29.12.23

Smith Adam

SMITH ADAM

An Inquiry into the Nature of the Wealth of Nations

(R. K. Campbell, A. S. Skinner và W. V. B. Todd (eds), Oxford, Clarendon Press. 1976)

Adam Smith (1723-1790)

Adam Smith (1723-1790), người Scotland, năm 1776 viết cuốn Enquête sur la nature et les causes de la richesse des nations (Điều tra về bản chất và nguyên nhân của cải của các dân tộc), tác phẩm được xem là văn bản tạo lập kinh tế học chính trị. Mục đích của ông là giải thích bản chất của cải và những điều kiện của sự gia tăng của nó trong thời gian. Theo ông, “Kinh tế học chính trị, xét như một nhánh của khoa học về nhà chính khách, [...] tự giao nhiệm vụ làm cho của cải của nhân dân và của quốc vương thêm phong phú”.

Của cải của các dân tộc xuất hiện vào một thời đại mang dấu ấn của sự tiến hoá của những hình thái sản xuất và của cải, và của một trào lưu những ý tưởng quan trọng. Vào buổi bình minh của sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản công nghiệp vốn kéo theo sự phát triển của chế độ làm thuê và thị trường, tự do trao đổi hàng hoá và lao động bị vô số qui định, trong số các qui định đó có di sản của các chính sách bảo hộ, cản trở. Rất sớm, đã nổi lên (đặc biệt là ở Pháp) học thuyết “tự do kinh doanh” đòi hỏi tự do lưu thông cho hàng hoá và con người, và tự do sáng kiến cá nhân.

Vào thời kì đó Scotland trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế và tri thức quan trọng. Sự bành trướng của các công nghiệp sợi bông, than và luyện kim, với sự biến đổi của các kĩ thuật và sự phát triển của việc sử dụng lao động làm thuê trong các công nghiệp mũi nhọn. Dân số gia tăng và các đô thị phát triển. Do đó vấn đề là tạo thuận lợi cho đầu tư vào công nghiệp.

Đây cũng là thời đại của phong trào “Khai sáng” ở Scotland. Các đại học (Glasgow, Edimbourg) giữ một vai trò quan trọng với sự phát triển của Trường phái lịch sử Scotland. Trường phái này tự đặt cho mình mục tiêu nghiên cứu xã hội. Những tác giả như Francis Hutcheson (thầy của Smith), John Millar, Adam Ferguson giữ một vị trí lớn trong tiến hoá của tư tưởng Scotland.

Chính trong bối cảnh này mà Smith sẽ lí thuyết hoá chủ nghĩa tư bản mới ra đời và những điều kiện của việc điều tiết chủ nghĩa này bằng thị trường.

Adam Smith trước tiên giảng dạy Triết học Đạo đức (khoa học về con người, đối lập với khoa học tự nhiên) ở Edimbourg (1745-1751), rồi ở Glasgow (1751-1763). Tư tưởng kinh tế của ông do đó được lồng trong một suy tưởng chung về con người và xã hội, như được minh chứng bằng tác phẩm chủ yếu khác của ông là Lí thuyết những tình cảm đạo đức (1759). Từ năm 1764 đến năm 1766, ông chu du ở Pháp trong vai trò gia sư của công tước trẻ tuổi Buccleuch. Cuối cùng, năm 1778 ông làm thanh tra hải quan, một vị trí giúp ông dành thời gian tốt hơn cho sự nghiệp của mình.

David Hume (1711-1776)
John Locke (1632-1704)

Thể theo truyền thống Scotland, ông chịu ảnh hưởng của tư duy kinh viện và của triết học về quyền tự nhiên, nhưng cũng chịu ảnh hưởng, trong số những ảnh hưởng khác, của trường phái Anh (John Locke và người bạn cùng thời David Hume) và của các nhà trọng nông mà ông đã gặp ở Pháp và biết các tác phẩm của họ. Cuối cùng, như nhiều tác giả thuộc thời đại ông, ông quan tâm đến nhiều chủ đề ngoài lĩnh vực của mình, đặc biệt là thiên văn học và ủng hộ không dè dặt phương pháp khoa học của Newton.

Một lí thuyết về của cải tư bản chủ nghĩa

Sau khi định nghĩa của cải và các nguyên nhân của nó, mục đích của Smith là chỉ ra bằng cách nào có thể gia tăng của cải trong thời gian. Các tập trong Của cải của các dân tộc nối tiếp nhau theo một thứ tự logic. Chúng trình bày một cách hệ thống bản chất và các nền tảng của của cải quốc gia, sự hình thành giá trị, hình thức định lượng của của cải này, vai trò của thị trường, bản chất và vai trò của tư bản. Tác phẩm kết thúc với việc trình bày sâu vai trò kinh tế của Nhà nước trong một hệ thống “tự do tự nhiên”.

Đâu là những phương tiện đưa quốc gia đạt mức của cải cao nhất? Của cải được định nghĩa như luồng sản xuất hàng năm nhờ lao động tạo ra được những sản phẩm cần thiết cho cuộc sống; đất đai và tư bản có được, vốn tự bản thân không có tính sản xuất, là các phương tiện của sự sản xuất này; do đó sự giàu lên của quốc gia dựa trên việc gia tăng thường xuyên của lao động được triển khai và năng suất của lao động này.

Trước tiên, quyển I phân tích những điều kiện cải thiện năng suất lao động: Smith đặt sự trao đổi thành quan hệ kinh tế đầu tiên giữa con người với nhau, một quan hệ làm cơ sở cho toàn bộ các quan hệ kinh tế. Trao đổi hàng hoá do đó khiến cho sự phân công lao động, chuyên môn hoá công việc, điều làm gia tăng năng suất lao động trở thành khả thi. Smith chứng minh điều này qua ví dụ nổi tiếng về một công xưởng đinh ghim khi các thao tác được phân bổ giữa các công nhân tuỳ theo các công đoạn kĩ thuật của việc sản xuất một đinh ghim; nhờ vậy năng suất gia tăng nhờ việc tiết kiệm thời gian, tài khéo léo được gia tăng của người lao động và việc từ nay có thể sử dụng máy móc. Như vậy, sự phân chia kĩ thuật và xã hội (tuỳ theo ngành) về mặt lao động chỉ bị qui mô của thị trường giới hạn.

Vì thế Smith sẽ nghiên cứu những quy tắc chi phối sự trao đổi bằng cách trình bày lí thuyết giá trị của ông. Lí thuyết này phải cho thấy là giá cả tuân thủ một qui luật kinh tế. Tiếp đó phải giải thích cách các giá này được các bên trao đổi chấp nhận. Một việc đầu tiên là chọn một thước đo phù hợp của giá trị hàng hoá: tiền không phải là một thước đo tốt vì giá trị của nó là khả biến và thước đo thoả đáng chính là lượng lao động để trao đối với hàng hoá, điều được Smith gọi là “lao động chiếm dụng”. Sau đó ông giải thích rằng giá “tự nhiên” của một hàng hoá phải là tổng của những thu nhập trả cho người lao động, chủ sở hữu đất đai và tư bản (trang thiết bị - ND) được dùng để sản xuất mặt hàng ấy. Thông qua sự giải thích này, ông khẳng định tính tất yếu của việc tái sản xuất các phương tiện sản xuất và các giai cấp xã hội (người lao động, chủ sở hữu đất đai và người chủ tư bản), mà vai trò theo ông là thiết yếu cho sự tích luỹ (ở đây Smith dựa trên ý tưởng cho rằng có thể biện minh cho sự bất bình đẳng về mặt vật chất bằng hiệu quả xã hội của sự bất đẳng này). Do đó mặc dù dành cho lao động một tầm quan trọng lớn, ông không phải là một lí thuyết gia của lí thuyết “giá trị lao động”. Ông còn phải chỉ cách mà sự cạnh tranh của các cá nhân trên thị trường khiến họ tôn trọng các “giá tự nhiên” này. Cuối cùng ông phân tích sự hình thành và diễn tiến của các thu nhập khác nhau tương ứng với mỗi giai cấp và vai trò của nó: tiền công của người lao động, lợi nhuận của nhà tư bản và địa tô của địa chủ.

Quyển II phân tích tư bản, nhân tố cần thiết cho việc triển khai một lượng lao động lớn hơn và cho việc cải thiện các kĩ thuật, do đó cho năng suất. Trong quyển này ông định nghĩa lao động sản xuất: đó là lao động mà, bằng việc bán đi những hàng hoá nó tạo ra, tái sản xuất giá trị bản thân nó (do đó tiền vốn đã trả cho nó) và có thể mang lại lợi nhuận. Lao động phi sản xuất (trong gia đình, của nghệ sĩ, giáo sĩ), thuần tuý là chi tiêu thu nhập, không tạo ra giá trị. Đó là lí do nên ưu tiên việc sử dụng lao động (có tính – ND) sản xuất.

Tiếp đó, Smith bàn đến vai trò của tiết kiệm, tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trong sự tích luỹ. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng cơ bản của tiết kiệm, chìa khoá của tích luỹ. Các giai cấp sở hữu, bằng tiết kiệm của mình được trực tiếp sử dụng hay dùng để cho vay, có thể và nên tài trợ các doanh nghiệp, do đó ngân hàng không cần phải tài trợ sự tích luỹ. Thật vậy, đối với Smith, tiền tệ thuần tuý là một phương tiện lưu hành, không tác động đến hoạt động thực tế của nền kinh tế: lượng tiền tỉ lệ với nhu cầu của lưu hành. Bởi thế, vai trò của ngân hàng và tín dụng ngân hàng giới hạn ở việc tạo điều kiện dễ dàng cho việc tiếp cận các phương tiện lưu hành tiện lợi, ví dụ phát hành tiền giấy thay thế cho tiền bằng kim loại.

Trong quyển III, Smith giải thích “diễn biến tự nhiên của sự sung túc”. Diễn biến này dựa trên những xu hương tự nhiên của con người và đảm bảo mức sung túc cao nhất. Diễn tiến bắt đầu với việc “trồng trọt và cải thiện nông thôn, vì nông thôn cung cấp sinh kế”; tiếp đó là sự “tiến bộ của thành phố chỉ cung cấp sự xa hoa” và kết thúc với sự phát triển của thương mại quốc tế.

Jean B. Colbert (1619-1683)
François Quesnay (1694-1774)

Quyển IV trình bày một phê phán các hệ thống trọng thương (ví dụ, học thuyết Colbert) và trọng nông (do François Quesnay chủ trương) vốn có xu hướng cản trở diễn tiến trên. Hệ thống trọng thương, bằng cách ưu đãi các công trường thủ công và ngoại thương, gây thiệt thòi cho nông nghiệp, khuyến khích đầu tư vào việc làm ít có tính sản xuất nhất. Trái lại, hệ thống trọng nông dành cho nông nghiệp một tầm quan trọng quá đáng.

Sau khi kết thúc việc xem xét những điều kiện của sự giàu lên, Smith trình bày trong quyển V vai trò của Nhà nước. Ông dựa trên việc phân tích các quyền và nghĩa vụ của Nhà nước và của công dân, trên việc phân tích các chức năng của Nhà nước, định chế gánh vác quyền lợi của toàn bộ xã hội; ở đây, ông định nghĩa, vượt lên trên những hoạt động truyền thống mang tính chủ quyền, các chi tiêu hay can thiệp của Nhà nước vì lợi ích chung như là những chi tiêu gắn với việc giáo dục dân chúng, tài trợ cho các cơ sở hạ tầng. Ông cũng chủ trương các chính sách kinh tế, đặc biệt là thuế khoá, khả dĩ tạo nên những khuyến khích và một sự phân bố của cải có khả năng tạo thuận lợi cho hiệu quả của hệ thống tự do tự nhiên và kiểm soát những chệch hướng của hệ thống này. Thật vậy, theo Smith, khi đối mặt với sự ích kỉ của các cá nhân hệ thống tự do này chỉ tạo được những hiệu ứng tích cực nếu được Nhà nước đóng khung, người bảo đảm quyền lợi và hạnh phúc của xã hội, có trách nhiệm đối với việc duy trì công lí. Chính vì vậy mà ông khuyến cáo việc ấn định hợp pháp lãi suất và quy định hoạt động của các ngân hàng: “Những quy định như vậy chắc chắn có thể được xem [...] như vi phạm tự do tự nhiên. Nhưng việc vài cá nhân thực thi quyền tự do tự nhiên của họ mà có thể gây nguy hại cho sự an toàn của toàn xã hội cần phải được luật pháp của các chính phủ, từ các chính quyền tự do nhất cũng như các chính quyền chuyên chế nhất, giới hạn” (Quyển II, chương 2).

Adam Smith, người sáng lập kinh tế chính trị học hiện đại

Ngay từ khi xuất bản năm 1776, Của cải của các dân tộc nhận được sự quan tâm lớn. Tác phẩm nhanh chóng được dịch ở nước ngoài: ở Pháp bản dịch đầu tiên xuất hiện năm 1781. Sự thành công này chắc chắn được giải thích phần lớn bởi việc đặt lại vấn đề các chính sách có cảm hứng trọng thương được ít nhiều áp dụng lúc bấy giờ. Của cải của các dân tộc trang bị cho học thuyết tự do một nền tảng lí thuyết thật sự thông qua lí thuyết giá trị và lí thuyết về hoạt động các thị trường mà nó đề xuất, trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Như vậy lí thuyết giá trị sẽ trở thành bộ phận trung tâm của lí thuyết kinh tế. Các nhà trọng nông, thông qua Biểu kinh tế (1766) của François Quesnay, là những người đầu tiên trình bày các quan hệ kinh tế của một quốc gia như một tập có thứ bậc do những qui luật chi phối, và xây dựng các ý niệm tái sản xuất và tích luỹ các khoản ứng trước (tức tích luỹ là tư bản). Nhưng Smith là tác giả đầu tiên có mục đích chứng minh rằng các quan hệ kinh tế này và tích luỹ tư bản tự điều tiết nhờ thị trường và những quy tắc của giá trị mà ông đặt ra.

Hơn nữa ông trình bày phân tích những điều kiện của việc làm giàu quốc gia đặt cơ sở trên việc tích luỹ tư bản, sử dụng lao động làm thuê, với lợi nhuận có nguồn gốc từ năng suất lao động. Như vậy, ông cũng đáp ứng những khát vọng không chỉ của các nhà lí thuyết mà còn của thế giới công nghiệp đang bành trướng.

Tác phẩm của Smith sẽ tiếp tục có ảnh hưởng chính đến diễn tiến của kinh tế chính trị học ngay từ cuối thế kỉ XVIII (ảnh hưởng này giải thích, trong một số lí do khác, sự rơi vào quên lãng hoàn toàn của tư tưởng của các nhà trọng nông Pháp). Của cải của các dân tộc trở thành tác phẩm tham chiếu của hầu hết các tác giả lớn sẽ để lại ấn tượng suốt hơn một nửa thế kỉ XIX. David Ricardo, Robert Malthus và nhiều tác giả Anh khác suy nghĩ từ Smith, cho dù để phê phán hay để chỉnh sửa những sai lầm của ông. Do đó Smith hiện ra như nhà sáng lập của điều được gọi là trường phái cổ điển. Trường phái này tập hợp những tác giả mà các ý tưởng còn lâu mới là đồng nhất, nhưng ta có thể đối lập họ với trào lưu cận biên hay tân cổ điển được xây dựng trong nửa sau thế kỉ trên và thắng thế kể từ những năm 1870-1880. Karl Marx sẽ lấy cảm hứng từ trường phái cổ điển và cũng chính trường phái này cũng nuôi dưỡng suy nghĩ của một số trào lưu xã hội chủ nghĩa như các nhà “xã hội chủ nghĩa ricardian” trong những năm 1820. Tại Pháp, Jean Baptiste Say, được xem như một nhà cổ điển, người phát ngôn cho Của cải của các dân tộc, cho dù, mặt khác, tác phẩm của ông là Traité d’économie politique (1503) báo trước tầm nhìn của Walras.

Hơn cả ảnh hưởng tức thì này, công trình của Smith thiết lập một tập những khái niệm, khuôn khổ phân tích vẫn còn có mặt rộng rãi trong lí thuyết hiện nay. Smith là “tổ phụ sáng lập” của tư tưởng kinh tế hiện đại nay vẫn đang thống trị.

Nếu chiều kích động của Của cải của các dân tộc, vốn đánh dấu tên tuổi ông vào hậu thế cho đến Marx, bị các lí thuyết gia tân cổ điển rộng rãi từ bỏ để nhường chỗ cho một phân tích tĩnh thì phân tích tăng trưởng sẽ quay trở lại trong chương trình nghị sự vào thế kỉ XX với những vấn đề do sự chậm phát triển đặt ra. Các khái niệm tái sản xuất và tích luỹ, thông qua ảnh hưởng của Marx, tìm lại được tầm quan trọng của chúng, đặc biệt trong các công trình của Trường phái điều tiết. Nếu lao động mất đi cương vị ưu đãi được tư tưởng cổ điển dành cho nó thì cũng chính Smith đã định nghĩa một cách bền vững các phạm trù lớn về thu nhập trong mối liên quan với vai trò của các giai cấp (hay các nhân tố), đặc biệt là lợi nhuận, gắn với việc ứng trước tư bản.

Mặt khác, theo đà của các nhà trọng nông và chống lại các nhà trọng thương, Smith áp đặt, cho đến tận ngày nay, một cách tiếp cận cương quyết phi tiền tệ (còn gọi là “thực tế) những hiện tượng kinh tế cơ bản. Cách tiếp cận này đặt thành tiên đề khả năng phân tích các hiện tượng này bằng cách gạt sang một bên tiền tệ. Tiền tệ chỉ được phân tích như một phương tiện lưu hành, nhưng không được xem như có tác động đến những đại lượng kinh tế chủ yếu (các giá tương đối, mức của các đại lượng tổng gộp như sản xuất hay đầu tư). Phải nối liền chọn lựa này với quan niệm mới, tiếp theo các nhà trọng nông, về của cải: của cải trước tiên có tính vật chất, định lượng xã hội của của cải là giá trị chứ không phải là tiền tệ; đó là một luồng hàng năm bắt nguồn từ việc triển khai các kho. Vài hệ quả chính của quan niệm này là tầm quan trọng dành cho tiết kiệm trong việc tài trợ nền kinh tế, vai trò thứ yếu của tiền tệ và các chức năng dành cho hệ thống ngân hàng. Cách tiếp cận này sẽ được chấp nhận rộng rãi, với một ngoại lệ chính là J. M. Keynes, đặc biệt trong Lí thuyết tổng quát (1936). Ngày nay sự hợp nhất tiền tệ vào lí thuyết kinh tế đặt ra những vấn đề vẫn chưa được các lí thuyết thống trị giải quyết.

Tương tự như vậy, nếu Smith đổi mới bằng việc nghiên cứu một phương thức phát triển kiểu tư bản chủ nghĩa thì, đối lập với các nhà trọng thương, ông tạo ấn tượng mạnh tới tận ngày nay đến một phân tích vẫn còn neo vào quan điểm quốc gia, những quan hệ kinh tế quốc tế vẫn tiếp tục, ở cấp độ đại học, là một chuyên ngành (được định hướng theo học thuyết tự do thương mại của Smith) ngay cả ở thời đại toàn cầu hoá. Duy chỉ các trào lưu phi chính thống, như Trường phái điều tiết, mới cắt đứt với truyền thống này.

Nếu Smith bị giam như vậy trong logic của “nhà tư vấn Quân vương”, cần nhớ là suy nghĩ kinh tế của ông nằm trong dòng suy nghĩ rộng hơn về xã hội, về những nền tảng đạo đức và luật pháp-chính trị của xã hội. Việc quay lại các văn bản được tiến hành kể từ những năm 1970 làm hiện lên không chỉ quan niệm của ông về vai trò của Nhà nước, rất xa với quan niệm về một Nhà nước hiến binh, mà còn cả việc ông xác định đối tượng cho kinh tế chính trị học là không độc lập đối với đạo đức và chính trị như người ta nói (ví dụ L. Dumont). Do đó, suy nghĩ về Smith ngày nay có thể nuôi dưỡng suy tưởng liên quan đến những mối liên hệ giữa chính trị, xã hội và kinh tế trong cuộc tranh luận về những “biên giới” của kinh tế học: có thể thật sự lí thuyết hoá kinh tế học như một đối tượng độc lập không?

Friedrich Hayek (1899-1992)

Cuối cùng, tất nhiên Smith thường được sử dụng như điểm tham chiếu lí thuyết cho chủ nghĩa tự do vì ông đối lập hiệu quả của tự do với những hệ thống có tính can thiệp. Ông phát triển ẩn dụ nổi tiếng về Bàn tay Vô hình vốn dẫn mỗi người dù không có ý định và ý thức, “thúc đẩy lợi ích của xã hội” (Quyển IV, chương 2). Do đó ngày nay vẫn còn những tác giả tự do chủ nghĩa dựa vào ông để chính đáng hoá quan điểm của họ. Ở một cấp độ cao hơn việc bảo vệ chủ nghĩa tự do, một tác giả như Friedrich Hayek nhìn thấy ở ông một trong những nhà “sáng tạo” ý tưởng về một “trật tự tự phát”, nổi lên từ những hành động cá nhân, mà chủ nghĩa can thiệp chỉ có thể làm nhiễu loạn. Tư tưởng của Smith còn được viện đến trong trường của hành động chính trị: Margaret Thatcher, thủ tướng Anh trong những năm 1980 sẽ dựa vào Smith và Hayek để biện minh cho chính sách kinh tế của bà.

Trong thực tế, điều được Smith bảo vệ là sự tự do sử dụng tư bản. Là người tỉnh táo, ông chủ trương hệ thống tự do tự nhiên không vì sự hoàn hảo của nó nhưng vì hệ thống này dưới mắt ông là hệ thống ít tồi tệ nhất. Do đó, phải cần đến sự định hướng của Nhà nước ngay cả trong lĩnh vực kinh tế để giải quyết tạm thời những rối loạn cố hữu của những sự ích kỉ cá nhân. Tuy khía cạnh can thiệp này trong tác phẩm của ông ngày nay được nhiều tác giả công nhận, nhưng vẫn được nhiều nhà bình luận không biết đến và tiếp tục giới thiệu Adam Smith như lí thuyết gia sáng lập và không thể không đọc của chủ nghĩa tự do kinh tế.

Thư mục

Duboeuf F. (1999), Introduction aux théories économiques, Paris, La Découverte.

Halévy E. (1901-1903), La formation du radicalisme philosophique, Paris, Félix Alcan.

Hollander S. (1973), The economics of Adam Smith, Toronto and Buffalo, Toronto University Press.

Marx K. (1974), Théories sur la plus-value (livre IV du Capital), tome I, publié sous la direction de G. Badia, Paris, Éditions sociales.

Mathiot (1990), Adam Smith. philosophie et économie, Paris, PUF.

Skinner A. S và Wilson T. (eds) (1975), Essays on Adam Smith, Oxford, Clarendon Press.

Smith A. (1976-1983), ấn bản quy chiếu là ấn bản toàn tập gồm 6 tập, được gọi là “ấn bản Glasgow”, ra mắt nhân dịp 200 năm xuất bản The Wealth of Nations, Oxford, Clarendon Press, trong đó có phần 1 (quyển I và II); Smith A. (1759), The Theory of Moral Sentiments, Raphael D. D. và Macphie A. L. (eds), 1976; Smith A. (1776), An Inquiry into the Nature and Causes of The Wealth of Nations, Campbell R. H., Skinner A. S. và Todd W. B. (eds). Bản dịch tiếng Pháp, theo lần xuất bản lần thứ nhất và có những biến thể sau đó cùng với lời giới thiệu, chú thích, niên đại, bảng biểu, bảng chỉ dẫn và tra cứu theo chủ đề, Enquête sur la nature et les causes de la richesse des nations, F. Taieb, Paris, PUF, 1995, 4 tập; ấn bản “bỏ túi”, Recherches sur la nature et les causes de la richesse des nations, Paris, GF-Flammarion, 1991, 2 tập.

Quesnay F. (1958), Analyse de la formule arithmétique du Tableau économique (1766), Paris, Éditions de l’INED.

Hayek, Law, Legislation and Liberty, Keynes, The General Theory, Marx, Le Capital, Quesnay, Tableau économique, Ricardo, On the Principles of Political Economy and Taxation.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Xavier Greffe, Jérome Lallement, Michel de Vroey, Dictionnaire des grandes oeuvres économiques, Dalloz, Paris, 2002, trang 523-530.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF