6.12.20

Giai tầng xã hội dựa trên thu nhập ở Việt Nam

 GIAI TẦNG XÃ HỘI DỰA TRÊN THU NHẬP Ở VIỆT NAM, 1998-2018

Bùi Thế Cường[*]

Trương Sĩ Ánh[**]

Bùi Thế Cường
Trương Sĩ Ánh
Tóm tắt: Dựa trên số liệu khảo sát mức sống dân cư Tổng cục Thống kê thực hiện trong hai thập niên qua, bài viết phân tích cơ cấu giai tầng xã hội dựa trên thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 1998-2018. Hệ số chênh lệch thu nhập giữa các giai tầng xã hội ngày càng tăng trong giai đoạn này. Mức chênh lệch đặc biệt rõ ở tầng lớp trung lưu trên và giai tầng trên. Mức chênh lệch thay đổi chậm trong thập niên 2000, nhưng nhanh hơn trong thập niên 2010. Có tiến hóa đáng kể về hình dạng phân tầng hai thập niên qua. Năm 1998 cơ cấu giai tầng còn ở dạng tháp, nhưng 2018 trở nên dạng thoi. Cơ cấu giai tầng ở nông thôn tiến hóa chậm hơn khoảng mười năm, nhưng trong thập niên 2010 đã chuyển biến mang tính bước ngoặt.

Từ khóa: cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội, giai tầng xã hội, giai cấp xã hội, Việt Nam, khảo sát mức sống dân cư.

1. Mở đầu

Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội là lĩnh vực nghiên cứu được quan tâm ở Việt Nam từ nhiều thập niên (Bùi Thế Cường, 2015c, 2016, 2019b). Trong hướng này, nhiều tác giả xây dựng sơ đồ phân loại giai cấp và/hoặc tầng lớp xã hội, để nhận diện bộ khung lõi của cơ cấu xã hội.

Bài viết đề xuất một khung phân loại giai tầng xã hội dựa trên thu nhập, dùng nó xử lý dữ liệu ba cuộc khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, để nhận diện cơ cấu giai tầng xã hội ở Việt Nam giai đoạn 1998-2018. Bài viết là sản phẩm của Đề tài “Cơ cấu giai tầng xã hội vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2010-2020” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt và tài trợ.

Bài viết năm phần. Sau mở đầu, phần hai thảo luận khái niệm, tình hình nghiên cứu và khung phân tích. Phần ba đề cập phương pháp và nguồn số liệu. Phần bốn trình bày kết quả phân tích. Phần cuối tóm tắt kết quả chính.

2. Tình hình nghiên cứu và khung phân tích

Heinz-Herbert Noll (1949-)

Giai cấp xã hội hay giai tầng xã hội, tầng xã hội hay phạm trù xã hội hay nhóm xã hội? Đây là chuyện thuyết dài trong lịch sử xã hội học thế giới, Việt Nam không ngoại lệ. Tùy tác giả, quốc gia và thời đại, những thuật ngữ trên hoặc được coi có tính chất khác hẳn nhau hoặc ngược lại được chấp nhận thay thế nhau dễ dàng. Chẳng hạn, theo Heinz-Herbert Noll (1997:105): “Trong văn liệu Mỹ, khái niệm “giai cấp” [class] và “giai tầng” [strata] thường sử dụng như nhau. Trong khi ở Đức có khác biệt rõ ràng giữa “giai cấp” [Klassen] và “giai tầng” [Schichten] cả trong xã hội học lẫn đời thường. Nhìn chung, người ta cho rằng thuật ngữ “Schicht” có nghĩa trung tính hơn, thậm chí nghĩa khẳng định hơn, so với thuật ngữ “Klasse” liên hệ đến quan điểm có tính phê phán hơn, một quan điểm nhấn mạnh vào xung đột của xã hội. Trong đời thường cũng thế, ý tưởng của thuật ngữ “class” thường đi liền với xuất xứ và nghĩa mang tính Marxist”[1]. Tương tự, ở Anh thuật ngữ “giai cấp” [class] cũng dùng và hiểu đa nghĩa cả trong văn bản chính thức, học thuật lẫn đời thường. Một mặt, nhiều người dùng và hiểu theo nghĩa gần với quan điểm marxist hay quan điểm xung đột giai cấp. Mặt khác, cũng nhiều người dùng theo nghĩa không có gì khác nhau và do đó có thể thay thế nhau giữa các thuật ngữ “classes” (như là sự phân lớp, kết quả của hành động “classification”), “grades”, “gradings”, “socio-economic groups”.

Trong bài viết này, nhóm tác giả dùng “giai tầng xã hội” như một khái niệm làm việc để phân tích thống kê, tạm gác sang bên khía cạnh lý thuyết của vấn đề. “Giai tầng xã hội” tạm hiểu là một lối kết hợp ý nghĩa của “giai cấp” và “tầng lớp xã hội”.

Nói về nghiên cứu phân tầng xã hội dù chỉ ở Việt Nam đương đại thôi, cũng cần nhiều trang viết. Ở đây, chỉ đề cập sơ lược và tập trung hơn vào hướng phân loại giai tầng theo thu nhập hay chi tiêu, hướng mà bài viết sẽ đi theo trong khung phân tích của mình.

Ở Việt Nam sau 1975 đến nay liên tục xuất hiện cố gắng đưa ra những phân loại lý thuyết hay thực nghiệm đối với cơ cấu xã hội. Thập niên 1980, một số tác giả phân loại dựa trên tiếp cận marxist, dùng tiêu chí quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất, như Hồng Giao, Thanh-Giang, Trần Hữu Quang, Lê Minh Ngọc, Đỗ Thái Đồng (một tổng quan về các tác giả này trong thập niên 1980, xem: Bùi Thế Cường, 2019b). Sang những thập niên sau, một số tác giả mở rộng khung phân tích, kết hợp quan hệ sở hữu và tiêu chí nghề (Đỗ Nguyên Phương, 1993, 1994; Tạ Ngọc Tấn, 2013).

Đỗ Thiên Kính

Trần Hữu Quang
Một số tác giả khác phân loại dựa trên nghề (Đỗ Thiên Kính, 2012, 2015, 2018; Bùi Thế Cường và Lê Thanh Sang, 2010; Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu, 2013; Bui, 2015a; Bùi Thế Cường và Phạm Thị Dung, 2016; Bùi Thế Cường, 2017; Bùi Thế Cường và Vũ Mạnh Lợi, 2017a, 2017b).

Bên cạnh đó, có hướng phân loại dựa trên mức sống (thu nhập hoặc chi tiêu). Thập niên 1980 có Phạm Văn Phú, Tô Duy Hợp, Chu Hữu Quý (xem Bùi Thế Cường, 2019b). Đầu thập niên 1990, Trịnh Duy Luân (1992) dùng mức sống để phân tầng xã hội ở Hà Nội. Nhiều công trình của Đỗ Thiên Kính nửa cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 sử dụng mức sống để phân tầng xã hội (1995a, 1995b, 1995c, 1996, 1999, 2000, 2003). Lưu Hồng Minh (2001) phân tầng xã hội theo mức sống, áp dụng cho số liệu Đồng bằng sông Hồng.

Tiến hành Khảo sát Mức sống Dân cư (VLSS) đầu tiên ở Việt Nam năm 1992-1993, Ngân hàng Thế giới giới thiệu (có lẽ lần đầu tiên ở Việt Nam) cách xử lý dữ liệu theo phân loại ngũ vị phân [quintile] thu nhập hay chi tiêu (Ngân hàng Thế giới, 1995). Kể từ đó đến cuối thập niên 2000, Ngân hàng Thế giới thường xuyên dùng phân loại ngũ vị phân làm công cụ chính để xem xét mức độ và xu hướng phân tầng xã hội ở Việt Nam (World Bank, 1999, 2003, 2007). Còn Tổng cục Thống kê dùng làm kỹ thuật phân loại chính trong mọi báo cáo về khảo sát mức sống dân cư cho đến nay (Tổng cục Thống kê, 1994, 1999, 2000, 2004, 2006, 2007, 2010, 2011, 2012, 2016). Theo sau khởi đầu ấy của Ngân hàng Thế giới, nhiều tác giả cũng dùng ngũ vị phân làm khung phân tích, chẳng hạn Đỗ Thiên Kính (2003), Lê Hữu Nghĩa và cộng sự (2010), Lê Văn Toàn (2012), Nguyen Tran Lam và Nguyen Viet Cuong (2017).

Khi Việt Nam thoát khỏi nhóm nước nghèo bước lên nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp, để khảo cứu những chuyển biến cập nhật của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới dùng hai phân loại mới. Trong “Việt Nam 2035 Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, và dân chủ” (World Bank Group and Vietnam Ministry of Planning and Investment, 2016: 302)[2], Ngân hàng Thế giới dùng bảng phân tích bốn giai cấp: trung lưu thế giới (chi tiêu >15 USD/người/ngày theo sức mua tương đương PPP), người tiêu dùng mới nổi (5,5-15 USD/người/ngày), người cận nghèo (3,1-5,5 USD/người/ngày), và người nghèo thế giới (<3,1 USD/người/ngày). Trong Báo cáo phát triển Việt Nam 2019, Ngân hàng Thế giới (2020:53) dùng khung “năm giai cấp kinh tế” dựa trên thu nhập theo sức mua tương đương PPP: người nghèo cùng cực, mức sống dưới 1,90 dollar/người/ngày; người nghèo vừa phải, mức tiêu dùng dao động từ 1,90 đến 3,20 dollar/người/ngày; người dễ bị tổn thương kinh tế, tiêu dùng 3,20-5,50 dollar/người/ngày; nhóm an toàn về kinh tế, tiêu dùng 5,50-15 dollar/người/ngày; giai cấp trung lưu toàn cầu, mức sống hơn 15 dollar/người/ngày. Ít dùng ngũ vị phân hơn cho các báo cáo về Việt Nam sau khi “nâng cấp” nước này trên thang phân loại các quốc gia theo thu nhập, có lẽ Ngân hàng Thế giới muốn gợi ý bên cạnh kỹ thuật ngũ vị phân đã đến lúc cần chú ý đến những phân loại thu nhập khác, mang tính xã hội học hơn so với lối chia đều dân cư thành năm nhóm bằng nhau trong kỹ thuật ngũ vị phân.

Tổng quan sơ lược trên cho thấy phân loại giai tầng xã hội dựa trên thu nhập là một trong nhiều kiểu phân loại, dùng khá phổ biến và luôn có ý nghĩa nhất định trong nhận thức xã hội học và chính sách công.

Tan Ern Ser

Bài viết của chúng tôi cũng dựa trên tiếp cận phân loại xã hội theo thu nhập nhưng không theo thang ngũ vị phân mà tham khảo công trình của Tan Ern Ser (2015) về phân tầng xã hội ở Singapore và hướng phân loại giai cấp mới của Ngân hàng Thế giới nói ở trên. Dựa vào 14 phạm trù thu nhập hộ của cơ quan thống kê chính phủ, Tan gộp thành sáu giai cấp xã hội dựa trên thu nhập [class category based on household income], gồm giai cấp trên, trung lưu trên, trung lưu giữa, trung lưu dưới, giai cấp dưới trên, giai cấp dưới dưới [upper, upper middle, middle middle, lower middle, upper lower, lower lower]. Trong phân loại của Tan, các giai cấp trung lưu dựa trên thu nhập là những phạm trù xã hội ở trên ngưỡng trung bình thu nhập hộ (Tan, 2015:18-19)[3].

Cách phân loại thành năm hay sáu giai cấp xã hội (dựa trên nghề hoặc tiêu chí xã hội khác) có lịch sử lâu đời và khá phổ biến. Từ nửa sau thế kỷ 19 ở các nước Âu-Mỹ có quan niệm thông dụng chia dân cư thành ba giai cấp: trên, trung, và dưới [upper, middle, lower class]. Nhưng các phân loại chính thức từ đầu thế kỷ 20 thường bao gồm năm hay sáu giai cấp dựa trên nghề (Szreter, 1993; Bùi Thế Cường, 2019a:56). Khi nghiên cứu phân tầng xã hội ở các thị trấn Hoa Kỳ thập niên 1940 và sau đó, Lloyd G. Warner và cộng sự (2001) đưa ra khung phân loại sáu giai cấp xã hội: thượng lưu trên, thượng lưu dưới, trung lưu trên, trung lưu dưới, hạ lưu trên, hạ lưu dưới [upper-upper, lower-upper, upper-middle, lower-middle, upper-lower, lower-lower][4].

3. Phương pháp và nguồn số liệu

Phương pháp chính của bài viết là phân tích dữ liệu từ ba cuộc Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) năm 1998, 2008, và 2018 của Tổng cục Thống kê.

Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng kỹ thuật phân nhóm k-means để hướng tới một phân loại phù hợp nhất. Hộ gia đình trong mẫu khảo sát được xếp vào các phạm trù thu nhập bình quân đầu người tháng, từ không có thu nhập đến mức thu nhập cao nhất. Số lượng và quãng cách giữa các phạm trù thu nhập được phần mềm SPSS tự động thử qua một chu trình với những phương án khác nhau, sao cho phát hiện ra những cụm [cluster] có tính tập trung bên trong và khác biệt rõ rệt với nhau[5].

Kết quả, từ các phạm trù thu nhập hình thành do quá trình phân tích k-means cluster, chúng tôi tạo nên một thang sáu giai tầng xã hội (dựa trên thu nhập), đặt tên là: giai tầng trên, giữa trên, giữa giữa, giữa dưới, dưới trên, và dưới dưới [upper, upper middle, middle middle, lower middle, upper lower, lower lower class]. Khi phân tích, sáu giai tầng xã hội cũng được gom thành ba tầng xã hội: tầng trên (gồm giai tầng trên và giữa trên), tầng giữa (gồm giai tầng giữa giữa và giữa dưới), và tầng dưới (gồm giai tầng dưới trên và dưới dưới). Đôi khi, chúng tôi cũng sử dụng thuật ngữ tầng lớp (hay giai cấp) trung lưu cho các giai tầng giữa (trung lưu trên, trung lưu giữa, và trung lưu dưới).

4. Kết quả phân tích

Bảng 1 thể hiện thu nhập trung bình và hệ số chênh lệch thu nhập giữa các giai tầng xã hội theo thành thị-nông thôn giai đoạn 1998-2018. Thu nhập trung bình xấp xỉ ở khoảng chia đôi sáu giai tầng xã hội. Năm 1998, thu nhập bình quân tháng đầu người của toàn mẫu là 265.000 VND, còn của giai tầng giữa dưới thì cao hơn: 308.000 VND. Nhưng 2008, hai con số này lần lượt là 1.117.000 VND và 919.000 VND. Và năm 2018 là 3.837.000 VND và 2.702.000 VND. Phân loại của Tan Ern Ser, các giai cấp trung lưu dựa trên thu nhập nằm trên ngưỡng trung bình thu nhập hộ (Tan, 2015:18-19). Nhóm nghiên cứu của Lê Kim Sa lấy mức thu nhập gấp đôi ngưỡng nghèo làm ngưỡng dưới để xác định tầng lớp trung lưu (Lê Kim Sa và Vũ Hoàng Đạt, 2014:71; Lê Kim Sa, 2016:26-27). Rakesh Kochhar xác định ngưỡng của giai cấp trung lưu như sau: “Trong phân tích của chúng tôi, người Mỹ ‘thu nhập trung bình’ là người mà thu nhập hộ gia đình năm bằng 2/3 cho đến gấp đôi mức trung bình quốc gia, sau khi thu nhập đã được điều chỉnh theo quy mô hộ” (Kochhar, 2018)[6]. Như vậy, phân loại của các tác giả trên và của chúng tôi có những tương đồng nhất định.

Xét về khác biệt thu nhập, Bảng 1 cho thấy hệ số chênh lệch thu nhập của giai tầng trên so với giai tầng dưới dưới rất cao: 30,3 năm 1998, 35,0 năm 2008, và 36,8 năm 2018[7]. Mức chênh lệch đặc biệt rõ từ giai tầng giữa trên, nhưng khác biệt giữa giai tầng giữa trên và giai tầng trên cũng rất cao.


Hình 1. Hệ số chênh lệch thu nhập giữa sáu giai tầng xã hội dựa trên thu nhập, Việt Nam, 1998-2018. Nhóm thấp nhất =1. Số liệu gia trọng.

Bảng 1. Thu nhập trung bình và hệ số chênh lệch thu nhập của sáu giai tầng xã hội dựa trên thu nhập theo thành thị-nông thôn, Việt Nam, 1998-2018

So sánh thành thị và nông thôn, Bảng 1 chỉ ra năm 1998 thu nhập bình quân tháng đầu người ở thành thị gấp 2,1 lần nông thôn (441.000 VND so với 210.000 VND). Con số này năm 2008 cũng 2,1 lần (1.810.000 VND so với 847.000 VND), năm 2018 giảm còn 1,7 lần (5.229.000 VND so với 3.133.000 VND). Như vậy, khác biệt thu nhập bình quân chung theo thành thị-nông thôn không thay đổi trong thập niên 2000 nhưng xu hướng giảm trong thập niên 2010.

Về mức chênh lệch thu nhập, năm 1998 hệ số chênh lệch giữa giai tầng trên và giai tầng dưới dưới ở thành thị là 28,2 nhưng ở nông thôn cao hơn: 31,2. Năm 2008, hệ số này là 38,8 ở thành thị và 32,1 ở nông thôn. Năm 2018, là 35,5 và 40,5. Khuôn mẫu thay đổi hệ số chênh lệch ở hai khu vực rất khác nhau. Hệ số chênh lệch ở thành thị tăng mạnh trong giai đoạn 1998-2008 (28,2 tăng lên 38,8), nhưng giảm đôi chút trong giai đoạn 2008-2018 (38,8 so với 35,5), tuy năm 2018 vẫn cao hơn năm 1998. Ngược lại, hệ số chênh lệch ở nông thôn không thay đổi trong giai đoạn 1998-2008 (31,2 so với 32,1), nhưng cao hơn hẳn vào năm 2018 (40,5).

So sánh thu nhập của các giai tầng theo thành thị-nông thôn, nhìn chung các giai tầng ở thành thị đạt mức thu nhập cao hơn ở nông thôn. Tuy nhiên, có những ngoại lệ đáng chú ý. Năm 1998, thu nhập bình quân đầu người của giai tầng trên ở thành thị thấp hơn ở nông thôn (2.810.000 VND so với 2.884.000 VND). Ngược lại, năm 2008, thu nhập bình quân tháng đầu người của giai tầng trên ở thành thị cao hơn ở nông thôn (11.283.000 VND so với 10.018.000 VND). Nhưng đến năm 2018, hai con số này là 22.009.000 VND và 26.061.000 VND, thu nhập bình quân tháng đầu người của giai tầng trên ở nông thôn cao hơn ở thành thị tới hơn 4.000.000 VND. Và thu nhập bình quân của giai tầng dưới trên và dưới dưới ở nông thôn nhìn chung cũng đều cao hơn ở thành thị.

Bảng 2 mô tả phân bố định lượng sáu giai tầng xã hội và ba tầng xã hội của Việt Nam giai đoạn 1998-2018. Có tiến hóa đáng kể về hình dạng phân tầng qua ba thời điểm. Năm 1998, tỷ lệ sáu giai tầng và ba tầng còn tạo nên dạng tháp. Đến 2008, dạng tháp đã phình ra ở đầu cũng như ở giữa và thu nhỏ ở phần đế. Và 2018, chuyển hẳn sang dạng thoi, với tầng trên chiếm 10,6%, tầng giữa 65,4%, và tầng dưới 24,0%. Trong khi 20 năm trước đó, ba con số này là 1,3%, 27,2% và 71,4%; tầng trên tăng hơn tám lần, tầng giữa tăng 2,4 lần, và tầng dưới giảm ba lần.

Bảng 2. Tỷ lệ phần trăm sáu giai tầng và ba tầng xã hội dựa trên thu nhập theo thành thị-nông thôn, Việt Nam, 1998-2018

Cả ba giai tầng thuộc giai cấp trung lưu đều tăng rõ rệt. Sau 20 năm, tỷ lệ trung lưu trên tăng hơn 13 lần, trung lưu giữa tăng gấp rưỡi, trung lưu dưới tăng hơn năm lần. Cùng thời gian, giai tầng dưới trên giảm 1,8 lần và dưới dưới giảm tới 6,8 lần. Có vẻ như qua hai thập niên, nhiều hộ gia đình đã từ tầng lớp trung lưu giữa vươn tới trung lưu trên, và nhiều hộ gia đình từ giai tầng dưới trên vươn tới tầng lớp trung lưu dưới.

Có những tương đồng và khác biệt theo thành thị-nông thôn. Ngay từ 1998, cơ cấu giai tầng ở thành thị đã dạng thoi, tuy phần đế còn lớn gần bằng phần giữa. Ở thời điểm đó, tỷ lệ tầng trên là 4,8%, tầng giữa 49,2%, và tầng dưới 45,9%. Mười năm sau, hình thoi ấy rõ ràng hơn, tầng dưới chỉ còn bằng 1/3 tầng giữa (21,2% so với 66,2%), nhưng đế vẫn còn lớn hơn đỉnh 1,7 lần. Mười năm tiếp theo, phần đế chỉ còn bằng 1/3 phần đỉnh, và tầng giữa chiếm 71,5%.

Cơ cấu giai tầng ở nông thôn tiến hóa chậm hơn, nhưng trong thập niên 2010 đã chuyển biến mang tính bước ngoặt. Năm 1998, cơ cấu giai tầng ở nông thôn dạng tháp với phần đế chiếm tới gần 80%. Mười năm sau, vẫn ở dạng tháp, tuy phần đế đã giảm 17 điểm phần trăm. Chỉ đến 2018 mới có dạng thoi mà phần đế bằng một nửa phần thân (32,3% so với 62,3%). Tuy thế, năm 2018 tỷ lệ tầng trên trong cơ cấu giai tầng ở nông thôn chỉ bằng ¼ ở đô thị (5,3% so với 21,0%), còn tỷ lệ tầng dưới thì lớn gấp bốn lần (32,3% so với 7,5%).

5. Kết luận

Bài viết trình bày kết quả phân tích cơ cấu định lượng giai tầng xã hội Việt Nam giai đoạn 1998-2018, theo hai khía cạnh khác nhau: (i) mức độ biến đổi khoảng cách thu nhập giữa các giai tầng theo thu nhập, (ii) biến đổi trong tỷ lệ cơ cấu các giai tầng theo thu nhập. Hai khía cạnh liên quan đến những hướng quan tâm chính sách khác nhau. Xét về mức độ tăng khoảng cách thu nhập giữa các giai tầng, kết quả nghiên cứu đem lại nhiều lo ngại. Nhưng xét về biến đổi hình dạng phân tầng xã hội, kết quả phân tích cho thấy tiến bộ đáng kể.

Hệ số chênh lệch thu nhập giữa các giai tầng xã hội ngày càng tăng trong giai đoạn 1998-2018. Mức chênh lệch đặc biệt rõ ở giai tầng trên và giữa trên so với các giai tầng còn lại. Mức chênh lệch thấp trong thập niên 2000, nhưng cao hơn trong thập niên 2010. Nếu bối cảnh phát triển và chính sách không thay đổi trong thập niên 2020, phải chăng mức và tốc độ chênh lệch sẽ cao hơn?

Có tiến hóa đáng kể về hình dạng phân tầng qua ba thời điểm. Năm 1998, cơ cấu giai tầng còn dạng tháp. Đến 2008, dạng tháp đã phình ra ở phần đầu cũng như giữa, và thu nhỏ ở phần đáy. Năm 2018 chuyển hẳn sang dạng thoi. Cả ba giai tầng thuộc tầng lớp trung lưu đều tăng rõ rệt. Hai giai tầng dưới giảm đều đặn qua thời gian.

Cơ cấu giai tầng luôn khác biệt rõ rệt giữa thành thị và nông thôn. Cơ cấu giai tầng ở nông thôn tiến hóa chậm hơn khoảng mười năm, nhưng trong thập niên 2010 đã chuyển biến mang tính bước ngoặt. Nhìn chung, khác biệt thu nhập bình quân theo thành thị-nông thôn xu hướng giảm trong giai đoạn 1998-2018. Đáng chú ý, mức chênh lệch thu nhập của giai tầng trên so với giai tầng dưới dưới ở nông thôn cao hơn ở thành thị.

Có tác giả phê phán tình trạng nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam chỉ tập trung vào khía cạnh kinh tế, như mức sống hay thu nhập (Chu, 2018). Chúng tôi đồng ý một phần với phê phán ấy. Tuy vậy, tiếp tục đào sâu khía cạnh kinh tế hay mức sống của phân tầng xã hội vẫn tiếp tục có ý nghĩa đối với nhận thức xã hội học và chính sách công ở Việt Nam cũng như mọi nước khác. Ngân hàng Thế giới và các cơ quan thống kê chính phủ trên thế giới vẫn thường xuyên sử dụng công cụ phân loại thu nhập để cho ra những phân tích hiệu quả. Những nghiên cứu mới đây nhất trên thế giới không bỏ qua vốn kinh tế trong sơ đồ của mình (Savage et al., 2013, 2015). Gần đây, Nguyen Tran Lam và Nguyen Viet Cuong (2017) và Oxfam (2018) nghiên cứu chuyển dịch thu nhập trong thế hệ và liên thế hệ [intra- and intergenerational income mobility] ở Việt Nam.

Thu nhập là điều kiện, là nguồn lực quan trọng, để một cá nhân hay hộ gia đình theo đuổi các mục tiêu xã hội của mình. Thu nhập có thể chuyển hóa thành tài sản, tạo nên vốn kinh tế và chuyển hóa thành các loại vốn khác (vốn con người, vốn xã hội, vốn văn hóa, vốn chính trị), và ngược lại. Theo nghĩa ấy, biến số thu nhập đủ khả năng, sức mạnh giải thích, để lấy làm tiêu chí phân biệt các giai tầng xã hội. Nói cách khác, thu nhập đủ khả năng tạo ra, thể hiện những khác biệt xã hội sâu sắc để có thể trở thành những giai tầng xã hội, rất khác biệt với nhau và khó vượt qua, khó xóa nhòa ranh giới.

Tài liệu tham khảo

Bui, Cuong The. 2015a. Social Stratification in the Southeast Region of Vietnam. IAS Working Paper Series. No. 16. Universiti Brunei Darussalam Institute of Asian Studies.

Bùi Thế Cường. 2015b. Nông dân trong cấu trúc phân tầng xã hội. Tạp chí Xã hội học. Số 2(130)/2015: 20-31. Hà Nội: Viện Xã hội học.

Bùi Thế Cường. 2015c. Nghiên cứu phân tầng xã hội ở Nam Bộ (Nhìn từ đóng góp của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ). Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 9+10 (205+206): 42-57. TPHCM. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Bùi Thế Cường. 2016. Cảnh quan nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam. Tạp chí Xã hội học. Số 3(135): 7-14. Hà Nội. Viện Xã hội học.

Bùi Thế Cường. 2017. Một phân loại giai tầng trung lưu Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tạp chí Xã hội học. Số 3(139): 43-51. Hà Nội. Viện Xã hội học.

Bùi Thế Cường. 2019a. Phân loại thực nghiệm giai cấp xã hội chính thức ở Anh. Tạp chí Xã hội học, Số 3(147): 51-59. Hà Nội. Viện Xã hội học.

Bùi Thế Cường. 2019b. Nghiên cứu cơ cấu giai tầng xã hội Việt Nam thập niên 1980. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 12(256): 26-36. TPHCM. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Bùi Thế Cường, Lê Thanh Sang. 2010. Một số vấn đề về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội ở Tây Nam Bộ: Kết quả từ cuộc khảo sát định lượng năm 2008. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 3(139): 35-47. TPHCM. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Bùi Thế Cường và Phạm Thị Dung. 2016. Chuyển dịch cơ cấu nghề trên một mẫu khảo sát lặp lại ở Đông Nam Bộ. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 1(209): 29-42. TPHCM. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Bùi Thế Cường, Vũ Mạnh Lợi. 2017a. Khác biệt đô thị-nông thôn và tiểu vùng trong cơ cấu xã hội dựa trên nghề ở Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 1999-2009. In trong: Lê Thanh Sang (Chủ biên). 2017. Quan hệ nông thôn-thành thị trong phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc gia. Nxb Khoa học xã hội. Trang 252-268.

Bùi Thế Cường, Vũ Mạnh Lợi. 2017b. Khác biệt tộc người trong cơ cấu xã hội dựa trên nghề ở Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 1999-2009. In trong: Viện Dân tộc học. 2017. Những vấn đề cơ bản, cấp bách về dân tộc, tộc người ở nước ta hiện nay: Lý luận và thực tiễn. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học quốc gia năm 2016. Nxb Khoa học xã hội. Trang 345-355.

Chu, Ly. 2018. The Quest for Research on Social Class in Contemporary Vietnam: Overview of Current Approaches and Suggestions for Considering Pierre Bourdieu’s Theoretical Framework. Journal of Vietnamese Studies. Vol. 13, No. 1, Winter 2018, pp. 42-79.

Đỗ Nguyên Phương. 1993. Những vấn đề chính trị-xã hội của cơ cấu xã hội-giai cấp ở nước ta. Đề tài KX07.05. Hà Nội. Nxb Chính trị quốc gia và Nxb Khoa học-kỹ thuật.

Đỗ Nguyên Phương (Chủ biên). 1994. Về sự phân tầng xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Hà Nội. Đề tài KX07.05.

Đỗ Thiên Kính. 1995a. Thực trạng xu hướng biến đổi của phân tầng xã hội ở nông thôn Đồng bằng sông Hồng. Hà Nội. Viện Xã hội học.

Đỗ Thiên Kính. 1995b. Mấy nhận xét về sự so sánh phân tầng mức sống giữa nông thôn đồng bằng sông Hồng và nông thôn miền núi phía Bắc trong thời kỳ đổi mới. Tạp chí Xã hội học. Số 1(49): 62-68. Hà Nội. Viện Xã hội học.

Đỗ Thiên Kính. 1995c. Sự biến đổi của cơ cấu nghề nghiệp và phân tầng mức sống ở nông thôn đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Xã hội học. Số 3(51): 68-74. Hà Nội. Viện Xã hội học.

Đỗ Thiên Kính. 1996. Sự chuyển đổi cơ cấu lao động-nghề nghiệp và tác động của nó đến phân tầng mức sống ở một xã vùng đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Xã hội học. Số 4(56): 28-34. Hà Nội. Viện Xã hội học.

Đỗ Thiên Kính (Chủ biên). 1999. Tác động của chuyển đổi cơ cấu lao động nghề nghiệp xã hội đến phân tầng mức sống. Hà Nội. Nxb Nông nghiệp.

Đỗ Thiên Kính. 2000. Nghiên cứu định lượng về phân hoá giàu nghèo và vai trò của nhân tố học vấn trong việc nâng cao mức sống cho người dân Việt Nam (Qua 2 cuộc khảo sát điều tra mức sống dân cư Việt Nam năm 1993 và 1998). Báo cáo kết quả đề tài. Hà Nội. Viện Xã hội học.

Đỗ Thiên Kính. 2003. Phân hóa giàu nghèo và tác động của yếu tố học vấn đến nâng cao mức sống cho người dân Việt Nam. Hà Nội. Nxb Khoa học xã hội.

Đỗ Thiên Kính. 2012. Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay (Qua những cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2002-2004-2006-2008). Hà Nội. Nxb Khoa học xã hội.

Đỗ Thiên Kính. 2015. Xu hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 4(200): 29-40. TPHCM. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Đỗ Thiên Kính. 2018. Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay. Hà Nội. Nxb Khoa học xã hội.

Kochhar, Rakesh. 2018. The American Middle Class is Stable in Size, but Losing Ground Financially to Upper-income Families. Pew Research Center: FACT TANK News in the Numbers. 6 Sept 2018.

Lê Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Tấn và Lê Ngọc Hùng. 2010. Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội (Qua khảo sát một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam). Hà Nội. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lê Kim Sa. 2016. Nhận diện tầng lớp trung lưu ở Việt Nam qua cách tiếp cận đa chiều. Tạp chí Kinh tế & Phát triển. Số 228: 24-32.

Lê Kim Sa và Vũ Hoàng Đạt. 2014. Nhận diện tầng lớp trung lưu ở Việt Nam qua cách tiếp cận đa chiều. Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới. Số 10: 68-80.

Lê Thanh Sang và Bùi Thế Cường. 2010. Phân bố chuyển dịch đất nông nghiệp của hộ gia đình ở Tây Nam Bộ. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 4(140): 24-32. TPHCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu. 2013. Cơ cấu phân tầng xã hội ở Đông Nam Bộ trong tầm nhìn so sánh với Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nam Bộ. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 2(174): 20-32. TPHCM. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Lê Văn Toàn. 2012. Phân tầng xã hội ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hà Nội. Nxb Chính trị quốc gia.

Lưu Hồng Minh. 2001. Thực trạng phân tầng xã hội theo mức sống ở nông thôn Đồng bằng sông Hồng - Dự báo và những kiến nghị. Luận án Tiến sĩ. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

MacQueen, James B. 1967. Some Methods for Classification and Analysis of Multivariate Observations. In: Proceedings of Fifth Berkeley Symposium on Mathematical Statistics and Probability. Volume 1: Statistics: 281-297. University of California Press. https://projecteuclid.org/euclid.bsmsp/1200512992

Ngân hàng Thế giới. 1995. Việt Nam: Đánh giá sự nghèo đói và chiến lược. Hà Nội. Ngân hàng Thế giới.

Ngân hàng Thế giới. 2020. Báo cáo phát triển Việt Nam 2019. Việt Nam - Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung. Hà Nội. Ngân hàng Thế giới.

Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam. 2016. Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, và dân chủ. Washington DC. Ngân hàng Thế giới.

Nguyen, Tran Lam and Nguyen Viet Cuong. 2017. Intragenerational and Intergenerational Mobility in Vietnam. ADBI Working Paper No. 722. Tokyo. Asian Development Bank Institute.

Noll, Heinz-Herbert. 1997. Class, Stratification and Beyond: The German Case. Tocqueville Review/La Revue Tocqueville, Vol. XVIII, no 2-1997, 103-128.

Oxfam. 2018. Dịch chuyển xã hội và bình đẳng cơ hội tại Việt Nam: Xu hướng và các yếu tố tác động. Nxb Hồng Đức.

Savage, Mike, Fiona Devine, Niall Cunningham, Mark Taylor, Yaojun Li, Johs Hjellbrekke, Brigitte Le Roux, Sam Friedman, and Andrew Miles. 2013. A New Model of Class Analysis? Findings from the BBC’s Great British Class Survey Experiment. Sociology. Vol. 47, No. 2, pp. 219-250. SAGE.

Savage, Mike, Fiona Devine, Niall Cunningham, Sam Friedman, Daniel Laurison, Andrew Miles, Helene Snee, and Mark Taylor. 2015. On Social Class, Ano 2014. Sociology. Vol. 49, No. 6, pp. 1011-1030. SAGE.

Szreter, Simon R.S. 1993. The Official Representation of Social Classes in Britain, the United States, and France: The Professional Model and “Les Cadres”. Comparative Studies in Society and History. Vol. 35, No. 2 (Apr. 1993), pp. 285-317.

Tan, Ern Ser. 2015. Class and Social Orientations: Key Findings from the Social Stratification Survey 2011. IPS Exchange, Number 4, July 2015. National University of Singapore.

Tạ Ngọc Tấn (Chủ biên). 2013. Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam. Hà Nội. Nxb Chính trị quốc gia.

Tổng cục Thống kê. 1994. Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam 1992-1993. Hà Nội. Nxb Thống kê.

Tổng cục Thống kê. 1999. Phân tích kết quả điều tra đời sống, kinh tế hộ gia đình năm 1999. Hà Nội. Nxb Thống kê.

Tổng cục Thống kê. 2000. Điều tra mức sống dân cư Việt Nam 1997-1998. Hà Nội. Nxb Thống kê.

Tổng cục Thống kê. 2004. Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002. Hà Nội. Nxb Thống kê.

Tổng cục Thống kê. 2006. Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2004. Hà Nội. Nxb Thống kê.

Tổng cục Thống kê. 2007. Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2006. Hà Nội. Nxb Thống kê.

Tổng cục Thống kê. 2010. Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2008. Hà Nội. Nxb Thống kê.

Tổng cục Thống kê. 2011. Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2010. Hà Nội. Nxb Thống kê.

Tổng cục Thống kê. 2012. Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2012. Hà Nội. Nxb Thống kê.

Tổng cục Thống kê. 2014. Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2014. Hà Nội. Nxb Thống kê.

Tổng cục Thống kê. 2016. Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2016. Hà Nội. Nxb Thống kê.

Trịnh Duy Luân. 1992. Sự phân tầng xã hội theo mức sống tại thủ đô Hà Nội trong những năm đầu thực hiện Đổi Mới. Tạp chí Xã hội học. Số 4(90): 16-28. Hà Nội. Viện Xã hội học.

Warner, G. Lloyd, with Marchia Meeker and Kenneth Eells. 2001. Social Class in America. Trong: Grusky, David B. (Editor). 2001. Social Stratification: Class, Race, and Gender in Sociological Perspective. Second Edition. Westview Press. pp. 240-247.

World Bank Group. 1995. Vietnam Poverty Assessment and Strategy. Report No. 13442-VN. International Bank for Reconstruction and Development/ The World Bank.

World Bank Group. 1999. Vietnam Development Report 2000 Attacking Poverty. Report No. 19914-VN. International Bank for Reconstruction and Development/ The World Bank.

World Bank Group. 2003. Vietnam Development Report 2004 Poverty. Report No. 27130-VN. International Bank for Reconstruction and Development/ The World Bank.

World Bank Group. 2007. Vietnam Development Report 2008 Social Protection. 43653. International Bank for Reconstruction and Development/ The World Bank.

World Bank Group. 2013. Vietnam Development 2014. Skilling Up Vietnam: Preparing the Workforce for A Modern Market Economy. International Bank for Reconstruction and Development/ The World Bank.

World Bank Group and Ministry of Planning and Investment of Vietnam. 2016. Vietnam 2035 Towards Prosperity, Creativity, Equity, and Democracy. International Bank for Reconstruction and Development/ The World Bank and the Ministry of Planning and Investment of Vietnam.

Chú thích

Bài đã đăng ở Tạp chí Xã hội học, số 2(150): 20-30. Hà Nội: Viện Xã hội học.



Chú thích:

[*] Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

[**] Kantar Group.

[1] Nguyên văn: “Whereas the concepts “class” and “strata” are frequently used as equivalents in the American literature, in Germany the distinction between “Klassen” and “Schichten” is significant both in sociology as well as in everyday life. In general it can be said that the term “Schicht” has a more neutral, even affirmative meaning compared to the term “Klasse” which is usually related to a more critical, conflict-oriented perspective of society. In everyday life too the notion of the term “class” is usually associated with its Marxist origin and meaning”.

[2] Bản tiếng Việt ở trang 394 (Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, 2016).

[3] Chúng tôi chưa tìm được tài liệu giải thích cơ quan thống kê Singapore đưa ra khung phân loại 14 phạm trù thu nhập hộ như thế nào.

[4] Trao đổi với chúng tôi, Tan Ern Ser cho biết ông tham khảo công trình của Warner để xây dựng khung sáu phạm trù xã hội dựa trên thu nhập của mình.

[5] Có lẽ James B. MacQueen (1967) là người đầu tiên đề xuất khá hoàn chỉnh cho phương pháp k-means, sau này được dùng rất phổ biến. K-means là một thuật toán dùng trong bài toán phân loại hay phân chia một tổng thể gồm n đối tượng thành k nhóm, dựa trên đặc tính của đối tượng. Áp dụng cho bài toán cụ thể của chúng tôi, phân chia dân số theo mức thu nhập bình quân, toàn bộ quần thể được phân chia thành k nhóm theo nguyên tắc những người có mức thu nhập gần nhau nhất được xếp chung vào một nhóm, đồng thời khoảng cách thu nhập bình quân giữa nhóm này với nhóm kia là xa nhất. Nguyên tắc phân nhóm này đảm bảo các thành viên trong cùng một nhóm có tính đồng dạng cao nhất, và các thành viên của nhóm này với thành viên của nhóm khác sẽ khác biệt nhau nhiều nhất về mặt thu nhập.

[6] Nguyên văn: “In our analysis, “middle-income” Americans are adults whose annual household income is two-thirds to double the national median, after incomes have been adjusted for household size”.

[7] Dùng phân loại ngũ vị phân thì hệ số chênh lệch giữa 20% nhóm dân cư giàu so với 20% nhóm dân cư nghèo sẽ thấp hơn nhiều, dễ đem lại cho chính trị gia, nhà hoạch định chính sách, và công luận một cảm giác an tâm, không phù hợp với mức bất bình đẳng xã hội thực.

Print Friendly and PDF