14.9.20

Xếp hạng Thượng Hải: một bảng vinh danh không sáng giá lắm!

THẢO LUẬN: XẾP HẠNG THƯỢNG HẢI, MỘT BẢNG VINH DANH KHÔNG SÁNG GIA LẮM!

Alain Beretz
Giáo sư, Đại học Strasbourg
Có thể nào tóm lược chất lượng một đại học vào một điểm số? Shutterstock
Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng tám lại có công bố mới bảng “xếp hạng Thượng Hải” - chính xác là bảng xếp hạng của Đại học Giao Thông (Jiao Tong) Thượng Hải. Mục đích lúc đầu của việc xếp hạng này là định vị các đại học Trung Quốc so với các đại học Mỹ. Nó cũng có thể “được xem là dấu hiệu của một xu hướng truyền thống trong văn minh Trung Hoa về sắp xếp thứ tự và phân loại”.
Vượt ra khỏi biên giới của Trung Quốc từ khi mới thành lập vào năm 2003, theo thời gian bảng xếp hạng này trở thành một công cụ so sánh phổ biến, không những của các đại học mà còn là giữa các quốc gia. Tuy nhiên, những trao đổi thông tin về nó có phóng đại quá so với chất lượng kỹ thuật của nó không?
Một phương pháp luận cần được chất vấn
Trước tiên cần ghi nhận là bảng xếp hạng này chỉ chuyên tập trung khảo sát hoạt động nghiên cứu của các đại học. Một số ngành học, như các khoa học xã hội và nhân văn không được kể đến.
Hoạt động giảng dạy không được đánh giá, đời sống sinh viên, hoạt động văn hóa, hòa nhập thực tế cũng không được đánh giá, tuy rằng đó là những khía cạnh quan trọng khi một sinh viên tương lai muốn đánh giá “chất lượng” của một đại học. Một cách tổng quát, cách xếp hạng này thuận lợi cho những đại học mạnh về các khoa học thực nghiệm trong các nước nói tiếng Anh.
Phương pháp luận của xếp hạng cũng gây nên những phê phán, trên phương diện trắc lượng thư mục khoa học, về những chỉ báo không đầy đủ và thiên lệch, về khó khăn trong việc thuần nhất hóa các dữ liệu giữa các nước. Chính nhận định chủ quan của người cung cấp bảng xếp hạng sẽ xác định những chỉ báo quan trọng nhất mà không hề có một minh chứng lý thuyết nào, và thực sự áp đặt cho người sử dụng.
Tổng quát hơn, thật là sai lầm nếu cho rằng một bảng xếp hạng chỉ dựa trên duy nhất một điểm số tổng quát lại có thể phản ánh chất lượng của một đại học, vốn là một cơ cấu phức tạp và đa dạng. Cũng hơi tương tự như việc chỉ định chiếc xe hơi tốt nhất thế giới. Một chiếc xe Zoé có “tốt hơn” một chiếc Porsche hay Kangoo? Tất nhiên điều đó còn tùy việc sử dụng xe, tùy ngân sách dành cho nó, và cũng tùy các thông số chủ quan (thẩm mỹ, “nhãn hiệu ưa thích” v.v.). Vậy thì tại sao người ta lại áp dụng cho các đại học điều mà họ không dám làm đối với xe hơi?
Tình trạng tệ hại trong sử dụng
Cho dù sai hay thiên lệch, các bảng xếp hạng không là vấn đề lớn nếu chúng không trở thành một sản phẩm tiêu thụ, một món lợi bất ngờ và thậm chí một công cụ nguy hiểm của quản trị chiến lược.
Hãy trở lại với những loại “người tiêu thụ” khác nhau của xếp hạng. Lúc đầu, các bảng xếp hạng nhắm đến sinh viên và gia đình họ, để giúp họ lựa chọn khi vào đại học. Đó là trường hợp của bảng xếp hạng đầu tiên của phúc trình US News and World (Tin Hoa Kỳ và Thế giới) vào năm 1983, và bây giờ là trường hợp của “bảng xếp hạng Thượng Hải”.
Như vậy, ta đi đến những loại chỉ nam đại học tương tự như “sách chỉ dẫn Michelin” (thường gọi là sách chỉ dẫn đỏ - Guide rouge - là một quyển sách dưới dạng niên giám về hướng dẫn du lịch, khách sạn, ẩm thực do công ty lốp xe Michelin phát hành từ đầu thế kỷ 20 đến nay - ND). Một sự so sánh thú vị, vì ta biết rằng tính chính đáng của sách chỉ dẫn đỏ đã bị phản bác nhiều, cả về vấn đề phương pháp luận (hệ thống lỗi thời, không rõ ràng, thiếu minh bạch), lẫn về sử dụng (áp lực ngày càng tăng đối với những người hưởng lợi).
Nhưng sự so sánh dừng ở đó: nếu tôi tin vào một đánh giá sai trong một sách chỉ dẫn ẩm thực thì cùng lắm tôi sẽ có một bữa ăn tồi. Nếu tôi chỉ dùng các bảng xếp hạng để chọn ngành học, tôi có nguy cơ lựa chọn sai trong đời!
Doanh nghiệp là những đơn vị sử dụng bảng xếp hạng. Đôi khi họ tuyển dụng một bằng cấp “sáng giá” hơn là con người. Tại nước Pháp, xu hướng này tồn tại trong khu vực tư nhưng cũng có trong lĩnh vực công, với ngoại lệ mang tính văn hóa là các vị trí công chức cao cấp của Nhà nước thường là độc quyền của một số trường lớn nổi tiếng.
Chính các trường đại học cũng có thể thử sử dụng chúng để chọn lựa một đối tác nước ngoài. Nhưng than ôi, họ cũng có thể xây dựng một chiến lược nhắm đến việc lên hạng trong bảng xếp hạng hơn là tập trung vào những mục tiêu trọng yếu của họ: chất lượng đào tạo, đua tranh trong nghiên cứu, hoạt động phục vụ xã hội. Thế là người ta đã chuyển sự xếp hạng như một “yếu tố thông tin và bối cảnh đơn giản” thành “một yếu tố của một chiến lược”.
Cuối cùng, Nhà nước có thể xem tiến bộ trong xếp hạng như là một mục tiêu chiến lược của các đại học. Cũng vậy, tồn tại nguy cơ bảng xếp hạng được các cơ quan kiểm soát tính đến hoặc xem như các biến trong các thuật toán phân bổ nguồn lực.
Từ thương mại đến chính trị
Vâng, có thể “bán” được xếp hạng các đại học. Nó thâm nhập vào sự ham mê của báo chí về những vinh danh thuộc đủ mọi loại, và trở thành một trong những bài báo xoàng xĩnh lấp chỗ trống của báo chí trong mùa hè. Phân tích ngữ nghĩa cho thấy một cách trái khoáy rằng chính sự yếu kém của các đại học Pháp lại tạo nên sự kiện (“các đại học Pháp giẫm chân tại chỗ”, “các đại học Pháp vẫn bị thụt lùi”…).
Giống như một câu lạc bộ bóng đá, những xếp hạng chính cũng thương mại hóa những sản phẩm sinh lợi phái sinh: tư vấn, quảng cáo, hội nghị, phòng trưng bày, hỗ trợ viết đơn ứng viên…
Cách mà các đại học hay các chính phủ truyền thông về các xếp hạng này chỉ làm tăng thêm cái vòng lẩn quẩn thực sự khi nó biến đổi xếp hạng từ một công cụ đơn giản thành một mục tiêu chiến lược. Ta không nên bình luận về vị trí của các đại học của chúng ta trong các xếp hạng này với một ngôn từ thể thao: các đại học không phải là trong một cuộc đua vô địch.
Xếp hạng có biến giáo dục đại học thành một sân tranh giải vô địch không? Shutterstock
Dù sao cũng có một tác dụng tích cực với việc truyền thông này, đó là thấy công chúng quan tâm đến thành công trong học thuật. Thế nhưng, tại sao lại có ít tiếng vang cho những thành công khác? Chẳng hạn như việc trao tặng giải Nobel hóa học năm 2013 cho giáo sư Martin Karplus thuộc đại học Strasbourg và Harvard hầu như không được biết đến tại Pháp.
Khao khát với xếp hạng có phản ánh tình trạng thiếu thông tin về khoa học và đại học không? Tầm quan trọng của các xếp hạng như xếp hạng Thượng Hải có lấp được khoảng trống do các đại học tạo ra khi không chia sẻ thông tin đầy đủ với công chúng rộng rãi?
Đánh giá, và không xếp hạng
Ta có thể nói rằng tất cả những điều đó là lập luận của “người thua cuộc tồi”: bị xếp hạng càng thấp thì càng phê phán nhiều hơn sự xếp hạng. Nhưng Liên minh các đại học nghiên cứu châu Âu LERU (League of European Research Universities), một tổ chức qui tụ các đại học châu Âu được xếp hạng tốt nhất, đã lấy một lập trường rất rõ ràng:
Các xếp hạng nên tốt nhất là không liên quan đến các giá trị của đại học, hay tệ nhất là phá hoại chúng. Xếp hạng sẽ khuyến khích sự hội tụ về một mô hình bị thống trị bởi nghiên cứu, làm giảm bớt sự đa dạng của hệ thống và phá hỏng tiềm năng đóng góp cho xã hội bằng những phương tiện khác (…) Điều này có thể đưa đến một thứ văn hóa bị ám ảnh bởi sự đo lường và kiểm soát, và phát huy ý tưởng “đại học - siêu thị”.
Nhưng hãy chú ý, chất vấn về xếp hạng, đặt vấn đề về tầm quan trọng của nó, thảo luận độ tin cậy của nó không có nghĩa là các đại học không muốn được đánh giá, vì đánh giá đã nằm trong hoạt động hàng ngày của đại học rồi.
Xin lập lại, ta không thể tóm lược sự đa dạng và phong phú của các đại học của chúng ta vào những con số mà độ tin cậy đang bị phản bác. Mục đích của đại học không phải là để xuất hiện trong các bảng xếp hạng. Đại học hoạt động vì sự thành công của sinh viên, để sinh viên có thể đào sâu kiến thức một cách tốt nhất. Đại học chuyên tâm vào việc nghiên cứu vừa vô vị lợi vừa hướng về xã hội, toàn bộ xã hội. Chính là tùy thuộc vào các mục tiêu cơ bản này mà chất lượng đại học phải được xem xét, phân tích, bình phẩm, nhưng không xếp hạng.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn:Débat: Classement de Shangai, un palmarès pas très classe!”, The Conversation, 13.8.2020
Print Friendly and PDF