10.12.20

Các nhà kinh tế giống người kể chuyện hơn là nhà khoa học - đừng để Giải Nobel cho “khoa học kinh tế” đánh lừa bạn

 CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC GIỐNG NGƯỜI KỂ CHUYỆN HƠN LÀ NHÀ KHOA HỌC - ĐỪNG ĐỂ GIẢI NOBEL CHO “KHOA HỌC KINH TẾ” ĐÁNH LỪA BẠN

Carolin Benack

Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Đại học Duke

Các nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ thích kể những câu chuyện. Hình ảnh: Jessica McGowan/Getty

Khi nghe một nhà kinh tế học nói, nhiều khả năng là bạn sẽ thấy rất nhiều những số liệu thống kê.

Bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powel tại Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) vào ngày 6/10 là một ví dụ. Trong vòng hai phút đầu tiên ông chỉ nói đến một tràng dài chóng mặt các chỉ số kinh tế: tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát chi tiêu tiêu dùng cá nhân, sự tham gia lực lượng lao động, năng suất, lương thực tế, v.v..

Nhưng nếu theo dõi bài phát biểu, bạn có thể nhận ra ông ấy rất ít trích dẫn các số liệu thực tế. Đó là bởi vì Powel, và các nhà kinh tế học nói chung, có xu hướng quan tâm đến chiều hướng của các con số hơn là bản thân chúng. Tỷ lệ thất nghiệp cao hay thấp? Chỉ số Dow Jones tăng hay giảm? Tăng trưởng GDP đang hướng lên hay hướng xuống?

Nói cách khác, Powell đang kể cho bạn một câu chuyện. Và mặc dù các nhà kinh tế học theo truyền thống có một mong muốn là lĩnh vực của họ có thể liên kết với những ngành được gọi là khoa học cứng - một trò ảo thuật được minh họa bởi Giải Nobel về Khoa học Kinh tế - tôi vẫn thấy nó có nhiều điểm tương đồng với văn học, đặc biệt là tiểu thuyết, hơn là vật lý hay hóa học.

Là một học giả văn chương, khi nghiên cứu kinh tế học và lịch sử của nó, tôi nhận thấy rằng việc ý thức được sự giống nhau giữa các kinh tế gia và tiểu thuyết gia giúp chúng ta đánh giá tốt hơn những tuyên bố của họ. Cả hai đều đang kể những câu chuyện. Việc hiểu được điều này khiến chúng ta tự tin hơn để đánh giá mức độ đáng tin cậy của những gì họ đang nói với chúng ta.

Sự thật và sự hư cấu

Ý nghĩ rằng kinh tế học có nhiều điểm chung với truyện hư cấu có vẻ phản trực giác. Cảm giác đó không phải là tình cờ.

Kể từ buổi đầu của kinh tế học vào những năm 1800, các nhà kinh tế học đã nỗ lực để liên kết bộ môn của họ đến một thứ rất đối lập với truyện hư cấu: các ngành khoa học tự nhiên. Không giống kinh tế học, làm việc với mối quan hệ giữa con người, các ngành khoa học cứng nghiên cứu các hiện tượng trong thế giới tự nhiên. Và như thế, tuyên bố của một nhà khoa học tự nhiên phản ánh một kiểu sự thật rất khác so với một nhà kinh tế học. Chẳng hạn, luật hấp dẫn [trong vật lý] mô tả một sự thật vật lý bất biến, còn luật cung cầu [trong kinh tế học] là về mối quan hệ giữa mọi người.

Kinh tế học dòng chính (mainstream economics) như chúng ta biết ngày nay bắt đầu với khái niệm lợi ích cận biên, nó ấn định rằng các cá nhân đưa ra quyết định mua [hàng hóa] bằng cách xem xét họ sẽ được bao nhiêu hạnh phúc từ mỗi đơn vị hàng hóa hoặc dịch vụ tăng thêm. Điều khiến khái niệm này hấp dẫn các nhà kinh tế học là nó như một cách thức để làm cho kinh tế học trở nên “toán” hơn.

Francis Y. Edgeworth (1845-1926)

Khái niệm lợi ích cận biên cho phép các nhà kinh tế học biến cảm giác thành số lượng. Hạnh phúc được tưởng tượng như một chồng các đơn vị sự hài lòng, và các nhà kinh tế học thực sự tin rằng có thể đo lường chúng về mặt vật lý. Francis Y. Edgeworth, trong quyển sách có cái tên rất mỹ miều của ông - “Mathematical Psychics”, thậm chí còn hình dung về một “cỗ máy tâm-vật lý” giúp thực hiện điều này một cách chính xác.

Nói vậy để thấy rằng, trong thế kỷ XIX, sự giống nhau giữa kinh tế học với khoa học tự nhiên đã đánh lừa ngay cả những người thực hành nó.

Ngừng hoài nghi

Lý thuyết kinh tế, thứ khiến các nhà kinh tế học nhìn các con số theo cách họ vẫn nhìn, là một nỗ lực mà cơ bản dựa trên hiểu biết của chúng ta về truyện hư cấu.

Catherine Gallager (1945-)

Học giả văn chương Catherine Gallager đã lập luận rằng sự hiểu biết này, ít nhất trong thế giới Anglo-Saxon, được định hình bởi một thể loại tương đối mới trong thế kỷ XVIII: tiểu thuyết.

Trước đó người đọc luôn nghĩ về truyện hư cấu như những câu chuyện kỳ lạ rõ ràng hiển nhiên: thảm bay và những con vật biết nói, và nhận thức được những câu chuyện có vẻ hợp lý đến mức tưởng như chúng đã xảy ra thật chỉ là lừa dối. Tiểu thuyết đã thay đổi nhận thức đó. Bây giờ chúng ta có thể đọc một tiểu thuyết văn học hiện thực, ngay lập tức biết rằng câu chuyện đó không thực sự xảy ra nhưng gác sự hiểu biết đó lại để theo tiếp câu chuyện.

Các mô hình lý thuyết kinh tế đòi hỏi sự ngừng hoài nghi tương tự. Chúng ta biết rằng không có thế giới nào có sự cạnh tranh hoàn hảo như trong khẳng định của một lý thuyết kinh tế nổi tiếng, vì vậy chúng ta được yêu cầu phải gác lại các tiêu chuẩn mà chúng ta thường áp dụng để hiểu một điều gì đó như sự thật khách quan, để theo được các câu chuyện mà lý thuyết, và các nhà kinh tế học, nói về nền kinh tế.

Nói khác đi, nếu không có tiểu thuyết dạy chúng ta trước về cách đối mặt với những thế giới mà một cách chính xác thì không có thật nhưng vẫn đáng tin, thì các mô hình lý thuyết có thể không tồn tại như cách chúng tồn tại ngày nay.

Câu chuyện về chi phí cơ hội

Sự phụ thuộc vào thái độ của chúng ta đối với truyện hư cấu không chỉ giới hạn trong các mô hình được sử dụng trong kinh tế học. Điều này cũng có thể được dùng để nói về, ví dụ, ý tưởng một môi trường chân không hoàn hảo trong vật lý. Chúng ta biết rằng không có một không gian trống rỗng hoàn hảo nào hết, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng ra nó.

Kinh tế học trở nên hư cấu hơn các bộ môn học thuật khác chính ở nội dung các lý thuyết của nó, đặc biệt là một trong những giả định cơ bản nhất: chi phí cơ hội.

Theo các giáo trình kinh tế học, các cá nhân đưa ra sự lựa chọn bằng cách xem xét mức độ hạnh phúc họ nhận được từ các lựa chọn khác nhau. Giả dụ tôi có một giờ, tôi có thể sử dụng một giờ đó để mua hàng hóa, gặp bạn bè hoặc ngủ. Tôi đánh giá các lựa chọn và thấy rằng đi mua đồ ngay lúc này chưa quan trọng lắm, gặp bạn bè cũng hay, nhưng chợp mắt một lát mới hứa hẹn mức hạnh phúc lớn nhất.

Kết quả, tôi chọn ngủ, nhưng cái giá tôi phải trả cho giấc ngủ này là sự hạnh phúc tôi có thể có được từ lựa chọn tốt nhất thứ hai, tức là dành thời gian với bạn bè. Lưu ý rằng lựa chọn tốt nhất thứ hai này đã không và sẽ không xảy ra, và cá nhân trong câu chuyện biết điều này vì họ đang tưởng tượng về các lựa chọn của mình.

Cũng có thể nói, sự hư cấu chiếm một vị trí quan trọng trong câu chuyện về chi phí cơ hội, và nói rộng ra, là trong kinh tế học. Mỗi quyết định chúng ta đưa ra, các nhà kinh tế học nói rằng, đi cùng với một tiểu thuyết hư cấu.

Uy tín giải Nobel

Các nhà kinh tế học ngày nay nhận thức được rằng bộ môn của họ là một ngành khoa học xã hội chứ không phải ngành nghiên cứu về các quy luật vật lý của tự nhiên. Nhưng họ không có vẻ phản đối cái uy tín đi liền với một nhận thức lâu đời về kinh tế học như một ngành khoa học cứng.

Tôi tin rằng Giải thưởng cho Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Nobel, công bố vào ngày 12 tháng 10, là một ví dụ về sản phẩm của uy tín này. Nếu các Giải thưởng Nobel nghiên cứu khác dành cho các nhà vật lý học, nhà hóa học và y khoa, các nhà kinh tế học hẳn phải cũng được khẳng định là những nhà khoa học?

Việc nhận ra rằng kinh tế học có nhiều điểm chung với văn học - một hạng mục Nobel khác - sẽ giúp ích cho chúng ta, bởi vì nó nới lỏng nhận thức về bộ môn này như một ngành khoa học cứng - những ngành nói cho chúng ta các sự thật về tự nhiên. Hiểu các bình luận và dự báo của các nhà kinh tế học theo cách này cũng cung cấp cho tất cả chúng ta nhiều đầu mối trung gian hơn để đưa ra quyết định liệu một câu chuyện được kể có đáng tin hay không.

Nguyễn Mai Hạ dịch

Nguồn: Economists are more like storytellers than scientists - don’t let the Nobel for ‘economic sciences’ fool you, The Conversation, 10.10.2020.

Print Friendly and PDF