7.9.20

Khi Thomas Piketty từ chối nhượng bộ Tập Cận Bình + Đối mặt với các yêu cầu kiểm duyệt gỡ bỏ của một nhà xuất bản TQ, Piketty từ chối cho phát hành sách của ông + Tư bản và hệ tư tưởng, tác phẩm mới nhất của Thomas Piketty, bị kiểm duyệt ở Trung Quốc

KHI THOMAS PIKETTY TỪ CHỐI NHƯỢNG BỘ TẬP CẬN BÌNH

Nhà kinh tế học nổi tiếng Thomas Piketty, người đã cho ra mắt cuốn Capital et Idéologie [Tư bản và hệ tư tưởng] (Le Seuil, 2019) vào năm ngoái, thông báo “có nhiều khả năng cuốn sách này không được xuất bản ở Trung Quốc đại lục”, vì các nhà xuất bản Trung Quốc “muốn loại bỏ tất cả các tham chiếu về nước Trung Quốc đương đại, và đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng và thiếu minh bạch”. Thế nhưng, cuốn Capital au XXIe siècle [Tư bản vào thế kỷ XXI] được xuất bản vào năm 2013 ở Pháp đã được chính Tập Cận Bình ca ngợi. Điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian này? Và những đoạn văn nào đã làm cho cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc thức tỉnh?


Năm 2014, cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới của Thomas Piketty, Le Capital au XXIe siècle [Tư bản vào thế kỷ XXI], đã được xuất bản bằng tiếng Trung. Chúng tôi đã tìm thấy lời tựa chưa xuất bản của Thomas Piketty trong ấn bản tiếng Trung. Ta thấy là nhà kinh tế đã rất rõ ràng về sự gia tăng bất bình đẳng ở Trung Quốc:
·    Thoạt nhìn, Thomas Piketty viết, độc giả Trung Quốc có thể có ấn tượng rằng [cuốn sách này] không liên quan gì đến họ, thậm chí mối lo ngày càng tăng về sự bất bình đẳng ở phương Tây chỉ giới hạn ở các nước phát triển […], trong khi nhiệm vụ của Trung Quốc là thúc đẩy hết sức công cuộc phát triển kinh tế, và tiếp tục công cuộc đó với tốc độ hết mực kể từ những năm 1980-1990, để thay đổi hoàn cảnh nghèo khó của người dân Trung Quốc. Tôi e rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng.
·    Nhiều cuộc khảo sát do các trường đại học Trung Quốc tiến hành, trong thời gian gần đây, đã cho thấy tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ở nước này ngày càng nghiêm trọng. Theo ước tính, mức độ bất bình đẳng này vào những năm 1990 và đầu những năm 2000 ở mức tương đương với Thụy Điển; vào năm 2010, mức độ bất bình đẳng đó đã đến gần, thậm chí vượt qua mức độ bất bình đẳng của Mỹ. 
·    Hiện nay ở các nước phát triển, tư bản quốc gia hầu như hoàn toàn thuộc về tư nhân: ít nhất 90% trong tổng số […]. Từ quan điểm này, Trung Quốc là một ngoại lệ lớn, vì ngày nay tư bản công chiếm khoảng một nửa tư bản quốc gia (theo các ước tính chiếm từ một phần ba đến một nửa). […] Kể từ năm 2000, tỷ lệ tư bản tư nhân ở Trung Quốc đã tăng vọt, có thể đã vượt qua tỷ lệ tư bản công được ước tính như trên - các số liệu thống kê sẵn có hẳn là không đáng tin cậy. Ngoài ra, trong khi tư bản công chiếm ưu thế rõ rệt trong các lãnh vực giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng, thì sự việc lại ít rõ ràng hơn trong các lĩnh vực sản xuất và tài chính. Tư bản công - ít nhất dưới hình thức truyền thống là tư bản thuộc sở hữu nhà nước - không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả kinh tế, sự công bằng, và ngay cả sự chia sẻ quyền lực một cách dân chủ.
·    Một bộ phận lớn giới tinh hoa chính trị Trung Quốc không thấy lợi ích gì từ sự minh bạch của việc phân phối của cải, thuế lũy tiến hoặc Nhà nước pháp quyền. Và có vẻ như một bộ phận những người sẵn sàng từ bỏ đặc quyền để đóng góp vào phúc lợi công nghĩ rằng sự tiến bộ của thể chế dân chủ chính trị sẽ đe dọa sự thống nhất của một đất nước rộng lớn như vậy. Thế nhưng, nền dân chủ chính trị và nền dân chủ kinh tế không thể tách rời nhau”.
Điều này không ngăn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào tháng 11 năm 2015 trên tạp chí lý luận của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Qiushi (“đi tìm chân lý”), đã ca ngợi cuốn Capital au XXIe siècle [Tư bản vào thế kỷ XXI] là một tác phẩm, mà theo ông [Tập], thể hiện tính ưu việt của “chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc” so với chủ nghĩa tư bản phương Tây:
·    Năm ngoái, tác phẩm Le Capital au XXIe siècle [Tư bản vào thế kỷ XXI], của học giả người Pháp Thomas Piketty, đã dấy lên nhiều cuộc thảo luận trong cộng đồng học thuật quốc tế. Ông đã sử dụng các dữ liệu chi tiết để chứng minh mức độ bất bình đẳng ở Hoa Kỳ và ở các nước phương Tây khác đã đạt hoặc vượt mức độ bất bình đẳng cao nhất trong lịch sử. Ông cho rằng chủ nghĩa tư bản không được kiểm soát đã làm tăng gay gắt sự bất bình đẳng giàu nghèo và tình trạng đó còn tiếp tục xấu đi. Phân tích của ông chủ yếu được thực hiện trong lĩnh vực phân phối và không bao hàm các vấn đề cơ bản hơn về quyền sở hữu, nhưng những kết luận mà ông đã đưa ra đáng được xem xét một cách sâu sắc.
Trong tác phẩm mới của mình, Capital et Idéologie [Tư bản và hệ tư tưởng] (Seuil, 2019), Thomas Piketty lặp lại và làm rõ những phê phán của ông đối với sự gia tăng bất bình đẳng ở Trung Quốc. Dưới đây là những câu trong tác phẩm đã khiến các nhà kiểm duyệt của chế độ phải nhảy dựng:
·    Tình trạng bất bình đẳng. Trung Quốc ít bất bình đẳng hơn Hoa Kỳ một chút, và bất bình đẳng rõ rệt so với châu Âu, trong khi họ từng là quốc gia bình đẳng nhất trong ba khu vực-lục địa vào đầu những năm 1980. […] Điều này thể hiện rõ sự thất bại của chế độ.
·    Tình trạng thiếu minh bạch. Với tính không vững và lỗ hổng đáng kể [của] các nguồn, hoàn toàn có khả năng là chúng tôi đang đánh giá thấp mức độ lẫn diễn tiến của tình trạng bất bình đẳng.
·    Chế độ tài phiệt. Nhiều thành phần rộng rãi người dân Trung Quốc phẫn nộ trước sự trượt dài về hướng tài phiệt của đất nước. Một bộ phận giới trí thức bảo vệ các giải pháp dân chủ xã hội, trái ngược trực tiếp với các chính sách của chế độ, trong khi đã có nhiều giải pháp khác được phát triển kể từ vụ đàn áp Thiên An Môn (1989) dưới nhiều hình thức dấn thân mới để chống lại sự bất bình đẳng. […] Không có gì đảm bảo rằng chế độ Trung Quốc sẽ tránh được diễn tiến thói bòn rút theo kiểu Nga”.
·    Thâm hụt dân chủ. Dân chủ của hệ thống đảng phái [lãnh đạo độc đảng] và được đóng khung theo kiểu Trung Quốc còn lâu mới thể hiện được tính ưu việt của nó so với thể chế dân chủ bầu cử và nghị viện theo kiểu phương Tây, đặc biệt do sự thiếu minh bạch hiển nhiên của nó.
Tác phẩm Capital et Idéologie [Tư bản và hệ tư tưởng] lấy lại chủ đề bất bình đẳng và làm rõ những nhận xét của tác phẩm trước đó. Nhưng sự thống trị của chính quyền Trung Quốc lên xã hội cũng ngày càng gia tăng. Những gì mà Piketty đã có thể viết vào năm 2013, thì ngày nay không còn được phép xuất bản trên đất nước của Tập Cận Bình.
(Cảm ơn Victor Louzon và François Bougon về bản dịch.)
Tổng biên tập tạp chí Philosophie Magazine [Tạp chí Triết học], thạc sĩ và tiến sĩ về triết học, chuyên ngành hiện tượng học và triết học Nga. Ông đã xuất bản (Jérôme Millon, Dostoïevski. Le Roman du corps, Grenoble,2013), Dans la tête de Vladimir Poutine, Arles/Paris, (Solin/Actes Sud, 2015), (Stock, 2016) và Dans la tête de Marine Le Pen, (Actes Sud, 2017).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Quand Thomas Piketty refuse de céder à Xi Jinping, Philosophie Magazine, ngày 01/09/2020.
* * *

ĐỐI MẶT VỚI CÁC YÊU CẦU KIỂM DUYỆT GỠ BỎ CỦA MỘT NHÀ XUẤT BẢN TRUNG QUỐC, PIKETTY TỪ CHỐI CHO PHÁT HÀNH SÁCH CỦA MÌNH Ở TRUNG QUỐC

AFP
Nhà xuất bản Citic Press của Trung Quốc đã yêu cầu gỡ bỏ 24 đoạn văn. (Ảnh: Reuters)
“[...] Tôi sẽ chỉ chấp nhận một bản dịch đầy đủ mà không cắt bỏ bất cứ thứ gì”, nhà kinh tế người Pháp cho biết, theo đó Trung Quốc là nước duy nhất đưa ra những yêu cầu như vậy.
“Capitalisme et idéologie [Chủ nghĩa tư bản và hệ tư tưởng]”, cuốn sách của Thomas Piketty viết về sự bất bình đẳng gia tăng siêu nhanh trên thế giới, “chắc hẳn” cũng sẽ không ra mắt ở Trung Quốc, nhà kinh tế học người Pháp đã từ chối yêu cầu kiểm duyệt gỡ bỏ của Citic Press, nhà xuất bản Trung Quốc của ông, theo thông báo của ông với hãng thông tấn AFP vào hôm thứ Hai.
“Nói tóm lại, họ muốn xóa đi tất cả các tham chiếu về nước Trung Quốc đương đại, và đặc biệt là sự bất bình đẳng và sự thiếu minh bạch ở Trung Quốc. Tôi đã từ chối các điều kiện đó, và cho biết rằng tôi sẽ chỉ chấp nhận một bản dịch đầy đủ mà không cắt bỏ bất cứ thứ gì,” Thomas Piketty đã tuyên bố với AFP qua email.
Được coi như là “ngôi sao nhạc rock” về kinh tế học, giáo sư của Trường Kinh tế Paris đã ra mắt tập đại thành mới này ở nhà xuất bản Seuil vào tháng 9 năm 2019, sáu năm sau sự thành công của cuốn “Le Capital au XXIe siècle [Tư bản vào thế kỷ XXI]” trên toàn cầu (đã bán được hơn 2,5 triệu cuốn).
“Những nhà xuất bản Trung Quốc khác, có liên hệ với nhà xuất bản Pháp của tôi, đều cho biết họ cũng sẽ yêu cầu những cắt bỏ tương tự, vì vậy ở giai đoạn này, có nhiều khả năng là cuốn sách này sẽ không được xuất bản ở Trung Quốc đại lục”, ông nói thêm, xác nhận thông tin từ báo South China Morning Post.
“Nhà xuất bản Citic Press rất vinh dự được hợp tác với ông Piketty để xuất bản cuốn ‘Capital au XXIe siècle [Tư bản vào thế kỷ XXI]’ phiên bản tiếng Trung. Cả hai bên đều rất hài lòng về sự hợp tác đó. Chúng tôi vẫn đang đàm phán về bản quyền cuốn sách mới của ông Piketty”, theo tuyên bố của phát ngôn viên nhà xuất bản với AFP.
Một chương 12 khó nuốt
Tác phẩm đầu tiên nói trên đã bán được hàng trăm nghìn cuốn ở Trung Quốc, và thậm chí còn được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi, Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng kết quả nghiên cứu của ông về sự gia tăng mạnh bất bình đẳng ở Hoa Kỳ và ở Châu Âu như là một bằng chứng về tính ưu việt của mô hình Cộng sản Trung Quốc.
Nhưng trong chương 12 của cuốn “Capitalisme et idéologie [Chủ nghĩa tư bản và hệ tư tưởng]”, viết về “các xã hội cộng sản và hậu cộng sản”, nhà kinh tế học người Pháp, sau khi lưu ý “sự chệch hướng sang thể chế độc chính thiểu số và bòn rút” của Nga, đã công kích “sự thống trị của một thiểu số tài phiệt” của chế độ Trung Quốc, mà về mặt bất bình đẳng thu nhập, đã bắt kịp hoặc thậm chí vượt qua các nước phương Tây.
“Vào cuối những năm 2010, [...] Trung Quốc ít bất bình đẳng hơn Hoa Kỳ một chút, và bất bình đẳng hơn hẳn Châu Âu, trong khi họ là quốc gia bình đẳng nhất trong ba khu vực-lục địa vào đầu những năm 80”: câu này xuất hiện bên cạnh 24 đoạn văn mà nhà xuất bản Citic Press đã yêu cầu gỡ bỏ, lần đầu vào đầu tháng 6 trong bản tiếng Pháp, rồi vào đầu tháng 8 trong bản tiếng Anh.
Cũng còn thấy câu này: “sau một thời gian dài xóa bỏ chế độ tư hữu, họ [nước Nga] đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về các nhà tài phiệt mới và của cải ở hải ngoại, tức là những của cải được che đậy trong những cấu trúc thiếu minh bạch bên trong các thiên đường thuế. Nói một cách tổng quát hơn, chủ nghĩa hậu cộng sản, theo các biến thể của nó ở Nga, Trung Quốc và Đông Âu, đã trở thành đồng minh tốt nhất của siêu chủ nghĩa tư bản vào đầu thế kỷ 21”.
Ông Piketty nói tiếp, tuy không dự kiến một ấn bản tiếng Nga, nhưng Trung Quốc là nước duy nhất đưa ra những yêu cầu như vậy, mà theo ông “sự kiểm duyệt này minh họa sự kích động ngày càng tăng của chế độ Trung Quốc, và sự từ chối một cuộc tranh luận cởi mở về nhiều hệ thống kinh tế và chính trị khác nhau”.
“Thật đáng buồn khi ‘chủ nghĩa xã hội với màu sắc Trung Quốc’ của Tập Cận Bình đã né tránh sự đối thoại và phê phán”, mặc cho “quan điểm phê phán, nhưng mang tính xây dựng, của nhiều chế độ bất bình đẳng khác trên hành tinh và sự đạo đức giả của họ”, mà, theo lời khẳng định của nhà kinh tế học, ông đã chọn trong cuốn sách của mình, và quan điểm phê phán này không loại trừ Hoa Kỳ, châu Âu, Brazil, Ấn Độ hoặc Trung Đông. 
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
* * *

“TƯ BẢN VÀ HỆ TƯ TƯỞNG”, TÁC PHẨM MỚI NHẤT CỦA THOMAS PIKETTY, BỊ KIỂM DUYỆT Ở TRUNG QUỐC

Trong một cuộc trao đổi qua e-mail với báo “Le Monde”, tác giả lấy làm tiếc việc chế độ Trung Quốc “né tránh sự đối thoại và phê phán”.
Nhà kinh tế học Thomas Piketty ở thành phố Cannes, vào tháng 5 năm 2016. LOIC VENANCE / AFP
Mới gần đây người ta biết rằng Tập Cận Bình đã đánh giá cao tác phẩm trước đây của Thomas Piketty, Le Capital au XXIe siècle [Tư bản vào Thế kỷ XXI] (Seuil, 2013). Trong một bài viết được Qiushi, tạp chí xuất bản hai tháng một lần của ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng vào tháng 8, người ta thấy tin Tổng bí thư Đảng, vào năm 2015, trước bộ chính trị, đã chỉ ra rằng sự gia tăng bất bình đẳng ở phương Tây, được nhà kinh tế người Pháp chứng minh, đã chứng tỏ tính ưu việt của “chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc”. Cuốn sách này, kề từ đó, đã được dịch sang tiếng Trung và độc giả có thể tìm thấy nó ở các hiệu sách.
Tình hình không còn giống vậy nữa đối với cuốn sách tiếp theo: Capital and Ideology [Tư bản vào thế kỷ XXI], được Le Seuil xuất bản vào năm 2019. Nhà xuất bản Citic [của Trung Quốc] đã yêu cầu Thomas Piketty cắt bỏ hai mươi bốn đoạn. Nhà kinh tế đã từ chối và yêu cầu cuốn sách phải được xuất bản một cách nguyên vẹn. Như thế, cuốn tiểu luận này sẽ không được nhà xuất bản Citic, công ty con của một quỹ đầu tư công Trung Quốc, cũng như bất kỳ nhà xuất bản nào khác xuất bản, vì rõ ràng là không có nhà xuất bản nào được Đảng cấp phép xuất bản cuốn sách đó một cách nguyên vẹn.
Hẳn nhiên là [phần nói về] Trung Quốc chỉ chiếm có 35 trang trong tổng số 1.198 trang, nhưng tác giả đã không tiếc lời phê phán. Trích dẫn: “Thực tế là chủ nghĩa hậu cộng sản (theo biến thể của Nga cũng như theo phiên bản Trung Quốc, và trong chừng mực nào đó theo biến thể của Đông Âu, mặc dù ba quỹ đạo đó có nhiều khác biệt), vào đầu thế kỷ XXI này, đã trở thành đồng minh tốt nhất của siêu chủ nghĩa tư bản, là hậu quả trực tiếp của các thảm họa Stalin-nít và Mao-ít của chủ nghĩa cộng sản, và của sự từ bỏ mọi tham vọng theo chủ nghĩa quốc tế và bình đẳng như là hệ quả của các thảm hoạ này” (trang 22).
“Sự tiến hóa của thói bòn rút theo kiểu Nga”
Vào cuối những năm 2010, xét theo tỷ lệ thu nhập quốc dân của nhóm 10% người giàu nhất và của nhóm 50% người ở dưới cùng, Trung Quốc ít bất bình đẳng hơn Hoa Kỳ một chút, và bất bình đẳng rõ rệt so với châu Âu, trong khi họ là quốc gia bình đẳng nhất trong ba khu vực-lục địa vào đầu những năm 1980” (trang 718). “Vào đầu thế kỷ XXI, chúng ta thấy mình ở trong một tình huống hết sức nghịch lý: tỷ phú người châu Á nào muốn truyền lại tài sản của mình mà không phải trả bất kỳ khoản thuế thừa kế nào, thì nên đến Trung Cộng định cư” (tr. 723).
Và, cuối cùng, là kết luận dứt khoát này: “Chúng ta có thể thực sự nghi ngờ việc có thể điều tiết, một cách hiệu quả, tình trạng bất bình đẳng ở một quốc gia 1,3 tỷ dân chỉ đơn giản bằng các tố giác và bỏ tù, mà không có bất cứ một hình thức nào về khai báo và đánh thuế gia sản và tài sản thừa kế, một cách có hệ thống, và bằng cách ngăn cản các nhà báo, các công dân và các đoàn thể phát triển một năng lực độc lập để điều tra và tham gia, thậm chí còn giam giữ những người soi xét quá kỹ đến những của cải được người thân của giới cầm quyền tích lũy. Không có gì đảm bảo chế độ Trung Quốc sẽ tránh được sự diễn tiến của thói bòn rút theo kiểu Nga” (trang 726).
Trong một cuộc trao đổi qua e-mail với báo Le Monde, Thomas Piketty lấy làm tiếc việc chế độ Trung Quốc “né tránh sự đối thoại và phê phán”. Điều ngược lại ít ra sẽ gây ngạc nhiên hơn. Tuy nhiên, cuốn Capital and Ideology [Tư bản và hệ tư tưởng] sẽ được dịch sang chữ Hán phồn thể ở Đài Loan, cũng như sẽ được xuất bản ở Hồng Kông.
Frédéric Lemaître (phóng viên tại Bắc Kinh)
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF