7.6.19

Lịch sử của khoa học có ích cho ngay chính sự tiến bộ của khoa học (1926)


LỊCH SỬ CỦA KHOA HỌC CÓ ÍCH CHO NGAY CHÍNH SỰ TIẾN BỘ CỦA KHOA HỌC (1926)
Tác giả: Paul Langevin[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
Paul Langevin (1872-1946)
Louis-J. Thénard (1777-1857)
Thời còn là sinh viên tại Ecole Normale (Trường Sư phạm)*, tôi đã phải làm một bài giảng về hyđro peoxit, như chúng tôi đều vẫn phải lần lượt làm. Sách giáo khoa – loại “giáo lý” đáng ngưỡng mộ của khoa học thực nghiệm – đã cho biết mọi đặc tính vật lý của nó, cũng như những phản ứng mà chất thể này có thể tạo ra, v.v.. Nhưng tôi lại có ý tham khảo các báo cáo khoa học của Thénard[2] là người đã khám phá ra hyđro peoxit kia! Đọc những trước tác đáng ngưỡng mộ này – dù tuổi đã hơn một thế kỷ mà ngay cả ngôn từ sử dụng vẫn còn là yến tiệc thực sự –, tôi chợt nhận ra rằng những điều thú vị nhất, đặc biệt là cách Thénard đã được đặt lên con đường khám phá, cũng như những suy tư rất sâu sắc và rất thời sự của ông về cơ chế oxy hóa, đều bị bỏ qua một cách cẩn thận trong loại thông tin gián tiếp mà chúng ta thường nhận được ngày nay. Những gì đã thấm qua được sự gạn lọc của nhiều thế hệ tác giả sách giáo khoa đều ít thú vị hơn nhiều. Khổ thay, chúng lại quá thường xuyên là như vậy; tốt hơn là nên quay lại đầu nguồn, tiếp xúc càng thường xuyên và đầy đủ càng tốt, với những người đã làm ra khoa học, những kẻ hơn ai hết đã định hình khía cạnh sống động nhất của khoa học.
János Bolyaï (1802-1860)
Nikolai Lobachevsky (1792-1856)
Ví dụ điển hình thứ hai được cung cấp bởi một vấn đề đã thu hút được rất nhiều tò mò của quần chúng: đó là thuyết tương đối. Trong lĩnh vực này, lý thuyết về kinh nghiệm đưa ta đến kết luận rằng hình học thông thường (hình học của Eukleidês) không phải là thứ duy nhất, cũng không phải là thứ hiệu quả nhất để biểu thị thế giới bên ngoài, rằng còn có những thứ hình học khác nữa, vừa đơn giản hơn, vừa hữu hiệu hơn nhiều trên thực tế, bất chấp bề ngoài của chúng. Như vậy, những công trình của Lobacevskij[3], Bolyaï[4], Riemann[5] đã dẫn tới sự xây dựng các hình học phi Eukleidês vô cùng phong phú hơn về năng lực, mà cũng không kém nghiêm ngặt hơn, so với hình học cổ điển. Và điều mà những kẻ thừa kế của Eukleidês đã vạch ra khiến ta nghĩ rằng người sáng lập chính của môn hình học cổ điển đã có thể nhận thức được, và nhận thức tốt hơn những nhà bình luận của ông rất nhiều, những khó khăn được phơi bày trong vấn đề nền tảng của môn hình học và tính độc đoán của định đề nổi tiếng của ông, theo đó, từ một điểm ta luôn luôn có thể kẻ một đường song song với một đường thẳng, và chỉ một mà thôi. Dựa vào đấy, người ta đã có thể tránh không biết bao nỗ lực vô ích nhằm chứng minh định đề này.
Bernhard Riemann (1826-1866)
Isaac Newton (1643-1727)
Để chống lại chủ nghĩa giáo điều, điều rất bổ ích là ghi nhận rằng những người đặt nền tảng cho các lý thuyết mới đều nhận thức được những điểm yếu, những thiếu sót trong các hệ thống của họ, nhiều và tốt hơn biết bao lần những kẻ kế tục và bình luận họ. Nhưng sự dè dặt của họ sau đó bị lãng quên, và những gì đối với họ là giả thuyết đều bị giáo điều hóa, càng rời xa nguồn gốc càng trở thành bất khả xâm phạm, đến nỗi rằng khi những hậu quả ít nhiều xa xôi của các ý tưởng mà người ta đã quên mất tính chất tạm bợ và bấp bênh bị những kinh nghiệm mới phủ nhận, một nỗ lực hung bạo để rũ bỏ chúng trở thành cần thiết.
Một ví dụ đáng chú ý của sự lão hóa và chai cứng do bị giáo điều hóa này của các lý thuyết là quan niệm của Newton về lực hấp dẫn. Sau suốt hai thế kỷ trải nghiệm một sự thành công không thể chối cãi qua việc tạo dựng nền cơ học thiên thể cổ điển tuyệt vời, ngày nay quan niệm trên phải bị từ bỏ, vì không còn tương thích với những kết quả thực nghiệm ngày càng chính xác hơn. Nhưng không phải là dễ dàng, không gặp sự kháng cự.
Thay vì làm như Newton, là giải thích những chuyển động phức tạp của các vì sao bởi sự tồn tại của những lực hấp dẫn tác động từ xa giữa các thiên thể di động trong một không gian không thay đổi của Eukleidês, lý thuyết mới của thuyết tương đối thừa nhận rằng, chỉ bởi sự hiện diện của mình, mỗi thiên thể thay đổi các tính chất của không gian và thời gian xung quanh, uốn cong không-thời gian, khiến sự vận động bộc phát của các thiên thể lân cận cũng bị thay đổi như là kết quả của sự biến dạng này [...].
Tuy nhiên, khi tham khảo những công trình của Newton, ta thấy rằng ông ta do dự nhiều hơn là người ta có thể nghĩ khi đọc những kẻ tưởng rằng họ đã có thể cung cấp cho học thuyết của ông một tính cách dứt khoát. Ông đề xuất lực hấp dẫn từ xa như một giả thuyết nhằm phơi bày các sự kiện mà ông không hề giấu giếm những khó khăn diễn giải. Trước sự thành công của giả thuyết này, chính những đệ tử của ông đã khoác cho nó một bộ áo giáo điều vượt quá tư tưởng của tác giả, và khiến cho sự thoái lui trở thành khó khăn hơn. Một lối giảng dạy có tính lịch sử hơn, năng động hơn về cách thích nghi tư tưởng vào sự kiện (còn rất thiếu sót ngày nay), một cố gắng làm tinh thần mềm mỏng hơn, nhờ sự tiếp xúc trực tiếp hơn với lối suy nghĩ của các vĩ nhân, sẽ giúp tránh được nhiều do dự cũng như thành kiến trước những ý tưởng mới lạ.
Tóm lại, trở về nguồn chính là làm rõ những ý tưởng, giúp khoa học thay vì làm nó tê liệt. Chính nỗ lực để viết ra một “lịch sử” của khoa cơ học – nỗ lực được Mach*, nhà bác học ở Wien, thử nghiệm thành công cách đây bốn mươi năm – đã được sử dụng như khởi điểm cho  những suy tư của Einstein, và cho sự triển khai các quan điểm mới.
Paul Langevin
Giá Trị Giáo Dục Của Lịch Sử Khoa Học
(La valeur éducative de l'histoire des sciences, 1926)
Tài liệu in lại bởi Hiệp hội Paul Langevin, năm 1960




Chú thích:

[1] Paul Langevin (1872-1946), nhà vật lý, nhà giáo dục, triết gia khoa học, và nhà hoạt động chính trị Pháp. Tác giả của nhiều công trình nghiên cứu vật lý và phổ biến khoa học, đồng tác giả của một chương trình cải tổ giáo dục ở Pháp (chương trình Langevin-Wallon, 1947), một trong các nhà khoa học chủ xướng Hội nghị Khoa học Quốc tế Solvay (từ 1911 đến nay). Có thể đọc thêm về P. Langevin trong Phụ Lục III.

[2] Louis-Jacques Thénard (1777-1857), nhà hóa học và giáo sư hóa học người Pháp đã thực hiện được nhiều khám phá độc đáo, và là tác giả của một giáo trình được dùng như chuẩn mực trong suốt ¼ thế kỷ: Traité de chimie élémentaire, théorique et pratique (1813-1816, 4 q.). Có thể đọc thêm về Thénard bằng tiếng Việt trên Wikipedia.

[3] Nikolai Ivanovič Lobačcevskij (1792-1856), nhà toán học người Nga. Tác phẩm chính: Về Cơ Sở Của Hình Học = On the foundations of geometry (1829–30), Hình Học Ảo = Imaginary geometry (1835); Cơ Sở Mới Của Hình Học Với Một Lý Thuyết Trọn Vẹn Về Đường Song Song = New foundations of geometry with a complete theory of parallels (1835–38), Nghiên Cứu Hình Học Mới Về Lý Thuyết Đường Song Song = Geometrical investigations on the theory of parallel lines (1840), Pangeometry (1856). Các trước tác của ông được tập hợp trong: Kagan V. F. (chủ biên): N. I. Lobachevsky: Complete Collected Works, 1946-1951, 4 q. Có thể đọc thêm về Lobačevskij bằng tiếng Việt trên Wikipedia.

[4] János Bolyaï (1802-1860), nhà toán học người Hungary. Tác phẩm: The science absolute of space: independent of the truth or falsity of Euclid's axiom XI (which can never be decided a priori), 1896. Khi mất, ông để lại hơn 20.000 trang toán học viết tay, nay được tập hợp tại Thư viện Teleki-Bolyaï ở Marosvásárhely (bây giờ là Târgu Mureş thuộc România). Có thể đọc thêm về Bolyaï bằng tiếng Việt trên Wikipedia.

[5] Georg Friedrich Bernhard Riemann (1826-1866), nhà toán học người Đức đã có nhiều đóng góp quan trọng vào ngành giải tích toán học và hình học vi phân, qua đó xây dựng nền tảng cho việc phát triển lý thuyết tương đối sau này. Tác phẩm chính: Ueber die Hypothesen welche der Geometrie zu Grunde liegen (1854) = On the hypotheses which underlie geometry (1868). Các trước tác của ông được tập hợp trong: Collected Works of Bernhard Riemann (Đ: 1892, A: 1953) và Bernhard Riemann, Collected papers (2004). Có thể đọc thêm về Riemann bằng tiếng Việt trên Wikipedia.

Print Friendly and PDF