30.12.20

Tư bản và phân phối

TƯ BẢN VÀ PHÂN PHỐI

Capital and Income Distribution

Giải Nobel: ARROW, 1972 DEBREU, 1983

Quan hệ giữa tư bản và phân phối dẫn đến việc nối khớp lí thuyết sản xuất (gắn với tư bản) và lí thuyết thù lao của những tác nhân và lí thuyết phân phối thu nhập. Việc nối khớp này không chỉ là thiết yếu đối với lí thuyết kinh tế nhưng những hàm ý xã hội, chính trị và đạo đức của việc kết nối này là hiển nhiên đến độ là vấn đề này bắt buộc phải là đối tượng của nhiều cuộc tranh luận. Nhiều cuộc tranh luận đã chấm dứt, song vẫn còn đó những cuộc tranh luận khác, một số khác lại nảy sinh, ví dụ như chung quanh khái niệm thu nhập tối thiểu phổ quát. Những cuộc tranh luận này thường được những nhận định lí thuyết đối lập nhau nuôi dưỡng. Như thế mối liên hệ giữa sản xuất và phân phối đã là một điểm thiết yếu trong sự phát triển của lí thuyết kinh tế.

Lí thuyết cổ điển

Adam Smith (1723-1790)
David Ricardo (1772-1823)

Lí thuyết cổ điển, được SmithRicardo phát triển, rồi vào thế kỉ XX được Sraffa lấy lại, dựa trên một bất đối xứng triệt để giữa ba yếu tố góp phần vào sản xuất: lao động, đất đai và tư bản. Điểm mấu chốt là những qui luật xác định những điều kiện để cho một trong những yếu tố này chiếm hữu một phần của tổng sản phẩm là không đồng nhất, nhưng ngược lại có tính đặc thù riêng cho mỗi yếu tố. Sản phẩm có thể được chia thành hai phần: một phần cho phép tái sản xuất sức lao động và đảm bảo điều được coi là cần thiết cho sự sinh tồn của người lao động, phần còn lại, thặng dư, cho phép trả thù lao cho hai nhân tố kia.

Phần của thặng dư trả cho đất đai, một nhân tố cố định, được xác định bởi năng suất của đơn vị đất được khai thác sau cùng, và do đó là đơn vị ít sinh lợi nhất, và như thế ấn định giá của lúa mà mọi đơn vị lúa sẽ được bán. Như vậy, mọi đơn vị đất phì nhiêu hơn đơn vị có sức sinh lợi kém nhất được khai thác có được một tô, hiệu giữa chi phí sản xuất lúa mà đơn vị này sản xuất ra và giá của lúa.

Một khi trừ đi khỏi tổng sản phẩm phần trả dưới dạng lương cho người lao động và phần trả cho địa chủ, thì phần còn lại cấu thành tổng lợi nhuận trả cho tư bản của nhà tư bản. Như thế lợi nhuận hiện ra như phần dư thừa và tỉ suất lợi nhuận, cũng không khác gì lương thực tế, không phải là kết quả của một cân bằng giữa cung và cầu. Số dư này có thể thay đổi tuỳ theo những điều kiện sản xuất, và do đó theo những trang thiết bị sẵn có. Chìa khoá của sự phân phối có vẻ phụ thuộc vào lương thực tế. Những qui luật của thị trường và của cạnh tranh không làm gì khác hơn là đảm bảo tính đơn nhất của tỉ suất lợi nhuận cho tất cả các nhà tư bản tham gia vào việc sản xuất sản phẩm và cạnh tranh lẫn nhau.

Karl Marx (1818-1883)

Lương thực tế bình thường cần thiết cho sự sinh tồn của người lao động là một khái niệm phức tạp. Lương này không chỉ được xác định bởi những nhận định về mặt sinh lí trong việc duy trì sức lao động mà còn phụ thuộc vào phong tục của đất nước, để lấy lại một thành ngữ của Smith. Do đó không có giá trị khách quan nào làm cơ sở cho lương thực tế, nhưng dù sao đi nữa, đây là một nhân tố hàng đầu và không tuỳ thuộc vào những điều kiện của thị trường. Cách nhìn không thuần tuý có tính sinh lí về lương của các nhà cổ điển tạo cho lí thuyết của họ một sự mềm dẻo nhưng mở ra một trường rộng lớn cho những tra vấn về những phương thức xác định lương. Đặc biệt Marx sẽ phát triển điểm này.

Trong một thế giới có một sản phẩm, lúa, được Ricardo sử dụng, và không tính đến điạ tô, từ điểm trên suy ra một quan hệ ngược chiều giữa tỉ suất lợi nhuận và lương đơn vị. Điều này chỉ rõ sự đối kháng giữa giai cấp sở hữu và giai cấp những người lao động. Trong một thế giới có nhiều hàng hoá, vấn đề trở thành phức tạp hơn và khó làm rõ quan hệ ngược chiều này. Thật vậy, những giá tương đối của sản phẩm trở thành cần thiết để xác định giá trị của tư bản được một nhà tư bản đưa vào sử dụng và tính ra tỉ suất lợi nhuận của nhà tư bản này. Nhưng chính ngay những giá tương đối này phụ thuộc vào toàn bộ tư bản hiện có trong nền kinh tế, do đó phụ thuộc vào tỉ suất lợi nhuận, một khi chấp nhận sự san bằng của lãi suất trong nền kinh tế. Những thay đổi trong việc phân phối sản phẩm và thặng dư do đó ảnh hưởng đến những giá tương đối chi phối phép tính tỉ suất lợi nhuận. Sự luẩn quẩn về mặt logic như thế khiến cho việc làm rõ quan hệ giữa lương thực tế và tỉ suất lãi suất trở nên khó khăn. Phải đợi đến Sraffa (1960) mới có được một giải pháp thích hợp cho vấn đề này, và quả thật là ta thu được một quan hệ ngược chiều giữa tỉ suất lợi nhuận và lương thực tế trong một thế giới có những sản phẩm và tư bản không đồng nhất.

Piero Sraffa (1898-1983)

Từ hạt nhân cứng này của lí thuyết cổ điển, các nhà cổ điển tất nhiên thừa nhận tính đối ngẫu giữa (tỉ suất) lợi nhuận và lãi (suất), phản ảnh sự phân biệt giữa tư bản hữu hình và tư bản tài chính. Đoán trước những phát triển của lí thuyết tài chính sẽ diễn ra một thế kỉ sau, Ricardo (1817), đưa vào một phần trả cho rủi ro của nhà tư bản chịu trách nhiệm một quá trình sản xuất. Trong những điều kiện này, điều được công nhận là những tỉ suất lợi nhuận thật sự của những nhà tư bản khác nhau có thể khác nhau, tuỳ theo những rủi ro được nhà tư bản này hay nhà tư bản khác gánh chịu. Còn lãi suất quả thật là phần trả cho việc cho vay tiền, và do đó là giống nhau đối với tất cả những người cho vay. Nhưng các nhà cổ điển khó phát triển sự phân biệt này giữa lợi nhuận và lãi suất và không cung cấp được một lí thuyết đầy đủ hơn.

Thomas Malthus (1766-1834)

Cuối cùng, Ricardo có một tầm nhìn động về sự xung đột giữa lợi nhuận, điạ tô và lương trong việc phân chia sản phẩm. Đối với ông, tích luỹ tư bản phải dẫn đến sụt giảm của tỉ suất lợi nhuận cho đến khi biến mất, và điều này có nghĩa là sự kết thúc của tích luỹ tư bản và việc đạt đến một trạng thái dừng trong dài hạn. Thật vậy, phát triển kinh tế kéo theo việc sử dụng đồng thời ngày càng nhiều trang thiết bị (tư bản) và ngày càng có nhiều đất đai được khai thác. Còn tăng trưởng của dân số bị những cơ chế điều tiết theo kiểu Malthus giới hạn. Trong những điều kiện này, lương thực tế là một biến không điều chỉnh được theo chiều giảm và việc khai thác những đất đai ngày càng ít phì nhiêu kéo theo một gia tăng không thể tránh khỏi của địa tô. Mặt khác, thặng dư đơn vị giảm do năng suất giảm dần của trang thiết bị và của lao động. Do đó kết quả là một sụt giảm của tỉ suất lợi nhuận, có thể cản trở sụt giảm này trong ngắn hạn bằng những biện pháp khác nhau.

Lí thuyết marxist

Marx (1867-1894) nằm trong sự tiếp nối của các nhà cổ điển và đặc biệt lấy lại ý cho rằng có một sự không đối xứng giữa tư bản và lao động (coi nhẹ hoàn toàn đất đai, một nhân tố không còn quan trọng vào giữa cuộc cách mạng, thời gian mà Marx xây dựng lí thuyết của ông) nhưng mở rộng đáng kể chiều kích xung đột giữa hai khái niệm này, đặc biệt là về mặt phân phối. Ngoài một cách nhìn độc đáo về lịch sử kinh tế, trong đó chủ nghĩa tư bản chỉ hiện ra như một phương thức tổ chức xã hội, Marx sẽ đổi mới trên hai điểm: một mặt, ông sẽ phát triển một quan niệm mới về giá trị, mặt khác phân tích của ông về động thái của chủ nghĩa tư bản, kết hợp những cuộc khủng hoảng và tiến hoá dài hạn, có tham vọng hơn và đầy đủ hơn lí thuyết cổ điển. Mối quan hệ giữa hai điểm này được cơ chế phân phối và đặc biệt là tiến hoá của tỉ suất lợi nhuận đảm nhận.

Đối với Marx, xung đột về sự phân phối sản phẩm tổng gộp đặc trưng cho chủ nghĩa tư bản chỉ là kết quả của một xung đột còn rõ nét hơn về sự phân phối nhằm vào những tư liệu sản xuất và việc sở hữu những tư liệu này. Chủ nghĩa tư bản đặt cơ sở trên một sự phân phối triệt để giữa những người nắm giữ một cách tự do về mặt pháp lí sức lao động của bản thân và những người nắm giữ những tư liệu sản xuất khác, được nhập chung dưới thuật ngữ tư bản. Tư bản, trong nghĩa “góp vốn” của các nhà tư bản, như thế gồm có một tập những hàng hoá được sản xuất, do đó xuất phát từ một quá trình sản xuất trước đó. Hàm chứa lao động kết tinh”, tư bản này giữ nguyên giá trị của nó trong quá trình sản xuất (bằng cách coi nhẹ vấn đề khấu hao và lỗi thời, hay vấn đề mất giá trị trong quá trình hàng hoá) và do đó cấu thành tư bản bất biến c (được tính bằng giá trị lao động). Yếu tố thứ hai là việc ứng vốn cần thiết để trả tiền công và tượng trưng cho tư bản khả biến v. Khác với các nhà cổ điển, Marx đề xuất tiên đề mấu chốt theo đó duy chỉ lao động được triển khai trong quá trình sản xuất mới sản xuất ra giá trị. Do đó các nhà tư bản” nắm giữ tư bản”, không có nguồn gốc giá trị nào khác cho họ có được những quyền chính đáng trên một phần của sản xuất nhưng lại nắm độc quyền làm chủ quá trình sản xuất và đặc biệt là việc tuyển dụng và sử dụng sức lao động. Như thế một nhà tư bản có khả năng trả tiền công cho người lao động, bù đắp nỗ lực bỏ ra trong thời gian lao động và cho phép tái tạo lại sức lao động, nhưng sức này chỉ là một phần của giá trị thật sự do lao động tạo ra trong khoảng thời gian này. Sai biệt này là lao động thặng dư hay thặng dư s bị nhà tư bản chiếm hữu, chủ sở hữu về mặt pháp lí của kết quả của quá trình sản xuất. Một từ tóm tắt quan hệ bất bình đẳng giữa nhà tư bản và người lao động: đó là từ bóc lột”. Người lao động, tự do về mặt pháp luật, trong thực tế không có phương tiện đề kháng nào vì không có cách đảm bảo sinh kế hàng ngày nào khác hơn là lao động làm công ăn lương do chỉ có sức lao động không thôi, và sức này chỉ sinh lợi khi được kết hợp với tư bản bất biến.

Như vậy, tỉ suất lợi nhuận được định nghĩa như tỉ số s/(c + v) trong lúc tỉ suất bóc lột được cho bởi tỉ số s/v (tất cả những số hạng đều tính theo giá trị lao động). Như vậy các nhà tư bản có nhiều cách để làm tăng tỉ suất lợi nhuận: họ có thể tăng thặng dư trên mỗi đơn vị được sản xuất bằng cách giảm tiền công (bần cùng hoá tuyệt đối) hay bằng cách tăng thời gian lao động (bóc lột tuyệt đối); họ cũng còn có thể, giữ nguyên tiền công và thời gian lao động, cải thiện năng suất của tư bản khả biến bằng những phương pháp sản xuất mới hay triển khai những trang thiết bị hiệu quả hơn. Nhưng mặt khác, tiền công đơn vị bằng giá trị không được ấn định như với các nhà cổ điển. Tiền công này có thể bị những khả năng kháng cự của người lao động hay những chính sách do quyền lực chính trị triển khai, có thể do dưới áp lực của quần chúng, làm thay đổi. Nói cách khác, tại chỗ mà các nhà cổ điển trông thấy một đối kháng của việc nắm giữ những thu nhập khác nhau thì Marx nhìn thấy một xung đột giai cấp về những điều kiện của việc phân phối.

Xung đột này nối khớp với một cuộc xung đột khác, trong nội bộ của giai cấp tư sản. Thật vậy, các nhà tư bản chia rẽ nhau và cạnh tranh lẫn nhau. Lợi nhuận của một nhà tư bản, thậm chí sự sống còn của bản thân người này, phụ thuộc vào sự suy yếu, thậm chí sự biến mất, của một nhà tư bản khác. Điều được Marx gọi là tính vô chính phủ của thị trường do đó là sự bất lực của những nhà tư bản thoả thuận với nhau và để cùng nhau giải quyết những điều kiện của cạnh tranh và sự sống còn của họ. Mỗi nhà tư bản nghĩ đến sự tồn tại của bản thân bằng cách tích luỹ tư bản để có tính cạnh tranh hơn những đối thủ của mình. Trên bình diện tập thể, việc tích luỹ tư bản này dẫn đến những cuộc khủng hoảng thừa khiến cho một phần tư bản đã đầu tư mất giá trị và một số nhà tư bản yếu nhất biến mất. Hơn nữa, đối phần của sự tích luỹ không ngừng nghỉ này là xu hướng” giảm xuống của tỉ suất lợi nhuận. Sụt giảm này chỉ có tính xu hướng chứ không phải là thực tế, trong chừng mực mà gia tăng của c, như đã thấy, có thể được những nhân tố khác (gia tăng năng suất, tăng tỉ suất bóc lột, v.v.) bù đắp. Nhưng đấy là ràng buộc, qui luật chi phối hành vi của các nhà tư bản và ràng buộc những quyết định, cá thể và tập thể, của họ.

Vấn đề quản lí sức lao động, một phần gắn với mức tiền công, do đó có tính quyết định trong động thái của chủ nghĩa tư bản. Một sụt giảm của tiền công bằng cách thất nghiệp và sự hình thành một đội quân tr bị” sẽ cải thiện tỉ suất lợi nhuận trên mỗi đơn vị bán ra, nhưng đồng thời thu hẹp thị trường và tạo nên những điều kiện của một cuộc khủng hoảng. Do đó lợi nhuận bị sự gia tăng của tiền công cũng như bị những cuộc khủng hoảng chu kì của động thái của chủ nghĩa tư bản đe doạ. Có một con đường hẹp cho phép có được một tái sản xuất mở rộng”, nhưng những điều kiện của tái sản xuất mở rộng là quá hạn hẹp và đòi hỏi một sự phối hợp quá chặt giữa các nhà tư bản để cho giải pháp này là hiện thực. Như vậy chủ nghĩa tư bản không thể tránh được những cuộc xung đột về phân phối và không đảm bảo là việc những nhà tư bản quản lí khéo léo những xung đột này cho phép thoát khỏi sự gia tăng của những mâu thuẫn nội tại của hệ thống. Như thế trong dài hạn, dưới mắt Marx chủ nghĩa tư bản không đứng vững được.

Paul A. Baran (1909-1964)

Paul Sweezy (1910-2004)
Do đó một cách tự nhiên những lí thuyết gia marxist đã suy nghĩ nhiều đến qui luật có xu hướng giảm xuống của tỉ suất lợi nhuận, tìm cách làm rõ những nhân tố khả dĩ ngăn cản xu hướng này. Ví dụ Lenine (1917) nhìn thấy trong chủ nghĩa đế quốc, nghĩa là việc hợp nhất, bắt buộc hay không, những lãnh thổ trong đó phương thức tư bản chủ nghĩa chưa được thiết lập trong nền kinh tế hàng hoá, một cách để giảm chi phí lao động và đảm bảo những thị trường mới cho những sản phẩm công nghiệp. Một hướng khác, hướng hình thành một chủ nghĩa tư bản độc quyền, cũng đã được nghiên cứu nhiều, đặc biệt là bởi các nhà marxist Mĩ Baran và Sweezy (1966). Tính độc đáo ở đây là suy nghĩ về những điều kiện của cạnh tranh và do đó đến cấu trúc các thị trường. Kết hợp những chủ đề thông dụng của lí thuyết tân cổ điển về tình thế độc quyền với lí thuyết marxist, Baran và Sweezy nhìn thấy trong sức mạnh độc quyền một khả năng làm tăng thặng dư.

John Roemer (1945-)

Như vậy phân tích của Marx là đặc biệt phức tạp và phong phú. Một cách nhìn qui giản về vấn đề phân chia sản phẩm và về cuộc đối đầu của hai giai cấp được đồng nhất với những quyền lợi không dung hoà nhau được tất yếu dẫn đến việc tiêu diệt chủ nghĩa tư bản để thay thế bằng chủ nghĩa xã hội đã được những chế độ toàn trị của thế kỉ XX tự nhận theo chủ nghiã Mác-Lênin phát triển và ủng hộ một cách dễ dãi. Nhưng đối lập với cách đọc giáo điều và vụ lợi trên về Marx, nhiều nhà phân tích đã tìm cách hiểu những đột biến không ngừng của chủ nghĩa tư bản, trong đó có một số đột biến đi ngược với chính những dự báo của Marx, bằng cách hợp nhất vai trò của Nhà nước, việc tái sản xuất xã hội và phân biệt hoá xã hội trong việc xử lí những cuộc xung đột về phân phối giữa tư bản và lao động. Cuối cùng những phân tích cực kì tinh vi (Roemer), dựa trên những công cụ hình thức từng được lí thuyết tân cổ điển sử dụng, đã tìm cách đặt nền tảng của lí thuyết marxist trên một cách tiếp cận mới về khái niệm bóc lột.

Lí thuyết tân cổ điển

Những nguyên lí của lập luận tân cổ điển

Lí thuyết tân cổ điển, cơ sở của những lập luận của phần lớn những nhà kinh tế đương đại, có một tính chặt chẽ logic đáng chú ý về vấn đề phân phối. Có hai loại thu nhập: một số thu nhập là thù lao của một dịch vụ sản xuất và một số thu nhập khác không phải là thù lao của một dịch vụ sản xuất và được gọi là tựa tô để qui chiếu về khái niệm cổ điển về địa tô. Tính nhất quán này dựa trên ba cột trụ: 1) một mặt cùng những nguyên lí giống nhau được vận dụng để giải thích sự hình thành của mọi thù lao, ngược lại với những luận điểm cổ điển và marxist; 2) mọi thù lao là đối phần của việc sử dụng một đầu vào được dùng trong quá trình sản xuất, còn được gọi là nhân tố sản xuất” và chính xác hơn gắn liền với hiệu quả của nhân tố này; 3) không thể không tính đến những điều kiện của cạnh tranh để hiểu thù lao của những nhân tố sản xuất khác nhau.

Điểm cuối này là đặc biệt quan trọng. Đối với lí thuyết tân cổ điển, thù lao của những nhân tố sản xuất được xác định bởi cơ chế cung cầu trên những thị trường các nhân tố sản xuất vì những điều kiện sử dụng những nhân tố này là đối tượng của những giao dịch. Do đó lí thuyết tân cổ điển về các thù lao hiện ra như một trường hợp đặc biệt của lí thuyết tổng quát về giá cả: cùng những lập luận giống nhau được vận dụng. Đặc biệt là những nguyên lí lựa chọn ở bên lề (hay những nguyên lí cận biên) cho phép hiểu được hành vi của những người cung lẫn hành vi của một người cầu một nhân tố sản xuất và do đó hiểu được thù lao gắn với hành vi này. Tính đồng nhất hình thức này, đi cùng với một mức độ trừu tượng hoá cao, cho phép ví dụ nói đến những nhân tố sản xuất” và hàm sản xuất thay vì phải mô tả đầu ra này hay đầu ra khác và/hoặc phải làm rõ những điều kiện sử dụng của những nhân tố này khiến cho lí thuyết tân cổ điển là cực kì dễ vận dụng, có khả năng xử lí, bằng cách lần lượt mở rộng, nhiều vấn đề kinh tế. Nhưng lí thuyết này cũng ở cội nguồn của nhiều sự nhập nhằng và lẫn lộn mà minh hoạ tốt nhất là việc áp dụng lí thuyết này vào khái niệm tư bản và lợi nhuận.

Sự phát triển của lí thuyết tân cổ điển

Alfred Marshall (1842-1924)
Irving Fisher (1867-1947)

Lí thuyết tân cổ điển về phân phối, đặc biệt áp dụng vào tư bản, được phát triển chậm và tiếp tục là đối tượng của những nghiên cứu sôi động, đặc biệt là trong kinh tế học công nghiệp và trong kinh tế học tài chính. Những thành tố cấu thành lí thuyết này có thể đã được nhiều tác giả khác nhau thấy trước (Jean Baptiste Say, 1814, với ý cho rằng những qui luật hình thành thù lao của đất đai, của tư bản và của lao động là đồng nhất; Longfield, 1834, rồi Jevons, 1871, cho việc áp dụng lập luận cận biên vào lí thuyết lãi suất hay vào lí thuyết lao động), nhưng chỉ đến cuối thế kỉ XIX thì những lí thuyết tổng hợp về thù lao của những nhân tố sản xuất dựa trên khái niệm năng suất cận biên mới được Alfred Marshall (1890) và John Bates Clark (1899) độc lập phát triển. Irving Fisher (1930) áp dụng những nguyên lí cận biên vào vấn đề tiết kiệm, được hiểu như sự hình thành tư bản trong một viễn cảnh liên thời gian để nối kết lí thuyết này với lí thuyết lãi suất. Cùng thời gian đó, Cobb và Douglas (1928) đề xuất một công thức cho hàm sản xuất tổng gộp mà những agumen là một đại lượng gộp về tư bản và một đại lượng gộp về lao động. Cách hình thức hoá này cho phép họ biện minh tính không đổi (xấp xỉ) của thành phần lao động, và do đó của thành phần tư bản trong sản phẩm tổng gộp. Vài năm sau, Frank Knight (1933) đề xuất một cách xử lí sâu sắc mối quan hệ giữa thù lao của tư bản với rủi ro (liên quan đến những biến cố tương lai không chắc chắn nhưng xác suất hoá được) và với bất trắc (liên quan đến những biến cố không chắc chắn và không xác suất hoá được), mở đường cho việc nghiên cứu thù lao của rủi ro gắn với đầu tư. John M. Keynes (1936) sẽ lấy cảm hứng từ ý tưởng này để nhấn mạnh tính không duy lí của những dự kiến về thu nhập của tư bản và coi đó là một nguyên nhân có thể của sự thiếu đầu tư, và do đó của sự thiếu hụt cầu thực tế. Những phát triển kinh tế vĩ mô khác nhau này sẽ rơi vào sự phê phán của Cambridge”, nghĩa là việc không thể suy tỉ suất lợi nhuận của một tư bản tổng gộp, một điều đòi hỏi phải biết trước hệ thống giá cả để đồng nhất hoá những sản phẩm tư bản, do đó phải biết trước giá của những nhân tố và tỉ suất lợi nhuận.

Gérard Debreu (1921-2004)

Kenneth Arrow (1921-2017)

Như thế việc củng cố lí thuyết tân cổ điển đã được tiến hành thông qua việc xử lí rõ ràng tính không đồng nhất của những sản phẩm tư bản và của những người nắm giữ những tư bản này, trong khuôn khổ của lí thuyết cân bằng chung. ArrowDebreu (1954) đã chứng minh sự tồn tại của một cân bằng như thế, khi những sản phẩm khác nhau có thể được sản xuất từ những nguyên vật liệu các tác nhân kinh tế được chu cấp, nghĩa là bằng một hệ thống giá cả bao gồm thù lao của những nhân tố sản xuất, tất cả những thù lao này là không âm, đảm bảo cân bằng đồng thời trên tất cả các thị trường. Định nghĩa thuần tuý hình thức của những lí thuyết gia của cân bằng chung về những sản phẩm được sử dụng cho phép họ khái quát hoá lập luận và kết quả về sự tồn tại của cân bằng vào trường hợp một nền kinh tế liên thời gian, và ngay cả với sự có mặt của bất trắc, nhờ khái niệm sản phẩm có điều kiện”. Nhưng đối phần của lập luận cực kì hình thức này, ngoài sự biến mất của những khái niệm tư bảntỉ suất lợi nhuận, là sự khó khăn trong việc áp dụng một cách hoàn toàn chặt chẽ lí thuyết này vào những tình thế kinh tế cụ thể. Điều này giải thích sự phát triển trong kinh tế học vi mô của những công trình về kinh tế học công nghiệp và kinh tế học tài chính, trong đó những khái niệm tư bản và thù lao của tư bản vẫn còn hiệu lực và có sự nhấn mạnh đến tính không hoàn hảo của cạnh tranh hay của thông tin.

Do đó lí thuyết tân cổ điển được xây dựng dần dần nhờ những đóng góp của nhiều lí thuyết gia, chịu dấu ấn của những cách đào tạo, cách tiếp cận và của những mối quan tâm khác nhau.

Lí thuyết tân cổ điển trong trường hợp cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo

Lí thuyết tân cổ điển, bằng việc lí thuyết này phân tích quá trình sản xuất và phân biệt giữa sự sở hữu những nhân tố sản xuất với việc quản lí doanh nghiệp, nghĩa là tổ hợp sản xuất của những nhân tố này, cho phép phân biệt rõ ràng thù lao trả cho tư bản, với lãi suất và lợi nhuận doanh nghiệp. Mặt khác lí thuyết tân cổ điển về sản xuất đã được áp dụng vào nhiều cấp độ khác nhau: công ti, ngành, quốc gia, thậm chí thế giới. Ở mỗi một cấp này, tư bản mang một ý nghĩa đặc biệt, có tính gộp cao hay thấp. Ta thử đặt mình ở cấp độ một công ti và trong trường hợp của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo trên tất cả các thị trường, không có bất trắc. Hơn nữa, giả sử rằng sản xuất là tức thì, những sản phẩm và nhân tố là hoàn toàn chia nhỏ được và hàm sản xuất là khả vi liên tục, và có những hiệu suất theo qui mô không đổi. Như thế, tư bản” được hợp thành bởi toàn bộ những tư liệu sản xuất hữu hình được doanh nghiệp sử dụng và có thể được biểu trưng bằng một vectơ x gồm có n phần tử. Những tư liệu sản xuất này do những tác nhân nắm giữ, những tác nhân này có thể được gọi là nhà tư bản” trong lúc công ti do một nhà quản lí hay một doanh nhân (bản thân doanh nhân này có thể là một nhà tư bản) lãnh đạo. Phần tử xi chỉ lượng của nhân tố thứ i được sử dụng trong sản xuất. Lượng y của sản phẩm được sản xuất được cho bởi hàm sản xuất: y = f(x).

Như vậy hàm sản xuất cho phép xác định một cách hình thức năng suất cận biên của nhân tố thứ i với một giá trị nhất định của vectơ x, như là đạo hàm của hàm sản xuất đối với agumen thứ i: fi(x). Do đó năng suất cận biên tương ứng với một gia tăng của sản xuất gắn với một gia tăng tuỳ tiện nhỏ (một” đơn vị) của lượng nhân tố thứ i được sử dụng, lượng những nhân tố khác không đổi. Nói rằng năng suất cận biên của yếu tố thứ i xác định thù lao đơn vị trả cho người sở hữu yếu tố này là không đúng. Thù lao này là giá pi làm tổng cung và tổng cầu trên thị trường của nhân tố thứ i này bằng nhau. Nhưng quả thật là tổng cầu của nhân tố này được xác định bởi những năng suất cận biên của nhân tố trong những công ti khác nhau mà nhân tố này được hoặc có thể được sử dụng. Mỗi doanh nhân, theo một hành vi tối đa hoá lợi nhuận, yêu cầu một lượng nhân tố thứ i sao cho sản phẩm cận biên vừa bằng chi phí cận biên gắn với việc sử dụng nhân tố này. Trong tình thế cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo chi phí cận biên này bằng với giá pi. Bản thân sản phẩm cận biên bằng với tích của của giá sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất nhân với năng suất cận biên. Như thế cầu cá thể của một doanh nghiệp là sao cho p.fi(x) = pi hay còn là sao cho fi(x) = pi/p. Điều này còn có nghĩa là cầu của nhân tố thứ i là một hàm của giá của nhân tố đối với giá của sản phẩm được sản xuất. Khi chấp nhận rằng năng suất cận biên là một hàm giảm của lượng của nhân tố thứ i được doanh nghiệp sử dụng thì ta có được một hàm tổng cầu của nhân tố này giảm với với giá của nhân tố. Ở thế cân bằng, đẳng thức trên đây giữa năng suất cận biên và giá tương đối của sản phẩm tất nhiên là được tôn trọng. Khái quát hoá lập luận, ở thế cân bằng, việc doanh nhân chọn tổ hợp tối ưu những nhân tố cho thấy rõ là, ở thế tối ưu, tỉ số giữa những năng suất cận biên của một cặp nhân tố sản xuất bằng với tỉ số của giá của những nhân tố này. Từ đó suy ra là một nhân tố càng được yêu cầu so với một nhân tố khác nếu giá của nó là thấp so với giá của nhân tố thứ hai.

Joan Robinson (1903-1983)
Luigi Pasinetti (1930-)

Như thế lập luận này, khi được mở rộng ra cho toàn bộ nền kinh tế, cho phép nối kết lí thuyết sản xuất và lí thuyết phân phối. Được tiến hành trên một cơ sở kinh tế vi mô, lập luận này chuyển sang bình diện kinh tế vĩ mô bằng cách vận dụng hàm sản xuất kinh tế vĩ mô, mà những agumen là những nhân tố sản xuất gộp, như tư bản hay lao động (gộp). Chính cách dịch chuyển lập luận này đã bị các nhà Cambridgian, như Joan Robinson, Luigi Pasinetti và Pierro Sraffa, phê phán một cách chính đáng.

Hiệu giữa sản phẩm tính theo giá trị của doanh nghiệp (p.y) và tổng những thù lao trả cho những người nắm giữ những số lượng của các nhân tố sản xuất khác nhau được doanh nghiệp sử dụngvới lj là số lượng lao động kiểu thứ j được sử dụng và wj là lương đơn vị trả cho người lao động thuộc kiểu j) được doanh nghiệp giữ lại và hợp thành lợi nhuận doanh nghiệp. Wicksteed (1894) là người đầu tiên chỉ ra rằng một hàm sản xuất với hiệu suất theo qui mô không đổi và có tính linh hoạt hoàn toàn của toàn bộ những nhân tố sản xuất và không có bất kì sức mạnh thị trường nào đối với giá cả kéo theo một lợi nhuận doanh nghiệp bằng không.

Cuối cùng cần ghi nhận là lập luận trên nhắm vào việc sử dụng một tư bản hiện có (những tư liệu sản xuất đã có) và tức thì sản xuất được. Ngược lại, giả sử là việc sản xuất kéo theo việc đọng vốn những tư liệu sản xuất hữu hình. Thế thì cần phải trả giá cho việc đọng vốn trong thời gian những tư liệu sản xuất này: một phần thù lao gắn với một nhân tố sản xuất sẽ được làm đối phần để trả cho việc đọng vốn này và cấu thành tiền lãi”. Như thế lí thuyết tân cổ điển có thể khép kín lập luận và gắn một cách nhất quán thù lao của tư bản, lãi suất và hình thành tư bản, mặt khác giải thích sự tồn tại có thể của lợi nhuận doanh nghiệp.

Những phát triển và mở rộng

Joseph Schumpeter (1883-1950)

Phương thức cạnh tranh và phần trả cho tư bản. Việc viện đến lí thuyết giá thị trường để giải thích sự hình thành thù lao của những nhân tố sản xuất cho phép lí thuyết tân cổ điển nghiên cứu những trường hợp khác hơn là trường hợp của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo. Tính không hoàn hảo của cạnh tranh có thể nhằm vào những thị trường sản phẩm cũng như chính ngay những thị trường những nhân tố sản xuất. Trong mọi trường hợp, kết quả theo đó, ở thế cân bằng, năng suất cận biên của nhân tố i bằng với giá tương đối pi/p không còn đứng vững nữa nhưng cũng những nguyên lí phân tích dựa trên logic lựa chọn bên lề đó vẫn được vận dụng. Đặc biệt Schumpeter (1912) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lợi nhuận độc quyền thu được trên những thị trường sản phẩm trong việc tích luỹ tư bản và của tăng trưởng: một trong những mục tiêu của một doanh nghiệp và của những người chủ doanh nghiệp trong những quyết định đầu tư là đạt được một tình thế độc quyền trong một thời gian ngắn dài ít nhiều nhằm rút ra những lợi nhuận tương ứng với tình thế đó. Do đó lợi nhuận độc quyền hiện ra như một chất kích thích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và đổi mới, có khả năng mang lại cho công ti một bước đi trước về công nghệ. Thể theo cùng một logic này, những tình thế độc quyền gắn với những bằng sáng chế, và do đó với những thù lao gắn liền với những bằng sáng chế này được biện minh bằng sự cần thiết khuyến khích các tác nhân tiến hành đầu tư và triển khai.

Lợi nhuận và lợi nhuận doanh nghiệp. Sự phân biệt do lí thuyết tân cổ điển xác lập giữa doanh nhân và người nắm giữ tư bản là không thực tế. Hiện thực của những nền kinh tế thị trường, dựa trên sự tồn tại của những công ti nặc danh”, cho thấy là những người nắm giữ tư bản tài chính, những cổ đông, lựa chọn và kiểm soát (quả thật là ít nhiều chặt chẽ) các nhà quản lí và chiếm hữu lợi nhuận doanh nghiệp. Trong những điều kiện này lợi nhuận doanh nghiệp có thể được giải thích như là tiền trả cho tài năng kinh doanh, và như thế được đồng hoá với một nhân tố sản xuất vô hình, hay như là kết quả của những tính kinh tế theo qui mô có trong doanh nghiệp.

Lí thuyết tân cổ điển và công bằng

Lí thuyết tân cổ điển đã kéo theo một sự đoạn tuyệt quan trọng với những lí thuyết cổ điển và marxist. Bằng cách đề xuất sự giống nhau giữa những qui luật với những hành vi chi phối những nhân tố sản xuất”, và như thế đặt tư bản và lao động ngang hàng với nhau, lí thuyết này bác lại ý tưởng có một sự đối lập triệt để giữa hai nhân tố này. Thế mà sự đối kháng này đã nuôi dưỡng ở những nhà kinh tế cổ điển cũng như ở những nhà kinh tế marxist những cách nhìn chuẩn tắc, có những hệ quả chính trị tức thì, về nền kinh tế thị trường và sự phát triển của nền kinh tế này. Lí thuyết tân cổ điển, khi đặt lợi nhuận ngang hàng với lương, cả hai biến này đều là đối phần của một đóng góp sản xuất, làm cho không thể tiếp tục lập luận như trên được. Lí thuyết còn hiện ra như là biện minhcho lợi nhuận, và ở cương vị này được những nhà kinh tế marxist xem như một vũ khí ý thức hệ được dùng để ủng hộ chủ nghĩa tư bản. Và quả thật là những nhà kinh tế tự do đã sử dụng nhiều những đặc tính hình thức được lí thuyết tân cổ điển gán cho trường hợp của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo với hiệu suất theo qui mô không đổi để bảo vệ ý cho rằng thù lao của mỗi người là một đối phần công bằng của lợi ích sản xuất của bản thân và do đó những bất bình đẳng về thu nhập chỉ thể hiện những khác biệt trong đóng góp sản xuất của những cá thể.

Thật ra, lí thuyết tân cổ điển là trung lập về mặt các giá trị và không thể được dùng như vậy để biện minh cho (hay phê phán) hệ thống kinh tế thị trường. Về mặt này, ba điểm cần được nhấn mạnh. 1) Một mặt, những chu cấp sản xuất của các tác nhân, và ví dụ việc là một số tác nhân có được tư bản được xem là cho trước và không được giải thích một cách khoa học. 2) Mặt khác, lí thuyết tân cổ điển là khá phong phú về mặt hình thức để nghiên cứu những trường hợp khác hơn là trường hợp của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo, những trường hợp này mở ra khả năng có một khác biệt giữa thu nhập và năng lực sản xuất, và một lần nữa đt ra vấn đề công bằng xã hội. 3) Cuối cùng, những nguyên lí do lí thuyết tân cổ điển phát triển cho phép phân tích cách quản lí tư bản công cộng, nghĩa là những phương tiện sản xuất do những cộng đồng công cộng nắm giữ và nếu cần có thể cung cấp những giải pháp đáng mong muốn về mặt xã hội cho những vấn đề gắn với việc quản lí này.

Ngày nay khái niệm chiếm hữu của một cá thể trên một phần của sản phẩm của một xã hội như là đối phần của việc nắm giữ tư bản hết còn bị đặt thành vấn đề nữa, ít ra là khái niệm này là một điều cực chẳng đã, do trong thực tiễn không thể quản lí tập trung một cách hữu hiệu và công bằng một hệ thống kinh tế hiện đại. Nhưng vấn đề tầm quan trọng của đối phần này và sự cần thiết, hay không, để khuôn đối phần này lại bằng những biện pháp công cộng vẫn còn là đối tượng của những cuộc bàn luận quan trọng, những cuộc tranh luận này, cuối cùng, qui về vấn đề ám ảnh dai dẳng của sự xung đột giữa tính hiệu quả và tính công bằng, cũng như vấn đề khả năng của một hệ thống những thị trường tự do trong việc đảm bảo một phân bổ tối ưu những nguồn lực trong không gian và trong thời gian.


ARROW K. J. & DEBREU G., Existence of Equilibrium for a Competitive Economy, Econometrica, 1954, vol. 22, p. 265-290. BARAN P. A. & SWEEZY P. M., Monopoly Capitalism, New York, Montlhy Review Press, 1966. COBB C. & DOUGLAS P., A theory of Production, American Economic Review, 1928, vol. 18, p. 139-165. FISHER I., The Theory of Interest, New York, Macmillan, 1930. JEVONS W. S., The Theory of Political Economy, London, Macmillan, 1871. KEYNES J. M., The General Theory of Employment, Money and Interest, London, Macmillan, 1936. KNGHIT F, H., Capitalistic Production, Time and the Rate of Return, Economic Essays in Honor of Gustav Cassel, London, George Allen & Unwin, 1933. LENINE V. I., Limpérialisme, stade suprême du capitalisme, 1917. LONGFIELD M., Lectures on Political Economy, Dublin, Milliken, 1834. MARSHALL A., Principles of Economics, London Macmillan, 1890. MARX K., Das Kapital, Hamburg, Meisner, 3 vol., 1867-1994. RICARDO D., On the Principles of Political Economy and Taxation, London, Murray, 1817. ROBINSON J., The production function and the theory of capital, Review of Economic Studies, 1953-1954, vol. 21, p. 81-106. SAY J.B., Traité déconomie politique, Paris, Deterville, 1814. SCHUMPETER J. A., Theorie der Wirtschaftlichen Entwicklung. Eine Untersuchen uber Unternehmerrgewinn, Kapital, Kredit Zinsund den Konjunkturzyklus, Munich/Leipzig, Dunckeer/Humbold, 1912 SMITH A., An Inquiry into the Nature and Causes of the Weath of Nations, London, Statan & Cadell, 1776. SRAFFA, Production of Commodities by Means of Commodities, Cambridge, Cambridge University Press, 1960. WICKSTEED P. H., An Essay on the Coordination of the Laws of Distribution, London, Macmillan, 1894.

Hubert KEMPF

Giáo sư đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1)

Nguyễn Đôn Phước dịch

Cạnh tranh; Chu kì kinh tế; Hiệu quả đối lại công bằng; Phân phối thu nhập.

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.

Print Friendly and PDF