19.9.20

Vandana Shiva: Sau coronavirus, “ngưng toàn cầu hóa và giải thực dân cho trái đất”

VANDANA SHIVA: SAU CORONAVIRUS, “NGƯNG TOÀN CẦU HÓA VÀ GIẢI THỰC DÂN CHO TRÁI ĐẤT”

(Nguồn: Associated press) Một người đàn ông đang đi trên một con đường vắng ở vùng ven New Delhi, Ấn Độ, tháng tư 2020.
Virus corona cho chúng ta biết gì về thời đại hiện nay của chúng ta? Chúng ta có thể phân tích cuộc khủng hoảng y tế này như thế nào? “Thế giới hậu Covid-19” sẽ ra sao? Đối với nhà hoạt động tiên phong về nữ quyền sinh thái người Ấn Độ Vandana Shiva, khủng hoảng virus corona là một hậu quả tàn khốc của nền kinh tế toàn cầu hóa và sự hủy hoại môi trường. Theo bà, chỉ có sự giảm tăng trưởng và một nền kinh tế hài hòa với thiên nhiên mới có thể ngăn ngừa được những cuộc khủng hoảng y tế mới trong tương lai.
PHỎNG VẤN do Cyrielle Cabot[*] ghi lại
Vandana Shiva là một nhà hoạt động tiên phong về nữ quyền và sinh thái Ấn Độ. Bà là tác giả của tiểu luận 1%: Giành lại quyền, đối mặt với sức mạnh vô song của những người giàu, bà thường tấn công vào số “1% những người giàu nhất hành tinh”, đặc biệt là những người khổng lồ về kỹ thuật số: Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Jeff Bezos mà bà xem như là “những quí tộc ăn cướp mới”. Bà là người đi tiên phong trong cuộc chiến chống sinh vật biến đổi gen, đáng chú ý là bà đã được nhận giải thưởng thay thế giải Nobel vào năm 1993. (Prix Nobel alternatif hay Right Livelihood Award: Đây là một giải thưởng quốc tế nhằm “tôn vinh và ủng hộ những người đề ra những giải pháp thực tế và mẫu mực cho những thách thức cấp bách mà ngày nay chúng ta phải đối mặt”. Giải thưởng được thiết lập vào năm 1980 bởi nhà từ thiện người Đức lai Thụy Điển tên là Jakob von Uexkull. Giải được trao hàng năm vào đầu tháng 12 - Theo Wikipedia - ND)

(Wikimedia Commons) Nhà hoạt động tiên phong Ấn Độ về nữ quyền sinh thái Vandana Shiva
Ta có thể xem khủng hoảng virus corona là một cuộc khủng hoảng sinh thái không?
Vandana Shiva: Hoàn toàn đúng như vậy. Khoa học đã chỉ ra rằng sự xuất hiện của những bệnh mới trong những năm gần đây, như virus corona, cũng như dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng - tiếng Anh: Severe acute respiratory syndrome - ND), virus Ebola hay Zika, là hậu quả của nạn tàn phá bởi con người các hệ sinh thái rừng và nơi cư trú của các giống loài động thực vật. Những bệnh này đã xuất hiện khi con người xâm chiếm những cánh rừng, tác động vào thực vật và bắt nhốt các loài động vật trong các trang trại. Chính điều đó đã làm cho virus lây truyền từ động vật sang người. Sức khỏe của Trái đất và sức khỏe của chúng ta không thể tách rời nhau.
Như vậy, nguyên nhân căn bản của cuộc khủng hoảng này là mô hình kinh tế tân tự do, được xây dựng dựa trên lòng tham của con người và dựa trên ảo tưởng về một sự phát triển không giới hạn. Các tập đoàn đa quốc gia điều khiển mô hình này, họ cổ vũ cho một nền nông nghiệp xâm chiếm và thao túng không gian của các giống loài khác. Nền nông nghiệp này đã tàn phá rừng Amazone bởi việc phát triển canh tác đậu nành và rừng của Indonesia bởi canh tác cây cọ dầu.
Với việc cách ly chung đối với dân cư, mức độ ô nhiễm không khí khắp nơi đã giảm rất mạnh, nhất là ở Ấn Độ. Theo bà, điều này có thể giúp nâng cao nhận thức trong dân chúng?
Ricardo Salles (1975-)
Thật vậy, ô nhiễm không khí đã giảm mạnh một khi xe hơi đã rời những con đường ở Ấn Độ. Thiên nhiên đã có thể giành lại quyền của mình ở nhiều nơi. Tiếc thay, khắp nơi trên thế giới, điều này đã không ngăn được các “Quốc gia-doanh nghiệp” [các quốc gia được các chính phủ điều hành như những doanh nghiệp, -ghi chú của biên tập viên-] dùng khủng hoảng như công cụ để giảm bớt, thậm chí hủy bỏ những qui định về bảo vệ môi trường.
Ví dụ, ở Brazil, bộ trưởng Bộ Môi trường Ricardo Salles đã khẳng định là ông sẽ giảm nhẹ các qui định về bảo vệ vùng Amazone. Kết quả là: vào tháng tư, 405 km² rừng nhiệt đới đã bị đốn hạ, nghĩa là diện tích rừng bị phá tăng 55% so với năm trước. Ở Ấn Độ cũng vậy, chính phủ đã lợi dụng thời kỳ này để cấp phép cho các hoạt động khai khoáng trong một khu bảo tồn voi, mặc dù khu bảo tồn này được xem là vùng rừng mưa gió mùa lớn nhất nước.
Chúng ta phải rút ra bài học sinh thái gì từ thời kỳ này?
Thời kỳ này nhắc nhở chúng ta rằng con người không thể tách rời khỏi thiên nhiên nhiên và chu kỳ cuộc sống. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, như mọi động vật khác. Chúng ta là thành viên của cái gia đình độc nhất đang cư trú trên trái đất. Một khi chúng ta hủy hoại đa dạng sinh học, biến đổi chu kỳ cuộc sống, thì điều đó sẽ đưa đến những khủng hoảng tất yếu. Mt khi chúng ta làm xáo trộn trật tự của thiên nhiên, tham gia vào biến đổi khí hậu và làm tuyệt chủng các giống loài, chúng ta phải chịu trách nhiệm về nạn đói, sự nghèo khó, thất nghiệp và sự phát triển các bệnh mới. Đại dịch này không phải là một thảm họa thiên nhiên, đó là một thảm họa nhân tạo, do các hoạt động của con người gây ra. Vậy chúng ta phải cấp tốc thu hẹp dấu chân sinh thái của chúng ta, tạo điều kiện cho Trái đất tự hồi phục và đa dạng sinh học được tái tạo. Nếu chúng ta làm như vậy, tất cả những khủng hoảng liên quan sẽ được giải quyết.
Có phải khủng hoảng virus corona là một ví dụ kinh khủng về những giới hạn của hệ thống kinh tế của chúng ta?
Khủng hoảng virus corona và sự cách ly đã chỉ ra rằng những ý tưởng do nền kinh tế thị trường tự do dẫn dắt là gốc rễ của vấn đề. Những ý tưởng này dựa trên một sự tăng trưởng không giới hạn, những sự di chuyển ngày càng nhiều của dân cư, những thành phố ngày càng đông đúc… Chúng buộc chúng ta phải không ngừng khai thác tài nguyên của trái đất. Cần phải ngưng toàn cầu hóa, giảm mức độ đô thị hóa, giảm công nghiệp hóa. Phải giải thực dân cho Trái đất. Cái mà ngày nay chúng ta gọi là kinh tế toàn cầu hóa đang cổ vũ cho một hệ thống trong đó người ta cố gắng nắm quyền kiểm soát toàn bộ hành tinh. Đó là một sự xâm chiếm thuộc địa, với tất cả bạo lực và cướp bóc kèm theo. Đó là điều tôi gợi ra trong tiểu luận của tôi 1% giành lấy quyền, đối mặt với sức mạnh vô song của những người giàu.
David Hume (1711-1776)
Chúng ta không còn ở trong một nền kinh tế mà là một tình trạng “phi kinh tế”. Về nguồn gốc, thuật ngữ kinh tế (économie) gắn với thuật ngữ sinh thái (écologie). Hai từ này có cùng gốc trong tiếng Hy Lạp là oikos có nghĩa là “nhà của chúng ta”. Trên lý thuyết, nếu chúng ta tham chiếu triết gia Hume thì sinh thái (écologie) được hiểu là “hiểu biết về Trái đất của chúng ta”. Như vậy, kinh tế có nghĩa là sự quản lý Trái đất. Một hệ thống hủy hoại Trái đất thì không phải là một nền kinh tế, đó là sự hủy diệt sinh thái. Ngày nay, chúng ta chỉ có quan hệ với một hệ thống tài chính rất xuất sắc trong nghệ thuật làm ra tiền, nhưng ở đó không có gì là kinh tế cả.
Chính xác hơn, bà cảm nhận thời kỳ này ở Ấn Độ như thế nào?
Ấn Độ đang ở ngã ba đường. Đây là lúc lấy quyết định: chúng ta có thể tạo ra một đất nước ở đó không có người bị đói, mọi người đều có việc làm nhưng mọi bàn tay đều bận rộn với việc phục hồi hành tinh. Nếu không như vậy, có lẽ chúng ta lại trở về với hệ thống ban đầu. Có thể chúng ta sẽ trở lại với hệ thống trong đó có 90% số người vô dụng và có thể thay thế và 10% chỉ là nô lệ cho các tập đoàn kỹ thuật số, và các tập đoàn này biến hành tinh và trí óc của chúng ta thành thuộc địa.
Những niềm hy vọng của bà về thế giới hậu virus corona sẽ là gì?
Cyrielle Cabot
Trong năm mươi năm, tôi đã cống hiến cuộc đời tôi để phục vụ hành tinh của chúng ta, nhằm cố gắng hiểu các qui luật của nó và tôn trọng chúng. Tôi đã đấu tranh để cứu lấy đất đai và bảo tồn đa dạng sinh học. Tôi đã phát huy một nền nông nghiệp sinh thái. Tôi đã dành cuộc đời tôi để bảo vệ các quyền của Mẹ Trái đất. Thông qua cuộc đấu tranh này tôi đã bảo vệ những quyền cơ bản của con người và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho điều đó. Ngày nay, sự việc càng đi xa hơn: tôi sẽ chiến đấu chống lại sự xâm chiếm thể chất và tinh thần của chúng ta như những thuộc địa. Càng ngày chúng ta càng bị giản lược thành những đồ vật và bị máy móc điều khiển. Đứng đầu cỗ máy đó là 1% số người giàu nhất đang thiết lập sự kiểm soát của họ khắp nơi. Tôi đã chiến đấu suốt đời vì tự do của tất cả mọi sinh vật, đó chính là là điều tôi tiếp tục ước mơ.
Một thông điệp cuối cùng?
Hãy hiểu chúng ta là ai, hãy hiểu con người nghĩa là gì và hãy kết nối với nhân loại. Hãy thoát ra khỏi sự kiểm soát của những tập đoàn lớn vốn chỉ sống vì lợi nhuận và vì sự kiểm soát. Virus corona đã cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể thực hiện phi toàn cầu hóa. Vậy thì hãy tạo ra những nền kinh tế địa phương và bền vững. Chúng ta là những thành viên của một đại gia đình đang cư trú trên trái đất này. Hãy nuôi dưỡng tình yêu đối với Trái đất, sự an sinh và tự do của chúng ta.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư




Chú thích:

[*] Cyrielle Cabot là một nữ ký giả trẻ, tốt nghiệp trường Cao cấp khoa học thông tin và truyền thông CELSA (École des hautes études en sciences de l'information et de la communication -Paris-Sorbonne), Cyrielle Cabot có niềm đam mê với Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, Myannar và các vấn đề của xã hội. Cô làm việc với Hãng Thông tấn xã Pháp ở Bangkok, báo Libération và Le Monde.

Print Friendly and PDF