6.8.19

Một lịch sử ngắn về việc chuyên nghiệp hoá trên bình diện quốc tế các nhà thống kê

Alain Desrosières (1940-2013)

MỘT LỊCH SỬ NGẮN VIỆC CHUYÊN NGHIỆP HOÁ TRÊN BÌNH DIỆN QUỐC TẾ CÁC NHÀ THỐNG KÊ[1]

Alain Desrosières
Trong quá khứ, lịch sử của Viện quốc tế thống kê (viết tắt của Institut International de Statistique là IIS trong tiếng Pháp hoặc ISI là viết tắt trong tiếng Anh của International Statistical Institute – ND), được thành lập năm 1885, là chủ đề của hai nghiên cứu, một của Friedrich Zahn (1934) và một của James W. Nixon (1960). Mặt khác, cho đến những năm 1970, lịch sử thống kê và phép tính xác suất gần như chỉ được những nhà thống kê gần với thế giới chuyên nghiệp của các thành viên của IIS nghiên cứu thì từ nay đã được các nhà sử học, xã hội học, triết học khá xa lạ với thế giới này nghiên cứu[2]. Dưới ánh sáng của những nghiên cứu mới này, việc đọc lại các tác phẩm của Zahn và Nixon dạy được cho chúng ta điều gì? Các nghiên cứu này có giúp chúng ta kiến giải tốt hơn diễn tiến trên trường quốc tế của thống kê được mô tả trong nội bộ: giai đoạn xây dựng thông qua các “hội nghị quốc tế thống kê” do Adolphe Quetelet khởi xướng năm 1853, cuộc khủng hoảng thời kì 1878-1885 dẫn đến việc thành lập IIS, sự xuất hiện rụt rè của thống kê toán tại hội nghị Paris năm 1909, việc phân chia dần dần vai trò với các định chế quốc tế mới thành lập sau năm 1920 và đặt trụ sở ở Genève: Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Hội quốc liên (SDN), và cuối cùng là bước ngoặt năm 1947 thay đổi các mục tiêu và hoạt động của IIS, đặc biệt với sự phát triển nhanh chóng của thống kê toán.
Công cụ phối hợp và công cụ chứng cứ
Adolphe Quetelet (1796-1874)
Max Weber (1864-1920)
Có thể cung cấp một lưới đọc các diễn tiến này bằng việc làm rõ “bản chất kép” của thống kê, vừa là một công cụ phối hợp (chiều kích “hành chính” hay “chính trị”) vừa là một công cụ chứng cứ (chiều kích “khoa học” hay “luận chứng”). Mặc dù hai khía cạnh này là rõ ràng ở Quetelet (đây chính là điểm độc đáo của ông), trong một thời gian dài chúng đã sống tách biệt nhau: khía cạnh đầu đã thống trị các hoạt động của IIS ít ra cho đến những năm 1930, trong lúc khía cạnh thứ hai dần dần lấn thế từ sau năm 1945. Như vậy, điểm lí thú của lịch sử thống kê là nằm ở giao điểm của hai lĩnh vực của lịch sử thường tách biệt và do những nhà nghiên cứu rất khác nhau thực hành: lịch sử các khoa học và lịch sử Nhà nước (điều không có gì là ngạc nhiên khi ta nhớ đến nguồn gốc của chính từ “thống kê”: một “khoa học của Nhà nước”). Ý tưởng “khoa học hoá” bộ máy Nhà nước đã trở thành tầm thường, đặc biệt với những quy chiếu thường xuyên về Max Weber, với các ý niệm “duy lí hoá” và “quan liêu” của ông, hay về Michel Foucault với ý niệm “tính cai trị”. Tuy nhiên ta vẫn còn thiếu những nghiên cứu về việc “khoa học hoá” có tính đến chính ngay các công cụ kĩ thuật trong chiều kích chính trị của chúng, theo nghĩa là khi các cấu trúc và nội dung của các công cụ này tương đẳng với những cách tư duy của xã hội và những cách tác động của chúng trên xã hội[3].
Francis Galton (1822-1911)
Karl Pearson (1857-1936)
Ở đây “công cụ kĩ thuật” được chúng tôi hiểu là những danh mục và các phương thức điều tra và tổng điều tra lẫn những kĩ thuật “hình thức” hơn thuộc kiểu toán học. Các công cụ này đã được bàn luận trong các hội nghị thống kê, ở những thời điểm khác nhau, trước hết là những công cụ đầu (qua các công trình chuẩn hoá các phương pháp và danh mục, vốn là chủ đề chính của các hội nghị cho đến những năm 1930), rồi tiếp đến các công cụ sau được bàn luận nhiều hơn kể từ năm 1945. Thế mà ngày nay, những công cụ đầu được tư duy như là “công cụ phối hợp” (có nghĩa là “chính trị”) trong lúc các công cụ sau thuộc về nhóm những “công cụ chứng cứ”, sang trọng hơn. Để minh hoạ cho ý tưởng có vẻ trừu tượng về sự tương đẳng giữa những công cụ nhận thức và các triết học chính trị, ta có thể nêu ví dụ sau: việc các chuyên gia vệ sinh, bạn của Quetelet, sử dụng các “trung bình”, việc các nhà ưu sinh học darwinian gần với Francis Galton và Karl Pearson trong những năm 1830 đến 1860 sử dụng tương quan và hồi quy, rồi việc sử dụng cũng các công cụ này của những nhà kinh trắc học keynesian trong những năm 1935 đến 1960, hay sự xuất hiện trở lại của phương pháp điều tra trong những năm 1835 và 1935, trong bối cảnh của sự hình thành các Nhà nước phúc lợi. Trong mỗi trường hợp trên, ta có thể phân tích các phương thức của sự tương đẳng giữa các hình thức hoá thống kê với các kiểu chính sách: thuyết vệ sinh, thuyết ưu sinh, thuyết Keynes, thuyết welfare state. Ta sẽ thấy sau đây một ví dụ của phân tích này về sự hồi sinh của các cuộc điều tra chọn mẫu, vào khoảng năm 1900.
Nữ hoàng Victoria (1819-1901)
Hoàng tử Albert (1819-1861)
Đâu là vai trò của IIS trong các giai đoạn khác nhau của công cuộc “thống kê hoá” Nhà nước? Ta có thể lấy lại hai tự sự cổ điển. Trong thời kì “hào hùng” của các hội nghị của Quetelet (1853-1876), các nhà sáng tạo tiên phong vui mừng thường xuyên gặp nhau, tự động viên nhau với ý tưởng rằng họ là những sứ giả của một tính hiện đại mới (Brian, 1989). Các công trình của họ chủ yếu là về dân số. Các hội nghị của họ kết hợp những buổi họp của những nhà “dân số học” và “vệ sinh học”. Họ nghĩ có thể tác động đến chính quyền trong các nước của họ, như người truyền thông Quetelet đã làm được. Nhằm mục đích này, họ cần tìm đồng minh ở những người có thế lực mà nguyên mẫu là phu quân của nữ hoàng Victoria, hoàng tử Albert, đối tượng của tác phẩm Lettres au duc régnant de Saxe-Cobourg et Gotha sur la théorie des probabilités, appliquée aux sciences morales et politiques [Các lá thư cho công tước trị vì Saxe-Cobourg và Gotha về lí thuyết xác suất, áp dụng vào các khoa học đạo đức và chính trị] (1846) của Quetelet. Nhưng chính sách quan hệ công chúng này quật ngược lại các nhà hoạt động thống kê tích cực và có một ảnh hưởng kép. Một mặt, yếu tố “ngoại đạo”, nghĩa là đông đảo người nghiệp dư xâm chiếm các hội nghị thống kê và gây rối sự thanh thản các cuộc trao đổi khoa học của các chuyên gia. Mặt khác, trong những năm 1870, việc các thống kê gọi là chính thức trở thành công việc của Nhà nước được thảo luận trong các hội đồng chuyên gia không có trách nhiệm về mặt chính trị gây sốt cho một số chính quyền, đặc biệt là chính quyền của đế chế do Bismack mới thành thập năm 1871. Năm 1878, chính quyền này quyết định cấm các nhà thống kê chính thức tham gia các cuộc gặp gỡ có quy chế nhập nhằng này. Trong bảy năm trời, điều này phá hoại ngầm công cuộc quốc tế hoá thống kê vốn chỉ được khởi động lại, dưới những hình thức mới, với sự thành lập vào năm 1885 của IIS.
Pierre-Simon Laplace (1749-1827)
Carl Friedrich Gauss (1777-1855)
Giai đoạn này, một cách nghịch lí, lại là dấu hiệu của sự thành công của công việc của Quetelet và các bạn ông: từ nay, thống kê được coi trọng, nếu không phải như một sự đe doạ, thì ít ra cũng là một thuộc tính của vương quyền không thể trao cho những nhà “bác học” tự xưng. Các nhà bác học này, tuy lớn tiếng viện đến “Khoa học”, trong thực tế tiến hành những “công tác thống kê” mà chủ yếu là phối hợp và hài hoà hoá trên bình diện quốc tế những thủ tục hành chính: tổ chức các cuộc tổng điều tra, đăng kí hộ tịch, các nguyên nhân tử vong hay các trao đổi thương mại. Tất cả những việc này rất xa với các công trình của những nhà thống kê hàn lâm và những nhà phương pháp luận ngày nay hay tham dự các hội nghị của IIS. “Thống kê” thời bấy giờ trước hết là một “công cụ phối hợp”, nghĩa là một ngôn ngữ chung cho phép những tác nhân hành chính và xã hội khác, đặc biệt là giữa các nước khác nhau, giao tiếp với nhau. Những tuyên bố đôi lúc có tính tán tụng về “tầm quan trọng của thống kê trong các xã hội hiện đại” vang dội trong các hội nghị của IIS kể từ năm 1885 chủ yếu liên quan đến khía cạnh này. Phép tính xác suất, cũng như các công trình của Gauss và Laplace, gần như không được biết đến, dù cho có Các lá thư nổi tiếng của Quetelet cho hoàng tử Albert. Theo quan điểm này, lịch sử thống kê thời buổi ấy thuộc về lịch sử của Nhà nước, một lịch sử mà các nhà xã hội học và chính trị học quan tâm, hơn là thuộc về lịch sử các khoa học. Vả lại, những sáng tạo có tính quyết định ở đầu nguồn của “thống kê toán” theo nghĩa hiện đại đến từ những người mà ban đầu không nghĩ đến việc xem mình là “nhà thống kê”. Karl Pearson, người đã định hình sự tương quan, hồi quy, “phương pháp các momen” và kiểm định khi-bình phương chưa bao giờ là thành viên của IIS.
Hai tự sự về sự tái sinh của các cuộc điều tra chọn mẫu
Anders N. Kiaer (1838-1919)
Ladislaus Bortkiewicz (1868-1931)
Lịch sử của sự “phục sinh” các cuộc điều tra chọn mẫu trong những năm 1890 có tính bộc lộ (Seng, 1951; Kruskal và Mosteller, 1980; Desrosières, 1983, chương 7)[4]. Có thể kể lại lịch sử này theo hai cách, theo quan điểm của lịch sử các khoa học hoặc theo quan điểm của lịch sử Nhà nước. Theo tự sự đầu, phương pháp này đã được Laplace, ngay từ thế kỉ XVIII, tưởng tượng – ta sẽ quay lại điểm này – với sự biện minh bằng phép tính xác suất: “sai lầm đáng ngại” của ông được trình bày như một “khoảng tin cậy” ngày nay. Tuy nhiên, trong suốt thế kỉ XIX, phương pháp này bị làm mất tín nhiệm, đặc biệt bởi Quetelet. Nó chỉ được người Na Uy Anders Kiaer “phát minh lại” trong những năm 1890, dưới tên gọi “đếm số đại diện” (Lie, 2002).
Nó được bàn luận trong các hội nghị các năm 1895, 1897 và 1901 của IIS. Kiar không trình bày bất kì biện minh nào có tính xác suất. Cách chọn mẫu của ông thuộc loại “lựa chọn có lập luận”, sẽ cho ra đời “phương pháp quota” ngày nay. “Kiểm định hiệu lực” của ông được cung cấp bởi việc so sánh những độ đo trên một vài biến chung của điều tra chọn mẫu và của một tổng điều tra đầy đủ. Kiaer đánh giá các khác biệt khá nhỏ để đảm bảo tính đúng đắn của những biến khác, không có mặt trong cuộc tổng điều tra. Tuy nhiên, vào năm 1901, nhà kinh tế học Ladislaus von Bortkiewicz có mặt ở hội nghị Budapest can thiệp và cho rằng, bằng một lập luận xác suất, những khác biệt giữa những kết quả của “đếm số đại diện” và những kết quả của tổng điều tra đầy đủ không phải là không đáng kể như Kiaer nói nhưng chúng là “có ý nghĩa” (thống kê – ND) như cách nói hiện nay. Trước sự phản bác có vẻ mạnh này, Kiaer cũng như những người tham gia khác đều không trả lời: lập luận xác suất dường như rơi vào khoảng không.
George Gallup (1901-1984)
Jerzy Neyman (1894-1981)
Thời điểm chưa chín muồi cho việc xác suất hoá thống kê. Điều này chỉ xảy ra trong những năm 1920 ở Liên Xô (Mespoulet, 2002) và 1930 ở Hoa Kì, cho thống kê nông nghiệp và thất nghiệp (Didier, 2009), đặc biệt tiếp sau những công trình của nhà thống kê Balan Jerzy Neyman (xem chương 2). Năm 1936, kĩ thuật điều tra chọn mẫu làm một đột phá trên các phương tiện truyền thông đại chúng trên một lĩnh vực khác, lĩnh vực các cuộc điều tra trước bầu cử, với các điều tra dư luận của George Gallup. Từ đó chính các cuộc điều tra dư luận này đã truyền bá phương pháp, đến độ ngày nay đối với nhiều người “điều tra” đã trở thành đồng nghĩa với “dư luận” – chẳng hạn, đêm trước một cuộc bầu cử nói một số nhà báo một cách kì lạ đến “điều tra trên đại lượng thật”. Đây có một sự trượt nghĩa vì thuật ngữ này chỉ một cách đo một đại lượng, từ một mẫu, rồi ngoại suy đại lượng này ra cho cả tổng thể, bất luận bản chất biến được nghiên cứu, dù cho đó là thất nghiệp hay ý định bỏ phiếu.
Thomas Bayes (1701-1761)
Thường lịch sử sự tái sinh của các cuộc điều tra chọn mẫu được kể lại như trên, theo quan điểm có sự có mặt hay không của lập luận xác suất, bằng ngôn ngữ của “công cụ chứng cứ”, ngôn ngữ được nhà thống kê hiện đại yêu thích. Nhưng còn có một phiên bản khác, về phía lịch sử Nhà nước, bằng ngôn ngữ của “công cụ phối hợp” được nhà xã hội học quan tâm. Phương pháp điều tra chọn mẫu đã không được thừa nhận, trên đà bác bỏ rộng hơn các “trò nhào lộn” của các nhà số học chính trị của thế kỉ XVIII, mà bằng những “số nhân” khéo léo tạo dựng lại cả một xã hội hay một nền kinh tế từ vài thông tin rời rạc, như nhà cổ sinh vật học khôi phục lại một con khủng long từ một xương chày có nguồn gốc không chắc chắn. Khi vào những năm 1830, Quetelet bắt đầu quảng bá các “văn phòng thống kê nhà nước” những kiểu tưởng tượng độc đáo như trên không còn tính thời sự nữa: sự được mất là tính nghiêm túc của Nhà nước và “khoa học”, và như thế là nhiều lắm. Duy chỉ những cuộc tổng điều tra đầy đủ mới có thể tạo cơ sở cho tính chính đáng của “khoa học” mới. Bản thân phép tính xác suất, trong phiên bản chủ quan của nó vốn cũng là phiên bản của nhà toán học Pháp Pierre-Simon Laplace và người Anh lớn tuổi hơn ông là Thomas Bayes (1702-1761), được xem là nguy hiểm. Duy chỉ có phiên bản khách quan và “tần số luận” (được đại chúng hoá bằng cụm từ “luật các số lớn”) do Quetelet và “con người trung bình” của ông thúc đẩy (xem chương 3, 8 và 10) là được dung thứ (nhưng cuối cùng ít được sử dụng). Từ đó ta hiểu sự khó khăn trong việc đưa trở lại lập luận xác suất vào đầu thế kỉ XX.
Khi đọc bài phát biểu (bằng tiếng Pháp) của Kiaser tại hội nghị Berne năm 1895, ta đoán được điều gì khiến cho việc quay trở lại của phương pháp điều tra chọn mẫu trở thành có thể. Thật vậy, ngay từ những dòng đầu ông giải thích rằng mục đích của việc “đếm số đại diện” của ông là “làm sáng tỏ những vấn đề khác nhau liên quan đến việc thành lập một quỹ tiền hưu và bảo hiểm phòng chống sự tàn tật và tuổi già”. Như vậy thống kê, mà kể từ Quetelet đã tự tách khỏi “État” (Nhà nước) để mô tả (dưới tên gọi là “thống kê đạo đức”) những quy luật của xã hội nhìn chung quay lại một “État” (trạng thái) mới, từ nay là một trạng thái “thống kê”, nhưng với cái giá phải trả là sự trượt nghĩa của từ này (“État”) thành nghĩa “ngẫu nhiên”[5]. Ý tưởng này vừa là của “vật lí thống kê” của James Clerk Maxwell vừa là của các nhà bảo hiểm, một tác nhân mới trong lịch sử thống kê cho đến lúc bấy giờ tương đối nằm ngoài câu chuyện.
Ta có ở đây một ví dụ đẹp về điều mà bên trên chúng tôi gọi là sự “tương đẳng” giữa công cụ nhận thức và công cụ chính trị. “Mô hình chiếc hộp Bernouilli” được lập luận xác suất giả định tương đẳng với ý tưởng cho rằng các lớp được phương pháp chọn mẫu xác định là đủ để so sánh với nhau được và “tương đương” để có thể cùng được nghiên cứu và đo lường. Thế mà chính Kiar cũng nhấn mạnh đến việc là “trong khi trước đây các cuộc điều tra liên quan đến thu nhập, nhà ở và các điều kiện kinh tế và xã hội khác không được mở rộng một cách tương tự cho tất cả các giai cấp trong xã hội [...] thì từ nay, ngay cả khi chỉ xem xét vấn đề công nhân, ta phải so sánh tình hình kinh tế, xã hội, đạo đức của công nhân với các tình hình này của giai cấp trung lưu và giai cấp giàu có” (Kiaer, 1895). Trong thực tế, những nghiên cứu thống kê về các bất bình đẳng xã hội theo các phân loại xã hội-kinh tế sẽ được phát triển rộng rãi nhờ các cuộc điều tra chọn mẫu, nhưng rất lâu sau này, kể từ những năm 1940; sự phát triển này đồng thời với sự phát triển của những hình thức tái phân phối khác nhau của Nhà nước-phúc lợi. Không thể trình bày tốt hơn giả thiết về tính so sánh dân chủ được giả định là của “Nhà nước-phúc lợi”, điều mà các nhà cải cách có “đức độ”, như Le Play, Villermé hay Broca, không thể hình dung với những cuộc điều tra chỉ nhắm vào “người nghèo” của họ. Như vậy lúc bấy giờ, nhà quan sát (tư sản) và người được quan sát (người nghèo) thuộc về những hành tinh khác nhau, trong lúc kể từ Kiaer, từ Bowley rồi sau này là Neyman, mọi người được tập hợp chung trong cùng một “hộp”, bất luận đó là chiếc hộp Bernouilli hay hộp phổ thông đầu phiếu.
Việc công cụ được hợp thức hoá về mặt khoa học như là một công cụ chứng cứ, điều mà Neyman sẽ làm năm 1934, là chưa đủ. Nó còn cần được hợp thức hoá về mặt xã hội, để có thể giữ vai trò là một công cụ phối hợp, nghĩa là một ngôn ngữ chung cho các tác nhân xã hội. Ta có một ví dụ theo chiều trái ngược với các cuộc tranh luận ở Hoa Kì mà dự án của Bureau of Census nhằm “chỉnh sửa” những ước lượng thấp của cuộc tổng điều tra dân số bằng các phương pháp điều tra xác suất đã dấy lên: năm 1999, Tối cao pháp viện đã phán quyết rằng phương pháp này trái với Hiến pháp năm 1787 vì hiến pháp này trù tính việc “đếm số thật sự” (actual enumeration). Sự căng thẳng giữa công cụ chứng cứ và công cụ phối hợp là hiển nhiên (xem mục ngay dưới đây).
Về vai trò của điều tra chọn mẫu trong thống kê chính thức: trường hợp đáng ngạc nhiên của Hiến pháp Hoa Kì
Từ định chế đến chuyên nghiệp hoá
Nguyên do của cuộc khủng hoảng năm 1878 là tính không chắc chắn của cương vị những người tham gia các hội nghị thống kê: họ chỉ là những nhà bác học hay còn là những đại diện của chính phủ họ? Cuộc khủng hoảng được giải quyết bằng sự thành lập IIS năm 1885: các thành viên của nó là những cá nhân được bầu vì năng lực chuyên môn của họ chứ không phải được các chính phủ uỷ nhiệm. Trên nguyên tắc, các “thỉnh cầu” của IIS hoàn toàn không có tính cam kết. Tuy nhiên, cho đến những năm 1920, IIS là đấu trường duy nhất mà các nhà thống kê chính thức gặp gỡ nhau và như thế các công trình của họ, trong thực tế, có ảnh hưởng lớn. Đặc biệt đó là trường hợp trong những năm 1890, với những đề xuất chuẩn hoá hai danh mục, một cho các ngành nghề và một cho các nguyên nhân tử vong. Như thế IIS giữ vai trò một định chế chuyên gia, mặc dù cương vị có tính “cá nhân” của các thành viên.
Tình hình này sẽ thay đổi hai lần một cách triệt để, từ những năm 1920 đến 1950. Nhiều định chế đa quốc gia xuất hiện vào năm 1920: Hội quốc liên, Tổ chức lao động quốc tế (ILO), rồi sau năm 1945 là Liên hợp quốc (UN), Unesco, FAO, WHO, IMF và cho châu Âu là Eurostat. Mỗi định chế này, dưới những hình thức khác nhau, sẽ phát triển những “công cụ phối hợp” và hài hoà hoá các thống kê, điều mà IIS đã làm trước đây. Nhưng kể từ 1945, về phần mình IIS sẽ tập hợp ngày càng nhiều nhà “thống kê toán” nổi tiếng nhất, đầu tư vào phía “công cụ chứng cứ” của thống kê. Và như thế góp phần vào việc chuyên nghiệp hoá một hoạt động mà trước đây không đòi hỏi những năng lực lớn về khoa học vì chỉ cần một hiểu biết tốt các mạng lưới hành chính và cảm nhận những cơ hội cho phép đưa thống kê vào những vấn đề được đánh giá, vào một thời điểm nhất định, là có tính “xã hội”, nghĩa là thuộc về những sự can thiệp công cộng (điều mà các nhà khoa học chính trị gọi là “đưa vào nghị trình”). Từ đó có một sự phân chia công việc giữa hai kiểu chuyên gia thống kê, với những phương thức khác nhau tuỳ theo các quốc gia. Các cuộc điều tra và tổng điều tra ngày càng được “thống kê hoá”, nghĩa là vận dụng những thành tựu mới nhất của các lí thuyết điều tra hay những mối liên kết giữa các tệp tin. Như vậy, hai chiều kích “công cụ phối hợp” và “công cụ chứng cứ” có những quan hệ chặt chẽ hơn, nhưng sẽ là có ích khi tư duy tách biệt mỗi chiều kích để hiểu rõ hơn sự đa dạng và độc đáo, có tính chính trị và khoa học, của hoạt động của những nhà thống kê tập hợp trong IIS.
Tài liệu tham khảo:


Desrosières A., 1993, La politique des grands nombres. Histoire de la raison statistique, La Découverte, Paris [bản dịch tiếng Việt: Chính sách các số lớn. Lịch sử lí tính thống kê, NXB Tri thức, Hà Nội, 2015].
Desrosières A., 1993, “Historiciser l’action publique, l’État, les marchés et les statistiques” trong Laborier P. và Trom D. (chủ biên), Historicités de l’action publique, PUF, Paris, p. 207-221 (bản dịch tiếng Anh, 2003, “Managing the economy: the state, the market and statistics” trong Porter T. và Ross D. (chủ biên), The Cambridge History of Science, vol. 7, Modern Social and Behavioral Sciences, Cambridge, Cambridge University Press.
Desrosières A., 2008, Pour une sociologie historique de la quantification, Presses des Mines, Paris.
Didier E., 2009, En quoi consiste l’Amérique? Les statistiques, le New Deal et la démocratie, La Découverte, Paris.
Gigerenser et alii., 1989, The Empire of Chance. How Probability changed Science and Everyday Life, Cambridge, Cambridge University Press.
Kiaer A., 1895, “Observations et expériences concernant les dénombrements représentatifs”, Bulletin de l”Institut international de statistique, vol. 9, p. 176-178.
Kruskal W. và Mosteller F., 1980, “Representative sampling IV, The history of the concept in statistics, 1895-1939”, International Statistical Review, n048, p. 169-195.
Lie E., 2002, “The rise and fall of sampling methods in Norway, 1875-1906”, Science in Context, vol. 15, n03, september, p. 317-342.
Mespoulet M., 2001, Statistique et révolution en Russie (1880-1930), Presses universitaires de Rennes, Rennes.
Nixon J. W., 1960, A History of the International Statistical Institute, IIS, La Hague.
Seng Y. P., 1951, “Historical survey of the development of sampling theories and practice”, Journal of the Royal Statistical Society, Serie A (Statistics and Society), n0114, p. 214-231.
Zahn F., 1934, 50 années de l’Institut International de la Statistique, IIS, La Hague.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Une brève histoire de la professionalisation internationale des statisticiens”, Prouver et gouverner. Une analyse politique des statistiques publiques, La Découverte, Paris, 2014, trang 97-110.




Chú thích:

[1] Chương này bắt nguồn từ một bài trình bày tại hội nghị của Viện quốc tế thống kê, Berlin, tháng 8 năm 2003.

[2] Một thời điểm quan trọng của sự hình thành mạng lưới những nhà nghiên cứu này là công trình chung được tiến hành trong các năm 1982-1983, tại đại học Bielefeld ở Đức, nhờ sáng kiến của nhà vật lí học Lorenz Kruger, dưới tựa là The Probability Revolution. Trong số những thành viên hay nhà nghiên cứu gần với nhóm này có thể kể: Lorraine Daston (sử gia về các khoa học), Gerg Gigerenzer (nhà tâm lí học), Ian Hacking (nhà triết học), Mary Morgan (nhà kinh tế), Ted Porter (nhà sử học và xã hội học), Stephen Stigler (nhà thống kê). Tác phẩm tập thể The Empire of Chance (Gigerenzer et alii, 1989) cho được một cái nhìn bao quát về công việc này.

[3] Ý tưởng này rất khác với vấn đề cổ điển của sự “độc lập cần thiết của thống kê đối với chính trị”. Từ “chính trị” ở đây được dùng theo nghĩa của xã hội học chính trị, đặc biệt là những cách tư duy các hình thức có thể của Nhà nước và vai trò của thống kê trong các trường hợp khác nhau này. Có thể tìm thấy một tiểu luận làm rõ năm phương thức của tổ hợp “Nhà nước-thị trường-thống kê” trong Desrosières (2003).

[4] Ba nghiên cứu về sự tái sinh của phương pháp điều tra chọn mẫu, ở Na Uy (Einar Lie), Nga-Liên Xô (Martine Mespoulet) và Hoa Kì (Emmanuel Didier) được công bố trong Science in Context, vol 15, n03, september 2002.

[5] Ở đây tác giả chơi chữ vì trong tiếng Pháp, từ “état/État” (“trạng thái/Nhà nước) là đồng âm (ND).

Print Friendly and PDF