14.12.20

Thiết kế vắc xin cho mọi người chứ không vì lợi nhuận

THIẾT KẾ VẮC XIN CHO MỌI NGƯỜI CHỨ KHÔNG VÌ LỢI NHUẬN

Các tác giả: Mariana Mazzucato, Henry Lishi LiEls Torreele

Đối với tất cả hy vọng được thúc đẩy bởi các công bố về hiệu quả đã được chứng minh ở nhiều ứng viên vắc xin COVID-19, vẫn còn một chặng đường dài để thực hiện lời hứa về một “vắc xin dành cho mọi người” phổ biến, có sẵn miễn phí. Về vấn đề này, lợi ích quốc gia và tư nhân hiện đang lấn át nguyên tắc y tế công bằng.

LONDON - Những thông báo gần đây về hiệu quả đã được chứng minh trong các thử nghiệm vắc xin COVID-19 đã mang lại hy vọng rằng sự trở lại bình thường đang trong tầm mắt. Dữ liệu sơ bộ về vắc xin mRNA mới của Pfizer/BioNTech và Moderna rất đáng khích lệ, cho thấy rằng các vắc xin này đang được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp. Và những tin tức gần đây về tính hiệu quả (mặc dù với tỷ lệ thành công thấp hơn một chút) trong một loại vắc xin từ AstraZeneca và Đại học Oxford đã thúc đẩy sự lạc quan rằng thậm chí còn có nhiều bước đột phá hơn nữa đang trên đường tiến triển.

Về lý thuyết, sự xuất hiện của một loại vắc xin an toàn và hiệu quả sẽ là dấu hiệu khởi đầu cho sự kết thúc của đại dịch COVID-19. Trên thực tế, chúng ta thậm chí còn chưa chấm dứt bước khởi đầu của việc phân phối những thứ cần thiết: một “vắc xin dành cho mọi người được phân phối công bằng và cung cấp miễn phí cho tất cả những ai cần.

Chắc chắn rằng công việc tạo ra vắc xin trong vài tháng đáng được khen ngợi. Nhân loại đã có một bước tiến vượt bậc về công nghệ. Nhưng bàn đạp đã từng là hàng thập kỷ đầu tư công lớn vào nghiên cứu và triển khai.

Hầu hết các ứng viên vắc xin hàng đầu đều chuẩn bị cho hệ thống miễn dịch chống lại các “protein gai” (ND: gắn trên vỏ ngoài của virus), một phương pháp có thể thực hiện được qua nhiều năm nghiên cứu tại các Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Ngay lập tức, BioNTech đã nhận được 445 triệu đô la từ chính phủ Đức, và Moderna đã nhận được 1 triệu đô la từ Liên minh các Sáng kiến về Chuẩn bị Sẵn sàng chống Dịch bệnh và hơn 1 tỷ đô la từ Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh học Tiên tiến của Hoa Kỳ và Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Hoa Kỳ. Vắc xin của AstraZeneca-Oxford (ND: Công ty Dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford) đã nhận được hơn 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD) tài trợ từ công quỹ.

Nhưng để những tiến bộ công nghệ có thể chuyển thành Y tế cho Mọi người, những sáng kiến được tạo ra một cách tập thể cần được quản lý vì lợi ích công cộng, không phải vì lợi nhuận tư nhân. Điều này đặc biệt đúng khi nói đến việc phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin trong bối cảnh đại dịch.

Không quốc gia nào hành động một mình có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này. Đó là lý do tại sao chúng ta cần vắc xin được cung cấp rộng rãi và miễn phí. Tuy nhiên, hệ thống sáng kiến hiện tại coi lợi ích của các quốc gia có thu nhập cao ưu tiên hơn lợi ích của tất cả các quốc gia khác và coi lợi nhuận ưu tiên hơn sức khỏe cộng đồng.

Bước đầu tiên đối với vắc xin dành cho mọi người là bảo đảm sự minh bạch đầy đủ của các kết quả thử nghiệm lâm sàng, điều này sẽ cho phép đánh giá độc lập và kịp thời về tính an toàn và hiệu quả. Việc công bố dữ liệu sơ bộ, ít ỏi thông qua các thông cáo báo chí của tập đoàn công ty là dành cho thị trường tài chính, chứ không phải cho cộng đồng y tế công cộng. Cách làm này đặt ra một tiền lệ xấu. Trong khi giá cổ phiếu dược phẩm tăng vọt, các chuyên gia y tế và công chúng vẫn phải đoán già đoán non về kết quả được báo cáo. Khi có thêm thông tin chi tiết về những sai sót trong thiết kế và triển khai thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin AstraZeneca-Oxford, thì cũng có những lời kêu gọi để khoa học cởi mở và chia sẻ ngay lập tức các quy trình và kết quả.

Thêm vào đó, những câu hỏi quan trọng về các ứng viên vắc xin hàng đầu vẫn chưa được giải đáp. Đối phó với áp lực kinh tế và chính trị ở các quốc gia có thu nhập cao, các công ty dược phẩm đang gấp rút đưa các ứng viên vắc xin của họ về đích. Theo đó, họ đã thiết kế các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của họ để đưa ra thông tin dưới dạng điện tử, xác thực và càng nhanh càng tốt, thay vì giải quyết các câu hỏi xác đáng hơn như liệu vắc xin có ngăn ngừa nhiễm trùng hay chỉ bảo vệ chống lại bệnh tật. Cũng không rõ việc bảo vệ sẽ kéo dài bao lâu; liệu một loại vắc xin nhất định nào đó có tác dụng như nhau ở người trẻ và người già, hoặc ở những người mắc các bệnh nền hay không; và cách thức các ứng viên vắc xin hàng đầu được so sánh với nhau như thế nào (rất quan trọng để thiết kế các chiến lược tiêm chủng hiệu quả).

Hơn nữa, lợi ích quốc gia - đặc biệt là lợi ích của các nước phát triển - vẫn là yếu tố chi phối trong việc chính thức triển khai vắc xin. Trong khi nền tảng mua và phân phối quốc tế COVAX thể hiện một bước tiến quan trọng, tác động của nó đang có đối trọng là các thỏa thuận song phương lớn mua trước của các nước giàu có đủ khả năng đặt cược vào nhiều loại vắc xin. Ví dụ, các quốc gia có thu nhập cao đã mua gần 80% liều vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna sẽ có sẵn trong năm đầu tiên.

Tổng cộng là, các nước giàu được ưu tiên cung cấp 3,8 tỷ liều từ các nhà sản xuất vắc xin khác nhau, so với 3,2 tỷ (bao gồm khoảng 700 triệu liều COVAX) mà phần còn lại của thế giới sẽ phải chia sẻ. Nói cách khác, các quốc gia có thu nhập cao đã đặt hàng trước đủ liều lượng để tiêm chủng cho dân số của họ nhiều lần, khiến phần còn lại của thế giới còn có quá ít khả năng để bảo vệ ngay cả những cộng đồng có nguy cơ cao nhất.

Đồng thời, vì cuộc đua vắc xin chủ yếu tập trung vào các thị trường phương Tây, một số ứng viên vắc xin hiếm khi khả thi bên ngoài bối cảnh các nước phát triển. Thuốc chủng ngừa Pfizer/BioNTech phải được giữ ở -70ºC, lạnh hơn mùa đông ở Nam Cực. Việc phân phối vắc xin này sẽ tạo ra những thách thức hậu cần phức tạp và tốn kém, đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình. Mặc dù các ứng viên vắc xin khác - chẳng hạn như vắc xin của AstraZeneca-Oxford - ổn định ở nhiệt độ cao hơn, điều đáng chú ý là các tính năng rõ ràng về phân biệt đối xử về mặt thị trường được tích hợp vào sản phẩm đầu tiên qua được giai đoạn phê duyệt.

Ngoài lợi ích quốc gia, còn tiềm tàng vấn đề thậm chí còn hạn hẹp hơn, đó là lợi ích tư nhân, xuất phát từ mô hình đổi mới dược phẩm sinh học được tài chính hóa quá mức. Mô hình kinh doanh để phát triển vắc xin trong tương lai đã được mở rộng ngay bây giờ khi đại dịch đã làm hé lộ một vận may bất ngờ cho các nhà đầu tư. Nhưng trong khi họ được hưởng lợi từ giá cổ phiếu tăng chóng mặt, lãi vốn tăng vọt và bán phá giá cổ phần của một công ty vào cùng ngày công ty công bố kết quả sơ bộ đầy hứa hẹn trong một thử nghiệm lâm sàng, thì việc cung cấp vắc xin cho mọi người đã trở thành một suy nghĩ muộn màng và thứ yếu.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 là một bài trắc nghiệm hoàn hảo về việc liệu một cách tiếp cận theo định hướng chú trọng hơn về y tế công cộng đối với sáng kiến và sản xuất sẽ chiếm ưu thế trong những năm tới hay không. Trong khi Pfizer gắn bó với mô hình tối đa hóa giá trị cổ đông, thì AstraZeneca ít nhất đã cam kết không thu lợi nhuận từ vắc xin của mình “trong thời kỳ đại dịch”. Tuy nhiên, bất chấp tất cả các khoản đầu tư công đã cam kết tài trợ cho những đổi mới này, quá trình này sẽ vẫn không rõ ràng, khiến người ta tự hỏi liệu AstraZeneca có thực sự sẵn sàng ưu tiên sức khỏe cộng đồng hơn lợi nhuận và cung cấp vắc xin với giá gốc hay không.

Mặc dù tin tức về vắc xin gần đây đã mang lại hy vọng, nhưng nó cũng phơi bày mô hình kinh doanh bị hỏng của ngành dược phẩm, gây nghi ngờ về triển vọng cung cấp vắc xin cho mọi người và đạt được Y tế cho Mọi người. Công việc kinh doanh như thường lệ có thể cho phép chúng ta vượt qua trong cuộc khủng hoảng này. Nhưng có một cách tốt hơn để làm mọi thứ. Trước khi đại dịch tiếp theo đến, chúng ta phải công nhận vắc xin là một loại nguồn lực chung về y tế toàn cầu, và bắt đầu định hướng lại hệ thống đổi mới theo hướng đối tác công-tư cộng sinh được quản lý vì lợi ích công cộng.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:Designing vaccines for people, not profits, Project Syndicate, 1.12.2020.

Vài nét về các tác giả

MARIANA MAZZUCATO

Mariana Mazzucato (1968-)

Viết cho Project Syndicate từ năm 2015

Mariana Mazzucato là Giáo sư Kinh tế Đổi mới và Giá trị Công tại Đại học College London và là Giám đốc sáng lập của Viện Đổi mới và Mục đích Công của UCL, là Chủ tịch Hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới về Kinh tế Y tế cho Mọi người và là tác giả của tác phẩm The Value of Everything: Making and Taking in the Global Economy (Giá trị của mọi thứ: Tạo ra và tiếp nhận trong nền kinh tế toàn cầu) và tác phẩm The Entrepreneurial State: Debunking Public vs. Private Sector Myths (Nhà nước khởi tạo: Giải những huyền thoại về vai trò của Nhà nước và Khu vực Tư nhân).

HENRY LISHI LI

Henry Lishi Li
Els Torreele
Viết cho Project Syndicate từ năm 2020

Henry Lishi Li là nhà nghiên cứu về đổi mới y tế tại Viện Đổi mới và Mục đích Công của UCL.

ELS TORREELE

Viết cho Project Syndicate từ năm 2020

Els Torreele là một thành viên chính sách công tác theo hợp đồng tại Viện Đổi mới và Mục đích Công của UCL.

Print Friendly and PDF