10.5.19

Tư duy phản biện, thuốc giải độc các thuyết âm mưu


TƯ DUY PHẢN BIỆN, THUỐC GIẢI ĐỘC CÁC THUYẾT ÂM MƯU

Phỏng vấn do Naïri Nahapétian thực hiện
Trong cuộc gặp gỡ được tổ chức bởi Les cahiers pédagogiques (Tạp chí Sư phạm) nhân dịp ra mắt chuyên đề “giáo dục tư duy phản biện”, ba nhà giáo dục đã được phỏng vấn về chủ đề giáo dục truyền thông. Làm thế nào để cung cấp cho người trẻ chìa khóa của sự hiểu biết và làm thế nào để tổ chức tranh luận trong trường học, trong bối cảnh nhiều người trẻ đọc thông tin thông qua mạng xã hội, nơi mà các thuyết âm mưu thỉnh thoảng được lưu truyền và các tin giả đang tăng lên theo cấp số nhân.

Theo Jean-Michel Zakhartchouk, chuyên gia giáo dục, Gérard de Vecchi, tác giả cuốn sách Former l’esprit critique (Giáo dục tư duy phản biện) (NXB ESF), Johanna Hawken, nhà sáng lập Trung tâm Triết học ở Seine-Saint-Denis, thì một phần câu trả lời nằm trong việc giáo dục tư duy khoa học và trong việc tổ chức các tranh luận trên lớp học nhằm giúp học sinh tin tưởng vào khả năng biện luận của bản thân. 
Học sinh, đối tượng rất thường xuyên sử dụng mạng xã hội, bị phơi nhiễm trước các tin giả. Làm thế nào để tổ chức tranh luận trong các lớp học khi có quá nhiều sự nghi ngờ quá đáng đang nuôi dưỡng các thuyết âm mưu?
Jean-Michel Zakhartchouk: Chủ đề rất thời thượng, nhưng không chỉ đụng đến vấn đề tin giả và sự phát triển của thuyết âm mưu, nó còn cho phép chúng ta tự hỏi làm thế nào tinh thần khoa học có thể được thực hành trong trường học.
Jean-Michel Zakhartchouk
Tạp chí Sư phạm đã xuất bản một chuyên đề liên quan đến tư duy phản biện vào năm 1986, kể từ đó, sự xuất hiện của internet và mạng xã hội đã làm cho vấn đề này phức tạp hơn một cách đáng kể. Để chống lại chủ nghĩa giáo điều và một kiểu chân lý bị áp đặt từ trên cao xuống, thì cần phải giáo dục sự nghi ngờ, vậy nhưng ngày nay, sự nghi ngờ cũng có thể dẫn đến các thuyết âm mưu.
Tuy thế, quyền được nghi ngờ, thậm chí là trách nhiệm phải nghi ngờ vẫn đóng một vai trò quan trọng. Một cách đơn giản là cần phải chứng minh sự nghi ngờ của mình bằng kiến thức. Do vậy, cùng với chúng tôi, nhà khí tượng học Valérie Delmotte-Masson đã ra lời kêu gọi tích hợp các vấn đề khí tượng vào trong hệ thống giáo dục một cách thực sự. Còn có vũ khí nào tốt hơn chống lại những kẻ nghi ngờ sự nóng lên của khí hậu toàn cầu mà, nhà khoa học nữ nhắc lại, người ta đã quá coi trọng khi gọi họ là những người “hoài nghi” trong khi họ đơn giản và thuần tuý là những người phủ nhận hiện tượng này?
Mặt khác, nghiên cứu về vấn đề sự thật cần phải có sự tiếp cận xuyên ngành. Như chúng tôi đã trình bày trong chuyên đề về toán, chúng ta có thể làm việc với các số liệu thống kê để chỉ ra là đến độ nào chúng có thể bị thao túng. Thế mà, ngày nay, khía cạnh này trong các giờ toán trên các lớp học có chỗ đứng quá khiêm tốn. Tình hình cũng tương tự đối với nghệ thuật, văn chương, chúng ta có thể phát triển tư duy phản biện của học sinh trước một vỡ kịch, trước các bộ phim, các em có thể tạo ra các trang Wikipédia trong khuôn khổ giáo dục truyền thông… Cuối cùng, mấu chốt là vấn đề đào tạo giáo viên.
Gérard de Vecchi: Thời sự cho chúng ta thấy rằng, ngày nay, việc giáo dục tư duy phản biện cũng quan trọng như việc học đọc, học viết và học tính toán. Như Albert Jacquard đã từng nói “Mục đích của việc giảng dạy phải là tạo ra những người làm phiền!” Đó là việc đưa vào bên trong học sinh một trạng thái tinh thần, chứ không phải là việc mang lại cho chúng những kiến thức lý thuyết hay một mớ các kỹ thuật. Khi ông thầy đề cập đến một khái niệm, thì thường tình, thầy khởi đi bằng việc định nghĩa nó, điều này hãy còn rất lý thuyết đối với học sinh. Thay vì vậy, định nghĩa nên được đề cập trong quá trình giảng giải sau khi đã phân tích các ví dụ thực tế.
Gérard de Vecchi
Albert Jacquard (1925-2013)
Một số giáo viên khẳng định rằng không cần thiết phải phát triển tư duy phản biện nơi học sinh, bởi các em “đã khá hay phản biện rồi”. Tuy nhiên, sự phê phán chỉ trích và tư duy phản biện không phải là một thứ, thậm chí hai điều này lại ngược nhau. Những góp ý có tính phản biện có mục đích là để giúp người khác, làm cho anh ta tiến bộ lên, chứ không phải để hạ đạp anh ta xuống. Trên lớp học, việc dựa trên các góp ý của các bạn học là một trong các phương cách giúp làm xuất hiện các ý niệm mà học sinh có được từ các thuật ngữ khác nhau, giúp các em đối chiếu chúng và làm các em tiến bộ.
Johanna Hawken: Có quá nhiều hiểu lầm về tư duy phản biện, nên cần phải dựa trên các công cụ thật rõ ràng và thật đơn giản để làm cho vấn đề trở nên đơn giản hơn. Tư duy phản biện trong một tinh thần chín chắn trưởng thành là dựa trên văn hóa và kiến thức cần thiết phải chuyển tải. Đối với các trẻ từ 5 đến 10 tuổi, như các trẻ mà chúng tôi thường đón tiếp tại Trung tâm Triết ở Romainville, bước đầu tiên của việc học là sử dụng thời gian để xem xét một khái niệm, một ý tưởng… Trong các lớp triết, chúng tôi làm điều này thông qua trò chơi thẻ, tấm thẻ thứ nhất in câu “tôi đồng ý, bởi vì…”, tấm thẻ thứ hai có nội dung “tôi không đồng ý, bởi vì…”. Khi giáo viên nói “Các em vận dụng tư duy phản biện của mình nhé!”, các em có thể đưa tấm thẻ này, tấm thẻ khác, hai tấm thẻ hay chẳng tấm nào… Quan trọng là “tại sao?”, với thói quen này, các em dám thể hiện sự tự do diễn đạt thông qua trò chơi. Những em không dám diễn đạt cũng cảm thấy mình có khả năng thực hiện điều đó. Như Emmanuel Kant đã nói “Để trở thành công dân, thì cần phải dám nghĩ”.
Johanna Hawken
Phần các em lớn hơn, các học sinh trung học cơ sở hay phổ thông, những đứa trẻ nghi ngờ tất cả, điều này dẫn một số em tới việc tin vào các tin giả, thì cần phải giúp các em hiểu rằng sự nghi ngờ cần được xem là tạm thời trong quá trình suy nghĩ. Quả vậy, nghi ngờ là một thời khắc trong phương pháp giúp tiếp đó xác lập một luận đề và chân lý. Trung tâm Triết mà chúng tôi đã sáng lập là một tổ chức thực nghiệm chuyên về triết học dành cho các học sinh ở mọi lứa tuổi và dành cho các chủ thể trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa ở Seine-Saint-Denis. Nó dựa trên một ý tưởng về sự táo bạo: sau khi kết thúc các lớp học của chúng tôi (tại chỗ hay trong các lớp học của các em), thì các học sinh vốn trước đây không dám tỏ ra táo bạo nay nhìn nhận bản thân như những chủ thể có khả năng tư duy.
Quả vậy, trong mọi lứa tuổi, con người chúng ta có thể xác định được rằng các kiến thức được kiểm chứng thì khác với các thông tin không được chứng thực.
Một cách chính xác là làm thế nào để giáo dục tư duy phản biện trong lớp học? Liệu có những kỹ thuật cụ thể nào không?
Gérard de Vecchi: Hãy còn quá thường xuyên, các giáo viên làm cho học sinh của họ phát biểu luôn chờ đợi những câu trả lời cụ thể cho những câu hỏi họ đặt ra. Trong khi việc tự diễn đạt không phải là việc nói những gì người khác chờ đợi. Và tại đây, là chỗ mà các luận thuyết âm mưu có thể xuất hiện. Nhưng thay vì đi tìm kiếm những câu trả lời đúng, ta đi tìm các mâu thuẫn và các câu hỏi?
 Jean-Michel Zakhartchouk: Trong một môn học như lịch sử, một cách tốt để chống lại thuyết âm mưu là cùng nhau truy vấn các nguồn sử liệu: chẳng hạn, làm thế nào chúng ta biết được ngày tháng và những bối cảnh nào diễn ra liên quan đến biến cố thành Bastille bị chiếm? Tương tự như vậy, Quỹ La main à la pâte (Bàn tay nặn bột) được đưa vào trong các lớp học cung cấp nhiều cách thức để phát triển tinh thần khoa học bằng cách vừa dựa trên lịch sử các khoa học, vừa dựa trên các phương pháp thực nghiệm và quan sát.
Tiếc thay, các chương trình giáo dục mới của cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã có một bước lùi liên quan đến khía cạnh này bằng cách gạt ra ngoài lề chương trình Giáo dục Thực hành Liên Môn (EPI) và bỏ rơi những Thực hành liên môn bằng cách xóa bỏ các hoạt động Thực hành có Hướng dẫn (TPE). Các giáo viên văn chương chuyên đưa ra những phê bình các bộ phim, nhìn chung không còn thời gian để làm điều này nữa. Thật đáng tiếc vì các bố trí về mặt sư phạm xung quanh phim ảnh đã khuyến khích rất nhiều học sinh tự diễn đạt. Nếu được giới thiệu trước thì đã có thể dẫn dắt những công chúng không có thói quen xem các phim thử nghiệm đến với các nghệ thuật này.
Cần hành động khẩn cấp. Các trang web theo thuyết Sáng thế rất khéo léo, bởi họ sử dụng các phê bình chính đáng đối với Darwin và trang bị cho mình bằng những lý luận giả - khoa học. Họ nói, trái đất không phải hình tròn… nhưng nó cũng không phải là hình phẳng như một số trang web đã nói…
Gérard de Vecchi: ngay ở bậc mầm non, cũng có thể làm thiên văn khi biết rằng các cách trình bày sẽ lần lượt tiến hoá với thời gian. Để làm điều này, chúng ta có thể khởi đi từ trải nghiệm cuộc sống: bắt đầu nhìn sự vật như một con người (mặt trời mọc và lặn) cho một cảm giác là chính mặt trời quay xung quanh trái đất. Sau đó, chúng ta được học rằng mặt trời là một ngôi sao… Và như vậy chúng ta cũng hiểu có các mức độ kiến thức tiếp nối nhau. Tương tự như thế, điều quan trọng cần nhắc lại rằng trong khoa học, kiến thức được chuyển tải chỉ là một dạng kiến thức ở thì hiện tại và rằng chúng có thể còn tiến hoá nữa …
Johanna Hawken: Và không phải vì thế mà kiến thức này là không đúng!
Và điều này cho phép chống lại sự gia tăng của các tin giả đang nuôi dưỡng chủ nghĩa âm mưu?
Jean-Michel Zakhartchouk: Mặc cho những gì các web theo thuyết Sáng thế nói, trái đất không phải có 4000 năm tuổi. Và ngay cả nếu sự nóng lên của khí hậu không nhất thiết là có thể cảm nhận được trong mùa đông này, tôi có thể chỉ dẫn các học sinh hãy tham khảo sự đồng thuận của những định chế có thẩm quyền. Suy nghĩ về việc làm thế nào để chúng ta xác lập một sự thật cho phép làm chủ các kiến thức. Đã có các tiêu chuẩn để hợp thức hoá chúng. Điều này đúng đối với Shoah (cuộc diệt chủng người Do thái do Đức quốc xã tiến hành - ND), với vụ ám sát Kennedy, biến cố 11 – tháng 9… Để có thể tiến xa hơn, chúng ta có thể cho học sinh thấy rằng những người theo thuyết âm mưu dựa trên các chi tiết để đặt vấn đề với một chân lý tổng quát. Để xác lập một sự kiện lịch sử thực sự, chúng ta có thể cho học sinh nghiên cứu các tài liệu lưu trữ trong các thành phố nơi các em sống, nhìn chung, điều này tạo ra động lực nơi các em.
Gérard de Vecchi: Vẫn còn quá thường xuyên, ý kiến biến đổi thành niềm tin và dần dần trở thành một sự thật phổ biến. Trước vấn đề này, học sinh có thể tìm kiếm bằng cách dựa trên một nguồn tham khảo, nhìn chung thì đó là giáo viên, người thông qua hay không thông qua những kết luận của các em. Thực vậy, cách nghĩ có thể tiến triển một cách từ từ. Bởi lẽ không có gì tệ hơn là cố gắng áp đặt ý kiến của mình lên học sinh. Các luận đề được nêu lên không phải để đặt cái này chống lại cái khác, nhưng là để đặt cái này bên cạnh cái kia. Một số người suy nghĩ kiểu này, số khác lại kiểu khác: quan trọng là lắng nghe lý lẽ của đối phương và tinh chỉnh các lập luận và từ từ thúc đẩy phát triển cách tư duy của mỗi người.
Johanna Hawken: Để làm điều này, thì cần dựa trên bạn học, trên các học sinh khác, bởi vì, khi chúng ta hỏi các em về những gì các em suy nghĩ, thì luôn có một em trả lời “em không biết”.
Jean-Michel Zakhartchouk: một nguy cơ là, đặc biết trước các vấn đề liên quan đến niềm tin tôn giáo, học sinh tụng một điều gì đó ở trường, và gắn bó với niềm tin của chúng ở nhà.
Johanna Hawken: Có các phương tiện để giúp các giáo viên tạo ra một khung chăm sóc để học sinh có thể tranh luận. Sự chân thành là đặc biệt quan trọng, là người lớn, chúng ta có thể nói: “Những gì em vừa mới nói đặt ra cho tôi một vấn đề, tôi đề nghị chúng ta cùng nhau suy nghĩ về điều này…” Tiếc thay, với các chương trình giáo dục mới, trong chương trình đào tạo giáo viên, giáo dục công dân ngày nay ít dựa trên tranh luận mà dựa trên sự truyền thụ thông tin với một việc học tập dựa trên các biểu tượng, chẳng hạn như cờ tam tài.
Jean-Michel Zakhartchouk: Những thực hành như tranh luận, các lớp triết và các thực nghiệm càng sớm được triển khai, học sinh càng có thể sớm xây dựng cho mình một tham chiếu tin cậy và phát triển lòng tự tin. Không nên chờ đến khi xảy ra một khủng hoảng khác với những hiệu ứng phóng to như chúng ta đã thấy trong vụ khủng bố tòa Báo Charlie Hebdo. Và khi bị mắc kẹt, thì không nên để các giáo viên một mình đối diện với học sinh, mà cần huy động toàn bộ thiết chế nhà trường. Tất cả điều này đòi hỏi công tác phòng ngừa một cách lâu dài.
Nguyễn Khánh Trung dịch
Nguồn: L’esprit critique, antidode au complotisme”, Alternatives économiques, 06.3.2019
Print Friendly and PDF