TRẦM CẢM VÌ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (SOLASTALGIE): ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TÌNH TRẠNG “TUYỆT VỌNG VỀ KHÍ HẬU”
Trầm cảm vì biến đổi khí hậu được định nghĩa là nỗi khổ tâm lý của một số người trước tình trạng thiên nhiên bị biến đổi và cảnh quan bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu.
Tác giả: Johanna Amselem
Một số bệnh nhân có cảm giác mất kiểm soát, mất cảm giác, lấy làm tiếc về tình trạng hiện tại, v.v.. © G.R/MAXPPP/PHOTOPQR/LE DAUPHINE/MAXPPP |
Solastalgie là một nỗi “nhớ quê hương mặc dù không tha hương”, triết gia người Pháp Baptiste Morizot đã viết như vậy vào năm 2019. Bản thân thuật ngữ này là do triết gia người Úc Glenn Albrecht sáng tạo ra. Cảm nhận bất an sâu sắc này là một cảm giác khốn khổ về tâm lý trước những thiệt hại mà môi trường phải chịu chẳng hạn như khí hậu nóng lên. Như vậy, những người bị tác động bởi cảm giác này không còn nhận ra thiên nhiên mà họ đã biết trước đây và cảm thấy bị tước đoạt khỏi môi trường của mình.
Về mặt từ nguyên, từ mới này được cấu thành bởi từ tiếng Anh “solace”, được dịch ra là “chỗ dựa”, và từ “algie” chỉ nỗi “đau khổ”. Nói cách khác, đó là cảm thấy đau khổ trước sự mất mát nơi chốn vốn là chỗ dựa. “So với sự lo lắng về môi trường, tính chất thời gian của sự đau khổ không giống nhau. Sự lo lắng về môi trường liên quan đến tương lai, còn trầm cảm vì biến đổi khí hậu lại là một sự trầm cảm về quá khứ”, nhà tâm lý trị liệu Charline Schmerber tóm tắt như vậy.
Khủng hoảng có thực
Sự tuyệt vọng này biểu lộ ra như thế nào? Như Charline Schmerber mô tả chi tiết, tình trạng này được đặc trưng bởi nhiều triệu chứng. Trầm cảm vì biến đổi khí hậu được thể hiện bởi những biểu lộ cảm xúc. Một số người cảm thấy buồn, những người khác có những rối loạn lo âu hoặc một cảm giác bất lực khi đối diện với thảm họa sinh thái. “Đối với một số người, có thể có một khủng hoảng có thực mà họ đang trải qua với việc đặt lại vấn đề một cách nghiêm trọng. Ví dụ, họ có thể lo sợ về tương lai hay tự hỏi có lợi ích gì khi sinh một đứa con trong bối cảnh bị tàn phá. Trầm cảm vì biến đổi khí hậu tác động đến mọi mặt của đời sống của một người trưởng thành, nó được chưng cất dần dần theo từng tình tiết nhỏ. Ở đây cũng vậy, tất cả còn tùy theo người. Một số người cũng có cảm giác mất kiểm soát, mất cảm giác, lấy làm tiếc về tình trạng hiện tại, v.v..
Các triệu chứng cũng có thể đưa đến một phản ứng trầm cảm và tình trạng có thể trở thành bệnh lý. “Trầm cảm vì biến đổi khí hậu không được liệt kê như một bệnh lý tâm thần được xếp vào Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM - Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders). Khi tôi tiếp các bệnh nhân của tôi, tôi trấn an họ ngay cả khi đó là một phản ứng thích nghi bình thường. Cảm nhận những tình cảm như vậy đúng ra là có phần lành mạnh, điều đó chứng tỏ một sự kết nối với thực tại, một sự sáng suốt, một phản ứng lành mạnh. Nguy hiểm là khi trầm cảm này gây ra một sự cô lập về mặt xã hội, một sự không thấu hiểu đối với những người chung quanh, một nỗi buồn quá lớn”, Charline Schmerber cảnh báo như vậy.
Lúc đó cần được một nhà chuyên môn thăm khám: “Cần báo động khi cảm giác này gây ra một sự cô lập, hình thành những cảm xúc, những ý nghĩ đen tối xuất hiện và chuyển qua tình trạng bệnh lý.” Vị bác sĩ này đã nhận thấy có một mức cao tối đa các lượt khám bệnh về trầm cảm do biến đổi khí hậu vào mùa hè năm ngoái và tình hình không có vẻ cải thiện: “Phải tìm cách làm sao sống với cảm giác này và phát triển khả năng hồi phục về cảm xúc. Chúng ta còn phải sống với nhiều đợt sóng trầm cảm nữa.”
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Solastalgie: ce qu’il faut savoir sur cette ‘détrese climatique’”, Le Point, 10.5.2023.
----
Bài có liên quan: