VĂN HỌC: “THÀNH PHỐ CHIẾN THẮNG” (LA CITÉ DE LA VICTOIRE - VICTORY CITY), VƯƠNG QUỐC HUYỀN BÍ VÀ RẤT HIỆN THỰC CỦA SALMAN RUSHDIE
Tác giả: Patrick de Jacquelot
Nhà văn Anh-Mỹ gốc Ấn Độ Salman Rushdie (Nguồn: Le
Point)
Xuyên qua biên niên sử về một vương quốc tưởng tượng của Ấn Độ xưa, nhà văn Anh-Mỹ gốc Ấn Độ đưa ra lời biện hộ cho thuyết nữ quyền và sự khoan dung tôn giáo đáp trả lại một cách sâu sắc những lệch hướng của chế độ chính trị hiện thời của New Delhi.
Trở lại hoàn toàn với Ấn Độ, tất cả: với tiểu thuyết sau cùng của ông, Salman Rushdie – và cả chúng ta – đắm chìm trong những nguồn cội của Ấn Độ. Đó không phải là trường hợp trong những tiểu thuyết trước đây của ông. Tuyệt phẩm Deux ans, huit mois et vingt-huit nuits (Two Years Eight Months and Twenty-Eight Nights – Hai năm, tám tháng và hai mươi tám đêm) là một tiểu thuyết trên quy mô hành tinh pha trộn nhiều nơi chốn và thời đại, trong khi tiểu thuyết mới nhất, Quichotte là một dạng chuyển thể một cách cực đoan Don Quichotte ở Mỹ ngày nay. Những lựa chọn tương ứng với lối sống của Rushdie xen kẽ giữa nước Mỹ và nước Anh. Nhưng với Thành phố chiến thắng, người khổng lồ này của văn chương đương đại nhắc chúng ta nhớ rẳng ông sinh ra ở Ấn Độ và đã thấm nhuần nền văn hóa của tiểu lục địa này bằng cách đưa chúng ta đắm mình trong lịch sử xa xưa và huyền thoại của đất nước này.
Rushdie đã kết thúc việc viết tiểu thuyết này ngay trước mưu toan ám sát ông vào tháng tám năm 2022. Do đó, cú sốc của sự tấn công này – nhiều nhát dao đâm đã khiến ông bị thương nặng và làm hỏng một mắt của ông – đã không được phản ánh trong Thành phố chiến thắng. Quả thực, đó sẽ là chủ đề của quyển sách tiếp theo của ông. Với nhan đề Couteau: méditations après une tentative de meurtre - Lưỡi dao: những suy ngẫm sau một mưu toan ám sát -, quyển sách này đã được thông báo sẽ ra đời vào mùa xuân tới.
Trong Thành phố chiến thắng, Rushdie vẫn giữ thể loại ông yêu thích nhất: thể loại chuyện kể. Quyển sách được trình bày như một bản dịch tóm tắt một thiên sử thi cổ được viết tại miền nam Ấn Độ vào thế kỷ XVI. Tác giả không thích gì cả ngoài các câu chuyện đan xen nhau, theo mô hình Ngàn lẻ một đêm: phương thức này cho phép ông có độ lùi so với lịch sử của thiên sử thi, bình luận nó, đặt lại nó trong bối cảnh… Thiên sử thi này mang tên Jayaparajaya (chiến thắng và thất bại) có lẽ đã được viết bởi một phụ nữ tên là Pampa Kampana vào cuối đời bà. Nhưng thực sự là một phụ nữ không như mọi phụ nữ khác: Pampa đã được một nữ thần trao cho những quyền năng siêu nhiên cho phép nàng sống hai trăm bốn mươi bảy năm, thời kỳ bắt đầu với sự ra đời của vương quốc Bisnaga (nghĩa là “thành phố chiến thắng”) cho đến lúc nó sụp đổ.
Để tưởng tượng ra Bisnaga, Rushdie lấy cảm hứng từ một đế chế có thật, đó là vương quốc Vijayanagara, trải rộng ở miền nam Ấn Độ giữa thế kỷ XIV và thế kỷ XVI. Nhưng tất nhiên là thành phố chiến thắng của ông liên quan nhiều hơn với những thành phố của Ngàn lẻ một đêm. Trong thực tế, chính Pampa Kampana khai sinh ra thành phố bằng cách gieo các hạt kỳ diệu mà nữ thần đã cho. Người phụ nữ rất trẻ (vào lúc đó) thổi sự sống và những câu chuyện cá nhân vào những cư dân sinh ra từ các hạt bằng cách thầm thì vào tai họ.
Sứ mệnh được nữ thần giao cho Pampa: tạo ra một thành phố ở đó nữ giới bình đẳng với nam giới. Tất cả các ngành nghề và các vị trí thứ bậc đều phải được mở ra cho phụ nữ, kể cả trong quân đội và trong chính phủ. Một trong những cuộc chiến đấu mà Pampa tiến hành xuyên suốt lịch sử của vương quốc là cố gắng áp đặt ý tưởng rằng một phụ nữ có thể lên ngôi trị vì. Một ưu tiên khác được nữ thần xác định và được Pampa bảo vệ trong suốt cuộc đời rất dài của nàng: Bisnaga phải là một thành phố của lòng khoan dung tôn giáo ở đó tất cả mọi người, tín đồ Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác đều được chào đón.
Tất nhiên, những thông điệp ủng hộ nữ quyền và tiến bộ như thế không tự chúng được thông qua. Trong thực hiện sứ mệnh của mình, Pampa đụng độ với giáo sĩ Vidyasagar, hiện thân của Ấn Độ giáo chính thống, vốn có một ảnh hưởng rất lớn, công khai hay âm thầm tùy giai đoạn, và cố ý gạt bỏ “thượng đế của người Ả Rập”.
Theo dòng các thập kỷ và cả các thế kỷ, Bisnaga trải qua nhiều cuộc khủng hoảng: những cuộc chiến về nối ngôi kế vị trong nội bộ gia đình nhà vua, chiến tranh biên giới với các tiểu vương quốc hay các vương quốc Hồi giáo, liên minh và phản bội, xen kẽ các giai đoạn “sáng suốt” và đàn áp… Cho đến thảm họa cuối cùng là sự biến mất của thành phố.
“CHỈ CÒN LẠI THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG NGÔN TỪ”
Tất nhiên, câu chuyện giả sử mà Rushdie cung cấp hàm chứa nhiều tham chiếu, luôn luôn là như vậy trong các bài viết của ông. Có rất nhiều ẩn dụ liên quan đến hai sử thi quan trọng của Ấn Độ, Mahabharata và Ramayana, đôi khi được nhấn mạnh một cách rõ ràng trong những lời bình của người dịch tưởng tượng. Ví dụ, đó là trường hợp những năm lưu đày trong rừng mà Pampa và các con gái của nàng phải trải qua, chúng liên hệ trực tiếp đến những lưu đày tương tự trong hai sách thiêng liêng của Ấn Độ giáo.
Đặc biệt là sự đối đầu thường xuyên trong lịch sử của Bisnaga giữa những lực lượng tiến bộ và những đối phương ngu dân được trực tiếp phản ánh trong thời sự Ấn Độ ngày nay. Khi nói về một vị vua của thành phố đã nghiêng về trào lưu chính thống Ấn Độ giáo, một trong những người thân cận của ông nói; “Ông ta không hiểu gì cả. Chúng tôi [những tín đồ Ấn Độ giáo, ghi chú của BBT] là những người tốt, họ [những tín đồ Hồi giáo] là những người ác, hầu như tôn giáo theo ông là như vậy. Nhưng với ý tưởng này, tôi tin chắc là ông ta sợ họ.” Điều này khiến vợ ông ta quá ngạc nhiên mà trả lời rằng: “Nhưng họ, chúng ta đã có họ đây đó khắp nơi trong Bisnaga. Chúng ta có nơi thờ phụng của họ trong nhiều khu phố và họ sống giữa chúng ta, đó là những người bạn và láng giềng của chúng ta, con cái của chúng ta và của họ cùng chơi với nhau và chúng ta nói rằng địa vị thần dân Bisnaga của chúng ta là quan trọng hơn việc thuộc về một tôn giáo, có phải vậy không?” Biết bao điều suy nghĩ liên quan đến sự gia tăng những căng thẳng với thiểu số người Hồi giáo được dàn dựng từ khi đảng BJP lên nắm quyền năm 2014, là đảng Dân tộc chủ nghĩa Ấn giáo, với thủ tướng Narendra Modi. Cũng như vậy, việc lên nắm quyền ở Bisnaga của một vị vua theo tôn giáo chính thống được diễn dịch bởi một ý chí viết lại lịch sử của vương quốc, điều này là một quá trình đang diễn ra tại Ấn Độ.
Ngoài những tham chiếu và biện hộ cho thuyết nữ quyền và tự do, Thành phố chiến thắng, trước nhất là cung cấp một niềm vui lớn khi đọc nó, luôn là như vậy với Rushdie. Bức bích họa lịch sử hình bồn nước phun này pha trộn một cách tốt đẹp điều hiện thực và điều huyền diệu. Nó ngồn ngộn các nhân vật hấp dẫn, các bậc vua chúa, trẻ em hoàng gia, giáo sĩ và nhiều người khác. Về phần Pampa Kampana, đó là một nữ anh hùng làm ta say mê, một nửa là phù thủy vì nàng có những quyền năng siêu nhiên do nữ thần ban cho, một nửa là bình thường phải đối đầu với những thử thách kinh khủng về phương diện cá nhân, gia đình và những khía cạnh khác.
Bị mù vào cuối đời như Homère, nàng đọc cho ghi lại sử thi của nàng vì nàng biết rằng sẽ không còn gì từ Bisnaga ngoài câu chuyện của nàng. Nàng viết, cuối cùng thì “chỉ còn tồn tại thành phố của những ngôn từ. Duy nhất chỉ các ngôn từ là những yếu tố chiến thắng.” Chắc chắn rằng đó là một lời tuyên xưng đức tin sau cùng mà Salmam Rushdie dành cho mình.
Patrick de Jacquelot |
Về tác giả
Patrick de Jacquelot là nhà báo. Từ năm 2008 đến mùa hè năm 2015, ông là phóng viên tại New Delhi của các nhật báo kinh tế La Tribune (trong hai năm) và Les Echos (trong năm năm) bao quát các chủ đề như kinh tế, doanh nghiệp, chiến lược các doanh nghiệp Pháp tại Ấn Độ, đời sống chính trị và ngoại giao, v.v.. Ông cũng đã thực hiện nhiều phóng sự ở Ấn Độ và các nước lân cận như Bangladesh, Sri Lanka hay Bhutan cho hai nhật báo này cũng như báo tam cá nguyệt Chine Plus. Với Asialyst, ông viết về Ấn Độ và vùng chung quanh, và phụ trách một mục thời luận “L'Asie dessinée” (Vẽ châu Á) dành cho các sách truyện tranh nói về châu Á.
ĐỌC Salman Rushdie, Thành phố chiến thắng, Gérard Meudal dịch từ tiếng Anh, Nxb Actes Sud, 336 trang, 23 euro.
|
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Littérature: “La cité de la victoire”, l’empire mythique et très actuel de Salman Rushdie”, Asialist, 18.11.2023.