ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH LÀM SUY YẾU
KHẢ NĂNG CHÚ Ý CỦA TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN RA SAO
Shutterstock |
Chuyện điện thoại thông minh và các thiết bị kỹ thuật số khác kiểm soát và thu hút sự chú ý của chúng ta chẳng có gì mới, cả ở người lớn và thanh thiếu niên. Điều này có thể được minh họa bằng ba tình huống khác nhau nhưng rất phổ biến sau:
- Một nhóm thanh thiếu niên đang ngồi cạnh nhau. Mỗi người đều đang nhìn chằm chằm vào một màn hình.
- Hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng đang cúi gằm mặt để chăm chú vào điện thoại, lướt vô tận trên mạng xã hội hoặc chơi một game gây nghiện. Rất ít người đang đọc sách, hoặc thậm chí nhìn ra ngoài cửa sổ.
- Bạn đang hoàn thiện bài thuyết trình cho công việc trên máy tính. Một thông báo qua email đến từ một đồng nghiệp có kèm liên kết dẫn đến một video ngắn, thú vị. Liên kết này đưa bạn đến trang mạng xã hội, sau đó gợi ý cho bạn một video khác, rồi một video khác nữa. Trước khi bạn kịp nhận ra thì một giờ đã trôi qua mà bài thuyết trình vẫn chưa xong.
Bị kẹt trong một ứng dụng
Ba ví dụ trên chứng minh cách các ứng dụng di động được
thiết kế để thu hút sự chú ý của chúng ta. Hầu hết các ứng dụng đều hoạt động
như vậy vì chúng miễn phí. Thay vì tính phí người dùng, họ kiếm tiền bằng cách
thu thập dữ liệu và quảng cáo. Càng dành nhiều thời gian nhìn vào màn hình,
chúng ta càng tiêu thụ nhiều dữ liệu và quảng cáo.
Theo dữ liệu từ năm 2022 do Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha
công bố,
40% trẻ em 11 tuổi có điện thoại. Con số này tăng lên 75% khi trẻ 12 tuổi và
sau đó lên 90% khi trẻ 14 tuổi. Các ứng dụng mà trẻ em dùng trên những chiếc điện
thoại này cũng là những ứng dụng mà người lớn dùng, và chúng tuân theo logic
công nghiệp của Internet: cung cấp mọi thứ một cách nhanh chóng, hiệu quả và với
nỗ lực (cần thiết để tiếp cận) tối thiểu cho người dùng.
Trẻ em ngày nay là những người “bản địa kỹ thuật số” [digital natives], nghĩa là chúng chưa bao giờ biết đến cuộc sống mà không thể truy cập internet. Lớn lên cùng những cú nhấp chuột, chúng chuyển từ nội dung này sang nội dung khác mà chẳng cần nghĩ nhiều. Theo lời của triết gia Byung-Chul Han trong cuốn sách năm 2021 của ông Nong-things (tạm dịch: Chẳng có gì), kiểu kích thích liên tục này có nghĩa là “chúng ta nhanh chóng cần đến những kích thích mới. Chúng ta đã quen với việc coi thực tế là một nguồn đầy những kích thích và bất ngờ.” Chúng ta gặp khó khăn trong việc tập trung sự chú ý vào bất kỳ thứ gì và “cơn sóng thần thông tin này kích động hệ thống nhận thức của ta”.
Những thay đổi trong não
Khi chúng ta nhận được thông tin với số lượng lớn, mọi thứ không còn ý nghĩa
gì nữa.
Khi phải đối mặt với lượng thông tin quá lớn, bộ não của chúng ta phản ứng bằng
cách chặn những thông tin này, nhưng nội dung bị loại bỏ không chỉ đơn giản là bốc
hơi khỏi tâm trí ta. Thay vào đó, nó kéo dài, ngăn cản chúng ta tìm ra điều
mình quan tâm và hạn chế khả năng chú ý.
Tác động đến cách chúng ta học tập
Nghiện điện thoại di động và cách học tập của người trẻ đều có liên quan trực tiếp
đến khái niệm tâm trí lang thang [mind wandering]. Sự quá tải thông tin khiến
chúng ta “sập nguồn” và mất chú ý. Điều này có thể gây tổn hại về lâu dài.
Để phục hồi sự chú ý, não cần nghỉ ngơi và tìm thời gian và khoảng
không nơi nó có thể thoát khỏi tiếng ồn liên tục. Người lớn – những người thường
có ý chí mạnh hơn, kỹ năng tư duy phản biện, nhận thức về thời gian và tổ chức
tốt hơn – có thể nỗ lực tìm những không gian cực kỳ thiết yếu này để tập trung
chú ý.
Trẻ em thì khác, chúng vẫn chưa đạt được các chiến lược
hành vi này và có nguy cơ không bao giờ phục hồi được khả năng chú ý của mình.
Nếu chúng ta cho trẻ em và thanh thiếu niên quyền truy cập vào các thiết bị kỹ
thuật số trước khi chúng phát triển những kỹ năng này, ta đang mặc cho sự chú ý
của chúng thoải mái đi lang thang. Khi đó, chúng sẽ ngày càng khó tập trung vào
một nhiệm vụ trong khoảng thời gian cần thiết.
Tác giả
Ignacio Blanco-Alfonso |
Maria Solano Altaba |
Giáo sư Báo chí tại Đại học CEU San Pablo (Madrid, Tây
Ban Nha), Đại học CEU San Pablo
Giáo sư Nhân văn và Khoa học Truyền thông, Đại học CEU
San Pablo, Đại học CEU San Pablo
Tuyên bố công khai
Các tác giả không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong
hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết
này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của họ.
Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch
Nguồn: How smartphones weaken attention spans in children and adults, The Conversation, Nov 30, 2023.