghiệp nam.
Jessica Wade (1988-)
Marika Taylor (1974-)
Hai ngày sau, cuộc săn được khởi đầu trên trang mạng Twitter. Jessica Wade, nhà nữ vật lý học trực thuộc trường Cao đẳng Hoàng gia London và là nhà hoạt động nữ có thái độ triệt để việc phụ nữ cần tham gia nhiều hơn vào các ngành STEM (viết tắt của “science, technology, engineering and mathematics [khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học]”), cáo buộc Strumia (người mà bà nhầm là chủ nhiệm khoa vật lý lý thuyết của tổ chức CERN) đã trình bày một bài thuyết trình “phân biệt giới tính”, trong đó ông đã lập luận về sự thấp kém của các nhà vật lý học nữ (một sự phản sự thật khác, nhưng không kém phần nghiêm trọng). Sau hàng trăm lượt thích và bài đăng retweet, Wade quyết định khêu gợi một phản ứng của Marika Taylor, một trong những nhà tổ chức nữ của cuộc hội thảo, người thừa nhận bài thuyết trình của Strumia chứa đầy những “công kích mang tính cá nhân”, “sai lệch”, và phản ánh một “sự thiếu chuyên nghiệp rõ ràng”. Taylor, cũng là chủ nhiệm khoa Toán ứng dụng tại Đại học Southampton, tuyên bố sẽ tiến hành các thủ tục khiếu nại chính thức trong thời gian tới. Vài giờ sau, bất chấp “thủ tục công bằng” mà Taylor đã hứa – cho Strumia có quyền tự bào chữa –, các bản ghi âm và ghi hình về cuộc hội thảo của ông cũng như các slide của ông đã bị cưởng bức [manu militari] gỡ bỏ khỏi trang web của CERN. Khi vụ việc được đài truyền hình BBC tiết lộ thì mọi sự đã an bài: Strumia là một người ghét phụ nữ nguy hiểm, cho rằng phụ nữ không “thích hợp” với ngành vật lý.
Chiến dịch nói lên sự phẫn nộ
Fabiola Gianotti (1960-)
Điều mà ông chưa bao giờ nói. Nhưng cả bộ máy truyền thông, lẫn chiến dịch nói lên sự phẫn nộ, cũng như các thủ tục kỷ luật của tổ chức CERN và của Đại học Pisa đều không hề quan tâm đến những sắc thái như vậy. Ngày 18 tháng 1 năm 2019, chính trên cơ sở những tuyên bố sai lệch được quy cho Strumia trên báo chí – đặc biệt, việc ông đã xúc phạm đến Fabiola Gianotti, nữ tổng giám đốc của tổ chức CERN – mà Đại học Pisa đã cáo buộc ông vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ngày 7 tháng 3, tổ chức CERN thông báo rút lại tư cách “nhà nghiên cứu khách mời” đối với nhà vật lý học này và khẳng định lại “sự cam kết của tổ chức đối với những giá trị hàng đầu về sự tôn trọng và tính đa dạng tại nơi làm việc”.
Trong bài báo đã nêu lên vấn đề, đài BBC, một lần nữa, cắt xén những phát biểu của nhà vật lý học nói trên. Từ slide chiếu về sự phân biệt đối xử mà phụ nữ đã thực sự trải qua trong lịch sử của ngành vật lý, bài báo chỉ giữ lại đoạn “vật lý học đã được phát minh và xây dựng bởi [các nhà khoa học] nam, không phải vì được mời”, bỏ qua phần còn lại trong phát biểu của Strumia và sự tham chiếu của ông ấy về Marie Curie. “Về mặt lịch sử,” Strumia giải thích, “vật lý học hiện đại đã được phát minh, từ nhiều thế kỷ trước, bởi những người đàn ông như Galileo và Newton. Chúng ta biết rằng vào thời đó, phần lớn con người (và đặc biệt là phụ nữ) không có cơ hội học tập. Và đàn ông đã bắt đầu nghĩ ra những định chế cần thiết để phát triển một nền văn hóa dựa trên sự chính trực và phẩm chất khoa học. Không ai có đặc quyền tiếp cận, mọi người đều có thể tiếp cận, thử nghiệm và được đánh giá chỉ dựa trên những thành quả của mình, chứ không phải dựa trên giới tính, chủng tộc, v.v.. Marie Curie là một ví dụ về cách thức mà những phụ nữ xuất sắc đã được đánh giá cao trong cộng đồng các nhà vật lý học từ nhiều năm nay. Mặc dù, vào thời đó, không hề có ai nghe nói về một người phụ nữ đang nghiên cứu vật lý học, nhờ vào công trình phi thường của mình, mà bà ấy đã nhận không những là một, mà là hai giải thưởng Nobel”. Một câu lạc bộ đặc biệt ít người, bất luận những đặc điểm và giới tính của bạn.

Marie Curie (1867-1934)

Trên thực tế, Strumia không bảo vệ gì ngoài “sự bình đẳng về cơ hội” trong khoa học. Nói cách khác, như ông đã nói rõ: “Chính người có trình độ giỏi nhất là người có được việc làm, không phân biệt giới tính, chủng tộc, định hướng chính trị, v.v.” Ngoại trừ việc vào thời điểm hiện tại, quan điểm này, luôn phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của phương pháp khoa học, tiếp tục bị đặt lại vấn đề, khi không được đồng nhất với một “sự gây hấn cá nhân”. Strumia, giống như những người khác, phàn nàn về những động thái theo hướng chuyên quyền và bè phái trong việc bảo vệ tính đa dạng, sự hòa nhập và bình đẳng. Ông tin rằng những “khẩu hiệu” đó che giấu một “hệ tư tưởng chính trị không tìm kiếm những cơ hội bình đẳng, mà là sự bình đẳng về kết quả”. Điều này đòi hỏi phải có “sự phân biệt đối xử để cho các nhóm người [...] trở nên bình đẳng hơn các nhóm người khác. Trong thực tế, sự bình đẳng về cơ hội phải làm cho những nhóm người có quá nhiều thành viên không lợi dụng được vị thế của mình. Nhưng sự bình đẳng về kết quả có nghĩa là áp đặt hạn ngạch bằng cách công kích các nhóm người có quá nhiều thành viên bằng những chuyện kể mình là nạn nhân và một sự hiểu lầm tai ác về những khác biệt của con người.” Và Strumia nói thêm rằng ông “dám nói” bởi vì ông “đặt sự liêm chính khoa học của mình lên trên điều mà [ông] có nguy cơ đánh mất”. Điều mà đáng lẽ không bao giờ nên là một lý do cho các biện pháp trừng phạt.
Một “cuộc săn phù thủy”
Janice Fiamengo (1964-)
Janice Fiamengo, nữ giáo sư về Văn học Anh tại Đại học Ottawa và còn là một chuyên gia về những công kích nữ quyền chống lại quyền tự do ngôn luận, đã theo dõi vụ Strumia ngay từ đầu. Và bà không hề lạc quan. Theo bà, quyết định của tổ chức CERN “gửi đi một tín hiệu rõ ràng đến toàn bộ cộng đồng khoa học: thời đại của sự điều tra khoa học khách quan (có lẽ luôn mang tính không hoàn hảo và đang trên đường biến mất trong thời gian gần đây) đã thực sự kết thúc.
Bắt đầu từ hôm nay, mọi nhà khoa học đều sẽ biết cần phải đảm bảo rằng tất cả các tuyên bố, công trình và nghiên cứu của mình được các nhà bảo vệ nữ quyền chấp thuận. Bất kỳ nghiên cứu nào về những vấn đề xã hội đương đại, và đặc biệt các nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến tình trạng của phụ nữ (liên quan cả đến những vấn đề về chủng tộc, tôn giáo và các vấn đề nóng bỏng khác), từ nay sẽ cần phải thừa nhận những trào lưu chính thống về ý thức hệ của thời đại chúng ta. Ví dụ như: không có sự khác biệt về lợi ích và năng khiếu giữa các quần thể hoặc các nhóm người, và bất kỳ sự bất bình đẳng nào về kết quả nhất thiết đều là hậu quả của sự bất công được phổ cập và của sự phân biệt đối xử đối với những nhóm người chưa có đại diện đúng mức. Ngay cả khi có những dữ liệu thực tế chứng minh rằng không hề có những bất công và phân biệt đối xử đó (thậm chí là trong thực tế chính “nhóm người bị áp bức” là những người được ưu đãi, như trong bài thuyết trình của Strumia). Kể từ hôm nay, cần phải bỏ qua, từ chối và tốt hơn là mạt sát những dữ liệu đó”.
“Tổ chức CERN vừa tuyên bố họ sẵn sàng phục tùng một nhóm những nhà ý thức hệ cuồng tín hơn là những đòi hỏi cấp bách của một nghiên cứu đặt nền tảng trên chân lí” Fiamengo tổng kết, với thái độ mệt mỏi. “Đó là một cuộc săn phù thủy, nói một cách thuần túy và đơn giản, thứ cho thấy mức độ mà những người theo khuynh hướng Thanh giáo mới đã thành công trong việc xâm nhập vào tận các ngành khoa học vật lý, một pháo đài từng bất khả xâm phạm trong quá khứ.”
Một điều trớ trêu cuối cùng của lịch sử chăng? Cũng chính tại Đại học Pisa, mà một Galileo nào đó đã được phong làm giáo sư.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Print Friendly and PDF