16.8.19

Tại sao chính phủ Trung Quốc cần thuê côn đồ để kiểm soát xã hội?


TẠI SAO CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC CẦN THUÊ CÔN ĐỒ ĐỂ KIỂM SOÁT XÃ HỘI?
Trong thời gian diễn ra Phong trào chiếm đóng ở Hồng Kông năm 2014, người biểu tình đã bị những côn đồ không bị nhận diện từ tỉnh lân cận Quảng Đông ở Trung Quốc đánh đập. Năm 2012, chính quyền địa phương đã thuê rất nhiều côn đồ để tiến hành giam lỏng nhà hoạt động khiếm thị Chen Guangcheng, nhằm cách ly ông với công chúng[*]. Chính quyền địa phương cũng làm việc với giới trung gian chuyên nghiệp để thuyết phục những công dân bất mãn từ bỏ các hoạt động phản kháng chống lại nhà nước, và tuyển dụng lực lượng an ninh tư nhân ngăn chặn những người yêu sách đến Bắc Kinh.
Ông Cheng Guangcheng. Ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Vì sao chính phủ Trung Quốc – từng được biết đến với các chiến thuật mạnh tay – lại cần hoặc muốn sử dụng các chủ thể phi nhà nước để thực thi việc cưỡng chế và kiểm soát xã hội? Về mặt này, tôi cho rằng chính phủ tìm cách triển khai các chủ thể phi nhà nước để thực thi việc cưỡng chế hoặc kiểm soát xã hội vì nhiều lý do, chẳng hạn như giảm thiểu chi phí đàn áp và trốn tránh trách nhiệm của mình. Các chủ thể phi nhà nước này bao gồm bọn “côn đồ đâm thuê chém mướn”, cho đến giới môi giới kiếm lời và kể cả các doanh nghiệp thương mại.
‘Côn đồ đâm thuê chém mướn’
Chính phủ có nhiều khả năng sử dụng bọn “côn đồ đâm thuê chém mướn” để thực thi những hành động bất hợp pháp hoặc những chính sách không hợp lòng dân, chẳng hạn như thu tiền bảo kê bất hợp pháp , đuổi nông dân và chủ nhà khỏi đất đai nhà cửa của họ, hoặc đe dọa những người yêu sách và bất đồng chính kiến. Bản chất bên thứ ba của các chủ thể đó giúp họ trục lợi khi triển khai các chính sách bất hợp pháp và không hợp lòng dân, trong khi những chủ thể chính thức mặc đồng phục, chẳng hạn như cảnh sát, thì không thể sử dụng mà không làm tổn hại đến tính chính danh của nhà nước.
Chính phủ cũng có nhiều khả năng thuê côn đồ để tránh trách nhiệm giải trình về hành động của chính mình. Thường thì đây là việc sử dụng bạo lực bất hợp pháp để trấn áp công dân. Trong trường hợp chính phủ không muốn bị coi là sử dụng vũ lực bất hợp pháp, thì họ có nhiều khả năng thuê bên thứ ba sử dụng bạo lực. Danh tính không rõ ràng của bọn côn đồ cho phép chính phủ duy trì mối quan hệ cánh tay nối dài với chúng và hành vi bạo lực mà chúng thực hiện.
Ảnh: Rob-Shanghai/Flickr.
Ở Trung Quốc, bọn côn đồ có nhiều khả năng được thuê để đuổi nông dân và chủ nhà ra khỏi đất đai nhà cửa của mình, và đe dọa những người chống đối và bất đồng chính kiến ​​từ bỏ hành động chống lại nhà nước. Do những hành động này của nhà nước là không hợp lòng dân, nếu không muốn nói là hoàn toàn trái luật, nên các chính quyền địa phương rất miễn cưỡng triển khai lực lượng cưỡng chế chính thức để thực hiện công việc. Bọn côn đồ, được thuê trên cơ sở từng trường hợp một, cũng giúp những chính quyền địa phương yếu về năng lực thu thuế và cưỡng chế để triển khai các chính sách do trung ương giao thực hiện, chẳng hạn như thu hồi đất, phá dỡ nhà cửa và duy trì sự ổn định xã hội bằng cách giảm thiểu tình trạng bất đồng chính kiến. Bọn “côn đồ đâm thuê chém mướn” có thể được coi là người làm việc theo hợp đồng, người có thể được thuê và chấm dứt hợp đồng một cách dễ dàng, không giống như lực lượng lao động chính thức trong biên chế chính phủ (bianzhi), những người được hưởng rất nhiều phụ cấp lao động.

Vấn đề đại diện

Thế nhưng, việc thuê mướn côn đồ sử dụng bạo lực thường phát sinh vấn đề đại diện. Chính phủ không thể kiểm soát chặt hành động của đám côn đồ này. Khi bọn chúng được gửi đến để đe dọa cư dân và phá dỡ nhà cửa, thì chúng thường sử dụng bạo lực quá mức, có thể dẫn đến thương vong. Khi chính quyền địa phương thuê lực lượng an ninh tư nhân để ngăn chặn những người yêu sách, thì các lực lượng này thường lạm dụng quyền lực chống lại những công dân dễ bị tổn thương đi tìm sự giúp đỡ. Khi chính quyền thành thị sử dụng những cán bộ quản lý [chengguan] yếu kém, một số cán bộ đó là những tên vô lại địa phương, thì việc sử dụng bạo lực chống lại người bán hàng rong không có giấy phép trở nên tràn lan. Cho dù các biện pháp cưỡng chế này có hiệu quả và hiệu dụng đến mấy thì việc sử dụng bạo lực quá mức dựa vào côn đồ thường được dùng để thu hút người ủng hộ, và đến lượt nó điều này sẽ huy động sự hỗ trợ cần thiết để phản kháng lại, thay vì làm nản lòng người chống đối.
Ảnh: Petr Suda, qua Facebook.
Những kẻ bạo lực có thể bắt đầu làm việc như là đám “đâm thuê chém mướn” theo các dự án của chính phủ cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng có thể phát triển thành các nhóm mafia điều hành các hoạt động tệ nạn, chẳng hạn như các băng đảng cờ bạc và mại dâm. Một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã dựa quá nhiều vào các nhóm mafia địa phương đến nỗi chính quyền lực của chính quyền đã bị chiếm đoạt. Dù rất khó ước tính quy mô hay mức độ của vấn đề này, nhưng chúng tôi biết chắc rằng mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với các nhóm mafia địa phương đã đến mức đủ nghiêm trọng khiến cho chính quyền của Tập Cận Bình phát động một chiến dịch lớn chống lại bọn tội phạm có tổ chức tại địa phương.
Trung Quốc không phải là nước duy nhất thuê mướn bọn bạo lực làm công việc bẩn thỉu. Chính phủ Hoa Kỳ đã đổ lỗi cho công ty an ninh Blackwater về việc hành hạ tù nhân ở Abu Ghraib. Trong các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập, chế độ Mubarak và Assad cũng đã huy động côn đồ – băng đảng “Baltagiya” ở Ai Cập và “Shahiba” ở Syria – để tấn công bạo lực những người biểu tình ủng hộ nền dân chủ.
Huangniu (Hoàng ngưu)
Trong nghiên cứu của tôi về việc phá dỡ nhà cửa (fangwu zhengshou), tôi viết về cách thức nhà nước Trung Quốc làm việc với giới trung gian kiếm lời, những người có thể giúp tạo lập niềm tin giữa các quan chức và công dân để giải quyết xung đột. Giới môi giới tổ chức những cuộc họp giữa nhà nước và các công dân bất mãn, để tạo điều kiện cho hai bên (nhà nước-xã hội) thương lượng, điều mà nếu không có họ sẽ không xảy ra. Các cuộc thương lượng này có thể dẫn đến những khoản chi hoặc hối lộ, giúp giải quyết tình trạng bế tắc kéo dài, có thể lan rộng thành các cuộc biểu tình xuống đường.
Đại Liên, Trung Quốc. Ảnh: Wikicommons.
Trong các dự án giải toả nhà cửa tại các thành phố của Trung Quốc, chính quyền thành phố và địa phương không chỉ đối mặt với thời hạn chặt chẽ mà còn phải chịu áp lực mạnh trong việc kiềm chế sự bất đồng trong xã hội. Hai mục tiêu ưu tiên này thường có thể xung đột với nhau về bản chất. Khi đã thiết lập ngày giải toả nhà, tất cả các hộ gia đình trong khu vực chỉ định phải di dời theo thời hạn đã thỏa thuận. Việc một hoặc hai hộ gia đình không tuân thủ có khả năng gây nguy đến toàn bộ dự án, đòi hỏi cần có những chiến thuật nghiêm khắc từ phía chính quyền địa phương và các nhà phát triển bất động sản. Tuy nhiên, cùng lúc đó, việc ngăn chặn và trấn áp sự phản đối của những cư dân bất mãn bị đẩy ra khỏi nhà cũng là một ưu tiên của chính quyền thành phố và địa phương.
Chính quyền địa phương có ít lựa chọn để đối phó với thế lưỡng nan này. Mặc dù việc sử dụng bạo lực, chẳng hạn như thuê côn đồ, thường là phương tiện hiệu quả nhất để đuổi cư dân, nhưng các quan chức địa phương ngày càng miễn cưỡng trong việc triển khai lực lượng cưỡng chế chống lại các hộ gia đình ngoan cố ở thành thị. Sự quan tâm ngày càng tăng của giới truyền thông và trình độ học vấn cao của cư dân thành thị đã làm tăng nhận thức về các quyền [công dân], đặc biệt tại các thành phố lớn trên cả nước. Khi nhà nước bị hạn chế sử dụng bạo lực nhưng phải đối mặt với áp lực mạnh để hoàn thành dự án đúng hạn, thì việc thương lượng với công dân là điều dễ được chấp nhận. Vì thế, yêu cầu có những nhà môi giới có khả năng trong việc tạo điều kiện cho một thỏa thuận đã tăng lên.
Thành phố Lüshun, Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Wikicommons.
Giới môi giới này được gọi là “huangniu, trong tiếng Trung Quốc – một thuật ngữ nói chung có nghĩa xấu là “gia súc”, nhưng được dùng để mô tả giới trung gian, những người cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ được săn lùng với giá cao hơn giá trị thị trường. Trong trường hợp giải toả nhà cửa, giới môi giới này thường được những công dân bất mãn thuê để thương lượng với nhà nước nhằm có được một thỏa thuận tốt hơn. Nói chung, các quan chức nhà nước sẵn sàng làm việc với các huangniu để tiến tới thỏa thuận với xã hội. Vai trò trung gian của giới chuyên nghiệp này được thừa nhận do họ tạo được sự tin tưởng của người dân lẫn các quan chức địa phương. Các khoản thanh toán phân bổ cho các nỗ lực làm trung gian, dưới hình thức phi tài chính hoặc đơn vị căn hộ, sau đó được chia chác giữa khách hàng-công dân và huangniu.
Hàng hóa hóa cuộc thương lượng nhà nước-xã hội
Giới môi giới kiếm lời này tượng trưng cho sự hàng hóa hóa cuộc thương lượng nhà nước-xã hội, bằng cách làm cho cầu của các công dân bất mãn ứng với cung những ưu đãi đặc biệt của các quan chức nhà nước. Khi làm vậy, đảm bảo sẽ có một thỏa thuận thương mại – và trái luật về mặt chuyên môn – liên quan đến một mức bồi thường cao hơn mức cho phép trong một chính sách chính thức, hoặc những gì mà các công dân khác, ở vị thế tương tự, được hưởng mà không cầu viện đến một bên trung gian.
Giới môi giới, những người thông đồng với các tay trong trong giới chức chính quyền, giúp khách hàng được đối xử một cách thuận lợi. Trong thực tế, ngoài dịch vụ giúp giải toả nhà cửa, người ta cũng chi hối lộ cho giới trung gian thối nát, trong việc cấp giấy phép lái xe, mà nếu không có lót tay phải mất mấy vòng sát hạch mới có được bằng. Người vi phạm giao thông thường trả cho một huangniu có liên hệ với cơ quan giao thông để xóa hồ sơ vi phạm giao thông của mình. Tương tự, khách hàng của các huangniu còn là các tài xế xe tải để được miễn đăng kiểm xe cơ giới, các công ty cần đăng ký kinh doanh nhưng không đủ yêu cầu, và những người nộp thuế muốn trả thuế thấp hơn. Những ví dụ này, và nhiều hơn nữa, làm nổi bật tác động rộng lớn của các giao dịch trung gian trái luật – việc lạm dụng trên diện rộng quyền lực nhà nước được ban cho các quan chức chính phủ.
Ảnh: Free Images/Flickr.
Giới môi giới thối nát ở vị thế duy nhất có thể tổ chức cho nhà nước và công dân gặp nhau, cả hai bên không có khả năng đạt được thoả thuận giải toả nhà. Một mặt, họ có mối liên hệ mật thiết với các quan chức chính phủ khiến họ có được những thông tin nội bộ về các chính sách của chính phủ hoặc các quyết định của các quan chức địa phương mà công dân không biết được. Mặt khác, họ có khả năng tạo lập niềm tin của khách hàng, hoặc vì họ là một phần trong mạng lưới hoặc vì họ công khai cho biết các mối liên hệ chặt chẽ với các quan chức chính phủ. Các huangniu hứa hẹn với khách hàng mức bồi thường cao hơn so với mức theo chính sách chính thức và, thường, thì họ có khả năng làm được việc đó. Ngoài ra, các huangniu còn cung cấp những dịch vụ thiết yếu có liên quan để đảm bảo mức bồi thường cao hơn. Các dịch vụ đó bao gồm việc tạo giấy chứng nhận kết hôn và ly hôn giả, bằng chứng ma về việc mang thai, và những tài liệu tương tự khác để làm tăng số lượng thành viên trong gia đình được tái định cư. Các dịch vụ liên quan đó làm nổi bật tính trái luật của giao dịch và vai trò trung gian thối nát trong việc giải toả nhà cửa. Nhưng, họ cũng làm tăng quyền lợi của khách hàng để được mức bồi thường cao hơn.
Trường hợp của các huangniu trong việc giải toả nhà cửa làm nổi bật sự sẵn sàng và khả năng của Nhà nước tham gia cùng các tác nhân thị trường, những người có thể đổi lấy lợi nhuận để giúp nhà nước hoàn thành mục tiêu. Cùng với bọn “côn đồ đâm thuê chém mướn”, sự tồn tại của các loại trung gian này nhấn mạnh đến việc nhà nước Trung Quốc khéo léo sử dụng các chủ thể phi nhà nước hay các tác nhân thị trường để ngăn chặn, làm giảm và đàn áp các cuộc đấu tranh và chống đối xã hội, khi mà các chủ thể nhà nước không thể làm điều đó một cách hiệu quả hay chuyên nghiệp.
Bài viết này, ban đầu, được đăng trên tạp chí Made in China, Số 3, 2018.
Lynette H. Ong

Xem bài viết của cùng tác giả trên cùng chủ đề:
Bà cũng là tác giả của Prosper or Perish: Credit and Fiscal Systems in Rural China (Cornell University Press, 2012).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




Chú thích:

[1] Lynette H. Ong là nhà nghiên cứu chính trị học ở Đại học Toronto.

[*] Khi ra khỏi nhà tù năm 2010, Chen Guangchen bị giam lỏng trong ngôi nhà của ông ở Dongshigu thuộc tỉnh Quảng Đông. Vào tháng tư năm 2012, ông thoát ra được để tị nạn trong sứ quán Hoa Kì ở Bắc Kinh.

Print Friendly and PDF