14.8.19

Kinh tế học hậu chủ nghĩa tân tự do (2)

KINH TẾ HỌC HẬU CHỦ NGHĨA TÂN TỰ DO
Kinh tế học cần đi theo cách tiếp cận xuyên ngành.
Bài phản hồi của Các kinh tế gia trường phái phức hợp*
* Ghi chú của ban biên tập Boston Review: Bài phản hồi này được đồng chấp bút bởi Eric Beinhocker, W. Brian Arthur, Robert Axtell, Jenna Bednar, Jean-Philippe Bouchaud, David Colander, Molly Crockett, J. Doyne Farmer, Ricardo Hausmann, Cars Hommes, Alan Kirman, Scott Page, và David Sloan Wilson.
Naidu, Rodrik, và Zucman
Chúng tôi hoan nghênh đóng góp của Naidu, Rodrik, và Zucman và cuộc tranh biện mà bài viết đó đã khơi gợi. Chúng tôi đồng tình với phần lớn chương trình hành động của họ nhằm hướng đến một ngành kinh tế học “vượt ra khỏi chủ nghĩa tân tự do”, đặc biệt là sự nhấn mạnh của họ đối với những vấn đề như tăng cường tính thực nghiệm, gia tăng sự liên quan đến chính sách, chú trọng hơn đến tính toàn diện về kinh tế, và có một khái niệm rộng hơn về sự thịnh vượng. Chúng tôi cũng phấn khởi khi họ kêu gọi từ bỏ “chủ nghĩa tôn sùng thị trường”, giới thiệu lại các mối quan tâm về sức mạnh kinh tế, xã hội, và chính trị, và có một cái nhìn mang tính hệ thống hơn, ít tách biệt về nền kinh tế.
Cái mà chúng ta gọi là “nền kinh tế” thực tế là một hệ thống đa tầng và rất phức tạp. Nó phải được nghiên cứu theo đúng bản chất của nó.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Naidu và các đồng tác giả chưa đi đến cùng trong lời kêu gọi cải cách của họ. Viễn cảnh mà họ vẽ nên vẫn còn tập trung vào ngành kinh tế học và bám chặt vào những quan niệm cốt lõi của lý thuyết tân cổ điển đã thống trị kinh tế học trong thế kỷ 20. Chúng tôi nghĩ rằng để kinh tế học phát triển, nó cần đi theo phương pháp tiếp cận xuyên ngành một cách triệt để và làm mới một số khái niệm trọng yếu của nó.
Kiến thức nền của chúng tôi đến từ kinh tế học, khoa học chính trị, tâm lý học, nhân học, vật lý học, khoa học máy tính, lý thuyết tiến hóa, và lý thuyết về các hệ thống phức hợp. Theo chúng tôi, hiện tượng được gọi là “nền kinh tế” là một hệ thống đa tầng và rất phức tạp bao gồm sinh học về con người, hành vi của con người, hành vi của nhóm, thể chế, công nghệ, và văn hóa, tất cả đan mắc vào nhau trong các mạng lưới phản hồi phi tuyến động. Mỗi tầng trong hệ thống này đều phải tuân theo các quá trình học hỏi, thích nghi, tiến hóa, và đồng tiến hóa, nghĩa là hệ thống thay đổi không ngừng, tự tạo, và không tĩnh tại. Các yếu tố động này lần lượt tạo ra các động thái nổi bật ở cấp hệ thống, bao gồm tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng, và những hiện tượng bong bóng tài chính phình to và vỡ tan. Cả hệ thống lại được gắn sâu vào các quá trình vật lý của hành tinh chúng ta.
Quan điểm xuyên ngành này, đôi khi được giới thiệu là “kinh tế học phức hợp”, khác với quan điểm truyền thống về kinh tế học ở một số khía cạnh quan trọng. Chúng tôi sẽ nêu ba ví dụ.
George Stigler (1911-1991)
Thứ nhất, Naidu và các đồng tác giả đã ghi nhận chính xác rằng chỉ trích của kinh tế học hành vi đối với mô hình về người ra quyết định duy lý đã trở thành dòng chính. Mặc dù vậy, phần lớn các mô hình kinh tế, gồm phần lớn các mô hình chính sách, vẫn tiếp tục sử dụng các giả định lựa chọn duy lý. Vẫn còn quan điểm cho rằng lựa chọn duy lý là một “phép xấp xỉ đủ tốt” và không có mô hình thay thế nào có thể chấp nhận được - theo như phát biểu nổi tiếng của kinh tế gia George Stigler, “cần có một mô hình để phủ định một mô hình”. Nhưng nếu các kinh tế gia mở rộng tầm nhìn của họ để dung nạp khoa học thần kinh, khoa học nhận thức, nhân học, tâm lý học xã hội, sinh học tiến hoá, khoa học máy tính, và triết học, họ sẽ nhìn ra rằng đã có một cuộc cách mạng nhiều thập kỷ của khoa học hành vi có thể và nên có ảnh hưởng lớn đến kinh tế học.
Bức tranh mà cuộc cách mạng này phác họa về loài người (Homo sapiens) hầu như khác xa với con người kinh tế (Homo economicus). Thay vì mang đặc tính phi xã hội, chỉ biết đến mua bán, tự xem bản thân là những người tối đa hóa lợi ích, con người thực tế là những sinh vật mang tính xã hội mạnh mẽ, có tinh thần hợp tác cao, và quan tâm đến người khác, họ là những người ra quyết định theo kiểu ngoại suy, dựa vào kinh nghiệm, bắt chước, và thông qua tranh luận nhóm. Sự tiến hóa đã trang bị cho chúng ta vừa tính vị kỷ vừa có xu hướng xã hội. Sự tiến hóa đã cung cấp cho chúng ta một kho các công cụ sinh hóa, thần kinh, xúc cảm, và hành vi để giúp chúng ta định hướng thành công cuộc sống trong các nhóm và giúp các nhóm cạnh tranh với các nhóm khác. Những công cụ này bao gồm những phản ứng nội tiết kích hoạt các bản năng quan tâm chăm sóc, và cả những năng lực thần kinh gián tiếp trải nghiệm hạnh phúc của người khác, những chiến lược hành vi tương hỗ, hợp tác, và trừng phạt những thành viên vi phạm các chuẩn mực nhóm. Những xúc cảm và hành vi lại đồng tiến hóa với các chuẩn mực văn hóa, bao gồm các chuẩn mực đạo đức của chúng ta.
Kinh tế học cần bao quát những gì mà các lĩnh vực  khác đã nghiên cứu về hành vi, mạng lưới, thể chế, văn hóa, sự tiến hóa, và các hệ thống không cân bằng.
Corey Robin (1967-)
Karl Polanyi (1886-1964)
Rất nhiều công trình nghiên cứu thực nghiệm và thí nghiệm cho thấy rằng sự suy xét về đạo đức và xã hội định hình các sở thích và các lựa chọn về kinh tế, chính trị rất rõ rệt. Những sở thích này thường không tương thích với các quan điểm chuẩn của kinh tế học về tư lợi, các kích thích, và “sự duy lý”. Ví dụ, nhiều nhân vật cấp tiến đã từng bị hỏi xoáy rằng tại sao nhiều người bỏ phiếu cho Donald Trump lại đảm nhận những vị trí có vẻ như đi ngược lại với cái được gọi là tư lợi. Tuy nhiên, đối với các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tâm lý học đạo đức, những phát biểu của Trump về chi tiêu xã hội, nhập cư, thương mại, và biến đổi khí hậu đều sử dụng một khung khổ chung về những xúc phạm qua lại kích thích các xúc cảm về sự lăng nhục đạo đức trắng trợn và thúc đẩy hành vi tập thể. Chiến lược cấp tiến điển hình kêu gọi chống lại sự tư lợi (cắt giảm chi tiêu xã hội sẽ gây thiệt hại cho bạn, nhập cư và thương mại mang lại lợi ích cho nền kinh tế, biến đổi khí hậu là không tốt,...) vì thế mà nắm chắc phần thất bại bởi vì con người không xử lý những vấn đề này trong khung khổ tư lợi hẹp chỉ so sánh lợi ích và chi phí, mà họ xem đó là những vấn đề về sự công bằng và tương nhượng về đạo đức. Chỉ khi phe cấp tiến bắt đầu giải quyết những vấn đề này theo khung khổ rộng [không chỉ chú trọng vào lợi ích và chi phí] thì họ mới có được cơ hội tái kết nối với những cử tri này. Trong thế kỷ 20, như Corey Robin đã nhận định, kinh tế học phân hóa thành kinh tế học “khoa học” kỹ trị mà Naidu, Rodrik, và Zucman ủng hộ và kinh tế học mang tính triết lý và đạo đức với các đại diện tiêu biểu như Friedrich HayekKarl Polanyi. Các công trình nghiên cứu xuyên ngành hợp tác giữa các nhà kinh tế và các nhà khoa học hành vi tạo ra những cơ hội giúp hai nhánh của ngành kinh tế học xích lại gần nhau.
Tony Atkinson (1944-)
Friedrich Hayek (1899-1992)
Một ví dụ thứ hai về sự khác biệt của quan điểm kinh tế học phức hợp là sự không đồng nhất. Trong phần lớn thế kỷ 20, kinh tế học chủ yếu quan tâm đến dữ liệu tổng gộp như GDP, năng suất, và thu nhập quốc gia, và các mô hình kinh tế vĩ mô giả định rằng tất cả các hộ gia đình trong nền kinh tế đều có thể được khái quát hóa thành một “hộ tiêu biểu” và tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế đều được tổng gộp thành một “doanh nghiệp tiêu biểu”. Những mô hình này, hiện vẫn còn được sử dụng, đơn giản là đã bỏ qua tính không đồng nhất. Khi ưu tiên các phép tính tổng gộp và trung bình, những sự khác biệt thường được giả định là đã được loại bỏ. Theo quan điểm này, những vấn đề như bất bình đẳng kinh tế có thể quan trọng ở khía cạnh công bằng xã hội, nhưng lại không quan trọng trên phương diện kinh tế. Nhà nghiên cứu quá cố Tony Atkinson, một người tiên phong trong nghiên cứu về bất bình đẳng, thường tự trào rằng các công trình nghiên cứu trong phần lớn sự nghiệp của ông là “lỗi mốt trầm trọng”. Không có gì lạ khi giới học giả và giới hoạch định chính sách đã bị ngạc nhiên bởi các hiệu ứng vô cùng to lớn của cú quay đầu của tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ bắt đầu từ những năm 1970, và tình trạng bất bình đẳng đã góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự trì trệ kéo dài, và sự chia rẽ chính trị. Naidu, Rodrik, và Zucman đã nhìn nhận chính xác về hiện tượng phục hưng các nghiên cứu về bất bình đẳng trong thời gian gần đây và nhiều thành viên của tổ chức Các Kinh Tế Gia Vì Sự Thịnh Vượng Toàn Diện (Economists for Inclusive Prosperity - EfIP) đã có nhiều đóng góp quan trọng cho mảng nghiên cứu này. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu ở mảng này lại đi sau các sự kiện đến ba thập kỷ, nhìn lại quá khứ bằng phương pháp thực nghiệm và đặt câu hỏi “chuyện gì đã xảy ra?” Kinh tế học vẫn chưa lâm trận với vấn đề hóc búa hơn là làm thế nào để đưa tính không đồng nhất vào nền tảng lý thuyết của kinh tế học và vào các mô hình mà các nhà hoạch định chính sách sử dụng để có câu trả lời tốt hơn cho các câu hỏi “tại sao có bất bình đẳng?” và “giải pháp của chúng ta là gì?”
Ngược lại, mô hình hóa sự không đồng nhất một cách rõ ràng là trọng tâm của chương trình nghiên cứu của kinh tế học phức hợp. Vay mượn các công cụ được sử dụng rộng rãi trong ngành vật lý, sinh học, và khoa học máy tính (ví dụ như mô hình tác nhân, lý thuyết mạng lưới, và kỹ thuật sử dụng dữ liệu vi mô), các nhà kinh tế có thể mô hình hóa các hệ thống kinh tế theo hướng “từ dưới lên” - bắt đầu từ hộ gia đình và người lao động - và do vậy nắm bắt được những phương diện trọng yếu của sự khác biệt. Ví dụ, một chính sách có tác động như thế nào đối với một người mẹ đơn thân có thu nhập thấp phải nuôi hai con và phải trả tiền thuê nhà, so với một gia đình trung lưu mà cả vợ lẫn chồng đều có thu nhập đang nuôi một con học đại học và đang phải trả góp tiền mua nhà? Và chính sách đó tác động lên tổng thể nền kinh tế vĩ mô như thế nào? Những cách tiếp cận như vậy có tiềm năng không chỉ cung cấp sự hiểu biết sâu sắc về nguyên nhân của các hiện tượng như bất bình đẳng, mà còn đưa kinh tế chính trị học trở lại vị trí trung tâm của kinh tế học một cách vững chắc.
Với quan điểm chuẩn của kinh tế học về biến đổi khí hậu, chúng ta có thể tối ưu hóa con đường đi đến sự tuyệt chủng hàng loạt của chúng ta.
Cuối cùng, sự khác biệt thứ ba là quan điểm cấp hệ thống về nền kinh tế. Các kinh tế gia lâu nay đã giả định rằng nền kinh tế là một hệ thống cân bằng - một hệ thống ở trạng thái tĩnh tại. Đây là di sản của những ý tưởng và công cụ mà các kinh tế gia có được vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhưng ở thế kỷ 21 chúng ta có thể làm tốt hơn. Đơn cử như cuộc khủng hoảng năm 2008 là một sự kiện hoàn toàn chệch ra khỏi trạng thái cân bằng, nhưng các ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách lại sử dụng các mô hình hoạt động dựa trên giả định cân bằng, các mô hình này đã khiến họ bị giảm đi đáng kể khả năng nhìn thấy nguy cơ xảy ra thảm họa. Trái lại, các cách tiếp cận các hệ thống phức hợp có thể giúp nhận biết các bất ổn nội sinh mang tính hệ thống và những điểm yếu cố hữu phát sinh trong các thị trường cạnh tranh. Kể từ cuộc khủng hoảng, một số ngân hàng trung ương đã tiên phong thử nghiệm các cách tiếp cận phi cân bằng trong phân tích chính sách.
Một ví dụ khác đáng lo hơn là biến đổi khí hậu. Quan điểm chuẩn của kinh tế học xem biến đổi khí hậu và phản ứng của chúng ta đối với vấn đề này như là giải quyết bài toán về lợi ích và chi phí bằng các mô hình tối ưu “nội hiện hóa ngoại tác” thông qua giá cả phát thải carbon. Khung khổ này đã dẫn đến sự thiên lệch vốn có khiến chúng ta quá thận trọng và trì hoãn - như một nhà vật lý đã phát biểu rằng chúng ta có thể tối ưu hóa con đường đi đến sự tuyệt chủng hàng loạt của chúng ta. Kinh tế học phức hợp cung cấp một khung khổ thay thế. Khung khổ này không miêu tả môi trường như một “ngoại tác”, mà xem nền kinh tế là một hệ thống phức hợp gắn trong hệ thống phức hợp lớn hơn chính là môi trường. Và khung khổ này không xem sự biến chuyển sang nền kinh tế không có phát thải carbon là một vấn đề thứ yếu, mà là một sự thay đổi hệ thống mang tính bước ngoặc có tầm quan trọng như sự biến chuyển từ săn bắt hái lượm sang sản xuất nông nghiệp và Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp. Vấn đề này đòi hỏi những phản ứng cực kỳ nhanh vượt xa khỏi những mô hình tối ưu chuẩn, bao gồm những thay đổi lớn về công nghệ, thể chế, hành vi, và văn hóa. Đây là vấn đề lớn nhất trong các vấn đề về sự không cân bằng và sẽ đòi hỏi các kinh tế gia hợp tác chặt chẽ với các ngành khác và cởi mở với những lối tư duy hoàn toàn khác biệt.
Điểm trọng tâm của chúng tôi là khuyến khích kinh tế học vươn xa hơn, nhanh hơn.


Trong tác phẩm Economics Rules (Các Quy tắc trong Kinh tế học, 2015), Rodrik lập luận rằng không thể nói “đây mô hình”. Thay vào đó, kinh tế học nên nghĩ đến một tập hợp các mô hình, công cụ, và khái niệm giúp ích cho việc giải thích các hiện tượng khác nhau. Chúng tôi đồng ý. Mặc dù các nhà kinh tế ngày nay có sử dụng nhiều mô hình đa dạng, nhưng lâu nay họ vẫn căn cứ trên bộ công cụ phương pháp luận và khái niệm khá hẹp. Trong nghiên cứu của mình, Naidu, Rodrik, và Zucman - cũng như nhiều thành viên của tổ chức Các Kinh Tế Gia Vì Sự Thịnh Vượng Toàn Diện (EfIP) - đã có nhiều nỗ lực mở rộng phạm vi của bộ công cụ này. Điểm trọng tâm của chúng tôi là khuyến khích kinh tế học vươn xa hơn, nhanh hơn. Kinh tế học cần bao quát những gì mà các lĩnh vực khác đã nghiên cứu về hành vi, mạng lưới, thể chế, văn hóa, sự tiến hóa, và các hệ thống không cân bằng. Cho đến nay, hạ tầng của ngành kinh tế học - các tập san, các tổ chức tài trợ, các ủy ban tuyển dụng và bổ nhiệm - hầu như vẫn quay lưng với những ý tưởng và phương pháp tiếp cận này. Nếu kinh tế học muốn cải cách và vươn ra khỏi chủ nghĩa tân tự do, tình trạng này cần phải thay đổi. Chỉ có như vậy thì “men sáng tạo” mà  Naidu, Rodrik, và Zucman kêu gọi mới có thể trở thành hiện thực.
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: Economics After Neoliberalism”, BostonReview.net, 19/3/2019.
Print Friendly and PDF