6.6.19

Phân tích các hệ thống-thế giới

Immanuel Wallerstein (1930-)

PHÂN TÍCH CÁC HỆ THỐNG-THẾ GIỚI

Immanuel Wallerstein
Đại học Yale

Từ khóa: Phân tích các hệ thống-thế giới, nhận thức luận phổ quát/cá biệt, phát triển/hiện đại hóa không thời gian, nhịp điệu chu kì và những xu hướng trường kì

Mục lục
  1. Nguồn gốc lịch sử của phân tích các hệ thống-thế giới
  2. Các khái niệm cơ bản của phân tích các hệ thống-thế giới
  3. Các phê phán phân tích các hệ thống-thế giới
Chú giải
Thư mục trích dẫn
Vài nét tiểu sử
Hướng dẫn trích dẫn

Tóm lược

Phân tích các hệ thống-thế giới là một phong trào tri thức được dựng lên từ những năm 1970 và cũng là sự phê phán các phương thức phân tích thống trị các khoa học xã hội trong thế kỉ XIX. Nó nhấn mạnh vào ba trọng tâm: (1) Các hệ thống-thế giới (không phải các quốc gia dân tộc [nation-state]) là đơn vị phân tích xã hội cơ bản; (2) Cả nhận thức luận cá biệt lẫn nhận thức luận phổ quát đều không thể cho phép tạo ra những phân tích hữu dụng về thực tại xã hội; (3) Các ranh giới phân ngành trong các ngành khoa học xã hội không còn mang ý nghĩa tri thức nữa.

Phân tích các hệ thống-thế giới không phải là một phân ngành của khoa học xã hội. Đây là một cách tiếp cận hay quan điểm khác về cách thức mà ta nên thực hiện các phân tích xã hội về thực tại lịch sử. Là một phương thức phân tích, chính nó phải được đặt trong bối cảnh lịch sử của mình, là nơi chúng ta bắt đầu. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận về các tính chất đặc biệt của phân tích các hệ thống-thế giới. Và cuối cùng, chúng ta sẽ chuyển sang xem xét các lập luận với những nhà phê bình lý thuyết này.

1. Nguồn gốc lịch sử của Phân tích các Hệ thống-thế giới

Các khái niệm trong khoa học xã hội hiếm khi không có tiền lệ. Nhưng chỉ khi nào chúng nhận được sự chú ý đáng kể và số lượng hợp lý các tiến triển trên thực nghiệm, chúng ta mới có thể xem xét rằng chúng đã bước vào phạm vi khoa học xã hội như một thiết kế tri thức. Hiểu theo nghĩa hạn chế này, phân tích các hệ thống-thế giới ra đời vào những năm 1970.

Dòng chảy chính trong khoa học xã hội thế giới từ cuối thế kỉ XIX đến khoảng năm 1970 là khoa học xã hội bao gồm một loạt các phân ngành được định ra với các ranh giới ít nhiều được chấp nhận. Trong khi đó, vào cuối thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX, có một số lượng rất lớn các tên gọi khác nhau của những bộ môn ở trường đại học dường như bao gồm những vấn đề mà chúng ta ngày nay gọi là khoa học xã hội, danh sách này bắt đầu giảm bớt chỉ còn một số ít ngành được chọn. Kể từ năm 1945, danh sách chuẩn mực bao gồm nhân học, kinh tế học, khoa học chính trị và xã hội học. Tác giả sẽ tính đến cả sử học, mặc dù nhiều sử gia khẳng định rằng sử học không phải là một ngành khoa học xã hội. Tác giả cũng sẽ bao gồm các ngành Đông phương học, vốn không được chấp nhận rộng rãi như một ngành khoa học xã hội. Và mặt khác, tác giả sẽ không tính đến tâm lý học, bởi đối tượng của nó nằm ở một cấp độ khác với khoa học xã hội [Tâm lý học nghiên cứu hành vi cá nhân, khác với cấp độ nhóm của xã hội học — ND]. Điều này, tuy nhiên, gây tranh luận. Danh sách ngắn các tên gọi này đã trở thành chuẩn mực ở hầu hết các trường đại học trên thế giới kể từ năm 1945, nhưng sau đó xuất hiện sự nở rộ của các tên gọi khác, do đó, đến năm 2000, điều càng rõ ràng là liệu có chăng một danh sách chuẩn mực.

Logic phát triển từ năm 1850 đến năm 1945 của danh sách này là nó phản ánh ba sự phân chia được các học giả thế kỉ XIX cho là quan trọng nhất: quá khứ/hiện tại; thế giới phương Tây/phần còn lại của thế giới; và ba lĩnh vực được coi là riêng biệt của tính hiện đại. Các sử gia nghiên cứu về quá khứ trong khi các kinh tế gia, các nhà khoa học chính trị và các nhà xã hội học nghiên cứu hiện tại. Cả bốn ngành này nghiên cứu thế giới phương Tây còn các nhà nhân học và các nhà Đông phương học nghiên cứu “phần còn lại của thế giới”. Các nhà nhân học nghiên cứu các xã hội “nguyên thủy”, và các nhà Đông phương học nghiên cứu “các nền văn minh trình độ cao” không thuộc phương Tây. Cuối cùng, sự nghiên cứu về phương Tây ngày nay được chia thành ba lĩnh vực mà, như được lập luận, thế giới hiện đại phân thành: thị trường (kinh tế học), nhà nước (khoa học chính trị), và xã hội dân sự (xã hội học). Cho tới năm 1945, ranh giới giữa các “ngành” được coi là khá vững chắc về mặt học thuật và càng được củng cố về mặt tổ chức.

Sự phân loại này có thể biện minh được về mặt học thuật với các thực tại xã hội thống trị thế giới từ năm 1850 đến năm 1945. Nhưng nó đã bắt đầu sụp đổ sau 1945 vì hai lý do tách biệt đã cùng làm xói mòn lược đồ này. Một mặt, sự tự khẳng định địa chính trị (hoặc tái khẳng định) của thế giới ngoài phương Tây (phi thực dân hóa, các phong trào cách mạng quốc gia, hội nghị Bandung (Indonexia) [hay còn gọi là hội nghị Á-Phi] vào năm 1955) khiến sự nghiên cứu của phương Tây về các nước này qua lăng kính nhân học (với sự nhấn mạnh truyền thống vào các “bộ lạc” không có “lịch sử”) hoặc Đông phương học (với sự nhấn mạnh truyền thống vào triết học và phân tích các mô hình văn hóa ngoài phương Tây huyền bí song mang tính bản chất luận (essentialist) và do đó bất biến) trở nên không còn hữu dụng.

Trong giai đoạn sau 1945, các sử gia, kinh tế gia, nhà khoa học chính trị và nhà xã hội học đều được khuyến khích đưa thế giới ngoài phương Tây vào lĩnh vực nghiên cứu của họ. Khi điều đó xảy ra, các nhà nhân học đã quyết định từ bỏ mối quan tâm độc nhất của họ đối với thế giới ngoài phương Tây và cũng nghiên cứu các mô hình văn hóa phương Tây. Và những nhà Đông phương học, dưới áp lực chính trị đáng kể, đã tự sát về mặt tổ chức, vì phần lớn tự nhận mình là các sử gia (văn hóa). Khoảng cách nhận thức luận giữa nghiên cứu phương Tây và nghiên cứu “phần còn lại của thế giới” ít nhiều không còn tồn tại.

Yếu tố mới thứ hai là sự mở rộng rất lớn của hệ thống đại học trên thế giới sau 1945 về số lượng trường, số lượng khoa và số lượng sinh viên. Đối với các khoa và nghiên cứu sinh tiến sĩ, điều này tạo ra làn sóng tìm kiếm những ngóc ngách mới nơi mà các nhà khoa học xã hội có thể tìm được một chỗ đứng đặc biệt, và cho nghiên cứu sinh tiến sĩ một chủ đề nghiên cứu độc đáo. Một cách làm là đưa tên của môn học thứ hai trở thành tính từ cho chuyên ngành của họ (nhân học kinh tế, lịch sử xã hội, v.v.), điều này đã mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu thỏa đáng cho những người thuộc các ngành riêng biệt. Tuy nhiên, đồng thời, nó phá vỡ những ranh giới ngành học được đặt ra từ trước vốn đặt cơ sở trên giả định về những phân biệt có tính đặc thù triệt để của các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Có nhiều phản ứng khác nhau trước hai sự sụp đổ của logic phân tách ngành học đó. Tất cả những loại khái niệm và giả định phương pháp luận trước đó có vẻ quá hữu dụng và hiển nhiên giờ đã có thể được đánh giá lại. Một giải pháp phổ biến để xử lý một vài vấn đề này được chiếu cố nhiều từ năm 1945 đến khoảng năm 1970 là khái niệm bóng bẩy về sự “hiện đại hóa”, một khái niệm được xây dựng xung quanh một quá trình xã hội gọi là “phát triển”. Theo một nghĩa nào đó, “hiện đại hóa” không có chút gì là mới mẻ. Thật dễ dàng để chứng minh rằng hầu hết các phân biệt nhị nguyên vĩ đại được các nhà khoa học xã hội thế kỉ XIX phát triển - địa vị/khế ước, đoàn kết cơ học/hữu cơ, Gemeinschaft/Gesellschaft [Cộng đồng/Xã hội], hợp thức hóa truyền thống so với hợp thức hóa luật pháp-lý tính, v.v. - sau 1945 đã thu gọn về một phân loại chung là truyền thống/hiện đại.

Sự phát triển, hiển nhiên là hiện thân của khái niệm tiến bộ từ thế kỉ XVIII, có hai công dụng khiến nó trở thành một công cụ thao tác hữu dụng cho các nhà khoa học xã hội hậu-1945. Một mặt, nó cho phép nhà khoa học xã hội phân biệt các loại hình phát triển - kinh tế, chính trị, xã hội - và do đó duy trì nguyên vẹn sự phân biệt cổ điển giữa ba ngành khoa học phổ quát vĩ đại của khoa học xã hội. Nhưng mặt khác, nó cho phép các nhà khoa học xã hội vượt qua sự phân biệt giờ đây đã là lỗi thời giữa thế giới phương Tây/“phần còn lại của thế giới” bằng cách bổ sung rằng các nước khác nhau ở các “giai đoạn” phát triển khác nhau. Điều này có lợi thế ở tính phổ quát. Hoạt động của tất cả các nhà nước trên thế giới được giải thích với cùng một khái niệm phát triển và do đó được cho là đang theo đuổi cùng một quỹ đạo hoặc mô hình phát triển. Mặt khác, các nhà nước cũng khác nhau (hoặc đặc biệt) trong hiện tại, bởi vì họ đang ở các “giai đoạn” khác nhau của tiến trình phát triển. Ngoài ra, “phát triển” có công dụng thứ ba. Người ta có thể rút ra từ các nghiên cứu về phát triển những ngụ ngôn hữu dụng cho những bài học chính trị: nếu các nước “kém phát triển” học tập kinh nghiệm của các nước “phát triển”, họ sẽ tiến nhanh hơn trên con đường phát triển xã hội phổ quát. Do đó, khoảng cách giữa nhóm “phát triển” và nhóm “kém phát triển” chắc chắn sẽ thu hẹp lại. Theo cách này, lý thuyết hiện đại hóa đưa ra một cái nhìn rất lạc quan về tương lai của những quốc gia vẫn còn nghèo và đang gặp khó khăn.

Sự chắp vá trí tuệ này trong một thời gian dường như là một giải pháp đầy hứa hẹn cho các vấn đề học thuật và chính trị của thế giới hậu-1945. Tuy nhiên, trong vòng 20-25 năm, nó đã sụp đổ dưới nhiều sự công kích. Đến năm 1970, mọi thứ đã trở nên tương đối rõ ràng rằng khoảng cách thực giữa các nước “phát triển” và “kém phát triển” – chẳng những không thu hẹp lại mà – ngày càng lớn hơn. Những cuộc đấu tranh xã hội được tiếp thêm sức bao gồm cả những phong trào phụ nữ và các phong trào dựa trên nền tảng sắc tộc/chủng tộc/dân tộc không tìm thấy một cơ sở giải thích hay chính trị nào trong khuôn khổ các lý thuyết hiện đại hóa, hay dù chỉ một cơ sở hữu dụng. Và cuộc cách mạng thế giới 1968 đã hoàn toàn ném sự thống trị dễ chịu của các lý thuyết và lý thuyết gia hiện đại hóa hỗn độn này bằng việc thách thức cả tiên đề phương pháp luận lẫn bản chất của chúng.

Chính tại thời điểm này, phân tích các hệ thống-thế giới đã thể hiện là một phong trào tri thức đặt ra một loạt các lập luận thách thức đầu tiên là lý thuyết hiện đại hóa và sau đó, bản chất hơn, toàn bộ cấu trúc của khoa học xã hội được xây dựng vào thế kỉ XIX. Có ba yếu tố cơ bản về phân tích các hệ thống-thế giới. Một là không gian, hai là thời gian và ba là nhận thức luận.

2. Các khái niệm cơ bản về phân tích các hệ thống-thế giới
2.1 Không gian của Thực tại Xã hội

Vào thế kỉ XIX, vị thế hàng đầu về mặt chính trị của nhà nước với tư cách là một thể chế đã trở thành chuẩn mực được chấp nhận trong cả phân tích khoa học xã hội lẫn phân tích sở thích chính trị. Hệ quả là hầu hết mọi người đều tin rằng đấu trường quan trọng nhất cho hành động xã hội là phạm vi của ranh giới quốc gia. Với tiền đề này, nhiều điều có vẻ hiển nhiên: Các quốc gia là có chủ quyền.

Quốc gia có nguồn gốc lịch sử. Nó có nền kinh tế, hệ thống chính trị, chuẩn mực và cấu trúc xã hội, và các di sản văn hóa, mỗi điều trong số chiều kích này có thể được làm rõ bởi các nhà khoa học xã hội. Điều phân biệt quốc gia này với quốc gia khác là sự kết hợp cụ thể của các khía cạnh đồng thời này. Trên tất cả, các quốc gia là địa chỉ địa lý của các “xã hội” - nghĩa là các thực thể chặt chẽ, toàn diện, bao hàm mọi cá nhân. Các quốc gia đều tìm cách trở thành hoặc được công nhận là quốc gia-dân tộc. Trở thành một quốc gia-dân tộc có nghĩa là một quốc gia đã khắc phục ở mức độ rất lớn những đặc thù mang tính chia rẽ, vốn được coi là những tàn dư dị thường thừa hưởng từ lịch sử, những tàn dư mà định mệnh là sẽ phải biến mất. Do đó, bất cứ điều gì xảy ra dù quan trọng đến đâu đều xảy ra trong một quốc gia hoặc giữa các quốc gia với tư cách là các thực thể ganh đua với nhau trên trường (địa chính trị) quốc tế.

Rõ ràng là con mắt của nhà nghiên cứu do đó phải nhìn quốc gia như đơn vị của các phân tích. Trong chừng mực các học giả sử dụng dữ liệu định lượng, họ nói về thống kê. Chính từ “statistics” (thống kê) này bắt nguồn từ từ “state” (quốc gia). Thống kê thường được tổng hợp và chủ yếu được bộ máy nhà nước biên soạn. Khi các học giả biên soạn tài liệu của riêng họ, họ tìm cách thể hiện chúng theo các ranh giới quốc gia (ví dụ như tỉ lệ phần trăm hoặc xu hướng trong các quốc gia).

Tất nhiên có thể so sánh các quốc gia với nhau - hoặc là một cách đồng đại bằng những thành quả của các quốc gia tại một thời kì nhất định, hoặc là một cách lịch đại tại các thời điểm lịch sử khi các quốc gia bắt đầu làm những việc cụ thể hoặc thiết lập các thể chế cụ thể. Cách nhìn này rất tuyến tính. Tất cả các quốc gia đã hoặc nên tiến lên theo các con đường giống nhau. Thế kỉ XIX gọi đây là sự tiến bộ. Tất nhiên người ta có thể phân tích lý do tại sao một số quốc gia cụ thể không muốn loại bỏ các thể chế “lỗi thời”, nghĩa là gây cản trở hoặc tụt hậu cho bản thân họ.

Với sự trợ giúp của các chuyên gia, các quốc gia dự kiến tương lai của mình, và trong bao lâu tình hình đất nước có thể cải thiện rõ rệt. Đồng thời, các quốc gia cũng nhìn lại phía sau để khám phá “nguồn cội” của mình - một khái niệm ngụ ý sự thấy rõ những loại biên giới vật lý mà họ có thể vạch ra một cách chính đáng, và ngôn ngữ hoặc hình thức ngôn ngữ họ có thể hay nên sử dụng và giảng dạy.

Phương pháp so sánh và mô hình phân tích trở nên đặc biệt mạnh mẽ trong giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai với sự nhấn mạnh vào điều sẽ được gọi là “phát triển” và quá trình “bắt kịp” các quốc gia hàng đầu. Trong giai đoạn sau 1945, điều quan trọng không chỉ là “bắt kịp” mà còn là làm điều đó càng nhanh càng tốt. Người dân và giới tinh hoa của họ rất thiếu kiên nhẫn. Các học giả được yêu cầu tìm ra chính xác những gì cho phép một nước “phát triển” và do đó có thể đề xuất các phương thức tối ưu để đẩy nhanh tốc độ.

Phải mất thời gian để từ bỏ tính hiển nhiên của quan điểm cho rằng các quốc gia là địa bàn chính của hành động xã hội và là khuôn khổ trong đó xã hội tồn tại và được nuôi dưỡng. “Chủ nghĩa quốc tế” trong chính trị chính xác là liên-quốc gia và giả định sự tồn tại, thực ra là khuyến khích sự củng cố, của các quốc gia với tư cách là các địa bàn của chủ quyền. Các phong trào mạnh mẽ chống thực dân của thế kỉ XX đã không thách thức khái niệm quốc gia-dân tộc – còn lâu mới là như thế! Thay vào đó, các phong trào này nhấn mạnh rằng quốc gia (thuộc địa) mà họ sống bị đàn áp do bị chôn vùi bên trong ranh giới của một quốc gia “mẫu quốc”, và do đó nên trở thành một thực thể độc lập sở hữu tất cả các thuộc tính như mọi quốc gia tự trị khác.

Fernand Braudel (1902-1985)

Tuy nhiên, những tiếng nói bất đồng đã xuất hiện. Một trong những tiếng nói quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất về sau là của Fernand Braudel, với cuốn sách kinh điển đầu tay, The Mediterranean and the Mediterranean World in the Age of Philip II (Địa Trung Hải và Thế giới Địa Trung Hải trong Thời đại Philip Đệ nhị), đã phủ định thẳng thừng vai trò của quốc gia như một đơn vị phân tích. Braudel lập luận rằng vào thế kỉ XVI, đấu trường Địa Trung Hải đã hợp thức một économie-monde [kinh tế-thế giới]. Đây không phải là nền kinh tế của toàn thế giới (toàn cầu) mà là một cấu trúc lịch sử xuyên qua nhiều ranh giới chính trị và được đan cài bởi một mớ bòng bong những sự phụ thuộc kinh tế. Ông mô tả économie-monde Địa Trung Hải khi nó phát triển qua cái mà ông gọi là longue durée [thời gian dài] của nó, và tìm cách theo dõi các mô hình chồng chéo phức tạp của môi trường tự nhiên, nhịp điệu kinh tế (conjonctures [các thời vận]) và các xu hướng trường kì, các cấu trúc chính trị đa dạng (đế quốc, thị quốc, và các “quốc gia-dân tộc” mới ra đời), và các “nền văn minh” khác nhau của nó.

Với cách tiếp cận này, Braudel đã thay đổi đơn vị phân tích theo một cách rất cơ bản. Cuốn sách của ông được ca ngợi là độc đáo và phá cách, nhưng trong thực tế các nhà khoa học xã hội—hầu hết họ—tiếp tục biến quốc gia thành đơn vị phân tích cơ bản của mình. Khi cuốn sách của Braudel được xuất bản vào năm 1949, không nghi ngờ gì, vẫn còn quá sớm để đảo ngược truyền thống lâu đời, đặc biệt vì đó là thời điểm của chủ nghĩa phát triển (developmentalism) như một học thuyết và thực tiễn chính trị.

Chính cuộc cách mạng thế giới năm 1968 đã mở đường cho việc phá vỡ định hướng của khoa học xã hội coi quốc gia như đơn vị phân tích cơ bản. Tại thời điểm này, chủ nghĩa phát triển/hiện đại hóa lần đầu bị tấn công nghiêm trọng - đầu tiên là về mặt chính trị, sau đó là tấn công học thuật.

Cuộc công kích chính trị thì đơn giản. Đã xuất hiện một niềm tin rộng rãi rằng con đường chính trị mà hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới đã theo đuổi từ năm 1945 đến năm 1968 không mang lại kết quả như hứa hẹn. Bất chấp thực tế là các quốc gia ở mọi nơi dường như đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng chính trị thúc đẩy các chính sách phát triển, tình huống đã không được cải thiện đáng kể ở cấp độ toàn hệ thống-thế giới hoặc ở cấp độ mỗi quốc gia.

Ở cấp độ hệ thống-thế giới, như chúng tôi đã lưu ý ở trên, khoảng cách giữa các nước giàu nhất và nghèo nhất không hề giảm đi. Ngược lại, nó thực sự đã tăng lên đáng kể. Theo nghĩa đó, các chính sách trú ẩn an toàn trong các lý thuyết hiện đại hóa đã không thành công trong các nước “đang phát triển” trên thế giới. Thực tế là các chính phủ này trong nhiều, thậm chí hầu hết, trường hợp dẫn đầu bởi các phong trào chính trị tự xưng là phản-hệ thống hoặc thuộc cánh tả - các phong trào giải phóng dân tộc, đảng cộng sản hoặc xã hội chủ nghĩa - đã không làm gì để giảm bớt cảm giác thất vọng và vỡ mộng này. Điều này chỉ đơn thuần làm cho những phong trào này bị bôi nhọ bằng những cái mác sai lầm, điên rồ, hay phản bội.

Điều có lẽ còn tồi tệ hơn trong mắt người dân của các “nước kém phát triển” hay các “khu vực ngoại vi” là cấu trúc bên trong của các nước này, mặc dù dường như thường đã biến đổi theo nhiều cách, có vẻ vẫn tồn tại những đặc điểm tiêu cực cũ dưới cái tên mới. Các cấu trúc này rõ ràng không dân chủ hơn về mặt chính trị hay bình đẳng về mặt xã hội hay kinh tế. Thật ra, sự phân biệt giai cấp dường như vẫn tồn tại trong sự khai sinh của nhiều loại Nomenklaturas [giai cấp thống trị mới] khác nhau.

Do đó, về mặt chính trị, các nhà cách mạng năm 1968 kêu gọi đánh giá lại các chiến lược lịch sử của công cuộc cải tạo xã hội. Vì chiến lược phổ biến trong hơn một thế kỉ đã chấp nhận quyền lực nhà nước như là cơ chế giúp người ta có thể đạt được chuyển biến xã hội, nên các nhà cách mạng tự hỏi liệu có đúng khi các phong trào xã hội được nhà nước định hướng đến như vậy không. Họ bắt đầu định hướng chiến lược chính trị của mình để cùng một lúc vừa có tính toàn cầu hơn và vừa có tính cục bộ hơn.

Sự thay đổi chính trị này, với tầm quan trọng văn hóa đáng kể, đã mở ra cho các nhà khoa học xã hội câu hỏi nhận thức luận về tính hữu dụng của quốc gia như là đơn vị phân tích cơ bản. Phân tích các hệ thống-thế giới là một trong những kết quả của câu hỏi này.

Phân tích các hệ thống-thế giới nhấn mạnh rằng, ngoài các hệ thống mini không còn tồn tại, tất cả các hệ thống lịch sử đều là hệ thống-thế giới (với từ "thế giới" nghĩa là một khu vực rộng lớn, không nhất thiết là toàn bộ địa cầu) và chính hệ thống xã hội lịch sử mới là đơn vị phân tích cơ bản. Các nhà nước mà các nhà khoa học xã hội từng giả định là các đơn vị cơ bản thực ra có tồn tại, nhưng là các cấu trúc bên trong hệ thống-thế giới hiện đại. Do đó, hệ thống-thế giới hiện đại không nên xem là một tập hợp các cấu trúc nhà nước tự trị mà đôi khi tương tác với nhau theo những cách hạn chế. Thay vào đó, nó là một hệ thống tích hợp của nhiều nhà nước và nền văn hóa với sự phân công lao động theo trục, một hệ thống với một cuộc sống lịch sử. Nó từng được tạo ra (và chúng ta cần phân tích thời điểm và các điều kiện ra đời của nó). Nó có cấu trúc đồng thời bền bỉ và phát triển. Và đến một lúc nào đó nó sẽ đi xa khỏi trạng thái cân bằng và rơi vào khủng hoảng cấu trúc, một điều sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nó và sự thay thế bởi một số hệ thống hoặc hệ thống lịch sử khác.

Về mặt không gian, một hệ thống xã hội lịch sử có các ranh giới, nhưng không cố định. Các cấu trúc của hệ thống-thế giới hiện đại, vốn là nền kinh tế-thế giới tư bản chủ nghĩa, dẫn đến sự mở rộng địa lý liên tục của nó, theo thời gian nền kinh tế-thế giới tư bản đã bao trùm toàn cầu. Vào thời điểm ấy, bài toán của hệ thống-thế giới hiện đại không còn là nó liên quan như thế nào đến các khu vực nằm ngoài giới hạn địa lý của mình mà là bằng cách nào nó đã đối phó với thực tế rằng không còn khu vực nào như thế nữa.

2.2. Thời gian của Thực tại Xã hội

Một khi người ta lấy các hệ thống lịch sử làm đơn vị phân tích cơ bản, thời gian trở nên quan trọng như không gian. Thật vậy, người ta phải hướng tới việc sử dụng khái niệm Không-Thời gian (TimeSpace). Chúng tôi đã lưu ý rằng có ba thời kì cơ bản cho bất kì hệ thống lịch sử nào: thời kì ra đời; thời kì hoạt động “bình thường” và phát triển của nó (lâu hơn nhiều); thời kì khủng hoảng cấu trúc, phân rã và sụp đổ. Thời kì đầu tiên và thứ ba khá khác biệt so với thời kì thứ hai (thường là dài nhất).

Thời kì của một hệ thống lịch sử ra đời và thời kì khủng hoảng cấu trúc của nó dẫn đến sự sụp đổ đều là độc nhất. Chúng chỉ có thể được phân tích theo hướng cá biệt bằng các tham số rất cụ thể xác định chúng. Hành động xã hội của thời gian tạo thành có thể gặp trục trặc và một hệ thống lịch sử ổn định, cân bằng có thể không xuất hiện. Điều này xảy ra mọi lúc, mặc dù các nhà khoa học xã hội hiếm khi khảo sát những nỗ lực ngăn chặn sự phát triển như vậy trong quá trình hình thành cấu trúc. Thời điểm khủng hoảng cấu trúc cũng vậy, không thể dự đoán kết quả. Hành trình của nó về bản chất là không xác định. Cũng theo cách này, phân tích các hệ thống-thế giới bác bỏ giả định về tiến bộ chắc chắn xảy ra. Sự tiến bộ từ quan điểm này chỉ là có thể, nhưng sự tụt hậu cũng thế.

Tuy nhiên, thời gian bị phớt lờ nhiều nhất với vai trò là một biến thiết yếu khi chúng ta đối phó với sự tồn tại “bình thường”, ít nhiều được cân bằng của một hệ thống xã hội lịch sử. Hầu hết những nhà phân tích sử dụng thời gian như một yếu tố ngoại sinh và không đáng kể. Hoặc là họ sử dụng nhận thức luận phổ quát, theo đó thời gian được cho là không liên quan, vì tất cả các “quy luật” vĩnh cửu mà họ tuyên bố tồn tại đều nằm trong quan điểm của họ về tồn tại xã hội. Hoặc họ khẳng định một nhận thức luận cá biệt, trong đó thời gian là một chuỗi các “sự kiện” hoàn toàn đặc biệt, và tất cả những gì một nhà phân tích có thể làm là kể lại với sự đồng cảm những gì đã xảy ra, tới mức độ cho phép. Trình tự này được cho là để xác định mọi thứ trong một trường hợp cụ thể nhưng không có giá trị chứng minh ngoài trường hợp ấy. Khái quát hóa dưới bất cứ hình thức nào là không khả thi dưới góc nhìn này.

Chính Braudel đã chống lại mô hình phổ biến này của khoa học xã hội thế kỉ XIX. Ông gọi thời gian đầu tiên là “thời gian rất dài.” Ông nghi ngờ chính sự tồn tại của nó, nói rằng đó chỉ có thể là “thời gian của các nhà hiền triết”. Ông gọi thời gian thứ hai là thời gian rời rạc theo từng giây hay thời gian liên quan đến sự kiện (l'histoire événementielle [lịch sử theo sự kiện]). Các sự kiện thực sự tồn tại, nhưng ông xem chúng là “hạt bụi” và do đó có tầm quan trọng rất nhỏ. Do đó, ông nhấn mạnh rằng hai cách sử dụng thời gian này đều rất hạn chế đối với nhà phân tích.

Đối lập với hai khái niệm trên về vai trò của thời gian, Braudel đưa ra hai hình thức khác. Một thứ mà ông gọi là thời gian “cấu trúc” - cấu trúc xã hội và môi trường chuyển động chậm, lâu dài (nhưng không bao giờ vĩnh viễn) của một hệ thống lịch sử ràng buộc các lựa chọn hành động xã hội. Thứ hai là thời gian “theo chu kì” (l'histoire conjoncturelle [lịch sử theo thời vận]) bao gồm các giai đoạn A và B của nhiều quá trình xảy ra trong các tham số của các cấu trúc ngầm, và chính xác là kết quả của các ràng buộc của chúng.

Joseph Schumpeter (1883-1950)
Nikolai Kondratieff (1892-1938)
Phân tích các hệ thống-thế giới nỗ lực vận hành theo các loại thời gian của Braudel, đặc biệt là hai loại mà ông cho là quan trọng nhất. Đối với phân tích các hệ thống-thế giới, có những chu kì có thể đo lường được mà kết quả của nó rõ ràng và có tính lặp lại. Những “chu kì kinh tế dài” của Kondratieff về hoạt động kinh tế (khoảng 50-60 năm) là một trong những minh chứng rõ ràng nhất. Chúng mô tả sự mở rộng và đình đốn của toàn bộ nền kinh tế-thế giới. Ngoài ra còn có các chu kì địa chính trị của sự bá quyền, với tốc độ chậm hơn (khoảng 100-150 năm) - điều mà Rondo Cameron gọi là “logistics”. Một số nhà phân tích, chẳng hạn như Joseph Schumpeter, cho rằng các loại chu kì này có thể được chia không chỉ thành hai giai đoạn, mà còn thành bốn giai đoạn. Và nếu làm điều này, người ta sẽ có được một công cụ mạnh mẽ để giải thích những thay đổi liên tục trong thực tại xã hội, mà không rơi vào cái bẫy lừa mị khi xem mọi sự thay đổi là một cái gì đó “mới”.

Rondo Cameron (1925-2001)
Nếu chúng ta gọi những dịch chuyển này là các “nhịp điệu chu kì” của hệ thống lịch sử, chúng ta cần phải công nhận rằng nó đòi hỏi các hành động chính trị để hình thành từ giai đoạn B, và hầu như không thể quay trở lại điểm chính xác của sự đi lên theo chu kì. Các chu kì có tác động của chúng lên hệ thống, và buộc nó phải phát triển hoặc tiến hóa. Nếu một người tập hợp tất cả các thay đổi, điều này có xu hướng trông giống như một bộ bánh cóc (ratchet) - hai bước lên và một bước xuống. Toàn bộ sau đó tạo thành một phần của “xu hướng trường kì”, bao gồm một sự điều chỉnh chậm và hạn chế các cấu trúc cơ bản.

Sự kết hợp giữa các nhịp điệu chu kì và các xu hướng trường kì tạo thành khuôn khổ cơ bản trong đó người ta có thể kể lại và hiểu được hoạt động lịch sử và sự phát triển của bất kì hệ thống xã hội lịch sử nào. Tất nhiên, chấp nhận một khung phân tích như vậy không đảm bảo nhà phân tích sẽ có bất kì phán đoán thực nghiệm cụ thể nào. Người ta vẫn có thể tranh luận về vị trí thực nghiệm của không gian và thời gian. Đế chế Nga trong thế kỉ XVII có phải là một phần của nền kinh tế-thế giới tư bản chủ nghĩa (như Nolte lập luận) không hay vẫn nằm bên ngoài nó? Quyền lực bá chủ đầu tiên của hệ thống-thế giới hiện đại thuộc về Cộng hòa Hà Lan Thống Nhất (United Provinces) [1581 – 1795] hay thuộc về một hoặc hai tiền thân của nó [Bồ Đào Nha hoặc Genoa] trong thời kì trước đó (như Modelski và cả Arrighi tranh luận)? Những tranh luận thực nghiệm này buộc các nhà phân tích phải mài giũa nhận thức lý thuyết của họ và cuối cùng để làm sáng tỏ những nhập nhằng. Những gì khuôn khổ lý thuyết của phân tích các hệ thống-thế giới làm ngay từ đầu là phân định đâu là những cuộc tranh luận thực nghiệm hiệu quả để theo đuổi còn cái nào thì không.

Thực tế là có những xu hướng trường kì chắc chắn kéo theo rằng, tại một thời điểm nào đó, chúng đạt giới hạn tiệm cận. Và do đó, bất kì hệ thống xã hội lịch sử nào sớm muộn cũng đạt đến thời điểm khủng hoảng cấu trúc - thời điểm mà những xu hướng trường kì không còn đủ không gian “hướng lên” để di chuyển, và do đó không thể hình thành từ các giai đoạn B của các nhịp điệu chu kì. Trạng thái cân bằng không thể khôi phục được nữa dù chỉ một phần, vì hệ thống đã rời quá xa trạng thái cân bằng.

Ilya Prigogine (1917-2003)
Chính trong cuộc thảo luận về những gì xảy ra khi các hệ thống đi xa khỏi trạng thái cân bằng mà các khoa học phức hợp cung cấp một mô hình, một mô hình khá khác biệt so với mô hình Newton từng thống trị lâu dài. Các khoa học phức hợp, được Ilya Prigogine xây dựng đáng kể, có một mô hình khác với mô hình Newton thống trị lâu dài, một mô hình mà người ta khẳng định là áp dụng với tất cả các loại hệ thống (vật lý, sinh học và xã hội): Tương lai vốn dĩ không xác định được, chưa định rõ. Xác suất không phải là phản ánh của sự thiếu hiểu biết khoa học của chúng ta mà là sự mô tả về các trạng thái của thế giới, thật ra là gần như toàn bộ các trạng thái trên thế giới. Thời gian đảo ngược không tồn tại. Mọi thứ đều bị chi phối bởi mũi tên thời gian, đóng vai trò xây dựng thiết yếu. Mục tiêu của khoa học không phải là đơn giản hóa mọi thứ mà là giải thích và chi tiết hóa sự phức hợp. Các hệ thống di chuyển xa khỏi trạng thái cân bằng và phân nhánh tại một điểm nhất định, sau đó đòi hỏi một “sự lựa chọn” giữa hai đối chọn thay thế nhau, một lựa chọn mà kết quả của chúng không thể dự đoán trước, nhưng một lựa chọn sẽ tạo ra một trật tự mới từ sự hỗn độn và biến động dữ dội của thời kì phân nhánh.

Thời kì phân nhánh, hỗn độn và biến động dữ dội mà từ đó một trật tự mới sẽ xuất hiện (nhưng không thể dự đoán trước) thực ra là một mô tả về thời kì thứ ba của các hệ thống xã hội lịch sử, về khủng hoảng cấu trúc. Đó là quan điểm của nhiều nhà phân tích các hệ thống-thế giới rằng hệ thống-thế giới hiện đại đã bước vào thời kì thứ ba này. Điều quan trọng cần lưu ý là, trong thời kì thứ ba này, các quy trình được phác thảo là cấu thành các cơ chế hoạt động “bình thường” của hệ thống lịch sử không ngừng hoạt động. Đơn thuần là chúng không còn phục vụ chức năng khôi phục một số loại cân bằng; chúng thực sự có thể làm trầm trọng thêm các biến động.

Paul Tillich (1886-1965)
Do đó, phân tích các hệ thống-thế giới đã xây dựng một loại Không-Thời gian thứ năm áp dụng cho giai đoạn này. Mượn khái niệm kairos [thời điểm của Thiên Chúa] của Paul Tillich, nó có thể được dán nhãn Không-Thời gian chuyển đổi. Thời kì thứ ba này tất nhiên là thời kì đầu tiên của hệ thống xã hội lịch sử hoặc các hệ thống tiếp theo mà sẽ hình thành ở cuối quá trình. Do đó, thời kì đầu tiên của hệ thống-thế giới hiện đại bây giờ phải được phân tích như là thời kì thứ ba của một số hệ thống lịch sử trước đó, một nhiệm vụ tiếp theo đối với một nhà phân tích các hệ thống-thế giới.

2.3. Các hệ quả Nhận thức luận

Như vậy rõ ràng là phân tích các hệ thống-thế giới, trong quá trình phát triển phân tích của nó, đã buộc phải đối mặt các vấn đề nhận thức luận cơ bản, và kết quả là phải thách thức một số quan điểm đang trị vì. Khi công việc của các nhà phân tích các hệ thống-thế giới được tiến hành, giải thích lịch sử nhận thức luận của khoa học xã hội và những thách thức hiện nay trở thành một trong những nhiệm vụ được chấp nhận của phân tích các hệ thống-thế giới.

Về cơ bản, phân tích các hệ thống-thế giới xem bản thân các cấu trúc tri thức là một trong những thể chế cơ bản của bất kì hệ thống lịch sử nào. Theo đó, hệ thống-thế giới hiện đại đã phát triển các giả định nhận thức luận của riêng mình. Các khái niệm nhận thức luận thống nhất của các hệ thống xã hội tiền-hiện đại đã được thay thế bằng các khái niệm phù hợp hơn với nhu cầu cấu trúc của nền kinh tế-thế giới tư bản chủ nghĩa. Hình thức cơ bản của điều này là sự phát minh ra khái niệm “hai nền văn hóa” - một nền văn hóa khoa học và một nền văn hóa nhân văn.

Sự phân chia này thực tế là sự phân chia các mối quan tâm chính của học giả giữa hai nhóm. Nhóm khoa học lập luận rằng chỉ riêng họ có thể theo đuổi hiệu quả việc tìm kiếm sự thật, và từ đó từ bỏ mọi nhiệm vụ khác. Như vậy, nhóm nhân văn bị bỏ lại với sự kiểm soát và quan tâm riêng biệt đến việc độc quyền tìm kiếm cái thiện và cái đẹp, và rút khỏi việc tìm kiếm sự thật một cách hiệu quả. Sự phân chia trọng tâm và nhiệm vụ này bắt đầu có vẻ quan trọng vào giữa thế kỉ XVIII. Nó được thể chế hóa trong hệ thống đại học dần dần hồi sinh ở thế kỉ XIX, trong đó tri thức được phân chia giữa các khoa riêng biệt của khoa học tự nhiên và nhân văn, mỗi khoa sử dụng các nhận thức luận khác nhau và đối nghịch nhau. Lĩnh vực hành động xã hội trở thành một địa thế tranh chấp của hai nền văn hóa, mỗi nền tảng đều khẳng định sự thống trị đối với khoa học xã hội/con người. Trong thực tế, các ngành khác nhau trong khoa học xã hội cũng phân chia địa thế, chọn phe. Một số người nghiêng về hướng khoa học và số khác đi theo hướng nhân văn.

Tuy nhiên, khi hệ thống-thế giới hiện đại chuyển sang khủng hoảng cấu trúc, cuộc khủng hoảng này cũng được phản ánh trong lĩnh vực nhận thức luận. Chính khái niệm của hai nền văn hóa đã bị thách thức. Các khoa học phức hợp, bằng cách công kích vào các tiền đề Newton và sự nhấn mạnh của chúng vào tính trung tâm của mũi tên thời gian, đã dứt khỏi khái niệm hai nền văn hóa. Tương tự, các nghiên cứu văn hóa trong các ngành nhân văn, bằng cách tập trung vào bối cảnh xã hội không chỉ về sản xuất tri thức mà còn về việc tiếp nhận và diễn giải tri ​​thức, cũng rời xa khái niệm hai nền văn hóa.

Mặc dù một nhận thức luận thống nhất mới được chấp nhận cho tất cả các tri thức vẫn chưa hình thành, rõ ràng giải quyết vấn đề này là một phần của “các lựa chọn” đặt ra trước chúng ta bởi thời kì phân nhánh mà hiện nay chúng ta thấy mình trong đó. Vì không biết kết quả của cuộc đấu tranh mang tính hệ thống này là gì, nên chúng ta không chắc chắn loại nhận thức luận nào sẽ xuất hiện trong trật tự mới và cuối cùng sẽ chiếm ưu thế. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về nhận thức luận đã bắt đầu trở thành trọng tâm của cuộc tranh luận lớn hơn về loại hệ thống-thế giới sẽ được xây dựng xuyên suốt cuộc chuyển đổi.

3. Các phê phán Phân tích các hệ thống-thế giới

Phân tích các hệ thống-thế giới, giống như bất kì quan điểm tri thức sôi động nào, được hoàn thiện với các cuộc tranh luận nội bộ về định nghĩa quan điểm cơ bản, các phát hiện thực nghiệm của những người theo đuổi quan điểm này, và ý nghĩa chính trị và đạo đức rút ra từ quan điểm ấy. Điều có lẽ quan trọng hơn là phác thảo ngắn gọn bốn sự phản bác học thuật chính tới toàn bộ đột phá của phân tích các hệ thống-thế giới. Chúng đến từ các nhà thực chứng, các nhà Mác-xít chính thống, những người ủng hộ nhà nước tự trị và những người theo văn hóa luận.

Trong 150 năm qua, các nhà thực chứng đã giữ vị trí thống trị trong các ngành khoa học xã hội, không chỉ trong các ngành phổ quát (kinh tế học, khoa học chính trị và xã hội học) mà cả trong sử học. Các sử gia thực chứng phản đối những nỗ lực của các nhà phân tích hệ thống-thế giới trong việc xây dựng một tầm nhìn có cấu trúc về các hiện tượng lịch sử, khẳng định mối ác cảm của họ với các sự khái quát hóa. Còn các nhà thực chứng phổ quát phản đối theo hướng khác. Đối với họ, các nhà phân tích các hệ thống-thế giới thất bại trong việc chỉ ra các mệnh đề có thể kiểm sai được và chưa đủ tập trung vào dữ liệu định lượng. Cả hai nhóm tất nhiên đều đang phản ứng với các phê phán chính xác mà phân tích các hệ thống-thế giới đã và đang triển khai đối với các phương thức phân tích của họ.

Những nhà Mác-xít chính thống thường khẳng định rằng phân tích các hệ thống-thế giới đã bỏ rơi hoặc không đủ nhấn mạnh vào phân tích giai cấp, và do đó đã loại bỏ giả định về sự tiến triển tất yếu của các giai đoạn phát triển lịch sử. Ngoài ra, họ phản đối tất cả các mệnh đề cụ thể: tầm quan trọng của lao động không lương trong tích lũy tư bản, công nhận các cách thức phân nhóm xã hội khác với phân chia giai cấp (chủng tộc, giới, sắc tộc, v.v.) như là những biến giải thích quan trọng, sự thất bại (theo họ) trong việc phân biệt đầy đủ giữa phạm vi sản xuất và phạm vi lưu thông, và cách diễn giải dành cho “chủ nghĩa xã hội hiện tồn”. Nói tóm lại, những nhà Mác-xít chính thống đang phản đối bất cứ điều gì lệch khỏi mô hình do hai đảng Mác-xít độc tài trong học thuật - Đảng Dân chủ Xã hội Đức [SPD] và Đảng Cộng sản Liên Bang Xô Viết [KPSS] - quy định.

Otto Hintze (1861-1940)
Những nhà ủng hộ nhà nước tự trị (theo truyền thống của Otto Hintze) phản đối việc xóa bỏ ranh giới học thuật mạnh mẽ giữa hoạt động của các nhà nước và hoạt động của các nhà kinh doanh tư bản chủ nghĩa. Họ nhấn mạnh rằng các động lực cơ bản của những người hành động trong hai lĩnh vực tuân theo các quy tắc và áp lực khác nhau, và hai câu chuyện không thể được thu gọn thành một lĩnh vực phân tích duy nhất.

Tất cả ba hình thức của những nhà phản đối - nhà thực chứng, nhà Mác-xít chính thống và nhà ủng hộ nhà trước tự trị - đều nhấn mạnh vào tính trung tâm của nhà nước như là đơn vị phân tích. Do đó, họ đang phản đối tiền đề cơ bản của phân tích các hệ thống-thế giới.

Cuối cùng, những người theo văn hóa luận đang chống lại sự ưu tiên dành cho thị trường hay nhà nước trong tất cả các phương thức phân tích xã hội chính yếu khác. Họ nhấn mạnh rằng không chỉ đơn thuần là lĩnh vực văn hóa đã bị bỏ qua mà cùng với đó là lãnh địa căn bản của các giải thích thực tại xã hội. Đối với họ, phân tích các hệ thống-thế giới dường như chỉ gồm một loạt các mệnh đề khái quát hóa khác mà bỏ bê hay thứ yếu hóa lĩnh vực văn hóa. Họ đặc biệt khó chịu với mệnh đề rằng các lĩnh vực được gọi là chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội chỉ là một sự kiến tạo của chủ nghĩa tự do trung tâm và không có lợi ích học thuật lâu dài.

Nói tóm lại, hầu hết những phê phán về phân tích các hệ thống-thế giới đều phê phán nó vì những gì nó tuyên bố rõ ràng là quan điểm của nó. Phân tích các hệ thống-thế giới xem các phương thức phân tích khác này là thiếu sót và/hoặc giới hạn trong phạm vi và kêu gọi không xem xét chúng. Phản ứng của những người phê phán đến nay chủ yếu là để khẳng định lại quan điểm nhận thức luận và trọng yếu lâu dài của chính họ.

Phân tích các hệ thống-thế giới là một quan điểm đang hình thành. Đó là một cái nhìn toàn diện, đơn-ngành (uni-disciplinary) về thực tại xã hội. Sự phát triển và lợi ích học thuật trong tương lai của nó sẽ phụ thuộc vào việc kết luận thực nghiệm của nó tỏ ra là hợp lý như thế nào và những hiểu biết phân tích của nó sẽ hữu dụng như thế nào đối với những người tham gia vào cuộc đấu tranh thực sự trong cuộc chuyển đổi sang trật tự thế giới mới.

Chú giải

Epistemology – Nhận thức luận: Một nhánh của tư duy triết học thảo luận về cách chúng ta biết những gì chúng ta biết và làm thế nào chúng ta có thể xác nhận tính đúng đắn của tri ​​thức của chúng ta.

Antonio Gramsci (1891-1937)
Niccolò Machiavelli (1469-1527)
Hegemony – Bá quyền: Thuật ngữ này thường được sử dụng một cách lỏng lẻo để chỉ là lãnh đạo sự thống trị trong một tình huống chính trị. Antonio Gramsci, lý thuyết gia Cộng sản người Ý, sau Machiavelli, đã nhấn mạnh vào thành phần văn hóa/ý thức hệ, trong đó sự lãnh đạo được người dân chính đáng hóa theo cách nào đó, mà ông xem là rất quan trọng để cho phép giới tinh hoa duy trì quyền lực. Thuật ngữ này được sử dụng hẹp hơn trong phân tích các hệ thống-thế giới. Nó đề cập đến những tình huống trong đó một nhà nước kết hợp ưu thế về kinh tế, chính trị và tài chính so với các nhà nước mạnh khác, và do đó cũng nắm cả sự lãnh đạo về quân sự và văn hóa. Các quyền lực bá quyền xác định các quy tắc của trò chơi. Định nghĩa theo cách này, bá quyền không tồn tại lâu dài, và có tính tự hủy (self-destructive).

Historical (social) system – Hệ thống (xã hội) lịch sử: Sự kết hợp giữa “lịch sử” và “hệ thống” này thành một cụm từ được các nhà phân tích các hệ thống-thế giới sử dụng để nhấn mạnh vào thực tế rằng tất cả các hệ thống xã hội đồng thời vừa có tính hệ thống (nghĩa là chúng có các đặc điểm liên tục mô tả được) vừa có tính lịch sử (nghĩa là chúng có một cuộc sống phát triển liên tục và không bao giờ giống nhau từ thời kì này sang thời kì tiếp). Thực tế nghịch lý này làm cho phân tích xã hội trở nên khó khăn, nhưng, nếu mâu thuẫn được giữ ở trung tâm của phân tích, các phân tích xã hội sẽ hiệu quả hơn và thực tế hơn.

Idiographic/nomothetic – Cá biệt/phổ quát: Cặp thuật ngữ này được phát minh ở Đức vào cuối thế kỉ XIX để mô tả cái được gọi là Methodenstreit (Cuộc tranh luận về phương pháp luận) giữa các nhà khoa học xã hội, một thuật ngữ phản ánh sự phân chia học thức vào hai nền văn hóa. Các học giả phổ quát luận nhấn mạnh vào các phương pháp có thể nhân rộng, “khách quan” (ưu tiên định lượng) và thấy sứ mệnh của họ là đi đến các quy luật chung giải thích thực tế xã hội. Các học giả cá biệt luận đã sử dụng phần lớn dữ liệu định tính, tường thuật, tự nhận là người theo chủ nghĩa nhân văn và ưu tiên các phương pháp thông diễn học. Mối quan tâm chính của họ là diễn giải, không phải là các quy luật, về điều mà họ ít hoài nghi nhất. (Lưu ý rằng idiographic khác với ideographic. “Idio-” là một tiền tố bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp và có nghĩa là cụ thể, cá biệt, của riêng mình; do đó, idiographic có nghĩa là mô tả cá biệt. “Ideo-” là tiền tố từ tiếng Latin có nghĩa là hình ảnh, hình thù, ý tưởng; do đó, ideographic có nghĩa là một hệ thống viết phi-chữ cái La-tinh, chẳng hạn như các kí tự Trung Quốc.)

Kondratieff cycles – Chu kì Kondratieff: Đây là các chu kì cơ bản về sự mở rộng và đình trệ của nền kinh tế-thế giới tư bản chủ nghĩa. Cái gọi là các giai đoạn A và B thường kéo dài tổng cộng 50-60 năm. Chính sự tồn tại của chúng được nhiều kinh tế gia tranh luận. Trong số những người sử dụng khái niệm này, có nhiều tranh luận về những gì giải thích chúng và đặc biệt là những gì giải thích sự đi lên từ giai đoạn B sang giai đoạn A. Chúng được đặt theo tên Nikolai Kondratieff, một kinh tế gia học người Nga đã viết về chúng trong những năm 1920 (mặc dù ông hoàn toàn không phải là người đầu tiên mô tả chúng). Bản thân Kondratieff gọi chúng là long waves (những chu kì kinh tế dài).

Nation-state – Quốc gia-dân tộc: Khái niệm quốc gia-dân tộc là lý tưởng thực tế mà tất cả, hoặc gần như tất cả, các quốc gia hiện đại đều khao khát. Nó đề cập đến một nhà nước trong đó tất cả mọi người có thể được cho là của một dân tộc và do đó chia sẻ các giá trị và trung thành cơ bản nhất định. Một dân tộc được định nghĩa khác nhau ở các nước khác nhau. Một dân tộc hầu như luôn luôn có nghĩa là nói cùng một ngôn ngữ. Một dân tộc thường có nghĩa là chia sẻ cùng một tôn giáo. Các dân tộc được cho là có quan hệ lịch sử, thường được tuyên bố là, có trước sự tồn tại của một cấu trúc nhà nước. Phần lớn điều này, không phải tất cả, là huyễn hoặc. Và hầu như không có quốc gia nào thực sự trở thành một quốc gia-dân tộc chân chính, nhưng rất ít người thừa nhận điều này.

Social time – Thời gian xã hội: Khái niệm này, được Fernand Braudel đặc biệt ưa chuộng, cho thấy rằng các nhà phân tích nên xem xét các thời gian khác nhau phản ánh các thực tế xã hội khác nhau. Braudel phân biệt giữa hai thời gian xã hội được sử dụng rộng rãi: thời gian ngắn của các “sự kiện” được sử dụng bởi các học giả cá biệt luận và thời gian “vĩnh cửu” của các nhà khoa học xã hội phổ quát luận. Ông rất thích hai thời gian xã hội khác mà ông xem là cơ bản hơn: thời gian cấu trúc kéo dài và phản ánh thực tế cấu trúc liên tục (nhưng không vĩnh cửu), mà ông gọi là longue durée (thời gian dài); và thời gian chu kì với những thăng trầm xảy ra trong khuôn khổ của một thời gian cấu trúc nhất định.

System – Hệ thống: Một hệ thống theo nghĩa đen có nghĩa là một loại tổng thể được kết nối, với các quy tắc hoạt động nội hàm và có phần nào tính liên tục. Trong khoa học xã hội, việc sử dụng nó như một thuật ngữ mô tả bị tranh luận, đặc biệt bởi hai nhóm học giả: các sử gia cá biệt luận có xu hướng nghi ngờ sự tồn tại của các hệ thống xã hội, hoặc ít nhất cảm thấy chúng không phải là giải thích chính của hiện thực lịch sử; và những người tin rằng hành động xã hội là kết quả của hành động cá nhân (thường được gọi là những người theo phương pháp luận cá thể) và “hệ thống” không gì khác hơn là tổng hợp của các hoạt động cá nhân này. Việc sử dụng thuật ngữ “hệ thống” trong khoa học xã hội ngụ ý niềm tin vào sự tồn tại của cái gọi là đặc điểm nổi bật.

TimeSpace – Không-Thời gian: Đây là một khái niệm được phát minh gần đây. Cả “Không gian” và “Thời gian” được viết hoa và được nối bằng dấu gạch ngang thể hiện quan điểm cho rằng, đối với mọi loại thời gian xã hội, tồn tại một loại không gian xã hội cụ thể. Do đó, thời gian và không gian trong khoa học xã hội không nên được xem là hai hiện tượng riêng biệt, được đo lường riêng rẽ, mà giữa chúng có sự liên kết không thể lay chuyển tạo thành một số lượng hạn chế các cấu hình.

World-system – Hệ thống-thế giới: Một hệ thống-thế giới không phải là hệ thống của thế giới, mà là một hệ thống vốn là một thế giới và có thể, và trước nay hầu như, nằm trong một khu vực nhỏ hơn toàn bộ địa cầu. Phân tích các hệ thống-thế giới lập luận rằng các đơn vị của thực tại xã hội nơi chúng ta hoạt động, với các quy tắc ràng buộc chúng ta, phần lớn là các hệ thống-thế giới đó (trừ các hệ thống mini nhỏ hiện đã tuyệt chủng từng tồn tại trên trái đất). Phân tích hệ thống-thế giới cho rằng cho đến nay chỉ có hai loại hệ thống-thế giới: nền kinh tế-thế giới và đế chế-thế giới. Một đế chế-thế giới (ví dụ, Đế chế La Mã, nhà Hán Trung Quốc) là những cấu trúc quan liêu lớn với một trung tâm chính trị duy nhất và một khu vực lao động theo trục, nhưng nhiều nền văn hóa. Một nền kinh tế-thế giới là một khu vực rộng lớn phân công lao động theo trục với nhiều trung tâm chính trị và nhiều nền văn hóa. Trong tiếng Anh, dấu gạch nối là điều cần thiết để ám chỉ ra các khái niệm này. “Hệ thống thế giới” không có dấu gạch nối cho thấy rằng chỉ có một hệ thống-thế giới trong lịch sử thế giới.

Thư mục trích dẫn

Aronowitz, Stanley (1980), A Metatheoretical Critique of Immanuel Wallerstein's The Modern World- System, Theory and Society, X, 503-520. [Thảo luận về văn hóa và hệ thống-thế giới] 

Arrighi, Giovanni (1994). The Long Twentieth Century: Money, Power, and the Origins of Our Times. London: Verso. [Phân tích lịch sử và lý thuyết về sự thay đổi tập trung vào hệ thống-thế giới từ thế kỉ thứ mười ba đến nay] 

Braudel, Fernand (1979). Civilisation matérielle, économie et capitalisme, XVe-XVIIIe siècles, 3 tomes. Paris: Armand Colin. [Phân tích thế giới hiện đại thuở đầu được hình thành như một ngôi nhà với ba câu chuyện - cơ sở vật chất, hệ thống trao đổi và chủ nghĩa tư bản (một thứ chống-thị trường) của nó] 

Brenner, Robert (1977), The Origins of Capitalist Development: A Critique of Neo-Smithian Marxism, New Left Review, No. 104, July-Aug., 25-92. [Một cuộc tấn công Mác-xít Dobbsian vào Paul Sweezy, Andre Gunder Frank và Immanuel Wallerstein vì “tôn thờ sự lưu thông” (circulationist) trong các phân tích về chủ nghĩa tư bản của họ] 

Cameron, Rondo (1973). The Logistics of European Economic Growth: A Note on Historical Periodization, Journal of European Economic History, XI. 1, Spring, 145-148. [Một bản phác thảo các chu kì rất dài trong thế giới hiện đại] 

Chase-Dunn, Chris & Thomas D. Hall (1997), Rise and Demise: Comparing World Systems. Boulder, CO: Westview. [So sánh hệ thống-thế giới hiện đại với các hệ thống-thế giới trước đó]

Dehio, Ludwig (1948). Gleichgewicht oder Hegemonie. Betrachtungen ûber ein Grundproblem den neueren Staatsgeschichte. Krefeld: Verlag Scherpe. [Một giải thích lịch sử về sự cân bằng của cơ chế quyền lực trong địa chính trị hiện đại]

Frank, André Gunder (1998). ReOrient: Global Economy in the Asian Age. Berkeley, Univ. of California Press. [Một cách diễn giải dĩ Hoa vi trung (Trung Quốc là trung tâm – ND) về lịch sử thế giới trong hơn 5000 năm, phủ nhận sự tồn tại của một “phá vỡ” thời hiện đại bởi sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu]

Hintze, Otto (1908-1909). Historische und politische Aufsätze. Berlin: Verlag Deutsche Bücherei. [Tuyển tập các bài tiểu luận về tính ưu việt của chính trị trong việc giải thích các quá trình thế giới]

Kondratieff, Nikolaus D. (1926). Die Lange Wellen der Konjunktur, Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik, LVI, 573-609. [Bài tiểu luận kinh điển trong đó Kondratieff đưa ra lời giải thích về những chu kì kinh tế dài, với dữ liệu của mình] 

Lee, Richard E. & Immanuel Wallerstein, coords. (2004), Overcoming the Two Cultures: Science versus the Humanities in the Modern World-System. Boulder, CO: Paradigm Press. [Phân tích về sự phát minh ra khái niệm hai nền văn hóa và thách thức của nó từ các quan điểm khác nhau trong thời kì thứ ba trong thế kỉ XX] 

Modelski, George & William R. Thompson (1988). Seapower in Global Politics, 1494-1993. Seattle: Univ. of Washington Press [Một phân tích về địa chính trị hiện đại và các chu kì của nó, đặc biệt nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sức mạnh hải quân]. 

Nolte, Hans-Heinrich (1980). “Zur Stellung Osteuropas im internationalen System der Frühen Neuzeit. Aussenhandel und Sozialgeschichte bei der Bestimmung der Regionen”, Jahrbücher für Geschichte Osteuropas, XXVIII, 159-197. [Một lập luận tại sao Nga vẫn là một phần của nền kinh tế-thế giới châu Âu kể từ thế kỉ XVI]

Prigogine, Ilya (1996). La fin des certitudes. Paris: Ed. Odile Jacob. [Trên cơ sở một quan điểm sửa đổi về các hiện tượng vật lý, đây là một lập luận cho tính chủ đạo của tính bất định trong việc xây dựng tri thức của chúng ta] 

Schumpeter, Joseph (1939). Business Cycles, 2 vol. New York: McGraw Hill. [Kinh tế học của các chu kì trong ít nhất năm thế kỉ]

Snow, C.P. (1959). Two Cultures and the Scientific Revolution. New York: Cambridge Univ. Press. [Phân tích khoảng trống rộng trong phân tích giữa các nhà khoa học và các học giả và tác giả văn chương] 

Taylor, Peter J. (1999). Modernities: A Geohistorical Interpretation. Cambridge: Polity. [Phân tích các hình thức hiện đại nối tiếp trong thế giới hiện đại gắn liền với các quyền lực bá quyền nối tiếp]

Wallerstein, Immanuel (2004). World-Systems Analysis: An Introduction. Durham, NC: Duke University Press. [Giới thiệu về phân tích các hệ thống-thế giới, với một thư mục và thuật ngữ bao quát]

Wallerstein, Immanuel (et al.) (1996). Open the Social Sciences: Report of the Gulbenkian Commission on the Restructuring of the Social Sciences. Stanford, CA: Stanford Univ. Press. [Báo cáo của một ủy ban gồm mười học giả từ tất cả các ngành và từ khắp nơi trên thế giới, đưa ra một lịch sử phát triển của khoa học xã hội và các song đề đương thời của nó]

Vài nét tiểu sử


Immanuel Wallerstein hiện đang là học giả nghiên cứu cao cấp của Đại học Yale (Hoa Kì). Ông là Chủ tịch Hiệp hội Xã hội học Quốc tế từ năm 1994 đến 1998. Ông chủ trì Ủy ban Gulbenkian về Tái cấu trúc Khoa học Xã hội. Ông là tác giả của Hệ thống-thế giới hiện đại và gần đây nhất là cuốn Những điều không chắc chắn về tri thức hiện đại và chủ nghĩa phổ quát châu Âu: Hùng biện về quyền lực.

Hướng dẫn trích dẫn

Immanuel Wallerstein, (2004), WORLD-SYSTEMS ANALYSIS, in World System History, [Ed. George Modelski], in Encyclopedia of Life Support Systems (EOLSS), Developed under the Auspices of the UNESCO, Eolss Publishers, Oxford, UK, [http://www.eolss.net]

©Encyclopedia of Life Support Systems (EOLSS)

Đoàn Trọng Sang Nguyễn Việt Anh dịch

Source: World-systems analysis, Praxisphilosophie, 2004.
Print Friendly and PDF