12.5.19

Malaysia quay trở lại quỹ đạo của Trung Quốc?


MALAYSIA QUAY TRỞ LẠI QUỸ ĐẠO CỦA TRUNG QUỐC?
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed. (Nguồn: SCMP)
Với mức giảm giá này, chúng tôi có thể xây mới tháp Petronas lớn gấp hai lần!Daim Zainuddin hoan hỉ phát biểu sau khi ký kết một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Malaysia, vào ngày 11 tháng 4 [năm 2019], để khởi động lại các công trình của dự án East Coast Rail Link (ECRL). ECRL, gắn với dự án các “Con đường tơ lụa mới”, là tuyến đường sắt đi qua Bán đảo Kota Baru của Malaysia đến cảng Klang trên Eo biển Malacca ở phía Đông. Daim Zainuddin, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính từ năm 1984 đến năm 1991, đã được Thủ tướng Mahathir Mohamed ủy nhiệm đàm phán lại hợp đồng nhằm giảm chi phí. Người thọ tám mươi tuổi này đã hoàn thành nhiệm vụ, bởi vì các công trình của dự án sẽ được khởi động lại vào tháng 5.
Najib Razak (1953-)
Được công bố vào tháng 11 năm 2016, dự án ECRL là dự án đắt nhất mà Malaysia từng biết đến. Tuyến đường sắt dài 688 km, ước tính khoảng 14 tỷ euro, tức 21 triệu USD mỗi km, đã đưa đất nước này nằm ở trung tâm của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Tuy nhiên, tuyến đường sắt này ngay lập tức thu hút rất nhiều chỉ trích, không chỉ vì chi phí cao của nó, mà còn vì phần đóng góp của người Malaysia vào các công trình của dự án được phân bổ quá ít. Thực vậy, giống như trong nhiều dự án khác gắn với sáng kiến BRI, các doanh nghiệp Trung Quốc nắm hết các phần việc, từ khâu thiết kế đến việc điều động nhân công. Mahathir Mohamed, làm Thủ tướng từ năm 1981 đến năm 2003, người chỉ trích dự án ECRL một cách quyết liệt nhất, đã không ngần ngại cáo buộc Najib Razak, khi đó là người đứng đầu chính phủ, đã bán rẻ Malaysia cho Trung Quốc. Nhưng những chỉ trích đó đã không ngăn được công trình thi công, dự án đã được khởi động vào tháng 8 năm 2017 sau một buổi lễ hoành tráng.
TỪ ĐÀM PHÁN ĐẾN THỎA HIỆP
Chiến thắng lịch sử của liên minh Pakatan Harapan do Mahathir lãnh đạo trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 5 năm 2018 đã khiến cho dự án ECRL bị đặt lại vấn đề. Chính phủ đã ra lệnh đình chỉ các công trình vào tháng 7. Nhưng một tháng sau, trong một chuyến công du chính thức tới Bắc Kinh, Mahathir trông có vẻ mơ hồ về tương lai của dự án. Sau khi tuyên bố hủy bỏ ba dự án của Trung Quốc tại nước này, trong đó có dự án ECRL, ông đã rút lại tuyên bố vài giờ sau đó và nói rằng các công trình bị đình chỉ vô thời hạn [sine die]. Chính phủ Malaysia đặt điều kiện cho sự khôi phục các dự án nói trên với việc giảm thiểu đáng kể chi phí thi công.
Lim Guan Eng (1960-)
Các cuộc đàm phán, được khởi động vào tháng 7 năm 2018, giữa Malaysia và Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC) phụ trách dự án, đã nhanh chóng xuất hiện những bế tắc. Đến mức Mahathir đã nhiều lần tuyên bố rằng chính phủ của ông sẵn sàng trả tiền bồi thường vì đã hủy bỏ hợp đồng. Vào đầu tháng 3 năm 2019, người ta quan sát thấy hé lộ một thỏa thuận. Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng cho biết sẽ tiếp tục thi công dự án ECRL nếu chi phí được xem xét giảm xuống. Vài tuần sau, chính phủ đã bác bỏ đề xuất của tập đoàn CCCC về việc giảm 2,1 tỷ euro cho dự án.
Cuối cùng, Malaysia và công ty Trung Quốc đã ký được một thỏa hiệp vào ngày 11 tháng 4. Từ nay tổng chi phí của dự án được ước tính là 9,4 tỷ euros, tức giảm một phần ba so với số tiền dự kiến ​​ban đầu. Bản vẽ cũng đã được điều chỉnh. Tuyến đường sắt, ngắn hơn 40 km, phục vụ một bang mới của liên bang, Negeri Sembilan, nằm ở phía nam thủ đô Kuala Lumpur. Sự chuyển hướng này tránh được việc phải khoan một đường hầm, nhưng nó cho phép kết nối Putrajaya, thủ đô hành chính của đất nước, với sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Trong cuộc họp báo vào ngày 15 tháng 4, Mahathir đã công bố những thay đổi đáng kể so với thỏa thuận ban đầu. Tỷ lệ sử dụng nhân công người Malaysia trên công trường được nâng từ 30 lên 40%; tập đoàn CCCC sẽ không còn độc quyền điều động nhân công mà thay vào đó là một công ty liên doanh giữa Trung Quốc và Malaysia. Cuối cùng, Thủ tướng cũng tuyên bố rằng công ty Trung Quốc đã đồng ý hoàn trả khoản tạm ứng của chính phủ cho các công trình ban đầu, tức 660 triệu euro, trong đó 213 triệu euro phải được trả trước cuối tháng 4. Tất cả những thay đổi này đã làm chậm lại việc đưa vào sử dụng dự án ECRL trong hai năm, giờ đây dự án được dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2026.
VỊ THẾ đưỢc cỦng cỐ thêm gẤp đôi
Tại buổi công bố việc nối lại công trình, một số nhà quan sát cho rằng tin tức đó đã trả lại cho Tập Cận Bình nụ cười. Hẳn là thỏa thuận đã củng cố dự án các “Con đường tơ lụa mới” ở Đông Nam Á, mà còn cho thấy đặc điểm đôi khi còn gò bó. Thật vậy, nếu Malaysia đã đồng ý khởi động lại dự án ECRL, thì đó chỉ là để tránh phải trả tiền bồi thường hủy bỏ hợp đồng, ước tính khoảng 4 tỷ euro. Nếu có một người chiến thắng trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, thì đó chính là Mahathir.
Panos Mourdoukoutas (1955-)
Malaysia đã củng cố thêm vị thế quốc tế của mình. Trong một bài báo đăng trên tạp chí Forbes, nhà kinh tế Panos Mourdoukoutas đã hết sức ca tụng chiến lược của Malaysia. Ông chỉ ra sự không hiệu quả về mặt kinh tế của nhiều dự án gắn với sáng kiến BRI, và làm nặng thêm rủi ro mắc nợ không đảm đương nổi đối với các nước tiếp nhận. Đó đặc biệt là trường hợp của Sri Lanka với cảng Hambantota do các doanh nghiệp Trung Quốc thi công, trước khi bị nhượng quyền sử dụng trong 99 năm, do chính phủ Sri Lanka không có khả năng chịu đựng các mức chi phí xây dựng. Một rủi ro tương tự đang đè nặng lên Pakistan và Philippines. Trái ngược với các nhà lãnh đạo của những nước nói trên, theo ghi nhận của Panos Mourdoukoutas, Mahathir đã có đủ can đảm để chống lại Trung Quốc và đàm phán để cho sáng kiến BRI làm lợi cho nền kinh tế Malaysia chứ không chỉ cho Bắc Kinh.
Trên hết, Thủ tướng Malaysia đã giữ vững lập trường của mình khi chỉ cho phép thực hiện những dự án có lợi cho Malaysia. Trong khi một số nhà quan sát coi ông là một đối thủ của Trung Quốc, thì Mahathir luôn phủ nhận một lập trường như vậy. Ông chưa bao giờ chối bỏ sự hỗ trợ của mình đối với sáng kiến BRI, miễn là nó có lợi cho nền kinh tế Malaysia. Chính vì lý do đó mà hai dự án khác, bị đóng băng vào tháng 8 năm 2018, đã không được tiếp tục và đã bị hủy bỏ một cách vĩnh viễn. Ngoài ra, Malaysia đã đàm phán thành công việc khởi động lại các công trình của dự án ECRL với cam kết của Trung Quốc trong việc gia tăng nhập khẩu sản phẩm dầu cọ của Malaysia. Trong khi Pháp và Liên minh châu Âu tìm cách hạn chế mức tiêu thụ [sản phẩm dầu cọ của Malaysia], thì thỏa thuận này với Bắc Kinh đảm bảo cho các nhà sản xuất Malaysia có được một tiêu trường.
Nhưng vị thế của người đứng đầu chính phủ Malaysia không chỉ được củng cố ở nước ngoài, mà còn được củng cố ở trong nước. Việc đàm phán lại các dự án của Trung Quốc tại nước này là một trong những hứa hẹn chính của đảng Pakatan Harapan trong chiến dịch tranh cử. Trong khi, vào hôm Thứ Bảy vừa qua, ngày 13 tháng 4, liên minh chính phủ đã nếm mùi thất bại lần thứ ba liên tiếp trong vòng bầu cử lập pháp từng phần, và thừa nhận không có khả năng thực hiện toàn bộ chương trình của mình, thì việc giảm được các mức chi phí của dự án ECRL đã bảo đảm cho họ có được một chiến thắng mang tính biểu tượng. Hơn nữa việc khởi động lại các công trình của dự án đã thu được một sự đồng thuận tương đối trong dư luận Malaysia. Liên minh đối lập Barisan Nasional, người thực hiện dự án ban đầu, rất khó để chỉ trích [chính phủ] và chỉ có thể trách chính phủ về một lỗi nhỏ trong thông cáo báo chí khi tuyên bố khởi động lại các hoạt động của công trường: trong thông cáo đó đã viết nước “Cộng hòa Trung Hoa” chứ không phải là nước “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Điều đặc biệt là dự án ECRL đi qua các bang Kelantan, Terengganu và Pahang, là những thành trì của phe đối lập và bảo thủ Malaysia. Việc công bố khởi động lại các công trình của dự án đã được các nhà lãnh đạo hành pháp địa phương đón nhận rất tốt, những người đã tỏ ra lo ngại khi chính phủ hủy bỏ các dự án, được họ xem như sự “trả thù” của đảng Pakatan Harapan để trừng phạt những cử tri đã bỏ phiếu “nhầm” vào tháng 5 năm ngoái.
Việc khởi động lại hoạt động của công trường được dự kiến ​​vào đầu tháng 5 sẽ củng cố thêm vị thế của chính phủ và sẽ tạm thời làm dịu những căng thẳng mà chính phủ đang trải qua. Nó cũng cho phép Malaysia bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh sau một thời gian bất định khoảng một năm. Đặc biệt, việc nối lại các công trình của dự án đảm bảo cho Mahathir có được một vị thế mạnh trước Trung Quốc trong các cuộc đàm phán sắp tới và đảm bảo cho ông tiếp cận hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai về BRI sẽ diễn ra vào cuối tháng 4, một cách bình tâm.
Victor Germain
Giới thiệu tác giả
Chuyên gia về Malaysia, Victor Germain phụ trách nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược thuộc trường Ecole Militaire (IRSEM). Tốt nghiệp đại học Sciences Po Paris về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, ông cũng đã học ở trường Đại học Malaya ở Kuala Lumpur. Ông là tác giả của một báo cáo khoa học tại học viện IEP Paris về chủ nghĩa dân túy trong chính sách đối ngoại của Malaysia.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF