26.5.19

Trong lòng chủ nghĩa tự do: tư tưởng trường phái Áo

TRONG LÒNG CHỦ NGHĨA TỰ DO: TƯ TƯỞNG TRƯỜNG PHÁI ÁO

Institut Turgot │Bài phỏng vấn François Facchini
François Facchini là giáo sư (Đại học Paris-XI) và là nhà nghiên cứu cộng tác với Trung tâm Kinh tế Sorbonne, Đại học Paris-I – Panthéon-Sorbonne.
Trường phái kinh tế Áo là một dòng tư tưởng khác hẳn hoàn toàn với trường phái tân cổ điển. Sự khác biệt chính giữa hai trường phái này là việc trường phái Áo từ chối suy nghĩ về kinh tế thị trường từ lý thuyết cân bằng. Vì thế cách tiếp cận của trường phái Áo đoạn tuyệt với vật lý học xã hội và mô hình walrasian. Theo những nhà kinh tế học dựa vào truyền thống tư duy này, thông tin về giá cả là yếu tố then chốt của bất kỳ thị trường nào: nếu không có thông tin có khả năng cho thấy số tiền những nguồn lực mà các cá thể sẵn sàng hy sinh để có được một sản phẩm, thì sự phối hợp của các tác nhân còn không hoàn hảo đến chừng nào. Tất cả sự ổn định của sự phối hợp trong các thị trường đều gắn chặt với vai trò tích cực của giá cả. Trong cuộc phỏng vấn này, tác giả quay trở lại với những khái niệm chính yếu được trường phái Áo phát triển– một dạng tư tưởng kinh tế phi chính thống, rất hiếm khi được giảng dạy trong các trường đại học.

Về nền tảng của trường phái Áo

Học viện Turgot – Ông sẽ giới thiệu như thế nào cho những người không am hiểu về trường phái kinh tế ÁoCác đặc điểm chính của dòng tư tưởng này là gì so với trường phái tân cổ điển, đang là dòng tư tưởng chính thống của khoa học kinh tế?
François Facchini – Trước khi trả lời tất cả các câu hỏi của ông, tôi xin cảm ơn ông vì đã quan tâm đến các nghiên cứu của tôi và cách nhìn của tôi về các khoa học kinh tế, và của trường phái Áo nói riêng.
Jesús Huerta de Soto (1956-)
Tôi cho rằng cách giải thích hay nhất về sự khác biệt giữa trường phái tân cổ điển và trường phái Áo đã được Jesús Huerta de Soto trình bày trong cuốn sách nhập môn của ông về dòng tư tưởng này, có tựa đề L’école autrichienne. Marché et créativité entrepreneurial [Trường phái Áo. Thị trường và sự sáng tạo kinh doanh][1]. Trong tất cả những khác biệt giữa trường phái chính thống và trường phái Áo, khác biệt quan trọng nhất đối với tôi cho đến ngày nay có vẻ là việc từ chối suy nghĩ nền kinh tế thị trường từ lý thuyết cân bằng.
Israel M. Kirzner (1930-)
Tôi biết cách suy nghĩ này về trường phái Áo từ lâu đã là chủ đề tranh luận rất nhiều, lần mới nhất là vai trò cân bằng mà Israel Kirzner gắn cho doanh nhân, nhưng chính viễn cảnh các điều chỉnh có tính quá trình này, những điều làm cho thị trường linh hoạt, cho phép xem xét đến sự bất định, sự thiếu hiểu biết của các tác nhân và thời gian nhận thức. Nó cho phép đoạn tuyệt với thế giới cơ học của vật lý học xã hội của mô hình walrasian. Nó cho phép, trong số nhiều điều khác, đảo ngược hoàn toàn cách nhìn của các nhà kinh tế học về vai trò của giá cả trong một thị trường.
Đúng là giá thị trường không hoàn hảo và đôi khi cần phải thêm vào thông tin về giá cả bằng những hiểu biết bổ sung để có thể đưa ra một quyết định đúng đắn, nhưng cũng đúng là nếu không có thông tin về giá cả này, một thông tin có khả năng bộc lộ số tiền những nguồn lực mà các cá thể sẵn sàng hy sinh để có được một sản phẩm, thì sự phối hợp của các tác nhân còn không hoàn hảo đến chừng nào. Như thế, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết cho phép giá cả thị trường có một vai trò tích cực, trong khi nếu xuất phát từ giả thuyết thông tin hoàn hảo thì chỉ dẫn đến việc đánh giá không đúng mức tầm quan trọng của thông tin về giá cả trong sự tính toán kinh tế và, cuối cùng, là sự phối hợp và ổn định của thị trường.
Ludwig von Mises (1881-1973)
Học viện Turgot – Trong hoàn cảnh nào và vì lý do nào ông trở thành người theo trường phái ÁoCó phải điều đó xảy ra ở trường đại học không hay vì ông đã phát hiện ra Ludwig von Mises, Friedrich Hayek và các nhà kinh tế học khác khi tự học?
François Facchini – Như ai cũng đoán được, một khi đã học qua hệ thống đại học Pháp và có lẽ cũng qua các trường đại học lớn khác của Mỹ và châu Âu, thì người ta không dạy kiểu thông điệp này. Tôi tự học trường phái Áo, giống như nhiều nhà kinh tế học đã quan tâm đến trường phái tư tưởng này và cách suy nghĩ của nó về nền kinh tế thị trường, tiền tệ, thời gian, v.v..
Friedrich Hayek (1899-1992)
Việc không giảng dạy trường phái Áo trong các trường đại học được giải thích bởi thực tế là các nhà kinh tế học tin rằng có những điều cần biết và những điều thuộc về lịch sử tư tưởng và/hoặc một chuyên ngành. Những điều cần biết trong các trường đại học là mô hình walrasian (Arrow-Debreu) ​​về cạnh tranh thuần túy và hoàn hảo, được hiểu sai là mô hình hoàn hảo của nền kinh tế thị trường. Mọi việc từ đó mà ra, bởi vì nếu không giảng dạy trường phái Áo, các nhà nghiên cứu trẻ tuổi bị buộc phải bắt đầu lại từ con số không. Lúc đó, họ lại khám phá ra kết quả của những tác giả vĩ đại và quên di việc đổi mới, quên di việc đề xuất các phân tích mới.
Tôi nghĩ vì lý do đó mà cần phải thực sự thành lập một trung tâm nghiên cứu xuất sắc dựa trên những đóng góp trong quá khứ và hiện đại của những tác giả thuộc trào lưu tư tưởng này, cụm từ trào lưu tư tưởng cuối cùng là phù hợp hơn cụm từ trường phái, vì trường phái khiến chúng ta giả định không có một sự đa dạng nào trong trường phái Áo, mà đây không phải là trường hợp như vậy.
Học viện Turgot – Ông có những tác giả quy chiếu nào không trong dòng tư tưởng Áo? Có lẽ ông cũng có những tác giả không được yêu mến, tôi muốn nói là những tác giả mà ông thấy ít thú vị hơn, thậm chí hoàn toàn có thể bỏ qua?
Carl Menger (1840-1921)
François Facchini – Câu hỏi này cho phép tôi trở lại với việc không có trường phái theo nghĩa nghiêm ngặt, nhất là vì việc di dời trường phái Áo vào Hoa Kỳ (Karen Vaughn) đã tạo ra một trường phái Áo-Mỹ dựa trên một văn hóa kinh tế rất khác với văn hóa ở đầu nguồn các công trình của Carl Menger.
Từ nay, sự đối lập được thể chế hóa giữa những người ủng hộ Mises và Rothbard và những người ủng hộ Hayek theo thuyết tiến hoá chỉ là một hệ quả của hiện tượng trên. Trong sự đối lập này, đôi khi bị phóng đại, tôi đứng về phía Hayek.
Học viện Turgot – Mises, Hayek và trên hết Kirzner đã góp phần phát triển cái gọi là lý thuyết Áo về doanh nhân, lý thuyết mà ông đã thể hiện một mối quan tâm hiển nhiên. Kirzner đã lấy sự cảnh giác” (alertness) làm phẩm chất đặc thù của doanh nhân, nói cách khác là phẩm chất phân biệt anh ta với tất cả các nhân vật kinh tế khác. Kirzner đã nỗ lực chứng minh rằng sự cảnh giác vì lợi nhuận này là chìa khóa để tăng trưởng: không có doanh nhân, sự tăng trưởng kinh tế sẽ bị trì trệ hoặc sụt giảm. Xin ông có thể nhắc lại những gì liên quan đến định nghĩa của Kirzner không? Theo cách nào thì sự cảnh giác của doanh nhân là nền tảng của sự tăng trưởng kinh tế?
Randall G.Holcombe (1950-)
François Facchini – Tôi thực sự tin vào ý tưởng này, được Randall Holcombe (1998, tạp chí Quaterly Journal of Austrian Economics) phổ biến dưới khẩu hiệu “doanh nhân là tinh thần của sự phát triển”. Vả lại, ý tưởng này được hậu thuẫn ngay cả bên ngoài trào lưu tư tưởng Áo và các khoa học kinh tế, bởi vì lý thuyết về doanh nhân của Kirzner được phổ biến rộng hơn rất nhiều trong khoa học quản lý hơn là trong khoa học kinh tế. Nó có rất nhiều hệ quả.
Jean Baptiste Say (1767−1832)
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Hệ quả thứ nhất là nó cho phép hợp nhất tất cả các lý thuyết về doanh nhân (Knight, SaySchumpeter) xung quanh một ý niệm, sự cảnh giác trước các cơ hội sinh lợi: lợi nhuận chênh lệch (bán giá đắt hơn so với giá mua), lợi nhuận đầu cơ và lợi nhuận đổi mới sáng tạo (Schumpeter). Điều làm nên đặc trưng của một doanh nhân là tư thế của họ đối với thị trường, cho phép họ nhận thấy được các cơ hội sinh lợi, đặc biệt là sự tồn tại của các giao dịch trao đổi các bên cùng có lợi chưa được các tác nhân khác trên thị trường nhận thấy. Hệ quả của sự cảnh giác này là việc doanh nhân là người làm giảm bớt sự thiếu hiểu biết. Bằng cách nhập khẩu lúa mì Ý vào nước Pháp, doanh nhân cho các nhà sản xuất Pháp biết rằng năng suất của họ là không đủ và cho người tiêu dùng biết rằng họ có thể mua lúa mì rẻ hơn và do đó giải tỏa sức mua, để nuôi dưỡng các thị trường khác và duy trì vòng tròn hiệu quả của việc tạo ra của cải thông qua sự xuất hiện của các cơ hội sinh lợi mới.
Học viện Turgot – Kirzner giải thích các cơ hội sinh lợi bằng sự mất cân đối về giá cảnói cách khác, doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phối hợp kinh tế bởi vì mô hình cân bằng tổng quát được các nhà tân cổ điển bảo vệ không có giá trị trong thực tế. Trong thế giới thực, do giá cả không có khả năng đảm bảo mãi mãi một sự cân bằng của thị trường, nên doanh nhân phát đạt dựa trên những tình huống mất cân bằng. Điều gì biện minh cho cái nhìn động về thị trường này trong phân tích của KirznerTại sao thị trường không có một tình trạng cân bằng tĩnh mà là một tình trạng căng thẳng liên tục về cân bằng?
François Facchini – Lý thuyết về quy trình thị trường là lý thuyết động bởi vì nó mô tả quá trình tập huấn được triển khai trên các thị trường thông qua sự diễn giải các thông tin về giá cả. Điều này giải thích lý do vì sao có sự mập mờ, sai sót, hối tiếc, thành công và thất bại trên các thị trường. Nhưng nó cũng giải thích lý do vì sao đó là một quá trình mà không phải là một sự cân bằng. Thị trườngchưa bao giờ cân bằng, bởi vì những thứ hướng dẫn thị trường là một nguyên lý hiệu quả động.
Ludwig Lachmann (1906-1990)
Vấn đề của trật tự kinh tế không phải là né tránh sai sót và đặt mình trực tiếp vào trạng thái cân bằng, mà là sửa chữa sai sót. Nếu Ludwig Lachmann, một cách đúng đắn, hậu thuẫn việc cho rằng thị trường không hướng tới sự cân bằng, đó là bởi vì tương lai không bao giờ là sự tái tạo lại quá khứ. Vì thế sẽ là điều bất khả khi nghĩ rằng việc sửa chữa các sai sót của ngày nay đảm bảo chống lại các sai sót mới, bởi vì sự hiểu biết về tương lai trong một thế giới bất định, theo định nghĩa, là điều bất khả. Dự đoán, theo nghĩa đó, luôn là một bước nhảy vọt vào cái chưa biết. Sự điều chỉnh là điều diễn ra liên tục và không thể hình dung bất cứ xu hướng cân bằng nào.
Học viện Turgot – Trong một bài báo năm 2007, khi tổng hợp nhiều công trình khác nhau đã tìm cách bổ sung cho lý thuyết của Kirzner, ông đã đề xuất ba nhân tố giải thích bổ sung cho các cơ hội sinh lợi. Theo bài báo của ông, số lượng các cơ hội sinh lợi được giải thích bằng tầm quan trọng của sự mất cân đối về giá, bằng sự thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp có mặt trên thị trường, bằng chính số lượng các cơ hội và bằng mức độ nhập nhằng của thông tin có sẵn về các cơ hội đó. Xin ông có thể nói lại về từng nhân tố trong ba nhân tố giải thích bổ sung này không.
François Facchini – Ba nhân tố nói trên có mặt trong các tài liệu lý thuyết và thực nghiệm về doanh nhân. Ý tưởng là càng có nhiều các cơ hội sinh lợi thì khả năng các doanh nhân nhận thấy có thể có một cơ hội sinh lợi càng lớn. Vì thế, chúng ta hiểu được vì sao mỗi nhân tố này lại có thể giải thích được động thái kinh doanh của một quốc gia.
Hiệu ứng của sự mất cân đối về giá cả đã được trình bày trong câu trả lời của tôi cho câu hỏi áp chót. Một sự mất cân đối về giá cả là điều kiện của lợi nhuận chênh lệch. Ví dụ về nhập khẩu lúa mì giải thích vì sao điều này không chỉ có một hiệu ứng lên sự tăng trưởng kinh tế, mà còn lên cả cơ năng của các cơ hội sinh lợi.
Việc các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thường được đo qua quy mô kinh tế của họ. Các tổ chức quy mô lớn được dự kiến ​​hoạt động kém hiệu quả hơn, có nghĩa là ít linh hoạt hơn. Vì thế, điều đó sẽ cho phép những doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường và cung cấp cho người tiêu dùng những dịch vụ và hàng hóa cạnh tranh hơn. Chúng ta gặp lại ý tưởng cho rằng cơ hội sinh lợi phụ thuộc vào một khiếm khuyết, vào một một sai sót về nhận thức. Điều này giải thích lý do vì sao không có xu hướng cân bằng. Sai sót tạo ra những khác biệt về giá, sự kém hiệu quả trong hoạt động của các doanh nghiệp, nuôi dưỡng sự mập mờ của các thông tin có sẵn trên thị trường và bản thân cơ năng của thị trường.
Chính vì các nhà sản xuất Pháp nhầm lẫn, nói rõ là sử dụng chưa hiệu quả các nguồn lực của mình, nên mới tồn tại một sự khác biệt về giá cả so với những gì đang diễn ra ở Ý và do đó có một cơ hội sinh lợi. Đó là bởi vì người quản lý không nhận thấy sự thiếu hiệu quả trong hoạt động phối hợp sản xuất của doanh nghiệp, để cho các doanh nhân có thể thâm nhập thị trường của mình và chiếm lấy khách hàng của mình. Đó là bởi vì thông tin có tính mập mờ, rằng không phải những người đầu tư nhiều nhất là những người nhất thiết sẽ kiếm lợi nhiều nhất. Một khoản đầu tư tốt thường có khả năng sinh lời nhiều hơn một khoản đầu tư lớn.
Chất lượng các kỳ vọng phụ thuộc vào chất lượng của nhận thức, của cách mà các doanh nhân hình dung thị trường. Đó chính là điều làm nên tính thích đáng của lý thuyết về doanh nhân. Nó đề xuất một diễn ngôn chung về tính độc nhất của các sự kiện xã hội. Doanh nhân là tác nhân của sự thay đổi. Họ là người sửa chữa những sai sót trong quá khứ và hưởng lợi từ những sai sót đó.
Học viện Turgot – Lý thuyết của Schumpeter về doanh nhân nêu bật khả năng đổi mới (chứ không phải là sự cảnh giác vì lợi nhuận) thành đặc trưng riêng của doanh nhân. Nguồn gốc của lợi nhuận, theo Joseph Schumpeter, nằm trong hành động sáng tạo của doanh nhânchứ không không phải trong sự mất cân đối về giá, như đối với Kirzner. Ngoài những khác biệt cơ bản này giữa Schumpeter và Kirzner, liệu có hòa giải được không cách nhìn của hai tác giả này về doanh nhân?
François Facchini – Như tôi đã ngầm nói ở phần trên, khi định nghĩa doanh nhân bằng một tư thế đối với thị trường, Kirzner bao trùm tất cả các định nghĩa có sẵn về doanh nhân. Người sáng tạo là người nhận thấy được lợi nhuận của một sự đổi mới sáng tạo.
Thế rồi sự đối lập giữa Kirzner và Schumpeter về doanh nhân như một tác lực cân bằng so với doanh nhân như một tác lực mất cân bằng không còn lí do tồn tại trong một cách nhìn đích thực về quá trình của các thị trường, trong đó các tác nhân liên tục sửa lỗi nhận thức. Nền kinh tế thị trường là một thế giới mở.
Thomas Aquinas (1225-1274)
Học viện Turgot –Năm 2007, trong một bài báo không phải về khoa học kinh tế mà đúng hơn là về triết học đạo đức, ông đã đề xuất định nghĩa doanh nhân là một người thận trọng, từ khái niệm của Aristote và Thomas Aquinas về sự thận trọng. Xin ông có thể tổng hợp những lý do đã thúc đẩy ông chọn sự thận trọng là một đặc điểm then chốt của doanh nhân?
Aristote (382-322 tr. CN)
François Facchini – Vâng, chính cái thế giới quan bất định đó làm nên đặc trưng củanền kinh tế thị trường và các công trình của Arnaud Pelissier-Tanon, người đã khiến tôi quan tâm đến đức hạnh của sự thận trọng. Jean-Baptiste Say định nghĩa doanh nhân là một con người thận trọng. Tôi thấy định nghĩa này là hoàn hảo đối với trào lưu tư tưởng Áo, bởi vì nó mô tả con người trong một thế giới phi tất định lẫn phi ngẫu nhiên, điều mà trong triết học của Aristote (Pierre Aubenque, La prudence chez Aristote [Sự thận trọng theo Aristote], PUF, “Quadridge”) là một điều kiện tiên quyết cho hành động. Vì thế, chúng ta có các điều kiện của hành động vốn là cơ sở của lý thuyết theo kiểu Mises.
Kế đến, một thế giới phi ngẫu nhiên và phi tất định cho phép hậu thuẫn lập trường đứng giữa của Kirzner-Garrison trong các cuộc tranh luận với các nhà kinh tế hậu keynesian và các nhà kinh tế đã theo đuổi lập trường triệt để của Lachmann về sự lỗi thời của tri thức. Tri thức đặc thù thì lỗi thời, nhưng tri thức tổng quát tiếp tục tồn tại sau kinh nghiệm. Sự hiểu biết của tôi về đồ vật: chiếc bàn, con ngựa, nhu cầu ngủ, ăn uống, v.v., không mất đi với lịch sử của tôi. Sự hiểu biết của tôi về tự do cũng thế. Ở đó, tôi thấy vị trí của tri thức tiên nghiệm theo nghĩa duy thực.
Cuối cùng, thế giới là không tất định, nó dành chỗ cho sự tự do ý chí, cho hành động. Nó áp đặt nhân vật doanh nhân, bởi vì nó mang đến những điều kiện để con người có thể hội nhập vào thế giới để sửa đổi nó theo hướng có lợi cho mình.
Để kết luận điểm này, tôi cũng thấy trong lý thuyết về sự thận trọng, và nói một cách chính xác hơn, trong lý thuyết về sự cân nhắc, một cách để phân biệt rõ ba giai đoạn của quá trình ra quyết định: tưởng tượng ra thế giới của những khả thể, phán xét tính đáng tin của chúng và ra tác động đúng lúc. Lý thuyết về sự duy lý hoàn hảo chỉ xử lý theo cách không hoàn hảo giai đoạn phán xét. Nó quên đi hoàn toàn thời khắc khi tôi tưởng tượng các thế giới những khả thể của tôi. Điều này có một hệ quả rất quan trọng, mỗi cá nhân đều có thế giới riêng của mình về những điều khả thể. Các dự kiến đều không đồng nhất. Điều này có nghĩa là một thế giới phi tập trung, nơi mà mọi người có thể trải nghiệm những lựa chọn thay thế riêng của mình, sẽ tạo ra nhiều sự hiểu biết hơn một thế giới nơi mà một người ra quyết định duy nhất tưởng tượng ra tương lai cho mọi người và triển khai thực hiện nó.

Lịch sử các định chế tự do

Học viện Turgot – Trong một bài báo năm 2008, ông đã đề xuất một giải thích độc đáo về sự xuất hiện ở châu Âu, từ thế kỷ XVII, của sự tự do chính trị và kinh tế và theo đó của chủ nghĩa tư bản hiện đại (chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp)một chủ nghĩa đòi hỏi sự tự do chính trị và kinh tế phải có trước. Ông bảo vệ hai luận điểm: luận điểm thứ nhất cho rằng chủ nghĩa tư bản và sự phổ biến hóa thị trường ra đời ở châu Âu bởi vì lãnh thổ châu Âu đã bị phân mảnh và thuận lợi cho thuyết đa trung tâm và cho sự cạnh tranh về mặt định chế. Xin ông có thể giải thích lại nhân tố thứ nhất này?
Max Weber (1864-1920)
François Facchini – Hai luận đề này không có gì độc đáo. Câu hỏi về sự xuất hiện các thể chế tự do được đặt ra một khi chứng minh được là có một trật tự phi tập trung hiệu quả hơn một trật tự tập trung. Châu Âu đã phát minh ra kiểu trật tự này như thế nào? Các tài liệu thường đối lập luận đề của Montesquieu về các nhân tố địa lý với luận đề của Max Weber về tôn giáo và với luận đề của Emmanuel Kant về sự cạnh tranh giữa các định chế.
Immanuel Kant (1724-1804)
Trong những nghiên cứu đầu tiên, tôi đã tìm cách nối khớp ba giải thích này theo cách sau đây. Sự phân mảnh về mặt chính trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự thử nghiệm về mặt thể chế. Để làm được điều này, các Nhà nước phải bắt chước các kinh nghiệm thành công của các Nhà nước khácvà đôi khi đổi mới chúng. Nguyên lý rất đơn giản: không có một nền kinh tế tốt, một Nhà nước không có đủ cơ sở tài chính để đáp trả cuộc tấn công của các đối thủ cạnh tranhkhi không có những liên minh vững mạnh với các Nhà nước khác – đúng theo nguyên lý của Bertrand de Jounevel, theo đó quyền lực luôn tìm cách tiêu diệt các quyền lực cạnh tranh –, thì một Nhà nước luôn bị đe dọa bởi sự tồn tại của một Nhà nước khác.
Vì thế, sự cạnh tranh giữa các Nhà nước đã khởi xướng những thí nghiệm về thể chế, những thí nghiệm đã cho phép châu Âu tìm ra những thể chế có khả năng công nhận cho mỗi người một quyền đối với bản thân và các thành quả lao động của mình. Như thế, việc nối khớp với địa lý của châu Âu đã được tìm thấy, bởi vì những người ủng hộ luận đề này cho rằng châu Âu là một lục địa bị phân mảnh về mặt địa lý: nhiều bán đảo, v.v., và rằng điều này giải thích sự phân mảnh về mặt chính trị.
Douglas Cecil North (1920-2015)
Chuỗi diễn tiến sau đó là như sau. Sự phân mảnh về mặt địa lý của châu Âu giải thích sự phân mảnh về mặt chính trị, sự cạnh tranh và sự thử nghiệm về thể chế, và cuối cùng là sự phát triển kinh tế theo nghĩa của Douglas Cecil North, hay nói một cách khác, một sự tăng trưởng của sản xuất cao hơn sự tăng trưởng của dân số.
Học viện Turgot – Luận điểm thứ hai mà ông đưa ra cho rằng đạo đức của tự do, điều kiện về mặt hệ tư tưởng của chủ nghĩa tư bản hiện đại, đã có thể lan rộng trên lãnh thổ châu Âu bởi vì châu Âu đã được thống nhất từ giữa thế kỷ V đến thế kỷ X bởi Thiên Chúa giáo, thuận lợi cho việc thừa nhận đạo đức tự do này. Theo ông, Giáo hội đã cho thấy sự quan tâm thúc đẩy sự tự do chính trị và kinh tế đến mức độ nào?
François Facchini – Luận đề của Weber đã được thảo luận và phê phán rộng rãi. Nó không gắn kết chủ nghĩa tư bản với cải cách. Tôi phân tích một cách tương tự, nhưng bằng cách mở rộng chủ đề đến Thiên chúa giáo. Các thể chế tự do là một hiệu ứng của hành động của những người theo đạo Thiên chúa, nhưng đó không phải là ý định của họ. Ví dụ, tôi lấy lại lý thuyết về các hiệu ứng cơ cấu, nhưng đưa vào đó một nhân tố về hệ tư tưởng. Các thể chế là kết quả từ các hành động của con người (không phải ý định của họ), nhưng không phải là bất cứ hành động nào. Điều này có nghĩa là các niềm tin và giá trị đóng một vai trò quan trọng trong hiệu ứng cơ cấu vốn tạo ra các thể chế của chủ nghĩa tư bản.
Hiệu ứng của Thiên chúa giáo lên động thái của các thể chế được các nhà sử học luật biết khá rõ. Họ nhắc lại, một cách đầy đủ, vai trò về sự hiện diện của một giáo hoàng trong động thái này, như là một quyền lực về đạo đức độc lập khi đứng trước các quân vương. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc phát minh các quyền tự do chính trị và sự độc lập của tôn giáo và Nhà nước.
Kế đến, họ nhắc lại tầm quan trọng của các cuộc tranh luận diễn ra trong nội bộ Giáo hội, giữa những người ủng hộ đất đai thuộc về mọi người nhưng có thể bị mỗi người chiếm hữuvà những người ủng hộ lý thuyết về tài sản chung. Chủ nghĩa tư bản không thể nổi lên nếu không có một sự chính danh đạo đức về quyền sở hữu và ý tưởng cho rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng đế. (...)
Học viện Turgot – Ông có nghĩ rằng sự yếu kém của các chế độ tự do kinh tế và chính trị ở các quốc gia Hồi giáo được giải thích (ít nhất là một phần) bởi đạo Hồi, cũng giống như đạo công giáo đã lan truyền ở châu Âu một đạo đức tự do có lợi cho các chế độ tự do kinh tế và chính trị?
François Facchini – Một lần nữa, đây không phải là mối quan hệ trực tiếp giữa Thiên chúa giáo và các thể chế tự do. Các thể chế tự do là kết quả các hành động con người chứ không phải là kết quả các ý đồ của họ. Tuy nhiên, hành động của con người được định hướng bởi những niềm tin và giá trị được biện minh bởi các hệ tư tưởng thế tục hoặc phi thế tục. Các hệ tư tưởng này chính đáng hoá các thể chế. Chúng hợp pháp hoá, ví dụ, sự tư hữu hóa các nguồn tài nguyên và đất đai nói riêng, hoặc sự duy trì các nguồn tài nguyên này thành đồng cỏ chung được tự do tiếp cận.
Trong bối cảnh này, người ta thường nói rằng Hồi giáo là tôn giáo của các nhà buôn và rằng, với danh nghĩa đó, nó thuận lợi cho chủ nghĩa tư bản, nhưng chủ nghĩa tư bản không phải là thương mại. Nếu một dân tộc giàu lên bằng chiến lợi phẩm, bằng các cuộc chinh phục quân sự, thì dân tộc này tạo ra một tầng lớp giàu có có thể chi tiêu thu nhập của mình ở các thành phố và nuôi lại các nhà buôn, nhưng nó không sống trong một thế giới tư bản, nơi mà sự giàu có không bao giờ tách khỏi nỗ lực sản xuất.
Nếu luật pháp hợp pháp hóa chiến lợi phẩm, và quy định quy chế về đất đai, nguồn nước, v.v., và như thế hạn chế khả năng chuyển nhượng các quyền tự do, thì nó ngăn chặn sự trao đổi và hạn chế sự tái phân phối chiến lợi phẩm trong nội bộ nhóm. Chính trên cơ sở đó mà tôi ủng hộ sự diễn giải truyền thống các lời nói của Nhà Tiên Tri, không phải là một nhân tố thuận lợi cho sự sáng tạo của các thể chế tự do (của chủ nghĩa tư bản) hoặc cho việc phổ biến chúng.
Học viện Turgot – Lý thuyết của Weber về sự ra đời của chủ nghĩa tư bản hiện đại ở châu Âu, có nghĩa là chủ nghĩa tư bản kinh doanh, từ thế kỷ XVII, cho rằng đây là hệ quả phi thể chế trong hành xử của các nhà tư sản theo đạo Tin Lành liên quan đến việc tích lũy của cải một cách có hệ thốngvà điều này, không phải để có được sự hưởng thụ vật chấtmà là để diễn giải sự thành công của phương pháp tiến hành này như là dấu hiệu của việc được Thượng Đế chọn. Quan điểm của ông về luận điểm của Weber là gì? Theo ông, những mặt mạnh và thiếu sót của luận điểm đó là gì?
François Facchini – Đúng như những gì đã được trình bày trong các câu trả lời khác cho câu hỏi của ông rằng đây là một hiệu ứng cơ cấu. Luận đề của Weber có tính kích thích, nhưng việc đọc các tài liệu mà luận đề đó đã gợi lên, khiến tôi nghĩ rằng nó không đúng. Tôi đã đề xuất một dạng tổng hợp những phê phán đã được nêu lên đối với quan điểm của ông ấy, trong một bài báo của tôi được đăng trong tạp chí Revue Tiers Monde về văn hóa và sự đa dạng văn hóa. Dưới đây là tổng quan những phê phán có thể đối với đề xuất của Weber.
Trước hết, có rất nhiều phản ví dụ. Scotland theo truyền thống Calvin kém phát triển hơn nước Anh theo giáo hội Anh hoặc huống hồ là kém hơn một nước Bỉ theo Công giáo. Đã có những cực phát triển tồn tại trước khi cuộc cải cách theo thuyết Calvin (Venice, Cologne) ra đời. Người Do Thái và người Armenia ở Hà Lan đã đóng một vai trò quan trọng giống như người theo thuyết Calvin trong sự phát triển đất nước này. Mẫu số chung của các nhà buôn không phải họ là những người theo thuyết Calvin, mà là những người di dân từ các trung tâm công nghiệp và thương mại lớn của thế kỷ XV: Augsburg, Antwerp, Liege, Como, Lucca, Lisbon. Sự phát triển kinh tế, theo nghĩa này, không phải là một khám phá của người theo đạo Tin Lành bởi vì Hồi giáo, trước thế kỷ X, đế chế Trung Quốc và/hoặc các thành phố theo đạo Công giáo đã trải qua những thời kỳ thịnh vượng tương đối ngay cả trước khi có cuộc Cải cách.
Sau đó, các mối liên kết giữa thần học theo Calvin và tinh thần kinh doanh là không rõ ràng. Thuyết Calvin đã tạo ra những khuyến cáo về chính sách kinh tế rất độc đoán và mang tính can thiệp. Quan hệ nhân quả giữa người theo thuyết Calvin và sự tìm kiếm giàu có (tư sản) không hoạt động theo chiều của Weber mà theo hướng ngược lại, người tư sản trở thành người theo thuyết Calvin vì ở đó việc làm của họ được công nhận tốt hơn so với trong Giáo hội Công giáo. Marshall Knappen cũng chỉ ra rằng chủ đề lo âu do tiền định không có trong các tác phẩm của những nhà thần học theo Thanh giáo, và Christopher Hill (1966) chỉ ra rằng chủ đề kỷ luật và lao động không phải là điểm đặc thù riêng của những người theo Thanh giáo, mà là sự thể hiện của một chính sách nhằm khuyến khích mọi người làm việc. Weber cho rằng sự tiền định xác định một lối sống mới trên trần thế dẫn dắt con người muốn làm giàu để nắm bắt những tín hiệu của việc được chọn lên thiên đường. Tuy nhiên, chúng ta có thể diễn giải theo hướng ngược lại, đó là do biết được vị trí của mình trên thiên đường đã được quyết định nên con người không làm bất cứ điều gì để thay đổi điều đó. Con người cần phải quyết định tương lai của mình thì mới hành động, hay nói cách khác con người cần hội nhập vào trần thế để điều chỉnh nó. Chúng ta cũng có thể tự hỏi: tại sao sự thành công kinh tế và thương mại là dấu hiệu của sự cứu rỗi trong thế giới bên kia? (Baechler [1971]Berman [2002], p.352, Novak [1987], Stark [2007]).
Đối với tôi, trong những điều kiện trên dường như không thể giữ nguyên trạng luận đề của Weber.
Học viện Turgot – Trong phân tích mác-xít, sự ra đời của chủ nghĩa tư bản hiện đại diễn ra thông qua việc các doanh nghiệp tư nhân độc lập chiếm hữu mọi phương tiện sản xuất và bằng việc chuyển đổi đất đai thành tư bản. Về mặt này, phong trào rào chắn đất đai ở Anh, vào thế kỷ XVIII, là một hành động đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản. Ý kiến ​​của ông về phân tích mác-xít?
François Facchini – Từ nay, lý thuyết rào chắn đã vượt ra ngoài phạm vi của trường phái Mác-xít để trở thành, đặc biệt là với North, trung tâm của lý thuyết thể chế về sự vươn lên của châu Âu.
Sự quan tâm đến một lý thuyết như vậy là để minh họa đúng lý thuyết chi phí giao dịchvà cho thấy sự đóng góp của Nhà nước, như là một siêu doanh nghiệp, để triển khai một lập luận về mặt thể chế hiệu quả hơn, và làm điều này bằng cách tư nhân hoá đất đai chung.
Sự quan tâm thứ hai đến một lý thuyết như vậy là để đưa ra một ngày tháng cho sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Đó vừa là một lợi thế vừa là điểm yếu, bởi vì như tôi tin tưởng, chủ nghĩa tư bản, trước hết, là việc triển khai dần dần một tâm lý thuận lợi cho sự tự do và cho sự công nhận các quyền sở hữu, rất khó để xác định một cách chính xác ngày tháng sự ra đời của một hệ thống kinh tế như vậy.
Ví dụ, Werner Stark cho rằng chính vào thế kỷ XI đã xuất hiện điều ông gọi là chủ nghĩa tư bản quân chủ. Vì thế, đó là một quá trình lâu dài hơn nhiều, ít được dịnh vị trong thời gian và không gian, có khả năng xem xét lại ý tưởng cho rằng người Anh đã phát minh ra chủ nghĩa tư bản trong khi nước Pháp, là nước đã phát minh ra các quy định, học thuyết của chủ nghĩa tư bản.
Điểm yếu khác của lý thuyết Mác-xít là nó làm cho hệ tư tưởng trở thành một công cụ của quyền lực, trong khi không có gì ngăn cản chúng ta nghĩ điều ngược lại, rằng các hệ tư tưởng vĩ đại sử dụng quyền lực để tự hoàn thành. Không chỉ các giới tinh hoa chính trị mới thao túng hệ tư tưởng tôn giáo. Hệ tư tưởng tôn giáo cung cấp một cách nhìn cho các giới tinh hoa. Nó quyết định hướng đi mà các giới tinh hoa muốn mang lại cho lịch sử các thể chế.
Học viện Turgot – Mỗi thế hệ, tôi xin trích dẫn ông, trong lý thuyết về các thay đổi thể chế được đề xuất ở đây, đều luôn được tự do cải sang và/hoặc bảo vệ hệ tư tưởng của thời đại mình. Như thế, khi đưa tôn giáo vào trong việc giải thích các thay đổi thể chế, chúng ta đã cho doanh nhân có được một vị trí trong lý thuyết tiến hóa, và chúng ta tự hỏi làm thế nào con người hình thành nên các niềm tin của mình và điều chỉnh chúng. Doanh nhân mà ông đề cập ở đây, chính xác hơn là doanh nhân hệ tư tưởng”, thứ đã cho phép, tôi trích dẫn ông một lần nữa, sản sinh ra những tổng hợp mới và những đổi mới về đạo đức, như sự ra đời của một xã hội vô thần gần như hoàn toàn bị thế tục hóa.
Nhân vật doanh nhân hệ tư tưởng này có vẻ đặc biệt thú vị đối với tôi. Xin ông có thể phát triển rõ hơn suy nghĩ của ông về chủ đề nàyNhững điểm tương đồng và khác biệt giữa doanh nhân kinh tế và doanh nhân hệ tư tưởng là gì?
François Facchini – Trước tiên, phải hiểu rõ rằng doanh nhân vừa là biểu trưng của sự thay đổi vừa là kết quả của một tư thế về phương pháp luận. Hai chiều kích này gắn bó với nhau, bởi vì doanh nhân là cội nguồn của các hiện tượng kinh tế. Họ là nguyên nhân của sự thay đổi. Họ không giống như quả bi-a. Sự chuyển động của họ không được giải thích bằng một cú sốc ngoại sinh. Ngược lại, hành động của doanh nhân tạo ra sự chuyển động.
Chính vì lý do này mà chúng ta có thể nói đến doanh nhân hệ tư tưởng, nó là tác nhân của sự thay đổi về hệ tư tưởng. Các điều kiện của thế giới bên ngoài không chỉ khiến nó hành động. Nó có thể khiến con người nhìn thế giới theo một cách khác, trong khi thế giới không thay đổi. Ví dụ, nó có thể chỉ ra rằng chế độ nô lệ, chiến lợi phẩm và hành vi cưỡng đoạt của cải của người khác là những hành vi bất công và không có gì có thể biện minh cho những hành vi chính trị như vậy. Nó thay đổi cách nhìn của chúng ta về thế giới và sau đó có thể gây ra một sự thay đổi về thể chế.
Karl Marx (1818-1883)
Quan điểm này rất khác với quan điểm của các nhà thực nghiệm và các nhà duy vật, những người, từ Karl Marx đến North, thường nghĩ rằng sự thay đổi thể chế bắt nguồn từ một sự thay đổi của thế giới khách quan – và đối với North, từ một sự thay đổi của các giá tương đối. Đối với doanh nhân hệ tư tưởng, thế giới thay đổi là bởi vì sự diễn giảivề thế giới thay đổi. Vì điều chúng ta cũng cần phải hiểu là trung tâm của trật tự xã hội chính là các quy tắc pháp luật và rằng các quy tắc này tạo ra một thế giới chắc chắn, một cách giả tạo, trên cơ sở các chuẩn mực quy phạm. Chuẩn mực công lý này làm cho các thể chế ổn định. Nếu chuẩn mực đó thay đổi, thì các thể chế của chúng ta không còn nền móng và sự bất ổn về hệ tư tưởng sẽ mở đường cho một sự cân bằng mới về thể chế dựa trên cơ sở một tiêu chí công lý khác.
Việc sử dụng một cách thích hợp toán học trong khoa học kinh tế
Học viện Turgot – Trong một bài báo năm 1999, ông đã tranh cãi, theo đường hướng của trường phái Áo, tính khoa học của việc viện đến toán học trong khoa học kinh tế. Đặc biệt, ông đã viết: Lý thuyết cân bằng, phép tính vi phân hoặc phép tính ma trận buộc chúng ta đặt giả thiết về sự thông hiểu mọi việc và đưa tư duy của chúng ta vào một thời gian tuần tự không tồn tại. Con người là người ngu dốt và sống trong dài hạn. Vì thế, kinh tế toán học sẽ tác hại nghiêm trọng đến sự hiểu biết của chúng ta về sự phối hợp kinh tế, bởi vì nó sẽ đặt vấn đề bằng khái niệm phân bổ tối ưu các nguồn lực, trong khi vấn đề là cần biết những cá thể khám phá ra tài năng của mình như thế nào và sử dụng các nguồn lực mà họ có sẵn như thế nào. Điều này dường như, đối với tôi, là một trong những lý do then chốt để dè chừng đối với việc sử dụng toán học trong khoa học kinh tế. Xin ông có thể phát triển thêm và giải thích quan điểm mà ông đã đưa ra? 
François Facchini – Quan điểm này theo hướng của tác phẩm của Mario J. Rizzo và Gérard P. O'Driscoll, Time and Ignorance [Thời gian và sự ngu dốt]và bài báo của Hayek từ năm 1945 về việc sử dụng tri​​ thức. Sẽ là điều hữu ích nếu cuốn sách của Rizzo và O'Driscoll được dịch, bởi vì đây chắc chắn là một trong những đóng góp thú vị nhất của trường phái Áo đương đại.
Trước tiên, Hayek chỉ ra rằng sự phân bổ tối ưu các nguồn lực giả định chúng ta biết được giá trị mà các cá thể gán cho mỗi nguồn lực. Giá trị mang tính chủ quan. Một của cải tự nhiên có thể, trong các điều kiện đó, là không có giá trị. Dầu thô có giá trị ít hơn trong một thế giới mà chúng ta không biết động cơ nổ, so với trong một thế giới mà chúng ta đã phát hiện ra phương tiện này.
Theo nghĩa đó, hệ thống giá cả không chỉ là một tham số của quyết định. Nó là thứ cho phép các cá thể biết được, một mặt, giá trị của các vật phẩm, những gì họ sẵn sàng hy sinh để có được nó; và mặt khác, cho phép họ thích ứng với sự tiến hóa của những hiểu biết mới mà họ tích luỹ được nhờ vào kinh nghiệm của mình và cuối cùng làm thay đổi giá trị mà họ gán cho các vật phẩm.
Quá trình phức tạp này không thể được mô tả bằng một mô hình cân bằng, dựa trên một tính toán đòi hỏi cần phải có tất cả những thông tin cần thiết để đưa ra một quyết định. Toán học chỉ có thể công thức hóa một thế giới khả thi, nơi mà tương lai là sự tái tạo của quá khứ, hay nói một cách khác nơi mà tương lai là bản sao của quá khứ. Việc đưa thời gian của ý thức vào ngăn chặn việc suy nghĩ theo cách nói trên, nó đưa vào kí ức, sự diễn giải, sự tập huấn, v.v., tất cả những gì làm nên động thái của một quyết định trong một thế giới mà thời gian là không thể đảo ngược và sự bất trắc là một điều kiện của hành động (lý thuyết thận trọng).
Tôi cho rằng các nghiên cứu mới nên được thực hiện theo hướng này để nắm bắt rõ hơn các giới hạn và lợi ích của toán học trong khoa học kinh tế.
Học viện Turgot – Những người ủng hộ kinh tế toán học thường viện đến hai lập luận lớn để giải thích cho việc mô hình hóa toán học. Lập luận thứ nhất khẳng định rằng việc viện đến toán học buộc nhà nghiên cứu phải xây dựng giả thuyết của mình một cách minh bạch và nói rõ ý nghĩa của các quan hệ mà họ đặt thành định đề. Theo ông, điều gì khiến cho lập luận đó không được chấp nhận?
François Facchini – Đúng là các mô hình của những nhà kinh tế toán học dựa trên một danh mục những giả thiết được xác định rõ ràng. Đúng là chúng ta thường đặt ra các giả thiết đó để đơn giản hóa thực tế, và điều này luôn hữu ích khi chúng ta đối mặt với một thực tế phức tạp.
Tuy nhiên, điều thường bị lãng quên là các giả thiết đó không chỉ được đặt ra để đơn giản hóa thực tế. Chúng còn được đặt ra để làm cho việc công thức hóa trở thành điều khả thi. Chính công cụ phân tích là thứ ra lệnh cho nhà nghiên cứu. Hiện tượng tương tự này cũng tồn tại trong kinh trắc học. Mọi vấn đề đều trở nên định lượng. Hiệu ứng của biến thiên của x trên số lượng y là gì, trong khi, theo như lý thuyết Áo về các chu trình đã cho thấy, có thể có một sự đầu tư sai.
Ví dụ, chúng ta có thể trở nên giàu hơn một cá nhân từng đầu tư nhiều tiền hơn mình; và điều này xảy ra, chỉ vì nguyên nhân duy nhất là lợi tức đầu tư của chúng ta cao hơn; nói một cách khác, bởi vì những dự kiến của chúng ta có chất lượng tốt hơn. Vì thế, không hề có mối liên kết cơ học giữa mức độ đầu tư và sự làm giàu. Chính chất lượng các khoản đầu tư xác định mức sản xuất. Một mình hệ thống giá cả chỉ có thể cung cấp những thông tin hướng dẫn sự lựa chọn đầu tư hướng đến những nhu cầu được các cá thể đánh giá cao nhất.
Đó cũng là hiệu ứng của một lý luận thuần túy định lượng lên phân tích kinh tế.
Học viện Turgot – Lập luận thứ hai của những người bảo vệ kinh tế toán học: việc sử dụng các ký hiệu toán học cho phép tiến hành những phân tích mà độ phức hợp không thể sánh bằng với ngôn ngữ thông thường. Ví dụ, dưới dạng toán học, nguyên lý lợi ích cận biên được trình bày theo cách như sau: Nếu số lượng hàng hóa được ghi là q và nếu sự khả dụng tương ứng được ghi là u, thì u=f(q), du=f’(q)>0, và d2u/dq2<0Theo những người bảo vệ kinh tế toán học, việc công thức hóa toán học nguyên lý lợi ích cận biên cho phép trình bày điều mà ngôn ngữ thông thường không thể trình bày được. Lý do vì sao ông lại bác bỏ tính thích đáng của phân tích này?
François Facchini – Tôi không bác bỏ tính thích đáng của công thức này, nhưng, cũng như con trai của Carl Menger, tôi chỉ ra rằng sự trình bày bằng lời văn của lý thuyết này có một phạm vi tổng quát lớn hơn. Nó vẫn có giá trị, ngay cả khi các hàm lợi ích không có một đạo hàm cấp hai âm và ngay cả khi các đường cong của nó không hề có bất kỳ điểm tiếp tuyến nào.
Học viện Turgot – Theo ông, toán học về lý thuyết các chu kỳ của các nhà cổ điển mới từ bỏ hiệu ứng Cantillon vì các yêu cầu về độ chính xác của toán học. Xin ông có thể cho chúng tôi biết thêm về chủ đề này?
Richard Cantillon (1680-1734)
François Facchini – Ở đây cũng vậy, tôi dẫn lại một lập luận có trong công trình của Rudy van Zijp và Trijntje Visser (1995). Hiệu ứng Cantillon làm nổi bật hiệu ứng tiệm tiến và khác biệt lên giá cả của việc bơm tiền vào nền kinh tế khi nó lan truyền qua các giao dịch thương mại kể từ thời điểm thêm tiền được bơm vào. Đây là một sự công thức hóa không định lượng về hiệu ứng của cung tiền lên sự ổn định của một nền kinh tế và quỹ đạo của nó.
Hiệu ứng Cantillon, giống như lý thuyết đầu tư kém, nhấn mạnh đến cấu trúc của tư bản, nói rõ hơn là sự phân chia giữa tiêu dùng hiện tại và tiêu dùng trong tương lai. Sẽ là điều cực kỳ khó để công thức hóa dạng lý luận này, mà còn khó để kiểm định nó về mặt kinh trắc, cho dù có một số tác giả người Áo đã cố gắng thử làm.
Học viện Turgot – Ông cũng viết rằng: Kinh tế toán học tập trung sự chú ý vào một chiều kích không quan trọng của các hiện tượng kinh tế. Kinh tế toán học tin rằng khoa học kinh tế là một khoa học về số lượng trong khi khoa học kinh tế là một khoa học về hành động kinh tế. Số lượng và giá cả được ghi nhận trên thị trường là kết quả của những đánh giá về giá trị, nhưng trái với cây thước đo chiều dài cái bàn, tiền tệ không đo giá trị của hàng hóa. Vì vậy, tồn tại một sự nhầm lẫn có hại của các nhà kinh tế toán học về thực tế. Xin ông có thể làm rõ thêm bản chất của sự nhầm lẫn này và hệ quả của nó đối với tính xác thực của lý thuyết kinh tế?
François Facchini – Quan điểm này phải được đặt lại trong bối cảnh triết học của nó. Các nhà duy thực theo thuyết của Thomas Aquinas phân biệt ba mức độ trừu tượng hóa: sự trừu tượng hóa nhạy cảm, định lượng và bản thể học. Cả ba cấp độ trừu tượng hóa này đều rất quan trọng để hiểu được các sự kiện kinh tế.
Người ta chỉ ra rằng sự phát triển của kinh tế học định lượng và toán học hoá ủng hộ cấp độ [trừu tượng hóa] định lượng. Sự trừu tượng hóa định lượng biến nền kinh tế Pháp hoặc nước Pháp thành tất cả những gì có thể đo lường được, quy mô của nó, khối lượng sản xuất của nó, v.v.. Điều này không độc lập với việc toán học hóa bộ môn, đối với một số người toán học vốn là khoa học về các con số.
Sẽ là điều phi thực tế khi muốn quy thực tế về những khía cạnh có thể đo lường được; và nhất là thực tế kinh tế, bởi vì bản chất các kiện kinh tế là ý đồ hành động của con người. Thông qua các thể chế của mình, con người muốn làm một điều gì đó. Họ có ý định thực hiện một dự án. Chủ nghĩa cá nhân phức hợp sẽ bổ sung thêm các hiệu ứng cơ cầu mà chúng ta đã thảo luận cùng với lý thuyết văn hóa về sự phát minh các thể chế tự do. Trong các điều kiện đó, chúng ta không thể nắm bắt được bản chất của tiền tệ, tài sản, thị trường, sự tự do, chỉ duy nhất bằng cách đo lường mức độ tự do, khối lượng tiền bạc, số tiền các nguồn lực được đầu tư trong việc đảm bảo các quyền sở hữu, v.v..
Chúng ta chỉ có thể nắm bắt thế nào là tiền tệ, giao dịch thương mại, tài sản, v.v. dựa trên cơ sở một tri​​ thức nội quan hoặc một dạng quy nạp định tính. Số lượng và giá cả được ghi nhận trên thị trường là những thực tế chỉ có ý nghĩa khi được đặt trong một lý thuyết có chỗ cho các ý định, các dự kiến, các sai sót, v.v., cho tất cả những gì làm nên hành động học, lý thuyết hành động.
Institut Turgot – Thưa ông, cuộc phỏng vấn của chúng tôi kết thúc ở đây. Ông có muốn nói thêm điều gì không?
François Facchini – Vâng, tôi muốn cảm ơn các câu hỏi của ông  chất lượng của chúng và niềm vui được trao đổi với ông. Tôi hy vọng điều này sẽ kích hoạt những phản ứng và phê bình từ độc giả và điều này sẽ giúp hiểu rõ hơn sự phong phú trong các công trình của trường phái Áo đương đại và các chuyên đề lớn của nó: doanh nhân, các tin tưởng, thể chế, quyền tư hữu, tự do, và cả sự quan tâm đến toán học và kinh trắc học.
Cuộc phỏng vấn được Grégoire Canilorbe thực hiện, lần đầu, đã được đăng trên trang web của Viện Coppet vào tháng 2 năm 2014.

Tài liệu tham khảo :
Berman H. J. [2002], Droit et révolution, Librairie de l’Université d’Aix-en Provence, éditeur, traduction française de Law and RevolutionThe formation of the Western Legal Tradition, 1983, Harvard University Press.
Hill C. [1966], Society and Puritanism in Pre-Revolutionary England, London, Mercury Books (1964)
KNAPPEN M., [1939], 1964, Tudor Puritanism in Pre-Revolutionary England, London, Mercury Books; cité par BOUDON (2000, p. 811).
Novak M. [1987], Une éthique économique. Les valeurs de l’économie de marché, cerf, Institut La Boétie, traduction française de The Spirit of Democratic Capitalism (1982).
Stark R. [2005, 2007], Le triomphe de la raison. Pourquoi la réussite du modèle occidental est le fruit du christianisme, Presses de la renaissance, traduit de l’américain, (2005), The Random House Publishing Group, New York.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
NguồnAu cœur du libéralisme: la pensée autrichienne, trong tạp chí Problèmes économiques No 3120, Première quinzaine de novembre 2016.



[1] Huerta de Soto J. (2007). L’école autrichienne. Marché et créativité entrepreneurial [Trường phái kinh tế Áo. Thị trường và sự sáng tạo kinh doanh], được dịch từ tiếng Tây Ban Nha bởi Rosine Letinier, Viện Charles Coquelin, Paris, La Escuela AustriacaMercado y Creatividad empresarial, edit. Sintesis Madrid. Xem phiên bản điện tử ngắn hơn tại: http//www.quebecoisilibre.org/000930-8.htm.

Print Friendly and PDF