12.12.23

Hiểu sinh thái tự vệ

HIỂU SINH THÁI TỰ VỆ

© Mei Xuefei / Costfoto/Sipa USA/SIPA

Các mục tiêu của Hiệp định Paris sẽ không được giữ vững. Cuộc chiến sinh thái triệt để có vẻ viển vông, bị kẹt trong một thế giới bị phân mảnh. Trong bối cảnh này, Luca Picotti vạch ra một đường hướng gọi là thực tế mà theo ông nó sẽ thắng thế: một quan niệm sinh thái tự vệ tìm cách làm hết sức mình để các xã hội của chúng ta thích nghi với tai biến trong tương lai.

Tác giả: Luca Picotti[*]

Cách đây vài năm, nhà văn Jonathan Franzen, là một nhà bảo vệ môi trường lâu năm đã viết một tác phẩm về cuộc chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu, quyển sách này đã gây nên nhiều lời phê phán: Et si on arrêtait de faire semblant? (Và nếu ta thôi không giả vờ nữa?) (Nhà xuất bản L’Olivier, 2020). Không khó để hình dung ra những lý do của cuộc tranh luận này. Franzen thậm chí đặt lại vấn đề sự ích lợi của tất cả các đầu tư về mặt chính trị, kinh tế và văn hóa hỗ trợ cho khí hậu và dựa vào đó, một phần của lực lượng tiến bộ, của giới trí thức và của công luận đã tạo lập lý do tồn tại của mình, nghĩa là khẩu hiệu chính trị đã và đang đề ra trong nhiều năm nay sự cần thiết phải có những biện pháp triệt để để giảm phát thải và cứu hành tinh thoát khỏi tai họa.

Franzen khẳng định rằng khẩu hiệu này có một ý nghĩa cách đây ba mươi năm, khi còn có thể hành động và đạt được kết quả kịp thời, trong khi ngày nay không làm gì được nữa – bởi vì không thể đạt được những mục tiêu đầy tham vọng trong vấn đề khí hậu. Đó là một quan điểm biểu hiện một trận động đất thực sự đối với giới nghiên cứu sinh thái học. Không phải vì những lời của Franzen nói lên một sự thật. Mà vì, một mặt đó là một cách tiếp cận có tính công cụ của mọi quan điểm bảo thủ (“nếu không thể làm được gì hơn nữa thì hãy đừng làm gì cả”); mặt khác, vì đó là một sự khẳng định mà càng ngày càng có nhiều người, hoặc cố ý hoặc không, thừa nhận có sức thuyết phục. Không phải là một sự ngẫu nhiên nếu gần đây, vị giám đốc mới của GIEC (Groupe d’experts intergouvernemental sur l’évolution du climat – Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu -) đã muốn trấn an công chúng về đặc điểm có thể quản trị được – mặc dù với những rủi ro quan trọng hơn – của sự gia tăng nhiệt độ cao hơn 1,5 độ, một sự thay đổi nhịp độ không thể tránh khỏi trong cách tiếp cận truyền thông bị định hướng bởi tính không khả thi của việc đạt được các mục tiêu này.

Thuyết bi quan về khí hậu mà Franzen phần nào thể hiện nó, dựa trên hai trụ cột chính: Sự phân mảnh của thế giới và một cách giải thích nhất định về bản chất con người.

Khi ta nói chỉ riêng nước Ý hay châu Âu không thể có một ảnh hưởng trên phạm vi toàn hành tinh, vì duy nhất một hành động chung toàn cầu mới có thể có hiệu quả - và trong khi các nước mới nổi muốn có trước hết là năng lượng và sự thịnh vượng, thì châu Âu đã có rồi – các nhà bảo vệ môi trường có xu hướng bác bỏ những lời này đơn giản như là những cái cớ. Đó có thể là đúng, nhưng không phải bằng sự cáo buộc những người hoài nghi đang làm lợi cho những người bảo thủ mà ta sẽ giải quyết được vấn đề. Thực tế là cuộc chiến sinh thái đang đối mặt với một quang cảnh quốc tế bị phân mảnh thành nhiều quốc gia, mỗi quốc gia có những lơi ích riêng và những tiến trình dân chủ riêng. Ở đó có một sự cân nhắc tầm thường nhưng cũng rất dứt khoát: vấn đề của các phong trào xanh là họ tham gia vào một cuộc đua tranh dân chủ ở mức độ quốc gia, và không tránh khỏi việc đề nghị những chính sách quốc gia vốn không thể làm gì được khi đối mặt với một vấn đề toàn cầu.

Thuyết bi quan về khí hậu, mà Franzen phần nào thể hiện nó, dựa trên hai trụ cột chính: Sự phân mảnh của thế giới và một cách giải thích nhất định về bản chất con người.

LUCA PICOTTI

Và câu nói “chính chúng ta phải bắt đầu” không được thuyết phục lắm để đạt được sự đồng thuận. Bởi vì điệp khúc cứu lấy hành tinh không thể vận hành, giả thiết rằng có thể làm điều đó trên quy mô toàn cầu – cũng như chiến thắng của đảng xanh “X” ở Ý hay ở Pháp không hề có ảnh hưởng gì trên quy mô hành tinh – vì ngay chính lý do tồn tại của những sáng kiến này bị hủy hoại từ gốc rễ. Sự đua tranh dân chủ bị dồn vào một chiều kích quốc gia, đến nỗi mỗi đề nghị cùng lắm là có thể đi đến những biện pháp lập pháp ở cấp quốc gia (hạn chế khoan giếng dầu, đánh thuế các công ty dầu hỏa; cấm chăn nuôi thâm canh; bãi bỏ những trợ cấp có hại cho môi trường, v.v.). Đó là những biện pháp cho dù chúng được quyết định ở quy mô châu Âu – thực thể duy nhất có khả năng ấn định luật pháp cho một lãnh thổ rộng hơn quốc gia, mặc dù với những giới hạn khác nhau – về bản chất vẫn không có khả năng tác động trên quy mô toàn thế giới.

Khi không có dân chủ và luật pháp chung cho toàn thế giới, chúng ta đối mặt với rủi ro phân mảnh, có nghĩa là bất lực. Một số người có thể khẳng định rằng hợp tác toàn cầu còn có thể đưa đến kết quả, điều này có phần đúng. Nhưng đồng thời phải thừa nhận rằng quang cảnh quốc tế ngày càng bất động: những nước phát thải chính là những nước đang cạnh tranh nhau rõ ràng (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ); chỉ cần một cuộc viếng thăm Đài Loan của Nancy Pelosi là Bắc Kinh hủy bỏ tất cả hợp tác về khí hậu với Washington. Tuy nhiên, những lời kêu gọi được đưa ra tại một số nước, từ nước Ý đến nước Pháp, để thực hiện những biện pháp triệt để ở đây và bây giờ hầu như là không thực tế, khi mà hiện tại của chúng ta được tạo thành bởi bom, tên lửa, máy bay, xe tăng, chiến hạm, các đập và đường ống dẫn khí bị nổ, sản xuất cao độ vũ khí, những cuộc xung đột cũ và mới. Bối cảnh này tước bỏ bản chất của mọi lời kêu gọi hợp tác quốc tế trước thách thức chung của biến đổi khí hậu. Sự tham chiếu tấm gương hợp tác quốc tế tốt đẹp của nghị định thư Montréal năm 1987 cũng không có tính thuyết phục: để chống lại các chất chlorofluorocarbone (CFC), những sản phẩm hóa học làm suy giảm tầng ozone, tất cả các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc đã cam kết giảm việc sử dụng các sản phẩm hóa học lúc đầu là 50%, rồi 75% và cuối cùng là 100% trong vòng mười năm. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một chiều kích được giới hạn hơn nhiều, trong đó ta dễ nêu ra số lượng nhỏ các doanh nghiệp sản xuất các chất này (họ đã có bằng sáng chế các giải pháp thay thế đứng vững được về mặt công nghệ). Cái mà chúng ta đã không có trước mắt là toàn bộ một hệ thống, bao gồm thức ăn, năng lượng, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, vật liệu, mà tất cả chúng ta đều đóng góp vào đó, giữa những trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp và với những mức độ khác nhau, từ cá nhân dùng xe hơi để đi làm việc, sưởi ấm trong nhà và dùng máy bay để di chuyển, cho đến những công ty dầu hỏa cung cấp cho xã hội năng lượng mà xã hội cần.

Vấn đề của các phong trào xanh là họ tham gia vào một cuộc đua tranh dân chủ ở mức độ quốc gia, và không tránh khỏi việc đề nghị những chính sách quốc gia vốn không thể làm gì được khi đối mặt với một vấn đề toàn cầu.

 LUCA PICOTTI

Một bối cảnh phân mảnh đang hình thành, ở đó cục diện được chia thành các Nhà Nước-dân tộc, một chiều kích trong đó diễn ra sự tranh đua dân chủ, và không có một cuộc bầu cử toàn cầu nào có thể đưa đến một cơ quan lập pháp toàn cầu. Trước tiên và trên tất cả các nhà lãnh đạo phải đáp ứng cho các công dân của họ. Một bối cảnh không thể được diễn giải một cách sơ lược và đồng nhất, như các nhà bảo vệ môi trường thường hay làm – theo nghĩa có duy nhất một gia đình con người sống trên hành tinh và phải hành động để cứu gia đình ấy – nhưng bối cảnh ấy bị tác động bởi những bất cân xứng toàn cầu, những quan hệ quyền lực, những cách tiếp cận khác nhau về phương diện lịch trình, trách nhiệm, ưu tiên và năng lực cảm giác.

Hồ chứa Đập Tam Hiệp. © Mei Xuefei / Costfoto/Sipa USA/SIPA

Và Franzen nhận thấy rằng người Pháp biểu tình chống lại thuế đánh vào diesel; rằng nước Mỹ của Trump cuồng nhiệt với những phát ngôn của ông ta; rằng mỗi ngày người ta mở thêm một nhà máy điện than ở Trung Quốc, Ấn Độ hay châu Phi. Trong bối cảnh này, làm sao có thể hình dung là ta chịu từ bỏ những chuyến du lịch bằng máy bay và màn hình truyền hình? Đó là điều Franzen gọi là “khôi hài đen tối về biến đổi khí hậu”.

Từ đó có chủ đề thứ hai: chủ đề về bản chất con người, hay chính xác hơn là về tự do cá nhân như là giá trị hàng đầu. Theo những bài học về chủ nghĩa hiện thực trong chính trị, quả thực là ta không thể không biết, dẫn lời của Leopardi, lòng tự ái (amor proprio) của các cá nhân, được hiểu là tìm kiếm sự hài lòng về cá nhân mình, mối quan tâm đến thực tại nhỏ bé của cá nhân và sự phổ biến của những lợi ích ích kỷ. Do đó, cho đến ngày nay, những phong trào xanh (phong trào thực chất, có nghĩa là triệt để, chứ không đơn thuần là những biểu hiện mỹ miều) đã không thu hút được sự đồng thuận. Tuy nhiên, một số người sẽ nói, những cuộc thăm dò ý kiến đều ghi nhận khắp nơi mối quan tâm ngày càng gia tăng đối với những vấn đề môi trường. Ví dụ tại nước Ý, với câu hỏi muốn biết phải hành động chống lại biến đổi khí hậu hay họ có quan tâm đến điều đó không, thì dường như phần lớn người dân rất nhạy bén với câu hỏi này. Tác giả cho rằng những cuộc thăm dò như vậy phải được xử lý một cách thận trọng. Đặc biệt là nên cân nhắc sự hời hợt của ngôn từ đối với một câu hỏi trừu tượng như thế (và ở vài khía cạnh là “tưởng tượng”), không chú ý đến sự cam kết thực sự đối với vấn đề và nhất là đối với những hệ lụy của nó.

Thực ra rất dễ dàng tuyên bố là mình quan tâm đến biến đổi khí hậu hay thừa nhận sự cần thiết phải hành động để bảo vệ hành tinh. Đó là một câu trả lời không bao hàm một chi phí nào cả. Đứng trước một cách tiếp cận truyền thông có phần “mạnh” (xem các thẻ đỏ và những tiêu đề nhấn mạnh đến các tai họa trên báo chí), đó cũng là tự nhiên theo một cách nào đó. Tuy nhiên, như chúng ta đã đề cập ở trên, đó là một vấn đề về sự hời hợt của ngôn từ hơn là một diễn ngôn trừu tượng và dựa trên các nguyên tắc. Thực ra, chỉ cần đề nghị tập trung vào những hàm ý cụ thể nhất thì các kết quả bắt đầu xuất hiện. Ví dụ, nếu câu hỏi đề cập cụ thể đến các biện pháp của châu Âu (cấm các động cơ dùng chất đốt kể từ năm 2035; phát triển những ngôi nhà xanh), thì sự hoài nghi gia tăng. Một cuộc điều tra về một chủ đề cụ thể, bắt đầu thực sự liên quan đến thực tại nhỏ của cá nhân (đổi xe, tân trang nhà) sẽ dẫn đến những câu trả lời có suy nghĩ hơn rất nhiều sự nhạy bén chung chung mà người ta dễ dàng bày tỏ đối với chủ đề mang ý nghĩa trừu tượng. Các kết quả sẽ còn rõ hơn nếu ta bắt đầu thử nghiệm lĩnh vực những hy sinh mà các cá nhân sẵn sàng thực hiện, ở mức độ quốc gia giới hạn trong nước Ý, Pháp hay Đức, để đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu: “Bạn có chấp nhận một đạo luật hạn chế việc ăn thịt hay đi du lịch bằng máy bay không?”; “Bạn có chấp nhận loại bỏ những khoản trợ cấp có hại cho môi trường không?” (nghĩa là chủ yếu giảm thuế có lợi cho người tiêu dùng, mặc dù có ít người nhận thức ra); “Bạn có chấp nhận hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm không?”.

Thực ra rất dễ dàng tuyên bố là mình quan tâm đến biến đổi khí hậu hay thừa nhận sự cần thiết phải hành động để bảo vệ hành tinh. Đó là một câu trả lời không bao hàm một chi phí nào cả.

LUCA PICOTTI

Jean-Yves Dormagen đã thực hiện một cuộc điều tra tương tự, trong một bài báo nói về sự chia rẽ sinh thái mới. Các kết quả rất lý thú và chứng tỏ một sự miễn cưỡng nhất định về việc từ bỏ một số lối sống nhân danh cuộc chiến khí hậu. Vậy là 77% người Pháp tuyên bố là không “sẵn sàng từ bỏ việc ở trong một ngôi nhà biệt lập”; 59% tuyên bố không sẵn sàng “từ bỏ xe hơi nhiệt”; 67% không đồng ý với hạn chế tốc độ 110 cây số/giờ trên các đường cao tốc để giảm phát các khí gây hiệu ứng nhà kính. Tiếp đến, cần ghi nhận khi một câu hỏi về xây dựng các công viên điện gió được nêu ra mà không đề cập đến bối cảnh, thì câu hỏi này nhận được sự ủng hộ của hơn phân nửa dân số, là 59%; tuy nhiên khi ta xác định rõ “gần nhà bạn”, tỷ lệ ủng hộ giảm xuống hơn 20 điểm, còn 37%. Cuối cùng, cũng nên đề cập đến, như là chứng cứ của sự tập trung về những lợi ích cá nhân, phản ứng mạnh xảy ra khi người ta yêu cầu những người được hỏi là họ có sẵn sàng “hạn chế chỉ bốn chuyến bay trong đời họ không” (Như Jean-Marc Jancovici đề nghị). Trong trường hợp này chính phần lớn lớp người tiến bộ, tin tưởng nhất vào tính cấp bách của biến đổi khí hậu, lại nói “không sẵn sàng” giảm việc dùng máy bay, trong khi đó phần lớn những người trả lời bảo thủ nhất lại nói sẵn sàng thực hiện. Jean-Yves Dormagen đã viết về vấn đề này: “Chắc người ta sẽ hiểu điều này, những gì ta ghi chép ở đây chủ yếu tùy thuộc vào một sự khác biệt về địa vị kinh tế-xã hội, và kết hợp với nó là những lối sống, và chính xác hơn là những cách sử dụng máy bay rất khác nhau. Những người Tiến bộ, và hơn thế nữa, những người Dân chủ-Xã hội là những nhóm giàu có nhất về vốn kinh tế và văn hóa, nghĩa là nằm trong số những người sử dụng máy bay thường xuyên nhất. Và mặc dù hệ giá trị của họ thúc đẩy họ chấp nhận những hành vi tương thích với sinh thái, đa số vẫn không muốn hạn chế việc sử dụng máy bay. Ngược lại, những nhóm người bình dân nhất, ngay cả trong số những người có xu hướng hoài nghi về biến đổi khí hậu họ “sẵn sàng” cho cam kết này vì nó không gây hậu quả gì cho những thói quen và các cách sử dụng thực sự của họ.

Từ đó rút ra kết luận về khó khăn chung của việc “từ bỏ những thú vui và những lối sống để hạn chế dấu vết cacbon, ngay cả trong những nhóm tỏ ra có một trình độ nhận thức nhất định về sinh thái”. Ta không còn ở trong tình trạng hời hợt của ngôn từ mà là trong thực trạng cụ thể của những hệ lụy của một chủ nghĩa môi trường thực sự - nghĩa là một sự cam kết triệt để, bắt buộc những hạn chế và những thay đổi lối sống. Theo ý kiến của tác giả, ngoại trừ một nhúm các nhà hoạt động đặc biệt nhạy bén với vấn đề này, rất hiếm người ủng hộ những thay đổi triệt để của lối sống hay những hy sinh tự do cá nhân quá đáng cho một sự đánh cuộc to lớn, trừu tượng và bao trùm như thế, điều mà nhiều người trong các vùng khác của thế giới chỉ đơn giản là từ chối tham gia.

Thực trạng là những đảng xanh thật không tồn tại, mà nếu các đảng này tồn tại thì cũng không đáng kể, những hành động gây xáo trộn của những người hoạt động (tranh; rào chắn trên đường) chỉ làm phiền lòng phần lớn người dân, và nhìn chung không hướng một sự đồng thuận tập thể vào những chính sách xanh triệt để (những cuộc biểu tình năm 2019 chỉ có vẻ mỹ miều chứ không có điều gì khác), thực trạng này gợi ra rằng đằng sau cuộc thăm dò trừu tượng ẩn giấu một thực tại phức tạp hơn nhiều, trong đó những tuyên bố nguyên tắc phải thích nghi với tính chất cụ thể của các thực tế nhỏ bé của cá nhân.

Nhìn chung, khẩu hiệu chính trị về sự cần thiết của một biến đổi triệt để các lối sống để cứu lấy hành tinh dường như không hoạt động được. Cho dù sự so sánh có những hạn chế của nó. Chỉ cần nghĩ đến những cuộc phong tỏa vì COVID-19 mùa xuân năm 2020: một chiến dịch thực sự triệt để đã làm suy giảm tác động của chúng ta lên hành tinh, đặc biệt là tác động mang tính tập thể (với hiệu ứng kép của sự hạn chế những lây lan và phát thải). Nhưng chiến dịch này không còn được tái lập và dần dần chúng ta đã đi theo hướng ngược lại, tất nhiên là nhờ thuốc chủng ngừa, từ bỏ mọi chiến lược zéro-Covid, vốn là không khả thi ở phương Tây, về mặt chính trị và văn hóa. Tự do và rủi ro cá nhân đã chiến thắng, với cái giá phải trả là các sinh mạng. Hơn nữa, như nhà phân tích Alessandro Leonardi nêu rõ, vào năm 2020 (khi thế giới đã dừng lại trong nhiều tháng), phát khí thải chỉ giảm 5,4%. Để có thể giảm thải 50% trong 7 năm, như mong muốn của các mục tiêu khí hậu, thì cần giảm 7,1% mỗi năm. Khó mà không bị khuất phục bởi sự bi quan của Franzen.

Đập Tam Hiệp về đêm nhìn từ trên cao. © Costfoto/Sipa USA/SIPA

Các phong trào xanh, vốn đã yếu kém, sẽ vấp phải khó khăn mới này: nhận thức ngày càng mạnh về tính bất khả thi của việc đạt đến các mục tiêu đã được ấn định. Điều này thay đổi tất cả trong câu chuyện: nếu một mục tiêu X đã được áp đặt, được nối liền với sự cứu vãn hành tinh, và nó không thể đạt được, làm sao có thể đòi hỏi những nỗ lực, những hy sinh, những gia tăng nhịp độ và những thay đổi của lối sống trong quá trình chuyển đổi (khí hậu – ND)? Làm sao có thể đòi hỏi một hành động triệt để, mà tự nó đã khó rồi, nếu mục tiêu liên quan đến khả năng cứu vãn hành tinh không thể thực hiện được? Một số người sẽ nói cho dù giảm được một phần tư độ (nhiệt độ - ND) vẫn là quan trọng; cho dù các mục tiêu không thể đạt được, mọi hành động đều vô cùng cần thiết để không làm trầm trọng thêm những thiệt hại. Thật là logic nhưng ta mất đòn bẩy của sự “cứu vãn” vốn có thể (ngay cả khi nó không bao giờ đạt được) thuyết phục và “minh chứng” cho một hành động triệt để. Sau câu chuyện này, làm sao đòi hỏi một cố gắng hay một sự hy sinh “dù sao chăng nữa”, “bởi vì dù sao chăng nữa, ngay cả khi bạn không đạt được những mục tiêu của bạn, giảm một phần tư độ, thì vẫn hơn chứ”? Khó mà tin rằng điều này sẽ đủ. Nếu nhận thức về tính bất khả thi của việc đạt được các mục tiêu lan rộng trong công luận (và trong cộng đồng khoa học, như trường hợp đã xảy ra), thì đó là cả một lâu đài bị sụp đổ, một câu chuyện chung mà biết bao người đã đầu tư vào, về phương diện chính trị và còn rộng hơn nữa: “cần phải làm tất cả để đạt mục tiêu và cứu lấy hành tinh”. Mục tiêu không thể thực hiện được? Điều đó không quan trọng, dù thế nào chúng ta cũng phải làm tất cả bởi vì “có còn hơn không”. Rõ ràng đó không phải là một sự khuyến khích quan trọng: nhất là sau một câu chuyện đã liên kết những giả thuyết về tai biến và thảm họa với việc không thực hiện các mục tiêu này, mà ngày nay một số người bắt đầu giảm nhẹ đi – hãy nghĩ đến những tuyên bố của giám đốc mới của GIEC.

Các phong trào xanh, vốn đã yếu kém, sẽ vấp phải khó khăn mới này: nhận thức ngày càng mạnh về tính bất khả thi của việc đạt đến các mục tiêu đã được ấn định.

LUCA PICOTTI

Còn lại gì cho sinh thái chính trị? Gọng kìm được tạo ra một mặt bởi bản chất của con người và mặt khác bởi sự phân mảnh của thế giới dường như bị siết chặt. Có thể những người lý tưởng nhất tin rằng lối sống và sự gắn bó với tự do cá nhân chỉ là một sản phẩm văn hóa, và nói chung thường có thể, theo cách của Faust, thay đổi nhân loại. Tôi nghi ngờ điều này. Dù thế nào đi nữa, nói chung, ngay cả giả định rằng một quan điểm như vậy thường có thể vượt qua – bằng cách hướng sự đồng thuận đến một hành động tập thể và triệt để không phải cho công việc hay đồng lương vào cuối tháng, mà cho hành tinh trong các thập niên sắp tới – thì vấn đề gây ấn tượng nhất vẫn còn đó: sự bất ổn giữa quốc gia và toàn cầu. Nghĩa là sự phân mảnh những đồng thuận tập thể có thể có này thành những chiều kích riêng rẽ của từng quốc gia. Một hoàn cảnh vốn ngăn cản mọi hành động chung từ gốc rễ, trừ phi bạn chỉ muốn tin rằng cùng một lúc, trong 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc hay một phần lớn trong các quốc gia ấy, các đảng xanh thắng cử chấp nhận cùng nhau hành động để đối phó với thách thức khí hậu mà không tính đến những bất đối xứng, những quan hệ quyền lực, những cấu trúc kinh tế và những nhu cầu đặc thù của các nước khác nhau mà các đảng này cầm quyền.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên Il Manifesto, một giáo sư đại học rất nhạy bén với chủ đề này là Charles F. Sabel, giáo sư luật học và khoa học xã hội tại Columbia Law School, thừa nhận rằng tất cả những kế hoạch lớn toàn cầu đều thất bại và chúng ta cần rời bỏ ảo tưởng về những hành động chung ở quy mô toàn cầu, và nên thiên về tập trung vào những thành công đặc biệt và nhỏ hơn (một số dây chuyền cung ứng như xe hơi điện và quang điện, hay những lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm, hay những vấn đề cụ thể như vấn đề lỗ thủng tầng ozone).

Có phải chúng ta dần dần tiến đến từ bỏ hành động toàn cầu, được dẫn dắt bởi nhận thức về một thế giới phân mảnh, xung đột, bị phân chia thành nhiều Nhà nước-dân tộc? Và điều đó sẽ có hệ lụy gì?

Theo tác giả, đó là một hệ hình mới có thể được tính đến cho những năm tới: hệ hình chủ nghĩa môi trường tự vệ. Một sinh thái thực tế, hoặc bi quan, có đặc điểm từ bỏ câu chuyện toàn cầu về “cứu lấy hành tinh” và hướng đến một chiều kích quốc gia và địa phương hơn - là chiều kích duy nhất ở đó có cơ quan lập pháp và có vai trò của sự cạnh tranh dân chủ. Đó là một viễn cảnh tập trung vào điều “nhỏ bé” và “cụ thể”, một giải pháp thay thế giải pháp dựa vào tai biến nhãn tiền và sự cần thiết của một sự cứu nguy hành tinh của con người vĩ đại với những hành động triệt để nhằm biến đổi thực tại đang hiện hữu. Thừa nhận hành động ở quy mô toàn cầu là không khả thi, sinh thái tự vệ hiển thị trong một loạt các chính sách được tiếp nhận ở quy mô quốc gia và địa phương để bảo đảm cho các công dân một “khả năng sống được” tốt hơn, nhằm thích nghi các cơ sở hạ tầng xã hội với biến đổi khí hậu. Một mặt, đó là xây dựng những công cụ để đối phó với thiên tai và với những hiện tượng cực đoan: hồ chứa để tích trữ nước và dùng nó sau này trong trường hợp khô hạn, cống và đập để kiểm soát lũ lụt, đầu tư vào những công nghệ thu giữ cacbon, khử muối nước mặn, cống dẫn nước được cải thiện, có nhiều phương tiện hơn nữa để đối phó với hỏa hoạn, có những sở hạ tầng như Mose ở Venise (đê chắn lũ khi thủy triều dâng cao – ND) để khống chế mực nước dâng, quy trình an toàn trong trường hợp có báo động về khí tượng, sáng kiến đối với sự không ổn định về địa chất thủy văn, v.v.. Những chính sách này là ở mức độ quốc gia và địa phương, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của công dân và đáp ứng logic của sự chung sống và của sự an toàn. Mặt khác, chủ nghĩa môi trường tự vệ biến những yêu cầu xanh thành những mục tiêu cụ thể về chất lượng cuộc sống: nhiều cây để giảm nhiệt độ trong các thành phố, điện khí hóa để giảm ô nhiễm, hiệu năng của năng lượng để tiết kiệm trên các hóa đơn, chăm sóc đất đai, không khí trong lành, tiếp cận nguồn nước. Đó là một chủ nghĩa môi trường cụ thể nhắm đến cải thiện và bảo tồn chất lượng cuộc sống trong một bối cảnh mà khí hậu sẽ có những thay đổi lớn.

Có phải chúng ta sẽ dần dần tiến đến từ bỏ hành động toàn cầu, được dẫn dắt bởi nhận thức về một thế giới phân mảnh, xung đột, bị phân chia thành nhiều Nhà nước-dân tộc?

LUCA PICOTTI

Tóm lại, sau đây là những đặc điểm của sinh thái tự vệ:

Trước tiên, thừa nhận sự bất khả thi của một hành động toàn cầu trong một thế giới phân mảnh vốn có thể bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu khí hậu và do đó chấp nhận chiều kích quốc gia-địa phương của trò chơi dân chủ và những chính sách liên quan;

Tiếp theo, đầu tư vào các năng lượng tái tạo và giảm phát khí thải vẫn là một mục tiêu đáng mong muốn, nhưng không phải cho những mục tiêu to lớn cứu lấy hành tinh hay đạt các mục tiêu khí hậu, mà vì những lý do kinh tế (năng lượng rẻ một khi các chỉ báo dự trữ và vận chuyển được cải thiện; những thị trường mới và lợi nhuận; huỷ hoại sáng tạo; thành công của những dây chuyền cung ứng cá nhân) và khả năng sống tốt cụ thể (năng lượng sạch; điện khí hóa các xã hội; chất lượng của môi trường).

Điểm cuối cùng này sẽ xác nhận chiến thắng của điều mà ta gọi là sinh thái các công nghệ xanh đối với sinh thái triệt để. Mô hình công nghệ xanh, một phần đã được hấp thu bởi lực lượng kinh tế và tài chính, trên thực tế nằm trong khuôn khổ tư bản chủ nghĩa, và trước hết nhắm vào thay thế (xe điện thay vì diesel; những vật liệu mới, như lithium mà quy mô quặng mỏ và khai thác chắc chắn là không thiếu); thực ra, mặc dù bị tăng nhanh bởi một động lực ý hệ, chính sự thay thế này lại kết hợp với một chủ nghĩa độc tài quan liêu và với nhiều mệnh lệnh, đó là một hiện tượng sinh lý trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản – mà trong sự bành trướng liên tục và sự tìm kiếm của cải (và trên tất cả là năng lượng) ta đã thấy nó đi từ than đá (và những thành phố trong truyện của Dickens vào thế kỷ 19) qua dầu hỏa, khí thiên nhiên và trong tương lai là năng lượng tái tạo, trong một sự cải thiện dần dần nguồn được sử dụng và những điều kiện sống. Đó là một sinh thái không ảnh hưởng đến những nền tảng cơ bản (nghĩa là sự phát triển tư bản chủ nghĩa): sinh thái này có thể cải thiện một vài chỉ báo, lấy đi vài sự hài lòng của những người ủng hộ năng lượng tái tạo, nhưng nó không có khả năng (bởi vì điều này là không thể, như nhiều người đã chấp nhận rồi) bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu đã được ấn định.

Đập Tam Hiệp về đêm. © Lei Yong / Costfoto/Sipa USA/SIPA

Trái lại, sinh thái triệt để, không dựa nhiều vào sự thay thế (mặc dù có bao gồm) nhưng chủ yếu là dựa vào sự hạn chế. Gần gũi với khái niệm giảm tăng trưởng trong hạnh phúc nó chủ trương một hành động triệt để dẫn đến việc giảm tác động của con người lên hành tinh về mọi phương diện: sản xuất, cơ sở hạ tầng, vận chuyển, tiêu thụ năng lượng, sử dụng đất đai, tiêu thụ tài nguyên và thực phẩm gốc động vật, giao thông, v.v.. Tóm lại, một biến đổi triệt để của mô hình phát triển và các lối sống để cố gắng – nếu thách đố này thành công – cứu lấy hành tinh. Nói cách khác, đó là một cách tiếp cận triệt để đi xa hơn một chiếc xe hơi điện đơn giản hay một tấm pin mặt trời. Tuy nhiên đó là một cách tiếp cận đi đến va chạm với điều đã đề cập ở trên về gọng kìm giữa bản chất con người và sự bất ổn quốc gia/toàn cầu.

Trái lại, sinh thái triệt để, không dựa nhiều vào sự thay thế nhưng chủ yếu dựa vào sự hạn chế

LUCA PICOTTI

Cuối cùng, sinh thái tự vệ không chiến đấu để cứu hành tinh nữa, vì nó thừa nhận sự bất ổn quốc gia/toàn cầu, cũng như bản chất con người và các cơ chế vận hành của toàn bộ hệ thống, nhưng nó tự hạn chế vào một chiều kích tự vệ, quốc gia-địa phương, chiều kích này đề nghị bảo đảm an toàn cho lãnh thổ và chăm lo cho sự sống tốt của các công dân, bằng cách thể hiện các đòi hỏi xanh thành những chính sách cụ thể: cùng tồn tại và đầu tư vào chương trình “xanh” được hiểu như là chất lượng cuộc sống – nước, sức khỏe, không khí, thực phẩm, nhà ở, bảo vệ những điều cơ bản để đối phó với một khí hậu ngày càng rối loạn.

Luca Picotti

Sinh thái tự vệ được mô tả ở đây được thiết lập dựa trên một cách tiếp cận thực tế, hoặc bi quan. Rõ ràng nó làm lợi cho những người bảo thủ, nghĩa là những người thiên về chọn hiện trạng hơn là những thay đổi triệt để của thực tế hiện đang tồn tại. Phê phán lối tiếp cận này được hoan nghênh: dù sao, chính trị không thể tự cho phép mình thụ hưởng tính hiện thực. Tuy nhiên, với những người tin vào sự thay đổi, điều đó vẫn là một thách thức lớn về lý thuyết và thực tế. Cảm giác là trong những năm sắp tới hệ hình này sẽ trở nên ngày càng xác đáng. Tìm những câu trả lời có tính thuyết phục hơn thuộc về những người muốn phản đối hệ hình này.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: “Comprendre l’écologie défensive”, Le grand continent, 21.11.2023.




Chú thích:

[*] Luca Picotti là luật sư và là nghiên cứu sinh tiến sĩ về luật thương mại.

Print Friendly and PDF