30.9.20

Lợi nhuận bị mất của các quốc gia

 LỢI NHUẬN BỊ MẤT CỦA CÁC QUỐC GIA

Ba nhà kinh tế học, Thomas Tørsløv (Københavns Universitet), Ludvig Wier (UC Berkeley) và Gabriel Zucman (UC Berkeley), đã công bố những số liệu ước tính chưa từng công bố về tỷ phần lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến các thiên đường thuế. Bằng cách đề xuất những độ lớn khác nhau trong cuộc tranh luận sôi nổi này, giữa sự khó khăn trong việc hài hòa thuế và vấn đề về tính hiệu quả của cơ quan điều tiết, họ đã mang đến một viễn cảnh mới lạ về phạm vi rộng lớn của hiện tượng tránh thuế và những hậu quả của nó.

Tác giả: Thomas Tørsløv, Ludwig Wier, Gabriel Zucman

Người dịch: Thomas Belaich

Ngày 9 tháng 9 năm 2020


Vai trò của các thiên đường thuế trong áp lực giảm thuế toàn cầu

Có lẽ diễn biến nổi bật nhất của chính sách thuế trên thế giới trong những thập kỷ gần đây là việc giảm một nửa mức thuế bình quân đánh trên doanh nghiệp. Thực vậy, từ năm 1985 đến năm 2018, thuế suất theo luật định của thuế thu nhập doanh nghiệp đã biến động bình quân từ 49% xuống 24% trên toàn thế giới.

Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng các dữ liệu kinh tế vĩ mô mới để chỉ ra rằng các vụ chuyển lợi nhuận là một nhân tố chính dẫn đến mức giảm thuế rất ấn tượng này: gần 40% lợi nhuận của các công ty đa quốc gia đã được chuyển, một cách giả tạo, đến các thiên đường thuế trong năm 2015, và sự tránh thuế to lớn này, cũng như sự bất lực trong việc kiểm soát nó, đang khiến ngày càng có nhiều nước từ bỏ việc đánh thuế các công ty đa quốc gia.

Cách giải thích cổ điển cho xu hướng giảm thuế là do sự toàn cầu hóa đã đẩy các nước ngày càng cạnh tranh nhiều hơn về tư bản sản xuất, và do đó phải thắt chặt sự cạnh tranh về thuế. Bằng cách giảm thuế, một nước có thể thu hút thêm nhiều máy móc hơn, nhiều nhà máy và trang thiết bị hơn, và điều này làm cho người lao động làm việc có năng suất cao hơn và cuối cùng làm tăng lương họ, v.v.. Lý thuyết này đặc biệt phổ biến trong các nhà hoạch định chính sách, và là cơ sở thông tin cho hầu hết các cuộc thảo luận trong nghị trình về chính sách thuế, như được minh họa bằng quyết định giảm thuế doanh nghiệp của Mỹ từ 35% xuống 21% vào năm 2018 (CEA 2017).

Các công ty đa quốc gia lớn không chuyển nhiều tư bản hữu hình đến những nơi có thuế suất thấp.

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Nhưng liệu lý thuyết này có thực sự có cơ sở thực nghiệm hay không? Có vẻ như các công ty đa quốc gia lớn nhất không chuyển nhiều tư bản hữu hình đến những nơi có thuế suất thấp - vả lại họ cũng không có nhiều tư bản hữu hình đến thế. Trong thực tế, họ chuyển các khoản lợi nhuận trên sổ sách kế toán để tránh thuế. Ví dụ, vào năm 2016, công ty Alphabet, công ty sở hữu Google, đã đạt doanh thu 19,2 tỷ US$ ở Bermuda, một hòn đảo nhỏ ở Đại Tây Dương, nơi mà trong thực tế họ không sử dụng bất cứ người lao động nào ở đó và cũng không có bất cứ tài sản hữu hình nào, và là nơi mà thuế doanh nghiệp bằng… 0%.

Như vậy, việc giảm thuế doanh nghiệp là kết quả của các chính sách không hiệu quả ở những nước có thuế suất cao, chứ không phải là một trong những hiệu ứng phụ không tránh khỏi của toàn cầu hóa khiến sự cạnh tranh về thuế được nuôi dưỡng.

Lập bản đồ kế toán các khoản lợi nhuận

Theo ước tính của chúng tôi, 40% lợi nhuận của các công ty đa quốc gia - được định nghĩa như là lợi nhuận mà các công ty đa quốc gia thu được bên ngoài nước sở tại mà công ty mẹ đặt trụ sở - được chuyển đến các thiên đường thuế, theo những số liệu mới nhất về “thống kê về các chi nhánh các công ty nước ngoài”, ghi lại số tiền lương mà các công ty con của các công ty đa quốc gia nước ngoài phải trả lương ở mỗi nước, cùng với lợi nhuận mà các công ty con này kiếm được ở đó.

Vì thế, các số liệu thống kê này cho phép chúng tôi thiết lập một cơ sở dữ liệu toàn cầu mới, ghi lại lợi nhuận mà các công ty địa phương khai báo so với lợi nhuận mà các công ty nước ngoài khai báo ở mỗi nước, giúp chúng tôi có được bản đồ hoàn chỉnh đầu tiên về những nơi mà lợi nhuận được khai báo trên toàn cầu.

Ở những nước không phải là thiên đường thuế, các công ty con nước ngoài hoạt động có lợi nhuận ít hơn so với các công ty địa phương, một cách có hệ thống.

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Sử dụng cơ sở dữ liệu này, chúng tôi xây dựng và phân tích một tỷ số đơn giản: tỷ số lợi nhuận thô trên quỹ lương[1] của các công ty. Nhờ vào các dữ liệu mới được khai thác trong hồ sơ của chúng tôi, chúng tôi có thể tính toán tỷ số nói trên đối với các công ty nước ngoài và đối với các công ty địa phương ở mỗi nước - điều này cho thấy những kết quả khá ngoạn mục.

Ở những nước không phải là thiên đường thuế, các công ty con nước ngoài hoạt động có lợi nhuận ít hơn so với các công ty địa phương, một cách có hệ thống. Ngược lại, ở các thiên đường thuế, họ có lợi nhuận nhiều hơn một cách có hệ thống - và theo một cách đáng kể (xem biểu đồ bên dưới).


Vì thế, nghiên cứu của chúng tôi cho phép xây dựng một định nghĩa thực nghiệm về thiên đường thuế là gì: nếu khả năng sinh lời của các công ty đa quốc gia cao hơn nhiều so với khả năng sinh lời của các công ty trong nước trên lãnh thổ của bạn và nếu bạn đánh thuế họ ở một mức rất thấp, thì bạn là một thiên đường thuế. Về mặt này, Hà Lan là một thiên đường thuế, ngay cả khi nước này rất khác so với những lãnh thổ nhỏ hơn rất nhiều, nhưng nổi tiếng nhất trong lĩnh vực thiên đường thuế, như Quần đảo Cayman hay Jersey và Guernsey.

Theo ước tính của chúng tôi, Hà Lan là một thiên đường thuế.

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Trong khi đối với các công ty địa phương, tỷ số giữa lợi nhuận chịu thuế và quỹ lương nói chung vào khoảng từ 30 đến 40%, thì các công ty nước ngoài ở các thiên đường thuế cũng có một tỷ lệ tương tự nhưng ở một mức độ lớn hơn rất nhiều - lợi nhuận chịu thuế lên đến 800% quỹ lương ở Ireland. Điều đó tương ứng với một tỷ lệ vốn trong giá trị gia tăng của các công ty từ 80 đến 90%, so với mức khoảng 25% đối với các công ty địa phương.

Bản đồ các quốc gia được và mất trong các vụ chuyển lợi nhuận trên thế giới

Màu xanh lá cây, các thiên đường thuế.

Khoản lỗ âm được coi là khoản thu nhập ở các thiên đường thuế.

Bản đồ: Nhóm nghiên cứu địa chính trị. Nguồn: Tørsløv, Wier, Zucman, 2017 Récupérer les données cùng với Datawrapper

Tính lưu động dễ dãi của tư bản

Phân tích của chúng tôi cho thấy tư bản mà các công ty nước ngoài sử dụng ở các thiên đường thuế không hiệu quả một cách đáng kể. Vì vậy, khả năng sinh lời quá lớn mà chúng tôi quan sát được ở các thiên đường thuế, nhờ vào chỉ báo của chúng tôi, không phải là một hiệu ứng thực, mà là hiệu ứng của một trò chơi bút toán trên sổ sách kế toán nhằm chuyển lợi nhuận, một cách giả tạo, từ nước này sang nước khác.

Do đó, công trình của chúng tôi có thể giúp xây dựng những thước đo minh bạch và dễ tính toán, cho phép các cơ quan điều tiết theo dõi lợi nhuận mà các thiên đường thuế thu hút được, doanh thu thuế mà các thiên đường thuế thu được và các khoản thất thu thuế đối với các nước khác. Các số liệu thống kê này, được cập nhật thường xuyên trực tuyến, có thể được sử dụng để theo dõi tác động của các chính sách giảm thuế đối với tình trạng tránh thuế.

Sau đó, chúng tôi có thể từ lợi nhuận được ghi lại trên sổ sách kế toán ở các thiên đường thuế truy tìm đến những nước phát sinh lợi nhuận đầu tiên - và là những nước mà lợi nhuận sẽ bị đánh thuế thật sự trong một thế giới không có các vụ chuyển lợi nhuận. Điều này cho phép chúng tôi có một cái nhìn tổng quan bước đầu về chi phí của các vụ chuyển lợi nhuận đối với chính phủ các nước trên thế giới. Chúng tôi nhận thấy chính phủ các nước trong Liên minh Châu Âu và của các nước đang phát triển là những nước mất mát chính từ các vụ chuyển lợi nhuận này - việc các công ty đa quốc gia tránh thuế làm giảm, trên toàn cầu, khoảng 20% doanh thu thuế doanh nghiệp của các nước thuộc Liên minh.

Khi xem xét đến nơi đặt trụ sở chính của các công ty có chuyển lợi nhuận, chúng tôi thấy các công ty đa quốc gia của Mỹ chuyển lợi nhuận tương đối nhiều hơn các công ty đa quốc gia của các nước khác. Điều này có thể được lý giải bởi những ưu đãi đặc biệt được đề xuất trong bộ luật thuế của Mỹ trước năm 2018, cũng như bởi các chính sách của Bộ Tài chính Mỹ được triển khai trong những năm 1990, tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ chuyển lợi nhuận này[2].

Một Châu Âu đáng nực cười

Điều đáng ngạc nhiên nhất về tình trạng này, điều mà ai cũng biết chút ít mà không nhất thiết phải biết mức độ của nó, là những nước có mức thuế doanh nghiệp cao tập trung nỗ lực điều tiết việc hồi hương lợi nhuận từ những nước khác cũng có mức thuế doanh nghiệp cao, dẫn đến việc tranh cãi với nhau về các khoản thu thuế, trong khi để cho các thiên đường thuế phát triển thịnh vượng.

Tại sao, bất chấp những tổn thất phải gánh chịu, những nước có mức thuế suất cao - đặc biệt là các nước Châu Âu - lại không thể bảo vệ nổi cơ sở thuế của mình?

Những nước có mức thuế doanh nghiệp cao tập trung nỗ lực điều tiết việc hồi hương lợi nhuận từ những nước khác có mức thuế doanh nghiệp cao, dẫn đến việc tranh cãi với nhau về các khoản thu thuế, trong khi để cho các thiên đường thuế phát triển thịnh vượng.

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Chúng tôi chỉ ra rằng cơ quan thuế của các nước Châu Âu không có bất cứ động cơ nào để chống lại việc chuyển lợi nhuận vào các thiên đường thuế, vì điều này quá tốn kém, nhưng quan tâm nhiều hơn đến việc tập trung nỗ lực vào việc “định vị lại” các khoản lợi nhuận thu được trên lãnh thổ của mình và được các công ty đa quốc gia khai báo ở các nước khác có mức thuế suất cao.

Thực vậy, việc truy các khoản lợi nhuận đó ở một nước khác có thuế suất cao chỉ có được những lợi thế: công tác này được tạo điều kiện thuận lợi nhờ vào chất lượng thông tin sẵn có, không tốn kém nhiều vì các công ty đa quốc gia có xu hướng hợp tác trong chừng mực một sự điều chỉnh như thế không ảnh hưởng lớn đến hóa đơn tính thuế tổng thể của họ, và nhanh chóng vì khuôn khổ pháp lý và các hiệp định đa phương khác giữa các nước có thuế suất cao.

Tại sao, bất chấp những tổn thất phải gánh chịu, những nước có thuế suất cao - đặc biệt là các nước Châu Âu - lại không thể bảo vệ cơ sở thuế của mình?

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Tuy nhiên, tất cả các điều kiện thuận lợi như trên, cho phép giải quyết nhanh những tranh chấp giữa các nước có thuế suất cao, lại không tồn tại ở các thiên đường thuế; vì vậy, rõ ràng là không có sự khuyến khích nỗ lực thực thi luật thuế ở các thiên đường thuế đó - làm việc này tốn nhiều công sức vì sự không rõ ràng của thông tin, tốn kém vì các công ty đa quốc gia đầu tư rất nhiều nguồn lực để bảo vệ việc chuyển lợi nhuận của họ, và thời gian kéo dài do sự thiếu hợp tác của các thiên đường thuế.

Dữ liệu xác nhận việc không khuyến khích sự điều tiết thuế ở các thiên đường thuế, do phần lớn các nỗ lực thực thi thuế, trong thực tế, đều hướng đến những nước có thuế suất cao.

Tuy nhiên, không nên quên rằng sự thất bại của chính sách thuế cũng là do những lợi thế to lớn mà các vụ chuyển tiền này mang lại cho các công ty và cho các thiên đường thuế. Bằng cách đánh thuế, dù rất nhẹ, phần lớn lợi nhuận thu hút được, các thiên đường thuế đã có thể tạo ra nhiều khoản thu thuế hơn - tính theo tỉ lệ trong thu nhập quốc gia của họ - so với Hoa Kỳ và các nước châu Âu, vốn có các mức thuế suất cao hơn rất nhiều. Mức thuế rất thấp, cơ sở thu thuế rất rộng: các thiên đường thuế, tóm lại, hưởng lợi từ một thuế suất tối ưu.

Cuối cùng, việc có mức thuế suất thấp làm tối đa hóa các khoản thu thuế, đã khuyến khích các thiên đường thuế gia tăng số lượng các mưu mẹo tránh thuế, được sưu tập đầy đủ trong các tài liệu khoa học, chẳng hạn như các ưu đãi về thuế dành riêng cho công ty đa quốc gia này hay công ty đa quốc gia khác, cho phép lý giải phần nào sự bùng nổ các vụ chuyển lợi nhuận kể từ những năm 1980. 

Cơ sở pháp lý của sự mất cân bằng của các quy định

Về cơ bản, chúng tôi đề xuất một mô hình lý thuyết để, từ việc không khuyến khích đi tìm nguồn vốn ở các thiên đường thuế thay vì ở những nơi khác và khuyến khích những đề xuất dàn xếp với chính các thiên đường đó, tạo ra một sự cân bằng đúng quy định mang tính rất không tối ưu.

Nhưng sự cân bằng bất lợi này của hệ thống cũng chỉ là sự giải thích mức độ của hiện tượng, chứ không phải là sự lý giải về nguồn gốc của nó. Không nghi ngờ gì nữa, nguyên nhân chính của vấn đề là vấn đề pháp chế. 

Nguyên nhân chính của vấn đề là vấn đề pháp chế.

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Thực vậy, ý tưởng cho rằng có thể cắt một công ty đa quốc gia thành nhiều mảnh nhỏ, ngay tại các biên giới của nước xuất xứ, và làm như thể các bộ phận đó không liên quan gì với nhau, nhất thiết sẽ dẫn đến những tình huống phi lý về các trò thủ thuật với các mức giá chuyển nhượng giữa các nước - thậm chí về các mánh khoé lố bịch như việc một công ty mua lại thương hiệu của một trong các công ty con của chính mình, rồi thành lập nó ở Bermuda, v.v.. 

Đó chính là vấn đề cơ bản, tất nhiên được các công ty duy trì vì lợi ích khổng lồ trong việc khai thác các quy tắc này, do sự thiếu hài hòa thuế suất và sự yếu kém của chính sách điều tiết. Đó chính là nơi mà các chuyên gia pháp lý giúp các doanh nghiệp thiết kế việc dàn dựng các thủ thuật để hưởng lợi từ sự thiếu hài hòa thuế suất này.[3]

Bài viết của chúng tôi bổ sung thêm vào sự phân tích này, một vấn đề nữa là các cơ quan thuế cũng không mặn giải quyết vấn nạn, bởi việc truy đuổi lợi nhuận, đáng lí ra phải được khai báo theo đúng các quy định pháp luật, hoàn toàn bàng quan với nguồn gốc xuất xứ của lợi nhuận.

Đối với cơ quan thuế của Pháp, việc thu về một đô la thuế ở Jersey cũng ngang bằng với việc hồi hương một đô la thuế được khai báo không có cơ sở ở Đức hoặc Thụy Điển! Một đô la là một đô la. Tuy nhiên, sẽ tốn kém hơn rất nhiều để đi thu một đô la thuế đó ở Jersey, được che giấu dưới một hình thức thuế suất rối rắm được thiết kế để làm mờ một vụ chuyển tiền có chủ ý, hơn là đi thu một đô la thuế ở Đức, được chuyển trái phép vì một lỗi - có thể là trung thực – về kế toán.

Đối với cơ quan thuế của Pháp, việc thu một đô la thuế ở Jersey cũng ngang bằng với việc hồi hương một đô la thuế được khai khai báo không có cơ sở ở Đức hoặc Thụy Điển! 

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Do đó, không có bất cứ động cơ nào để đấu tranh chống lại các vụ chuyển lợi nhuận quyết đoán, bởi việc tấn công vào các vụ chuyển tiền ở những nước có các công ước thỏa thuận, sẽ diễn ra dễ hơn nhiều, làm giảm thời gian và chi phí của sự công bằng thuế. Đây chính là những gì mà bài viết của chúng tôi bổ sung vào phân tích, ở ngay trên đỉnh của các vấn đề, tức là hệ thống pháp chế không hài hòa.

Thuế suất, chốt chặn của chính sách châu Âu?

Về việc điều tiết thuế khoá, đặc biệt Châu Âu thực hiện không mấy hiệu quả, kém hiệu quả hơn, ví dụ, chính sách cạnh tranh. Ở đây chúng ta đối mặt trực tiếp với vấn đề kinh điển về chủ quyền của châu Âu. Bất kỳ nước nào cũng có thể phủ quyết một dự án cải cách thuế chung, từ đó khó mà cải cách trước sự tồn tại của các thiên đường thuế ở châu Âu: nguyên tắc uỷ quyền theo chiều dọc khiến mọi chế độ thuế suất liên bang, về cơ bản, là điều bất khả trước sự tồn tại của các thiên đường thuế.

Liên minh châu Âu đã nỗ lực để đạt được sự hài hòa đó kể từ những năm 1990, khi Ủy ban châu Âu từng đề xuất một mức thuế hài hòa 30% đánh trên các công ty - điều, tất nhiên, chưa bao giờ đạt được. Vào tháng 3 năm 2011 và một lần nữa vào tháng 10 năm 2016, Ủy ban đã cố khởi động dự án Cơ sở thuế doanh nghiệp hợp nhất chung [Common Consolidated Corporate Tax Base], đề xuất một quy tắc duy nhất để tính toán kết quả chịu thuế của một công ty trong nội bộ các nước thuộc Liên minh Châu Âu, thay vì vô số mức giá chuyển nhượng, có thể bị thao túng trên diện rộng. Một lần nữa, điều khoản này còn lâu mới được thông qua.

Châu Âu đã tỏ ra khá bất lực trong vấn đề này, và đó chính là lý do mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế [OECD] đã phải vào cuộc tiếp sức giải quyết vấn đề, cố gắng thúc đẩy những thông lệ thực hành không cần sự đồng ý của tất cả các bên.

Châu Âu đã tỏ ra khá bất lực trong vấn đề này, và đó chính là lý do mà tổ chức OECD đã phải vào cuộc tiếp sức giải quyết vấn đề, cố gắng thúc đẩy những thông lệ thực hành không cần sự đồng ý của tất cả các bên.

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Lưu ý có thể có ở đây: Trong những năm gần đây, tổ chức OECD đã xây dựng một tập hợp các mục tiêu để chống lại sự xói mòn của cơ sở đánh thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS, Base erosion and profit shifting). Ủy ban về các vấn đề thuế suất (CFA) đã thành lập Nhóm công tác số 11 (về Lập kế hoạch thuế tích cực) để, trong số nhiều việc khác, vô hiệu hóa hiệu ứng của các hệ thống lai tạp, củng cố quy tắc đối với các công ty nước ngoài, hạn chế sự xói mòn cơ sở thuế thông qua các khoản khấu trừ lãi suất và các khoản thanh toán tài chính khác, và nghĩa vụ của người nộp thuế phải công khai các cơ chế lập kế hoạch thuế tích cực của họ[4]

Bên cạnh sự bất lực của châu Âu trong cuộc tranh luận về sự hài hòa thuế, còn có chính sách chỉnh sửa cơ sở thuế ngày càng bị ngăn trở. Phán quyết của Tòa án châu Âu liên quan đến việc hủy bỏ quyết định của Ủy ban về việc đánh thuế công ty Apple ở Ireland, về mặt này, là khá bất ngờ. Thực vậy, các thẩm phán của Tòa án Liên minh châu Âu đã coi lập luận chính của Ủy viên phụ trách Cạnh tranh thuộc Ủy ban châu Âu, khi nói rằng Ireland trên thực tế đã cấp một khoản trợ cấp gián tiếp cho công ty Apple và như vậy công ty có một lợi thế so sánh mang tính chống cạnh tranh, là không đứng vững.

Quyết định này quan trọng hơn vẻ bề ngoài của nó, bởi vì đây chính là một trong những công cụ chính của Ủy ban để chống lại sự tối ưu hóa thuế và các vụ chuyển vốn, và nó có nguy cơ biến mất do án lệ xét xử này. Ủy ban sẽ càng tỏ ra bất lực hơn nữa. Nhưng hệ thống này nhất định phải thay đổi, và hành động của tổ chức OECD là khá hứa hẹn.

Bên cạnh sự bất lực của châu Âu trong cuộc tranh luận về sự hài hòa thuế, còn có chính sách chỉnh sửa cơ sở thuế ngày càng bị ngăn trở. Phán quyết của Tòa án châu Âu liên quan đến việc hủy bỏ quyết định của Ủy ban về việc đánh thuế công ty Apple ở Ireland, về mặt này, là khá bất ngờ.

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng có một tác dụng dung hòa. Ví dụ: với các công ty thuộc nhóm GAFAM [Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft], những đối tượng được tranh luận quá nhiều, dữ liệu của chúng tôi cho phép chúng tôi có một khoảng cách. Thực vậy, các công ty này rất quan trọng bởi vì họ là tâm điểm các cuộc tranh luận công khai, và bắt đầu bị báo chí đưa tin không tốt do chiến lược thuế và số tiền chuyển đi của họ. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ ra rằng đây không phải là trường hợp đặc biệt và việc chuyển lợi nhuận cũng quan trọng không kém trong các ngành công nghiệp còn lại, từ ngân hàng đến các công ty chế biến! Họ đơn thuần thu hút sự chú ý, nhưng họ không phải là ngoại lệ khi nói đến chính sách tránh thuế.

Sửa đổi các chỉ báo thống kê, địa chính trị và tái phân phối quốc tế

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có một ứng dụng trực tiếp khác, đó là việc sửa đổi các chỉ báo kinh tế quốc tế quan trọng, chẳng hạn như GDP, lợi nhuận các doanh nghiệp, cán cân thương mại, tỷ trọng giữa lao động và tư bản trong các doanh nghiệp. Thực vậy, việc chuyển tư bản làm sai lệch khá mạnh các số liệu thống kê này, bởi vì mặt trái của các khoản lợi nhuận cao được ghi nhận ở các thiên đường thuế là sự đánh giá thấp về sản xuất, kim ngạch xuất khẩu ròng và lợi nhuận được ghi nhận ở các nước khác.

Nói cách khác, việc chuyển tiền đến các thiên đường thuế chắc chắn là một khoản giảm thuế cho công ty, nhưng cũng là một khoản giảm tỷ lệ thuận và giả tạo đối với sản phẩm được ghi nhận ở nước nơi mà lợi nhuận được tạo ra. Vì vậy, chúng tôi cung cấp một cơ sở dữ liệu mới về các số liệu thống kê kinh tế vĩ mô, đã được sửa đổi, dành cho tất cả các nước thuộc tổ chức OECD và các nền kinh tế mới nổi lớn nhất.

Việc chuyển nhượng đến các thiên đường thuế chắc chắn là một khoản giảm thuế cho công ty, nhưng cũng là một khoản giảm tỷ lệ thuận và giả tạo đối với sản phẩm được ghi nhận ở nước nơi mà lợi nhuận được tạo ra.

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Bằng cách tích hợp một lần nữa các khoản lợi nhuận được chuyển đến các thiên đường thuế, tỷ trọng tư bản của các doanh nghiệp tăng đáng kể - theo ước tính của chúng tôi, kể từ những năm 1990, cao gấp đôi so với tỷ trọng được ghi lại trong dữ liệu chính thức của các tài khoản quốc gia. Việc sửa đổi các số liệu thống kê quốc tế vĩ mô này là điều cần thiết cho các cuộc tranh luận hiện nay về tầm quan trọng của công nghệ đối với năng suất và tư bản trong tình hình bất bình đẳng[5], nhưng cũng để cố gắng điều chỉnh các cuộc tranh luận về các vấn đề quan hệ quốc tế với thực tế giao dịch thương mại.

Thực vậy, các ước tính của chúng tôi cơ cấu lại các tài khoản quốc gia, trong chừng mực mà, ví dụ, mức thâm hụt thương mại của các nước có thuế suất cao, trên thực tế, được đánh giá quá cao, điều này rất quan trọng trong các cuộc tranh luận -– về các tiêu chí của Maastricht, về các hiệu ứng của toàn cầu hóa, sự cần thiết của một chính sách định vị lại nền công nghiệp, v.v.. Ngoài ra, sự méo mó trong số liệu thống kê còn bao gồm việc đánh giá quá cao lợi tức trên đầu tư ở nước ngoài, phần lớn bị thổi phồng bởi các vụ chuyển lợi nhuận.

Hiệu ứng của các độ lệch theo chiều giảm đó là khá khổng lồ. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Trump rất chú trọng đến mức thâm hụt thương mại của Mỹ. Nhưng chúng tôi chỉ đúng rằng ít nhất một phần tư mức thâm hụt giữa Mỹ và châu Âu không gì hơn là một sự hư cấu, một sự chế tạo trên giấy tờ từ các vụ chuyển lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là một phần tư sự tức giận của Trump, nếu không nói là vô cớ, trong mọi trường hợp, đều đặt sai chỗ! Đó hoàn toàn là một sự hư cấu.

Ít nhất một phần tư mức thâm hụt của Mỹ-châu Âu không gì hơn là một sự hư cấu!

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Kịch tính nhất là trường hợp của Ireland, nước thậm chí không còn sử dụng các chỉ báo chính thức khá thiết yếu như GDP, GNI, nợ hoặc cán cân thương mại và đã chuyển sang sử dụng “GDP*” kể từ năm 2017, hay Tổng sản phẩm quốc nội có điều chỉnh, cố gắng chỉnh sửa những méo mó do BEPS [Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận] trong số liệu thống kê chính thức, mà trên thực tế không còn phản ánh gì nhiều nữa.[6]

Ngoài việc đánh giá quá cao các mức thâm hụt này, tỷ trọng thu nhập của tư bản có vẻ thấp hơn rất nhiều so với thực tế ở các nước có thuế suất cao hơn, và khi các vụ chuyển lợi nhuận tăng lên theo thời gian, chúng ta cũng đánh giá thấp sự tăng trưởng của tỷ trọng này của tư bản trong các khoản thu nhập - ở Ireland, điều đó hoàn toàn ngược lại, chúng ta đo được một mức tăng to lớn và điên rồ trong tỷ trọng tư bản, điều này chẳng còn ý nghĩa gì! 

Thực tế này có vẻ như xác nhận hoặc thậm chí củng cố các giả thuyết của Piketty về hiệu ứng của tỷ trọng ngày càng tăng của tư bản trong động thái của bất bình đẳng; kết quả nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp sửa đổi các ước tính tăng trưởng của tỷ trọng của tư bản với những tác động của các vụ chuyển vốn.

Về mặt đo lường sự bất bình đẳng giữa cá nhân con người với nhau, có một chút khác biệt so với logic quốc tế, bởi vì chúng ta đo thu nhập cá nhân từ các tờ khai thuế về tổng thu nhập của họ. Tuy nhiên, có vấn đề đối với các cổ đông, vì các vụ chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cho phép họ được giảm thuế đáng kể; tuy nhiên, cổ phiếu là những hàng hóa mà quyền sở hữu tập trung ở tầng cao của sự phân phối thu nhập, ở điểm phân vị cuối cùng, điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ở cấp đặc biệt khó giải quyết.

Bất công và sự ưng thuận trả tiền thuế

Nghiên cứu của chúng tôi có tác động khá quan trọng, do vai trò của nó trong phân tích thực nghiệm được tổ chức OECD thực hiện về sự hài hòa thuế và tránh thuế. Thực vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã giúp làm nổi bật vấn đề cụ thể về sự điều tiết có mức độ tổ chức kém, và đẩy nhanh tiến độ của nghị trình cải cách, đặc biệt là cho phép cơ quan điều tiết, ở đây là tổ chức OECD, thích nghi với phạm vi của vấn đề. 

Về cơ bản, và một cách nghịch lý, việc cung cấp các số liệu ước tính định lượng cho phép mọi người thích nghi với mục tiêu, ngay cả khi điều đó làm thất vọng một số người, những ai có ảo giác một chút về tầm quan trọng của nó - và kêu gào thực thi đánh thuế các công ty đa quốc gia lớn như là liều thuốc chữa bách bệnh, điều không hoàn toàn đúng lắm, đặc biệt đối với trường hợp của các công ty thuộc nhóm GAFAM.

THOMAS TØRSLØV, LUDWIG WIER và GABRIEL ZUCMAN

Về cơ bản, và một cách nghịch lý, việc cung cấp các số liệu ước tính định lượng cho phép mọi người thích nghi với mục tiêu, ngay cả khi điều đó làm thất vọng một số người, những ai có ảo giác một chút về tầm quan trọng của nó - và kêu gào thực thi đánh thuế các công ty đa quốc gia lớn như là liều thuốc chữa bách bệnh, điều không hoàn toàn đúng lắm, như đối với trường hợp của các công ty thuộc nhóm GAFAM.

Vì thế, cuộc tranh luận cần được khu biệt lại, hẳn là vì điều tốt hơn. Một khi phạm vi của vấn đề được xác định rõ, thì sự đồng thuận của các nước thiệt hại do có sự cạnh tranh về thuế, càng trở nên khả thi hơn, và vì vậy xác suất hành động lớn hơn, và đây là một thách thức thực đối với các nền dân chủ dựa trên sự chấp thuận trả thuế. Trong thực tế, kết quả nghiên cứu của chúng tôi có thể xác nhận niềm tin của những người tố cáo nhanh nhất “tất cả bọn thối nát”, nhưng lợi thế có được những số liệu đáng tin và có cơ sở hẳn sẽ vượt qua độ lệch xác nhận có thể có của những người theo chủ nghĩa dân túy, những người đã không đợi kết quả nghiên cứu của chúng tôi để lên tiếng. Các kết quả nghiên cứu sẽ giúp neo cố cuộc tranh luận và cho nó một ý nghĩa được xác định rõ ràng để hành động nhanh hơn và tốt hơn, bằng cách cung cấp những công cụ đơn giản và minh bạch cho cuộc tranh luận.

Nguồn

Bài viết này kết hợp bản dịch bài thuyết trình của ba đồng tác giả cho VoxEU vào tháng 7 năm 2018 và cuộc phỏng vấn họ vào mùa hè năm 2020.

Liên kết dẫn đến Missing Profits [Lợi nhuận bị mất]. 

Các tác giả thảo luận về những hàm ý của nghiên cứu cùng với Pierre Moscovici (Ủy viên Kinh tế và Thuế ở EU).

Vài dòng giới thiệu các tác giả:

Thomas Tørsløv

Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Copenhagen. Nghiên cứu của ông tập trung vào vấn đề tránh thuế của các công ty đa quốc gia. Ông hiện đang làm việc cho Bộ Thuế vụ Đan Mạch, đưa ra lời khuyên về cải cách thuế trong nước và toàn cầu.

Gabriel Zucman


Giáo sư kinh tế tại Đại học UC Berkeley, ông có bằng Tiến sĩ tại Paris School of Economics [Trường Kinh tế Paris]. Nghiên cứu của ông tập trung vào của cải toàn cầu, toàn cầu hóa, bất bình đẳng và các thiên đường thuế. Ông cũng là tác giả của hai cuốn sách “The Hidden Wealth of Nations: The Scourge of Tax Havens [Của chìm của các quốc gia: Tai họa của các thiên đường thuế]” và “The Triumph of Injustice: How the Rich Dodge Taxes and How To Make Them Pay [Chiến thắng của sự bất công: Người giàu tránh thuế ra sao và làm thế nào để khiến họ đóng thuế]”.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Les profits perdus des nations, Le Grand Continent, ngày 09/09/2020.

----

Bài có liên quan: Liệu có đánh thuế được GAFA hay không?



[1] Ý tưởng là nếu một công ty con trả nhiều tiền lương ở một nước, nơi có hoạt động thực tế của họ, nhưng lại khai báo lợi nhuận ở một nước khác, thì đây là dấu hiệu của một thủ đoạn kế toán tránh thuế. [Chú thích của ban biên tập]

[2] Xem Wright và Zucman, 2018.

[3] Về vai trò của sự sáng tạo pháp lý ở các công ty lớn về luật thuế quốc tế và luật pháp nói riêng trong việc tập trung tư bản và tránh thuế, xem cuốn sách của Katarina Pistor, The Code of Capital [Bộ luật Tư bản] và phần lược trích trên trang chúng tôi.

[4] Xem trang dành riêng cho chủ đề và nhiều báo cáo khác nhau.

[5] Xem ví dụ Piketty và Zucman 2014, Karabarbounis và Neiman 2014.

[6] Không nghi ngờ gì nữa, sự méo mó đạt đỉnh điểm của nó vào năm 2016, khi GDP tăng 34,4%, khiến Ireland bị cáo buộc là “nền kinh tế của yêu tinh” (Krugman), một thuật ngữ mà giờ đây được gắn cho các thiên đường thuế khác, vốn chịu phải những điều không thích hợp của hệ thống tài khoản quốc gia.

Print Friendly and PDF