TRUNG QUỐC: ĐANG MÙA THẾ VẬN HỘI, VỤ TAI TIẾNG VỀ “NGƯỜI PHỤ NỮ BỊ XÍCH” LÀM CHO CHÍNH QUYỀN BỐI RỐI
Tác giả: Pierre-Antoine Donnet
Hình ảnh thật là thảm hại trong thời gian Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh: video một phụ nữ Trung Quốc bị xích, có lẽ trước đây đã bị bắt cóc và bị bán cho một người đàn ông và cô đã có với người này 8 đứa con, đã gây ra sự giận dữ trong nước. Đó là một câu chuyện mới về phụ nữ nạn nhân của sự hành hạ gây phẫn nộ trong người dân Trung Quốc, và một lần nữa, đưa ra ánh sáng số phận của phụ nữ trong một xã hội còn bị nam giới thống trị mạnh mẽ và bị hủy hoại bởi nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con.
Bành Soái (1986-) |
Sau vụ việc Bành Soái (Peng Shuai), nữ vận động viên quần vợt chuyên nghiệp bị mất tích, rồi dường như bị quản thúc sau khi cô tố cáo bị một quan chức cao cấp của chính phủ tấn công tình dục, bây giờ là câu chuyện kinh khủng về “người phụ nữ bị xích” gây tai tiếng ầm ĩ ở Trung Quốc. Trong một video do một blogger phát ra ngày 28 tháng 1/2022 trên mạng xã hội Douyin, là phiên bản Tik Tok của Trung Quốc, ta thấy một phụ nữ bị xích vào tường trong nhà kho của một ngôi nhà hoang phế tại ngôi làng ở Từ Châu (Xuzhou) trong tỉnh Giang Tô (Jiangsu), một tỉnh ven biển phía Đông Nam. Cô bị mất nhiều răng, lạnh cứng vì chỉ mặc vài bộ đồ đã sờn rách trong thời tiết lạnh giá. Người ta thấy bên cạnh cô là thức ăn lạnh ngắt. Người mẹ của gia đình này tên là Yang, có vẻ như “bị điên”. Cô là mẹ của 8 đứa con, nhỏ nhất 2 tuổi và lớn nhất 23 tuổi, một sự việc rất hiếm ở Trung Quốc khi chính sách một con của nước này còn được áp dụng cho đến năm 2015.
Lúc đầu, người quay phim này muốn xây dựng một hình ảnh tích cực của người chồng của người phụ nữ này, được trình bày như một người đàn ông bình thường đã làm được việc chăm sóc các con và mẹ của mình mặc dù vợ bị bệnh tâm thần. Nhưng rất nhanh, các mạng xã hội đã nắm lấy vụ việc. Người phụ nữ này là ai? Cô ta từ đâu đến? Chính quyền địa phương đã làm gì? Làm sao hai người này đã có thể có tám đứa con, mặc dù chính sách một con lúc đó vẫn còn được áp dụng và chỉ được hủy bỏ vào năm 2015? Nhiều cư dân mạng nghi ngờ rằng người chồng đã mua vợ mình và sau đó cố tình làm cho cô ta bị điên. Trong vòng một tuần, video này đã có hơn hai tỷ lượt xem.
Hồ Tích Tấn (1960-) |
Chính quyền trung ương đã nhanh chóng hiểu ra rằng trong lúc diễn ra Thế Vận Hội mùa đông ở Bắc Kinh, một vụ việc như vậy có thể phần nào mang tầm quốc tế. Và thế là ngày thứ hai 7 tháng 2, chính quyền đã bắt đầu dập tắt đám cháy. Hồ Tích Tấn (Hu Xijin), biên tập viên của Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo rất chính thống và quốc gia chủ nghĩa của nhà nước, đã công bố trên môt blog thừa nhận rằng việc mua bán phụ nữ là “rất thông thường ở một vài địa phương” và ngầm kêu gọi chính quyền đừng giấu giếm sự thật. “Vụ việc này không được làm lu mờ thành công của Thế Vận Hội. Trung Quốc là một nước đang phát triển, với một thực tại phức tạp. Chúng ta làm cho thế giới ngưỡng mộ với lễ khai mạc Thế Vận Hội, chúng ta có hệ thống xe lửa tốc độ cao lớn nhất thế giới, nhưng đồng thời chúng ta vẫn còn những nơi lạc hậu. Vụ việc bẩn thỉu này [ở quận Feng -Phong-] minh chứng cho sự phức tạp này”.
Trong buổi tối, đối mặt với một vụ tai tiếng đã nhanh chóng lan rộng, truyền hình nhà nước CCTV đã trình bày một phóng sự giải thích rằng chính quyền đã xác minh được danh tính của người phụ nữ này. Cô Yang này quê ở Vân Nam, nằm trong vùng Tây Nam của Trung Quốc. Cô đã lập gia đình lần đầu và ly hôn vào năm 1996. Đã có những rối loạn tâm thần, cô đã được một người phụ nữ đem đến Giang Tây để chăm sóc và cô đã trốn khỏi người phụ nữ này, người dẫn dắt này không buồn báo cho cha mẹ của cô Yang về sự mất tích của cô ấy. Vì Vân Nam cách xa Giang Tây hàng ngàn cây số, lời giải thích này đã không trả lời được mọi câu hỏi. Nhiều cư dân mạng tin rằng người phụ nữ “dẫn dắt” bí ẩn này tham gia vào các mạng lưới xã hội đen. Mặt khác, chính quyền đã giải thích rằng người phụ nữ bị xích trước đây là một kẻ lang thang và ăn xin. Vì những vấn đề tâm thần, cô ta đã có hành vi bạo lực và hung hăng trong những tháng gần đây, đó là lý do khiến chồng của cô đã buộc cô lại trong nhà kho này.
Cư dân mạng cáo buộc rằng chính quyền rất thường hợp thức hóa trước sự đã rồi của một cuộc hôn nhân bị cưỡng ép. “Ở California, một người đàn ông đã bị kết án 400 năm tù vì đã bắt cóc một bé gái và có với cô này hai đứa con. Tại Trung Quốc, ông ta nhận được tiền”, những bình luận viên ẩn danh nói như vậy trên các mạng xã hội.
Tranh vẽ của Rebelpepper, minh họa “Vụ người phụ nữ bị
xích” đăng trên trang web Radio Free Asia, ngày 17 tháng 2, 2022 (Nguồn: RFA)
Vụ việc này không phải là duy nhất. Một cư dân mạng khẳng định rằng ở Từ Châu, một thành phố 9 triệu dân bao gồm nhiều vùng nông thôn, có không ít hơn 48.100 phụ nữ đã bị đàn ông nông dân mua về trong những năm 1980. Những vụ việc tương tự xuất hiện trở lại, đáng chú ý là trường hợp một phụ nữ ở Tứ Xuyên đã bị mua rồi bị nhốt trong 15 năm bởi hai anh em, ở Nội Mông. Năm 2007, phim Manh Sơn (Blind Mountain) do Li Yang thực hiện, tố cáo hiện tượng này. Ngày thứ hai 14 tháng 2, một cuộc thăm dò đã được lưu hành trên các mạng xã hội trước khi bị nhanh chóng kiểm duyệt: phần lớn người Trung Quốc cho rằng các lãnh đạo chính trị địa phương là những người chịu trách nhiệm chính về loại thảm kịch này, trước các mạng lưới tội phạm, sự nghèo khó và trình độ học vấn thấp.
CON GÁI CỦA MỘT CỰU CHIẾN BINH
Tuy nhiên, chính quyền Giang Tây đã mở một cuộc điều tra, nó có vẻ đang tiến triển. Theo đó, một người phụ nữ đã đi kèm Yang đã bị bắt và hiện đang bị cảnh sát chất vấn vì “tội phạm bắt cóc”, theo Radio Free Asia. “Bà ta bị nghi ngờ đã phạm một tội ác, một viên chức cảnh sát của đồn cảnh sát làng Sunlou đã tuyên bố như vậy. Một thông cáo về sự bắt giữ này vì hành vi phạm tội sẽ sớm được công bố.”
Nhưng chưa hết. Số phận của “người phụ nữ bị xích” không phải là đối tượng duy nhất của vụ tai tiếng. Một số cư dân mạng đang đặt vấn đề về lai lịch của cô này. Trong số đó có Cai Shengkun là bình luận viên của một nền tảng đã phát hành một clip về vụ này, được hơn sáu triệu lượt xem chỉ nội trong ngày 14 tháng hai. Trước tiên Cai phê phán sự lỏng lẻo của chính quyền địa phương: người chồng của “người phụ nữ bị xích” đã được cho phép kết hôn và có tám con với cô ta, rõ ràng là vi phạm luật kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc, mặc dù đã có một chẩn đoán về tình trạng tâm thần phân liệt (của cô ta).
Tuy nhiên, Cai còn đi xa hơn. Là cựu chiến binh của Quân đội Nhân dân Giải phóng ở Tứ Xuyên, ông nghi ngờ tuyên bố chính thức theo đó “người phụ nữ bị xích” là một người bị mất tích ở Vân Nam. Vì thực ra có thể cô ta là con gái của một cựu chiến binh Quân Giải phóng, cô này cũng bị mất tích và tên thật của cô ta là Li Ying. Chú/bác của cô đã yêu cầu xét nghiệm ADN để xác nhận lai lịch của “người phụ nữ bị xích”. “Vấn đề chính là cần biết “người phụ nữ bị xích” là Yang hay Li Ying, một cô gái đã mất tích ở Tứ Xuyên, Cai nhấn mạnh. “Dường như chính quyền địa phương làm tất cả để mọi sự dễ dàng cho họ” trong vụ việc này.
Thực sự, có nhiều nét tương đồng giữa các tấm hình của Yang và Li Ying. Đối với Cai, vụ việc đã được quyết định: chính quyền không muốn làm xét nghiệm ADN này, sợ nó sẽ chứng minh rằng “người phụ nữ bị xích” đúng là con gái của một quân nhân đã về hưu. Điều này có nguy cơ gây nên sự tức giận của các cựu chiến binh Quân Giải phóng, rất phẫn nộ khi biết rằng trong lúc họ tham gia quân đội thì con cái họ có thể là nạn nhân của những kẻ buôn người mà không bị trừng phạt. Nên biết rằng trong những năm gần đây một số lớn các cựu chiến binh này đã rầm rộ phản đối về lương hưu và các hóa đơn y tế không được thanh toán, khiến họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. “Chính phủ cố gắng cải thiện tình trạng của các quân nhân đã giải ngũ và cha của Li Ying đã phục vụ ở Tây Tạng trong 12 năm. Đó là lý do khiến sự mất tích của cô dễ dàng gây nên sự phẫn nộ của những cựu chiến binh này”, Cai Shengkun nhấn mạnh.
Chúng ta cũng nên nhớ lại rằng tình trạng luôn luôn có nhiều “mất tích” và bắt cóc trẻ em ám ảnh các gia đình của xứ sở đông dân nhất thế giới này. Năm 2020, hơn một triệu người ở Trung Quốc đã “mất tích” không để lại dấu vết, theo một nghiên cứu của Zhongmin Social Assistance Institute.
Hashtag dành cho vụ tai tiếng đã có gần 4 tỷ lượt xem và 2 triệu bình luận thường là cay độc. “Một Năm Mới đẹp đẽ cho một người đàn ông cưỡng dâm, tám đứa con của hắn và một tử cung bị xích”, có một bình luận như vậy, được báo Le Figaro trích dẫn ngày thứ bảy 19 tháng 2. “Đó là một sự đột nhập dã man thời Trung Cổ trong lòng Trung Quốc đương đại”, đó là nhận định của Wu Qiang, nhà nghiên cứu chính trị độc lập, cũng do báo Le Figaro trích dẫn. Thực vậy, vụ việc này làm xấu tình hình, khi mà Đảng khẳng định đã xóa “nghèo cùng cực”, tính chính đáng duy nhất mà Đảng lấy làm tự hào. “Người phụ nữ bị xích này đã xóa tan tành những thành tựu vẻ vang về xóa nghèo và về vẻ đẹp của Thế Vận Hội”, nhà xã hội học Guo Yuhua của trường đại học Thanh Hoa danh tiếng đã dám viết như vậy trên mạng WeChat.
“NGÀY HỘI CỦA SỰ CUỒNG NỘ”
Mộ Dung Tuyết (1958-) |
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xóa trên tất cả các mạng xã hội mọi bình luận về nhiều trường hợp buôn người, chủ yếu là phụ nữ, trong những năm gần đây. Đặc biệt là những vụ việc mà Mộ Dung Tuyết (Yan Geling) đề cập đến, bà là một trong những nhà văn lớn đương thời của Trung Quốc, bây giờ sống tại nước Đức. Bà đã công bố nhiều tài liệu nặng nề về những vụ việc này và đã xem chính chủ tịch Tập Cận Bình là một “gian thương” trong một video phát trên kênh YouTube[1]. Rất tức giận bởi vụ việc này, nhà văn đã công bố một văn bản dưới dạng bức thư gửi cho các con của “người phụ nữ bị xích”. Văn bản này đã nhanh chóng bị kiểm duyệt[2].
Trong một tiểu luận về buôn bán người, bà tự mô tả mình là một người phụ nữ đang “rất tức giận và buồn bã” sau vụ việc này. “Tôi đã nhận thức rằng có lẽ bây giờ là lúc tôi dành thời gian để bày tỏ sự tức giận của tôi để cho điều này không còn xảy ra nữa. Sự tức giận tạo ra các nhà thơ và sự tức giận này đã trở thành chủ đề trung tâm của tôi trong những ngày này. Năm ngày vừa qua đối với tôi là những ngày hội của sự cuồng nộ.”
Mộ Dung Tuyết (Yan Geling) nhắm đến con trai lớn của Yang, dường như anh ta đã khởi đầu truy tố chống lại người đã phổ biến video về người mẹ bị xích của anh ta. “Làm sao mà nhận thức của người ta về các mối quan hệ gia đình và về đạo lý lại bị đảo lộn đến như thế và bị rối loạn đến mức phi lý như thế. Dù sao, bà ấy là mẹ ruột của anh! […] Văn minh của chúng ta đã tiến triển đến độ chúng ta còn không buộc một con chó bằng dây xích kim loại. Không những người con trai lớn này không cứu mẹ mình, mà anh ta còn truy tố ra tòa người yêu cầu phải cứu mẹ anh ta![…] Mẹ anh thực sự là một nô lệ, nô lệ tình dục. Anh đã có sự sống trong bụng bà ấy, anh đã chào đời nhờ bà ấy và anh nợ bà ấy sự tồn tại của anh vốn đã gây cho bà biết bao đau khổ. Và bây giờ anh lại cố ngăn cản người ta giải phóng bà.”
Đến lượt những người khác trở thành nạn nhân của kiểm duyệt, thậm chí là đàn áp. Theo một cư dân mạng lấy tên là Wang (Vương), quận Feng (Phong) trong tỉnh này từ lâu đã được biết đến như là một trung tâm buôn bán phụ nữ và thiếu nữ. Một video mà cô này đưa lên mạng đã bị rút xuống. “Ngay vào lúc tôi đưa video này lên mạng, họ đã chặn lại và vậy là tôi đã không thể chuyển thông tin về người phụ nữ bị xích.” Nhiều đối thoại trên mạng WeChat về chủ đề này cũng đã bị xóa “Họ xóa một vài thông tin (về vụ việc này) và chặn các trao đổi trên mạng WeChat”, Wang giải thích như vậy. Cách này đã trở thành một phương pháp quen thuộc của chính quyền.” Tệ hơn nữa, cảnh sát đã bắt giữ hai phụ nữ đã đến ngôi làng nơi người phụ nữ bị xích được tìm thấy trong mục đích giúp đỡ cô ta. Họ đã bị bắt giữ từ đó và bị cáo buộc đã “gây ra các cuộc ẩu đả và gây rối loạn”, một lý do thường được chính quyền dùng để gạt bỏ những người gây trở ngại hoặc phê phán Đảng.
“NGƯỜI PHỤ NỮ BỊ XÍCH” VÀ NỮ QUÁN QUÂN THẾ VẬN HỘI
Cốc Ái Lăng (2003-) |
Vụ “người phụ nữ bị xích” xảy ra ngay trong thời gian Thế Vận Hội mùa đông, ở đó một phụ nữ Trung Quốc, hoàn toàn trái ngược với Yang, đã được vô cùng ngưỡng mộ. Đó là vận động viên trượt băng tự do Cốc Ái Lăng (Eileen Gu), 18 tuổi, sinh ra và lớn lên ở California, trước khi đến cư trú ở Trung Quốc khi cha của cô, một kỹ sư về trí tuệ nhân tạo, trở về quê hương Trung Quốc. Gu đã giành được ba huy chương tại Thế Vận Hội mùa đông ở Bắc Kinh, hai vàng và một bạc. Vô danh cho đến lúc đó, cô bỗng nhiên trở thành một hiện tượng được đông đảo dân chúng hâm mộ tại Trung Quốc, được nhiều nhà tài trợ ve vãn. Không thể bỏ sót, các mạng xã hội bắt đầu so sánh số phận của Yang và Eileen Gu. Những ngày vừa qua, một bài hát nhan đề Bu yao wo le, 不要我了(Anh không cần tôi), so sánh hai gương mặt phụ nữ này. Bài hát đã phá kỷ lục về khán thính giả tại Trung Quốc.
Hu Xijin, biên tập viên của Hoàn Cầu Thời Báo, đã khen ngợi ngôi sao trượt tuyết mới của Trung Quốc. Ông cố ý nói: “Hãy để Trung Quốc tìm lấy đúng chỗ đứng của mình”. Những lời phê phán tràn ngập trên các mạng xã hội Trung Quốc. “Đó là đời sống tại Trung Quốc, nhà văn Murong Xuecun viết trên Twitter. Một mặt, có một nữ vô địch Thế Vận Hội không thể bị phê phán và mặt khác có người phụ nữ bị xích mà những gì nói về cô ta đều bị kiểm duyệt. Một người có một tương lai huy hoàng và người kia chìm trong bóng tối.”
“Thành công của Eileen Gu có gì liên quan đến đời sống thường ngày của người Trung Quốc không?”, một bài báo đã nêu câu hỏi như vậy trên các mạng xã hội, và lập tức được lan truyền rộng rãi. “Có thể nào chúng ta ghi nhớ người phụ nữ này đồng thời lại khen ngợi Eileen Gu?”, một bài báo khác tự hỏi như vậy, do Radio Free Asia trích dẫn, và đã bị kiểm duyệt chưa đầy một giờ sau khi được công bố. “Để nhận định một xã hội là văn minh hay không, chúng ta cần quan sát xem những người được ưu đãi thành công đến mức nào và những người khốn khổ bị thiệt thòi đến mức nào, bài báo nêu thêm như vậy. Hàng chục ngàn nhà vô địch không thể rửa sạch nỗi nhục nhã mà những phụ nữ bị buộc làm nô lệ phải chịu đựng.”
BA NĂM TÙ
Ngoài hình ảnh thảm hại mà Trung Quốc tự đưa ra cho chính dân chúng của mình, không phải chỉ liên quan đến chính quyền địa phương và sự thiếu trách nhiệm của họ. Vụ “người phụ nữ bị xích” gây ra những vết nhơ trên toàn bộ chính sách quốc gia về kế hoạch hóa gia đình. Chính sách một con và sự ưa thích con trai đã tạo ra một sự mất cân bằng to lớn giữa hai giới tính, với hàng triệu đàn ông đi tìm vợ khi đến tuổi kết hôn. Nhiều gia đình, nhất là ở nông thôn, tìm cách mua các trẻ gái mồ côi hay con nhà nghèo, nuôi dưỡng chúng để sau đó kết hôn với các con trai của họ, cho dù việc kết hôn với trẻ em đã bị cấm từ năm 1959.
Mặt khác, con chó sói đang ở trong một nền công lý lỏng lẻo: tại Trung Quốc, các hình phạt đối với những người mua bất hợp pháp cây cối (7 năm tù) và thú vật (tù chung thân hoặc tử hình) nặng hơn là đối với những cá nhân trả tiền để mua phụ nữ hay trẻ em từ việc buôn người. Trong trường hợp này, hình phạt cao nhất dừng ở ba năm tù giam – và ít hơn nếu người mua không “phạm tội lạm dụng” những nạn nhân của buôn người, hoặc không ngăn cản những nỗ lực để cứu các nạn nhân.
Vài dòng về tác giả
Pierre-Antoine Donnet (1953-) |
Cựu phóng viên Thông tấn xã Pháp AFP (Agence France Presse), Pierre-Antoine Donnet là tác giả của khoảng 15 tác phẩm về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và về những thách thức lớn ở châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên thường trú tại Bắc Kinh này đã công bố tác phẩm “Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis” (Vấn đề lãnh đạo thế giới. Sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ), Nhà xuất bản Aube. Ông cũng là tác giả của tác phẩm “Tibet mort ou vif” (Tây Tạng chết hay sống), nhà xuất bản Gallimard phát hành năm 1990 và tái bản năm 2019 với một phiên bản được cập nhật và tăng cường. Tác phẩm cuối cùng của ông, “Chine, le grand prédateur” (Trung Quốc, kẻ săn mồi to lớn), xuất bản năm 2021, nhà xuất bản Aube.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Chine: En plein J.O, le scandale de la ‘femme enchainée’ embarrasse le régime”, Asialist, 19.02.2022.
----
Bài có liên quan:
Chú
thích: [1]
Chồng của Yan, Lawrence Walker, đã xác nhận những lời của vợ ông về Tập Cận Bình. Nhưng bà không biết rằng cuộc đàm thoại giữa bà và Zhou Xiaozheng, một giáo sư đã về hưu của Đại học Nhân dân Bắc Kinh, đã bị ghi âm, cũng như không biết rằng những bình luận của bà sẽ được phát trên kênh YouTube. “Bà ấy đã nói những điều bà ấy muốn nói và nghĩ những điều bà nghĩ, nhưng lẽ ra bà ấy nên chọn thời điểm, nơi chốn và phương pháp để biểu đạt ý kiến của mình hơn là để rơi vào tình thế như bà đang gặp hiện nay”, Lawrence Walker đã giải thích như vậy. [2]
Bản dịch tiếng Pháp của văn bản này của Mộ Dung Tuyết (Yan Geling) sẽ được công bố trên Asialyst sắp tới đây.