10.12.20

Giải Nobel cho Lý thuyết Đấu giá: Paul Milgrom và Robert Wilson

GIẢI NOBEL CHO LÝ THUYẾT ĐẤU GIÁ: PAUL MILGROM VÀ ROBERT WILSON

Timothy Taylor

Đấu giá được sử dụng rộng rãi trong toàn bộ nền kinh tế. Các nhà đấu giá lớn như Christie’s và Sotheby’s nổi tiếng với việc bán các kiệt tác nghệ thuật, và nhiều người từng đấu giá trực tiếp ở một sự kiện gây quỹ hay chợ trời, hoặc trực tuyến trên các website như eBay. Nhưng quan trọng hơn cả là những ứng dụng của đấu giá mà không nhiều người biết. Các nhà quảng cáo online phải đấu giá để giành quyền xuất hiện trên màn hình của bạn. Chính phủ Hoa Kỳ vay tiền bằng cách bán nợ kho bạc theo thể thức đấu giá. Khi các nhà phân phối điện ký hợp đồng mua điện từ nhà sản xuất, họ hay đấu giá. Một vài đề xuất mua bán giấy phép phát thải carbon, như một cơ chế để giảm dần phát thải carbon, sẽ đem bán đấu giá quyền phát thải.

Đấu giá hữu ích ở chỗ trong một số trường hợp, chúng buộc khu vực công phải ra quyết định dựa trên giá trị kinh tế và không thể dùng trò thiên vị. Ví dụ, khi thành phố muốn ký hợp đồng với một công ty thu gom rác thải gia đình, các công ty có thể nộp hồ sơ dự thầu—thay vì để hội đồng thành phố chọn công ty của con ông chủ tịch. Khi chính phủ Mĩ muốn trao quyền khai thác dầu ngoài khơi cho các công ty, hay muốn phân bổ phổ tần vô tuyến cho các công ty viễn thông, họ có thể bán đấu giá các quyền đó, thay vì giao cho công ty nào có những nhà vận động hành lang tốt nhất. Ở nhiều quốc gia, đấu giá được dùng để tư nhân hóa việc bán một công ty từng do chính phủ sở hữu.

Nhưng đấu giá có hại ở chỗ (như mọi loại cơ chế thị trường), chúng có thể biến tướng và gây hại trong một số trường hợp nhất định. Giải thưởng Khoa học Kinh tế của Ngân hàng Thuỵ Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel năm 2020 - thường được gọi là giải Nobel về Kinh tế - đã được trao cho Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson “nhờ cải tiến lý thuyết đấu giá và phát minh các dạng đấu giá mới.” Trong vài năm trở lại đây, Ủy ban Nobel cũng công bố một vài báo cáo hữu ích cho mỗi giải thưởng, một báo cáo hướng đến công chúng và một báo cáo kinh tế học hơn, dùng nhiều biệt ngữ hơn và nhiều chi tiết chuyên môn hơn. Dưới đây tôi sẽ trích dẫn từ cả hai báo cáo: “Nền tảng khoa học đại chúng: Công cuộc tìm kiếm cuộc đấu giá hoàn hảo” và “Nền tảng khoa học: Những cải tiến trong lý thuyết đấu giá và các phát minh thể thức đấu giá mới.”

Trước tiên cần biết rằng đấu giá có thể có nhiều thể thức khác nhau. Hầu hết mọi người đều quen thuộc với một cuộc đấu giá trong đó có một người xướng giá chủ trì và nhiều người thay phiên trả giá, cho đến khi không ai sẵn sàng ra giá cao hơn. Nhưng đấu giá không nhất thiết diễn ra theo cách đó.

“Đấu giá kiểu Anh” là kiểu đấu giá với giá tăng dần, cho đến lúc đạt giá cao nhất. Một cuộc “đấu giá kiểu Hà Lan” - hay dùng để bán khoảng 20 triệu bông hoa tươi mỗi ngày - bắt đầu với giá cao và sau đó giảm dần, để rồi người đầu tiên sẵn sàng mua sẽ trúng. Trong một cuộc đấu giá công khai, tất cả mọi người đều nghe thấy giá, nhưng trong một cuộc đấu giá kín, giá được bảo mật. Một số đấu giá chỉ có một vòng đấu; số khác có thể loại một số người trả trong vòng này trước khi tiến vào vòng tiếp theo. Trong các cuộc đấu giá “giá đầu tiên,” người chiến thắng trả giá họ đấu, nhưng trong các cuộc đấu giá theo “giá thứ hai,” người chiến thắng trả giá mà người về nhì đấu.

Trong một số cuộc đấu giá, giá trị của cái được đấu giá chủ yếu là “giá trị riêng” đối với những người đấu giá (Ủy ban Nobel lấy ví dụ về đấu giá một bữa tối với một nhà kinh tế học Nobel, nhưng bạn có thể chọn một người nổi tiếng bất kì), song trong các trường hợp khác, như đấu giá hợp đồng khai thác và sử dụng dầu ngoài khơi, giá trị của “món hàng” phần nào là “giá trị chung”, bởi vì dầu loại nào cũng sẽ bán theo giá thị trường toàn cầu. Trong một số cuộc đấu giá, những người đấu giá có thể có thông tin chi tiết bí mật về cái được bán (giả sử, đấu giá một ngôi nhà nhưng bạn được phép tự kiểm tra trước khi đấu giá), trong khi với số khác, thông tin về “món hàng” có thể phần lớn là công khai.

Nói gọn, không cuộc đấu giá nào là hoàn hảo. Thay vào đó, suy nghĩ về cách đấu giá hoạt động nghĩa là xem xét mọi bối cảnh cụ thể về cách thức và quy tắc đấu giá trong tình huống nhất định, dựa trên các yếu tố xác định giá trị của món hàng được đấu giá, và loại thông tin và sự thiếu chắc chắn mà người đấu giá có thể có.

Paul Klemperer (1956-)

Nếu các quy tắc đấu giá không được thiết lập phù hợp, kết quả có thể biến tướng. Ví dụ, vài năm trước, Paul Klemperer đã viết về chủ đề “Điều gì thực sự quan trọng trong thiết kế đấu giá.”

Một ví dụ của ông là về một cuộc đấu giá vào năm 1991, khi Vương quốc Anh sử dụng quy trình đấu giá kín để chọn công ty cung cấp dịch vụ truyền hình ở một số khu vực nhất định. Klemperer viết:

Việc bán nhượng quyền truyền hình tại Vương quốc Anh năm 1991 bằng một cuộc đấu giá kín là một ví dụ ấn tượng. Trong khi các khu vực ở Nam và Đông Nam, Tây Nam, Đông, xứ Wales và Tây, Đông Bắc và Yorkshire đều bán được trong khoảng 9,36 đến 15,88 bảng Anh mỗi đầu người, nhà đấu giá duy nhất - và tất nhiên là chiến thắng - cho vùng Trung du là công ty đương nhiệm, và giá chỉ có 1/20 xu (!) mỗi đầu người. Điều tương tự cũng xảy ra ở Scotland, nơi người đấu giá duy nhất cho khu vực miền Trung hào phóng đặt giá 1/7 xu trên đầu người. Lý giải cho điều này là một quy định yêu cầu các người đấu phải cung cấp kế hoạch lập trình rất chi tiết cho từng khu vực cụ thể. Ở hai khu vực này, các người đấu giá duy nhất nhận ra rằng chẳng ai lên kế hoạch như vậy.

Một vấn đề khác nảy sinh nếu các người đấu giá tìm ra cách ra hiệu cho nhau để kìm giá. Trong một số trường hợp, các bên tham gia có thể sử dụng bản thân quy trình đấu giá để ra hiệu. Đây là một ví dụ từ Klemperer:

Trong một cuộc đấu giá phổ tần đa môn bài của Hoa Kỳ vào năm 1996–1997, US West đã cạnh tranh gay gắt với McLeod cho lô 378: một môn bài ở Rochester, Minnesota. Mặc dù hầu hết các giá trả trong cuộc đấu giá luôn tròn đến hàng nghìn đô la, US West đấu 313.378 đô la và 62.378 đô la cho hai môn bài ở Iowa mà trước đó họ không quan tâm, vượt qua McLeod, lúc đó đang trả giá cao đến mức tưởng như không thể vượt qua. McLeod nhận ra họ đang bị phạt vì cạnh tranh với US West ở Rochester và quyết định rời khỏi thị trường này. Bởi sau đó McLeod trả giá cao hơn ở Iowa, giá mang tính “trừng phạt” của US West không làm họ mất gì (Cramton và Schwartz, 1999). Lưu ý rằng giá đặt của US West có 3 số cuối là 378 - số lô mà họ muốn McLeod rút lui.

Tất nhiên, những lo lắng như thế này có câu trả lời hiển nhiên. Ví dụ: đặt “giá bảo lưu” hoặc giá tối thiểu cho món hàng sẽ đảm bảo không ai mua được nó (gần như) miễn phí. Ngoài ra, đặt quy tắc rằng tất cả giá cần phải chia hết cho một số cố định, và giá cần phải tăng theo số cố định đó. Nhưng những luận điểm này vừa đặt ra vấn đề thực tế về cách thức thực hiện, đồng thời cũng cho thấy các quy tắc thực tế của đấu giá có thể rất quan trọng.

Một vấn đề đấu giá tinh vi nhưng được biết đến nhiều hơn là “lời nguyền chiến thắng.” Nó được ghi nhận lần đầu tiên khi các công ty đấu quyền khai thác và sử dụng dầu ngoài khơi. Một phân tích về các gói giá, cùng với lượng dầu sau đó được phát hiện trong khu vực, cho thấy rằng “người chiến thắng” trong các cuộc đấu giá này trung bình bị thua lỗ. Lý do là mỗi công ty có dự đoán của riêng mình về lượng dầu trong khu vực. Đương nhiên, một số công ty lạc quan hơn số còn lại, và công ty lạc quan nhất thường trả giá cao nhất và “thắng” cuộc đấu giá. Một vấn đề là khi những bên đấu giá nhận thức được rủi ro lời nguyền chiến thắng, họ có thể trở nên rất miễn cưỡng trong việc trả giá, và do đó giá trả không còn thể hiện ước tính giá trị thực sự nữa.

Trong thể thao chuyên nghiệp, kịch bản này thường xảy ra khi những vận động viên tự do cố gắng khuyến khích đấu giá giữa các đội để chiêu mộ họ. Từ quan điểm của vận động viên, chỉ cần một bên trả giá thật cao, có lẽ vì phớt lờ lời nguyền chiến thắng, là họ có một hợp đồng tuyệt vời. Nhưng nhiều đội có thể quyết định tránh rủi ro trả giá quá cao và lời nguyền chiến thắng bằng cách không đấu giá gì cả.

Có nhiều cách ứng phó khác nhau đối với lời nguyền chiến thắng trong một thể thức đấu giá. Một là tìm cách để các nhà đấu giá thu thập thêm thông tin riêng, để họ tự tin hơn trong việc ra giá. Một cách khác là đấu giá theo “giá thứ hai,” trong đó người chiến thắng trả giá của người trả giá cao thứ hai. Cách này phần nào bảo vệ người thắng khỏi lời nguyền chiến thắng: nghĩa là, mọi người có thể thoải mái đặt giá cao bao nhiêu tùy thích, biết rằng nếu họ trả hơn giá thứ hai nhiều, họ sẽ chỉ phải trả giá đó. Nếu giá thầu thứ hai làm giảm đáng kể lo ngại về lời nguyền chiến thắng và khiến các bên ra giá quyết liệt hơn, nó có thể (một cách phản trực giác) huy động được nhiều tiền hơn so với đấu giá theo giá thứ nhất.

Ambrose Bierce (1842-1914)

Loại đấu giá mà hầu hết mọi người tham gia là “đấu giá theo giá trị riêng,” ở đây vấn đề duy nhất là bạn muốn món hàng đến mức nào - bởi bạn có kế hoạch sử dụng nó chứ không bán lại. Trong bối cảnh này, một người xướng giá trực tiếp cố gắng lôi kéo mọi người về mặt cảm xúc về mức độ họ muốn một thứ gì đó, và từ đó, khiến họ trả nhiều hơn dự định. Như Ambrose Bierce đã viết trong cuốn Từ điển Quỷ dữ (Devil’s Dictionary) của ông xuất bản vào năm 1906: “NGƯỜI XƯỚNG GIÁ, dt. Người tuyên bố hùng hồn rằng họ móc ví bằng lưỡi.”

Nhưng các cuộc đấu giá cho thuê dầu, quyền dùng phổ tần, các công ty được tư nhân hóa, nợ Kho bạc, v.v. phần nào được coi là đấu giá theo “giá trị chung,” trong đó giá trị của món hàng được rao bán sẽ tương đương giữa những người định mua. Như Ủy ban Nobel viết: “Robert Wilson là người đầu tiên tạo ra một khuôn mẫu phân tích các cuộc đấu giá theo giá trị chung và mô tả cách các người đấu giá ứng xử trong những trường hợp như vậy. Trong ba bài báo kinh điển từ những năm 1960 và 1970, ông mô tả chiến lược đặt giá tối ưu cho một cuộc đấu giá theo giá đầu tiên khi không chắc chắn giá trị thực. Người tham gia sẽ ra giá thấp hơn ước tính tốt nhất của họ về giá trị, để tránh một giao dịch tồi và do đó bị dính lời nguyền chiến thắng. Phân tích của ông cũng cho thấy rằng sự không chắc chắn càng lớn, những bên tham gia đấu giá sẽ càng thận trọng và giá cuối cùng sẽ càng thấp. Cuối cùng, Wilson cho thấy rằng những rắc rối do lời nguyền chiến thắng gây ra thậm chí còn lớn hơn khi một số người trả giá có thông tin tốt hơn những người khác. Những người gặp bất lợi về thông tin sau đó sẽ trả giá thấp hơn nữa hoặc bỏ hoàn toàn việc tham gia đấu giá.”

Nhưng khi nghĩ kĩ, nhiều cuộc đấu giá theo “giá trị chung” này thực sự cũng có sự kết hợp của các giá trị riêng. Ví dụ, hãy xem xét đấu giá một hợp đồng quyền khai thác và sử dụng dầu ngoài khơi. Giá trị của bất kỳ loại dầu nào được phát hiện có thể xem là giá trị chung. Nhưng mỗi công ty riêng lẻ có thể có công nghệ cụ thể để khám phá hoặc chiết xuất dầu tốt hơn trong một số tình huống so với những công ty khác. Một số công ty cũng có thể đang hoạt động gần đó hoặc có các cơ sở gần đó. Nói tóm lại, rất nhiều cuộc đấu giá trong thế giới thực là sự pha trộn giữa các giá trị riêng và chung. Như Ủy ban Nobel viết:

Trong hầu hết các cuộc đấu giá, những người đấu giá có cả giá trị riêng và chung. Giả sử bạn đang nghĩ đến việc đấu giá một căn hộ hoặc một ngôi nhà; khi đó bạn sẵn sàng trả giá theo giá trị riêng của bạn (đánh giá của riêng bạn về tình trạng, bố trí phòng, và vị trí) và ước tính của bạn về giá trị chung (bạn có thể bán với giá bao nhiêu trong tương lai). Một công ty năng lượng đấu giá quyền khai thác khí tự nhiên quan tâm đến cả kích thước của bể chứa khí (một giá trị chung) và chi phí khai thác khí (một giá trị riêng, vì chi phí khai thác phụ thuộc vào công nghệ sẵn có của công ty). Một ngân hàng đấu giá trái phiếu chính phủ xem xét lãi suất thị trường trong tương lai (giá trị chung) và số lượng khách hàng của họ muốn mua trái phiếu (giá trị riêng)… Người giải quyết vấn đề này đầu tiên là Paul Milgrom, trong một vài bài báo được xuất bản vào khoảng năm 1980… Kết quả cụ thể này phản ánh một nguyên tắc chung: thể thức đấu giá mang lại doanh thu càng cao thì mối liên kết giữa giá đặt và thông tin riêng của người đấu giá càng mạnh. Do đó, người bán có lợi khi cung cấp cho người tham gia càng nhiều thông tin càng tốt về giá trị của món hàng trước khi cuộc đấu giá bắt đầu. Ví dụ, người bán một căn nhà có thể mong đợi giá cuối cùng cao hơn nếu những người đấu giá được tiếp cận với chuyên gia định giá (độc lập) trước khi bắt đầu đấu giá.

Ngoài ra, Milgrom đã tham gia thiết lập các loại đấu giá mới. Ví dụ: khi đấu giá phổ tần vô tuyến cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, số tiền bạn sẵn sàng trả cho quyền phổ tần ở một khu vực địa lý có thể liên quan đến việc bạn có sở hữu quyền phổ tần ở một khu vực liền kề hay không. Do đó, thay vì đấu giá từng khu vực địa lý riêng biệt - điều có thể dẫn đến vấn đề thông đồng giữa các người đấu giá - thì thiết kế một cuộc Đấu giá Nhiều Vòng Đồng thời (Simultaneous Multiple Round Auction) bắt đầu với giá thấp và cho phép gói giá lặp lại qua nhiều khu vực là hợp lý. Như vậy, địa lý của quyền sở hữu có thể thành hình trong một quá trình duy nhất. Ngoài ra còn có Đấu giá Đồng hồ Kết hợp, trong đó các nhà đấu giá có thể chọn đặt giá trên các “gói” tần số tổng thể, thay vì đặt giá riêng lẻ. Milgrom cũng dẫn dắt sự phát triển của Đấu giá Khuyến khích. Uỷ ban Nobel mô tả thể thức đấu giá này như sau:

Kiểu Đấu giá Khuyến khích mới đã được FCC thông qua vào năm 2017. Thiết kế này kết hợp hai thể thức đấu giá riêng biệt nhưng phụ thuộc lẫn nhau. Đầu tiên là đấu giá ngược để xác định mức giá mà tại đó các đài truyền hình không dây còn lại tự nguyện từ bỏ quyền sử dụng phổ tần hiện có của mình. Thứ hai là đấu giá chuyển tiếp của phổ tần vừa bị từ bỏ. Năm 2017, cuộc đấu giá ngược đã loại bỏ 14 kênh khỏi việc phát sóng, với chi phí 10,1 tỷ USD. Phiên đấu giá chuyển tiếp đã bán giấy phép Internet không dây 70 MHz với giá 19,8 tỷ USD và tạo ra 14 MHz phổ tần dư lại. Do đó, hai giai đoạn của cuộc đấu giá khuyến khích mang về trên dưới 10 tỷ đô la cho người dân Mĩ, giải phóng khoảng phổ tần đáng kể để sử dụng trong tương lai, và có lẽ đã nâng cao thặng dư theo tính toán của người bán cũng như người mua.

Lý thuyết kinh tế về đấu giá rõ ràng gắn chặt với thực tiễn và thiết kế của các cuộc đấu giá trong thế giới thực. Nói rộng hơn, phân tích tỉ mỉ về người mua và người bán trong môi trường có cấu trúc của các cuộc đấu giá cũng có thể cung cấp những hiểu biết sâu rộng hơn về cách hoạt động của thị trường không-đấu giá. Xét cho cùng, ở một số khía cạnh nào đó, thị trường cạnh tranh chỉ là một cuộc đấu giá không chính thức với người bán chào giá với hy vọng bán được giá cao hơn và người mua đưa ra đề nghị với hy vọng mua được giá thấp hơn.

Để đọc thêm về đấu giá và các kiến thức kinh tế học liên quan từ Milgrom và Wilson, dưới đây liệt kê một số bài báo từ Tạp chí Quan điểm Kinh tế (Journal of Economic Perspectives), nơi tôi là Tổng biên tập.

Milgrom, Paul. 1989. “Auctions and Bidding: A Primer.” Journal of Economic Perspectives, 3 (3): 3-22.

Milgrom, Paul. 2008. “What the Seller Won’t Tell You: Persuasion and Disclosure in Markets.” Journal of Economic Perspectives, 22 (2): 115-131.

Roth, Alvin E., and Robert B. Wilson. 2019. “How Market Design Emerged from Game Theory: A Mutual Interview.” Journal of Economic Perspectives, 33 (3): 118-43.

Đoàn Trọng Sang dịch

Nguồn: A Nobel Prizefor Auction Theory: Paul Milgrom and Robert Wilson, Conversable Economist, Oct 12, 2020.

Print Friendly and PDF