2.11.20

Phải chăng nợ là một thể chế nguy hiểm?

 PHẢI CHĂNG NỢ LÀ MỘT THỂ CHẾ NGUY HIỂM?

Điểm sách: David Graeber, Debt: The First 5000 Years (Nợ: 5000 năm đầu tiên), Nhà xuất bản Melville House, New York, 2011, 544 trang.

Peter Hägel[*]


David Graeber (1961-2020)

Trong cuốn sách mới nhất - hiện là sách bán chạy trên thế giới - nhà nhân học David Graeber đã phân tích vai trò của nợ nần trong sự tiến hóa của lịch sử loài người. Tập trung vào khía cạnh đạo đức của nợ nần, cuốn sách cho thấy sự trở lại của các lập trường vô chính phủ, phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng đối với các thể chế nhà nước và thị trường.

Với những cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra ở thế giới phương Tây, đầu tiên là về các khoản thế chấp và sau đó là về tài chính công, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi một cuốn sách khá cấp tiến và khó hiểu về lịch sử nợ đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới. Tác giả của sách là David Graeber, một trong những trí thức và nhà hoạt động hàng đầu của Phong trào Công lý Toàn cầu (Global Justice Movement) và Phong trào Chiếm đóng (Occupy Movement)[1]. Tự nhận mình là “nhà nhân học vô chính phủ”[2], ông đã bị từ chối vào biên chế tại Đại học Yale trong hoàn cảnh gây tranh cãi, và hiện nay ông là giáo sư tại Trường Kinh tế London. Thành công của cuốn sách là một phần của sự trở lại lớn hơn của các quan điểm theo chủ nghĩa vô chính phủ, điều này dường như phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng đối với các thể chế của nhà nước và thị trường. Với phần giới thiệu “Về trải nghiệm của sự hoang mang về đạo đức” và phần kết luận “Có lẽ thế giới thực sự còn nợ bạn một cuộc sống” (trang 387), Graeber biết cách tiếp cận những độc giả cảm thấy rằng các khoản nợ đang vượt quá tầm kiểm soát và đe dọa phá vỡ tương lai của họ. Người hâm mộ của ông cũng có thể hoan nghênh rằng ông đặt sự chú ý vào đạo đức về nợ nần trong khi đẩy kinh tế lui vào hậu trường.


Tác phẩm Nợ: 5000 năm đầu tiên đáp ứng những kì vọng được đặt vào tiêu đề lớn của nó, phát triển nhiều ý tưởng kích thích tư duy và cách giải thích về vai trò của nợ trong sự tiến hóa của lịch sử nhân loại. Graeber giả định rằng ông “sẽ phải (...) tạo ra một lý thuyết mới, gần như là làm từ đầu do một phần của vấn đề là vị trí đặc biệt mà kinh tế học hiện đang nắm giữ trong các ngành khoa học xã hội” (tr. 90). Do đó, tác phẩm Nợ hầu như không chứa các phép tính, chuỗi thời gian hoặc bảng biểu[3], và sách hiếm khi tham gia vào các cuộc tranh luận và phát hiện của thuật chép sử kinh tế. Phương pháp luận của David Graeber mang tính quy nạp và định tính, thường dựa vào từ nguyên học, nghiên cứu điển hình dân tộc học và phê bình văn học (các nhà kinh tế học sẽ gọi là: bằng chứng tình huống, hoặc nếu họ khó chịu thì gọi là: các giai thoại) được hiểu là đại diện cho các xu hướng lớn hơn và cơ chế chung. Những lựa chọn này chịu trách nhiệm cho những đóng góp chính của cuốn sách, nhưng cũng là những khuyết điểm chủ yếu của cuốn sách. Chúng tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực của tác giả nhằm xây dựng lại đạo đức về nợ nần mà không có những định kiến ​​ca ngày nay, mà theo ông vốn là sản phẩm của kinh tế học đang bám giữ cuộc sống của chúng ta’. Câu hỏi trọng tâm của ông là: “Ý nghĩa của việc quy giản các nghĩa vụ đạo đức thành các khoản nợ là gì?” (tr. 13). Graeber tin chắc rằng “yếu tố quan trọng (…) là khả năng của tiền bạc để biến đạo đức thành một vấn đề số học phi nhân tính - và bằng cách đó, nhằm biện minh cho những điều, mà trong những tình huống khác, có vẻ thái quá hoặc ghê tởm” (trang 14). Việc cuốn sách từ chối tính toán chi phí và lợi ích (chẳng hạn như phát triển kinh tế), tự nó đã là một lựa chọn đạo đức, dựa trên giả định rằng “bạo lực và định lượng (…) có mối liên hệ mật thiết với nhau” (nt.).

Những gì các nhà kinh tế sẽ bỏ lỡ

Douglass North (1920-2015)

Xử lý nợ mà không có kinh tế học đương nhiên dẫn đến những thiếu sót lớn. Người ta quan tâm đến mặt khác của đồng tiền, hay nói đúng hơn là khoản vay. Graeber nhấn mạnh hoàn cảnh nô lệ, bị bóc lột và khốn khó có thể xảy ra khi mắc nợ, trong khi ông lại bỏ qua những gì mà hầu hết các nhà kinh tế học tập trung vào: làm thế nào tín dụng/nợ có thể chuyển thặng dư hiện tại (từ chủ nợ) thành đầu tư (bởi con nợ), tạo ra lợi nhuận trong tương lai. Douglass North và các cộng sự của ông coi các định chế, chẳng hạn như quyền sở hữu tài sản và các công cụ tín dụng, khuyến khích cải tiến trong việc phân bổ nguồn lực, là trọng tâm của “sự trỗi dậy của thế giới phương Tây” (North & Thomas 1973, North & Weingast 1989).

Hernando de Soto (1941-)

Hernando de Soto đã đưa ra những lập luận tương tự khi có quyền sở hữu tài sản mà không được an toàn thì sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế ở các nước nghèo hơn như thế nào (de Soto 2000). Graeber không đề cập đến những tác phẩm này một lần nào cả[4]. Nhưng người ta có thể diễn dịch ra suy nghĩ của ông về ý tưởng của họ từ việc ông đánh giá một cách rất ngắn gọn tín dụng vi mô như một công cụ phát triển: “Trong vòng một thập kỷ nữa, toàn bộ dự án [tín dụng vi mô] (…) bắt đầu xuất hiện một cách đáng ngờ giống với cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn của Hoa Kỳ (…) và kết quả cuối cùng là một đại dịch tự tử của những nông dân nghèo bị mắc vào bẫy mà từ đó gia đình họ không bao giờ có thể thoát ra được(381f). Sau thành công rõ ràng của Ngân hàng Grameen ở Bangladesh, tín dụng vi mô chắc chắn đã bị thổi phồng quá mức và những đánh giá trung thực về vai trò của nó đã bị bỏ quên quá lâu. Tuy nhiên, nó có vẻ xứng đáng với một cuộc thảo luận kỹ lưỡng hơn nhiều so với những nhận xét đầy ác ý của Graeber (Banerjee & Duflo 2011).

Có một nhà kinh tế học mà Graeber thực sự đề cập đến là Adam Smith, người mà ông đổ lỗi hệ ý con người kinh tế với tất cả những huyền thoại liên quan đến hàng đổi hàng, tư lợi, bàn tay vô hình, v.v. (chương 2).

Adam Smith (1723-1790)
Thomas Malthus (1766-1834)

Tuy nhiên, khi nhấn mạnh đến việc tạo ra của cải, Smith đã gạt bỏ một giả định cơ bản khác của kinh tế học hiện đại, có liên quan nhiều hơn đến Thomas Malthus: sự khan hiếm. Thế mà khái niệm này không có mặt trong tác phẩm Nợ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Graeber thảo luận về mối liên hệ giữa việc trả nợ và bán trẻ em và phụ nữ làm nô lệ và mại dâm, ông cũng đề cập rằng điều này xảy ra trong bối cảnh nạn đói và khi có nguy cơ chết đói (trang 168, 184, 221, 400 fn56, 416 fn41). Có lẽ nào ở đây sự khan hiếm là thủ phạm thực sự, chứ không phải là cơ chế của bẫy nợ? Chắc chắn, sự khan hiếm cũng được tạo ra về mặt xã hội, như Amartya Sen đã chứng minh về nạn đói ở Ấn Độ và được nhiều người biết đến[5], cũng như các lập luận của Malthus thường tiếp cận sự vô luân của chủ nghĩa Darwin xã hội[6]. Tuy nhiên, bằng cách không thảo luận về những tiến bộ tiềm năng trong việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm, mà tín dụng/nợ có thể tạo ra, tính thuyết phục của nghiên cứu sẽ bị hạn chế trong mắt những người không chia sẻ cùng những lựa chọn ý thức hệ của Graeber.

Nợ nần và tiền bạc qua nhiều thiên niên kỷ

Amartya Sen (1933-)

Cuốn sách thật khó để tóm tắt, bởi vì Graeber thích lạc đề và phát triển những giải thích - thường là hấp dẫn - của ông về mọi thứ, từ phép lịch sự “làm ơn/cảm ơn” của tầng lớp trung lưu (trang 122ff) đến mại dâm (trang 181ff), và cách tất cả những điều này đều phản ánh đạo đức về nợ. Có nhiều lúc, đặc biệt là trong bảy chương đầu tiên, nơi phát triển các công cụ phân tích của cuốn sách, đọc Nợ giống như đọc Cộng hòa của Plato: được viết từ quan điểm của một tác giả có vẻ toàn trí, người trình bày lý lẽ này đến lý lẽ khác, loại bỏ nó một khi khuyết điểm của nó được phát hiện[7]. Thật không may, nó không kết thúc bằng một điều không tưởng chính xác như của vị vua triết học. Nhưng một số cái nhìn thoáng qua về tương lai lý tưởng của Graeber có thể trông như thế nào đã trở nên rõ ràng: “trong một thế hệ hoặc lâu hơn, bản thân chủ nghĩa tư bản sẽ không còn tồn tại nữa” (trang 381), “chúng ta đã vượt quá thời hạn đối với năm kỷ niệm như Năm Thánh theo kiểu Kinh thánh” (của việc xóa nợ, trang 390), “(…) để xóa sạch bảng ghi nợ cho mọi người, đánh dấu sự đoạn tuyệt với tập tục đạo đức của chúng ta, và bắt đầu lại” (trang 391).

Trong cuộc khảo sát của mình về thiên niên kỷ vừa qua, chủ yếu tập trung vào vùng Âu-Á, Graeber nhận thấy “sự luân phiên rộng rãi giữa các thời kỳ bị chi phối bởi tiền tín dụng và các thời kỳ mà vàng và bạc thống trị” (trang 213). Ông gọi Kỷ nguyên trục (800BC - 600AD, chương 9) là Kỷ nguyên Kim loại quý (vàng hay bạc), để tham chiếu Karl Jaspers, và Thời đại của các Đế chế Tư bản Vĩ đại (1450-1971, chương 11), với ở giữa là Thời kỳ Trung cổ dựa trên tiền tín dụng (600-1450, chương 10), và “một cái gì đó chưa được xác định” xảy ra kể từ khi giá đô la Mỹ không còn được cố định bằng vàng vào năm 1971 (chương 12). Theo Graeber, các thời đại kim loại quý được đặc trưng bởi mối liên hệ chặt chẽ giữa các đế chế và nền kinh tế thị trường: Các quốc gia đế quốc phát triển tiền tệ dựa trên kim loại quý để trả cho các đội quân thường trực mà họ cần cho việc bành trướng, và họ sử dụng việc đánh thuế như một cách để khuyến khích thị trường, trong đó người dân bị buộc phải tham gia để kiếm tiền theo yêu cầu của nhà nước. Khi đế chế bành trướng ra, thị trường, và tiền tệ của đế chế cũng mở rộng - cùng với mạng lưới nợ nần (trang 50-52, 59f). Tất nhiên, mối liên hệ phức tạp giữa các quốc gia tham chiến, việc đánh thuế và hình thành thị trường là trọng tâm của xã hội học vĩ mô về việc xây dựng nhà nước[8], và các nhà sử học “chính thống” cũng nhấn mạnh những điều này[9]. Điểm khác biệt trong câu chuyện của Graeber là sự nhấn mạnh về cách thức các quá trình này, đặc biệt là tiền và nợ, đã ảnh hưởng đến quan niệm đạo đức và phá hủy mối quan hệ giữa con người với nhau. Trong điều này, Graeber dường như rút ra được sự khác biệt chủ yếu của Polanyi giữa “xã hội lồng kết trong nền kinh tế” và “nền kinh tế lồng kết trong xã hội”[10], khi ông đối lập “nền kinh tế thương mại” với “nền kinh tế nhân văn”, “những nền kinh tế mà đồng tiền đóng vai trò chủ yếu như một loại tiền tệ xã hội, nhằm để tạo ra, duy trì hoặc cắt đứt quan hệ giữa mọi người, chứ không phải là để mua sắm mọi thứ (trang 158, xem thêm trang 136, 145f, 155, 176f, 208).

Karl Polanyi (1886-1964)

Sử dụng các ý tưởng của Philippe Rospabé[11], Graeber lập luận rằng đồng tiền trong nền kinh tế nhân văn, thường ở dạng các đồ vật trang trí như vỏ sò hoặc hạt, được sử dụng để ghi nhận các khoản nợ mà không thể xác định được mức giá, như cái gọi là “giá cô dâu” (trang 131ff). Khi một cô dâu được chuyển từ hộ gia đình này sang hộ gia đình khác, một khoản nợ giữa các hộ gia đình xuất hiện, nhưng số tiền của nó không thể đo lường được, và “giá cô dâu” là một cách để thể hiện món nợ không thể trả này. Vì vậy, mặc dù người ta không nên coi là cô dâu bị bán, nhưng nền kinh tế nhân văn cũng đã đối xử với nô lệ, thường bị bắt trong chiến tranh, như một thứ có thể mua và bán. Graeber kết luận: “Để tạo ra một thứ gì đó có thể bán được, trong nền kinh tế nhân văn, trước tiên người ta cần tách nó ra khỏi bối cảnh của nó. Đó chính là định nghĩa của nô lệ: những người bị đánh cắp khỏi cộng đồng đã tạo nên bản sắc của họ.” (tr. 146). Rồi tiếp đó, quay trở lại vùng Lưỡng Hà cổ đại, ông cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi các khoản nợ tiền bạc xâm chiếm nền kinh tế nhân văn trước đây: những người đứng đầu gia đình nghèo mắc nợ bắt đầu lấy vợ con thế chấp cho các khoản vay của họ, và “giá cô dâu” đối với các cô con gái của họ thực sự trở thành một cái giá, và cô dâu là một món hàng (trang 179ff). Đối với Graeber, điểm này không chỉ nêu lên nguồn gốc, mà còn là bản chất của nợ, điều đáng được trích dẫn dài dòng: “Nền kinh tế thương mại (…) đã bứng nô lệ ra khỏi nền kinh tế nhân văn trong hàng nghìn năm. Đó là một tập tục cũng cổ xưa như nền văn minh. Câu hỏi tôi muốn nêu là: Tập tục này đã thực sự cấu thành nên nền văn minh ở mức độ nào? Tôi không nói hoàn toàn về chế độ nô lệ ở đây, mà là nói về quá trình qua đó loại bỏ mọi người khỏi mạng lưới cam kết chung, lịch sử chung và trách nhiệm tập thể khiến họ trở thành người như thế này, để họ có thể là món hàng để đổi chác - nghĩa là tạo điều kiện làm cho họ phải chịu sự chi phối của logic về nợ. Chế độ nô lệ chỉ là điểm kết thúc hợp lý, là hình thức khắc nghiệt nhất của quá trình tách biệt này. Nhưng vì lý do đó, chế độ nô lệ cung cấp cho chúng ta một cửa sổ nhìn về quá trình tổng thể.” (tr. 163)

Nợ nần có sinh ra bạo lực không?

Một ví dụ điển hình về quan điểm của Graeber là hành động của ông đối với đám quân lính của Cortés cướp bóc tàn bạo người Aztec, mà ông liên kết với việc Cortés đang mắc nợ (trang 316ff). Tuy nhiên, chúng ta cũng đọc được rằng Cortés là một người bài bạc. Hơn nữa, Cortés chắc chắn là tàn nhẫn. Phải chăng Cortés là một con bạc, vì hắn đã mắc nợ, hay hắn mắc nợ, vì hắn là một con bạc? Hay cả hai, vì hắn là một người đàn ông tàn nhẫn và tham lam? Đối với Graeber, tất cả đều đi xuống cùng một điểm: “mối quan hệ đó, giữa (…) con bạc sẵn sàng chấp nhận bất kỳ loại rủi ro nào và (…) nhà tài chính cẩn thận, người có toàn bộ các hoạt động được tổ chức xung quanh việc sản xuất ổn định, toán học, không thể thay đổi tăng trưởng về thu nhập, nằm ở trung tâm của cái mà ngày nay chúng ta gọi là “chủ nghĩa tư bản”. (…) Đối với con nợ, thế giới chỉ còn là một tập hợp của những mối nguy hiểm tiềm tàng, những công cụ tiềm tàng và những món hàng tiềm năng. Ngay cả quan hệ con người cũng trở thành một vấn đề của việc tính toán chi phí - lợi ích. Rõ ràng đây là cách thức những kẻ chinh phục nhìn thế giới mà họ đặt ra để chinh phục” (trang 318f). Tuy nhiên, rõ ràng không kém, có vẻ như thực tế là vô số người đã mắc nợ trong suốt lịch sử mà không cần đến việc giết hại hoặc bắt đồng loại làm nô lệ. Liệu Cortés có hành động khác đi không nếu tất cả số tiền cho những chiến công của hắn (chứ không phải chỉ một nửa, như hắn tuyên bố trong hồi ký) sẽ là của riêng hắn? Đây không phải là ví dụ duy nhất trong cuốn sách khiến người ta tự hỏi liệu nợ nần có thực sự gây ra tất cả những điều khủng khiếp mà Graeber gán cho nó hay không. Khá thường xuyên, sự đồng hành đơn giản của những người mắc nợ, bạo lực và đau khổ của con người đang được trình bày theo cách ám chỉ một mối quan hệ nhân quả, bất chấp cảnh báo được chấp nhận rộng rãi trong các phân tích thống kê hơn là trong nghiên cứu định tính như của Graeber, rằng tương quan không phải là nhân quả.

Joseph Schumpeter (1883-1950)

Karl Marx (1818-1883)

Định nghĩa của Graeber không giúp chúng ta làm rõ thêm mối quan hệ giữa nợ và bạo lực: “nợ (…) chỉ là một cuộc trao đổi chưa được hoàn thành. Theo đó, nợ hoàn toàn là một sản phẩm của sự có đi có lại và ít liên quan đến các loại đạo đức khác” (trang 121, xem thêm trang 191). Các nguyên tắc thay thế trong vũ trụ luân lý của Graeber về các mối quan hệ kinh tế, ngoài việc trao đổi, bao gồm: chủ nghĩa cộng sản, theo nghĩa rất cơ bản, đó là về sự chia sẻ trong một cộng đồng, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” (tr 94); và hệ thống cấp bậc, với các nghĩa vụ của nó giữa các nhóm không bình đẳng (trang 109). Các hỗn hợp khác nhau của các nguyên tắc này áp dụng cho các bối cảnh khác nhau và đặc trưng cho các xã hội khác nhau. Ưu tiên của Graeber rất rõ ràng: “Chủ nghĩa cộng sản là nền tảng của tất cả sự hòa đồng của con người. Nó là cái làm cho xã hội trở nên khả thi” (tr. 96). Ông nghĩ rằng xã hội bị đe dọa, bởi vì logic trao đổi của nợ có xu hướng lấn át các mối quan tâm đạo đức khác. Như nhiều nhà phê bình chủ nghĩa tư bản từ Marx đến Schumpeter và nhiều người khác đã chỉ ra trước đây, rất có thể sự đoàn kết và các chuẩn mực tập thể khác sẽ suy yếu nếu các quan niệm về tư lợi thống trị bối cảnh đạo đức. Nhưng ngay cả đạo đức hạn hẹp về sự có đi có lại giữa những người được cho là bình đẳng (trang 103) dường như cũng tạo ra một rào cản mạnh mẽ chống lại loại kinh hoàng mà Cortés và quân lính của hắn chiến đấu chống người Aztec. Chìa khóa để hiểu Cortés chính là nằm ở những cơ chế cho phép hắn theo đuổi lòng tham của mình mà không coi dân bản địa là bình đẳng.


Tzvetan Todorov (1939-2017)

Trong tác phẩm The Conquest of America (Chinh phục Châu Mỹ), Tzvetan Todorov đưa ra quan điểm này khi nói rằng “các nạn nhân càng ở xa xôi và lạ lẫm, thì càng tốt: họ bị tiêu diệt mà không bị hối hận, vì ít nhiều bị coi như là những con vật.[12] Thật kỳ lạ, Graeber sử dụng Todorov như một trong những nguồn tin chính của ông về Cortés - nhưng ông từ chối đối thoại với các lập luận của tác giả rằng chính sự phân biệt chủng tộc dựa trên tôn giáo và sự yếu kém của luật pháp Tây Ban Nha ở các thuộc địa, chứ không phải là do nợ nần tài chính, đã tạo ra hành vi của Cortés và những người khác như hắn. “Mong muốn giàu có và thôi thúc làm chủ - chắc chắn hai hình thức khát vọng quyền lực này thúc đẩy hành vi của người Tây Ban Nha; nhưng hành vi này cũng bị điều kiện hóa bởi quan niệm của họ về người da đỏ là những sinh vật thấp kém, ở hạng giữa đàn ông và dã thú. Nếu không có tiền đề thiết yếu này, sự hủy diệt đã không thể diễn ra”[13].

Điều kiện của bất bình đẳng và nợ nần

Ở đây, chúng ta có thể có một tiêu chuẩn chung cho các điều kiện để định chế về nợ có thể biến thành một thế lực hủy diệt: khi nó hoạt động trong các hệ thống phân cấp nơi những người tham gia trao đổi về cơ bản là không bình đẳng. Dưới chủ nghĩa tư bản hiện đại, bất bình đẳng hình thức xác đáng nhất là bất bình đẳng giữa thể nhân và pháp nhân, cá nhân và tập đoàn, nơi mà những pháp nhân và tập đoàn thường được hưởng nhiều đặc quyền, đặc biệt là về trách nhiệm pháp lý, điều khoản phá sản, thuế, quyền tiếp cận các nhà làm luật và hệ thống pháp luật[14]. Các cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn gần đây ở Mỹ, Ireland hoặc Tây Ban Nha có thể là những ví dụ đương đại: những chủ nhà nợ nần chồng chất trở thành đối tượng bị buộc phải thu hồi nhà trong khi các công ty tài chính đầu cơ bằng các khoản thế chấp đang được nhà nước cứu trợ. Lập luận chính thức - rằng một số tập đoàn là cần thiết cho sự tồn tại của hệ thống kinh tế (và có ẩn ý ít chính thức hơn rằng thường dân là không cần thiết) - chứng minh quan điểm rằng chúng ta không giao dịch giữa các tác nhân dựa trên sự có đi có lại.

Graeber dường như nhận thức được điều này khi ông viết trên trang cuối cùng của mình: “Hóa ra, không phải “tất cả” chúng ta đều phải trả nợ. Chỉ một số người trong chúng ta phải trả nợ thôi” (tr. 391). Trong phần đầu của cuốn sách, ông cũng kể lại việc các nhà tù của những con nợ người Anh “vào những năm 1720, (…) (…) thường xuyên được chia thành hai phần” (trang 7), một “sự thoải mái đầy đủ” cho giới quý tộc, và một sự khốn khổ cho thường dân. Nhưng thay vì nghiên cứu sâu hơn về việc thể chế hóa sự bất bình đẳng giữa các tác nhân kinh tế, tác giả vẫn kiên định với niềm tin của mình rằng chính việc lượng hóa các nghĩa vụ, chính tính hợp lý logic lạnh lùng của sự trao đổi giữa các tác nhân bình đẳng, đã làm cho nợ nần trở thành nguồn gốc của tệ nạn.

Có vẻ như Graeber quá thừa nhận những tuyên bố cốt lõi của chủ nghĩa tự do theo giá trị bề ngoài của nó, trong khi ở thế giới thực, những giá trị này đã trở nên biến chất kể từ khi John Locke sa lầy vào phong trào phá vỡ sở hữu đất của cộng đồng ở Anh, chế độ nô lệ Mỹ và chủ nghĩa thực dân[15].

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn: Is debt a dangerous institution, Books and Ideas, 18 November, 2013.

----

Bài đọc thêm



Abhijit V. Banerjee and Esther Duflo, Poor Economics: A Radical Rethinking of the Way to Fight Global Poverty, New York, PublicAffairs, 2011. [Hiểu nghèo, thoát nghèo, NXB Trẻ, 2015]

Gregory Clark, A Farewell to Alms: A Brief Economic History of the World, Princeton, Princeton University Press, 2007.

Hernando De Soto, The Mystery Of Capital: Why Capitalism Succeeds In The West And Fails Everywhere Else, New York, Basic Books, 2000. [Bí ẩn của vốn, NXB Chính trị quốc gia, 2017]

Niall Ferguson, The Cash Nexus: Money and Power in the Modern World, 1700-2000, New York, Basic Books, 2001.

Charles Lindblom, Politics and Markets, New York, Basic Books, 1977.

Douglass C. North and Robert Paul Thomas, The Rise of the Western World: A New Economic History, Cambridge, Cambridge University Press, 1973.

Douglass C. North and Barry R. Weingast, “Constitutions and Commitment: The Evolution of Institutional Governing Public Choice in Seventeenth-Century EnglandThe Journal of Economic History vol. 49, no. 4, 1989, p. 803-832.

James Farr, “Locke, Natural Law, and New World Slavery”, Political Theory vol. 36 no. 4, 2008, pp. 495-522.

David Graeber, “The New AnarchistsNew Left Review no. 13, 2002, pp. 61-73.

David Graeber, Fragments of an Anarchist Anthropology, Chicago, Prickly Paradigm Press, 2004.

Gustav Peebles, “For a Love of False Consciousness: Adam Smith on the Social Origins of Scarcity”, Economic Sociology: The European Electronic Newsletter vol. 12, no. 3, 2011, p. 19-25

Karl Polanyi, The Great Transformation, New York, Rinehart, 1944.

Philippe Rospabé, La dette de vie, aux origines de la monnaie, Paris, La Découverte, 1995.

Amartya Sen, Poverty and Famines: An Essay on Entitlement and Deprivation, Oxford, Oxford University Press, 1981.

Charles Tilly, Coercion, Capital, and European States, AD 990-1990, Oxford, Blackwell, 1990.

Tzvetan Todorov, The Conquest of America: The Question of the Other, Chicago, Univerity of Chicago Press, 1984.

Neal Wood, John Locke and Agrarian Capitalism, Berkeley, University of California Press, 1984.

 



Chú thích:

 

[*] Peter Hägel là Phó Giáo sư về Chính trị Quốc tế và So sánh tại trường American University of Paris. Ông đã học tại Freie Universität Berlin, Columbia University và Humboldt Universität zu Berlin. Nghiên cứu của ông đề cập đến các vấn đề về chủ quyền trong điều kiện toàn cầu hóa, và hiện ông đang thực hiện một dự án về các tỷ phú trong nền chính trị thế giới.
[1] Graeber (2002).
[2] Graeber (2004).
[3] Chính xác là trong 391 trang có một bảng so sánh kinh tế.
[4] Mặt khác, thư mục rất ấn tượng của Graeber không chỉ thiếu tên của North và de Santo mà còn thiếu cả tên của nhiều sử gia kinh tế quan trọng khác có những cách kiến giải khác với cách mà ông ưa chuộng: “Phương Tây nằm ở phần của Thế giới cũ dễ đi bằng đường biển để đến Thế giới mới; những người đầu tiên làm như vậy có may mắn không thể tin được là khám phá những miền đất trù phú, nơi cư trú của những cư dân thời kì đồ đá không có khả năng tự vệ mà, một cách thuận lợi, hầu như đang bắt đầu chết dần vào lúc họ đến. Kết quả là của trời cho này và lợi thế dân số nhờ có đất đón nhận dân số dư thừa là quá đủ để giải thích những thành công sau này của các cường quốc châu Âu (Graeber, 2004, trang 48). Một sự đối thoại thật sự với North và các nhà nhà kinh tế khác thuộc dòng chủ lưu đã có thể soi sáng vấn đề nhưng như chính Graeber viết ở cuối cuốn Nợ “mục đích của tôi ở đây không phải là để đối thoại trực tiếp [với các tư liệu thuộc dòng chủ lưu] mà chính là để chỉ ra rằng các tư liệu này luôn khuyến khích chúng ta đặt ra những câu hỏi sai lầm” (trang 389).
[5] Sen, 1981, cũng xem Peebles, 2011.
[6] Một ví dụ gây tranh luận là Clark, 2007.
[7] Graber nói về cuốn Cộng hoà như “một cuốn sách tìm cách gây bực bội cho người đọc”. Dường như đôi khi, Nợ cũng có tham vọng này, ít nhất là với độc giả theo dòng chủ lưu.
[8] Tilly, 1990.
[9] Ferguson, 2001.
[10] Polanyi, 1994.
[11] Rospabé, 1995.
[12] Todorov, 1984, trang 184.
[13] n.t., trang 146.
[14] Lindblom, 1977.
[15] Farr, 2008, Wood, 1984.

Print Friendly and PDF