2.5.19

Lịch sử của khoa học là vô ích cho sự tiến bộ của khoa học (1865)


LỊCH SỬ CỦA KHOA HỌC LÀ VÔ ÍCH CHO SỰ TIẾN BỘ CỦA KHOA HỌC (1865)
Tác giả: Claude Bernard*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
Claude Bernard (1813-1878) là một nhà khoa học hàng đầu của Pháp. Điều này không ngăn cản ông có một số ý kiến khó lòng được các giới học thuật, trước cũng như sau ông, chấp nhận – như ta sẽ thấy trong trích đoạn dưới đây, và các ý kiến trái ngược được dịch đăng song song.
Thật ra, có lẽ Claude Bernard chỉ phản đối cách sử dụng lịch sử khoa học cho một mục đích không thích hợp nào đó mà thôi, hơn là chống lại sự tồn tại của bản thân lịch sử khoa học. Như vậy, có lẽ ý kiến của ông không xa lắm với những gì Jean-Baptiste d’Alembert hay Alistair Crombie[1] đã phát biểu qua các bản dịch đăng trên cùng trang mục này.
Dù sao, sự phát triển không ngừng của lịch sử khoa học ngày nay như một môn học độc lập, một sự kiện không thể chối cãi, tự nó đã là câu trả lời cuối cùng cho mọi ý kiến tranh cãi.
*
Là tiêu biểu cho những gì con người học được, khoa học chủ yếu là linh động trong biểu hiện của nó: thay đổi và hoàn thiện dần theo sự gia tăng của những tri ​​thức đã thu đạt và tích lũy. Khoa học ngày nay, do đó, tất yếu phải cao hơn khoa học ngày hôm qua, và không có bất cứ một lý do nào để đi tìm sự tăng trưởng của khoa học hiện đại trong mớ tri thức của người xưa hết cả. Bởi vì các lý thuyết của họ không bao gồm những sự kiện được phát hiện từ thời đó, chúng nhất thiết phải sai lầm và không thể có bất kỳ lợi ích thực sự nào cho khoa học hiện tại. Như vậy, mọi ngành khoa học thực nghiệm chỉ có thể tiến bộ bằng cách đi tới trước, và tiếp tục sự nghiệp của mình trong tương lai. Thật là vô lý nếu ta tin rằng phải đi tìm sự tiến bộ trong việc nghiên cứu đống sách vở mà quá khứ để lại! Ta chỉ có thể tìm thấy nơi ấy lịch sử của tinh thần con người, nhưng đấy lại là một cái gì rất khác! […]
Trong việc truy tìm chân lý khoa học, tinh thần con người tuân theo một lối tiếp cận hợp lý và thiết yếu. Hắn quan sát các sự kiện, đối chiếu chúng với nhau, suy ra những hậu quả mà hắn kiểm tra bằng kinh nghiệm, nhằm tiến dần lên các mệnh đề hoặc chân lý ngày càng phổ quát. Vì vậy, chắc chắn là trong chuỗi công việc nối tiếp này, mỗi nhà bác học đều phải biết và ghi nhận những gì đã được người đi trước mình thực hiện. Nhưng ông ta cũng phải biết rằng đấy chỉ là những điểm tựa để sau đó tiến xa hơn, rằng mọi chân lý khoa học mới đều nằm trong những nghiên cứu mới về tự nhiên, nghĩa là trong các phòng thí nghiệm, chứ không phải ở sự nghiên cứu quá khứ. Như vậy, thứ văn liệu khoa học hữu ích nhất là phần văn liệu khoa học về các công trình hiện đại, hầu nhận biết những tiến bộ khoa học, tuy rằng nó cũng phải có giới hạn, không được đẩy đi xa tới mức làm cho tinh thần khô khốc, bóp nghẹt óc phát minh và tính độc đáo khoa học. Nhưng ta có thể rút ra được gì, từ sự khai quật các lý thuyết đã mối mọt, hoặc những quan sát được thực hiện trong sự thiếu thốn mọi phương tiện điều tra thích đáng? Biết được những sai lầm, mà tinh thần con người đã trải qua trong sự tiến hóa của nó, hẳn cũng có thể là hấp dẫn, nhưng đấy chỉ là thời gian lãng phí đối với việc làm khoa học đúng nghĩa... Qua lịch sử, chúng ta đã biết rõ sự cằn cỗi của con đường kinh viện* này, và các bộ môn khoa học chỉ cất cánh khi uy quyền của kinh sách được thay thế bằng quyền lực của sự kiện, thứ sự kiện được xác định trong tự nhiên nhờ sự sử dụng các phương tiện thử nghiệm ngày càng tinh vi. Công lao lớn nhất của [Francis] Bacon* là đã tuyên bố, to và rõ, chân lý đó.
Claude Bernard
Dẫn Vào Nghiên Cứu Y Học Thực Nghiệm
(Introduction à l’étude de la médecine expérimentale, 1865)
Phần II, ch. II, § 10




Chú thích:

[1] Xem trên trang mục này: Jean-Baptiste Le Rond d’Alembert, Giả Thuyết Xưa Như Quy Chiếu Sai Cho Các Lý Thuyết Hiện Đại & Alistair C. Crombie, Cám Dỗ Xem Các Khám Phá Trong Quá Khứ Như Những Đoán Trước Và Đóng Góp Vào Khoa Học Hiện Đại.

Print Friendly and PDF