9.9.20

“Nudges” và “dữ liệu lớn” trong thế giới sau này: mối đe doạ đối với khế ước xã hội?

“NUDGES”[*] VÀ “DỮ LIỆU LỚN” TRONG THẾ GIỚI SAU NÀY: MỐI ĐE DỌA ĐỐI VỚI KHẾ ƯỚC XÃ HỘI?

Sacha Bourgeois-Gironde[**]Bruno Deffains[***]
Sự quản lý cuộc khủng hoảng Covid-19 đã dẫn đến các biện pháp rất nặng nề cho các quyền tự do: phong tỏa, cách ly và thu thập dữ liệu lớn cho ứng dụng StopCovid. Nếu tất cả những điều này được thực hiện “vì lợi ích của chúng ta”, chúng ta có thể đặt câu hỏi về việc tăng cường đột ngột “chủ nghĩa gia trưởng tự do”, và những tác động của nó trên khế ước xã hội. Nhà nước có thể âm thầm phân tích và hướng dẫn hành vi của chúng ta mà không phải chịu bất cứ sự trừng phạt nào không?
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tiết lộ một cách sâu sắc hai xu hướng tiềm ẩn trong quá trình phát triển các phương thức cai trị: thu thập và xử lý dữ liệu lớn liên quan đến các hành vi cá nhân và sự hình thành các dự đoán về cách thức các hành vi này có thể được hướng dẫn bởi sự thiết kế kết cấu của các lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh.
Bruno Deffains
Sacha Bourgeois-Gironde
Đó là ý nghĩa và phạm vi, hay đúng hơn là sự thiếu việc khái niệm hóa và dự đoán các tác động của sự kết hợp giữa hai xu hướng này hiện nay mà chúng tôi muốn nêu lên. Tự nó, đây chỉ là các kỹ thuật và chúng tôi không lên án việc sử dụng các kỹ thuật, thậm chí không nhất thiết là các kỹ thuật này, miễn là ý nghĩa và phạm vi được làm rõ, nhằm cải thiện các phương thức cai trị, dù là trong cuộc khủng hoảng hoặc trong thời gian bình thường. Nhưng một kỹ thuật cai trị không nhất thiết hợp, mà không có sự thận trọng lý thuyết, với tính chính đáng của một quyền lực được thiết lập và cấu thành trên cơ sở mang tính chuẩn tắc - những cơ sở phải tạo ra một cái khung, giới hạn và trao một ý nghĩa công khai được chấp nhận với bản chất và công dụng của nó.
Như chúng tôi vừa nói, chúng tôi đặc biệt nhắm đến sự kết hợp việc xử lý dữ liệu lớn với sự thiết kế kết cấu của các lựa chọn và sự củng cố lẫn nhau của hai kỹ thuật này, và chúng tôi nghĩ rằng vấn đề này đụng đến nền tảng chuẩn tắc của khế ước xã hội của chúng ta. Nhưng điều đáng nhắc lại là làm thế nào mỗi một kĩ thuật, một cách độc lập, đã trở nên nổi bật đến mức dường như tạo thành một phương cách xử lý hin nhiên trong việc quản lý cuộc khủng hoảng y tế hiện tại.
Xu hướng đầu tiên liên quan đến việc sử dụng và kỹ thuật thu thập dữ liệu lớn, như trong những thách thức nảy sinh trong việc quản lý cuộc khủng hoảng Covid-19. Sự lây lan của virus đã gây ra sự rối loạn rất lớn trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, từ sự bùng nổ của việc lao động từ xa đến các biện pháp phong tỏa phổ cập, thường bao gồm các biện pháp cách ly hoặc phong tỏa. Một số lượng đáng kể các quốc gia thậm chí đã áp dụng nhiều biện pháp “mạnh mẽ” hơn để chống lại Covid-19, đặc biệt là bằng cách sử dụng dữ liệu cá nhân để theo dõi các công dân bị nhiễm bệnh.
Người ta đã sớm nhận thức một cách rõ ràng rằng một trong những tài nguyên lớn nhất của thời điểm hiện nay là các dữ liệu cá nhân và đặc biệt là các dữ liệu định vị. Ví dụ, Đài Loan đã thiết lập một chính sách giám sát cá nhân đặc biệt ràng buộc. Tương tự như vòng đeo ở mắt cá chân, điện thoại truyền dữ liệu định vị của người dùng cho chính quyền địa phương và cảnh sát. Nếu điện thoại rời khỏi khu vực được cho phép hoặc dừng truyền thông tin, cảnh sát sẽ kiểm tra tại chỗ để đảm bảo rằng các quy tắc cách ly được tôn trọng.
Tại Liên Minh Châu Âu, Quy định tổng quát về việc bảo vệ dữ liệu (“RGPD”) giới hạn những gì các công ty có thể và không thể làm với dữ liệu của người sử dụng chúng. Quy định này xem vài đặc điểm nhất định là “dữ liệu cá nhân” như vị trí, dữ liệu dân số, tên, địa chỉ ... do đó phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng về sự bảo mật các siêu dữ liệu. Tại Hoa Kỳ, những lo ngại phát sinh từ cách xử lý dữ liệu cá nhân, nhưng không có luật bảo vệ dữ liệu thống nhất, duy nhất. Án lệ và các luật của các bang khác nhau tạo thành một bức tranh ghép mảnh về các quy tắc mà một ứng dụng theo dõi phải tôn trọng để được áp dụng trên quy mô quốc gia.
Trên khắp thế giới, câu hỏi đặt ra là mọi người có sẵn sàng từ bỏ một phần của cuộc sống riêng tư mà họ ghi lại trên các dữ liệu cá nhân của họ để chống lại Covid-19 một cách hiệu quả và nếu vậy, điều gì sẽ xảy ra sau khi mọi thứ kết thúc?
Vấn đề mà chúng tôi nhận thấy trong các thao tác ít nhiều vô hại này chủ yếu là do sự thiếu một suy nghĩ thực sự mang tính chuẩn tắc về việc sử dụng chúng.
Richard Thaler (1945-)
Cass Sunstein (1954-)
Xu hướng thứ hai - phổ biến dưới cái tên “nudging” kể từ cuốn sách bán chạy của Thaler và Sunstein (2009) - đã dần dần thâm nhập vào một số lĩnh vực của chính phủ[1] cũng như vào văn hóa và đầu tư khoa học của một số chuyên gia về khoa học hành vi và nhận thức. Các chuyên gia này tìm thấy một nơi tiêu thụ đúng lúc và hiệu quả trong xã hội về khả năng của họ để xác định bằng thực nghiệm các mối tương quan giữa những gì họ biết về hoạt động của tâm trí con người và các hành vi được quan sát trong các điều kiện thực nghiệm.
Điểm chính mà chúng ta có thể chỉ trích không phải là tính hợp thức bên ngoài của những thí nghiệm này và những mối tương quan này. Đúng là các môi trường xã hội phong phú và phức tạp hơn các môi trường ở phòng thí nghiệm, nhưng điều này không cấm chúng ta nghĩ rằng có những hiện tượng tâm lý và hành vi mạnh mẽ chịu được sự chìm đắm trong “cuộc sống thực”. Cũng chính nhờ tính mạnh mẽ bề ngoài này mà kinh tế học hành vi, thông qua việc xác định một danh sách các sự lệch lạc về nhận thức và hành vi, đã trở nên phổ biến.
Trong một thời gian, việc cập nhật những sự lệch lạc này đã phục vụ mục đích phê phán là gây sự bất ổn đối với huyền thoại của con người kinh tế/homo economicus (có lẽ là một người rơm) được cho là được hướng dẫn bởi tính duy lý và năng lực nhận thức hoàn hảo. Chủ nghĩa hiện thực tâm lý này đã tìm thấy một sự tiếp nối công cụ, nhưng gần như nghịch lý, trong ý tưởng về nudge. Bởi vì bây giờ đây, cần phải “hợp lý hóa” những sự lệch lạc ​​này, phải tập hợp các hiệu ứng của chúng trong những kết cấu của các lựa chọn để chúng có lợi cho người bị chúng chi phối và cuối cùng là tối ưu cho xã hội. Mang đầy khiếm khuyết về nhận thức, có dự đoán sai về những gì có thể tối đa hóa lợi ích cho mình, cá nhân vẫn có thể mong muốn hạnh phúc vì một thực thể nhân từ biết trước làm thế nào để chuyển hướng những khiểm khuyết của mình một cách tốt nhất.
Ở đây, chúng tôi không muốn thảo luận về chủ nghĩa gia trưởng gắn liền với quan điểm này, một quan điểm đã được nhấn mạnh nhiều lần. Người ta thường nghĩ rằng chủ nghĩa gia trưởng “tự do”, như ta thường gọi nó, không có xu hướng xâm phạm hay tác hại đến tự do cá nhân, vì chính sự sắp đặt của các lựa chọn (kết cấu của chúng, sự “thiết kế” môi trường ra quyết định), chứ không phải là sự sẵn có của các lựa chọn được thao tác trong môi trường thử nghiệm. Đây là ví dụ điển hình, ở Thaler và Sunstein, của quầy cà phê nơi các món salad được trình bày nhô ra hơn so với món mì ống phô mai. Vấn đề mà chúng tôi nhận thấy trong các thao tác ít nhiều vô hại này là do sự khái quát hóa chúng, do sự liên kết của chúng với các kỹ thuật tinh tế để dự đoán hành vi, và nhất là không có một sự suy nghĩ thực sự mang tính chuẩn tắc về việc sử dụng chúng vốn phải vượt khỏi trò chơi khái niệm về bề mặt xung quanh nghịch dụ “chủ nghĩa gia trưởng tự do”[2].
Chẳng hạn, đối với các chuyên gia khoa học hành vi hiện nay, đó là các kỹ thuật truyền thông để khuyến khích mọi người rửa tay hoặc nắm bắt một cách trực giác khoảng cách phù hợp cần phải duy trì giữa các cá nhân. Thật vậy, có gì vô hại và hữu ích hơn là hướng dẫn các cá nhân hướng tới những hành vi có lợi này bằng những thông điệp hiệu quả? Không còn nghi ngờ gì nữa, thậm chí có mối liên hệ sâu sắc giữa cảm giác của chúng ta về sự thuần khiết, thậm chí về sự thiêng liêng, neo sâu vào trong sự tiến hóa và sinh học thần kinh, và thiên hướng hay sự miễn cưỡng, tùy vào cá nhân, để giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh và một khoảng cách xã hội mang tính bảo thủ về mặt sinh học.
Một lần nữa, về nguyên tắc, chúng ta chỉ có thể ca ngợi sự đóng góp của khoa học nhận thức và hành vi để hiểu các cơ chế tâm lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hoặc cản trở việc áp dụng các thực tiễn y tế công cộng trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, khía cạnh bị lãng quên và không tạo ra bất kỳ sự suy nghĩ đặc biệt nào kể từ khi các nudge xuất hiện và được phổ biến, là vị trí của những thực tiễn này trong không gian công cộng vốn dường như là sân chơi ưu tiên của chúng.
Đối với những người ủng hộ những thực tiễn này, không gian “công cộng”, chính sách “công”, sự khác biệt giữa không gian riêng tư và “không gian công cộng” và các nguyên tắc cơ bản chi phối sự khác biệt này có ý nghĩa nào không? Trên thực tế, trong cuộc tranh luận tư tưởng này, có mối quan tâm rộng rãi về sự chi phối của dữ liệu lớn đối với cuộc sống riêng tư, nhưng còn vấn đề của sự tác động của các nudge trên cuộc sống công cộng thì sao? Và khi nudge và dữ liệu lớn hoạt động cùng nhau thì như thế nào?
Nếu chúng ta quan sát thấy một sự cải thiện nhờ sự kết tụ các hành vi được sửa chữa, thì còn phải phàn nàn gì nữa?
Các vấn đề quan trọng đối với chúng tôi được đặt ra ở ba cấp độ khác.
Vấn đề đầu tiên thuộc về lĩnh vực mà chúng tôi gọi là lĩnh vực mô tả. Dữ liệu thô cũng như sự quan sát các mối tương quan giữa môi trường và hành vi càng được chấp nhận khi chúng có vẻ là không có bất cứ sự gắn chặt nào vào ý thức hệ và quy phạm. Chúng được coi là sự mô tả trung tính và do đó ta không nên nghi ngờ chúng. Nếu chúng ta quan sát thấy một sự cải thiện về hành vi và nói chung là xã hội nhờ sự kết tụ các hành vi đã được điều chỉnh, do những dữ liệu này hoặc những mối tương quan này đã được sử dụng, thì còn phải phàn nàn điều gì nữa? Thì chính là sự tương phản mà việc ưu tiên cho sự kiện, dữ liệu và tương quan thống kê khơi dậy: ngược lại với sự ưu tiên này là sự ngờ vực đối với những gì không được xem một cách tiên nghiệm là trung tính.
Có một xu hướng, trong kinh tế học hành vi, nhưng cũng có trong kinh tế học phát triển, ví dụ như trong các tác phẩm được trao giải thưởng Nobel năm ngoái, để loại bỏ các khía cạnh chính trị và chuẩn tắc của nghiên cứu của nhà kinh tế. Các công thức thực nghiệm, tinh vi và được áp dụng một cách ấn tượng và khá thuyết phục dựa trên việc chuyển dịch các quan sát về hành vi ở cấp độ khu vực hoặc quốc gia, có thể giúp cải thiện phúc lợi của người dân. Tuy phúc lợi là một khái niệm thực sự mang tính chuẩn tắc, nhưng điều quan trọng trong bối cảnh này là cơ sở trên đó nó được tối đa hóa là độc lập với một quan điểm chính trị cụ thể.
Nói cách khác, sự cải thiện phúc lợi của người dân thông qua các công thức này tương hợp với bất kỳ quan niệm chính trị nào quyết định rằng việc sử dụng chúng không phải là không tương thích với nó. Điều quan trọng là xóa đói giảm nghèo, xóa nạn mù chữ và loại trừ bệnh tật, chứ không phải xem xét mối liên hệ có thể có của chúng với các phương thức và tiêu chuẩn cai trị vả lại đã tạo điều kiện cho chúng xuất hiện. Cách tiếp cận như vậy mở rộng khoảng cách đặt thành vấn đề giữa những cách sử dụng và kỹ thuật nhằm phục vụ những gì, được các giới chính phủ hoặc khoa học sử dụng các “nudges” gọi là “chính sách công” và chính ngay là chính trị - tức là sự định hướng hoàn toàn không trung tính các khung xã hội, pháp lý và kinh tế của cuộc sống và hành vi của chúng ta.
Khoảng cách này còn có mặt ở mức sâu hơn nữa. Khi ủy thác trong một tình huống nhất định tính duy lý của cá nhân, bị xem như là thiếu sót, cho một nhà thiết kế nhân từ các kết cấu của các lựa chọn, thì đó vấn đề đặt ra không chỉ là sự rủi ro gia trưởng gắn liền với sự ủy thác này và sự miễn trừ trách nhiệm tương đối của cá nhân, mà còn là sự suy giảm của mối quan hệ dựa trên sự đồng ý và sự đối thoại giữa cá nhân và nhà thiết kế này. Do đó, vấn đề thứ hai là việc nhấn mạnh sự bất cân xứng về mặt thông tin giữa việc thực hiện “chính sách công”, khi chúng dựa trên các nudges, và sự thiếu nhận thức của cá nhân về các sửa đổi được thực hiện đối với bản chất và cấu trúc của các cơ hội của mình, ngay cả khi những sửa đổi này sẽ dẫn đến việc cải thiện phúc lợi, sức khỏe hoặc triển vọng của bản thân.
Các nudges được cho là bảo tồn các lựa chọn và trạng thái tâm trí của cá nhân. Đây là đức tính không có xu hướng xâm phạm của chúng. Do đó, một nudge thường được trin khai mà không có tín hiệu đi kèm thông báo cài đặt nó. Hướng dẫn hành vi phải được thực hiện một cách ngầm, nếu như không phải là một cách ngấm ngầm. Vì thế, sự thay đổi này không phải là kết quả của một sự đối thoại hoặc đồng ý. Sự cần thiết của sự thay đổi dường như không cần thiết, vì các lựa chọn ban đầu vẫn còn đó. Do đó, không có sự vi phạm các quyền hiến định nào, như sự cn trở đối với tự do cá nhân, có thể bị quy cho các thực tiễn tối giản này.
Nhưng sự mở rộng của các thực tiễn này cũng là sự mở rộng của các vùng cô lập trong phạm vi công cộng mà bản chất không nhận được sự đồng ý, và lại càng không dựa trên sự đồng ý trên một cơ sở sáng tỏ và duy lý, vì sự vắng mặt của cơ sở này chính là điều tiền giả định mà nhờ nó những thực tiễn này được xem là chính đáng. Do đó, đó không chỉ là sự tách biệt, viện cớ sự trung tính, cái mô tả và cái chuẩn tắc, sự can thiệp hiệu quả và sự can thiệp chính trị, mà ta cần phải truy xét ở đây, nhưng còn phải truy xét sự trung hòa năng lực và yêu cầu dân chủ của các cá nhân để đóng góp cho các cuộc thảo luận mang tính quy phạm về những gì cấu thành phạm vi của sự can thiệp công cộng. Sự trung hòa phạm vi công cộng bởi quan niệm tạo cơ sở cho một số chính sách công cộng nhất định, gợi ý đến nguy cơ giảm thiểu cuộc đối thoại giữa công dân và cơ quan công quyền, vốn nằm ở cái gốc của khế ước xã hội, cái chế độ mà chúng ta đã tự nguyện sống trong đó.
Mối đe dọa này đối với khế ước xã hội là vấn đề thứ ba và cấp bách nhất. Tính thời sự của nó xuất phát từ sự kết hợp mới của các nudge và dữ liệu lớn trong cuộc khủng hoảng hiện nay, khi không có một suy nghĩ mang tính quy phạm về các rủi ro cho nền dân chủ sẽ đi cùng với việc triển khai chúng. Các thuật toán hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên số dữ liệu to lớn cho thấy rõ những tương quan mà các kỹ thuật thực nghiệm cổ điển không thể nào quan sát được.
Thiết kế của các kết cấu của các lựa chọn xuất phát từ đó khác với các nudges “tĩnh” được Thaler và Sustein phổ biến (chẳng hạn như sự sắp xếp các món salad). Nudges dựa trên phân tích dữ liệu lớn được “thiết kế” trên cơ sở thông tin được thu thập trực tuyến, trên các mạng và được cập nhật liên tục. Đó là những nudges năng động và liên kết với nhau một cách độc lập (pervasifs), chúng có thể không có xu hướng xâm nhập theo nghĩa lúc nào cũng có thể lựa chọn một điều khác với những gì được quy định, một cách càng ngày càng ít mang tính ngầm, nhưng chúng lại vẽ ra những hướng ứng xử nên theo, thay vì những sự lựa chọn độc nhất và độc lập với nhau. Trong trường hợp ứng dụng StopCovid, đạo đức hóa việc sử dụng nó gắn với việc không muốn bị xét như là người chịu trách nhiệm về sự lây nhiễm của người khác, thì yêu cầu về tinh thần công dân, về ý thức trách nhiệm hoặc thậm chí đơn giản là nhân tính, hướng dẫn hành vi theo một phong cách đã thực sự mang tính chỉ thị và gia trưởng.
Khi màn che càng bị xé rách đi, thì liệu chúng ta còn đoàn kết với nhau giống như trước nếu biết được rằng có một số người có nguy cơ rất lớn, còn những người khác thì không?
Việc sử dụng nudge, với StopCovid, được triển khai ở hai cấp độ. Ở thượng nguồn, cần phải khuyến khích công dân, mà đức hạnh không phải là tự phát, tải xuống và sử dụng ứng dụng này; ví dụ bằng cách liên kết việc tải nó xuống với quyền truy cập miễn phí vào các trang web giải trí, v.v.. Ở hạ lưu, cần phải phân tích dữ liệu được thu thập để tinh chỉnh các khuyến nghị hành vi bằng những nudge mới sẽ được thiết lập.
Ngay cả việc sử dụng một cách đại trà các nudges được lặp đi lặp lại này, do việc thu thập thông tin cá nhân, cho dù phải phát sinh các cảnh báo riêng lẻ và được kèm theo với các chỉ dẫn về sự đồng ý[3], gây nên những tác động đáng ngại không chỉ đối với quyền tự do, như đã được đương nhiên nhấn mạnh, mà cả đối với sự bình đẳng và sự đoàn kết. Đối với chúng tôi, cần phải khẩn cấp khôi phục sự ưu tiên của một cái khung quy phạm xác định và giới hạn việc sử dụng chúng. Và cần phải làm mà không sợ chống lại luận chứng gây mặc cảm tội li khiến cho ta nghĩ rằng việc đòi hỏi một cái khung như vậy có thể, trong trường hợp tốt nhất, làm chậm lại, và trong trường hợp xấu nhất chống lại những biện pháp hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống lại những tai họa tác động đến nhân loại.
Để hiểu những thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt, chúng ta phải quay về quá khứ và đặc biệt hơn với câu hỏi ám ảnh thế kỷ 19: làm thế nào quan niệm các hệ thống bảo trợ xã hội mà không đụng chạm đến các nguyên tắc tự do được thừa hưởng từ Cách mạng Pháp? Xã hội sinh ra từ Cách mạng, mà đặc tính được thể hiện trong Bộ luật Dân sự, là một thế giới của những công dân tự do và bình đẳng về mặt lý thuyết, kết nối với nhau bằng những hợp đồng mà các bên tham gia cam kết về trách nhiệm cá nhân của họ. Trong thế giới này, mọi người phải tự bảo vệ mình trước sự rủi ro (tuổi già, bệnh tật, tai nạn) bằng sự phòng xa cho chính mình hoặc bằng cách cáo giác người gây ra sự rủi ro: người công nhân nạn nhân của một vụ tai nạn lao động phải chứng minh thành công lỗi của người chủ lao động.
Chính trong đạo luật về tai nạn lao động, được thông qua vào năm 1898, khái niệm bảo hiểm tập thể được sử dụng lần đầu tiên trên toàn quốc. Bằng cách đặt tai nạn dưới mục của sự ngẫu nhiên (may rủi) và các bất trắc của số phận, người ta đã tự cho phương tiện để vượt ra ngoài khái niệm trách nhiệm cá nhân. Chính trên cơ sở mới này, toàn bộ hệ thống bảo trợ xã hội được dần dần xây dựng đánh dấu sự xuất hiện của nhà nước phúc lợi trong thế kỷ 20.
John Rawls (1921-2002)
Trong truyền thống về khế ước, John Rawls sẽ bổ sung vào Lý thuyết công bằng xã hội của mình rằng các đối tác hợp tác đều hoàn toàn không biết về tình hình cá nhân của họ, hiện tại hoặc tương lai, trong xã hội: “Trong số các đặc điểm thiết yếu của tình huống này, có một thực tế là không ai biết vị trí của mình trong xã hội, vị trí giai cấp hay địa vị xã hội của mình, cũng như không có bất kỳ ai biết được số phận dành riêng cho mình trong việc phân phối năng lực và năng khiếu tự nhiên, ví dụ như trí thông minh, sức mạnh, v.v.”. Do đó, các đối tác được đặt, theo công thức nổi tiếng, đằng sau một bức màn vô tri, một tình huống tốt để xác định các nguyên tắc của sự công bằng một cách công minh. Bức màn vô tri này rất mong manh, và nó lại càng mong manh với sự khai thác mạnh mẽ các dữ liệu cá nhân.
Dù ta không nhận biết được ngay lập tức, sự số hóa xã hội thực sự tạo ra một cuộc khủng hoảng “triết lý” của khế ước xã hội. Cho đến nay, mô hình của chúng ta thuộc loại dựa trên bảo hiểm. Không giống như sự cứu trợ, cơ chế bảo hiểm tạo ra sự đoàn kết để đối mặt với những rủi ro nhất định: những gián đoạn liên quan đến bệnh tật, thất nghiệp, nghỉ hưu, tai nạn trong cuộc sống. Đáp án của hệ thống bảo hiểm dựa trên “sự tương hỗ rủi ro”. Tại sao chúng ta chấp nhận sức nặng của sự đoàn kết này? Bởi vì chúng ta biết rằng mỗi chúng ta đều có nguy cơ và chúng ta không biết trước ai sẽ là nạn nhân của các vụ tai nạn hoặc các sự gián đoạn. Chính sự không chắc chắn này về tương lai của chúng ta, bức màn vô tri này là nền tảng của sự tái phân phối. Tuy nhiên, hôm nay, tấm màn này đang bị xé rách.
Xã hội đang trở nên minh bạch hơn và ít đồng nhất hơn do việc thu thập dữ liệu cá nhân và các phân tích hành vi mang tính “dự đoán”, ngày càng tinh vi trong tất cả các lĩnh vực. Các sự kiện hiện tại trong lĩnh vực y tế khiến chúng ta nhận thức được sự cần thiết phải suy nghĩ lại các mối liên kết đoàn kết chúng ta trong khuôn khổ khế ước xã hội. Màn che càng bị xé rách đi, thì liệu chúng ta còn đoàn kết với nhau giống như trước nếu biết được rằng có một số người có nguy cơ rất lớn, còn những người khác thì không? Tương tự như vậy, liệu thực tế là đối với nhiều người, nạn thất nghiệp và sự bấp bênh không còn là những tai nạn rủi ro, mà là một trạng thái thường xuyên, có làm thay đổi một cách cơ bản bản chất của sự chăm sóc họ không?
Việc kỹ thuật số “đi kèm” cuộc sống của chúng ta tất yếu có xu hướng hạn chế lĩnh vực các khả năng về năng lực hành động cá nhân bằng cách đóng khung các lựa chọn của chúng ta khi các nudge được kết hợp với sự phân tích dự đoán dựa trên việc thu thập dữ liệu lớn. Đối mặt với những thách thức mới này, sự đoàn kết là một giá trị bị thử nghiệm. Nó phải đối mặt với lời hứa về các giải pháp ngày càng cá nhân hóa để đối phó với các rủi ro xã hội và điều này thông qua việc phát triển các công cụ đi kèm với lời hứa cho mọi người để tự bảo vệ mình với mức giá hợp lý nhất.
Trong một môi trường như vậy, chúng ta hiểu rằng logic của sự đoàn kết tập thể đang gặp nguy hiểm mặc dù nó có thể chưa bao giờ là cần thiết như vậy để bảo tồn khế ước xã hội. Giải pháp không nằm ở chủ nghĩa gia trưởng nhân từ và tự do triệt để, mà nằm bên phía một sự giao thoa không tuỳ tiện với các quyền tự do cá nhân của chúng ta. “Chính sách công” dựa trên việc sử dụng dữ liệu lớn và các nudges, bỏ quên, trong hoàn cảnh hiện tại, sự suy nghĩ đủ sâu sắc về những gì cấu thành một sự “can thiệp không tuỳ tiện”.
Điều này thậm chí còn đúng đối với các nudges hơn cả đối với các dữ liệu khổng lồ, trong chừng mực mà chúng có vẻ là trung tính và không có xu hướng xâm nhập một cách tự nhiên. Thực tế là chúng có xu hướng thay đổi và làm lu mờ các chuẩn mực làm nền tảng cho quan niệm của chúng ta về lĩnh vực công cộng, và một cách mạnh mẽ hơn nữa khi chúng được kết hợp với sự thu thập thông tin cá nhân. Do đó, đối với chúng tôi, cần phải khẩn cấp tái xác định khế ước xã hội, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, để tránh việc những điều gì được dự đoán trở thành thật sự những điều quy định.
Phạm Như Hồ dịch




Chú thích:

[*] Nudge là một sự can thiệp nhằm định hướng các hành vi của cá nhân mà không tạo nên mặc cảm tội lỗi hay ép buộc cá nhân đó, trong khi vẫn duy trì quyền tự do riêng tư của họ, với mục đích là mang lại nhiều phúc lợi cho họ. Ta có thể tìm thấy một minh họa hoàn hảo của khái niệm nudge trong một sự kiện ở metro ở Stockholm: các cầu thang được sơn lại như là một chiếc đàn piano to lớn đã thấy việc sử dụng chúng tăng 70% so với cầu thang máy (xem hình đính kèm): khi ta thay đổi các đặc tính về môi trường của người sử dụng (trong trường hợp này là sự thêm vào một khía cạnh trò chơi và độc đáo), người thiết kế nudge đã khuyến khích người sử dụng có một hành vi nhất định được xem như là tốt cho sức khỏe của họ.

Nudge là một khái niệm chính trong lý thuyết của Thaler (giải Nobel kinh tế 2017) và Sunstein, những nhà kinh tế học tâm lý. Họ trình bày lý thuyết của họ như là một triết lý mới về sự can thiệp công cộng nằm giữa chính sách tự do kinh doanh và sự quy định mang tính ràng buộc, với định đề xuất phát là việc tác động đến hành vi của con người để giúp họ sống lâu hơn và có nhiều sức khỏe hơn, có được nhiều phúc lợi hơn là hoàn toàn chính đáng. Để có một trình bày chi tiết và những phê phán về thuyết của Thaler, xem Phân Tích Kinh Tế tháng 10 năm 2017.

Về phần dịch, người dịch quyết định giữ nguyên văn khái niệm nudge sau khi đã giải thích (khá dài dòng) nội hàm của khái niệm này, nhất là khi chưa có một thuật ngữ Việt Nam thể hiện đầy đủ nội hàm này - trong các bản dịch xuất bản trong PTKT có bản dịch sử dụng thuật ngữ “cú hích” -, và cũng không (chưa) có sự nhất trí để dịch khái niệm này. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu và dịch giả Pháp cũng giữ nguyên bản nudge trong các công trình nghiên cứu. Mong độc giả thông cảm.

[**] Sacha Bourgeois-Gironde là giáo sư kinh tế học ở Đại Học Paris 2 và là nhà nghiên cứu triết học và khoa học về nhận thức ở Viện Jean Nicod (Trường Sư Phạm Cao Cấp). Công trình của ông tập trung vào lý thuyết ra quyết định thực nghiệm và nền tảng nhận thức của các thể chế kinh tế và xã hội.

[***] Bruno Deffains là nhà kinh tế học, giáo sư về luật và kinh tế ở Đại Học Paris 2-Panthéon Assas.

Ông là chủ tịch của Ban kỹ thuật số của Câu Lạc Bộ các luật gia và giám đốc của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và luật (CRED). Nghiên cứu của ông tập trung chủ yếu vào phân tích kinh tế của pháp luật, kinh tế học về sự điều tiết và kinh tế công cộng. Mục đích công trình của ông là đánh giá các quy tắc và hệ thống pháp lý bằng cách sử dụng các công cụ phân tích kinh tế.

[1] Theo hướng này, tham khảo Cécile Désaunay, “Les nudges au service des pouvoirs publics? (Nudges phục vụ của cơ quan công quyền?)”, Futuribles, 2017; Benoît Floc’h, “L’administration se convertit aux sciences comportementales (Quản trị chuyển sang khoa học hành vi)”, Le Monde, ngày 9 tháng 8 năm 2019; Jean-Gabriel Plumelle, “Pour une société de confiance. Quel rôle pour le service public? (Vì một xã hội tin tưởng. Vai trò nào đối với dịch vụ công cộng?)”, NXB IGPDE Ấn bản.

[2] Đối với một đợt phê phán đầu tiên về sự hời hợt mà các tác giả chính của nudge đã muốn làm cho các đề xuất thực tế của họ phù hợp với các tiêu chuẩn tự do, những lời phê phán khác với những gì chúng tôi sẽ đưa ra, chúng tôi có thể giới thiệu cho người đọc: Grüne-Yanoff, T. (2012), “Old wine in new casks: libertarian paternalism still violates liberal principles (Rượu cũ trong bình mới: chủ nghĩa gia trưởng tự do vẫn vi phạm các nguyên tắc tự do)”, Social Choice and Welfare, 38 (4), 635-645.

[3] Xem theo hướng này, thông cáo báo chí của Ủy ban thí điểm quốc gia về đạo đức kỹ thuật số (CNPEN) ngày 29 tháng 4 năm 2020 về “Enjeux d’éthique du numérique du suivi épidémiologique en sortie de confinement (Các vấn đề đạo đức của kỹ thuật số trong sự giám sát dịch tễ học trong giai đoạn giải phong tỏa)” và ý kiến của Ủy ban Quốc Gia Tư Vấn về Nhân Quyền (CNCDH) ngày 24 tháng 4 năm 2020 về “Suivi numérique des personnes: Un risque d’atteinte disproportionnée aux droits et libertés pour une efficacité incertaine (Sự giám sát người dân bằng kỹ thuật số: một nguy cơ gây tổn hại không tương xứng đến các quyền và sự tự do với một hiệu quả không chắc chắn)”.

Print Friendly and PDF