9.6.19

Tự do trí tuệ và những kẻ thù mới của nó

TỰ DO TRÍ TUỆ VÀ NHỮNG KẺ THÙ MỚI CỦA NÓ
Các biện pháp gần đây của chính phủ các nước châu Âu cựu Cộng sản đã tạo ra một môi trường trí tuệ ngày càng ngột ngạt. Và việc phi dân chủ hóa nền giáo dục đại học và khoa học nói chung chỉ là bước đầu tiên hướng tới việc áp đặt các chuyên gia phục vụ cho các mục tiêu phản dân chủ rộng lớn hơn.
BUDAPEST - Triển lãm Thế Chiến thứ nhất tại Nhà Lịch sử Châu Âu ở Brussels (Bỉ) mang đến cho du khách một cảnh tượng bắt mắt. Trong một hành động đơn giản nhưng đầy kịch tính, bảo tàng đã đặt khẩu súng lục được sử dụng trong vụ ám sát [thái tử đế quốc Áo - Hung] Archduke Franz Ferdinand vào tháng 6 năm 1914 trong một tủ kính ngay giữa căn phòng.
Người hướng dẫn viên thông báo cho nhóm chúng tôi rằng, sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, bảo tàng đã đồng ý thay đổi các vật thể được trưng bày theo thời gian, để các quốc gia khác nhau có thể trưng bày các di tích lịch sử quý giá nhất của họ. Nhưng khi tôi nhận xét một cách gay gắt rằng khẩu súng ngắn mà [cậu học sinh 18 tuổi lúc đó] Gavrilo Princip sử dụng ở Sarajevo (Bosnia) là không thể thay thế, thì người phụ trách trưng bày của bảo tàng trả lời rằng hiện có 4 bảo tàng ở châu Âu tuyên bố đang trưng bày khẩu súng thật.
Franz Ferdinand (1863-1914)
Gavrilo Princip (1894-1918)
Tôi rất tôn trọng và bảo vệ tính đa dạng (plurality) của các truyền thống dân tộc châu Âu, [nhưng sự thật là] chỉ có một khẩu súng lục chứ không phải bốn đã châm ngòi cho Thế chiến thứ nhất [1914-1918]. Chúng ta không thể “đa nguyên” (pluralistic) và “thâu gộp” (inclusive) mọi thứ khi sự thật lịch sử chỉ có một câu trả lời đúng cho mỗi câu hỏi. Và những câu hỏi như vậy phải được quyết định bởi các chuyên gia đã được học hành nghiêm cẩn trong ngành sử học (và được đào tạo về các nguồn sử liệu) về một thời đại nhất định, chứ không phải bởi những kẻ có quan hệ chính trị.
Quan điểm như vậy có vẻ là lẽ thông thường. Nhưng các nhà khoa học, nơi họ làm việc và tính chính đáng của tri ​​thức khoa học đang ngày càng bị đe dọa ở một số nước châu Âu. Các chính phủ được bầu lên một cách tự do gần đây đã ngưng hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu mà không có lời giải thích chính thức (Bulgaria), loại bỏ các chương trình giáo dục ra khỏi danh sách các môn học đại học được công nhận (Hungary), và thậm chí chấm dứt toàn bộ các ngành học (Ba Lan).
Các chính phủ này đang coi thường các truyền thống đại học hàng thế kỷ vốn được tôn trọng ngay cả trong thời kỳ cộng sản. Nhưng các thế lực đằng sau các quyết định như vậy không quan tâm đến việc thiết lập các sự thật lịch sử hay khoa học. Và họ sẵn sàng chỉ trích, chế giễu hay thậm chí đe dọa những học giả, những người đã đạt được tri thức như thế, hay những người muốn được như thế.
George Soros (1930-)
Chúng ta nên bác bỏ quan điểm cho rằng những kẻ xúi giục các cuộc tấn công này là không biết gì và vô học, cũng như không tôn trọng tri ​​thức. Các thành viên cao cấp của chính phủ Hungary đã buộc Đại học Central European, do nhà tài phiệt George Soros thành lập, chuyển đến Vienna (Áo) và cấm các nghiên cứu về giới, trước đây đã nhận được học bổng từ quỹ Open Society Foundation [Quỹ Xã hội Mở] của Soros để học tại Oxford (Anh), New York (Hoa Kỳ) và các nơi khác. Đây là những người có học thức cao - biết rõ tri ​​thức là sức mạnh - có một chương trình nghị sự rõ ràng và đang lợi dụng thực tế là việc giáo dục trong Liên minh châu Âu (EU) là trách nhiệm của các chính phủ quốc gia, chứ không phải các định chế giáo dục có trụ sở tại Brussels (Bỉ).
Các chính phủ này muốn thiết lập một hệ thống giáo dục mà theo đó một mình nhà nước quyết định lĩnh vực nghiên cứu nào là cần thiết và quan trọng về mặt xã hội. Về lâu dài, có lẽ họ cũng muốn nhà nước cấp cho những người trung thành về chính trị quyền sản sinh và chuyển giao tri ​​thức.
Nói cách khác, tiếp cận tri ​​thức sẽ không còn là quyền dân sự nữa. Sự tin cậy chính trị sẽ quyết định ai có thể giảng dạy và nghiên cứu những gì về một đất nước và quá khứ của nó. Điều này có nghĩa là phi dân chủ hóa nền giáo dục đại học và khoa học nói chung; và áp đặt “các chuyên gia” phục vụ cho các mục tiêu phản-dân chủ rộng lớn hơn. Để ngăn chặn việc áp đặt này, thì chúng ta cần phải chống lại việc phi dân chủ hóa kia.
Các chính sách khoa học dân chủ xây dựng trên nguyên tắc tiếp cận khoa học là quyền con người. Hơn nữa, các chính sách này giả định chính xác rằng tri ​​thức được tạo ra thông qua tinh thần tìm tòi nghiên cứu một cách dân chủ có chất lượng cao hơn so với tri ​​thức được sản sinh từ một “chuyên gia” thông qua các mối quan hệ chính trị.
Nhiều câu hỏi trong khoa học xã hội và nhân văn đã có câu trả lời rõ ràng, thẳng thắn. Cuối cùng, chúng ta nên chấp nhận phán quyết của các chuyên gia đã cống hiến sự nghiệp của họ cho một vấn đề cụ thể, và không để cho những kẻ có liên quan đến chính trị phá nát.
Do đó, chúng ta phải chống lại xu hướng đáng lo ngại của các chính phủ châu Âu khi cho mình quyền quyết định các câu hỏi khoa học và chỉ định những người ủng hộ trung thành đóng vai trò là trọng tài của sự thật. Và chúng ta nên đặt câu hỏi liệu các viện nghiên cứu và trường đại học công lập mới mang nặng tính ý thức hệ ở một số quốc gia này có vị trí xứng đáng trong mạng lưới các trường đại học và viện nghiên cứu ở châu Âu hay không.
Andrea Pető  (1964-)
Các nhà khoa học xã hội và các học giả khác trên khắp các nước châu Âu Cộng sản cũ một lần nữa làm việc trong một bầu không khí trí tuệ ngày càng ngột ngạt. Không nên để họ một mình bảo vệ nhiệm vụ dân chủ về tri ​​thức chống lại những kẻ sẽ quyết định đâu là súng ngắn được bắn ở Sarajevo dựa trên mệnh lệnh của chính quyền.
Andrea Pető là giáo sư Khoa Nghiên cứu về Giới tại Đại học Central European và là Tiến sĩ Khoa học tại Viện hàn lâm Khoa học Hungary. Năm 2018, bà đã được trao giải thưởng Madame de Stael của Tất cả các Viện hàn lâm châu Âu về các Giá trị Văn hóa.
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Intellectual Freedom and Its New Enemies, Project Syndicate, Feb 28, 2019.
Print Friendly and PDF