31.12.23

Một trăm năm tạp chí phổ biến khoa học đầu tiên của Việt Nam

MỘT TRĂM NĂM TẠP CHÍ PHỔ BIẾN KHOA HỌC ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

Hà Dương Tường

Tại hạ vốn không phải là kẻ thích những ngày kỉ niệm, nhưng cái mốc này thì nghĩ đi nghĩ lại, thật khó bỏ qua! Một phần vì ý nghĩa của nó, phần khác cũng chính vì sự thờ ơ của người dân cả nước, kể cả giới trí thức, lại nhấn mạnh cái ý nghĩa đó, từ góc nhìn đối sánh.

Như tiêu đề cho thấy, đó là một sự kiện xảy ra cách đây 100 năm. Chính xác là ngày 4.10.1923, ngày làng báo Việt Nam có thêm một tuần san mới, chuyên về một phạm vi đề tài chưa từng có trong “lịch sử giữ nước và dựng nước” hàng nghìn năm trước đó! Tờ báo mang tên “Khoa học Tập chí”, với phụ đề tiếng Pháp “Revue de Vulgarisation Scientifique”, nghĩa là Tạp chí Phổ biến Khoa học.

“Tập chí” đã được giới thiệu trên bản báo trong số Xuân năm Bính Thân (2016), và cập nhật thêm một vài thông tin vào cuối năm đó[1], xin không nói thêm dài dòng. Bài này chỉ nêu lên vài suy nghĩ về vị trí của nó cũng như của ba tờ tạp chí cùng chí hướng xuất bản sau nó vài năm cho đến ngày quân Pháp rời khỏi Việt Nam, chấm dứt thời kỳ thuộc địa.

Từ tờ đầu tiên ấy, tới hai tờ Tạp chí Khoa học của ông Nguyễn Công Tiễu ở Hà Nội (1931-1940) và Khoa học Phổ thông của ông Lâm Văn Vãng ở Sài Gòn (1934-1942) và cuối cùng là Báo Khoa học của các ông Nguyễn Xiển và Hoàng Xuân Hãn (1942-1944), loại hình báo chí hoàn toàn mới này đối với xã hội Việt Nam thời đó có ý nghĩa gì?

Hai sử gia Pháp Pierre Brocheux và Daniel Hémery, tác giả của cuốn “Indochine, la colonisation ambiguë - 1858-1954”[2] hoàn toàn có lý khi dành hẳn một chương “Les transformations culturelles” (Những biến đổi về văn hóa) để phân tích xã hội Việt Nam thời kỳ thuộc địa. Lịch sử không chỉ bao gồm những quyết định chính trị – chiến tranh, hoà bình… của người cầm quyền! Trong chương này, các ông cũng đã phân biệt những biến đổi đến từ các chính sách văn hóa của Pháp, và từ những sáng kiến của người dân thuộc địa để tìm cách tiếp cận trực tiếp cội nguồn của nền văn minh hiện đại, vượt qua các rào cản, kiểm duyệt hoặc chỉ là các bộ lọc thông tin của chính quyền thuộc địa. Và trong mục “sáng kiến của người dân thuộc địa”, bắt đầu từ phong trào Đông Du, rồi Đông Kinh nghĩa thục và sự chiếm lĩnh văn tự mới – chữ Quốc ngữ, thông qua hàng loạt báo chí tiếng Việt được mở ra khắp ba miền, các tác giả cũng không quên nỗ lực phổ biến khoa học với hai tờ Tạp chí Khoa họcKhoa học Phổ thông. Ngoài một sai sót về ngày tháng (hai tạp chí này không bắt đầu từ năm 1921 như được viết trong sách), các tác giả không nói tới các tạp chí của ông Bùi Quang Chiêu và của các ông Nguyễn Xiển – Hoàng Xuân Hãn, vì cuộc sống ngắn ngủi của chúng chăng?

Nhưng đó là một sai sót nhỏ, điều người viết bài này muốn nhấn mạnh là, ngoài tính cách là một trong những “sáng kiến của người dân thuộc địa”, sự xuất hiện của 4 tạp chí có chung hai từ “Khoa học” ấy trên tiêu đề chứng tỏ một sự giác ngộ mới của những người chủ trương, dù lúc đó họ mới chỉ là thiểu số trong tầng lớp “sĩ phu tây học” đang hình thành. Đó là sự ý thức rằng không gian và thời gian mà đất nước đang sống đã thay đổi hoàn toàn so với các thời trước đó. Trong thế giới của thế kỷ 20, những vấn đề đặt cho Việt Nam cũng khác hẳn dù chỉ so với thời cuộc gần nhất, của những Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng, Đề Thám, v.v.. Trước mắt là không thể giành được độc lập, và tiếp đó là giữ gìn độc lập kết hợp với xây dựng đất nước, nếu những kiến thức khoa học của thời đại - hoàn toàn xa lạ với xã hội Việt Nam thời đó - không được phổ biến rộng rãi và được đông đảo dân chúng tiếp nhận, làm nền cho những thay đổi cần thiết về cuộc sống xã hội, từ kinh tế (sản xuất, buôn bán, giao thông...), quốc phòng (hiện đại hoá quân đội) tới các hoạt động văn hoá, giáo dục[3]. Chưa nói tới “toàn cầu hóa” như hiện nay. Giác ngộ đó, theo thiển ý, chính là một sự cụ thể hoá ý tưởng lỗi lạc về nhu cầu cải thiện “dân khí, dân trí, dân sinh” của Phan Tây Hồ. Thật vậy, phổ biến khoa học vừa trực tiếp nâng cao dân trí (một khía cạnh quan trọng: vệ sinh), vừa góp phần giúp các nhà sản xuất (quan trọng nhất thời đó dĩ nhiên là nhà nông) làm ra nhiều hơn, tốt hơn những sản phẩm phục vụ đời sống. Một cách tự nhiên, nó đi song song với những việc làm cụ thể khác như việc mở ra các công ty kinh doanh “kiểu mới” (so với buôn bán nhỏ của xã hội truyền thống) ở các đô thị - được nguyên một tờ báo, tờ “Thực nghiệp dân báo” của ông Bùi Huy Tín tự cho mình nhiệm vụ làm “tiếng nói” (xem bài giới thiệu ở đây). Ở một mức độ khác, các trang quảng cáo trên các tạp chí nói trên cũng cho phép hình dung phần nào mối liên kết giữa những người đi theo hai đường song song mà hội tụ đó.

Tuy nhiên, “Tập chí” cũng như ba tạp chí đàn em kia đều không sống được đủ lâu để có ảnh hưởng lớn tới xã hội. Như các tờ Scientific American của Mỹ, thành lập năm 1845, hay tờ Science et Vie của Pháp, thành lập năm 1913, vẫn sống tới hiện nay và là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên các nước này tiến vào khoa học. Điều đó cũng dễ hiểu khi nhìn vào thực trạng kinh tế của đất nước thời đó, tuy các nền công, nông nghiệp đã có những phát triển nhảy vọt do đầu tư của các nhà kinh doanh Pháp theo chân quân đội viễn chinh nhảy vào khai thác thuộc địa, với các phương tiện kỹ thuật mà cha ông ta chưa từng thấy (chỉ cần nhớ tới công trình xây dựng đường xe lửa nối Hà Nội đến Vân Nam rồi Hà Nội với Sài Gòn). Dù sao, tới hết nửa đầu của thế kỷ 20, những phát triển đó chưa đủ để dựng lên một nền khoa học mà những Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Công Tiễu, Lâm Văn Vãng, Nguyễn Xiển… mơ ước cho đất nước mình và bỏ công sức viết những bài báo nhằm khích lệ thanh niên tiến vào những miền đất mới mà ngay từ cái tên đã quá xa lạ: vật lý, hóa học, sinh học…

Việt Nam ngày nay đã khác. Thế hệ trẻ được đào tạo bài bản về khoa học đã được nhân lên nhiều lần, nhưng một tạp chí phổ biến khoa học có tầm cỡ như Scientific American hay Science et Vie có vẻ như vẫn đang… chờ thời cơ? Câu hỏi là lý do đầu tiên của việc nhắc lại cái mốc 100 năm này.

Bùi Quang Chiêu (1873-1945)

Tiếp tới, thiết nghĩ cũng phải nói đôi lời về người sáng lập và cũng là linh hồn của “Tập chí”, kỹ sư Bùi Quang Chiêu. Thực ra, ông được biết nhiều hơn với các hoạt động chính trị theo chủ nghĩa “Pháp Việt đề huề” của Toàn quyền Albert Sarraut. Năm 1919, ông thành lập Đảng Lập hiến (Parti Constitutionnel Indochinois) và năm 1926, cùng với các đồng chí trong đảng, thắng cử cuộc bầu Hội đồng Quản hạt Nam kỳ, chiếm trọn 10 ghế dành cho người bản xứ (quốc tịch Pháp) của Hội đồng. Cùng với ông Nguyễn Phú Khai, ông thành lập tờ báo La Tribune Indigène năm 1917, tờ báo đầu tiên do người Việt làm chủ và cũng là tờ báo chính trị đầu tiên tại Đông Dương do người Việt điều hành (Nguyễn Phú Khai làm chủ nhiệm, Bùi Quang Chiêu chủ bút)... Vì những hoạt động chính trị này, sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông bị Việt Minh thủ tiêu về tội “làm tay sai cho Pháp”.

Từ những bài viết liên quan tới ông[4], nói chung người ta có thể tóm tắt tiểu sử Bùi Quang Chiêu như trên. Không ai nhắc tới việc ông là người Việt Nam đầu tiên khi sang Pháp du học đã chọn học một trường kỹ sư nông nghiệp (ông tốt nghiệp năm 1897, và là người kỹ sư Việt Nam đầu tiên), và khi đã có tên tuổi, địa vị vững vàng trong xã hội, đã cùng một số bạn bè lập ra tờ tạp chí phổ biến khoa học đầu tiên của cả nước, vì nghĩ rằng đương lúc cạnh tranh lợi quyền trong thiên hạ, mỗi người phải có học chút đỉnh theo tân thời, mới có thế mà giữ gìn thân thể, theo cách vệ sanh, rồi mới có nhà đông, người mạnh, nước thạnh, dân khôn, thì nhiên hậu công nghệ, thương mãi, canh nông mới tấn phát được nơi xứ Đông-pháp nầy.[5] Bùi Quang Chiêu rất nhất quán đeo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế này. Theo Huỳnh Văn Tòng[6], ông là con người đa dạng: ngoài các hoạt động chính trị, báo chí, ông còn là nhà kinh doanh thành đạt, với một xưởng làm nón, một nhà máy xay lúa, một nhà buôn lớn ở Sài Gòn. 

Phải chăng kỉ niệm 100 năm tạp chí phổ biến khoa học đầu tiên của đất nước do ông sáng lập, cũng nên là dịp trả lại cho ông tính đa dạng tích cực ấy, của một người yêu nước mà nền chính trị của cả một thời ấu trĩ đã vùi dập, giết oan, chỉ vì cách nhìn khác trong công cuộc đấu tranh giành độc lập?

HDT

Nguồn: Một trăm năm tạp chí phổ biến khoa học đầu tiên của Việt Nam, DienDan.Org, 24.12.2023




Chú thích:

[1] Bài gốc: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/khoa-hoc-tap-chi, bạn đọc trong nước bị tường lửa có thể xem trên trang của viện IRED: https://ired.edu.vn/vn/tu-lieu-giao-duc/DocTin/1201/khoa-hoc-tap-chi

[2] Cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt. vói tên “Đông Dương, một nền thuộc địa nhập nhằng”, Nxb Thế giới 2022.

[3] Ngay cả một người vốn chủ trương bạo động để giành độc lập là cụ Phan Bội Châu cuối đời cũng ý thức được điều này. Xem Thư Phan Sào Nam gửi tạp chí Khoa học Phổ thông

[4] Như bài trên Wikipedia hay bài này trên Nghiên cứu lịch sử.

[5] Khoa học Tập chí, tôn chỉ mục đích.

[6] Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam, Trí Đăng 1973

Print Friendly and PDF