SỰ GIÁNG CẤP XÃ HỘI
Đấu tranh giai cấp đã nhường chỗ cho sự giáng cấp xã hội, một từ nay đã tràn ngập trí tưởng tượng xã hội của chúng ta. Phân tích một hiện tượng đại chúng.
François-Guillaume Lorrain(*) Đầu năm nay, Hiệp Hội cho việc làm của cán bộ[1] (APEC) đã cho xuất bản công trình nghiên cứu sâu đầu tiên về cán bộ từ những dữ liệu xã hội đã được thu thập tại các công ty. Ta hãy ghi nhận một con số: gần 10% cán bộ có cảm tưởng là bị giáng cấp. Con số này xác nhận điều rằng 15 đến 20% của dân số có viêc làm từng tượng trưng cho sự tăng trưởng của Pháp cũng bị cuốn vào cái vòng xoắn ốc của sự suy thoái và sự bất ổn. Trước đây, cán bộ là một người được ưu đãi; ngày nay, đó không còn là một thành trì chống lại sự thất bại và sự lo sợ về sự rơi ngã (sụp đổ). Cái thang máy xã hội để bị giáng cấp đã thay thế cho cái thang máy xã hội để thăng tiến. Từ đó nảy sinh ra ý muốn gợi lên sự khó khăn không chỉ liên quan đến các cán bộ mà còn đến một bộ phận lớn của dân số: sự giáng cấp.
|
François-Guillaume Lorrain (1970-) |
Những nhà xã hội học lao động thường phân biệt ba loại giáng cấp: sự giáng cấp giữa các thế hệ (liên thế hệ) – cảm tưởng có một vị trí thấp kém hơn vị trí của cha mẹ -, sự giáng cấp học thức – sự chênh lệch giữa trình độ học thức đã đạt và việc làm bị xem như là kém hơn -, và sự giáng cấp trong một thế hệ - bị rơi vào tình trạng thất nghiệp hay chuyển từ một hợp đồng lao động vô thời hạn sang một hợp đồng ngắn hạn hay sang một hợp đồng lao động vô thời hạn nhưng mang lại thu nhập thấp hơn. Những công trình nghiên cứu thống kê đầu tiên đã được xuất bản cách đây hai mươi năm. Chúng tập trung vào loại giáng cấp thứ nhất. Rồi những cuốn sách đầu tiên đã được xuất bản vào cuối những năm 2000. Tất cả những con số đều xác nhận càng ngày càng có nhiều người Pháp, khoảng một phần tư, theo công trình nghiên cứu cuối cùng của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia vào năm 2017, cho rằng mình thua kém so với cha mẹ của mình.
Biến cố trong sự nghiệp
Nhưng điều mới khác là sự tăng trưởng mạnh của hai loại giáng cấp kia: thứ nhất là hiện tượng được gọi là sự lạm phát học thức, một chủ đề đã xuất hiện vào những năm 2000, tức là sự không thích đáng giữa bằng cấp và việc làm có được; thứ hai, những biến cố trên hành trình mà một phần ngày càng lớn của người dân phải đối đầu trong sự nghiệp của mình, điều dẫn đến một từ khác đã xuất hiện sau đó, sự bấp bênh.
|
Eric Maurin (1962-) |
Tất nhiên, ta phải thấy tính tương đối (sự chênh lệch) giữa sự giáng cấp khách quan và điều mà Eric Maurin đã gọi là “La peur du declassement (Nỗi sợ hãi bị giáng cấp)” trong một cuốn sách. Ta biết rằng 60% người dân sợ phải sống ở ngoài đường trong khi chỉ có 0,16% thật sự sống như vậy. Người Pháp là những người hay lo sợ. Nhà xã hội học này, Eric Maurin, đã gắn sự lo sợ này cho sự bảo vệ quá mức dành cho quy chế của người có hợp đồng lao động vô thời hạn tạo nên một sự sợ hãi ngày càng lớn bị mất quy chế này. Ngoài ra, có những tiêu chí ngoài việc làm có thể nuôi dưỡng cái cảm tưởng này: giá nhà ở tăng, mắc nợ quá mức, các chi tiêu bắt buộc tăng … Nhưng những con số cho thấy một bức tranh về sự di động xã hội trong đó khuynh hướng không còn là sự gia tăng của tăng trưởng mà là sự giảm đi. Và ta có thể hứa cho những người mà ta sa thải rằng họ sẽ được “sắp xếp lại”, nhưng sự sắp xếp này luôn luôn che giấu một sự giáng cấp. Đấu tranh nội bộ
Bị giáng cấp, được sắp xếp lại …. Vậy đấu tranh giai cấp thì như thế nào? Nếu cái diễn ngôn này nay đã không còn nữa trong trường chính trị, nó vẫn không hoàn toàn biến mất đi. Nó đã được nội tâm hóa bởi người lao động vốn sẽ sống cuộc đấu tranh này hằng ngày, vì sợ mất việc. Các giai cấp đấu tranh trong nội tâm của họ. Người lao động, nay phải tự lo cho bản thân, ở bên ngoài các nghiệp đoàn hay các đảng phái, trở thành một cái mồi của nhiều quy chế, họ giống như là một sân khấu trên đó có những lực trái ngược nhau có thể giúp họ hoặc nổi lên được, hoặc dự kiến một sự thăng tiến, hoặc bị dìm xuống đáy, bị trượt trên một cái vách ngày càng trơn. Cái cảm tưởng lan tỏa này biến đổi sự nghiệp của họ thành một trò giữ thăng bằng trong đó viêc bị ngã ngày càng có thể xảy ra.
Từ giáng cấp nói lên nhiều điều, vì nó kêu vang như một thứ trừng phạt. Thật đã là như vậy từ lâu. Ngày xưa, người bị giáng cấp xã hội là một người đã có một cuộc hôn nhân xấu, có một cuộc hôn nhân không tương xứng, và từ bỏ giai cấp của mình. Một kẻ phản bội. Trong các cuộc đua xe đạp hay điền kinh, người bị giáng loại (loại bỏ) là người đã phạm lỗi khi vượt qua đường đua của mình, vì hắn đã cọ xát quá đáng, hay tệ hơn nữa, đã sử dụng chất kích thích bị cấm. Trong đất nước của chúng ta vẫn còn bị tiêm nhiễm nền đạo đức Cơ Đốc, người bị giáng cấp là một người bị trừng phạt. Từ người bị giáng cấp xã hội cho đến người bị tội đày hay người bị các người khác lẩn tránh, chỉ có một bước mà thôi, cũng như khoảng cách giữa sự giáng cấp và sự suy sụp cũng không lớn lắm.
“Cho đến bây giờ, mọi việc đều tốt”
Từ giáng cấp đã là nguồn cảm hứng tưới tiêu cho phong trào Áo Vàng[2]. Không phải chỉ có một phần tư mà đến ba phần tư hay hơn nữa những người Áo Vàng cho rằng mình bị giáng cấp. Ta còn nhớ về đoạn mở đầu của phim La Haine (Sự Hận Thù): “Đó là câu chuyện của một người rơi xuống từ một cao ốc 50 tầng. Để yên tâm, hắn tự nhủ: cho đến bây giờ, mọi việc đều tốt”. Ngày nay thì diễn ngôn đã thay đổi. Những người có cảm tưởng kêu lên khi đang rơi “Cho tới bây giờ, mọi việc đều xấu”. Ở trên, ta đã nói đến người lao động đã trở thành nơi (sân khấu) diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp. Ngày xưa, chủ nghĩa Mác kêu gọi sự nhận thức về cuộc đấu tranh này. Nhưng, những nhà mác xít đã biến mất. Vậy bây giờ, thì còn ai? Những kẻ dân túy chủ nghĩa sẵn sàng thu nhận tiếng nói (lá phiếu) của những người bị giáng cấp, đang ở trong một tình trạng bấp bênh, những người lao động nghèo, thậm chí của những cán bộ buộc phải làm những việc không ra gì. Đó là những người nhận thấy rằng cái hố mới không phải là giữa những người lao động và những người thất nghiệp, mà giữa những người bị giáng cấp và những người khác, những người cảm thấy thoái mái trong giai cấp của họ giống như ta cảm thấy thoái mái trong bộ áo quần. Chúng ta hãy coi chừng những người bị giáng cấp này đang nghiền ngẫm mối oán giận, sự nhục nhã, vì đúng vậy cũng có sự nhục nhã. Điều này chỉ dẫn đến điều xấu nhất mà thôi, chúng ta hãy nhớ đến sự lớn mạnh của các chủ nghĩa phát xít, một bộ máy để tái sử dụng những người bị giáng cấp. Vì sức mạnh của Mussolini cũng như của Hitler chính là đã làm cho người dân Ý và Đức nghĩ rằng họ là những người bị giáng loại so với những nước khác. Ở Pháp, chúng ta đang sản xuất những người bị giáng loại ngay từ nội bộ của chúng ta.
Phạm Như Hồ dịch
Chú thích:
(*) François-Guillaume Lorrain là phóng viên báo Le Point từ năm 1999, chuyên viết về lịch sử, địa chính trị và điện ảnh. Ông là cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm, tác giả cả chục cuốn tiểu thuyết, mà cuốn mới nhất là Vends maison de famille (NXB Flammarion) và vài tiểu luận trong đó có Ces lieux qui ont fait la France (NXB Fayard).↩
[1] Vì trong tiếng Việt không có từ tương đương, nên từ “cán bộ” được dùng để dịch từ “cadre”. Dịch giả nghĩ cần phải xác định rõ nội hàm của từ cadre trong bối cảnh kinh tế - xã hội - văn hóa của Pháp. Theo từ điển Larousse, cadre là “một người làm việc ăn lương nói chung có một chức vụ lãnh đạo, thiết kế hay kiểm tra trong một công ty và có một vị thế đặc thù” (khác và cao hơn nhân viên “thường”).↩
[2] Phong Trào Áo Vàng là một phong trào xã hội tự phát thành hình ở Pháp vào tháng 10/2018 nhằm phản kháng sự tăng giá của một số sản phẩm do chính phủ quyết định. Một trong những điểm nổi bật của phòng trào này là nó xảy ra hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của các định chế truyền thống như công đoàn, đảng phái chính trị, và cái véctơ chính của nó để huy động quần chúng là các mạng xã hội. Chỉ trong vòng mấy tháng nó đã lan tỏa theo chiều rộng và theo chiều sâu, vì mục tiêu của nó hiện nay không chỉ là sự tăng giá của một số sản phẩm mà bao gồm toàn bộ chính sách của chính phủ và nó đã lan tỏa sang hầu hết các nước ở Châu Âu và cả ở một số nước khác ngoài Châu Âu như một vết dầu loang. Riêng ở Pháp nó đã trở thành thách thức lớn nhất đối với chính phủ vì nó không những mang những hình thức mới mà còn quy tụ rất nhiều cá nhân, tập thể, phong trào rất đa dạng cả ở nông thôn lẫn thành thị, thể hiện một ý thức công dân mới mà các thể chế truyền thống đã không nắm bắt được. Tuy suy yếu qua mấy tháng tồn tại, với những cuộc tu họp vào cuối tuần, phong trào Áo Vàng thật sự là sự biểu hiện của một sự “chán ngấy” đối với thành phần chính trị gia trong và ngoài chính phủ đã không cảm nhận được những vấn đề và những mối lo âu của người dân, do đó nó cũng bị xem như là một phong trào dân túy. - (ND)↩