26.12.20

Đọc lại Condorcet để giảm bớt các bất bình đẳng xã hội và môi sinh

ĐỌC LẠI CONDORCET ĐỂ GIẢM BỚT CÁC BẤT BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI VÀ MÔI SINH

Christian Walter[*]

Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc chủ trương “thực hiện những bước đi táo bạo [...] để đưa thế giới đi theo con đường bền vững và có khả năng tự hồi phục” vào năm 2030. Shutterstock

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (MTPTBV) của Liên Hiệp quốc cho năm 2030 rất rõ ràng: “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ hành tinh khỏi sự hủy hoại”. Và để làm được điều này, cần phải “thực hiện những bước đi táo bạo và mang tính chuyển đổi cần thiết để hướng thế giới đi theo con đường bền vững và có khả năng tự hồi phục”.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 23 tháng 9 năm 2020 trên tạp chí Carenews, Olivia Grégoire, Thứ trưởng phụ trách nền kinh tế xã hội và liên đới bên cạnh Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Phục hồi, cho biết trong viễn tưởng này bà muốn “tạo cầu nối giữa nền kinh tế xã hội và liên đới (SSE) và phần còn lại của nền kinh tế” bởi vì “cấu trúc của nền kinh tế xã hội và liên đới có một đặc điểm, đó là […] bù đắp cho sự bất bình đẳng xã hội và môi sinh”.

Thật vậy, như mọi người có thể thấy ngày nay, nền tài chính và tiến trình tài chính hóa nền kinh tế toàn cầu kể từ năm 1980, mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng năm 2008, là một ví dụ nổi bật về định hướng của một nền kinh tế không bền vững và không có khả năng tự hồi phục đã đào sâu các bất bình đẳng xã hội và môi sinh.

Các công trình nghiên cứu xã hội về tài chínhxã hội học về các sự định lượng đã chỉ ra rằng sự đào sâu các bất bình đẳng là do việc những lập luận của lý thuyết tài chính tân cổ điển đã chi phối nặng nề xã hội cũng như do những khiếm khuyết của lý thuyết này trong việc tính đến những ràng buộc kinh tế-xã hội – và vật lý-sinh học của thế giới.

Đây là lý do tại sao người ta nói đến “bản thể học tài chính của các thảm họa thiên nhiên”: nguồn gốc tài chính tân cổ điển của các thiệt hại về môi sinh hoặc xã hội. Thật vậy, tiến trình tài chính hóa nền kinh tế đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho môi sinh và xã hội, vì các mục tiêu tài chính thuần túy được đặt trên các mục tiêu bền vững về môi sinh và xã hội. Các giải pháp tân cổ điển của thế kỷ XX đã trở thành vấn đề sinh thái và xã hội của thế kỷ XXI.

Đổi mới cách suy nghĩ của chúng ta

Nicholas Condorcet, nhà toán học, triết học và hoạt động chính trị Pháp (1743-1794)

Trong một bài viết được xuất bản gần đây về vấn đề này, tôi đề nghị đọc lại Condorcet, nhà triết học thời Khai sáng để tìm ra một phương pháp mới nhằm giảm bớt các bất bình đẳng xã hội và môi sinh do những ngẫu nhiên của một sự tăng trưởng không bị kiểm soát gây nên. Trong Bức tranh lịch sử về sự tiến bộ của trí tuệ của con người/Tableau historique des progrès de l’esprit humain (1772-1794), Condorcet đề cập đến vấn đề bất bình đẳng có thể đe dọa xã hội của chúng ta.

Để chống lại mối đe dọa này, ông đề xuất một giải pháp: “đối lập sự ngẫu nhiên với chính nó”. Đó là, sử dụng phép tính xác suất để phát hiện sự ngẫu nhiên tai hại ở cội nguồn của sự bất bình đẳng và để chống lại sự tăng trưởng nguy hiểm bằng cách nắm bắt nó ngay ở nguồn gốc không chắc chắn của nó. Làm thế nào để hiểu Condorcet ngày nay?

Trong lĩnh vực tài chính, sự ngẫu nhiên có dạng của rủi ro. Tiếp nối Condorcet, người ta hiểu rằng, để giảm thiểu thật sự các bất bình đẳng xã hội và môi sinh, có một thách thức xã hội lớn trong sự mô hình hóa rủi ro mang tính xác suất.

Olivia Grégoire (1978-)

Đây là lý do tại sao, trong bài viết này, tôi đề nghị đề cập đến vấn đề được các MTPTBV của Liên Hiệp Quốc (và Olivia Grégoire) đặt ra thông qua hình thái của sự bất trắc vốn xác định các mô hình rủi ro. Tôi đề xuất so sánh hình thái của bất trắc tài chính và hình thái của sự bất trắc môi sinh và xã hội.

Chẩn đoán của tôi là, trong trường hợp hai hình thái không khớp với nhau, tăng trưởng kinh tế sẽ tách rời khỏi các ràng buộc về môi sinh và xã hội, và theo một nghĩa nào đó sẽ không còn chạm đến … Trái đất. Đây là những gì đã xảy ra từ những năm 1980 với những lập luận của sự tài chính hóa tân cổ điển: một hệ thống tư tưởng giáo điều đã làm cho nền kinh tế mất đi sự cắm chặt vào thực tại và sự biểu thị được số hóa của hệ thống này, được thể hiện trong các tính toán xác suất, không thể nào được giữ vững nữa.

Đọc thêm: Năm 2008, nền tài chính rơi vào cái bẫy của ảo tưởng về sự biến mất của rủi ro

Ngược lại, tôi cũng nói rằng khi hai hình thái của bất trắc khớp với nhau, có một loại “phanh tự nhiên” ngăn nền kinh tế và tài chính bay khỏi (trái đất) bởi vì nền kinh tế và tài chính được lồng ghép vào các vùng địa lý vật chất và con người “tự nhiên”: sự tương ứng của các hình thái của các bất trắc làm xuất hiện lại các giới hạn tự nhiên của sự tăng trưởng.

Đề xuất của tôi quy lại nói rằng tính bền vững hoặc không bền vững của một thước đo rủi ro có liên quan đến hình thái của sự bất trắc tạo nên nó và định hình các thể thức quản lý xuất phát từ nó.

Ý niệm “gần với thực tại” vốn ngăn hệ thống bùng nổ thành một giới hạn thảm khốc chỉ ra sự tương đồng giữa hình thái của sự bất trắc của mô hình mang tính xác suất và cấu trúc của sự bất trắc của hiện tượng thực tế (môi sinh hoặc xã hội) cần được mô hình hóa.

Thomas Kuhn (1922-1996)

Tôi cho rằng chính sự khác biệt về hình thái của sự bất trắc giữa mô hình của rủi ro và thực tế của rủi ro này là nguyên nhân của tính không bền vững và của bản thể học tài chính của các thảm họa môi sinh. Ngược lại, sự giống nhau giữa các hình thái của sự bất trắc là điều kiện cần nhưng không đủ cho tính bền vững.

Nói cách khác, để xây dựng một mô hình bền vững về các rủi ro tài chính, cần phải sửa đổi không chỉ các kỹ thuật mô hình hóa toán học, mà nói chung còn là chính văn hóa về sự rủi ro. Để sử dụng thuật ngữ khoa học luận mượn từ triết gia về khoa học Thomas Kuhn, cần phải thay đổi hệ chuẩn để thay đổi văn hóa về sự rủi ro theo hướng các MTPTBV.

Bắt chước thiên nhiên để đạt được sự bền vững

Cách tôi đọc Condorcet gắn liền với một trào lưu tư tưởng mới đây, theo đó sự bắt chước sinh vật học (biomimétisme) cho phép đạt tới sự tăng trưởng bền vững và có khả năng tự hồi phục. Tôi áp dụng giả thuyết này cho việc đo lường và lập mô hình các rủi ro bằng cách đề xuất sự bắt chước sinh vật học các rủi ro.

Theo thuyết về sự bắt chước sinh vật học, thiên nhiên cung cấp câu trả lời cho các vấn đề của xã hội ngày nay (ví dụ về lá cây và vấn đề năng lượng tái tạo: lá cây gần như là một tấm pin mặt trời, khi chiếc lá khô héo nó sẽ rơi xuống đất và trở thành tài nguyên tạo ra mùn, tức là một nền kinh tế tuần hoàn và phi tuyến tính như trong các mô hình kinh tế của thế kỷ XX).

Theo thuyết về sự bắt chước sinh vật học, nghiên cứu về tự nhiên có thể cung cấp giải pháp cho các vấn đề xã hội. Pixabay, CC BY

Thuyết về sự bắt chước sinh vật học cho rằng việc chuyển đổi những kiến ​​thức này sang các xã hội loài người có thể giúp biến đổi chúng một cách bền vững bằng cách thúc đẩy việc duy trì sự đa dạng sinh học, chẳng hạn như các thành phố bền vững hoặc các tổ chức được thiết kế tốt hơn. Nguồn cảm hứng sinh vật học dựa vào thuyết về sự bắt chước sinh vật học để phát triển các hệ thống công nghiệp mới.

Ưu điểm khác của phương pháp này là nó cho phép chúng ta đọc lại quá khứ của nền kinh tế theo một cách khác và đưa ra một chẩn đoán bổ sung về các tai nạn tài chính liên tiếp và về nguyên nhân của sự tăng trưởng không bền vững và không có khả năng tự hồi phục của nền kinh tế kể từ những năm 1980.

Thật vậy, mối quan hệ giữa rủi ro tài chính và các rủi ro môi sinh và xã hội đã bị bỏ qua trong lý thuyết tài chính tân cổ điển vì mối quan hệ này không được coi là thích đáng trong hệ tư tưởng về trật tự tự phát của thị trường. Không có ràng buộc nào khác ngoài ràng buộc tài chính được đưa vào việc đo lường rủi ro để đạt được các mục tiêu về khả năng tự hồi phục xã hội hay môi sinh.

Do đó, có thể khẳng định rằng một trong những lý do khiến nền kinh tế bị tách ra “khỏi mặt đất” và mất khả năng bám chặt vào thực tại xuất phát từ sự đo lường rủi ro. Việc các mô hình này của sự ngẫu nhiên không tích hợp các ràng buộc tự nhiên của hệ sinh thái môi trường hoặc con người là một trong những nguyên nhân chính gây ra các thảm họa được gọi là “tự nhiên”.

Do đó, trong số các biện pháp “táo bạo và mang tính chuyển đổi” (MTPTBV) cần thiết để đưa thế giới đi theo con đường bền vững và có khả năng tự hồi phục, có nhu cầu xây dựng lại lý thuyết tài chính bằng cách gắn kết mô hình các rủi ro với các ràng buộc “tự nhiên” của các khu địa lý vật chất và con người. Cách tiếp cận này dường như là một sự liên kết thiết yếu trong quá trình thiết kế một “lý thuyết tài chính sinh thái” mới.

Phá vở gọng kìm của Foucault

Hiện nay chúng ta đang ở đâu? Hiện tại, các hướng nghiên cứu đang được triển khai để tích hợp các đặc điểm của tự nhiên và xã hội vào các mô hình rủi ro nhằm làm cho chúng bền vững dường như chủ yếu bao gồm việc thêm các thông số “xanh” hoặc “xã hội” hoặc “tôn giáo” (tài chính xanh, tài chính xã hội, tài chính Thiên chúa giáo, tài chính Hồi giáo) vào các mô hình tân cổ điển. Ngược lại với cách tiếp cận theo kiểu Nietzsche này (ta bổ sung thêm một chút linh hồn cho chủ nghĩa tân tự do), bài viết của tôi đề xuất một cách tiếp cận khác, trong đó tính bền vững không chỉ đến từ việc xây các biển chỉ dẫn cho các sở thích xã hội hoặc môi sinh của các nhà đầu tư, mà còn từ các cách đo lường các rủi ro vốn sẽ xây dựng tính bền vững như một “xương sống”.

Michel Foucault, triết gia Pháp (1926-1984). Off/AFP

Thật vậy, hiện nay các tài liệu đã rõ ràng cho thấy rằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chủ yếu không phải là kết quả của lòng tham của các tác nhân ham muốn đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn. Phần lớn cuộc khủng hoảng đến từ hoạt động tài chính thụ động được thúc đẩy bởi các công cụ quản lý đã cấu thành một “hệ thống thiết bị” thực sự theo nghĩa của Michel Foucault. Đó là một cấu trúc có xu hướng tài chính hóa đã tác động một cách mạnh mẽ đến các quyết định của các tác nhân công nghiệp, bất kể tính chính trực đạo đức của họ hay mối quan tâm của họ đến người khác, tất cả với một sự thiếu năng lực càng lớn khi mà các công cụ được nhà tài chính chuyên nghiệp hoặc hàn lâm đảm bảo không chứa đựng rủi ro nào.

Công nghệ này lại càng mạnh mẽ hơn nữa trong việc đưa ra quyết định không bền vững vì nó là vô hình, vì bị “che đậy” bởi niềm tin vào sự trung tính về mặt giá trị của các công cụ quản lý. Bộ máy quản lý này đã được một “diễn ngôn” tài chính hóa (trụ cột thứ hai của sự cai trị theo Foucault) hỗ trợ, đó là “đạo tài chính”.

Như vậy, tiến trình tài chính hóa không bền vững xuất phát từ thuyết tài chính tân cổ điển là một quá trình kỹ thuật xã hội mà cấu trúc được tạo thành từ các mô hình về rủi ro tài chính và có thể được phân tích như một “gọng kìm theo nghĩa của Foucault” (hệ thống thiết bị + diễn ngôn) siết chặt nền tài chính không bền vững trong các công cụ kỹ thuật và tinh thần của sự mô hình hóa rủi ro. Cái gọng kìm theo nghĩa của Foucault này đã tạo ra những hư cấu dẫn đến việc tưởng tượng là có thể mở rộng thị trường ra những hàng hóa chưa bao giờ được coi là có thể được sáp nhập vào nó (cơ thể con người, Trái đất).

Trong bài viết của mình, tôi đề xuất phá vỡ gọng kìm theo nghĩa của Foucault bằng cách giới thiệu một khung bản thể luận và khoa học luận cố kết mới có tính đến các tương tác giữa các lĩnh vực tài chính, kinh tế xã hội và vật chất, bằng cách sử dụng hình thái của sự bất trắc và vai trò mấu chốt của mô hình rủi ro tài chính trong vấn đề này như là “đòn bẩy để phá vở” gọng kìm theo nghĩa Foucault.

Đọc thêm: Huy động khoa học xã hội để tư duy lại nền tài chính

Điều này có nghĩa là vấn đề không chỉ đơn giản là sử dụng lý thuyết tài chính tân cổ điển theo kiểu của Nietzsche để “xanh hóa” nó, “nhân hóa” hoặc “xã hội hóa” nền tài chính, nghĩa là buộc gánh nặng của sự biến đổi chỉ dựa trên sở thích của nhà đầu tư, nhưng ngược lại là để thay đổi cấu trúc toán học-kỹ thuật của bản thể học tài chính, nghĩa là thay đổi các công cụ quản lý và các cách đo lường rủi ro.

Friedrich Nietzsche (1844-1900)

Thật vậy, cách tiếp cận theo kiểu của Nietzsche tóm lại là chuyển trách nhiệm về việc định hướng bền vững tốt hoạt động tài chính cho sở thích của các nhà đầu tư, mà không đụng đến gọng kìm theo kiểu Foucault (hệ thống thiết bị + diễn ngôn) siết chặt nền tài chính không bền vững trong các công cụ kỹ thuật và tinh thần của mô hình rủi ro. Các công cụ kỹ thuật (công cụ quản lý) và tinh thần (văn hóa rủi ro) đã tạo ra những con số trở thành “hình ảnh thực” của thế giới, qua đó che đậy thực tế của mức độ phức hợp của các tương tác đang diễn ra. Tôi đề xuất sử dụng khoa học luận và xã hội học để đưa vào cuộc tranh luận công cộng cách thức mà những hình ảnh được số hóa này được xây dựng, để có thể thảo luận về chúng theo kiểu tranh luận.

Đóng góp này dựa trên bài báo nghiên cứu “Sustainable Financial Risk Modelling Fitting the SDGs: Some Reflections” (Mô hình hóa rủi ro tài chính bền vững phù hợp với các MTPTBV: Một vài suy nghĩ) được xuất bản trên tạp chí “Sustainability” vào tháng 9 năm 2020.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Relire Condorcet pour reduire les inégalités sociales et environnementales”, The Conversation, 4.10.2020.



Chú thích:

[*] Giáo sư phụ trách môn “Đạo đức và tài chính” ở Collège d’études mondiales (Viện Nghiên Cứu Thế Giới), Fondation Maison des Sciences de l'Homme (Quỹ các Viện Nghiên Cứu Con Người).

Print Friendly and PDF