2.9.20

Gabriel Zucman: “Điều mà Bernie Sanders và Elizabeth Warren đề xuất là đánh thuế những người siêu giàu”

GABRIEL ZUCMAN: “ĐIỀU MÀ BERNIE SANDERS VÀ ELIZABETH WARREN ĐỀ XUẤT LÀ ĐÁNH THUẾ NHỮNG NGƯỜI SIÊU GIÀU”
Cố vấn về các vấn đề thuế cho hai ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ cho vòng sơ bộ tranh cử tổng thống, nhà kinh tế 32 tuổi người Pháp, đồng tác giả với Emmanuel Saez, đã xuất bản cuốn sách “Le Triomphe de l'Injustice [Chiến thắng của sự bất công]”, sẽ ra mắt ở Pháp vào tháng Hai (Seuil). Ông trở lại chủ đề về tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng ở Hoa Kỳ và các giải pháp để giảm thiểu chúng.
Cuộc phỏng vấn do Corine Lesnes ghi lại • Đăng ngày 14 tháng 10 năm 2019
Ứng cử viên [tổng thống] thuộc đảng Dân chủ Elizabeth Warren tại hội nghị thượng đỉnh của phong trào Unions for All [Nghiệp đoàn vì mọi người] ở Los Angeles ngày 4/10. ERIC THAYER / REUTERS
Gabriel Zucman (1986-)

PHỎNG VẤN. Giáo sư kinh tế tại Đại học Berkeley (California), Giải thưởng nhà kinh tế học trẻ tuổi xuất sắc năm 2018 (do báo Le Monde và câu lạc bộ Cercle des économistes trao tặng), Gabriel Zucman, 32 tuổi, là học trò cũ của Thomas Piketty, người hướng dẫn luận án tiến sĩ của ông. Hiện ông đang cố vấn cho Bernie Sanders và Elizabeth Warren, ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ cho vòng sơ bộ tranh cử tổng thống, đồng thời sẽ xuất bản cuốn sách The Triumph of Injustice [Chiến thắng của sự bất công] vào ngày 15 tháng 10 (W. W. Norton & Company, 288 trang). Đồng tác giả với đồng nghiệp Emmanuel Saez, giám đốc Center for Equitable Growth [Trung tâm Tăng trưởng Bình đẳng] Berkeley, cuốn sách sẽ ra mắt ở Pháp vào tháng Hai, nhà xuất bản Seuil, với tựa đề [tiếng Pháp] Le Triomphe de l’injustice. Richesse, évasion fiscale et démocratie [Chiến thắng của sự bất công. Sự giàu có, trốn thuế và dân chủ].
Trong cuốn sách mới của ông, ông nhắc lại rằng Hoa Kỳ, trái với mọi trông đợi, từng là một mô hình thuế công bằng. Điều đó đã diễn ra vào thời kỳ nào trong lịch sử của nước này?
Người Mỹ có xu hướng coi thuế lũy tiến là một mối lo của châu Âu. Trong khi trên thực tế, về mặt lịch sử, đó là điều ngược lại. Hoa Kỳ là nước từng tiến xa nhất về thuế lũy tiến, đồng thời cũng là nước từng tiến xa nhất theo hướng ngược lại. Trong những năm 1930, họ đã áp dụng một mức thuế gần như mang tính tịch thu đối với những người giàu nhất: 90%. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Roosevelt thậm chí còn thẳng thừng đề cập đến mức thuế 100%. Ông ấy muốn một nguồn thu nhập hợp pháp tối đa! Quốc hội đã do dự, và họ đã đồng ý với mức thuế 92%.
Emmanuel Saez (1972-)
Trong lịch sử, có một truyền thống của người Mỹ - và của cả người Anh - một mức thuế lũy tiến rất cao, vốn chưa từng tồn tại ở lục địa châu Âu. Không một nước châu Âu nào, thậm chí cả những nước thuộc vùng Scandinavi, có mức thuế 70% hoặc 80% đánh lên những khối thừa kế gia sản cao, như Hoa Kỳ. Chỉ có một ngoại lệ: nước Đức, từ năm 1945 đến năm 1948... khi Hoa Kỳ chiếm đóng nước Đức! Ở Nhật Bản, người Mỹ cũng chọn mức thuế 80% đánh lên những khối thu nhập rất cao - góp phần quan trọng trong việc gìn giữ tình trạng bất bình đẳng khá thấp ở các nước này. Đối với người Mĩ, việc tái thiết một nền kinh tế thị trường và một nền dân chủ lành mạnh đi kèm với một thuế suất mang tính tái phân phối rất cao, đánh lên những nguồn thu nhập rất cao.
Mức thuế tối đa đánh lên nguồn thu nhập cao đã giảm một chút vào những năm 1970. Nhưng khi Reagan lên nắm quyền vào năm 1981, mức thuế này vẫn còn ở mức 70%, một trong những mức thuế cao nhất ở các nước phát triển. Sáu năm sau, mức thuế cận biên đã giảm xuống còn 28%. Đó là một cuộc cách mạng ấn tượng: từ 90% xuống còn 28% trong một thời gian ngắn! Khi Hoa Kỳ tư vấn cho nước Nga thời hậu Xô Viết, họ đã khuyến nghị một mức thuế khoảng 30%, tương tự với mức thuế của họ. Nga đã làm theo, trước khi áp dụng một mức “thuế khoán” (“flat tax”) là 13%. Tóm lại, Hoa Kỳ đã có ảnh hưởng lớn đến chính sách thuế toàn cầu.
Ông giải thích thế nào việc một nước thoát sinh từ cuộc nổi dậy chống lại các loại thuế do Hoàng gia Anh áp đặt lại có thể áp dụng những mức thuế cao nhất thế giới?
Vào thế kỷ 19, đã có một thời kỳ bùng nổ tình trạng bất bình đẳng, được gọi là “Thời hoàng kim” (“Gilded Age”). Rất nhiều người đã bắt đầu lo ngại về sự trôi dạt của tình trạng bất bình đẳng đó, đi ngược lại lý tưởng của một nước muốn tạo nên sự khác biệt với một châu Âu quý tộc. Đã có những cuộc tranh luận lý thú trong công cuộc Tái thiết kinh tế, sau thời kỳ Nội chiến, về cách tránh trở thành bất bình đẳng như châu Âu. Đỉnh điểm của các cuộc tranh luận đó là sự ra đời của thuế thu nhập, vào năm 1913.
“Năm 2018, mức thuế thực tế của các nhà tỷ phú là 23%, so với mức thuế 28% đối với dân số còn lại. Đây là một hệ quả trực tiếp từ cuộc cải cách thuế của Trump”.
Bernie Sanders (1941-)
Trên thực tế, phải mất nhiều thập kỷ để thuế thu nhập thực sự ra đời. Nó đã được thiết lập trong thời kỳ Nội chiến để tài trợ cho chiến tranh. Nó đã bị bãi bỏ vào năm 1871, rồi được tái lập vào năm 1895. Và vào năm 1896, Tòa án Tối cao thậm chí đã tuyên bố nó vi hiến: Hiến pháp quy định rằng chính phủ liên bang chỉ có thể đánh thuế “trực thu” trên các nguồn thu thuế từ các tiểu bang, tỷ lệ thuận với dân số của các bang đó, điều mà trên thực tế, làm cho việc đánh thuế lũy tiến trở thành bất khả. Cần phải thay đổi Hiến pháp, và phải mất hơn mười lăm năm. Cuối cùng, vào năm 1913, Tu chính án thứ 16 đã tuyên Quốc hội có quyền áp dụng mức thuế thu nhập liên bang.
Cuộc tranh luận chắc chắn sẽ được hồi sinh trong bối cảnh đề xuất của hai ứng viên [tổng thống] thuộc đảng Dân chủ là Elizabeth WarrenBernie Sanders, về thuế tài sản. Tu chính án thứ 16 chỉ đề cập đến thuế thu nhập. Liệu thuế tài sản có phải là thuế trực thu hay không? Hiến pháp vẫn còn mơ hồ về định nghĩa. Cuối cùng, điều đó sẽ được giao cho Tòa án Tối cao quyết định, cơ quan đang bị phe Bảo thủ kiểm soát rất chặt chẽ.
Ông đã chỉ ra rằng, trong thời hậu Reagan, sự tập trung của cải đã bùng nổ...
Tình trạng bất bình đẳng đã tăng lên rõ rệt kể từ năm 1980. Ngày nay, 1% người Mỹ [giàu nhất] sở hữu 40% của cải quốc gia. Đối với 0,1% người Mỹ giàu nhất, khoảng cách này còn đáng kinh ngạc hơn. Vào đầu những năm 1980, những người Mỹ giàu nhất sở hữu khoảng 7% di sản quốc gia. Bây giờ họ sở hữu khoảng 20%. 0,1% người Mỹ giàu nhất sở hữu nhiều của cải tương đương với 90% số người Mỹ còn lại.
Tuy nhiên, chúng tôi đã chỉ ra trong cuốn sách của mình, lần đầu tiên vào năm 2018, có 400 người Mỹ giàu nhất đã trả tiền thuế thấp hơn những người khác. Mức thuế thực tế của các nhà tỷ phú, cộng lại tất cả các loại thuế, là 23%, so với 28% đối với dân số Mỹ còn lại. Đây là một hệ quả trực tiếp từ cuộc cải cách thuế của Trump. Trong những năm 1950, nguồn thu thuế doanh nghiệp tương đương với thuế thu nhập (khoảng 7% thu nhập quốc dân). Ngày nay, nó chỉ chiếm 1% thu nhập quốc dân. Tự thân cuộc cải cách thuế của Trump đã làm giảm một nửa nguồn thu từ thuế doanh nghiệp.
Trong cuộc tranh luận hiện nay của người Mỹ, ông đã viện dẫn công trình của các nhà kinh tế người Pháp. Emmanuel Saez và ông đã tư vấn cho Elizabeth Warren và Bernie Sanders. Tại sao chính các nhà nghiên cứu người Pháp lại khám phá lại truyền thống đánh thuế lũy tiến của người Mỹ, thưa ông?
Martin Feldstein (1939-2019)
Milton Friedman (1912-2006)
Các nhà kinh tế người Mỹ chịu ảnh hưởng lớn của Milton Friedman trong những năm 1960, sau đó là của Martin Feldstein, giáo sư đại học Harvard và là cố vấn cho Reagan, người đã để lại dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ sinh viên. Hẳn là bạn đã biết tín điều của các nhà kinh tế: con người phản ứng lại với các biện pháp động viên. Feldstein đã đưa cách nhìn đó lên cực điểm. Theo ông, thuế tạo ra những phản ứng đáng kể về hành vi và đa chiều. Nếu đánh thuế người dân, họ sẽ ngừng làm việc; nếu đánh thuế lên di sản, họ sẽ giảm đáng kể tiền tiết kiệm của họ...
Chúng tôi đã làm một công trình dài hơi, bao gồm việc xem xét các tờ khai thuế trong nhiều thập kỷ, đưa ra một bức tranh toàn cảnh về thu nhập và tạo ra những chuỗi thống kê đầy đủ về thuế lũy tiến thực tế.
Các nhà kinh tế là tù nhân của thế giới quan đó. Người ta đã thấy điều này trong cuộc tranh luận về thuế tài sản. Hàng ngày, người ta đọc thấy những lời chỉ trích đáng báo động: “Ông không nhận ra đâu! Người ta sẽ ly hôn để tự đưa mình xuống dưới ngưỡng miễn trừ thuế. Họ sẽ tiêu tiền bằng mọi giá; bắt đầu quyên góp tiền nhiều hơn cho các đảng phái chính trị; từ bỏ quốc tịch Mỹ...” Đúng là người dân phản ứng lại với các biện pháp động viên, nhưng tu từ học về những hiệu ứng tai ác đã được đẩy lên cực điểm. Trên thực tế, cách thức mà người dân phản ứng lại với thuế không có gì là quy luật tự nhiên: nó phụ thuộc vào cách thức cấu trúc thuế. Với một hệ thống thuế suất hiệu quả, có khả năng giảm thiểu đáng kể tình trạng trốn thuế.
Nhưng các nhà kinh tế cánh tả...
Họ đã bị thuyết phục rằng người Mỹ chống lại thuế. Họ đã bị đánh bại ngay từ khởi điểm. Có lẽ cần phải là người bên ngoài để ít bị chi phối bởi cách nhìn thống trị trên.
Ông đã làm việc như thế nào?
Chúng tôi đã làm một công trình dài hơi, bao gồm việc xem xét các tờ khai thuế trong nhiều thập kỷ, đưa ra một bức tranh toàn cảnh về thu nhập và tạo ra những chuỗi thống kê đầy đủ về thuế lũy tiến thực tế. Chúng tôi đã tìm ra một kỹ thuật cho phép đo lường khá chính xác những khối tài sản rất lớn. Đó là lý do vì sao các ứng cử viên tổng thống đã tìm đến chúng tôi. Trong một thời gian rất dài, không có số liệu thống kê về các khối tài sản lớn, đặc biệt là bởi vì không có thuế tài sản. Những dữ liệu duy nhất là các cuộc điều tra của Cục Dự trữ Liên bang như cuộc Khảo sát về Tài chính Người tiêu dùng (Survey of Consumer Finances). Nhưng nó có giới hạn: khi yêu cầu những người rất giàu trả lời bảng câu hỏi khảo sát, thì trong hầu hết mọi trường hợp, họ đều từ chối.
“Trong những năm 1920, 1% những người giàu nhất sở hữu khoảng 40% tổng tài sản. Tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 20% vào những năm 1970. Và ngày nay, nó đã tăng trở lại 40%.
Trong vài năm gần đây, IRS, cơ quan thuế vụ của Mỹ, đã thể hiện sự quan tâm khi hợp tác với các trường đại học. Đây là điều cho phép dịch chuyển cuộc tranh luận. Nhờ sự hợp tác này, chúng tôi có thể truy cập các tờ khai thuế ẩn danh của 160 triệu hộ gia đình trả thuế ở Mỹ. Vì không có thuế ISF [thuế tương trợ trên tài sản], người dân không phải khai báo tài sản của họ cho cơ quan thuế vụ. Ngược lại, họ sẽ khai báo rất chi tiết, trong đó cho biết đã nhận được bao nhiêu tiền cổ tức, lãi suất, tiền cho thuê, thặng dư vốn, lợi nhuận từ công ty của họ, v.v.. Từ các nguồn thu nhập vốn đó, chúng tôi đã cố gắng suy ra mức giàu có cơ bản. Đây là một kỹ thuật được gọi là “vốn hóa”. Chúng tôi đã không phát minh ra kỹ thuật đó, chúng tôi chỉ là những người đầu tiên áp dụng nó một cách có hệ thống trên số liệu của hơn một thế kỷ, kể từ khi thuế thu nhập ra đời vào năm 1913.
Nhờ vào đâu mà ông đã công bố, vào năm 2014, một nghiên cứu được chú ý, cho phép Bernie Sanders đưa ra chủ đề 1% của ông ấy...
Thomas Piketty (1971-)

Đó là một bài nghiên cứu có tựa đề là “Wealth Inequality in the US [Sự bất bình đẳng về của cải ở Mỹ]”. Trong bài viết đó, chúng tôi đã chỉ ra đường cong hình chữ “U”, minh họa diễn tiến lịch sử của sự tập trung những khối tài sản lớn: trong những năm 1920, 1% những người giàu nhất sở hữu khoảng 40% tổng tài sản. Tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 20% vào những năm 1970. Và ngày nay nó đã tăng trở lại 40%. Chính đường cong này đã đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy cuộc tranh luận về thuế, đặc biệt khi nghiên cứu ra mắt cùng lúc với cuốn sách Le Capital au XXIe siècle [Tư bản vào thế kỷ 21] (Seuil, 2013) của Thomas Piketty, nhấn mạnh đến nguy cơ của một vòng xoáy bất bình đẳng.
Việc định lượng sự bất bình đẳng về của cải cho phép chúng tôi ước tính các nguồn thu thuế, có thể được tạo ra bởi việc đánh thuế các khối tài sản lớn. Chúng tôi có những con số và công nghệ để mô phỏng bất kỳ kế hoạch thuế khóa nào. Nếu bạn tạo ra, theo như đề xuất của Elizabeth Warren, một thuế ISF (thuế các tài sản lớn) bắt đầu từ mức 50 triệu US$ (45 triệu euros), với mức thuế 2% trên mỗi đồng US$ vượt quá số tiền nói trên và mức thuế 3% trên mỗi đồng US$ vượt quá số tiền 1 tỷ US$, thì chúng tôi có thể nói đối tượng người Mỹ chịu mức thuế đó là bao nhiêu người (trong trường hợp này là 75.000 người), sẽ thu về bao nhiêu tiền và những hệ quả sẽ có đối với tình trạng bất bình đẳng.
Corine Lesnes
Nếu bạn hạ mức miễn trừ thuế xuống, ví dụ như đánh thuế từ mức 32 triệu US$, theo như đề xuất của Bernie Sanders, thì đối tượng chịu mức thuế đó sẽ là 150.000 người. Hai đề xuất nói trên là kế hoạch đánh thuế lên những khối tài sản rất, rất lớn. Đây là sự khác biệt với thuế ISF của Pháp, vốn bắt đầu xoay quanh một di sản trị giá vào khoảng 1 triệu euro. Đây là vấn đề đánh thuế thực sự lên những người siêu giàu: điều này, ngay lập tức, sẽ loại bỏ một loạt vấn đề và các cuộc tranh luận giả tạo, vốn đã làm ô nhiễm và cuối cùng là phá hoại thuế ISF của châu Âu, như trường hợp của một người hưu trí trên đảo Ré, là đối tượng chịu thuế ISF nhưng lại mạo xưng là không có khả năng trả tiền thuế. Hoa Kỳ may mắn là có thể rút kinh nghiệm từ các bài học của châu Âu về thuế tài sản. Tất nhiên là nếu giả sử Elizabeth Warren hoặc Bernie Sanders được bầu vào Nhà Trắng và có đa số ủng hộ tại Thượng viện...
Corine Lesnes (phóng viên tại San Francisco)
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF