12.12.20

“Liên minh trà sữa” đã gắn kết các nhà đấu tranh trẻ tuổi ủng hộ nền dân chủ ở Hồng Kông, Đài Loan và Thái Lan như thế nào

“LIÊN MINH TRÀ SỮA” ĐÃ GẮN KẾT CÁC NHÀ ĐẤU TRANH TRẺ TUỔI ỦNG HỘ NỀN DÂN CHỦ Ở HỒNG KÔNG, ĐÀI LOAN VÀ THÁI LAN NHƯ THẾ NÀO

Cyrielle Cabot

Những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Bangkok, tháng 10 năm 2020 (Nguồn: Time.com)

Trong những tháng gần đây, những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, Đài Loan và Thái Lan đã thành lập một liên minh xuyên quốc gia, “Liên minh trà sữa”. Mục tiêu của họ: hỗ trợ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh bằng cách tạo ra một phong trào toàn châu Á vì dân chủ.

Hình ảnh cảnh sát dùng vòi rồng phun nước đẩy lùi đám đông dùng ô che chắn cho thân mình, hàng nghìn người mặc đồ đen cùng lúc tràn ra nhiều nơi trong thành phố… Những hình ảnh biểu tình ủng hộ dân chủ vốn diễn ra ở Thái Lan từ nhiều tuần qua giống, đến mức nhầm lẫn, những cuộc biểu tình mà Hồng Kông đã trải qua một năm trước, trước khi bị bóp nghẹt bởi luật an ninh quốc gia nghiêm khắc.

Hai động thái nói trên không chỉ giống nhau. Trong cuộc biểu tình, giữa những khẩu hiệu kêu gọi Thủ tướng Thái Lan từ chức – “Prayuth, cút ngay!”, “Ông đàn áp nhầm thế hệ rồi” – người biểu tình Thái Lan thường xuyên cất tiếng hát “Vinh quang thay Hồng Kông”, bài ca không chính thức của các nhà hoạt động phong trào của cựu thuộc địa Anh. Vào ngày 1 tháng 10, ngày Quốc khánh Trung Quốc, nhà hoạt động [vì dân chủ] Thái Lan Bunkueanun “Francis” Paothong đã hát to ầm ĩ bài ca nói trên trước đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok. Cùng lúc đó, tại Hồng Kông, Joshua Wong, một trong những nhà lãnh đạo của phong trào Hồng Kông, đã gửi đi nhiều dòng tweet ủng hộ những người đồng cấp Thái Lan. Từ nhiều tháng qua, đã nảy sinh một tình đoàn kết chưa từng có, đang dần được thiết lập giữa các nhà hoạt động phong trào ở Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan. Từ nay, đằng sau các phong trào [vì dân chủ] đó là một liên minh: “liên minh trà sữa” (Milk Tea Alliance).

KẺ THÙ KHÁC NHAU, YÊU SÁCH CHUNG

Tuy thế, ba phong trào nói trên đấu tranh vì những mục đích rất khác biệt. Ở Thái Lan, giới trẻ đòi hỏi nhiều dân chủ hơn trong một đất nước do giới quân đội nắm quyền và, điều chưa từng có, một cuộc cải cách chế độ quân chủ. Ở Hồng Kông, các nhà hoạt động phong trào phản đối chính quyền địa phương thân Bắc Kinh, mà từ một năm qua, đã đẩy mạnh các biện pháp đàn áp hà khắc. Cuối cùng ở Đài Loan, các nhà hoạt động phong trào phản đối ảnh hưởng của Trung Quốc.

Roy Ngerng (1981-)

Thachaporn Supparatanapinyo
Thế nhưng, các thành viên của liên minh đảm bảo rằng đằng sau các cuộc đấu tranh khác biệt đó ẩn chứa những yêu sách chung: đấu tranh chống lại các chính phủ bị coi là chuyên chế, chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và còn đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận. “Ngay cả khi các phong trào ủng hộ dân chủ ở Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan có khác biệt, chúng tôi chia sẻ cùng một nỗi đau, đó là chủ nghĩa chuyên quyền, đang đè nặng lên chúng tôi. Về cơ bản, tất cả chúng tôi có cùng một yêu sách: giành lại quyền tự do ngôn luận của mình,” theo lời giải thích cho trang mạng Asialyst của Thachaporn Supparatanapinyo, nhà nữ hoạt động Thái theo diện trao đổi học thuật tại Đại học Đài Bắc và là phát ngôn viên của Liên minh Đài Loan vì dân chủ ở Thái Lan. “Tôi ủng hộ Liên minh trà sữa vì nó đại diện cho cuộc đấu tranh chung của chúng tôi chống lại các chính phủ chuyên quyền ở Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á”, với sự đồng tình của Roy Ngerng, một nhà hoạt động phong trào người Singapore cũng đang ở tại Đài Bắc.

Joshua Wong (1996-)

Bất cứ ai tin vào nền dân chủ và tự do, và chống lại chủ nghĩa chuyên quyền đều có thể tập hợp lại trong liên minh này”, đó cũng là lời tóm tắt của Joshua Wong trong một cuộc phỏng vấn do tờ Time thực hiện.

Trà sữa là biểu tượng các yêu sách của họ. Người dân ở cả ba nước nói trên đều uống trà sữa, nhưng không phải cùng cách giống nhau: người dân uống trà sữa với trân châu bột sắn ở Đài Loan, uống nóng ở Hồng Kông, và uống lạnh và ngọt ở Thái Lan. Nhưng về cơ bản, các thành phần cơ bản [của trà sữa] vẫn giống nhau. Liên quan đến việc lựa chọn tên gọi, Roy Ngerng nói đùa, “tên gọi trà sữa phát sinh từ người Thái. Họ có sở trường sử dụng tính hài hước làm vũ khí để nhấn mạnh đến sự áp bức và tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc. Trà sữa bắt mắt, và điều đó cho thấy chúng tôi không hung hăng.”

MỘT LIÊN MINH RA ĐỜI TỪ CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA CÁC “BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA QUA BẮT CHƯỚC NHAU”

Nguồn gốc của liên minh này cũng tếu như tên gọi của nó. Tháng 4 năm ngoái, qua tài khoản Twitter của mình, một nam diễn viên Thái Lan đã nhấp chuột thích hình ảnh một Hồng Kông và Đài Loan như là những quốc gia độc lập. Ngay lập tức, hàng tấn dòng tweet từ các tài khoản theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã đáp lại, xúc phạm anh ta và tấn công vương quốc [Thái Lan]. Những lời xin lỗi của nam diễn viên đều vô ích. Cuộc chiến tranh ảo đã nổ ra.

Nhiều người Thái đã phản ứng lại, ủng hộ nam diễn viên. Họ đáp trả một cách mỉa mai, không thiếu phần châm chọc, chống lại những lời xúc phạm đất nước họ. Về phần mình, người dùng Internet, ở Hồng Kông và Đài Loan, cũng tham gia vào cuộc chiến kỹ thuật số này, ủng hộ người Thái. Các mạng xã hội tràn ngập các “biểu tượng văn hóa qua bắt chước nhau” (“mèmes”), các yếu tố hoặc hiện tượng này được tái tạo lại bằng hình ảnh và bị biến cách hàng loạt trên Internet. Một số người bắt đầu sử dụng hashtag [ký hiệu], #Milkteaalliance, để nói về mặt trận chung này chống Trung Quốc. “Liên minh trà sữa” đã ra đời.

Chính quyền Thái Lan đã kiểm duyệt chúng tôi từ nhiều năm qua và giờ đây, những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể cho chúng tôi biết chúng tôi có quyền nghĩ gì về Hong Kong và Đài Loan sao? Đây là điều không thể chấp nhận được đối với bất kỳ ai bảo vệ quyền tự do ngôn luận”, Liên minh Đài Loan vì Dân chủ ở Thái Lan phản đối lại.

Ban đầu, người ta thấy “Liên minh trà sữa” trong nhiều cuộc đấu tranh chống Trung Quốc. Các thành viên của liên minh đặc biệt gây tiếng vang bằng cách kích động lời kêu gọi tẩy chay một phiên bản mới của phim Mulan [Hoa Mộc Lan] của hãng phim Disney, cảnh báo rằng có một số cảnh được quay ở Tân Cương, nơi mà hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp. Hashtag này cũng được sử dụng để tố cáo việc Trung Quốc khai thác dòng sông Mekong, tước đi nguồn tài nguyên của những người dân sống ở hạ lưu sông tại các nước láng giềng.

SỬ DỤNG MỘT CÁCH MỚI LẠ CÁC MẠNG XÃ HỘI

Dần dần, liên minh, không chỉ là một phong trào chống Trung Quốc, mà đã trở thành một mạng lưới đoàn kết thực sự giữa ba phong trào. Trên các mạng xã hội, các thành viên của liên minh sử dụng hashtag để giao tiếp với nhau, hỗ trợ nhau, chia sẻ thông tin hoặc lời khuyên. Chính như vậy mà những người biểu tình Hồng Kông có thể giải thích với những người đồng chí hướng Thái Lan về cách thức tổ chức các cuộc biểu tình chớp nhoáng, cách thức tự bảo vệ trước vòi rồng [của cảnh sát] hoặc cách thức đảm bảo luôn đi trước chính quyền một bước... Rất nhiều chiến thuật đó, ngày nay, đã giúp phong trào tồn tại theo thời gian.

Bridget Welsh

Roy Ngerng chào mừng, “Liên minh này cho phép chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ của mình trên các mạng xã hội. Nó cho những người biểu tình ở hiện trường biết rằng họ không đơn độc.” Thachaporn Supparatanapinyo bổ sung thêm, “Tất cả chúng tôi đều chịu sự kiểm duyệt của truyền thông. Đó là lý do vì sao chúng tôi phụ thuộc vào các mạng xã hội để chia sẻ thông tin và tự tổ chức các cuộc biểu tình.”

Khi được Asialyst phỏng vấn, Bridget Welsh, chuyên gia về chính trị ở Đông Nam Á đã nói, “Lần đầu tiên, giới trẻ châu Á đã sử dụng Twitter và Facebook không những như là những nền tảng để phát ngôn theo đúng nghĩa, mà còn như là những nền tảng để giao tiếp với nhau. Điều này giúp họ mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh, cho họ một tầm nhìn xa hơn và có nhiều công cụ hơn để gây áp lực lên chính phủ của họ.”

Từ nay, người ta thấy được sự đoàn kết này thể hiện tại hiện trường. Người biểu tình Thái Lan vẫy cờ vì nền độc lập của Hồng Kông và Đài Loan, trong khi ở Đài Loan và Hồng Kông, các nhà hoạt động phong trào xuất hiện với các biển báo #savethailand. “Chúng tôi có thể lên tiếng vì người khác ở một môi trường an toàn”, theo lời giải thích của Ted Hui, một nhà hoạt động phong trào Hồng Kông, tại một cuộc biểu tình ủng hộ Thái Lan, vào tháng Mười năm ngoái. “Chúng tôi có thể đấu tranh ở Hồng Kông vì phong trào ủng hộ nền dân chủ Thái Lan mà không có nguy cơ bị pháp luật truy tố theo tội khi quân. Ngược lại, người Thái có thể tiếp sức các cuộc đấu tranh của chúng tôi mà không phải chịu các rủi ro tố tụng...”

Về điều này, Đài Loan có một quy chế ưu đãi. “Đài Loan là một không gian dân chủ, có vẻ an toàn hơn. Đài Loan là một nơi hoàn hảo để phát ngôn vì liên minh này”, theo lời giải thích của Roy Ngerng. Đã có rất nhiều cuộc biểu tình được tổ chức ở đó và có rất nhiều người tham gia, không phân biệt người Thái, Hồng Kông và người Đài Loan.

MỘT CÁCH SỬ DỤNG MỚI LẠ CÁC MẠNG XÃ HỘI

Về dài hạn, Roy Ngerng có một ước mơ: nhìn thấy “Liên minh trà sữa” trở thành một phong trào toàn cầu của giới trẻ đang đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp hơn. Ông khẳng định, “Tôi hy vọng sự đoàn kết này sẽ giúp tạo ra một phong trào trong khu vực, đấu tranh chống lại sự tri dậy của chủ nghĩa chuyên quyền và áp bức tại đất nước chúng tôi, những nước mà chính phủ được sự ủng hộ của Trung Quốc. Đây là cách duy nhất để cho các nước khác thấy rằng yêu sách của chúng tôi không chỉ mang tính địa phương mà còn là một mong muốn toàn cầu rộng lớn hơn nhằm thay đổi các cách cầm quyền.”

Cyrielle Cabot

Về phần mình, Thachaporn Supparatanapinyo hào hứng cho biết: “Liên minh đã phát triển trong những tháng gần đây và đã thực sự trở thành một biểu tượng phản kháng dân chủ. Nếu ban đầu, liên minh chỉ giới hạn trong phạm vi Internet, thì liên minh đã thúc đẩy chúng tôi biến nó thành một phong trào thực tế để tạo ra một tương lai chung tốt đẹp hơn.”

Giới thiệu tác giả

Cyrielle Cabot

Là nữ phóng viên trẻ tốt nghiệp trường đại học CELSA (Paris-Sorbonne), Cyrielle Cabot đam mê Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, Miến Điện và các vấn đề xã hội. Cô đã làm việc cho các báo Agence-France Presse tại Bangkok, Libération và Le Monde.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Comment “l'Alliance du thé au lait” a soudé les jeunes militants pro-démocratie de Hong Kong, Taïwan et de Thaïlande, Asialyst, ngày 05/12/2020.

Print Friendly and PDF