4.12.20

Phán đoán giá trị trong lịch sử khoa học (G. Bachelard, 1951)

Từ khóa: Khoa học - Lịch sử; Phán đoán giá trị; Bachelard, Gaston - Trích đoạn

NGHĨA VỤ ĐÁNH GIÁ, ĐẶC TRƯNG CỦA LỊCH SỬ KHOA HỌC (1951)

Tác giả: Gaston Bachelard*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Hãy trở lại vấn đề cụ thể của chúng ta là làm nổi bật lên tính tích cực hầu như tuyệt đối của tiến bộ khoa học.

Tính tích cực tuyệt đối của tiến bộ khoa học này sẽ hiển hiện như điều không thể nào phủ nhận được, nếu chúng ta xem xét lịch sử của một khoa học gương mẫu: lịch sử toán học. Ở đây, rõ ràng là chúng ta không thể mô tả một sự suy đồi nào, bởi vì một giảm sút trong tính chặt chẽ của những chân lý [toán học] sẽ là một lầm lỗi tức thì. Nếu lịch sử toán học thuật lại những lỗi lầm có thể xảy ra sau khi chân lý toán học đã được phát hiện, thì đây sẽ là lịch sử của những học sinh dốt trong khoa toán học, chứ không phải là lịch sử của các nhà toán học thực thụ nữa. Một lịch sử như thế sẽ rời bỏ dòng chảy của lịch sử tích cực. [...] Như vậy, hãy xem như điều đã được xác minh là, nhìn toàn bộ, lịch sử khoa học được đặt trước một sự tăng trưởng tuyệt đối. Hoặc nó thuật lại sự tăng trưởng đó, hoặc nó không có gì để nói cả. Tình huống đặc biệt này sẽ áp đặt lên sử gia khoa học nhiều bó buộc đặc biệt. [...]

Trong thực tế, đối lập hoàn toàn với các quy định khuyến nghị sử gia không được đánh giá[1], ngược lại, ở đây ta phải đòi hỏi sử gia khoa học đưa ra những phán đoán giá trị. [...] Chí ít, lịch sử các khoa học là một mớ những đánh giá ngầm về giá trị của những tư tưởng và khám phá khoa học. Sử gia khoa học nào giải thích rõ ràng giá trị của mọi tư duy mới, ông ta sẽ giúp chúng ta thực sự hiểu lịch sử các khoa học. Nói tóm lại, về cơ bản, lịch sử các khoa học là một lịch sử được đánh giá, đánh giá trong chi tiết những khung và nền của nó, với một ý thức được tinh chỉnh không ngừng về các giá trị chân lý. Lịch sử các khoa học không thể đơn giản là một lịch sử được ghi lại. Đương nhiên, những biên bản trong các Viện Hàn Lâm đã chứa đầy tài liệu để viết lịch sử các khoa học. Nhưng những biên bản này không thực sự tạo thành một lịch sử khoa học. Nên lịch sử các khoa học phải đến, để vạch ra những tuyến đường của sự tiến bộ. [...]

Nếu sử gia khoa học phải là vị thẩm phán về các giá trị chân lý liên quan đến một khoa học, ông ta sẽ phải học nghề ở đâu? Câu trả lời không còn gì phải ngờ vực: để phán xét quá khứ, sử gia khoa học phải biết hiện tại; ông ta phải học hỏi tốt nhất có thể cái khoa học mà ông nuôi ý định viết ra lịch sử của nó. Và chính vì điều kiện này mà, dù chúng ta có muốn hay không, lịch sử các khoa học vẫn bị ràng buộc chặt chẽ vào tính thời sự của khoa học.

Trong cùng một chừng mực mà sử gia khoa học được đào tạo trong tính hiện đại của khoa học, ông ta sẽ phát hiện ra những sắc thái mỗi ngày một nhiều hơn, mỗi ngày một tinh tế hơn, về tính lịch sử của khoa học. Ở đây, ý thức về tính hiện đại và ý thức về sử tính giữ một tỷ lệ cân xứng chặt chẽ với nhau.

Từ những sự thật mà khoa học ngày nay đã làm cho rõ nét hơn và phối hợp tốt hơn, cái quá khứ của chân lý xuất hiện rõ ràng là tiệm tiến hơn, như chính là quá khứ. Dường như một lịch sử rõ rệt của các khoa học không thể xảy ra hoàn toàn cùng lúc với sự triển khai của nó. Các kịch bản về những khám phá vĩ đại, chúng ta theo dõi sự phát triển của chúng trong lịch sử càng dễ dàng hơn, khi ta đã tham gia vào màn thứ năm của chúng. […]

Đôi khi một luồng sáng đột ngột nâng cao giá trị của quá khứ lên. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính tri ​​thc v quá kh đã ri sáng đường hướng cho khoa hc tiến ti. Nhưng chúng ta cũng có th nói rng, trong mt s trường hp nht định, chính hin ti đã làm cho quá khứ rực sáng. […]

Léon Brunschvicg (1869-1944)

Đương nhiên, thứ ánh sáng lặp đi lặp lại này, dù nó đã đóng một vai trò rõ ràng là quan trọng trong sự phát triển hài hòa của tư duy toán học, nhưng có thể là đã thiếu quyết đoán hơn nhiều trong sự ấn định các giá trị lịch sử cho nhiều ngành khoa học khác, như vật lý hoặc hóa học chẳng hạn. Chỉ vì muốn làm cho một số tư tưởng trong quá khứ trở nên tích cực hơn nữa, chúng ta có thể rơi vào những hợp lý hóa thực sự, thứ hợp lý hóa đã mang lại cho các khám phá trong quá khứ một ý nghĩa quá sớm. Léon Brunschvicg* đã tinh tế lưu ý, khi phê phán một văn bản của Houllevigne[2], người sau khi nhắc lại một số nỗ lực được thực hiện vào năm 1689 để hòa tan vàng, từng viết: [...] Cái chất lỏng mà Langelot[3] thu được này [...], ngày nay chúng ta đã biết nó, đấy là chất keo của vàng. Và như vậy, chính nhờ theo đuổi ảo tưởng của họ mà các nhà giả kim đã phát hiện ra các chất keo kim loại, và mãi hai trăm năm mươi năm sau, Bredig[4] mới cho thấy các tính chất đáng kinh ngạc của chúng”.

Nhưng với ý thức tinh tế về những khác biệt nhỏ thường thấy ở ông, Brunschvicg chặn ngay sự hợp lý hóa này lại. Ông nói: “Có điều là khám phá của họ chỉ tồn tại cho chúng ta, chứ không tồn tại cho họ. Thực vậy, ta không được phép nói chúng ta biết điều gì, ngay cả khi ta làm điều đó, khi ta không biết rằng chúng ta đã thực hiện nó. Sôkratês từng dạy rằng biết chính là có khả năng truyền dạy[5].

Cảnh báo của Brunschvicg phải được ghi vào hàng châm ngôn của lịch sử khoa học. Cần có một sự tinh tế thực sự khi phải xử lý những đợt lặp đi lặp lại có thể xảy ra. Nhưng điều thiết yếu là cũng vẫn phải chồng lên lịch sử diễn tiến của những sự kiện một lịch sử diễn biến của các giá trị [khoa học]. Và các giá trị chỉ có thể được thẩm định khi ta biết những giá trị thống lĩnh, nghĩa là những giá trị nào trong tư duy khoa học đang giữ thế chủ động trong thời hiện đại.

Tất nhiên, lập trường triết học mà tôi đảm nhận ở đây không chỉ khó khăn và nguy hiểm. Bản thân nó chứa đựng một yếu tố hủy hoại chính nó: yếu tố tự hủy hoại này là sự phù du của tính hiện đại trong khoa học. Theo sát cái lý tưởng về định hướng hiện đại chủ nghĩa mà tôi đề xuất cho nó, lịch sử khoa học sẽ thường xuyên phải được làm lại, phải được xem xét lại. Trong thực tế, đấy chính xác là những gì đang xảy ra. Nhưng chính cái nghĩa vụ phải soi sáng tính lịch sử của các khoa học bằng tính hiện đại của khoa học này đã khiến cho lịch sử khoa học trở thành một học thuyết (doctrine) luôn luôn son trẻ, một trong các học thuyết khoa học sống động và có giá trị giáo dục nhất.

Gaston Bachelard

Tính Thời Sự Của Lịch Sử Khoa Học

(L'actualité de l'histoire des sciences),

Bài nói chuyện tại Palais de la Découverte, 1951

Nguồn: Phán đoán giá trị trong lịch sử khoa học (G. Bachelard, 1951), Ired.Edu.Vn



Chú thích:

 

[1] Xem thêm các bài về đòi hỏi khách quan của sử gia nói chung trên trang mục Sử Học khi có thể tham khảo.
[2] Houllevigne trong nguyên bản. Chúng tôi không tìm ra là ai. Có thể nào là Louis Houllevigue (1863-1944), nhà vật lý học người Pháp chăng? Nếu đúng thì đây là những tác phẩm chính của Houllevigue: L'Évolution des sciences (1908); Le Ciel et l'Atmosphère (1911, 1933); La Matière (1913, 1931); La Vie du globe et la science moderne (1929); Problèmes actuels de l'astrophysique (1935).
[3] Joel Langelot (hay Langellott hay Langelott, 1617-1680): nhà vật lý và giả kim học người Đức. Tác phẩm hóa học được biết nhiều nhất: Epistula ad praecellentissimos naturae curiosos (1672).
[4] Georg Bredig (1868-1944): nhà vật lý hóa học người Đức. Tác phẩm Beiträge zur Stöchiometrie der Ionenbeweglichkeit (1894); Über die chemie der extremen temperaturen (1901); Anorganische Fermente, Darstellung kolloidaler Metalle auf elektrischem Wege und Untersuchung ihrer katalytischen Eigenschaften (1901); Handbuch der angewandten physikalischen Chemie (c. b., 1905-1926); Denkmethoden der Chemie (1923); Über katalyse (c.b., với William Ostwald, 1923).
[5] Léon Brunschwicg, La Connaissance de soi, 1931, tr. 68.

Print Friendly and PDF