19.5.19

Khoa học Tạp chí và nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu (I)


KHOA HỌC TẠP CHÍ VÀ NHÀ KHOA HỌC NGUYỄN CÔNG TIỄU (I)
Facebook của Diễn Đàn - Forum sẽ đưa lên một số bài viết trong Giai phẩm Xuân 2019. Riêng hai bài viết của tôi trong đó, bài này và bài giới thiệu cuốn sách “Làng báo Sài Gòn 1916-1930” của Philippe Peycam, sẽ đưa thẳng lên đây.
Bài này cũng sẽ được đưa thành hai phần, phần đầu dưới đây viết về tờ Tạp chí Khoa học này, Tiểu sử cụ Nguyễn Công Tiễu tách riêng thành phần II (tức là phần Nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu dưới đây - PTKT).
Đây cũng là bài thứ hai tôi viết về các tạp chí phổ biến khoa học của VN đầu thế kỷ 20 (không phải tạp chí khoa học phổ biến, Duong Tu!). Bài đầu cũng đã đưa lên Phây, ở đây:
Xin mời các bạn quan tâm vào đọc (hay đọc lại!).
Thực ra, đề tài các tạp chí phổ biến khoa học của Việt Nam đủ rộng và có thể khơi lên nhiều vấn đề về văn hoá, tri thức (và trí thức) của người Việt cần được nghiên cứu sâu, nhưng sức tôi có hạn, chỉ mong có các bạn trẻ nhảy vào (dư chỗ để làm một hay vài ba luận án tiến sĩ về Lịch sử Khoa học, một lĩnh vực cần thiết nhưng theo tôi hiểu chưa từng được quan tâm ở trong nước).
Vài lời ngắn ngủi, mong được chỉ giáo.
KHOA HỌC TẠP CHÍ VÀ NHÀ KHOA HỌC NGUYỄN CÔNG TIỄU[*]
Hà Dương Tường
Trong bài “Đi tìm tạp chí phổ biến khoa học đầu tiên của Việt Nam”, chúng tôi đã nói tới hai tờ tạp chí:
- Khoa học tạp chí, Cơ quan truyền bá các khoa học; Giám đốc: Nguyễn Công Tiễu; Hà Nội 1931-1940.
- Khoa học phổ thông, mỗi tháng xuất bản hai kỳ; Giám đốc: Lâm Văn Vãng; Sài Gòn 1934-1942 và 1950-1958.
Bài này giới thiệu tờ Khoa học Tạp chí (cũng được gọi là Tạp chí Khoa học, hay Khoa học) của Nguyễn Công Tiễu (dưới đây viết tắt là KHTC), theo thứ tự thời gian là tờ tạp chí phổ biến khoa học thứ hai ở Việt Nam.
Sơ lược về hình thức tạp chí

Pierre Brocheux (1931-)
Khoa học tạp chí số 1 ra ngày 1/7/1931. Dưới nhan đề chữ to KHOA HỌC có ghi thêm “Tạp chí”, chữ nhỏ ở cuối dòng sau. Tiếp theo hai tiểu đề bằng tiếng Pháp và tiếng Hoa, và đề từ “Trí tri cách vật, sách Đại học”, là các dòng thông tin: “Cơ quan truyền bá các khoa học” “Mỗi tháng tạm xuất bản hai kỳ”, “Chủ nhiệm kiêm chủ bút: Nguyễn Công Tiễu, có chân trong Viện khảo cứu về Khoa học ở Đông Dương”. Sau đó là mục lục và trụ sở toà báo: “Thuỷ tiên trang, đường Ngọc Hà, cạnh vườn hoa Bách thú”, địa chỉ này chính là nhà riêng của ông chủ nhiệm. Sau cùng là giá bán lẻ, mỗi số 15 xu. Báo khổ 20x27cm, gần như khổ A4 hiện nay. Giá mua dài hạn trong suốt 10 năm là 1đ80 (một đồng 80 xu) cho 6 tháng và 3đ cho một năm. Theo Pierre Brocheux, trong cuốn Indochine, la colonisation ambiguë (viết chung với Daniel Hémery, nhưng mỗi tác giả ký tên riêng trong chương mình viết) thì báo phát hành khoảng 2000 số mỗi kỳ.
Mô hình bìa này được giữ khá lâu: từ số 25 thì buông chữ “tạm” và “Mục lục” được đổi thành “Yếu mục”, từ số 46 giữa khung Yếu mục lại thêm một hình vẽ, và sau đó hình vẽ được đưa lên giữa trang, phía trên Yếu mục. Từ số 49, bỏ hai tiểu đề tiếng Pháp và tiếng Hoa, cho tới số 195 thì tiểu đề tiếng Pháp trở lại nhưng có thay đổi: thay cho “Revue Scientifique” là “Revue de vulgarisation agricole, artisanale et scientifique” (Tạp chí phổ biến nông nghiệp, thủ công nghiệp và khoa học).
Hình bìa, báo số 9 (trái) và 214 (phải)
Số trang ban đầu được đánh nối tiếp nhau, mỗi số 20 trang không kể 2, 3 trang quảng cáo (cũng như bìa, không được đánh số), tới số 13 (1.1.1932) thì lại trở về trang 1 do sang năm mới, nhưng việc đánh số trang nối tiếp nhau này cũng chỉ được thực hiện tới hết số 24 và kể từ số 25 (1.7.1933) thì mỗi số đánh số trang riêng, từ 1 tới 28 (cũng từ số này báo lên 32 trang, trong đó có 3 trang quảng cáo, nhưng không tăng giá bán lẻ). Từ số 109, lại trở về mỗi số 20 trang nhưng tăng lên mỗi tháng 3 kỳ, và giảm tiền bán lẻ xuống còn 10 xu. Tình trạng này kéo dài tới hết số 180, từ số 181 lại trở về mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ 28 trang và giá bán lẻ lên lại 15 xu. Số 223, 1.10.1939 có lời Kính cáo độc giả ngay trên trang bìa, cho biết vì tình hình chiến tranh bên châu Âu, “giấy in báo rất khan”, báo sẽ chỉ ra mỗi tháng một lần. Sau số 232, tháng 8.1940, báo đình bản hẳn.
Về quảng cáo, ngoài những khung quảng cáo cho chính tạp chí, hoặc cho các báo bạn, người ta thấy chủ yếu là những phòng thuốc tây hay ta, vài hiệu sách, nhà buôn hay nhà làm thủ công nghiệp ở Hà Nội.
Nội dung
Trong “Mấy lời Kính cáo Quốc dân” đăng trên số ra mắt, KHTC để ra mục đích của mình “là muốn gây nên một nền văn hoá hoàn toàn riêng cho người Nam Việt. Đem Khoa học dung hoà với Nho giáo”. Sau khi khẳng định “Nho giáo đi về đường tinh thần, thiên trọng về phần hồn, cầu cho người người thành quân tử; khoa học đi về đường vật chất, thiên trọng về phần xác, cầu cho người người sống văn minh”. “Cả hai cùng hay cả, không thể theo hẳn đường nọ, bỏ hẳn đường kia được. (...) Chi bằng ta đem hai văn hoá kia so sánh với nhau để phân biệt những điều hay, dở, thừa, thiếu, hay ta để, dở ta bỏ thừa ta bớt, thiếu ta thêm; rồi đem khoa học dung hoà với nho giáo gây nên một văn hoá hoàn toàn có thể tạo ra những bậc văn minh quân tử được”.
Để thực hiện Mục đích trên, tạp chí đưa ra Chương trình như sau: “KHTC là một thứ báo riêng để truyền bá cho người An Nam các môn cách trí. Trên báo có đăng những bài có ích như (tóm tắt):
1/ Các việc phát minh, sáng tạo có ích của người An Nam.
2/ Các việc khảo cứu có ích cho người An Nam (chia làm 4 phần: A/ Phần có ích chung cho cả mọi người, về tinh thần, thân thể; B/ Phần có ích cho tứ dân Sỹ, Nông, Công, Thương; C/ Phần có ích cho Phụ nữ; D/ Phần có ích riêng cho nhi đồng (học và chơi)).
3/ Lịch sử các danh nhân khoa học.
4/ Dịch thuật các báo chí và sách khoa học nước ngoài.
5-8/ Tin tức, chuyện khoa học, vấn đáp về khoa học...
9/ Tự điển của KHTC để giải nghĩa những chữ mới dùng.
10/ Mách bảo giúp những người muốn mượn và muốn tìm việc làm chuyên môn, vân vân.”
Tiếp theo, số này giới thiệu một bằng sáng chế (lò cháy luôn để nung đồ sứ, của ông Nguyễn Bá Chính, Hà Nội) và gồm nhiều bài ngắn đáp ứng chương trình nói trên: Sự cần dùng của các khoa học, khoa học đối với trí dục, khoa học đối với thể dục, đối với việc vệ sinh, đối với việc làm nhà ở, đối với nông gia, kỹ nghệ, nhà buôn, phụ nữ, thiếu niên... Mục lịch sử danh nhân được đặt tên là “Đài kỷ niệm các bậc danh nhân trong làng khoa học” và mở đầu với Denis Papin, người chế tạo ra máy hơi nước.
Mục này sẽ được kéo dài cho tới gần cuối, với những bài viết ký tên khác nhau và chất lượng cũng khác nhau. Phần lớn là bài ngắn, dưới một trang, kể ra vài sự kiện nổi bật của nhân vật. Tiếp theo Denis Papin người ta thấy Linné, Henri Poincaré, Newton, Edison, Berthellot, Copernic, Nobel, Leonard de Vinci, Sadi Carnot, Cuvier, Buffon, Livingston, Fresnel, Huyghens, Gutenberg, Foucault, Cavendish, Eiffel, Kepler, và nhiều nhân vật ít nổi hơn.
Những bài dài hơn về danh nhân khoa học, đi sâu hơn vào quá trình phát minh được nói tới được đặt tên riêng và đưa ra ngoài mục “đài kỉ niệm”. Như bài về Torricelli của Vị Hà, trong các số 22-23, với tên “Tinh thần khoa học hay cái ống nghiệm Torricelli”, bài “Le Verrier phát hiện Hải vương tinh ở đầu ngòi bút”... Vài nhân vật trong lịch sử Việt Nam được đưa và “đài kỉ niệm” này: Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, Lê Quý Đôn, Hải Thượng Lãn Ông...
Thực ra, cái mục đích mơ hồ “đem khoa học dung hoà với nho giáo” khó có thể nói là được thực hiện như thế nào, làm sao. Không phải một bài xã luận nửa trang “Khổng phu tử đối với Khoa học” (số 7, ký tên Phạm Bá Quát) nhắc lại mấy câu “vật cách trí tri”, rồi luận ra rằng những đệ tử (của Khổng tử) lúc bấy giờ “bất cứ bực nào, hạng nào đều phải lấy “cách trí học” làm trọng, mà cách trí học tức là gồm hết các khoa học ở trong”, mà có thể thuyết phục được người đọc rằng tạp chí đang thực hiện cái mục đích nói trên. Và, một năm rưỡi sau khi báo ra đời, xã luận số 35 (1.12.1932), ký tên “K.H.T.C.” đã đặt thẳng tiêu đề “Khoa học với Nho giáo” nhưng cũng chỉ để tỏ ý ước mong một tin đồn (chữ trong bài) sẽ thành ra sự thực. Tin đồn đó là “có mấy cụ hưu quan, muốn thể (hiện) cái chủ nghĩa Đem Khoa học dung hoà với Nho giáo, định hợp với báo Khoa học hoặc đứng riêng để chuyên khảo về những vấn đề có liên lạc với các môn cựu học”.
Cho nên, nhìn lại những đóng góp của tạp chí so với hoài bão của nó, thật ra cần nhìn vào những nội dung mà nó đã thực hiện theo chương trình 10 điểm nêu trên, nhằm “truyền bá cho người An Nam các môn cách trí”. Từ góc độ này, có thể nói KHTC có một nội dung phong phú và hữu ích (tất nhiên là so với thực trạng xã hội Việt Nam thời đó), khá trung thành với 10 điểm nêu trên, và rõ ràng đã được xã hội hưởng ứng. Con số 2000 ấn bản cho mỗi số báo không phải là nhiều (chẳng hạn, so với tuần báo Ngày Nay, 7000 bản mỗi số - xem bài về báo La Lutte của Daniel Hémery), nhưng cũng không nhỏ nếu tính tới lĩnh vực “phi văn học” của báo, thế mà con số đó hầu như không đủ. Một khung nhỏ trên số 34 kêu gọi độc giả “ai có những số KHTC 1, 2, 3, 4 xin đem lại bản quán, bản quán sẽ mua lại và giả tiền gấp hai lần mua trước” cho thấy sự hưởng ứng đó. Quan trọng hơn, sự hưởng ứng này được thể hiện qua nhiều thư, bài của bạn đọc gửi báo, tranh luận với các tác giả. Một bài viết về danh từ khoa học do độc giả gửi đến báo (số 20) đã gây ra một cuộc trao đổi kéo dài hơn 10 số (xem dưới đây). Tạp chí cũng thiết lập một quy chế thẩm định ngoài cho những bài bạn đọc gửi tới, phù hợp với cách làm việc của một tạp chí khoa học thật sự, như bài viết dài về vấn đề Vệ sinh của bạn đọc Trịnh Hoài Đức đã được toà soạn nhờ “quan thầy thuốc Phạm Quang Anh” xem xét trước khi đăng (số 6).
Dù được đưa lên hàng đầu, điểm 1/ Các việc phát minh, sáng tạo có ích của người An Nam chắc không đủ phong phú để thoả mãn những người chủ trì tạp chí và cũng mau rơi vào lãng quên. Dễ hiểu so với tình trạng lạc hậu của xã hội nông nghiệp khi đó.
Điểm 4/ và 9/ của Chương trình, về dịch thuật, từ ngữ được thực hiện chủ yếu qua các bài thông tin ngắn về thời sự và một vài cuốn tiểu thuyết như “Bí mật thành Nữu Ước” (từ số 51), “Ngày mai” (từ số 135).
Có lẽ các điểm 5-8/, gồm nhiều loại bài như Khoa học tân văn”, “Mách giúp, bảo giùm”, vệ sinh, khoa học thường thức (những kiến thức có ích cho cuộc sống hàng ngày thời ấy, như cách chữa hạt cơm, cách làm cho vải để ngoài mưa nắng lâu không hỏng, cách tẩy vết cà phê hay sô-cô-la..., thường là do độc giả gửi tới), chống mê tín, hỏi thuốc... là những bài dễ đọc và được độc giả phản hồi nhiều nhất.
Những bài có tham vọng “khoa học” hơn, có thể kể:
Điểm 3, như đã nói, kết hợp với một số bài về lịch sử khoa học Á, Âu. Tuy các bài về “danh nhân khoa học” khá tản mạn và không đều tay (mỗi bài một tác giả khác nhau), cộng lại cũng được một bức tranh tổng thể về khoa học cho tới cuối thế kỷ 19, giúp người đọc không chuyên, kể cả hiện nay, những kiến thức phổ thông đáng quý. Mặt hạn chế dễ thấy là Vật lý, Hoá học... của thế kỷ 20 hầu như không được đề cập, một phần vì mục tiêu được ông chủ bút nhắc lại nhiều lần - tuy cả lý luận và thực hành đều quan trọng nhưng tạp chí thiên về thực hành nhiều hơn. Bài “Ánh sáng là gì” (số 48) là một ví dụ, khi tác giả chỉ đưa ra một cách sơ sài các luận thuyết của Newton và Huyghens về ánh sáng. Cũng có thể do thực tiễn thiếu người viết, các tác giả phần lớn là tự học, một số là kỹ sư (canh nông, hoá)... Cần nhớ là người tiến sĩ khoa học Việt Nam đầu tiên, bà Hoàng Thị Nga, chỉ tốt nghiệp năm 1934 (và được KHTC trân trọng đưa tin trong số 97 (1/7/1935). Ở thời điểm đó (những năm 1930) cũng không biết ai ở Việt Nam có thể viết về thuyết Tương đối của Einstein hay thuyết Lượng tử của Bohr, Planck...
Còn lại, hai mảng bài viết đáng kể nhất gồm:
- Các bài về y tế, vệ sinh, cả trong cách nhìn của Đông y và Tây y. Các loại bệnh thông thường đều được đề cập: bệnh lao, bệnh lậu và giang mai, bệnh thấp, dịch tả, bệnh đậu, bệnh sốt rét và cách trừ ruồi muỗi, nạn hữu sinh vô dưỡng, thuốc cai nha phiến, “cách hút thuốc ít độc”...
- Các bài về lĩnh vực nông nghiệp và tiểu công nghiệp. Từ những bài viết về bèo hoa dâu của chính ông chủ bút tới các bài về các loại phân bón, các loại đất (như bài Đất tốt, đất xấu, của kỹ sư hoá Trần Thúc Ký từ Pháp về), các loại cây, cách gieo mạ và cấy lúa, tới các bài về gỗ xây nhà của Việt Nam, về sơn ta và sơn tây, nghề làm nước hoa, xà phòng, thuộc da v.v., đưa tới người dân (hơn 90% dân Việt Nam lúc ấy là nông dân) những kiến thức đáng quý về khoa học thực hành. Có lẽ, chính trong lĩnh vực này mà người quan tâm tới lịch sử khoa học Việt Nam có thể tìm thấy nhiều điều lý thú, cũng như người đọc bình thường có thể vẫn tìm được những thông tin còn có giá trị hôm nay.
Ngôn ngữ và danh từ khoa học
Khoa học tạp chí ra đời khi Nam Phong tạp chí (1917-1934) đã sống được 14 năm, tiếng Việt dưới ngòi bút của Phạm Quỳnh và các cộng sự đã ngày càng được cải tiến. Tiếng Việt của KHTC khá gần gũi với chúng ta ngày nay (đặc biệt là rất ít khi các tác giả phải chua thêm tiếng Pháp, khác với các tác giả của Khoa học Tập chí ở Sài Gòn gần 10 năm trước), và chỉ trừ những cách viết chính tả khá “Bắc Kỳ”, một vài cách đối thoại không còn hợp thời (cụm từ “các ngài”, “tiên sinh”... được dùng phổ biến trong mọi cuộc đối thoại tranh luận dù là từ người đọc hay nhà báo), có thể in lại các bài viết hầu như nguyên văn mà độc giả ngày nay không thấy bỡ ngỡ. Trong tập sách Du lịch Âu châu của Nguyễn Công Tiễu xuất bản năm 2017, người giới thiệu (PGS Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học VN) cho biết: “Việc chỉnh sửa chỉ dừng lại ở các chữ và chi tiết cụ thể, tên người và địa danh, một số cách diễn đạt và lỗi in cần vi chỉnh theo ngữ pháp và chính tả hiện hành, trước sau chỉ nhằm tạo nên quy cách thống nhất tương đối trong toàn sách”.
Còn lại là vấn đề thuật ngữ (danh từ) khoa học được giải quyết ra sao?
Như đã nói, vấn đề được KHTC nêu ra trong số 20 (với bài “Ý chúng tôi, Cách dùng danh từ khoa học” trích trong bộ “Ai cũng hiểu được điện” của Đức Quỳnh và Chung Anh), đã dẫn đến nhiều phản hồi nối tiếp nhau của độc giả và nhà báo, tới số 41 thì khép lại với bài “Kết liễu cuộc dư luận về Danh từ khoa học”, ký tên K.H.T.C., coi như lập trường chính thức của toà soạn.
“(Qua cuộc dư luận ấy, ta thấy) có ba phái khác nhau: phái thứ nhất muốn dùng tiếng Ta, phái thứ hai muốn dùng chữ Tàu, phái thứ ba muốn dùng chữ Tây. (...) Chi bằng ta dung hoà cả với nhau rồi sẽ liệu mà châm chước. (...)
Chúng tôi xin dự định cách ấy theo hai đại cương sau này:
Đại cương I. Về khoa học, nên dùng nhất là tiếng Ta, nhì là chữ Tàu, ba là chữ Tây, cùng là tiếng các nước khác.
Đại cương II. Những tên riêng, nên để nguyên văn; những tên chung, mà tiếng ta chưa có, nếu chữ Tàu tiện dụng thì nên mượn chữ Tàu, nếu chữ Tàu chưa có, hay là không tiện dụng, thì phải theo ý nghĩa, hình sắc, công dụng, âm vận, tiếng kêu, vân vân, tuỳ tiện mà dịch ra tiếng ta hay chữ Tàu”.
Kết luận này vừa phản ánh các ý tưởng quay đi quay lại về ba phái nói trên của những bài đóng góp (thường là không quá một trang báo) vào cuộc tranh cãi, vừa phản ánh lập trường “thực tiễn” của tạp chí, như đã nói. Và phải đợi vài năm sau nữa Hoàng Xuân Hãn, trong Lời dẫn của cuốn Danh từ Khoa học (1942) mới đưa ra những lập luận có hệ thống về vấn đề nêu ra, rồi tổng hợp thành những “phương sách đặt danh từ” và những quy tắc tuân theo để hình thành cuốn từ điển thuật ngữ khoa học đầu tiên và giá trị này. Nhân đây, chúng tôi xin in lại Lời dẫn này để bạn đọc tiện tra khảo.
Các tác giả
Khác với Khoa học Tập chí của Bùi Quang Chiêu, KHTC không có tên ban biên tập. Ngoài ông Nguyễn Công Tiễu (cũng có bút hiệu Minh Nông) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và cũng là một cây bút chính của tạp chí, các bài khác phần đông được ký bằng bút hiệu, việc tìm lại tiểu sử và hoạt động của các tác giả - lớp người Việt thứ hai viết báo khoa học, sau các tác giả của Khoa học Tập chí thập niên trước - là một công việc còn để ngỏ mà người viết bài này không có điều kiện thực hiện. Dưới đây, chỉ xin kể sơ vài tác giả:
1/ Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, được toà soạn mời trả lời (số 3) vấn đề được nêu trong số trước, “tại sao đàn bà đẻ lại uống nước tiểu?”. Ông cũng trở lại chuyện này trong bài “Lại bàn về vấn đề dùng nước tiểu tiện làm thuốc hậu sản” (số 6) để đối thoại với hai tác giả khác. Ông cũng đóng góp một số bài khác như “bệnh dịch tả” (số 24), “bệnh trở của trẻ em (số 41), “bệnh tê thấp” (số 102), v.v.
Nghe tên quen, tôi tìm trên mạng thì thấy đúng là có một bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, sinh năm 1898, tốt nghiệp Y khoa Đại học Đông Dương rồi sang Pháp làm luận án bác sĩ và trở về nước năm 1928, tác giả cuốn sách “Sản dục chỉ nam” (hướng dẫn cách chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh), tham gia Việt Minh vào thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945, và được bầu vào Quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH năm 1946, nhưng cuối năm đó, ông hy sinh khi Pháp đánh Hà Nội.
Có thể có hai bác sĩ Nguyễn Văn Luyện hoạt động ở Hà Nội vào những năm 1930, cùng quan tâm tới vấn đề sinh nở của phụ nữ? Xác suất có vẻ thấp, tuy nhiên có hai nghi vấn cần được nêu ra: một là địa chỉ không trùng hợp. Những quảng cáo phòng mạch của BS Nguyễn Văn Luyện trong KHTC từ mấy số đầu (1931) cho tới mấy số cuối (1940) đều ghi địa chỉ 8 phố Đường Thành (hoặc 8 rue de la Citadelle), trong khi đó, hồi ức của ông Vũ Đình Hoè, bộ trưởng bộ Tư pháp năm 46 (đăng lại trên Tuổi Trẻ 20.8.2015), chỉ cho biết hai địa chỉ: ngôi nhà 167 phố Phùng Hưng, Hà Nội, cũng là nhà thương Ngõ Trạm, và ngôi nhà riêng sau này là toà đại sứ Cuba (65 Lý Thường Kiệt), nơi cha con ông kiên quyết ở lại chiến đấu ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946) và bị quân Pháp xông vào hạ sát. Bài viết của hai nhà báo Nguyễn Xuân Hải và Tâm Hiếu trên tạp chí Khoa học và Tổ Quốc số 03/2007 cũng chỉ nói tới căn nhà 65 Lý Thường Kiệt). Bài này, cũng như một vài bài khác gần đây viết về Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện - đại biểu Quốc hội 1, không hề nhắc đến sự cộng tác của một bác sĩ Nguyễn Văn Luyện với KHTC. Đó là nghi vấn thứ hai về nhân vật này, và là một điều rất đáng tiếc nếu hai người là một - nhất là trên một Tạp chí về Khoa học. Còn như, nếu là hai người khác nhau, câu hỏi về thân nhân của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện - cộng tác viên của KHTC còn để ngỏ.
2/ Trần Công Tiến, người đã cùng Nguyễn Công Tiễu sáng chế ra cái “máy chạy bằng ánh sáng mặt giời, gọi là Turbine solaire Tiêu – Tiên” (được trình bày trong các số 15, 23), tác giả của nhiều bài viết về lịch sử khoa học (Kinh Dịch đối với Khoa học ngày nay như thế nào, Á đông có khoa học từ bao giờ, lịch sử khoa học Âu Mỹ...). Có thể nói ông là một cộng tác viên thân cận của Nguyễn Công Tiễu.
Trần Công Tiến là một tên khá phổ biến, chúng tôi không tìm thấy trên mạng một bài nào nói về ông. Người được biết nhất mang tên này là triết gia Trần Công Tiến ở Sài Gòn, với tác phẩm Hữu thể với thời gian nxb Quê hương, 1973), bản dịch của tác phẩm Sein und Zeit của triết gia Đức Martin Heidegger.
3/ Bác sĩ Hoàng Thuỵ Ba, một trong hai người bác sĩ đầu tiên ở bán đảo Đông Dương (cùng với bác sĩ Đặng Vũ Lạc), con Tổng đốc Bắc Giang Hoàng Thuỵ Chi và thân phụ của nhà thơ Hoàng Hưng. Ông có bài viết dài “Muỗi độc” đầy 5 trang, đăng trên hai số báo 9 và 10 chỉ rõ “Chứng sốt ngã nước không truyền bằng đờm rãi, phân, tiểu của người ốm mà cũng không truyền bằng ước uống, thức ăn, không khí, vân vân (những điều người Việt thời đó còn tin theo). Chỉ truyền bằng một giống muỗi riêng, gọi là giống Anophèle”, và đề ra những cách phòng, trừ con muỗi đó.
Sau Cách mạng tháng 8, ông được cử làm giám đốc đầu tiên của Sở Y tế Khu 11 (Hà Nội), rồi trong kháng chiến được giao việc thành lập và điều hành Trường Nữ hộ sinh trung cấp Liên khu III- IV, trường đào tạo nữ hộ sinh trung cấp duy nhất của ngành Y tế bấy giờ. với một chương trình sản khoa hoàn toàn bằng tiếng Việt do chính ông soạn và giảng dạy.
“Năm 1952, bác sĩ Hoàng Thụy Ba được tin bà cụ thân sinh bị bệnh, liệt nửa người ở Hà Nội không người chăm sóc. Ông báo cáo với tổ chức: xin được vào Thành chăm sóc mẹ, hứa sẽ không làm gì cho địch. Đồng chí Khuất Duy Tiến, Bí thư Thành ủy lúc ấy đồng ý để ông vào Hà Nội. Quả nhiên, Tây mời làm việc, ông từ chối, chỉ mở bệnh viện tư tại nhà để sinh sống và chăm nom mẹ.” (các thông tin về tiểu sử trên được trích từ hồi ức “Lối sống người Hà Nội xưa qua ba thế hệ một gia đình trí thức” của nhà thơ Hoàng Hưng, và báo mạng “An ninh thế giới” ngày 17.2.2007).
Ngoài các bác sĩ Nguyễn Văn Luyện và Hoàng Thuỵ Ba, giới y dược có mặt trong KHTC còn những người như bác sĩ thú y Phan Văn Huyến (thanh tra thú y tỉnh Nam Định), y sĩ Lê Văn Phấn và một số thầy thuốc Đông y).
4/ Thế Thuỵ Đinh Gia Trinh, tác giả loạt bài “Lược khảo về lịch sử khoa học” đăng nhiều kỳ (các số 51, 61, 62, 63, 65, 66, 67, 69). Hầu hết những tên tuổi các nhà khoa học lớn được điểm qua với tóm lược những đóng góp có ý nghĩa của họ: sau những Archimède, Platon thời cổ đại đến Copernic, Kepler, Galilée, Tycho Brahé thời Phục Hưng, rồi Descartes, Pascal, Bacon thế kỷ 17, rồi Gay-Lussac, Linné, Lamark, Buffon thế kỷ 18... trước khi sang thời đại “toàn thịnh” của thế kỷ 19... Bài kết thúc bằng lời kêu gọi: “Nói cho thật ra thì cái mà ta gọi là khoa học chỉ là khoa học Thái tây mà thôi (...) Vậy ta còn đợi tới bao giờ mới góp một vai vào xây nền khoa học thế giới, bao giờ ta mới khỏi thờ ơ với khoa học, bao giờ ta mới khỏi ngộ nhận rằng chỉ có văn chương mới có thể làm rạng vẻ một người thiếu niên Nam Việt.” Ông cũng ký tên chân dung nhà sinh học Pháp Buffon trong mục “Đài kỷ niệm” (số 34), một trong những bài hay trong mục này.
Nhưng Đinh Gia Trinh (1915-1974) thật ra được biết hơn sau này, khi ông tốt nghiệp cử nhân Luật (năm 1941) bắt đầu hành nghề Luật và tham gia nhóm Thanh Nghị, là một trong những cây bút chủ lực trên tờ tạp chí của nhóm. Theo bài viết của Nguyễn Ngọc Thiện trên tạp chí Phê bình Văn học ngày 1.2.2014, “Từ số đầu tiên (1941) đến những số cuối cùng (1945) trên tạp chí Thanh Nghị ông đã cho đăng ngót 100 bài, gồm: các tiểu luận, phê bình, khảo cứu, tùy bút… về các vấn đề xã hội, tư tưởng, giáo dục, đặc biệt là về văn chương nghệ thuật (ký tên các bút danh Đinh Gia Trinh, Diệu Anh, Thế Thuỵ…)”. Ông còn là tác giả của nhiều bài báo về luật học và công trình nghiên cứu Lịch sử Nhà nước và pháp quyền Việt Nam, và là đại biểu Quốc hội khoá I của nước VNDCCH.
Nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã dành riêng một chương trong cuốn sách Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá (nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 2005) để viết về “Khuôn mặt tinh thần của một trí thức, trường hợp Đinh Gia Trinh” (bài đăng lại trên Viet-Studies), qua đó ông đánh giá rất cao những bài viết về văn chương nghệ thuật đắc sắc của tác giả này, đặc biệt là trong tập “tiểu luận có đường nét của một bài tổng kết Địa vị văn hoá Âu Tây trong văn hoá Việt Nam”.
Như vậy, Đinh Gia Trinh viết cho KHTC hồi còn là sinh viên, và sau đó (1940-1941, khi KHTC đã đình bản) chuyển hẳn sang lĩnh vực phê bình văn học.
5/ Vài tác giả có nhiều bài khác:
- Lê Văn Kim, với bài Khảo về dầu mỏ (số 47 và loạt bài Nguyên cớ phát minh sự vật của loài người (số 46 và nhiều số tiếp theo) cũng như một vài bài xã luận. Ông này trùng tên với một viên tướng lĩnh của VNCH, nhưng chắc chắn không phải vì tướng Lê Văn Kim sinh năm 1918, năm 1933 (thời điểm của bài Khảo về dầu mỏ) mới 15 tuổi.
Một trong những bài ký tên Lê Văn Kim có kèm theo mấy chữ IDEO, là tên viết tắt của Imprimerie d'Extrême-Orient, nhà in lớn nhất ở Đông Dương lúc đó, do hai anh em ông Schneider thành lập từ năm 1886.
- Thanh Đạo, với nhiều bài viết về Thiên văn học, Khoa học hiện đại, Khoa học giảng cứu;
- Mặc Kim nữ sĩ, với nhiều bài về Phụ nữ với khoa học, Khoa học và bình quyền (nam - nữ);
- Vị Hà, tác giả loạt bài Triết lý với Khoa học (số 8-13) và nhiều bài khác.
- Nguyễn Công Huân, con trưởng Nguyễn Công Tiễn, sau khi ra trường Nông lâm cũng có nhiều bài viết về các vấn đề nông nghiệp, như thân phụ;
- Thạch Bân, cũng với nhiều bài tranh luận về khoa học với nam nữ bình quyền, và các bài về việc học, ở nhà trường hay trong giáo dục gia đình.
- Đào Đăng Hy, thuộc Viện Hải học Nha Trang, với ba bài giới thiệu Viện này (và một số bài khác liên quan tới đề tài thuỷ sản, như bài về Nước mắm trên số 50);
Ngoài Viện Hải học, vài cơ sở nghiên cứu khoa học khác được giới thiệu như Viện Khảo cứu khoa học Đông Dương, Thiên văn đài Phủ liễu, hay nhu cầu thành lập một Việt Nam Bác vật viện Muséum d'Histoire Naturelle d'Annam) mà chủ bút Nguyễn Công Tiễu đề ra (xã luận số 43).
HDT
Nguồn: Khoa học Tạp chí và nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu (I), FB Hà Dương Tường, 27 tháng 3, 2019




Chú thích:

[*] Người viết chân thành cảm ơn bác sĩ Phạm Gia Chung (Pháp) đã vui lòng cho mượn một bản sao chụp toàn bộ Tạp chí, và tiến sĩ Phạm Gia Minh (Việt Nam), cháu ngoại cụ Nguyễn Công Tiễu, đã gửi tặng cuốn sách “Du lịch Âu châu” để viết bài này.


Nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu
Nguyễn Công Tiễu
Trong số những trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20, Nguyễn Công Tiễu không phải là một tên tuổi nổi bật so với các trí thức thuộc các lĩnh vực văn chương, chính trị, và như báo Tia Sáng 22.4.2017 nhắc lại, ngày nay tên ông vẫn “không gợi lên nhiều điều”. Thế nhưng ông lại là một trong những nhà khoa học đầu tiên có những công bố quốc tế và qua đó, được “Hội đồng khảo cứu về Khoa học Đông Dương” (Conseil de Recherche Scientifique de l'Indochine) nhận làm hội viên dù ông không có đơn xin ứng cử, như một bài viết trên “Hà Thành Ngọ báo” ngày 26/12/1929 cho biết.
Nguyễn Công Tiễu (1892-1976) quê ở làng Trà Bồ, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Thuở nhỏ ông học chữ Nho, lớn lên được học chữ Quốc ngữ, rồi theo học trường Cao đẳng Nông Lâm, nơi ông tốt nghiệp năm 1912. Có thể nói, chọn lựa ngành nghề ấy ở tuổi thanh niên đã đeo đuổi ông suốt đời: Sự nghiệp khoa học của ông tập trung vào các vấn đề cây cỏ, thực vật của nhà nông, vừa nghiên cứu vừa phổ biến giúp nông dân cải thiện các sản phẩm của mình. Quan tâm này của ông được thể hiện trong việc ông nhận làm chủ bút tờ Vệ Nông báo, một trong những tờ báo hiếm hoi chuyên về nông nghiệp (bao gồm kinh tế và thương mại hàng nông sản) thời đó - sau tờ Nông cổ mín đàm ở Nam kỳ. Vệ Nông báo do ông chủ nhà in Lê Văn Phúc xuất bản và làm giám đốc, ra đời vào ngày 15.7.1923, và đình bản năm 1932. Tuy xuất bản ở Hà Nội, tờ này cũng được phổ biến ở trong nam, bằng chứng là tờ Khoa học Tập chí của ông Bùi Quang Chiêu có một số bài đăng lại từ Vệ Nông báo. Một năm trước khi Vệ Nông báo đình bản, Nguyễn Công Tiễu đứng ra thành lập Khoa học Tạp chí, một tạp chí chuyên phổ biến khoa học nhưng đã sống được 10 năm, và chỉ phải đình bản vì những khó khăn do chiến tranh gây ra (1941), lúc đó thị lực của ông đã yếu tới mức bị loà hoàn toàn năm 1942. Có phải vì thế mà những năm sau chiến tranh, ông không còn được biết tới? Tuy vậy, theo Kiều Mai Sơn trong bài, “Nguyễn Công Tiễu thế chấp tài sản để làm báo”, báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 15/6/2016, “Về già, mặc dù tuổi cao, mắt đã lòa, những nhờ có trí nhớ kỳ diệu, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học. Ông đã đọc cho thư ký viết tập sách “Xem cây mọc dại biết loại đất hoang”, tập sách có tới 171 loại cây cỏ, với đủ tên Việt và tên khoa học…”.(1)
Nguyễn Công Tiễu cũng là nhà khoa học Việt Nam tuy suốt đời làm việc trong nước nhưng đã đi tiên phong trong việc công bố các bài nghiên cứu của mình trong các hội nghị quốc tế. Nhà báo Vương Quân Hoàng trên Tia Sáng 7/7/2016 kể ra một số bài ông tìm thấy:
1/ Tieu, N. C. (1922). Note sur une Cécidomyie du Riz. Bull. Econ. de l’Indochine, 25:590-593;
2/ Tieu, N. C. (1928). Notes sur les insectes comestibles au Tokin. Bull. Econ. de l’Indochine, 31, 735-744;
3/ Tieu, N. C. (1930). L’Azolle cultivee comme engrais vert. Bull. Econ. de l’Indochine, 33, 335-350.
Tạp chí bằng tiếng Pháp này không chỉ được phổ biến ở Đông Dương mà còn ở Pháp, thời đó là một “cường quốc về khoa học”, và một số bài còn được trích dẫn cho tới những năm cuối thế kỷ 20, như nghiên cứu về Bèo hoa dâu (xem bài viết của Võ Quang Yến, “Bèo hoa dâu, chất phân xanh” trên Vietscience.free.fr).
Tìm thông tin trên Thư viện Quốc gia Pháp, ta cũng thấy - ngoài Khoa học tạp chí -, ông có những bài nghiên cứu dưới đây:
- Communications présentées par l'Institut océanographique de l'Indochine au IVe Congrès scientifique du Pacifique, Java, 1929, (Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Thái Bình Dương lần thứ tư). Đây chính là bài Con rươi mà ông đã cho dịch ra tiếng Việt và đăng trên KHTC số 2 (15.7.1931) và số 3 (1.8.1931) mà Diễn Đàn đã đăng lại cuối năm ngoái.
- Bài hoa dâu dùng làm phân bón, trong một cuốn sách bằng tiếng Pháp của Nha Nông nghiệp Bắc Kỳ (Chambre d'Agriculture du Tonkin), 1930. Bài này cũng được gửi đi Hội nghị Khoa học Thái Bình Dương ở Java năm 1929, có lẽ chính là bài số 3/ trên danh sách của Vương Quân Hoàng. Một số đoạn trích dịch (khá sơ sài) được đăng lại trên KHTC các số 9, 13, 14.
- Tiếp theo là cuốn Những điều bí mật về bèo hoa dâu, Hà Nội 1934, nhà in Ngõ Tú Hạ, 16 trang. Tác giả cũng cho đăng lại cuốn này trên KHTC từ các số 85 (1.1.1935), 86, 87, 88, 89. Trong phần giới thiệu bài, ông cho biết đã quan tâm tới bèo hoa dâu từ khi đang tòng học ở trường Cao đẳng Nông Lâm Hà Nội và đã đăng bài viết đầu tiên về bèo dâu trên báo Vệ Nông năm 1923. Sau đó, ông có nhiều bài tiếp tục đề tài nghiên cứu này, trong đó có bài ở Hội nghị Khoa học Thái Bình Dương nói trên và một bài trình viện khảo cứu Đông Dương về cách để giống bèo dâu. Những năm sau, một số nhà nghiên cứu người Pháp cũng bắt đầu viết về bèo dâu trên các báo Bull. Eco. de l'Indochine, Revue de Botanique Appliquée et l'Agriculture Coloniale hay Riz et Riziculture. Cuối phần giới thiệu này, ông đưa ra kết luận: “Vậy thực ra thì việc dùng bèo dâu làm phân bón ruộng ở Bắc kỳ mới được các nhà làm ruộng biết đến từ năm 1923.”.
Ngoài ra, Thư viện Quốc gia Pháp cũng có một số sách phổ biến khoa học bằng tiếng Việt như Sách làm ruộng (nhà in Tonkinoise, Hà Nội 1928), Nghề thợ nề (Hà Nội, 1933, “Việt Nam tiểu học tùng thư”), Những sự kỳ quan trong vũ trụ II, Loại thảo mộc, Hà Nội 1924, Kim Đức Giang.
Nguyễn Công Tiễu cũng có những bài khảo cứu chung quanh các vấn đề canh nông, trồng trọt gửi các báo hoặc hội nghị chuyên ngành, mà ông cho đăng bản dịch tiếng Việt trên KHTC, như bài về Cây vối (các số 4 và 5), cũng đã đăng trên Le Paysan de Cochinchine (7 déc. 1939, n° 237).
Đáng chú ý, ông cũng có một cuốn sách về Quốc ngữ cho người mù theo cách viết braille (Hà Nội, nhà in Xuân Thu, 1952), khi đó ông đang làm chủ tịch Hội người mù, vài năm sau khi đã loà hẳn vì căn bệnh thiên đầu thống (theo Nguyễn Hữu Sơn, trong Lời giới thiệu cuốn sách “Du lịch Âu châu...”).
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn đó, cùng với những cố gắng duy trì tờ tạp chí Khoa học suốt mười năm trời, ông cũng nhiều lần đề ra ý tưởng tổ chức một hội đoàn nhằm thúc đẩy xã hội tiến mạnh hơn vào khoa học, với các mục tiêu “Mở mang cho quốc dân An nam biết cách trí Á đông và khoa học Âu tây”, “khuyến khích những việc khảo cứu về khoa học”, “góp sức vào việc tiến bộ các khoa học lý luận và thực hành”, “truyền bá những khoa học thực hành có ích để cải lương đường sinh hoạt của xã hội An-nam”. Hội đoàn đó, ông đặt tên là Khoa học đồng chí hội (les amis des sciences), sẽ có 4 loại hoạt động: “Lập hội quán có thư viện, bảo tàng”; “Đặt phần thưởng khuyến khích và trợ cấp cho những hội viên có bài khảo cứu và việc làm xét ra có ích cho mục đích hội”; “In sách báo khoa học và truyền bá khoa học bằng chữ quốc ngữ”, “tổ chức những lớp dạy học, diễn thuyết, đấu xảo...” (KHTC, các số 10, 56 và 57). Có thể nói, tuy không trực tiếp nhắc tới Phan Châu Trinh, đó là những việc làm rất cụ thể mượn đường khoa học để thực hiện các mục tiêu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà Phan đề ra. Tiếc rằng những nỗ lực ấy hoàn toàn không được xã hội đương thời hưởng ứng, ngay cả giới trí thức nói chung cũng thờ ơ, và Khoa học đồng chí hội không bao giờ hình thành.
Nhà báo Vương Quân Hoàng (bài đã dẫn) cho biết, nhà văn Phan Khôi công nhận vị trí đứng đầu về khoa học Việt Nam của Nguyễn Công Tiễu, và một tờ báo hay châm chích các chuyện thế gian thời đó là Thực nghiệp Dân báo trong hai bài cùng xuất bản năm 1933 (S. 70, 13-6-1933), tr. 1; và S. 72, 15-6-1933, tr. 1-2) cũng khẳng định vị trí của cụ Tiễu được công nhận không chỉ là nhà khoa học đầu tiên, mà là “độc nhất” ở Việt Nam ta lúc đó. Trong báo KHTC số 58, Nguyễn Công Tiễu cũng cho biết, nhiều bạn đọc KHTC hỏi ông “tại sao Phong Hoá hay đem ông bêu lên trên báo mà ông không nói gì để đáp lại?”. Trong bài “Chê hay Khen” trên trang nhất số này, ông nêu việc đó và cho rằng “bạn đồng nghiệp rất quý của tôi là báo Phong Hoá có công kích gì tôi mà cần phải giả nhời. Tỉnh thoảng anh em có đùa một chút cho vui, để tôi phải ngoảnh cổ lên cười, cho khuây một lúc những công việc tỉ mỉ trong phòng thí nghiệm, đầy những rươi cùng bèo, những cây cùng rắn.”. Trả lời này cho thấy tính cách của một nhà khoa học đích thực, nhưng câu chuyện phần nào cũng phản ánh thực tại khó khăn của việc đưa khoa học vào Việt Nam ở buổi ban đầu.
Gần đây, tên ông được báo chí nhắc lại nhân dịp nxb Tri Thức cho in tập sách “Du lịch Âu châu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris”, là tập hợp những bài viết ông gửi đăng trên KHTC nhân chuyến đi Pháp nửa sau năm 1937.
Những thông tin quá ít ỏi này, cũng như bài viết trên đây về tờ Khoa học Tạp chí, hẳn là chưa nói lên được tầm vóc của nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam, linh hồn của tạp chí này. Cũng như, bức chân dung trên đây, theo Vương Quân Hoàng, là tất cả hình ảnh còn lại về ông. Người viết rất mong rằng gia đình và những người thân thiết của ông sẽ cung cấp thêm những thông tin và hình ảnh khác nữa.
HDT
(1) Bài của KMS có một số thông tin về tiểu sử Nguyễn Công Tiễu được sử dụng trong bài viết này, tuy nhiên, KMS cho một thông tin sai lầm rất tiếc lại được dùng làm đề từ cho bài báo và được một vài bài viết sau đó lấy lại: “Nguyễn Công Tiễu quyết định ra cùng lúc 2 tờ báo là “Khoa học tạp chí” cho đối tượng rộng rãi và “Vệ nông báo” dành riêng cho nông dân”. Sai lầm này còn được lặp lại ở một đoạn sau: ““Khoa học tạp chí” là tờ báo đầu tiên Nguyễn Công Tiễu đảm nhận trách nhiệm.”. Trong khi, như đã nói, Vệ Nông báo xuất bản 8 năm trước KHTC, chứ không phải “cùng lúc”, mới chính là tờ báo đầu tiên NCT đảm nhận trách nhiệm (trong vai trò chủ bút).

Print Friendly and PDF