BA MƯƠI NĂM SAU VỤ THIÊN AN MÔN, “NẾU TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CHẬM LẠI ĐỘT NGỘT, THÌ RẮC RỐI SẼ XUẤT HIỆN TRỞ LẠI”
Trang bìa của bộ truyện tranh “Tiananmen 1989, nos espoirs brisés [Thiên An Môn 1989, Niềm hy vọng tan vỡ]”, kịch bản của Adrien Gombeaud và Lun Zhang, hoạt hình của Améziane, Seuil Delcourt. (Bản quyền: Seuil Delcourt)
“Chính sách đúng đắn”. Đó là thuật ngữ mà Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa [Wei Fenghe], Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã định nghĩa về vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn vào đêm 3 rạng sáng 4 tháng 6 năm 1989. Vị tướng quân sự đã phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại An ninh Khu vực Shangri-La tại Singapore, vào hôm Chủ nhật tuần này, ngày 2 tháng 6 năm 2019. Tuyên bố này là điều rất bất thường ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, nơi mà những người kế nhiệm Đặng Tiểu Bình đã chọn cách không nói bất cứ điều gì về những “sự kiện” đã tắm máu Bắc Kinh ba mươi năm trước, đúng vào ngày này. Chính quyền ngày nay có vẻ bớt day rứt hơn khi nói về vụ giết người đó. Có thể bởi vì họ đã thành công trong việc xóa bỏ vụ đó khỏi ký ức tập thể của một đại bộ phận dân chúng, qua việc sử dụng một hệ thống kiểm duyệt kỹ thuật số cực kỳ tinh vi. Trang Asialyst đã gặp Lun Zhang, cựu lãnh đạo phong trào Thiên An Môn, người đã chọn cách gìn giữ ký ức về vụ thảm sát qua bộ truyện tranh.
CUỘC PHỎNG VẤN
Mùa xuân năm 1989, Lun Zhang là một trong những người lãnh đạo phong trào quảng trường Thiên An Môn. Chịu trách nhiệm về công tác duy trì trật tự, ông phải đảm bảo làm sao cho các cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa, đồng thời kiềm chế sự tiến công của quân đội Trung Quốc. Ngày nay là giáo sư về văn minh Trung Quốc tại Pháp, ông đã chọn cách làm sống lại các sự kiện đó trong một bộ truyện tranh dầy 98 trang, Tiananmen 1989, nos espoirs brisés [Thiên An Môn 1989, Niềm hy vọng tan vỡ], (cùng với Adrien Gombeaud và Amazing Améziane, Editions Delcourt). Từ cơn sốt dân chủ, đang chiếm lĩnh Bắc Kinh vào cuối những năm 1970, đến vụ thảm sát ngày 4 tháng 6 năm 1989, cuốn sách đưa ra một cái nhìn sư phạm, nhưng không phải không có cảm xúc về lịch sử cuộc nổi dậy lớn nhất của quần chúng ở Trung Quốc thời đương đại.
Đọc biên niên sử “truyện tranh châu Á” trên bộ truyện tranh Tiananmen 1989, nos espoirs brisés [Thiên An Môn 1989, Niềm hy vọng tan vỡ].
Bộ truyện tranh nói về một người tường thuật, người trông giống hệt ông. Nhưng ông nói ngay từ đầu rằng đó không phải là một tự truyện. Vậy “người song sinh trong truyện” này là ai, như cách ông gọi người đó?
Lun Zhang: Tất cả những cảnh mà tôi xuất hiện trong đó đều có thật 100%. Nhưng để đưa ra một cái nhìn tổng quát hơn về phong trào, chúng tôi phải tăng tính lãng mạn một chút, tưởng tượng ra ví dụ một số nhân vật như cư dân hoặc sinh viên ở Bắc Kinh.
Lun Zhang, cựu lãnh đạo phong trào quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989. (Nguồn: RFI)
Ông đã ở đâu vào đêm mùng 3 rạng sáng mùng 4 tháng 6 năm 1989, khi quân đội tiến vào quảng trường Thiên An Môn?
Ở vùng ngoại ô lớn của Bắc Kinh, cùng với các nhà hoạt động khác của phong trào. Tôi lấy lại sức sau vài ngày tuyệt thực và bất tỉnh nhân sự. Và rồi chúng tôi cũng chuẩn bị cho hoạt động hậu-phong trào bởi vì chúng tôi nghi ngờ có chuyện gì đó đang được ngấm ngầm chuẩn bị. Chúng tôi có nhiều tin tức hơn về những gì đang diễn ra trong nội bộ chính quyền, nhưng không ai nghĩ rằng điều đó diễn ra quá bạo lực. Khi biết tin quân đội đã tiến vào Bắc Kinh, chúng tôi đã cố gắng quay trở lại, nhưng đã không thành công. Vào ngày 6 tháng 6, tôi lên đường đến miền Tây Trung Quốc: Nội Mông, rồi đến tỉnh Cam Túc, nơi tôi lẫn trốn ở nhà bạn bè. Sau đó, những người ở Hồng Kông đã liên lạc với tôi [trong khuôn khổ chiến dịch “Chim vàng” nổi tiếng – BBT]. Tôi đã trốn sang Hồng Kông, nơi tôi ở đó 3 tháng, trong khi chờ nước Pháp hoàn tất mọi thủ tục để tôi đến Pháp. Và tôi đã đến Paris.
Ông chưa bao giờ quay trở lại Trung Quốc? Vì sao?
Không [tôi chưa bao giờ quay trở lại], tôi đã ra đi không có hộ chiếu và để quay trở lại, có lẽ tôi phải viết bản tự kiểm, điều mà tôi đã từ chối. Bố mẹ tôi đã đến Pháp hai lần. Mẹ tôi mất vào năm ngoái, tôi đã không thể dự đám tang của bà ở Trung Quốc. Nhưng điều đó không ngăn tôi giữ nhiều liên lạc trong nước. Tôi thậm chí có thể nói rằng tôi biết nhiều điều hơn về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc so với hầu hết những người đang sinh sống ở đó. Nếu có một vị tướng Trung Quốc tự sát, tôi biết điều đó sau hai giờ đồng hồ.
Hãy quay trở lại các sự kiện của năm 1989. Trong cuốn sách, ông giải thích rằng không nên coi phong trào Thiên An Môn là một cuộc cách mạng, theo nghĩa của thuật ngữ này ở phương Tây. Vì sao?
Chúng tôi muốn tránh sử dụng bạo lực bằng mọi giá. Không hề có cuộc nổi dậy nào cả, mà chỉ có gần 3000 sinh viên đang tuyệt thực, ông tưởng tượng được không! Trung Quốc đã chứng kiến một thời mở cửa to lớn hơn trong một vài năm và mục tiêu là tiếp tục những diễn tiến dân chủ đó một cách ôn hòa. Sự đàn áp đã phá vỡ niềm hy vọng đó. Tôi e rằng trước những vấn đề xã hội trong tương lai, đất nước sẽ chứng kiến những vụ bạo lực mới.
Chai Ling (1966-) |
Trong cuốn sách, người ta cảm thấy một chút cay đắng đối với Chai Ling, nhà lãnh đạo nữ mưu sĩ của phong trào Thiên An Môn, đồng thời cũng là một trong những nhân vật triệt để nhất. Một số nhà quan sát nói có thể tránh được vụ thảm sát nếu không có “chủ nghĩa cực đoan” của bà. . .
Chừng nào mà Thiên An Môn chưa được phục hồi, tôi không muốn tranh luận quá nhiều. Các sinh viên đó không có kinh nghiệm về các phong trào hoạt động xã hội, nên rất khó cho họ để rời khỏi quảng trường. Dù sao đi nữa, khi không có công tác tổ chức từ thượng tầng, thì chính những người tham gia triệt để nhất sẽ lên nắm quyền. Hãy nhìn vào phong trào “Áo gi-lê vàng” ở Pháp.
Trong một bài xã luận đăng ngày 3 tháng 6, tờ Thời báo Hoàn Cầu theo chủ nghĩa dân tộc khẳng định rằng sự trấn áp ở Thiên An Môn đã làm cho “Trung Quốc miễn dịch” đối với những bất ổn chính trị trong tương lai. Tờ báo cũng gợi lên những tiến bộ kinh tế to lớn trong ba mươi năm qua…
Tất nhiên là đã có tiến bộ về kinh tế, nhưng đó cũng là điều đã diễn ra ở các nước châu Á khác. Vụ Thiên An Môn đã đặc biệt để lại rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Khẩu hiệu “Làm giàu cho chính mình!” đã được thực hiện mà không có bất kỳ hướng dẫn kèm theo nào về mặt đạo đức. Ngày nay, Trung Quốc có một mô hình hoàn toàn mất cân bằng. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đột ngột, thì tất cả rắc rối sẽ xuất hiện trở lại. Hãy chờ xem sự đổ vỡ bong bóng bất động sản hay cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ sẽ mang lại điều gì. Chính phủ Trung Quốc nhận thức rất rõ về điều này, và đó là lý do vì sao họ có vẻ khá hoảng loạn bởi cuộc xung đột này. Để so sánh, thử lấy ví dụ của Tunisia, nước có một trong những mô hình phát triển ổn định nhất ở Châu Phi. Điều đó đã không ngăn được cuộc cách mạng. Nhìn vẻ bên ngoài, một số bệnh nhân thường ra vẻ rất khỏe.
Tuy nhiên, giới trẻ Trung Quốc dường như bị phi chính trị hóa hơn bao giờ hết…
Đó là một lựa chọn hợp lý. Khi đăng một cái gì đó trên Wechat [mạng xã hội chính ở Trung Quốc– BBT] và khi có một công an đến gõ cửa nhà ông trong vài phút sau đó, thì ông nên tránh đăng một số chủ đề nào đó. Chừng nào tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn cao, thì mọi chuyện sẽ qua đi, nhưng sau đó… Vả lại, tôi nghĩ có những dấu hiệu chính trị hóa trở lại trong giới trẻ Trung Quốc qua các phong trào của sinh viên tân mácxít. Người dân không còn chịu chấp nhận sự bất công thường xuyên nữa.
Cuộc phỏng vấn do Baptiste Fallevoz thực hiện
Giới thiệu tác giả
Baptiste Fallevoz |
Là nhà sản xuất phim, nhà báo, hiện là tổng biên tập và người viết thời luận cho hãng truyền hình France 24. Trước đây công tác tại Trung Quốc, ông là Phó Giám đốc điều hành của ActuAsia, ở Thượng Hải rồi ở Bắc Kinh, từ năm 2009 đến năm 2016. Ông cộng tác với nhiều phương tiện truyền thông của Pháp và quốc tế (France 24, Arte, Associated Press, Canal +, BFM TV hoặc Mediapart).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Trente ans après Tiananmen, “si la croissance freine brusquement, les problèmes vont resurgir”, Asialyst, 04/06/2019.