3.9.20

Covid-19 hay chủ nghĩa kinh nghiệm ở mốc số không

COVID-19 HAY CHỦ NGHĨA KINH NGHIỆM Ở MỐC SỐ KHÔNG

Lorraine Daston[1]
Những con số lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 được thông báo dồn dập hàng ngày nhưng rất khó thiết lập những trị số trung bình ổn định. Thế là chúng ta bị đẩy lùi về thế kỷ XVII: chúng ta đang sống ở thời điểm mà chủ nghĩa kinh nghiệm ở mốc số không, thời điểm mà hầu như tất cả đều phải được phát minh, phát hiện, như trường hợp các thành viên của những hiệp hội khoa học đầu tiên - và tất cả mọi người khác - vào năm 1660. Và sự quan sát, người họ hàng nghèo nàn của thống kê và thí nghiệm, lại trở thành công cụ khoa học hàng đầu của chúng ta.
Lorraine Daston (1951-)

Tôi có thói quen thức dậy vào thế kỷ XVII. Với tư cách là người nghiên cứu những bước đầu của khoa học hiện đại, đó là nơi tôi trải qua phần lớn thời gian của tôi. Nhưng tôi lấy làm lạ là bỗng nhiên tất cả mọi người lại đồng hành cùng tôi. Không, tôi không nói về bệnh dịch hạch. Cũng may cho chúng ta là Covid-19 không gây chết người nhiều như những bệnh do vi khuẩn Yersinia pestis. Từ lúc nó xuất hiện ở Pise vào năm 1348 cho đến đại dịch cuối cùng ở Marseille vào năm 1720, vi khuẩn này đã giết chết ít nhất là 30% dân số châu Âu, và có lẽ cũng có số chết tương tự trên đường đi của nó từ Nam Á đến Trung Đông. Một tỷ lệ như vậy sẽ tương đương với 99 triệu người chết chỉ tính riêng cho nước Mỹ. Không có ai, kể cả những nhà dịch tễ học bi quan nhất nghĩ rằng Covid-19 sẽ lấy đi mạng sống của một phần ba dân số thế giới.
Tuy nhiên, ngoài sự xác nhận có phần trấn an này, chúng ta không có được sự đồng thuận về mức độ gây tử vong thực của virus; những tỷ lệ tử vong quan sát được ở những nơi mà hiện nay bệnh đã lan rộng dao động từ 12,7% ở Ý (30,25 ca tử vong tính cho 100.000 dân, thước đo này xác đáng hơn một khi việc tầm soát không đồng đều giữa các nước), đến 2,2% (3,14) ở Đức, mặc dù hai nước này có hệ thống y tế tương đương nhau (và tương đối tốt). Ở Mỹ, tỷ lệ tử vong quan sát được [vào ngày 10 tháng tư 2020] là 3,6% (5,04); ở Trung Quốc là 4% (0,24)[2]. Cách mà con virus này lây nhiễm cho con người tiếp tục biến đổi: tuổi tác, giới tính, thu nhập, chăm sóc y tế, xu hướng di truyền, tình trạng dinh dưỡng và nhiều tác nhân khác đều có vai trò. Nhưng trong số những mẫu lớn của hàng trăm ngàn bệnh nhân, thì những trị số trung bình phải xuất hiện và cùng hội tụ với nhau, ít nhất là đối với những nhóm dân cư có nhiều điểm tương đồng. Vậy thì tại sao những con số này phân tán khắp mọi hướng?

Đó là điều tôi muốn nói khi tôi thông báo rằng bỗng nhiên chúng ta bị đẩy lùi về thế kỷ XVII: chúng ta đang sống ở thời điểm mà chủ nghĩa kinh nghiệm ở mốc số không, thời điểm mà hầu như tất cả đều phải được phát minh, phát hiện, như trường hợp các thành viên của những hiệp hội khoa học đầu tiên - và tất cả mọi người khác - vào năm 1660. Vậy thì vấn đề là xác định một hiện tượng nhất định bao gồm điều gì (sức nóng hay sự phát quang, hay tại sao không phải là dịch hạch, tất cả những hiện tượng này có cùng một loại sự vật không?) làm sao nghiên cứu nó một cách tốt nhất (bằng cách sưu tập toàn bộ lịch sử tự nhiên? Đếm các trường hợp? Thực hiện các cuộc thí nghiệm? Và nếu như vậy thì bằng kiểu gì? Quan sát một cách triệt để? Nếu như vậy thì chính xác là cái gì và trong thời gian bao lâu?), lý do hiện tượng ấy đã xảy ra ở nơi chốn và vào thời điểm nó đã xảy ra, và nhất là làm gì với nó và về nó?
Vào thế kỷ XVII, không một câu hỏi căn bản nào nêu trên có câu trả lời đồng thuận, không phải chỉ vì thiếu kiến thức, bởi vì chúng ta sẽ mãi mãi thiếu kiến thức, và chính vì vậy mà việc nghiên cứu không có điểm kết thúc, nhưng vì không có một kịch bản được thiết lập sẵn về cách tiến hành để đạt được kiến thức. Tất nhiên, tôi có phóng đại sự tương đồng giữa quá khứ và hiện tại. Một phần lớn nhờ vào tài năng, trí thông minh và kiên trì của hàng ngàn hàng vạn nhà nghiên cứu từ thế kỷ XVII đến nay, chúng ta là những người kế thừa không những kiến thức (con virus là gì, nó làm gì và làm thế nào để chống lại nó), mà còn là một danh mục rộng lớn những phương tiện để đạt được tri thức, từ những thí nghiệm chặt chẽ đến sự quan sát có hệ thống (đã trên tiến trình hoàn thiện và tập hợp vào thế kỷ XVII) tới những mô phỏng trên máy tính, những thử nghiệm hóa học và phân tích thống kê.
Theo tôi hiểu, các nhà nghiên cứu không chỉ là các triết gia về thiên nhiên với bộ tóc xoăn giả hay các giáo sư với áo choàng trắng, mà còn là đông đảo các nhà nghiên cứu với cặp mắt tinh tường, họ có mặt ở khắp nơi, trên biển và trên những cánh đồng, trong thành phố và trong nhà bếp, để ghi chép những sự kiện và các mối tương quan: vỏ cây làm hạ sốt, sự tạo thành các đám mây là điềm báo một cơn giông; hòn đá xỉn màu sáng lên trong bóng tối với một luồng ánh sáng lạnh. Tất cả những người này đã góp phần viết nên kịch bản giúp chúng ta biết được làm thế nào để đạt được tri thức - một kịch bản dài, phức tạp và đã được rà soát, nó dẫn dắt những cố gắng của chúng ta hướng đến sự hiểu biết, trong nhiều thứ khác, về Covid-19 và những biểu hiện đa dạng của chúng vốn đang làm cho chúng ta lúng túng.
Tuy nhiên, trong những thời điểm của sự mới lạ triệt để, của sự bất định cũng triệt để do sự mới lạ sản sinh ra, như một con mực trở nên tối mờ trong khối mực do nó tạo thành, tạm thời chúng ta bị đưa về tình trạng của chủ nghĩa kinh nghiệm ở mốc số không. Những quan sát ngẫu nhiên, những mối tương quan giả định và những giai thoại mà trong giai đoạn bình thường hầu như không đáng để bàn tới, và lại càng ít được công bố trên các tạp chí có bình duyệt, nay lại làm sôi sục trên Internet những ức đoán phát ra từ các bác sĩ, những nhà virus học, dịch tễ học, vi sinh vật học và công chúng ngoại đạo quan tâm tới vấn đề này.
Có đúng là nam giới chết vì virus này nhiều hơn nữ giới, và nếu đúng như vậy thì ở những độ tuổi nào? Khác biệt giữa các tỷ lệ tử vong quan sát được là thật hay là một hiện tượng nhân tạo của số xét nghiệm được thực hiện ở các nước khác nhau với mục đích xác định số người bị nhiễm (mẫu số của phân số) và/hay là một hiện tượng nhân tạo của cách ghi chép nguyên nhân tử vong? Ví dụ, một số nước tính tử vong của tất cả những người được xét nghiệm dương tính với Covid-19 là do nguyên nhân nhiễm virus, mặc dù có thể có vai trò của những tác nhân khác (ví dụ như bệnh tiểu đường); một số nước khác có tính đến nguyên nhân chủ yếu hay nguyên nhân gần trong hệ thống phân loại của họ; hai hệ thống đều có những thuận lợi và bất lợi.
Ngoài đám sương mù của thống kê, ta cần thiết lập những sự kiện căn bản. Có phải bệnh lây truyền qua không khí (nếu như vậy thì mầm bệnh có thể tồn tại bao lâu trong không khí)? Môt vài loại thuốc kháng virus có góp phần giảm nhẹ các triệu chứng của những trường hợp bệnh nặng không, và giảm cho ai? Trong chừng mức nào máy trợ thở, ngay cả khi ta có sẵn, kéo dài sự sống của bệnh nhân đủ để minh chứng cho việc sử dụng máy? Covid-19 có gây ra những cơn đau tim không? Nhân viên y tế ở Vũ Hán, Hackensack (Một thành phố ở bang New Jersey - Mỹ - ND), Seoul, Luân Đôn, Bergamo và New York đã trao đổi sôi nổi trên Twitter những quan sát về các liệu pháp và những “trường hợp lạ lùng (một thuật ngữ rất đặc trưng của thế kỷ XVII).
Trong những thời điểm của bất định khoa học cực đoan, sự quan sát, mà trong lĩnh vực khoa học thường được xem là người họ hàng nghèo nàn của thí nghiệm và thống kê, lại rất có ý nghĩa. Những trường hợp riêng lẻ lý thú, những bất thường nổi bật, những mô hình lẻ tẻ, những tương quan còn quá yếu để đứng vững về mặt thống kê, điều gì có tác dụng và điều gì không đạt kết quả: mỗi ý nghĩa lâm sàng, và không chỉ là nhìn thấy, sẽ trở nên sắc bén trong việc tìm kiếm các chỉ báo. Rồi đến một lúc một vài chỉ báo này sẽ hướng dẫn thí nghiệm và thống kê: phải xét nghiệm cái gì, phải đếm cái gì. Những con số sẽ hội tụ lại với nhau, những nguyên nhân sẽ bộc lộ ra và sự bất định sẽ giảm xuống mức chấp nhận được. Nhưng hiện tại, chúng ta đang trở về thế kỷ XVII, thời kỳ mà chủ nghĩa kinh nghiệm ở mức số không, và chúng ta quan sát như thể là cuộc sống của chúng ta tùy thuộc vào nó.
Hélène Borraz dịch từ tiếng Anh
Lorraine Daston
Người dịch: Thái Thị Ngọc Ngọc Dư
Nguồn:Covid19 ou le degré zéro de l’empirisme”, AOC, 10.4.2020




Chú thích:

[1] Nhà sử học về các khoa học, đồng giám đốc Viện Max-Planck

Lorraine Daston, người Mỹ, là một nhà sử học về các khoa học. Được đào tạo tại Harvard và Cambridge, ngày nay bà là đồng giám đốc Viện Max-Plank về lịch sử các khoa học ở Berlin, thành viên chính thức của Viện Wissenschaftskolleg zu Berlin (Viện nghiên cứu liên ngành Berlin) và là giáo sư thỉnh giảng của Committee on Social Thought (Ủy ban Tư tưởng xã hội) của Đại học Chicago. Bà được xem là một nhà khoa học tiêu biểu về lịch sử khoa học và lịch sử trí thức của thời hiện đại. Năm 1993, bà được đề bạt làm thành viên của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật Mỹ.

Quyển sách mới nhất của bà có tựa đề Against Nature (MIT Press xuất bản, 2019). Bà thường xuyên có bài trên tạp chí Critical Inquiry mà bà là thành viên ban biên tập.

[2] Tất cả số liệu này có nguồn gốc từ Trung tâm Tài nguyên về coronavirus đại học Johns Hopskin (Johns Hopkins Coronavirus Resource Center)

Print Friendly and PDF