29.3.20

Virus Corona: “Đây là cơ hội duy nhất để tiến hành một quá trình chuyển đổi sinh thái thực sự”


VIRUS CORONA: “ĐÂY LÀ CƠ HỘI DUY NHẤT ĐỂ TIẾN HÀNH MỘT QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SINH THÁI THỰC SỰ”
Đại dịch Covid-19 có thể đóng vai trò là một cú sốc điện để làm thay đổi mô hình kinh tế của chúng ta, theo lời của nhà nghiên cứu François Gemenne, thành viên của IPCC.
Cuộc phỏng vấn do Thibaut Déléaz thực hiện
Ngày 19/03/2020
Kế hoạch phục hồi kinh tế của các nhà nước, một khi kết thúc cuộc khủng hoảng virus Corona, có thể là cơ hội để tiến hành một quá trình chuyển đổi sinh thái thực sự.© PHILIPPE LOPEZ / AFP
Các nhà máy thì ngừng hoạt động, máy bay thì nằm đất, mức tiêu dùng và đi lại rơi tự do... Các biện pháp phong tỏa được thực hiện ở Trung Quốc và từ nay ở nhiều nước để ngăn chặn đại dịch Covid-19 đã làm cho hoạt động kinh tế dừng lại theo cách chưa từng có tiền lệ. Và trong khi con người đang chiến đấu với virus, thì hành tinh này đang tận hưởng thời gian ngơi nghỉ xứng đáng.
Đây là hiệu ứng bất ngờ của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này. Ở Trung Quốc, và giờ là ở Ý, người ta nhận thấy tình trạng ô nhiễm không khí giảm đáng kể. Ở một số thành phố của Trung Quốc thông thường bị phủ sương mù vì ô nhiễm, thì nay người dân đã nhìn thấy bầu trời xanh. Liệu đại dịch này có là cơn sốc điện, được chờ đợi từ lâu, để con người nhận ra dấu ấn của mình lên môi trường hay không? Tạp chí Le Point đã phỏng vấn François Gemenne, nhà nghiên cứu tại Đại học Liège và là thành viên của IPCC [Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu].
Le Point: Bằng cách buộc chúng ta phải giảm mức tiêu dùng, sản xuất và đi lại, liệu cuộc khủng hoảng y tế này có thể có những hiệu ứng có lợi cho hành tinh hay không?
François Gemenne (1980-)
François Gemenne: Chắc chắn là có. Đây chính là nghịch lý của cuộc khủng hoảng hiện nay. Mức độ ô nhiễm sẽ giảm, nhờ những biện pháp quyết liệt chưa từng được lựa chọn. Người ta thấy chất lượng không khí đang được cải thiện, ở Trung Quốc hoặc những ngày gần đây ở Ý, những chú cá heo đã quay trở lại và bơi ở cảng Sardaigne… Các con số thống kê rất ấn tượng. Cuối cùng thì chính đại dịch sẽ có tác động mạnh nhất đến hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu. Ở Trung Quốc, nó gần như có những hiệu ứng có lợi về mặt y tế cộng đồng! Tỷ lệ tử vong gắn với tình trạng ô nhiễm không khí được ước tính là một hoặc hai triệu người mỗi năm, và tình trạng ô nhiễm đã giảm từ 20 đến 30% trong cuộc khủng hoảng. Nếu có khoảng 3.500 ca tử vong vì virus Corona, thì liệu có bao nhiêu sinh mạng được cứu sống vì chất lượng không khí tốt hơn?
Một sự suy giảm lớn đến thế, đồng thời cũng đột ngột, của lượng phát thải khí nhà kính, liệu đây có phải là hiệu ứng đầu tiên? 
Yếu tố so sánh duy nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 2008-2009. Chúng ta đã thấy lượng khí thải nhà kính giảm đáng kể. Nhưng rồi đã có một hiệu ứng tăng trở lại rất mạnh sau đó… Có thể sau đại dịch, lượng khí thải sẽ một lần nữa tăng lên rất cao như thời sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Vì thế, cần phải nghĩ đến cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngay từ bây giờ, và làm thế nào để biến đổi mô hình [kinh tế] của chúng ta.
Chính xác, khi cuộc khủng hoảng y tế đã qua và chính phủ các nước muốn vực dậy nền kinh tế, thì liệu vấn đề môi trường có nguy cơ trở thành ưu tiên thứ cấp, chứ không là ưu tiên hàng đầu hay không?
Hoàn toàn có khả năng là các biện pháp có lợi cho môi trường sẽ bị hoãn lại hoặc đơn giản bị bỏ rơi. Sau cuộc khủng hoảng [y tế] này, làm thế nào để có thể bàn lại, ví dụ, vấn đề đánh thuế dầu hỏa khi mà các hãng hàng không đã phải chịu nhiều tổn thất? Người ta sẽ hoàn toàn không nghe được điều đó.
Trong bài phát biểu vào hôm thứ Năm ngày 12 tháng 3, [tổng thống] Emmanuel Macron đã nói rằng cuộc khủng hoảng này sẽ khiến chúng ta phải xem lại mô hình [kinh tế] của mình. Liệu đây có phải là cơ hội để theo đuổi một chính sách chuyển đổi sinh thái đầy tham vọng hay không?
Ông ấy hoàn toàn đúng. Vấn đề là làm thế nào để phát minh lại mô hình kinh tế đó. Các biện pháp kinh tế và các khoản viện trợ được rót cho các doanh nghiệp, khi kết thúc cuộc khủng hoảng y tế, có thể là một vectơ chuyển đổi, và không nên chỉ được dùng cho việc bù đắp tổn thất để trở lại tình hình trước đó. Nhà nước sẽ trở thành là nhà hoạch định kinh tế và đầu tư hàng trăm tỷ euro. Nhà nước có thể nắm bắt cơ hội để tiến tới một nền kinh tế phi carbon. Liệu có cần thiết phải cứu vãn tất cả các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ hay không? Liệu có cần thiết phải cứu vãn các công ty dầu khí hay không? Đây là cơ hội duy nhất để thực hiện một quá trình chuyển đổi sinh thái thực sự.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF