Nhà sử học Yuval Harari |
TƯƠNG LAI CẦN MỘT SỰ NÂNG CẤP
Báo Handelsblatt Global
Ngày 20/10/2017
(Courtesy of Handelsblatt Global)
Suy nghĩ về hiện tại giúp xác định tương lai, nhà sử học Yuval Noah Harari nói. Các chính trị gia của chúng ta không làm việc này một cách đầy đủ.
Người dịch: Đỗ Thị Thu Trà
Lời nói đầu
Nguyễn Xuân Xanh
“Phải có một thời gian trong ngày khi một người làm kế hoạch quên đi các kế hoạch của anh ta, và hành động như thể anh ta không hề có kế hoạch nào.
Phải có một thời gian trong ngày khi một người phải nói trở nên im lặng. Tâm trí anh ta không nghĩ ngợi gì về những dự tính, và anh ta tự hỏi: Những dự tính đó có ý nghĩa gì không?
Phải có một thời gian khi một người cầu nguyện đi cầu nguyện như thể lần đầu tiên trong đời anh ta cầu nguyện; khi con người của các nghị quyết đặt những nghị quyết của anh ta sang một bên như thể tất cả chúng đã đổ vỡ, và anh ta học một sự khôn ngoan mới: phân biệt mặt trời và mặt trăng, tinh tú và bóng tối, biển và đất khô cằn, bầu trời đêm và sườn của một ngọn đồi.
Trong sự yên lặng, chúng ta học làm nên những khác biệt. Những ai muốn trốn chạy khỏi yên lặng, sẽ trốn chạy khỏi sự khác biệt. Họ không muốn nhìn thấy quá rõ. Họ thích rối rắm hơn.”
THOMAS MERTON
Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn tiếp theo của Harari cho báo Đức Handelsblatt Global, trong đó ông trình bày một số suy nghĩ của mình về chính trị, công nghệ, và một lần nữa, ý nghĩa của việc hành thiền của ông, để đáp lại những câu hỏi tò mò của chủ biên Gabor Steingart. Hành thiền là câu chuyện của tác giả đã được công bố trước đây trên mạng Rosetta Việt Nam. (Xem Thiền và nhà khoa học)
Những dòng trích dẫn trên của Thomas Merton có thể giúp ta hiểu hơn ý nghĩa của việc hành thiền của Harari. Merton là một tu sĩ và nhà thần bí (mystic) Mỹ Dòng O.C.S.O (Dòng Xitô Khổ Tu, Trappists) của những người Công giáo tu kín trong các tu viện theo cách hành đạo của Thánh Bênêđictô (thế kỷ thứ 5 – 6 sau C.N.). Merton là một trong bốn nhân vật nổi tiếng của Mỹ (bên cạnh Abraham Lincoln, Martin Luther King Jr. và Dorothy Day) mà Đức Giáo Hoàng Francis trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 đã nhắc tới để tôn vinh trước công luận.
Quả thật, chúng ta đang sống trong thời đại thai nghén những biến đổi ghê gớm với nhiều hệ quả tốt cũng như xấu khôn lường cho thế giới và cho Việt Nam. Nhìn lại Việt Nam, chúng ta dường như còn lâu mới chuẩn bị tốt để thực sự đối phó với những chấn động toàn cầu sắp tới. Nền kinh tế của chúng ta là rất dễ tổn thương. Căn nhà chúng ta xây chỉ có hồ, mà không có bê tông cốt thép, nên không thể chắc được. Chúng ta chỉ lặp đi lặp lại chung chung “nhiều thời cơ và thách thức”, nhưng rõ ràng vẫn chưa có đối sách quyết liệt để phát triển và đối phó, chưa hiểu sự vận hành của cuộc chơi toàn cầu, chưa hiểu cái gì đã gây nên sự biến đổi ghê gớm trong quá khứ và hiện tại, bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp Anh thế kỷ 18 − mà quyền lực của nó đã làm chúng ta thương tổn nặng nề − rồi sau đó cách mạng công nghiệp thế giới tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trong thế kỷ 19-20, rồi cách mạng công nghiệp toàn cầu sau Thế chiến II. Và đến nay, ngày lại qua ngày, về căn bản chúng ta “vũ như cẫn”, trong khi thế giới xung quanh, đã và đang bỏ chúng ta ngày càng xa chứ không phải gần lại. Tình hình giống như chúng ta đi xe đạp, trong khi những tay đua khác đi xe gắn máy phân khối lớn. Chúng ta chỉ mải lo cải thiện chiếc xe đạp, nhưng không nghĩ làm sao để tạo ra chiếc xe gắn máy. Như Edison nói: Nếu chúng ta chỉ lo cải thiện chiếc đèn dầu thì chẳng bao giờ chúng ta có đèn điện cả. Đó là tình hình đáng lo của chúng ta. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần lượt qua đi, chúng ta vẫn tay trắng. Chúng ta vẫn dễ bị tổn thương, như 150 năm trước. Làm gì, đó phải là câu hỏi của cả dân tộc hiện nay, nhất là của giới tinh hoa.
NXX
Trong cuộc tìm kiếm sự hoàn hảo không bao giờ chấm dứt, loài người về bản chất là những thuật toán đang cố gắng nâng cấp bản thân mình thành bất tử. Nhưng nếu đạt được sự hoàn hảo đó, chúng ta sẽ đánh mất tính người của chúng ta. Đó là luận điểm của “Homo Deus: Lược sử ngày mai”, quyển sách mới nhất của Noah Harari đã được bán hết ba triệu bản và đoạt giải Sách Kinh doanh năm 2017 của Handelsblatt, Goldman Sachs và Hội chợ sách Frankfurt.
Quyển sách trước đó của Harari, “Sapiens: Lược sử loài người”, đã được bán hết sáu triệu bản trên toàn thế giới. Là một giáo sư tại Đại học Hebrew, Jerusalem, Harari ăn chay thuần và hành thiền, việc đã giúp ông tách mình ra khỏi thế giới hiện đại và hiểu rõ hơn bản chất của thời đại chúng ta. Trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại với Gabor Steingart, chủ bút tờ Handelsblatt Global, ông đã suy nghĩ về chính trị trong thời kỳ hiện đại.
Handelsblatt: Ông đang ở đâu?
Yuval Noah Harari: Tôi đang ở Ấn Độ trong một khóa tu thiền hai tháng mà tôi thực hiện mỗi năm. Không email, không máy tính, không điện thoại, thậm chí cả sách cũng không. Không trò chuyện, chỉ cố gắng quan sát thực tế của hiện tại, cái gì đang xảy ra trong thân thể tôi, cái gì đang xảy ra trong tâm trí tôi. Một số người nghĩ thiền là một sự trốn chạy khỏi thực tại, nhưng đối với tôi, đó là một cơ hội để tiếp xúc lại với thực tại một cách đích thực. Và là một nhà sử học, việc hiểu được tâm thức con người là quan trọng đối với tôi, vì đó thực sự là động cơ của lịch sử. Những ham muốn, đam mê, giận dữ và sợ hãi của chúng ta chính là những thứ quyết định sự phát triển của lịch sử loài người.
Ông có nghĩ rằng một tác giả giỏi trước hết nên ngồi xuống trong sự tĩnh lặng của những ý nghĩ của riêng anh ta?
Tôi không đến một khóa tu thiền để suy nghĩ về việc viết sách hoặc để làm nghiên cứu. Tôi thực sự cố gắng để hiểu thực tại của chân lý (the realities of the truth) về chính mình. Nhưng đôi khi, các quyển sách ra đời từ đó. Tuy thế, đây không phải là một lời hứa. Điều đó không xảy ra với tất cả mọi người khi họ đến một khóa tu thiền. Nhưng rõ ràng, nếu không có việc hành thiền Vipassana – một pháp thiền tôi đã theo trong 17 năm – tôi đã không thể viết “Sapiens” và “Homo Deus.” Đặc biệt bởi vì bạn cần rất nhiều sự tập trung để viết về những đề tài rộng như vậy. Tôi muốn nói rằng, làm sao để không bị phân tâm, làm sao để thực sự tập trung vào những điều quan trọng nhất. Và một trong những lợi ích mà tôi nhận được từ việc hành thiền thực sự là khả năng tập trung.
Vậy, thiền là khởi đầu của việc nghiên cứu.
Thiền đem lại cho bạn thời gian và không gian cho chính sự quan sát. Chúng ta rất thường vội vã buông ra phán xét, có những hành động và mong muốn đạt đến kết luận. Và cũng rất thường, nếu bạn dành thời gian để ngồi xuống, không vội vã đòi hỏi kết luận – mà hãy quan sát, giữ cho tâm trí rộng mở – xem những gì xảy ra, khi ấy những điều đáng ngạc nhiên và sáng tạo sẽ nảy sinh ra từ đó. Bởi vì, nếu bạn không dành cho mình thời gian, bạn thường chỉ phát ngôn hoặc thực hiện những công việc bình thường. Khi bạn không cho bản thân cơ hội, bạn chỉ đơn thuần lặp lại những khuôn mẫu như nhau. Thật cực kỳ khó khăn để “giải phóng” tâm trí con người khỏi những khuôn mẫu cũ.
Đặt tương lai thế giới vào một cuốn sách là một thành tựu lớn. Ông sẽ mô tả tinh thần chung của cuốn sách như thế nào?
Tôi cố gắng viết một cách không thiên kiến, không sợ những ý tưởng hóc búa, nhưng cũng với một văn phong nhẹ nhàng. Tôi không muốn đầu hàng trước ý tưởng rằng tất cả chúng ta đang tiến về sự hủy diệt. Khi nhìn vào lịch sử, tôi thấy mỗi cuộc cách mạng, mỗi cuộc thay đổi lớn luôn luôn có hai mặt. Có rất ít những cuộc cách mạng hay những tiến trình trong lịch sử hoàn toàn xấu hoặc hoàn toàn tốt.
Mỗi công nghệ, mỗi sự thay đổi đều tiềm tàng trong nó mặt rất tích cực và mặt rất tiêu cực. Nếu bạn nhìn lại thế kỷ 20 và cuộc cách mạng công nghiệp, tất cả những phát minh lớn về điện, radio, xe hơi, tàu hỏa, một số người có thể tận dụng điều này và xây dựng nền chuyên chính vô sản hoặc chế độ phát-xít, hoặc nền dân chủ tự do. Công nghệ tự nó không nói cho bạn biết phải làm gì với nó. Nếu bạn nhìn vào Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay, cả hai tiếp cận công nghệ hoàn toàn như nhau. Sự khác biệt giữa Bình Nhưỡng và Seoul không phải ở công nghệ, mà ở chỗ con người làm gì với công nghệ. Tương tự với những phát minh lớn của thế kỷ 21: Công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo không có tính đối kháng với xã hội. Tôi nghĩ rằng loài người đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc, cũng như, chúng ta có những ví dụ về lực cản to lớn của sự ngu dốt của con người.
Chẳng hạn như, chủ nghĩa dân tộc ở Đức.
Chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp sự ngu dốt của con người. Nhưng chúng ta cũng không nên đánh giá thấp sự khôn ngoan của con người. Năm mươi năm trước đây, vào đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, người ta tin rằng thế giới sẽ kết thúc trong thảm họa hạt nhân. Nhưng điều này đã không xảy ra. Loài người đủ khôn ngoan để chấm dứt Chiến tranh lạnh một cách tương đối hòa bình. Vậy, chúng ta có thể lặp lại điều này lần nữa.
Chúng ta triển khai công nghệ mới rất nhanh chóng vào cuộc sống của chúng ta. Nên chăng có nhiều cuộc thảo luận chính trị hơn về điều này?
Vâng. Hệ thống chính trị ở phần lớn thế giới đã đổ vỡ, không thể đưa ra những tầm nhìn có ý nghĩa cho tương lai. Ngoài việc quản lý đất nước ngày-qua-ngày, hệ thống chính trị cần phải nhìn vào tương lai 20, 30 năm sau và đưa ra một tầm nhìn hướng về nơi chúng ta muốn đến, rồi cố gắng thực hiện tầm nhìn này. Trong thế kỷ 20, người ta đã có những tầm nhìn lớn cho số phận của nhân loại − không phải tất cả trong số đó đều tốt − nhưng chắc chắn, chúng chứa đầy hoài bão. Người ta đã có tầm nhìn cộng sản, tầm nhìn phát-xít và tầm nhìn tự do; chính trị là một chiến trường giữa những tầm nhìn lớn về tương lai.
Bởi vì chúng ta trượt chân từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác và các chính trị gia phải ra sức chiến đấu chỉ để xoay xở ngày qua ngày.
Tầm nhìn là những thứ có tính hoài niệm, như “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump. Nơi duy nhất bạn có được tầm nhìn có ý nghĩa về tương lai là trong khu vực tư nhân, từ những con người ở những nơi như thung lũng Silicon. Và theo tôi, thật là một điều tốt khi những người như Elon Musk và Mark Zuckerberg tư duy nghiêm túc về những gì công nghệ sẽ làm cho tương lai của nhân loại. Nhưng thật tệ hại khi hầu như không chính trị gia nào quan tâm đến những vấn đề này, mặc dù trí thông minh nhân tạo và công nghệ sinh học sẽ thay đổi thế giới thậm chí nhiều hơn động cơ hơi nước, tàu hỏa và radio.
Bây giờ các chính phủ ở Đức và Mỹ đang cố gắng giành lại sự kiểm soát
Gần như đã quá muộn. Ngày nay, câu hỏi chính trị lớn nhất trên thế giới là “ai sở hữu dữ liệu?” Và nó không phải là vấn đề quan trọng lắm trong công việc chính trị của hầu hết các quốc gia. Tôi muốn nói rằng, nếu bạn nghĩ lại về thời Trung Cổ một nghìn năm trước đây, câu hỏi số 1 về chính trị khi đó là “ai sở hữu đất đai?” Nếu quá nhiều đất đai thuộc sở hữu của quá ít người, bạn có một xã hội mang nặng tính thứ bậc của giai cấp quý tộc, nông dân và thường dân. Kế đến, bạn đã có cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản về việc ai sở hữu các nhà máy. Nếu quá nhiều nhà máy thuộc sở hữu của quá ít người, bạn sẽ có một xã hội rất bất bình đẳng. Bây giờ tài sản số 1 là dữ liệu và càng ngày càng nhiều dữ liệu bị độc chiếm bởi một tỉ lệ nhỏ của nhân loại, bởi một số ít các công ty và chính phủ.
Ông đang tập trung vào việc con người sẽ trở nên ra sao với máy móc, phần mềm và công nghệ
Chúng ta đang trải qua sự hợp lưu của hai cuộc cách mạng khoa học vô cùng lớn: thứ nhất – trong sinh học và thứ hai – trong khoa học máy tính. Và khi bạn kết hợp hai cuộc cách mạng này lại với nhau, khi công nghệ sinh học và công nghệ thông tin hợp nhất, hệ quả mà bạn nhận được sẽ là năng lực thiết kế cuộc sống, kiểm soát cuộc sống. Trong quá khứ, loài người giành được quyền kiểm soát thế giới bên ngoài chúng ta. Chúng ta có quyền lực để kiểm soát sông ngòi, núi rừng và muông thú, nhưng chúng ta có rất ít sự kiểm soát đối với thế giới bên trong chúng ta.
Sản phẩm chính của nền kinh tế trong thế kỷ 21 sẽ không phải là hàng dệt may, vũ khí và xe cộ mà là cơ thể, bộ não và trí tuệ. Chúng ta đang học cách thiết kế và chế tạo chúng. Chúng ta sẽ thấy con người điều khiển và thay đổi cơ thể của họ và tạo ra những siêu nhân (superhumans). Chúng ta sẽ tạo ra những sinh vật nửa người nửa máy (cyborgs), một phần hữu cơ và một phần vô cơ. Chúng ta sẽ bắt đầu thấy nhiều thực thể vô cơ hơn, như trí tuệ nhân tạo. Đây là cuộc cách mạng lớn nhất trong sinh học kể từ khi sự sống bắt đầu. Trong bốn tỷ năm, tất cả sự sống đều được giới hạn trong thế giới hữu cơ và tất cả sự sống được tiến hóa theo chọn lọc tự nhiên. Bây giờ, chúng ta đang thoát ra khỏi thế giới hữu cơ và đi vào thế giới vô cơ. Chúng ta đang bắt đầu tạo ra các dạng sống vô cơ và chúng sẽ không tiến hóa theo chọn lọc tự nhiên. Chúng sẽ ngày càng phát triển theo thiết kế thông minh.
Liệu sẽ có công nghệ bên trong bộ não của chúng ta hay không?
Rất có thể. Có ba cách chính để điều này xảy ra. Cách thứ nhất là kỹ thuật sinh học − lấy bộ não và thay đổi nó với những thứ như kỹ thuật di truyền. Cách thứ hai, bạn có thể kết nối cơ thể hữu cơ với các thiết bị vô cơ, như cấy ghép não và các giao diện máy tính-não (brain-computer interfaces), và điều này tạo ra những sinh vật nửa người nửa máy (cyborgs). Và cách cực đoan nhất là tạo ra các hình thức sống vô cơ hoàn toàn, như trí tuệ nhân tạo.
Điều này chạm đến vấn đề đạo đức, luân lý và ngay cả tôn giáo. Có nên cho phép hay không?
Bạn không thể ngăn chặn tất cả các nghiên cứu về sinh học hoặc máy tính. Câu hỏi thực sự thú vị là: chúng ta muốn sử dụng nó cho mục đích nào? Những câu hỏi đã khiến các nhà triết học bận tâm trong hàng ngàn năm, nay đang trở thành những câu hỏi thực tiễn. Tất cả những cuộc tranh luận của Socrates và Khổng Tử trong quá khứ về tự do ý chí (free will) nay đang trở nên đầy ý nghĩa đối với các kỹ sư.
Có phải phong trào dân túy là một kiểu phản ứng đối với một thế giới đã thay đổi một cách quá đột ngột?
Chắc chắn. Mọi người mong muốn sự ổn định. Họ muốn có một cái nhìn rõ ràng về nơi họ đang đi tới. Nếu hệ thống chính trị không thể đưa ra cái nhìn này và công nghệ đang thay đổi quá nhanh, mọi người sẽ cố gắng tìm sự ổn định bằng cách quay về những bản sắc được cho là vĩnh cửu và thuộc về dân tộc. Điều này rất nguy hiểm. Không phải vì bản thân tôn giáo hay chủ nghĩa dân tộc có gì sai trái − tôi nghĩ, trên nhiều phương diện, tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc đã đem đến những điều tốt đẹp cho lịch sử nhân loại − mà vì, tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc không có câu trả lời cho những câu hỏi của thế kỷ 21.
Có ai đó gần giống với ý tưởng của ông về một chính trị gia hiện đại?
Có lẽ Trung Quốc là nơi duy nhất trên thế giới mà bạn thấy các chính trị gia thực sự xem những điều này là nghiêm túc với một quan điểm lâu dài. Họ có được sự xa xỉ để suy nghĩ về những vấn đề này mà không phải lo lắng nhiều về vòng bầu cử sắp tới.
Chắc chắn tôi không nói rằng hệ thống này không có vấn đề, và chắc chắn tôi không quảng bá sự cai trị chuyên chế kiểu Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới. Nó có nhiều vấn đề. Nhưng có gì đó đã đổ vỡ trong hệ thống dân chủ, hệ thống đã vận hành trôi chảy một cách đáng ngạc nhiên trong nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 trong sự cạnh tranh với những thể chế khác. Nhưng, cũng như tất cả những điều tốt đẹp khác, khi bạn bắt đầu xem nó là đương nhiên, thì nó trở thành bảo thủ. Hệ thống đã không còn thích ứng nữa. Tôi không nói rằng chúng ta nên ngừng tin tưởng vào nền dân chủ tự do – nó là hệ thống tốt nhất trong lịch sử cho đến nay – nhưng nó cần thích ứng. Nếu nó không thích ứng, nó sẽ sụp đổ.
ĐTTT
Tháng 11, 2017
Nguồn: Yuval Harari: Tương lai cần một sự nâng cấp, Rosetta.Vn, 10 Tháng Mười Một, 2017.
Chú thích:
[*] Gabor Steingart là chủ bút của tờ Handelsblatt and Handelsblatt Global (online) của CHLB Đức. Bản tiếng Anh của bài: https://global.handelsblatt.com/politics/the-future-needs-an-upgrade-842763↩