28.5.19

Trung Quốc và Hoa Kì bước vào giai đoạn chiến tranh chiến hào + Chiến tranh thương mại Trung Mĩ đã khởi động trở lại + Huawei: cuộc chiến công nghệ chính thức nổ ra

THƯƠNG MẠI: TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN CHIẾN TRANH CHIẾN HÀO
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại buổi quốc yến tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 9 tháng 11 năm 2017. (Nguồn: SCMP)
Khi quan sát diễn tiến của các nhà đàm phán, người ta nghĩ Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ở rất gần với một thỏa thuận. Nhưng trong một tuần, cuộc chiến tranh thương mại đã bắt đầu lại càng khó khăn hơn. Donald Trump áp đặt mức thuế quan mới với quy mô lớn lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả và đáp lại, Washington đang chuẩn bị một loạt biện pháp mới. Nhưng chính xác thì chuyện  đã xảy ra? Ai là bên thua thiệt nhiều nhất? Tại sao người Trung Quốc lại chọn cách chiến đấu đến cùng”?
SỰ LEO THANG
Bắc Kinh đã không chờ lâu để đáp trả. Vào hôm thứ Hai, ngày 13 tháng 5, tức là ba ngày sau khi Hoa Kỳ tăng mức thuế quan 25% lên 200 tỷ US$ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc và chưa đầy hai giờ sau dòng tweet đe dọa của Donald Trump – “Trung Quốc không nên phản ứng lại, nếu không điều đó sẽ còn tệ hơn” –, Bộ Tài chính Trung Quốc đã tuyên bố trả đũa bằng việc tăng thuế quan đối với một nửa (60 tỷ US$) hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Trong số 2493 sản phẩm, mức thuế quan sẽ được tăng lên 25%; đối với các sản phẩm khác, mức thuế quan sẽ tăng từ 5 đến 20%. Danh sách này bao gồm các mặt hàng như máy bay du lịch, máy tính, vải, thịt, lúa mì, rượu vang và khí tự nhiên hóa lỏng. Không nằm trong danh sách này là các mặt hàng như linh kiện xe ô-tô và những xe ô-tô từng là đối tượng tạm hoãn thuế quan trong các cuộc đàm phán.
Cùng ngày, Washington cũng chuẩn bị một cuộc phản công. Bây giờ, tổng thống Mỹ muốn tăng mức thuế quan 25% lên 300 tỷ US$ hàng nhập khẩu bổ sung của Trung Quốc, một thuế suất sẽ bao trùm toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Thế là Bộ Thương mại [Hoa Kỳ] đã công bố danh sách những sản phẩm có liên quan và thông báo một phiên điều trần công khai vào ngày 17 tháng 6 tới. Khác với danh sách trước đây [về những sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc thuộc diện chịu thuế] vào tháng 7 và tháng 9 năm 2018, chỉ bao gồm các mặt hàng trung gian, bản danh sách mới bao gồm các mặt hàng tiêu dùng, đầu tiên là notebook, máy tính xách tay và điện thoại, giày dép, quần áo và đồ chơi.
Phản ứng lại với sự đe dọa mới này, giám đốc tờ Thời báo toàn cầu, nhật báo chính thức của Đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, đã nêu trong một dòng tweet những ý nghĩ về việc Bắc Kinh nên bán ra các Trái phiếu kho bạc Mỹ. Với việc nắm giữ 1100 tỷ US$ [Trái phiếu kho bạc Mỹ], chiếm 5% trên tổng số, Trung Quốc là nước chủ nợ nước ngoài hàng đầu. Kể từ hai quý nay, Trung Quốc bán ra bình quân 20 tỷ US$ [Trái phiếu kho bạc Mỹ] mỗi tháng. Việc tiến hành bán ra ồ ạt [Trái phiếu kho bạc Mỹ] sẽ làm đảo lộn thị trường và sẽ làm giảm lợi tức, dẫn đến việc sẽ làm giảm giá trị nguồn dự trữ của Trung Quốc. Động thái này có nhiều khả năng vẫn tiếp tục, Trung Quốc chờ cho đến khi các Trái phiếu kho bạc Mỹ [do mình nắm giữ] đến hạn để bán.
LÀM xÓi ngẦm QUAN HỆ “CHINAMERICA
Nếu điều nói trên trở thành hiện thực, thì việc Mỹ tăng mức thuế quan sẽ biến cuộc xung đột thành một cuộc chiến tranh thương mại thực sự. Nếu tác động của việc tăng mức thuế quan 25% (lên 200 tỷ US$ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc) được ước tính là 600 US$ cho mỗi hộ gia đình, thì việc mở rộng ra đối với tất cả các sản phẩm [xuất khẩu của Trung Quốc] có thể làm tăng gấp ba hóa đơn [của các hộ gia đình]. Những cử tri bình dân nhất của Donald Trump sẽ là những người chịu khổ nhiều nhất. Tác động cũng sẽ không kém phần nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc: tổ chức Moody ước tính GDP của Trung Quốc sẽ giảm 1,2 điểm, đưa mức tăng trưởng của Trung Quốc còn 5%.
Peter Navarro (1949-)
Robert Lighthizer (1947-)
Việc cân bằng lại giao dịch thương mại với Bắc Kinh là một hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump. Đắc cử tổng thống, ông đã phát động những chính sách thù địch trong năm qua, một vài tháng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Một năm sau, quan hệ với Trung Quốc đã trở thành một ván cược của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Đảng Dân chủ chia sẻ quan điểm của tổng thống về hồ sơ Trung Quốc nhưng chỉ trích thái độ của ông đối với vấn đề châu Âu và Canada. Họ sẽ tấn công mạnh vào một thỏa thuận chỉ là một lời hứa suông của Trung Quốc về việc nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ. Đảng Dân chủ đồng ý với những người theo phái diều hâu trong Nhà Trắng: Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại, và Peter Navarro, cố vấn của Tổng thống, sử dụng cơn thịnh nộ của Donald Trump để buộc Trung Quốc tiến hành những cải cách mang tính cấu trúc, kiềm chế sự tiến bộ của họ và ngầm làm suy yếu khái niệm kết hợp “ChinAmerica”.
Liệu cuộc tấn công của Mỹ này có hiệu quả không? Năm 2018, Bắc Kinh vẫn còn có thể hiệu chỉnh các miếng đánh trả của mình với loạt tấn công của Washington. Điều này không còn khả thi vào năm 2019, bởi vì Trung Quốc đang thiếu đạn: thực vậy, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ ít hơn năm lần so với hàng hóa xuất khẩu của họ sang Hoa Kỳ. Vì vậy, các miếng đánh trả của họ ở mức vừa phải. Tuy nhiên, giao dịch thương mại giữa hai siêu cường, 5% GDP của Trung Quốc, vẫn là một thách thức quan trọng. Trong quý 1 năm 2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm thêm thanh khoản để bù đắp cho tác động co lại 10% trong giao dịch thương mại song phương lên sự tăng trưởng kinh tế (xem bài Chiến tranh thương mại Trung-Mĩ đã khởi động trở lại ở bên dưới), vốn vẫn còn rất mạnh. Nhưng điều đó không xảy ra trong quý hai: doanh số bán lẻ đã chậm lại vào tháng 4 và trừ phi đồng nhân dân tệ đột ngột suy yếu (tỷ giá đồng nhân dân tệ vẫn gần như ổn định kể từ tháng giêng), thì sự xói mòn đồng tiền sẽ không đủ để bù đắp cho tác động từ việc tăng mức thuế quan lên các sản phẩm xuất khẩu.
điỀu GÌ ĐÃ XẢY RA Ở BẮC KINH?
Chúng ta không khỏi tư lự khi quan sát các giai đoạn gần đây của cuộc chiến tranh thương mại “kỳ lạ” này. Thử nhìn lại với những gì đã kích hoạt sự đánh trả của người Mỹ. Tuần vừa qua, người Mỹ rõ ràng đã rất ngạc nhiên. Cho đến lúc đó, họ tự tin các cuộc đàm phán đã có những bước tiến trên rất nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ. Nhưng họ vỡ lẽ khi văn bản dài 150 trang từng được thỏa thuận đã bị điều chỉnh còn 105 trang. Văn bản mới không nói gì hết về các thủ tục kiểm tra các cam kết hoặc về vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước. Chuyện gì đã xảy ra ở Bắc Kinh? Liệu các nhà đàm phán có bị cấp trên phủ nhận? Liệu có hay không sự bất đồng trong nội bộ chính quyền trung ương? Trong mọi trường hợp, sự thay đổi này minh họa cho sự đổi hướng của Trung Quốc kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Lý Khắc Cường (1955-)
Năm 2012, dưới sự bảo trợ của Thủ tướng Lý Khắc Cường [Li Keqiang], Ngân hàng Thế giới và Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) đầy quyền lực đã xuất bản cuốn China 2030 [nguyên bản, China 2030: Building a Modern, Harmonious, and Creative Society - Trung Quốc năm 2030: Xây dựng một xã hội hiện đại, hài hòa và sáng tạo – ND]. Nghiên cứu này phác họa lộ trình để ngăn Trung Quốc rơi vào chiếc bẫy các nước thu nhập trung bình. Nó khuyên nên dành nhiều không gian hơn cho khu vực tư nhân, theo cách của Nhà nước Hàn Quốc vào những năm 1990. Nhưng vào năm 2017, Tập Cận Bình đã quay lưng lại với lời khuyên này. Nhà nước đã quay trở lại ở Trung Quốc, như phân tích chi tiết trong cuốn sách của Nicholas Lardy. Không có chuyện chấp nhận sự can thiệp hoặc cải cách ở các doanh nghiệp nhà nước. Đảng Cộng sản Trung Quốc coi các doanh nghiệp nhà nước là một công cụ then chốt cho quyền lực của họ, và lo ngại những hậu quả của một cuộc cải cách trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm hơn so với những năm 1990 – vào thời điểm đó, việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước đã gây ra những vụ sa thải ồ ạt.
HẸN NHAU Ở OSAKA
Nicholas R. Lardy

Người Mỹ và người Trung Quốc đã tự đưa ra một thời hạn hai tuần để suy nghĩ. Việc tăng thuế quan sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 6. Khoản tạm dừng này trên mặt trận thương mại không ngăn được sự nối lại các cuộc tấn công trên mặt trận công nghệ. Ví dụ, Huawei đã bị Donald Trump đưa vào danh sách đen và từ nay những doanh nghiệp Mỹ nào muốn bán linh kiện cho Trung Quốc đều phải được Mỹ cấp giấy phép.
Trừ phi các nhà đàm phán của cả hai bên đạt được một thỏa thuận từ nay đến ngày 1 tháng 6, lối thoát cho cuộc xung đột sẽ dựa trên cuộc gặp giữa Tập Cận Bình với Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào ngày 28-29 tháng 6. Từ hai bờ của Thái Bình Dương, vẫn tồn tại những nhận thức khác nhau. Hai nguyên thủ quốc gia đều có cảm giác có thể chiếm ưu thế so với bên kia: Tập Cận Bình, người kiểm soát tốt hơn vấn đề, cho rằng Donald Trump cần có một thỏa thuận trước cuộc bầu cử năm 2020; Tổng thống Mỹ, người tự coi mình là một nhà đàm phán giỏi hơn, tin rằng tình hình kinh tế tốt ở Hoa Kỳ mang lại cho ông lợi thế so với nhà lãnh đạo Trung Quốc, người lo ngại tình trạng kéo dài của một cuộc xung đột. Trên thực tế, Tập Cận Bình và Donald Trump có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến tranh chiến hào.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế học tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành cuốn: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation” [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa] và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
* * *
CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI TRUNG-MỸ ĐÃ KHỞI ĐỘNG TRỞ LẠI!
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: SCMP)
Chiến sự đã bắt đầu từ hơn một năm trước đây và đã quay trở lại trong tháng này, khi mà mức thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã giảm nhẹ – lần đầu tiên – và khi mà các cuộc đàm phán có vẻ như sắp đến hồi kết thúc.
SỰ TÁI CÂN BẰNG bẰng HẠ sách
Kể từ chiến dịch tranh cử của mình, Donald Trump đã tiến hành tái cân bằng giao dịch thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Một hứa hẹn mị dân chỉ gán sự thâm hụt thương mại này cho các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc, trong khi lời giải thích nằm ở vị trí của Trung Quốc trong các chuỗi giá trị toàn cầu – Trung Quốc là điểm tập kết lắp ráp cuối cùng đối với nhiều sản phẩm – và hơn nữa còn ở việc người Mỹ tiêu thụ nhiều hơn những gì họ sản xuất. Khi đắc cử vào cuối năm 2016, mức thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã là 300 tỷ US$, và hai năm sau nó đã đạt mức 440 tỷ US$. Trong quý đầu của năm 2019, lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, mức thâm hụt này đã giảm nhẹ ở mức dưới 10%. Sự tái cân bằng từng được mong muốn được tiến hành bằng hạ sách: nông sản xuất khẩu của Mỹ giảm mạnh do các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh; doanh số bán các thiết bị vận tải cũng giảm cùng với sự tăng trưởng chậm lại tại thị trường Trung Quốc; doanh số mua các linh kiện điện tử Mỹ cũng giảm 25%. Điều tương tự cũng diễn ra đối với các giao dịch thương mại dịch vụ, trong đó có dòng khách du lịch người Trung Quốc [đến Hoa Kỳ], tiến triển một cách yếu ớt.
Năm 2010, trong bài diễn văn Liên bang của mình, Tổng thống Obama đã cam kết sẽ tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong năm năm. Căn cứ vào các số liệu thống kê của hải quan, Hoa Kỳ còn lâu mới đạt được mục tiêu đó với Trung Quốc: trong tám năm, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ chỉ tăng 20%. Ngược lại, doanh số của các công ty con của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc hẳn là đã tăng gấp đôi – từ 300 tỷ US$ lên 560 tỷ US$ từ năm 2010 đến năm 2016, theo các dữ liệu gần đây nhất của​​ Cục phân tích kinh tế. Các doanh số nói trên tượng trưng cho năm lần giá trị xuất khẩu – để dễ so sánh, doanh số của các công ty con của Mỹ ở Pháp lớn hơn gấp sáu lần so với kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang thị trường Pháp. Việc tính đến hoạt động của các công ty con tương đối hóa vai trò của cán cân thương mại song phương.
ĐIỀU CẢN TRỞ
Thay vì hân hoan với mức giảm đầu tiên trong thâm hụt thương mại song phương được công bố vào ngày phái đoàn Trung Quốc tới Washington, Tổng thống Trump đã gây ngạc nhiên cho các thị trường với một dòng tweet đe dọa sẽ tăng mức thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ US$ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Được dự kiến thực hiện vào mùa xuân 2018, mức tăng thuế quan này đã bị tạm hoãn đến hai lần. Mức tăng thuế quan này nhắm vào 6000 sản phẩm và có hiệu lực trong thời gian đàm phán vòng đàm phán thứ 11 vừa kết thúc vào ngày 11 tháng 5. Cuối tuần qua, tổng thống Mỹ đã yêu cầu Robert Lighthizer, Đại diện thương mại và nhà đàm phán [theo chỉ định của tổng thống], nghiên cứu việc mở rộng mức tăng thuế quan này đối với toàn bộ các hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, một quá trình sẽ phải mất ít nhất một tháng.
Điều gì đã làm cho Donald Trump nổi cơn thịnh nộ như vậy? Nội dung các cuộc đàm phán bao gồm sự tái cân bằng quan hệ thương mại song phương và sự cải cách mang tính cấu trúc về vấn đề chuyển giao công nghệ, an ninh mạng, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường Trung Quốc, những méo mó trong cạnh tranh xuất phát từ việc các doanh nghiệp Nhà nước được đối xử ưu đãi và cuối cùng là về việc hủy bỏ (theo yêu cầu của phía Trung Quốc) hoặc duy trì (theo mong muốn của phía Mỹ) mức tăng thuế quan đã được đưa ra kể từ khi bắt đầu cuộc chiến. Trong tuần lễ trước vòng đàm phán thứ 11, đội ngũ của Robert Lighthizer đã công bố một danh sách dài những lời hứa của Trung Quốc và rõ ràng chỉ ràng buộc những người nghe các lời hứa đó. Đàm phán về điều khoản thực hiện các cam kết của Trung Quốc đã dẫn đến một văn bản dài hàng trăm trang. Các nhà đàm phán Trung Quốc đồng ý tuân thủ các quy định theo các yêu cầu của Mỹ, nhưng từ chối đưa các quy định này vào các văn bản pháp luật được Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc thông qua tại Bắc Kinh, bởi vì điều này sẽ được coi như là một sự đầu hàng.
Donald Trump đã viết trên trang tweet rằng ông không bị áp lực để đi đến việc kết thúc các cuộc đàm phán. Tổng thống còn hân hoan cho rằng quyết định của mình sẽ mang lại 100 tỷ US$ cho Kho bạc của Mỹ. Thế nhưng thuế quan sẽ thu lợi rất ít và rốt cuộc, chính người tiêu dùng Mỹ là những người sẽ phải trả khoản thuế mới này. Tổng thống đã cam kết một khoản trợ cấp mới cho người nông dân miền Trung Tây nước Mỹ, là những nạn nhân chính của cuộc chiến.
Liu He (1952-)
Trở về Bắc Kinh, Liu He, nhà đàm phán Trung Quốc, đã nói với Tân Hoa Xã: “Chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận trên rất nhiều điểm, nhưng vẫn còn bất đồng. Đó là những vấn đề về nguyên tắc và chúng tôi sẽ không nhượng bộ về nguyên tắc.” Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo toàn cầu, “Ngài Kinh tế Tập Cận Bình” đã khẳng định rằng Trung Quốc sẽ có các biện pháp trả đũa trong khi vẫn bày tỏ sự lạc quan trong việc theo đuổi các cuộc đàm phán. Ông nói tiếp với tờ Thời báo toàn cầu rằng sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc sẽ cho phép Trung Quốc kháng cự.
SỰ TRẢ đũa CỦA TRUNG QUỐC
Các biện pháp trả đũa của Trung Quốc từ nay trở đi đã áp lên toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ nên Bắc Kinh đang thiếu đạn để đáp trả tương ứng với loạt tấn công mới của Mỹ. Tuy nhiên, họ vẫn còn nhiều lựa chọn: tấn công vào các hàng nông sản nhập khẩu, tăng thuế quan (có gợi ý áp 40% thuế quan lên các ô tô nhập khẩu), kêu gọi tẩy chay, và không nằm trong giới hạn thương mại, làm cho hoạt động kinh doanh của các công ty con của Mỹ ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn hoặc kiềm chế các công ty của Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Trong khi các cuộc thăm dò cho thấy có một tỷ lệ cao các doanh nghiệp nước ngoài dự kiến rời bỏ Trung Quốc, thì cuộc khảo sát mới nhất của Rhodium cho thấy số tiền đầu tư của Mỹ chỉ suy giảm một chút (từ 14 xuống 13 tỷ US$ từ năm 2016 đến năm 2018). Từ phía Trung Quốc, hoạt động đầu tư của họ vào Hoa Kỳ đang suy sụp. Các biện pháp từ phía Trung Quốc để chống lại sự thất thoát vốn và các biện pháp của Mỹ để kiềm chế những vụ sở hữu kỹ thuật công nghệ, đã làm cho các dòng tiền đầu tư vào hai nước giảm từ 45 tỷ US$ vào năm 2016 xuống 29 tỷ US$ vào năm 2017 và 5 tỷ US$ vào năm 2018. Trung Quốc không những không dở bỏ các rào cản đối với nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), mà còn đưa ra những biện pháp khuyến khích điều đó. Việc tấn công vào các công ty con của Mỹ, những doanh nghiệp đang sử dụng 2 triệu lao động tại Trung Quốc, sẽ làm mất đi phần nào sự hỗ trợ của một bộ phận của cộng đồng kinh doanh Mỹ.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang dấn thân vào trò chơi ngoại giao bóng bàn. Quả bóng đang ở bên sân của Trung Quốc, một tháng trước khi Tập Cận Bình và Donald Trump gặp nhau tại hội nghị G20 ở Osaka.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế học tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành cuốn: Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa] và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
* * *
HUAWEI: CUỘC CHIẾN CÔNG NGHỆ CHÍNH THỨC NỔ RA
Justin Délépine
Khi cấm cửa thị trường mình đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei, Hoa Kì dấn thêm một bước trong cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc. Sự kiện này cũng bộc lộ là ngành viễn thông phụ thuộc như thế nào về mặt công nghệ vào một số rất ít công ti.
Hoa Kì sử dụng trọng pháo. Khi thông báo đưa tên doanh nghiệp Trung Quốc Huawei vào danh sách các công ti bị cấm giao dịch, chính phủ Hoa Kì đã dấn thêm một bước trong cuộc chiến công nghệ đối đầu với Trung Quốc. Ngay sau khi quyết định này được đưa ra, cả một loạt doanh nghiệp Mĩ đã tuyên bố ngưng cung cấp dịch vụ cho Huawei. Do đó, các quyết định này loại Huawei ra khỏi nhiều dịch vụ mà những sản phẩm của công ti này dựa vào, và trước tiên là các dịch vụ do Google cung cấp với hệ điều hành Android cho điện thoại di động. Bởi thế quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến công ti Trung Quốc mà cả toàn bộ người sử dụng những sản phẩm Huawei trên thế giới. Và cho thấy là ngành viễn thông phụ thuộc như thế nào về mặt công nghệ vào một số rất ít công ti, trong đó có Google... và chính ngay cả Huawei. Giải mã năm điểm.
1. Tại sao nhiều căng thẳng đến thế chung quanh Huawei?
Huawei chủ yếu được công chúng biết đến qua các điện thoại di động, một thị trường mà nó đứng hàng thứ hai trên thế giới, sau Samsung, nhưng trước Apple. Nhưng Huawei chủ yếu là một công ti trang thiết bị viễn thông: nó cung cấp các bộ định tuyến và các thiết bị chuyển tiếp tần số cho các nhà khai thác các mạng điện thoại (Orange, SFR, v.v.). Nó chính là công ti dẫn đầu lĩnh vực này.
Thế mà, trong sự phát triển của mạng di động thế hệ thứ năm, thường được gọi là 5G, Huawei ở vị thế rất tốt. Những chuẩn của công nghệ này, sẽ được triển khai trong những năm sắp tới, hiện chưa được hoàn toàn xác định, nhưng công nghệ mới còn hơn cả việc cải tiến những chuẩn có trước đây. Dựa trên những giải tần số cao hơn, công nghệ này có thể chuyển tải nhiều dữ liệu hơn và nhanh hơn. Những người đề xướng công nghệ này nói đến một lưu lượng nhân gấp mười lần và một thời gian chuyển tải rút xuống mười lần. Trên nền tảng công nghệ này, một loạt ứng dụng mới sẽ được phát triển: thực tại ảo, xe tự hành, vạn vật kết nối và có thể cả nền công nghiệp tương lai.
Hiển nhiên là tác nhân nào cung cấp trang thiết bị làm chỗ tựa cho 5G sẽ có một vai trò chiến lược chủ yếu. Càng chủ yếu hơn nữa khi người ta nghi ngờ các nhà cung cấp trang thiết bị cung cấp hàng loạt những thiết bị chuyển tiếp tần số bị cài thêm những “cửa hậu” (backdoor). Những cửa hậu này cho phép thu thập thông tin và dữ liệu trung chuyển qua các thiết bị này. Thế mà, nhà khai thác điện thoại Vidaphone dường như đã nhận thấy sự tồn tại của những cửa hậu này trong một số thiết bị do Huawei cung cấp năm 2011 và 2012.
Tuy nhiên việc bị theo dõi trên mạng không phải là nguy cơ duy nhất giải thích sự căng thẳng. Một nhà cung cấp trang thiết bị giữ một vị trí khống chế trên một mạng cũng có khả năng can thiệp làm gián đoạn mạng này vào một thời điểm nhất định và khiến nó bị mất ổn định. Chính vì thế mà khi các nhà khai thác mạng đang trong quá trình chọn lựa các nhà cung cấp trang thiết bị thì chủ đề này nổi lên ở trung tâm những căng thẳng quốc tế và địa chính trị.
Thế nhưng do Huawei đã đi trước một bước và, theo nhà khai thác Deutsch Telekom, không cần đến Huawei sẽ làm cho việc triển khai 5G trễ mất hai năm và rất tốn kém.
2. Hoa Kì lo ngại điều gì?
Hoa Kì tố cáo Huawei hoạt động gián điệp mạng và cộng tác với chính quyền Trung Quốc. Tuy không có chứng cứ thật sự, Hoa Kì dựa trên những điều tra quốc tế khác nhau nghi ngờ doanh nghiệp tiến hành các hoạt động này. Nhất là Hoa Kì nêu bật việc luật pháp Trung Quốc buộc các doanh nghiệp nội địa phải cộng tác với chính quyền.
Séverine Arsène
Thật vậy, Séverine Arsène, nhà nghiên cứu tại Média Lab thuộc đại học Science Po. giải thích rằng luật an ninh mạng năm 2017 quy định “các doanh nghiệp mạng phải là điểm tựa và hỗ trợ các cơ quan chính quyền, nghĩa là công an”. Nhà Trung Quốc học này còn cho biết là “luật Trung Quốc về chống khủng bố cũng đòi hỏi các hoạt động viễn thông phải góp phần vào việc thu thập thông tin”. Hơn nữa, các cơ quan công quyền được ưu tiên tiếp cận các dữ liệu được lưu giữ trên lãnh thổ Trung Quốc, và đó là trường hợp của phần lớn các dữ liệu do Huawei quản lí.
Chính sự thiếu vắng ở Trung Quốc của một nhà nước pháp quyền thật sự mới là vấn đề. Séverine Arsène nói rõ “Trung Quốc là một Nhà nước định nghĩa theo nghĩa rộng các điều khoản của các quy định của mình khiến cho rất khó phân định các cáo buộc hoạt động gián điệp nhưng văn bản luật để ngỏ cho việc công an có thể tiếp cận một số dữ liệu”.
Michel Nakhla
Tuy nhiên cần đặt chiến lược của Mĩ trong bối cảnh thực tế sau: trong lĩnh vực chiến lược của mạng 5G, Hoa Kì đã để một tác nhân nước ngoài đi trước một bước. Vào tháng giêng, Michel Nakhla, giáo sư kinh tế và quản trị Trường Mines-Paris giải thích “có thể xem cuộc chiến thương mại và công nghệ mà Hoa Kì tiến hành như quyết tâm làm chậm sự phát triển của Huawei nhằm nỗ lực đuổi kịp sự chậm trễ của mình”.
3. Phản ứng của châu Âu như thế nào?
Hoa Kì khuyến khích mạnh mẽ các đồng minh theo chân mình cấm cửa công ti Trung Quốc vào các thị trường. Tuy nhiên phản ứng của các nước châu Âu rất khác nhau. Tháng vừa qua, Pháp đã thông qua một đạo luật, tuy không đặc biệt nhắm vào Huawei nhưng cho phép chính phủ loại bỏ bất kì nhà cung cấp trang thiết bị nào. Hiện nay công ti được quyền tham gia các gói gọi thầu của các nhà khai thác mạng ở Đức.
Còn theo những rò rỉ trên báo chí, Vương quốc Anh chuẩn bị cho phép Huawei hoạt động, miễn là không cung cấp cho trung tâm của hệ thống, như các thành phố lớn, những nơi lưu thông những lượng dữ liệu nhạy cảm. Quyết định này, chưa được công bố chính thức, là đáng ngạc nhiên từ đồng minh lịch sử của người Mĩ. Vả lại, nhiều bộ trưởng Anh đã tỏ ra dè dặt với việc cho phép gã khổng lồ viễn thông hoạt động.
Tuy nhiên Vương quốc Anh ở một vị thế tế nhị vì từ lâu nước này đã có quan hệ với gã khổng lồ Trung Quốc. Tập đoàn này đã có mặt ở đây từ năm 2001 và ngày nay sử dụng hơn 1200 nhân viên. Năm rồi, tập đoàn còn hứa đầu tư hơn ba tỉ bảng. Một cách chung hơn Anh còn là nước nhận được nhiều đầu tư trực tiếp nhất của Trung Quốc vào lục địa châu Âu. Trước những khó khăn thương mại được báo trước với sự kiện Brexit, sẽ là đặc biệt không đúng lúc nếu các thần dân của nữ hoàng cáu giận với một đối tác như thế...
Đương nhiên, về phần mình, Huawei nhân bội những nỗ lực ve vãn người châu Âu. Những tuần qua, tập đoàn vừa mở trung tâm an ninh mạng thứ hai ở Bruxelles, trung tâm thứ nhất đặt ở London.
4. Tác động đến Huawei ra sao?
Washington đã đưa công ti Trung Quốc vào danh sách đen các công ti có nguy cơ, buộc phải được phép của chính quyền mới có thể giao dịch với nó. Nhưng những cáo buộc Huawei nặng đến mức mà trong thực tế đây là một sự trục xuất thương mại. Tuy nhiên tập đoàn có được thời hạn 90 ngày để lần hồi ngưng tất cả các hoạt động vói các đối tác Mĩ. Chính phủ Hoa Kì cũng có thể tận dụng ba tháng tạm hoãn này để thay đổi ý kiến nếu đánh giá các hậu quả trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là quá nặng nề.
Như vậy trong lúc chờ đợi, Huawei bị tước đi các phần mềm của Microsoft và do đó của Google. Ngoài hệ điều hành Android, còn có cả những ứng dụng phổ biến như Gmail (email trên nền web), Youtube (video), GeogleSearch (truy tìm dữ liệu), Maps (bản đồ) hay Google Play Store mà gã khổng lồ Trung Quốc sẽ không còn được tiếp cận.
Một thiệt thòi thật sự trên thị trường quốc tế vì hiển nhiên là sẽ rất khó bán điện thoại thông minh nếu không có một số các ứng dụng này. Ngay cả Uỷ ban châu Âu còn cho rằng cửa hàng ứng dụng Google Play Store là một “ứng dụng thiết yếu” do vị thế thống trị của nó. Đối với người tiêu dùng đã sẵn có một điện thoại thông minh thì các phần mềm sẽ không bị loại bỏ, nhưng sẽ không được tiếp cận các phiên bản cập nhật. Do đó việc tiếp cận các phiên bản mới nhất các ứng dụng có nguy cơ gặp khó khăn.
Trên thị trường Trung Quốc, điều này sẽ không có những hậu quả quá nặng vì một số đối tác trong nước cũng đã phát triển một số dịch vụ tương tự. Tóm lại, người Trung Quốc có Google riêng của họ, tuy còn thiếu mảng trung tâm là hệ điều hành. Android được phát triển trên nền tảng “open source” nên có thể sao chép nó để cung cấp một dịch vụ tương tự. Nhưng dịch vụ của Google chỉ trong suốt ở phần trung tâm chứ không minh bạch trên toàn bộ các dịch vụ và môi trường cần thiết cho việc phát triển một hệ điều hành, dù cho đó là cửa hàng ứng dụng hay các API (giao diện lập trình ứng dụng).
Sự phụ thuộc của Trung Quốc không chỉ liên quan đến phần mềm mà còn cả đến phần thiết bị (hardware) với việc cung cấp những sản phẩm cần thiết như các sản phẩm bán dẫn do các công ti Mĩ Intel, Broadcom và Qualcomm đảm nhận. Séverine Arsène tóm tắt: “Mặc dù đã nỗ lực nhưng Trung Quốc vẫn chưa có những nhà sản xuất các con chip và bán dẫn theo luật sở hữu trí tuệ Trung Quốc”.
5. Một thị trường bị lệ thuộc?
Huawei có thể không phải là người thua duy nhất trong trò chơi vật tay do Hoa Kì khởi xướng. Vì nếu tập đoàn này thấy những nhà cung cấp chiến lược “nghỉ chơi” với mình thì các đối tác này cũng mất đi một khách hàng quan trọng. Tuy nhiên, các tác nhân này, mà số lượng là rất ít, hầu như đều tập trung vào và chịu quyền tài phán của chỉ hai nước: Hoa Kì và Trung Quốc. Điều này khiến cho phần còn lại của thế giới nói chung lệ thuộc vào những tác nhân mà chính họ là phụ thuộc lẫn nhau, thuộc về hai cường quốc hàng đầu thế giới mà quan hệ không ngừng căng thẳng!
Mặc dù thật sự chịu tác động của các quyết định của Mĩ, Trung Quốc có thể không cần đến các gã khổng lồ số Mĩ vì Trung Quốc có những gã khổng lồ tương đương. Nhưng nếu đối tượng của một quyết định như thế là châu Âu thì kết quả sẽ hoàn toàn khác. Do đó điều này khiến ta hình dung những hậu quả cho các xã hội chúng ta của việc bị tước đi những dịch vụ chiến lược đến thế của Google, Microsoft, Amazon, Intel, v.v..
Như Benoit Thieulin, cựu giám đốc của Hội đồng quốc gia về các vấn đề số, đã nhắc nhở: “sự thống trị của Mĩ trên châu Âu diễn ra ở tất cả các cấp độ của sức mạnh số: công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, thương mại trực tuyến, cơ sở hạ tầng công nghệ, trí tuệ nhân tạo...”. Đây là một chủ đề đáng để Quốc hội sẽ được bầu vào chủ nhật này suy nghĩ.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn:Huawei: la guerre technologique est déclarée, Alternatives économiques, 23.5.2019
Print Friendly and PDF