5.12.23

Maurice Godelier: “Ta có thể phần nào bắt chước phương Tây để chống lại nó tốt hơn”

MAURICE GODELIER[*]: “TA CÓ THỂ PHẦN NÀO BẮT CHƯỚC PHƯƠNG TÂY ĐỂ CHỐNG LẠI NÓ TỐT HƠN”

PHỎNG VẤN do GÉRARD VINDT thực hiện

Trong tác phẩm mới nhất của ông xuất bản vào tháng 6, Khi phương Tây chiếm lĩnh thế giới (thế kỷ 15 - 21). Liệu chúng ta có thể hiện đại hóa mà không phương Tây hóa không/Quand l’Occident s’empare du monde (XVe - XXIe siècle). Peut-on alors se moderniser sans s’occidentaliser? (NXB CNRS), Maurice Godelier, một nhà nhân học nổi tiếng quốc tế và từng đoạt huy chương vàng CNRS, đã thực hiện một phân tích lịch sử chuyên sâu để trả lời một câu hỏi, mà ông nói, đã khiến ông bận tâm từ lâu nay.

Maurice Godelier (1934-)

Dựa trên kinh nghiệm lâu năm đã đưa ông đến thực địa ở New Guinea (Châu Đại Dương), cũng như ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, ông đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa hiện đại hóa và phương Tây hóa khắp thế giới.

Ông đặc biệt đề cập đến trường hợp của các quốc gia, trong quá trình hiện đại hóa, đã vạch ra những ranh giới trong đó tôn giáo thường đóng một vai trò quan trọng và ông thiết lập một hệ thống các loại hình chống lại phương Tây. Tuy nhiên, theo ông, mối đe dọa chính đối với phương Tây đến từ những căng thẳng nội bộ của nó.

Tại sao lại có cuốn sách này về quá trình phương Tây hóa thế giới?

Cuốn sách này là câu trả lời cho câu hỏi mà tôi đã tự đặt cho mình vào năm 2019 trong cuốn Những nguyên tắc cơ bản của đời sống xã hội/Les fondamentaux de la vie sociale (NXB CNRS). Thật ra, câu hỏi này chưa bao giờ rời bỏ tôi kể từ năm 1981, khi tôi đang thực hiện cuộc nghiên cứu thực địa cuối cùng với người Baruya, một bộ lạc sống ở Cao nguyên New Guinea, được chính quyền thuộc địa Úc “phát hiện” và bình định vào năm 1960. Đi sau những người lính là các nhà truyền giáo, sau đó là các học giả.

Tôi đến bộ lạc Baruya vào năm 1967 và sống và làm việc với họ tổng cộng bảy năm từ 1967 đến 1981. Đất nước này không còn là thuộc địa vào năm 1975, khi Úc “trao (trả)” độc lập cho họ. Năm 1975, tôi đã chứng kiến cuộc bầu cử “toàn quốc” đầu tiên ở một đất nước có hơn 800 bộ lạc, nhóm tộc người không hiểu “bỏ phiếu” là gì để “cử đại biểu” trong “Quốc hội” đầu tiên.

Trước đấy, từ năm 1967 đến năm 1975, tôi đã chứng kiến quá trình mở trường học và Kitô giáo hóa của các mục sư giáo hội Luther. Sau đó là sự gia nhập của xã hội Baruya vào nền kinh tế thị trường, đầu tiên là dưới hình thức thuộc địa nổi tiếng: 30% thanh niên ở mỗi làng được đưa đi làm việc trong hai năm trong các đồn điền của Người Da Trắng trên bờ biển của hòn đảo. Sau đó, các công ty lớn của phương Tây phân phối miễn phí cây cà phê con để người Baruya có một thứ gì đó để bán hầu có thể mua hàng hóa của Người Da Trắng.

Do đó, ngay từ đầu, tôi đã quan sát quá trình Tây phương hóa cưỡng bức của người Baruya (bầu cử, giáo dục, Cơ đốc hóa) và hiện đại hóa (trồng cà phê, lao động ở các đồn điền, di cư đến các thành phố, buôn bán, tiền tệ quốc gia với đồng kina, dựa trên đồng đô la Úc, sau khi đã dựa trên đồng bảng Anh), các công cụ của Châu Âu, v.v..

Vào những ngày cuối cùng của chuyến lưu trú cuối cùng của tôi vào năm 1981, một nhóm đàn ông và phụ nữ đã đến yêu cầu tôi viết lên một tờ giấy những cái tên mới cho mỗi người trong số họ, những cái tên theo đạo Thiên chúa. “Để làm gì?”, tôi hỏi. “Để trở thành hiện đại,” một thanh niên từng làm việc ở thị trấn trả lời. “Hiện đại nghĩa là gì?”, lúc đó tôi đã hỏi anh ấy. “Trở nên hiện đại, Maurice, rất đơn giản. Đó là theo Chúa Giêsu và kinh doanh.”

Câu trả lời và công thức của anh ấy đã khuyến khích tôi tìm lại những hình thức, giai đoạn và nền tảng của sự thống trị về quân sự, kinh tế, tài chính và chính trị của phương Tây đối với phần còn lại của thế giới.

Ông đã đặc biệt quan tâm đến trường hợp của Nhật Bản…

Lịch sử Nhật Bản khiến tôi khám phá ra rằng tiến trình hiện đại hóa không phải là một vấn đề “hiện đại”! Vào thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên, Nhật Bản đã vay mượn nghề trồng lúa, nuôi tằm, chữ viết và mô hình Nhà nước từ Trung Quốc, sau đó là du nhập Phật giáo. Nói tóm lại, các yếu tố cơ bản của tổ chức xã hội và văn hóa của Nhật Bản.

Khẩu hiệu lúc đó hình như là “Mượn từ Trung Quốc mà không làm Nhật Bản đánh mất linh hồn”. Người Nhật đã bị Hán hóa nhưng không vì vậy mà trở thành người Trung Quốc.

Vào thế kỷ 19, họ cũng làm như vậy trước mệnh lệnh bức chế của phương Tây là phải mở các cảng để buôn bán dưới sự đe dọa bị xâm lược. Sự đáp lại của họ là Cách mạng Minh Trị xóa bỏ chế độ Mạc phủ do tầng lớp samurai lãnh đạo (shogunat) và sự hiện đại hóa cưỡng bức đất nước với khẩu hiệu “Mượn người phương Tây mà không làm Nhật Bản đánh mất linh hồn”, tức là bản sắc của mình. Và để thực hiện điều này, họ đặt ra hai ranh giới đỏ mà quá trình Tây hóa đất nước không được chạm tới: hoàng đế và Thần đạo, là quốc giáo.

Như vậy, ta có thể phần nào bắt chước phương Tây để chống lại nó tốt hơn. Đây là trường hợp của Trung Quốc thời Tập Cận Bình ngày nay.

Trong suốt lịch sử, nhiều quốc gia, nước Nga của các Sa hoàng, Đế chế Ottoman, đã thực hiện bước đầu tiên hướng tới phương Tây hóa, đó là hiện đại hóa quân đội, mượn vũ khí và chiến thuật quân sự của các nước châu Âu. Và để quân sự hóa theo cách châu Âu thì cần phải công nghiệp hóa, bước thứ hai là nhập các kỹ sư và tiếp nhận khoa học hiện đại là nền tảng của sự công nghiệp hóa.

Ông nói rằng Tây phương hóa là chấp nhận theo chủ nghĩa tư bản, nền dân chủ nghị viện và, thông qua Cơ đốc giáo, một mối quan hệ nhất định với tôn giáo.

Đây có thể là một định nghĩa về các giai đoạn và hình thức của quá trình Tây phương hóa đang diễn ra của một quốc gia. Tuy nhiên, điều kiện thứ hai vẫn còn mong manh và điều kiện thứ ba – sự tách biệt quyền lực chính trị và quyền lực của tôn giáo thống trị địa phương, tức là sự thế tục hóa Nhà nước – không phổ biến ở các nước tư bản phương Tây. Điều này không có tại ở Hy Lạp hay Hungary. Nó đang được tranh cãi ở Ba Lan, v.v..

Đế chế Nga đưa ra một góc nhìn khác về số phận của các dân tộc thuộc địa.

Tất nhiên, Liên bang Nga là một đế quốc thực dân còn tồn tại. Hàng chục nhóm dân tộc đã bị xâm chiếm và bị Nga hóa trong quá trình bành trướng của đế chế Sa hoàng tới Kamchatka. Tuyên bố độc lập của người Chechnya và các nhóm khác ở Dagestan đã bị đàn áp đẫm máu và những dân tộc này bị người Nga da trắng đặt dưới sự giám hộ của mình.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ Kemalist thì sao?

Ngay cả trước khi Kemal Atatürk lên nắm quyền, giới tinh hoa cải cách Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định loại bỏ - với sự giúp đỡ của người Kurde - những nhóm dân cư không phải người Thổ Nhĩ Kỳ và đã sống hàng thế kỷ trong Đế chế Ottoman, người Armenia, người Hy Lạp, người Do Thái, người Azeris, v.v.. Đây là ví dụ chính đầu tiên về “sự thanh lọc chủng tộc”. Người Kurde, kể từ đó, vẫn là một vấn đề đối với người Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thời kỳ tan rã của Đế chế Ottoman, Atatürk đã thành lập nền cộng hòa thế tục đầu tiên trong thế giới Hồi giáo bằng cách thanh lý không chỉ vương quốc Hồi (sultanat) mà còn cả các triều vua (caliphat), điều này khiến ông bị phần lớn thế giới Hồi giáo căm thù. Atatürk đã thực hiện sự hiện đại hóa cưỡng bức đất nước. Trong số nhiều việc khác, ông là người đầu tiên mở trường học cho phụ nữ, trao quyền bầu cử cho phụ nữ (trước cả Pháp) và thậm chí phụ nữ còn được bầu vào hội đồng thành phố. Ông áp đặt một Nhà nước thế tục.

Ở Iran, Hoàng Đế/Shah, ông viết, cũng đã cố gắng hiện đại hóa “cưỡng bức”.

Mohammad R. Pahlavi (1919-1980)
Mohammad R. Pahlavi (1919-1980)

Ở Iran, đặc biệt là sau Thế chiến thứ hai, với cuộc cách mạng trắng do Mohammad Reza Pahlavi áp đặt, Iran đã hiện đại hóa sâu sắc. Ưu tiên giáo dục trẻ em gái, xây dựng sân bay, bến cảng, trường đại học, gửi hàng loạt sinh viên ra nước ngoài, đặc biệt là sang Hoa Kỳ.

Nhưng sự tàn bạo của các phương pháp, sự làm giàu đầy tai tiếng của một nhóm thiểu số Tây phương hóa, tham nhũng, nạn thất nghiệp và sự khốn cùng của hàng triệu nông dân bị trục xuất khỏi đất đai của họ và cuộc sống nghèo khó ở thành phố đã tạo điều kiện cho các giáo sĩ Shiite lợi dụng sự bất mãn và trở thành người đứng đầu phe đối lập với Shah, do đó, vào năm 1979, Khomeini đã trở về sau cuộc sống lưu vong và trở thành vị cứu tinh của nhân dân. Cộng hòa Hồi giáo Iran được tuyên bố thành lập và mọi phe đối lập bị tàn sát.

Đó cũng chính là sự tàn bạo mà Atatürk đã áp đặt để hiện đại hóa và phương Tây hóa đất nước, và là điều, vài thập kỷ sau khi ông qua đời, đã khiến các đảng Hồi giáo quay trở lại một cách mạnh mẽ. Với việc Erdogan lên nắm quyền, được ủng hộ bởi giai cấp tư sản Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã trở nên giàu có nhờ sự bành trướng công nghiệp và thương mại mới của đất nước, một quá trình “phi phương Tây hóa” đang được tiến hành.

Tôn giáo có còn đóng một vai trò thiết yếu trong các quá trình này không?

Trong Ấn Độ của các đẳng cấp, đẳng cấp Bà la môn có địa vị cao hơn và mức độ trong sạch cao hơn đẳng cấp Kshatriya, đẳng cấp chiến binh mà raja, nhà vua, thuộc về.

Ở các quốc gia Hồi giáo, Nhà nước phục vụ Hồi giáo và ở Đế chế Ottoman, công lý và giáo dục phổ biến bị các giới luật của Kinh Koran chi phối. Kinh Koran quy định đời sống công cộng và riêng tư của người Hồi giáo bởi vì Nhà tiên tri không chỉ tạo ra một tôn giáo mới, đồng thời ông còn thành lập một Nhà nước phục vụ sự bành trướng của tôn giáo này. Vì vậy, chúng ta hiểu rằng trong các quốc gia Hồi giáo bị thuộc địa hóa, các cuộc đấu tranh giành độc lập của họ diễn ra ít nhân danh chủ nghĩa dân tộc hơn là nhân danh sự bảo vệ Hồi giáo. Sự thất bại của cái gọi là “chủ nghĩa dân tộc Ả Rập” của Nasser là bằng chứng cho điều này.

Chúng ta cũng có thể đề cập đến Ấn Độ, quốc gia mà Nehru muốn biến thành một nước cộng hòa thế tục và ngày nay, cùng với Modi, đang tiếp tục hiện đại hóa nhưng ngày càng dựa vào Ấn Độ giáo và chế độ đẳng cấp. Modi còn thêm vào đó sự loại bỏ Hồi giáo, muốn xóa bỏ hậu quả của cuộc thuộc địa hóa đầu tiên ở Ấn Độ là việc thành lập đế chế Mông Cổ ở nửa phía bắc đất nước, với hệ quả là một bộ phận dân cư vùng này chuyển sang đạo Hồi.

Ngày nay chúng ta có thể tạo ra một hệ thống các loại hình kháng cự lại phương Tây không?

Có bốn loại hình xã hội chỉ trích phương Tây hoặc đối đầu trực tiếp với phương Tây. Một mặt, các thuộc địa cũ phóng chiếu những vấn đề và những khó khăn của họ để giải quyết chúng lên phương Tây.

Sau đó, Nga và Trung Quốc, đã trở thành nước tư bản chủ nghĩa sau sự biến mất của “phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa” ở Liên Xô (kéo dài 74 năm) và sự biến mất của “phương thức sản xuất Maoist” ở Trung Quốc (kéo dài 29 năm), bằng chứng cho thấy chưa đến lúc để những phương thức sản xuất này bén rễ và phát triển như phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã làm. Khi phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa đã biến mất, ở Nga vẫn còn Putin và chế độ phi dân chủ và băng đảng (mafia); và ở Trung Quốc vẫn còn Đảng Cộng sản được tổ chức mạnh mẽ và Tập Cận Bình.

Nhóm thứ ba bao gồm hầu như tất cả các quốc gia Hồi giáo, từ Afghanistan đến Sudan và Pakistan, ngoại trừ Indonesia.

Và nhóm thứ tư, trong số các nước Hồi giáo, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đã Tây phương hóa mạnh mẽ một cách tàn bạo. Đây có phải là lời cầu nguyện cho phương Tây? Tôi không tin, nhưng đối với tôi, rủi ro sẽ đến từ bên trong phương Tây nhiều hơn nếu Trump tái đắc cử và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn quốc tế và các nền dân chủ “phi tự do” (Hungary, Ba Lan, cả Thụy Điển nữa?) được nhân lên gấp bội.

Chủ nghĩa tư bản, qua quá trình toàn cầu hóa, đã tạo ra sự thịnh vượng cho một số tầng lớp trung lưu nhất định cũng như cho những khu vực bị bỏ hoang về kinh tế, nơi có sự thất nghiệp cơ cấu, sự nghèo đói và những gì gần với sự nghèo đói, sự bấp bênh ngự trị. Thêm vào đó là các vấn đề về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Sẽ cần rất nhiều cuộc đấu tranh cũng như các chiến lược thông minh và công bằng được người dân và các quốc gia dân chủ ủng hộ để xây dựng một tương lai mới trong các xã hội ít bất bình đẳng hơn.

Nhưng chúng ta đừng rơi vào điều không tưởng. Sự biến mất của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, vốn siết chặt tất cả các xã hội ngày nay, không phải là chuyện của ngày mai và sự biến mất của Nhà nước vẫn chưa xuất hiện ở chân trời.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Maurice Godelier: « On peut imiter l’Occident en partie pour mieux le combattre »”, Alternatives économiques”, 7.10.2023.




Chú thích:

[*] Huy chương vàng của CNRS (mà ông là giám đốc khoa học về khoa học con người), người đoạt giải Alexander von Humboldt quốc tế về khoa học xã hội, Maurice Godelier là một trong những nhà lãnh đạo chính của nhân học Pháp. Ông đã viết nhiều cuốn sách quan trọng đã trở thành kinh điển trong lĩnh vực của mình: La production des grands hommes (1982), L’idéal et le matériel (1984), L’énigme du don (1996), Métamorphoses de la parenté (2004) và Au fondement des sociétés humaines (Albin Michel, 2007) [ND]

Print Friendly and PDF