11.9.20

Hai mươi năm làm thay đổi hệ thống đại học Trung Quốc

HAI MƯƠI NĂM LÀM THAY ĐỔI HỆ THỐNG ĐẠI HỌC TRUNG QUỐC

Từ ngày được thành lập vào năm 2003, bảng xếp hạng các đại học được một viện của Trung Quốc thực hiện đã làm đảo lộn thế giới các đại học. Bắc Kinh đã tự trang bị những phương tiện của một sự tiến hóa nhanh được đánh dấu bởi một sư di động lớn của các sinh viên của mình.
Mới tốt nghiệp một đại học ở tỉnh Quảng Đông, Sha Xue không hiểu ngay cả câu hỏi: “Bảng xếp hạng Thượng Hải? Rất tiếc tôi không biết gì cả về nó.” Cùng một câu trả lời này từ Chloé mới nhận một chân giảng viên văn học ở đại học Quảng Châu. Hay của Lucie tốt nghiệp đại học Liêu Ninh. Một cách đáng ngạc nhiên, bảng xếp hạng các đại học trên thế giới làm cho các bộ trưởng bộ đại học Pháp toát mô hồi, lại được ít biết đến ngay ở Trung Quốc.
“Các trường đại học không thực sự quan tâm đến nó, còn các sinh viên thì hoàn toàn không. Nếu bạn muốn vào một trường đại học Trung Quốc, điều được coi trọng là các sách do các thành phố và các tỉnh xuất bản, mỗi năm lập danh sách, theo đại học và theo ngành, điểm cần thiết để có khả năng được chấp nhận. Và nếu bạn muốn vào một đại học nước ngoài, bạn nên xem hai bảng xếp hạng anglo-saxon lớn: Bảng THE (Time Higher Education) và bảng xếp hạng các đại học trên thế giới của công ty tư vấn QS (Quacquarelli Symonds)/QS World University Rankings.” Đó là lời giải thích của Li Siyu, đang làm luận án tiến sĩ về chủ đề “Cao khảo (tương đương với tú tài) và tiến trình xã hội hóa các học sinh trung học ở Trung Quốc” ở đại học Lille 1.
Là giám đốc Viện Pháp-Trung Quốc ở Tô Châu, một trong mười sáu viện giúp cho sinh viên của hai nước có được văn bằng kép, Jean Paul Vergnaud tương đối hóa tầm quan trọng của bảng xếp hạng này: “Văn minh Trung Quốc rất thích xếp hạng mọi thứ: các trường học, các khu phố …. Đó là một trong những lý do khiến Trung Quốc đã tạo ra bảng xếp hạng Thượng Hải. Nhưng đây là bảng xếp hạng ít được chú ý nhất đơn giản là vì nó được một đại học Trung Quốc tạo ra. Các sinh viên xem các bảng xếp hạng quốc tế có giá trị hơn.”
Nhưng kết luận rằng bảng xếp hạng này không có ảnh hưởng nào trên hệ thống đại học Trung Quốc sẽ hoàn toàn sai. Không ở bất cứ nước nào trên thế giới, giáo dục đại học đã có một tiến hóa nhanh như vậy. Giáo dục đại học thực sự nằm ở trung tâm của chính thể vì khoa học và công nghệ là sự hiện đại hóa thứ ba được Chu Ân Lai - thủ tướng từ năm 1949 cho đến khi ông mất năm 1976 - tuyên bố, sau nông nghiệp và công nghiệp nhưng trước quốc phòng. Là một mục tiêu được các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định trong những năm 1990: chuyển từ các viện đại học chuyên ngành lấy cảm hứng từ Liên Xô đến một hệ thống mô phỏng các trường đại học tốt nhất trên thế giới - các đại học Mỹ. Và trong chiến lược này, bảng xếp hạng do đại học Giao Thông ở Thượng Hải tạo ra, là một yếu tố quyết định.
Tài năng, “động lực của chiến tranh”
Alessia Lo Porto-Lefébure

Vào thời điểm bảng xếp hạng Thượng Hải xuất hiện, Alessia Lo Porto-Lefébure là đại diện của Sciences Po tại Trung Quốc. Hiện là phó giám đốc của Trường Y Tế Công Cộng Cao Cấp (Ecole des Hautes Etudes en Santé Publique), nhà xã hội học chuyên về sự so sánh quốc tế các chính sách công cho rằng “sự phân loại này có tầm quan trọng địa chính trị rất lớn”.
Nhà nghiên cứu nhắc lại: “Đồng thời với việc gia nhập WTO [Tổ chức Thương mại Thế giới] vào năm 2001, Trung Quốc hiểu rằng nhân tài sẽ trở thành động lực của chiến tranh”, và sẽ cho xuất bản vào ngày 20 tháng 8 cuốn Mandarins 2.0 (Quan Lại thời 2.0, Presses de Science, 24 Euro) về giáo dục đại học ở Trung Quốc.
Do đó, Trung Quốc triển khai một chính sách mang tính tinh hoa dành nhiều nguồn lực hơn cho các trường đại học tốt nhất, mà bảng xếp hạng của Thượng Hải khuyến khích để đạt được trình độ của các trường danh tiếng nhất trên thế giới, bằng cách tiếp thu nhưng cũng điều chỉnh các tiêu chí của Mỹ. Alessia Lo Porto-Lefébure tiếp tục: “Ví dụ, họ không tính đến sự nổi tiếng của các trường đại học đối với các công ty - vốn có lợi cho người Mỹ - mà lại cho nghiên cứu một trọng lượng lớn hơn, lĩnh vực Trung Quốc có thể dễ dàng cạnh tranh hơn. Kết quả là, hai mươi năm trước, các cơ sở giáo dục đại học Phương Tây được trải thảm đỏ khi họ đến Trung Quốc. Và ngày nay thì Trung Quốc coi thường chúng ta.
Ở phía nam Thượng Hải, các văn phòng của công ty ShanghaïRanking nằm ngay bên cạnh Đại học Giao Thông. Kể từ năm 2009, để tránh bất kỳ xung đột lợi ích nào, nhóm trách nhiệm về sự xếp hạng đã trở thành một công ty tư vấn độc lập. Phòng họp mà tổng giám đốc Ying Sheng tiếp khách, được gọi là... “MIT”. Khó mà rõ ràng hơn. Mô hình là các trường đại học của Mỹ. Một bức ảnh của Grand Canyon cũng minh họa cho trang bìa của tập tài liệu năm 2019 trình bày “Xếp hạng học thuật của các trường đại học thế giới” trên giấy bóng.
“Phục vụ cho một dự án chính trị”
Vào đầu những năm 2000, đại học Giao Thông là một trong hơn 40 trường đại học Trung Quốc nhận được tài trợ công để vươn lên trình độ của các trường đại học quốc tế. Ying Sheng giải thích: “Để làm được điều này, trường đã buộc phải phát triển một kế hoạch chiến lược. Giám đốc Văn phòng các trường đại học Thượng Hải nảy ra ý tưởng phát triển một chỉ số để biết được khoảng cách tồn tại giữa các trường đại học Trung Quốc và các trường đại học đẳng cấp thế giới.”
Các nhà lãnh đạo trường đại học sau đó đã bắt đầu so sánh với các trường đại học Mỹ bằng cách lấy mười chỉ báo, trước khi gửi báo cáo lên chính quyền trung ương ở Bắc Kinh vào tháng 12 năm 2001. Ying Sheng nói tiếp: “Sau đó, chúng tôi mất hai năm để thành lập một bảng xếp hạng. Chúng tôi lấy sáu tiêu chí khách quan, bao gồm số lượng các giải thưởng Nobel và huy chương Fields mà các sinh viên tốt nghiệp hoặc các giáo viên nhận được, cũng như số lượng bài báo được đăng trên các tạp chí Nature và Science. Mục tiêu không phải để cải thiện các trường đại học của Trung Quốc, mà chỉ đơn giản là để so sánh chúng với các trường tốt nhất trên thế giới.
Mỗi năm, Trung Quốc tiến triển trong bảng xếp hạng nổi tiếng này. Mười năm trước, mười trường đại học Trung Quốc nằm trong Top 500. Bây giờ con số này đã hơn năm mươi. Thậm chí bốn trường còn nằm trong Top 100, so với không có trường nào mười năm trước đó. Mặc dù chưa có người đoạt giải Nobel hoặc người đạt huy chương Fields xuất thân từ các trường đại học Trung Quốc, nhưng các nhà khoa học Trung Quốc vẫn nằm trong số những người giỏi nhất thế giới, như những thành công gần đây của nước này trong lĩnh vực không gian, trí tuệ nhân tạo hay di truyền học đã chứng minh. Đó là vì khoa học nằm trong trọng tâm của “giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình. Lên nắm quyền vào năm 2012, tổng thống còn đặt ra tiêu chuẩn cao hơn những người tiền nhiệm của mình. Trung Quốc sau này phải trở thành “một quốc gia sáng tạo” vào năm 2020, “một trong những quốc gia sáng tạo nhất” vào năm 2030 và “cường quốc sáng tạo chính” vào năm 2049, cho lễ chào mừng một trăm năm của Trung Quốc Cộng sản.
Có cần phải nói rõ không? Nếu là một Đảng viên không phải là điều kiện đủ để thăng tiến, không có cách nào để xây dựng sự nghiệp trong môi trường đại học nếu biểu lộ bất cứ sự khác biệt nhỏ nhất về tư tưởng. “Đại học thực sự phục vụ cho một dự án chính trị. Tôi không thích chủ nghĩa văn hóa cho lắm nhưng các nhà nghiên cứu Trung Quốc tin rằng họ làm việc cho đất nước của họ và yêu điều này”, Alessia Lo Porto-Lefébure nhận xét.
Mở ra thế giới
Chủ nghĩa công nghệ-quốc gia này đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể nhưng, một cách nghịch lý, cũng đòi hỏi sự mở rộng ra thế giới. Vào ngày 19 tháng 9 năm 2019, trong một loạt các bài báo tuyên truyền ca ngợi tất cả những gì Cách mạng ngày 1 tháng 10 năm 1949 đã mang lại cho người Trung Quốc, nhật báo China Daily Trung Quốc đã dành cả một trang cho thực tế rằng “du học không còn chỉ dành cho thành phần ưu tú”. Không chỉ ngày càng có nhiều người Trung Quốc đi du học - ít hơn 20.000 người vào năm 1998, hơn 662.000 người vào năm 2018 - mà hiện nay họ du học mà không có sự hỗ trợ của nhà nước. Theo nhật báo cộng sản “gần 90%” đi du học tự túc. Cho con đi du học Mỹ vẫn là ước mơ của mọi phụ huynh Trung Quốc. Ngay cả Tập Cận Bình cũng đã gửi con gái của mình qua đó.
Hệ thống giáo dục Trung Quốc cũng đang chứng tỏ một sự thích ứng đáng kinh ngạc. “Trước đây, các trường đại học Mỹ muốn biết liệu các ứng viên có khả năng hiểu sâu một văn bản hay không. Rồi sau đó, ngược lại, họ ưu ái những người có óc tổng hợp” Li Siyu lưu ý. Năm 2013, Trung Quốc đã cải cách kỳ thi tuyển Cao khảo cho phù hợp. Cô nghiên cứu sinh nhấn mạnh “Từ khi các trường đại học Mỹ cũng muốn kiểm tra tính cách của học sinh, các trường trung học tốt nhất của Trung Quốc đang nhân lên các lựa chọn cho phép học sinh phát triển khía cạnh này hoặc khía cạnh khác trong tính cách của họ”. Sự hiện diện của sinh viên Trung Quốc trong các trường đại học Mỹ - 370.000 sinh viên vào năm 2019 - cao đến mức Donald Trump đang xem xét hạn chế nó.
Bởi vì nếu một số ở lại phương Tây, hầu hết các “rùa biển”, như họ được gọi, sẽ trở về nước. “Trong số 3,2 triệu sinh viên đã hoàn thành chương trình học của mình, 2,6 triệu (82,2% tổng số) đã chọn quay trở lại Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc dựa trên việc đánh cược về sự trở về của sinh viên đang phát huy tác dụng: trong khi ngày càng nhiều sinh viên ra nước ngoài, thì từ nay, càng nhiều sinh viên Trung Quốc, năm này qua năm nọ, trở về nước để lập nghiệp. Điều này chắc chắn làm cho sự di chuyển của sinh viên Trung Quốc trở thành một trong những cuộc di cư có kế hoạch lớn nhất trong lịch sử”, Jean-François Vergnaud và trợ lý Alain James-Palisse viết trên tạp chí Hérodote (quý 1 năm 2018).
Trong hai mươi năm, đặc biệt nhờ vào những cuộc đi về này, Trung Quốc đã giảm được phần lớn sự chậm phát triển trong lĩnh vực khoa học. Hơn nữa, ngày nay rất khó để có được một vị trí giảng dạy hoặc nghiên cứu tại một trong những trường đại học tốt nhất Trung Quốc mà không thông qua sự đào tạo ở một đại học phương Tây. Như vậy, 60% thành viên của Viện Khoa học Trung Quốc có văn bằng phương Tây. Ngược lại, gần một phần ba các công trình có trình độ cao cấp được trình bày vào năm 2019 tại các hội nghị khoa học ở Hoa Kỳ về trí tuệ nhân tạo là do các nhà nghiên cứu đã hoàn thành một phần hành trình học tập ở Trung Quốc nhưng thường đa phần sống và làm việc ở Hoa Kỳ, theo một công trình nghiên cứu của viện Marco Polo của Mỹ, vào tháng 6. Vừa là một tác nhân vừa là biểu tượng của sự toàn cầu hóa giáo dục đại học và sự trỗi dậy của Trung Quốc, Bảng Xếp hạng Thượng Hải do đó, theo cách riêng của nó, chứng minh cho ​​sự chuyển đổi của thế giới.
Phạm Như Hồ dịch
Print Friendly and PDF