COVID-19 KHƠI MÀO MỘT SỰ SUY GIẢM MẠNH LƯỢNG KHÍ THẢI CO₂ TOÀN CẦU
Ngày 19 tháng 3 năm 2020
Cuộc khủng hoảng y tế do sự phát tán Covid-19 đã thay đổi quy mô. Ngày 11 tháng 3, tổ chức WHO [World Health Organization, Tổ chức Y tế Thế giới] đã thừa nhận tình trạng đại dịch toàn cầu. Từ nay, tất cả các nước trên thế giới đều liên quan, nguồn lây lan chính của virus, vào thời điểm hiện tại, chính là châu Âu.
Sự mở rộng quy mô [của cuộc khủng hoảng y tế] này đi kèm với một sự rơi tụt của các thị trường tài chính, tạo thành một véc tơ lây lan mới của sự suy thoái kinh tế trên thế giới. Trong ngắn hạn, cuộc suy thoái này sẽ tạo ra một sự suy giảm lượng phát thải CO2 trong khí quyển ở một quy mô chưa từng có.
Dự đoán của chúng tôi là năm 2019 sẽ tạo thành đỉnh điểm của lượng khí thải toàn cầu bởi vì cuộc khủng hoảng y tế, trong trung hạn, sẽ là một véc tơ thúc đẩy những chuyển đổi về cấu trúc của các nền kinh tế.
Giả thiết về độ dài thời gian của đại dịch…
Antoine Flahault (1960-) |
Theo các công trình của nhà dịch tễ học Antoine Flahault, thế giới đương đại đã trải qua ba đại dịch: dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-19 và hai đợt dịch cúm, vào năm 1957 và 1968. Tác động của đại dịch thứ tư này sẽ phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của nó – mà chúng ta có thể đặc trưng bằng độ dài thời gian của dịch và mức độ gây chết người của nó.
Về độ dài thời gian của Covid-19: có vẻ như đỉnh điểm đã qua ở Trung Quốc và Hàn Quốc (27% dân số thế giới). Nếu châu Âu (7% dân số) có khả năng hạn chế được phạm vi lây lan của virus theo cùng nhịp độ, thì đỉnh điểm dịch bệnh có thể diễn ra từ nay đến cuối tháng Tư.
Thật khó để dự đoán khả năng phản ứng của Hoa Kỳ (4% dân số) do sự yếu kém của hệ thống y tế công cộng. Sự bất trắc lớn nhất liên quan đến Nam Á và Châu Phi, nơi 42% dân số thế giới phải đương đầu với virus bằng những hệ thống chăm sóc y tế rất dễ bị tổn thương.
Hãy giữ lại giả thiết về một đỉnh điểm dịch bệnh đạt được trên thế giới từ nay cuối tháng 6, và về một sự trở lại tiệm tiến bình thường của nền kinh tế thế giới bắt đầu từ mùa hè.
… và giả định về quy mô của đại dịch
Thế còn tính sát thương của Covid-19? Khi các chuyên gia nghiên cứu các hiệu ứng kinh tế của những đại dịch nghiêm trọng nhất (bệnh dịch hạch, dịch cúm Tây Ban Nha), thì có một hiệu ứng lớn là sự loại bỏ lâu dài lực lượng lao động do thực tế sát thương (¼ dân số châu Âu vào thế kỷ thứ XIV, chắc khoảng 40 triệu người chết vào năm 1918).
Sẽ là điều không phù hợp ở đây để đưa ra bất kì dự đoán nào về tỷ lệ tử vong từ cuộc khủng hoảng y tế hiện tại.
Giả thiết được giữ lại ở đây là tác động này là thứ yếu trên bình diện kinh tế vĩ mô. Phân tích này xem xét những hiệu ứng kinh tế và môi trường của các biện pháp khẩn cấp được các cơ quan công quyền triển khai nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế.
2020, năm suy giảm lượng khí thải CO₂ chưa từng có tiền lệ
Suy thoái thường xảy ra để điều chỉnh những mất cân bằng trước đó; tình trạng nợ quá hạn ban đầu, ví dụ, như trường hợp năm 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế lớn cuối cùng.
Tình hình hiện tại rất khác: các nền kinh tế đột nhiên rơi vào suy thoái do những hạn chế đi lại của con người. Hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ đi lại ở Trung Quốc và Ý, nơi mà tình trạng ô nhiễm ở địa phương đã giảm mạnh sau các biện pháp phong tỏa sự đi lại của người dân.
Pour ceux qui se posent la question, nous avions posté la semaine dernière cette animation qui montre la situation au-dessus de l'Europe 👇https://t.co/mjyJiJW7WB— ESA France (@ESA_fr) March 20, 2020
Ở Trung Quốc, các biện pháp phong tỏa đã gây ra một bước lùi chưa từng thấy trong hoạt động kinh tế: theo các chỉ báo chính thức, doanh số bán lẻ giảm 20% trong hai tháng đầu năm và hoạt động sản xuất chế tạo giảm 16%.
Vào giữa tháng 3, phần lớn cuộc khủng hoảng y tế có vẻ như đã qua, khẩu hiệu hành động là phục hồi kinh tế. Mặc dù ngân hàng trung ương đã mở các van tín dụng, tuy nhiên sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có vẻ diễn ra rất chậm. Niềm tin chưa trở lại, điều này làm giảm mức cầu của các hộ gia đình (về tiêu dùng và nhà ở). Về mặt đối ngoại, việc phục hồi các hoạt động xuất khẩu vấp phải sự suy thoái kinh tế, từ nay đánh vào những khách hàng chính của Bắc Kinh.
Lauri Myllyvirta |
Trong cuộc suy thoái năm 2009, mức tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại, gây ra một hiệu ứng gần như vô hình lên lượng khí thải CO2. Một diễn biến hoàn toàn khác đang hình thành cho năm 2020.
Theo một nghiên cứu gần đây của Lauri Myllyvirta, dựa trên các chỉ báo như mức sản xuất điện (xem biểu đồ bên dưới), sự suy thoái kinh tế đã gây ra một mức giảm 200 triệu tấn (Mt) lượng khí thải CO2 vào tháng 2 (-25%)… tức một mức tương đương với hai phần ba lượng khí thải của Pháp trong một năm!
Trong bối cảnh này, Trung Quốc, vốn ở cội nguồn của 27% lượng khí thải toàn cầu, vào năm 2020 sẽ trải nghiệm một mức giảm lượng khí thải ở quy mô chưa từng có tiền lệ, trái với những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009.
Carbon Brief, CC BY-NC-ND
Khi bước vào cuộc khủng hoảng y tế, châu Âu và Hoa Kỳ đã có các biện pháp ngoại lệ, cả về mặt tiền tệ lẫn ngân sách, để giảm nhẹ cú sốc kinh tế.
Mục đích là ngăn chặn những vấn đề về ngân quỹ của các doanh nghiệp, không làm gia tăng các vụ phá sản, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Các biện pháp đệm đó sẽ chỉ làm giảm nhẹ cú sốc suy thoái, chứ không tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế. Ở các nước đó, ngành vận tải, một hoạt động bị ảnh hưởng mạnh mẽ, lại chính là nguồn phát thải CO2 hàng đầu. Tác động của cuộc khủng hoảng lên lượng khí thải sẽ để lại dấu ấn càng lớn hơn.
Trong ngắn hạn, việc quản lý một cuộc khủng hoảng y tế, từ nay mang tính toàn cầu, gây ra một cú sốc lên nền kinh tế với một cường độ chưa từng thấy trong thời bình. Điều này sẽ dẫn đến việc lượng khí thải sụt giảm mạnh.
Vào năm 2009, cuộc suy thoái lớn đã khiến cho lượng khí thải CO2 toàn cầu giảm 500 triệu tấn (Mt). Năm 2020, mức sụt giảm sẽ càng rõ rệt hơn nhiều. Về mặt định lượng, người ta có thể ước tính sự sụt giảm nằm trong một biên độ từ 1000 Mt đến 5000 Mt. Một lượng khí tải không có khả năng đuổi kịp trong một năm.
Nhưng một khi qua khỏi tình trạng suy thoái, liệu xã hội chúng ta có ít nhiều được trang bị tốt để đương đầu với hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu hay không?
Năm 2019, khả năng cao xảy ra đỉnh điểm khí thải toàn cầu
Một số nhà bình luận đối lập tốc độ phản ứng của các chính phủ trước tình trạng khẩn cấp về y tế với sức ỳ của họ trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Tuy hấp dẫn, so sánh như vậy lại gây hiểu lầm. Chữ “khẩn cấp” ở đây được áp dụng cho những khung thời gian rất khác nhau.
Chúng ta quản lý tình trạng khẩn cấp về y tế trên cơ sở hằng ngày, bằng cách tích hợp những thông tin bay đến từng giờ. Đối mặt với Covid-19, kỳ hạn tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh là khoảng mười ngày.
Đối mặt với hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu, có tính đến quán tính của lượng CO2 được tích lũy trong khí quyển, kỳ hạn phản ứng của các biến khí hậu đối với một mức sụt giảm khí thải là khoảng hai mươi năm. Vì vậy, chậm đi một ngày khi đối mặt với đại dịch tương đương với thời gian hai năm qua đi khi đối mặt với hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu, và một tháng thì tương đương… với 60 năm! Sau khi điều chỉnh những chênh lệch về khung thời gian, thì không có gì chắc chắn là các chính phủ đã phản ứng nhanh đến thế khi đối mặt với sự đe dọa của Covid-19.
Để đánh giá những hiệu ứng lâu dài của cuộc khủng hoảng y tế, chúng ta nên ưu tiên cách tiếp cận lịch sử.
Kể từ năm 1959, lượng khí thải CO2 toàn cầu đã giảm ba lần, khi phản ứng với một cú sốc bên ngoài (xem biểu đồ bên dưới). Sau cú sốc đó, đường cong lượng khí thải toàn cầu đã bắt đầu tăng trở lại. Nhưng mỗi lần như vậy, cú sốc đã để lại những dấu vết lâu dài trong một khu vực trên thế giới.
Sau khi xác định lại giá dầu vào năm 1980, lần đầu tiên lượng khí thải toàn cầu đã giảm trong hai năm liên tiếp. Đó cũng là lúc mà Liên minh châu Âu đạt mức khí thải cao nhất. Mức suy giảm [của giá dầu] lần thứ hai, được quan sát thấy vào đầu những năm 1990, trùng với mức khí thải cực đại diễn ra vào năm 1990 đối với toàn bộ các nước thuộc khối Xô-Viết cũ. Cú sốc năm 2009 hầu như không tác động gì đến quỹ đạo khí thải của Trung Quốc, nhưng nó trùng với đỉnh khí thải của Hoa Kỳ, diễn ra vào năm 2007.
Cú sốc năm 2020 có thể làm cho năm 2019 trở thành đỉnh điểm toàn cầu về khí thải CO2. Cuộc khủng hoảng y tế cho thấy sự mong manh của các tổ chức sản xuất, vốn kích thích việc phát thải đó, và việc xử lý cú sốc sẽ buộc phải tiến hành những thử nghiệm mở ra những khả năng chọn lựa thân thiện hơn với khí hậu. Trung Quốc, nước phát thải lớn nhất thế giới, sẽ ở tuyến đầu.
Một chất xúc tác cho những đổi mới về mặt cấu trúc
Sự thay đổi quỹ đạo sẽ không diễn ra theo cách tuyến tính. Giá dầu giảm sẽ kích thích cầu dầu lửa và làm tăng những chi phí tương đối của các khoản đầu tư vào ngành năng lượng xanh; cuộc khủng hoảng y tế đã xâm chiếm toàn bộ không gian chính trị, mối bận tâm về khí hậu của các chính phủ đã lùi lại sau; hồi kết của các thời kỳ phong tỏa sẽ chứng kiến một nhu cầu rất lớn trong việc kết nối lại những cuộc gặp gỡ và nhiều tiêu dùng đi cùng.
Một cách tương phản, cuộc khủng hoảng y tế đã bộc lộ tính mong manh rất lớn của các phương thức phát triển dựa trên sự gia tăng không ngừng về tính cơ động của con người, của nguồn vốn và hàng hóa. Làm chậm sự lây lan của virus trong những xã hội siêu cơ động sẽ nhanh chóng trở thành một vấn đề đau đầu. Trung Quốc, nước đầu tiên, đã trải nghiệm điều này.
Việc nhanh chóng huy động các nguồn lực y tế, như các thiết bị hỗ trợ hô hấp, mặt nạ phòng hộ hoặc thậm chí cả thuốc paracetamol, vấp phải sự siêu chuyên môn hóa của các chuỗi giá trị. Ở châu Âu cũng như ở Hoa Kỳ, các cơ quan y tế phát hiện ra, một cách kinh ngạc, những phụ thuộc mới phát sinh từ đó.
Cuộc khủng hoảng y tế không chỉ bộc lộ tất cả những điểm yếu đó. Nó cũng buộc chúng ta phải thử nghiệm những phương thức tổ chức đổi mới sáng tạo. Làm việc từ xa trên quy mô lớn là một viên gạch chính theo hướng đó. Nó sẽ giúp chúng ta khám phá ra những khả năng làm giảm nhiều hình thức cơ động bị ràng buộc, vốn làm tăng không cần thiết những dấu ấn khí hậu của chúng ta, mà chỉ thu lại được những lợi ích kinh tế nhỏ. Về hàng hóa, các tác nhân kinh tế sẽ buộc phải thử nghiệm sự đa dạng hóa các nguồn cung ứng và rút ngắn các chuỗi cung ứng của họ.
Trong hai trường hợp nói trên, đó là việc thử nghiệm những hình thức mới về tổ chức sản xuất, không chỉ hạn chế những rủi ro dịch bệnh mà còn tạo điều kiện cho việc giảm thiểu lượng khí thải khí nhà kính.
Trước những ràng buộc của các biện pháp phong tỏa, công việc quản lý cuộc khủng hoảng y tế cũng làm xuất hiện nhiều sự kiện đổi mới về mặt đoàn kết. Chúng ta có thể thấy bước đầu của điều đó ở Pháp, đối với những người lớn tuổi, những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như đối với đội ngũ nhân viên chăm sóc y tế, những người bị phơi nhiễm nhiều nhất trong cuộc chiến chống virus. Chừng ấy giá trị, có thể làm lùi bước chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân, những thứ đang cản trở hành động tập thể khi đối mặt với hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu.
Christian de Perthuis (1954-) |
Tác giả
Giáo sư kinh tế, người sáng lập bộ môn “kinh tế học khí hậu”, Đại học Paris Dauphine - PSL
Tuyên bố khai trình
Christian de Perthuis không làm việc cho, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kì công ty hoặc tổ chức nào hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ mối phụ thuộc nào khác ngoài những công việc mang tính học thuật.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Avec le Covid-19, une décrue historique des émissions mondiales de CO2 est amorcée, The Conversation, ngày 19/3/2020