11.3.20

Virus Corona: bức thư xúc động của một hiệu trưởng người Ý gửi học sinh của mình

VIRUS CORONA: BỨC THƯ XÚC ĐỘNG CỦA MỘT HIỆU TRƯỞNG NGƯỜI Ý GỬI HỌC SINH CỦA MÌNH
Giữa cuộc khủng hoảng virus Corona, lời của một vị hiệu trưởng [trường trung học] đã làm xúc động toàn nước Ý. Ông cảnh báo chống lại “sự đầu độc các mối quan hệ xã hội”.
Cuộc phỏng vấn do Quentin Raverdy, phóng viên ở Ý, thực hiện
04/03/2020
Đó là một bức thư mộc mạc được đăng trên trang web của trường trung học khoa học Alessandro-Volta ở Milan, trong khi cơ sở này vừa phải đóng cửa trước sự lây lan choáng ngợp của virus Corona ở vùng Lombardie. Thay vào đó, bức thư của hiệu trưởng Domenico Squillace gửi đến 1.200 học sinh của ông đã có một sự cộng hưởng khó tin, được chia sẻ hàng loạt trên các mạng xã hội, rồi được các phương tiện truyền thông nước này lần lượt đăng tải.
Domenico Squillace, 64 tuổi, “giáo viên lớn tuổi về tiếng Ý và văn học”, như lời tự giới thiệu của ông, muốn mang lại một chút lý lẽ trong sự báo động đang bao trùm. Ví dụ, trong thư, ông đã khuyên các học sinh của mình “giữ bình tĩnh, không để bị lôi cuốn bởi hoang tưởng tập thể, tiếp tục một cuộc sống bình thường – với các biện pháp phòng ngừa cần thiết”. Và đặc biệt, vị hiệu trưởng đã kêu gọi các học sinh cảnh giác với “sự đầu độc các mối quan hệ xã hội”.
Domenico Squillace
Alessandro Manzoni (1785 - 1873)
Để củng cố quan điểm của mình, Squillace viện dẫn một tác giả khá nổi tiếng mà các học sinh trẻ tuổi của bán đảo đều biết, đó là Alessandro Manzoni. Và đặc biệt tác phẩm của nhà văn người Lombardie của thế kỷ XIX: Les Fiancés [Những người đính hôn]. Một cuốn sách trung tâm, một trong những tác phẩm nền tảng của ngôn ngữ Ý với bản trường ca La Divine Comédie [Thần khúc] của Dante. Như thế, Domenico Squillace đã gợi lại trong ký ức các học sinh của ông một bản mô tả ấn tượng của Manzoni về sự tàn phá của bệnh dịch hạch vào năm 1630 (được “bọn Đức” mang đến) ở Milan.

Một cuốn sách soi sáng tính hiện đại, theo lời của người đứng đầu cơ sở giáo dục, người đã nhận ra, trong xã hội Ý ngày nay, những phản xạ và nỗi sợ hãi của tổ tiên họ trong thế kỷ XVII. Ông đã viết cho các học sinh thiếu niên của trường Volta, “hãy đọc thật kỹ, đặc biệt trong thời nhiễu nhương này”. “Trong các trang sách đó, mọi thứ đều có hết, sự tin chắc vào tính nguy hiểm của người nước ngoài, sự đối đầu bạo lực giữa các cơ quan chức trách, công việc tìm kiếm vô vọng đối với cái gọi là bệnh nhân số không, sự khinh miệt đối với các chuyên gia, cuộc săn đuổi các untori [những người cáo buộc lan truyền bệnh – BBT], những tin đồn không thể kiểm soát, những liệu pháp vô lý nhất, cuộc đột kích vào các mặt hàng thiết yếu, sự cấp bách về chăm sóc y tế…” Domenico Squillace nói. Cuộc phỏng vấn.
Le Point: Điều gì đã thôi thúc ông viết lá thư này khi Lombardie đang cảnh giác với virus Corona?
Domenico Squillace: Khi tôi đọc tin tức về con virus này và các trường hợp bị lây nhiễm, tập trung ở vài km cách miền nam Milan, với những dấu hiệu đầu tiên của sự báo động về mặt xã hội này, sự tò mò đã thôi thúc tôi tìm đọc lại tác phẩm Les Fiancés của Manzoni, trong đó có ba chương dành riêng cho lịch sử của bệnh dịch hạch ở Milan. […] Manzoni, cũng là một nhà sử học, đã thực hiện một công trình kiến tạo lại các sự kiện này. Điều đó đã làm tôi phải suy nghĩ khi thấy chúng mang tính rất thời sự, rất gần với thực tế ngày nay. […] Rồi, lệnh đóng cửa các trường học của chính phủ đã đưa ra vào tối chủ nhật. Ngoài việc đăng thông tin trên trang web của trường, tôi đã nảy ra ý tưởng viết vài dòng này cho học sinh.
Năm 2020, trong cuộc khủng hoảng virus Corona, ông cho rằng những lời mô tả của Manzoni về nỗi sợ hãi đối với bệnh dịch hạch vào thế kỷ XVII có một tính đương đại khó tin. Về cái gì, thưa ông?
Chỉ cần thay thế từ ngữ. Chữ “dịch bệnh” bằng “Covid-19”, chữ “người Đức” bằng “người Trung Quốc”, ví dụ, để làm cho văn bản trông giống như được viết vào ngày hôm qua. Điều đó có vẻ rất hiện đại, đặc biệt khi liên quan đến cuộc thảo luận giữa các chuyên gia, sự thù địch của dư luận trước các diễn ngôn của họ. Và trên hết, sự phản ứng của con người, xu hướng tin vào mọi thứ và bất cứ thứ gì, vấn đề các unori, những người bị cáo buộc một cách bất công vì đã làm lây lan dịch bệnh, và sự gieo rắc nỗi sợ hoảng loạn đó cùng với tin tức được lan truyền trong người dân, sự phi duy lý của quần chúng trước một mối nguy kiểu như vậy.
Ông cho rằng nỗi sợ, theo ông, có thể dẫn đến “sự đầu độc các mối quan hệ xã hội”?
Vâng, đó chính là rủi ro đích thực thuộc dạng đó vào thời điểm này: người ta bắt đầu quan sát lẫn nhau, nhìn người bên cạnh như một vectơ lây nhiễm có thể.
Trường hợp này đã xảy ra trên bán đảo, một số người ở miền nam đất nước (vào thời điểm này, chưa bị lây nhiễm bằng các khu vực miền bắc của Ý) đang lo ngại khi thấy các công dân miền Bắc lây lan virus.
Vâng, ban đầu người ta thấy điều đó với những phản ứng khi đối mặt với người Trung Quốc, rồi giữa những người Ý với nhau. Nó giống như một tinh thần trả thù của người miền Nam đối với người miền Bắc. Người miền Nam luôn cảm thấy một kiểu phân biệt chủng tộc nội bộ được che đậy. Vì vậy, thỉnh thoảng, họ nói: “Chúng tôi không thích họ, những người Ý miền Bắc”, nó giống như một hình thức luận chiến chống lại sự phân biệt chủng tộc.
Trong lá thư của ông, ông kêu gọi học sinh của mình tự bảo vệ khỏi “hoang tưởng tập thể”. Theo ông, hoang tưởng đó có hình thức nào ở Ý?
Người ta không tìm thấy khẩu trang ở các hiệu thuốc. Một số người đã bán chúng với giá cao hơn gấp ba mươi lần so với tháng trước. Điều đó trở nên thực sự nguy hiểm khi không thể tìm đâu ra khẩu trang. Điều tương tự cũng xảy ra ở các cửa hàng: việc mua hết tất cả các chất khử trùng không hề có ý nghĩa, nếu những người thực sự có nhu cầu không tìm thấy các mặt hàng đó. Tôi cũng đã thấy người dân chi tiêu hàng trăm euro, như thể đang chuẩn bị cho một vụ bị dội bom. […] Không có lý do gì để mua chừng ấy gạo và mì ống, như thể chiến tranh đang gần kề ở cửa và mua vét mọi thứ như thể có cảm giác về một mối nguy vô định. Tôi hy vọng lý trí sẽ sớm trở lại với mọi người.
Nói một điều gì đó hợp lý, dẫn đến việc phải suy nghĩ, đã trở nên khá hiếm đến nỗi các phương tiện truyền thông phải đưa lên đầu trang bản tin!
Quay trở lại với lý trí, nghe một tiếng nói khác với lời nói của các chuyên gia và chính trị gia, đó chính là điều mà con người cũng cần đến, liệu điều này có giải thích phần nào sự thành công của lá thư của ông?
Tôi đã viết bức thư đó cho học sinh bởi vì tôi là hiệu trưởng của ngôi trường này. Tôi thực sự chỉ muốn gửi gắm đến chọ riêng họ, nhiều nhất có lẽ là đến gia đình họ. Tôi không có ý định viết cho cả nước Ý, cho châu Âu hay cho thế giới. […] Rõ ràng, vâng, cần phải bình tĩnh, cần có một hình thái khôn ngoan, cần có một người nói lên những điều hợp lý, không cần phải gây sợ hãi. Bởi vì, trong kiểu tình huống này, người ta có xu hướng chia thành hai phe: những người hãi hùng khi cho rằng “đây là một thảm họa, tất cả chúng ta sẽ chết hết”, và những người giảm thiểu quy mô của vấn đề và nói rằng đây là điều ngớ ngẩn, đây chỉ là một bệnh cúm lớn, đây chỉ là một trò bịp được dựng lên bởi các doanh nghiệp dược phẩm. Người ta bị chia rẽ giữa hai quan điểm cực đoan. Vì vậy, có lẽ việc nói một điều gì đó hợp lý, dẫn đến việc phải suy nghĩ, đã trở nên khá hiếm đến nỗi các phương tiện truyền thông phải đưa lên trang nhất! Tôi nói điều này với một chút cay đắng.
Trong thư, ông kêu gọi học sinh của ông sử dụng khoảng thời gian này một cách sáng suốt. Ông có thể giải thích thêm điều này.
Đó là một lời mời suy nghĩ, sử dụng thời gian không đi học này, đây không phải là thời gian bị đánh mất, mà là thời gian để đọc sách, để suy nghĩ, để tiếp tục một cuộc sống bình thường. Tất nhiên là vẫn làm theo lời khuyến của các chuyên gia. Họ bảo chúng ta phải rửa tay. Chúng ta rửa tay. Không đến rạp xem phim. Chúng ta tuân thủ. Không đi học. Cũng làm giống vậy. Nhưng lời mời còn là duy trì tính bình thường và nhân văn, không bắt đầu coi nhau như kẻ thù.
Theo ông, dịch virus Corona, như bệnh dịch hạch được mô tả bởi Manzoni, nói lên rất nhiều điều về xã hội chúng ta.
Điều đó giống như thể đưa chúng ta quay trở lại với một cái gì đó xa xưa, với tổ tiên. Một xã hội như xã hội ngày nay, được kết nối khá chặt chẽ, đột nhiên rơi vào khủng hoảng vì một con virus trông giống như một điều gì đó phát sinh từ thời trung cổ. Giống như thể một hạt cát làm kẹt cơ chế của tính hiện đại. Điều đó cho thấy chúng ta không phải là người bất khả chiến bại, toàn năng, như chúng ta từng nghĩ.
Và từ sự mong manh đó, theo ông, phát sinh những “điều vô lý”. Ông nghĩ gì về điều này?
Matteo Salvini (1973-)
Marine Le Pen (1968-)
Vâng, giống như ý tưởng đóng cửa biên giới. Chúng tôi [người Ý] có Salvini (kêu gọi cấm tiếp nhận người nhập cư, những người cũng có thể lây nhiễm virus – BBT), các ông [người Pháp] có Le Pen. Đó những người nghĩ rằng họ có thể ngăn chặn virus bằng cách sử dụng binh lính, trong khi không có binh lính hay hiến binh nào có thể làm được điều đó. Do Pháp không thể ngăn chặn virus ở biên giới bằng cách huy động các hiến binh ở Ventimiglia, nên Ý cũng không thể đóng cửa cảng Sicily bằng lực lượng hải quân. Những điều đó không dừng lại. […] Điều đó đưa chúng ta trở lại với tính cách “giới hạn” của mình. Và theo tôi, trong thời điểm này, việc viện dẫn đến văn hóa, suy nghĩ về chính chúng ta, không phải là một ý tồi. Văn hóa không đưa ra câu trả lời, nhưng nó khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF