7.3.20

Virus Corona: “Tin giả ảnh hưởng đến đại dịch”


VIRUS CORONA: TIN GIẢ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐẠI DỊCH”
Các thuyết âm mưu, phát triển xung quanh đại dịch, có thể thúc đẩy sự lây lan của đại dịch, theo cảnh báo của nhà tâm lý học Sebastian Dieguez.
Cuộc phỏng vấn do Thibaut Déléaz thực hiện
Ngày 02/03/2020
Một đại dịch thoả mãn tất cả những điều kiện để các thuyết âm mưu phát triển. (Ảnh minh họa) © JOSEPH EID / AFP
“Có một chút kỳ lạ trong cách làm giảm bớt tính bi kịch của con virus này trong 10 ngày qua trên các kênh tin tức […] nhưng để thực hiện những biện pháp chưa từng có tiền lệ. […] liệu người ta có che giấu chúng ta điều gì đó hay không?!!!!” Xét qua các bài viết đăng trên các mạng xã hội, ca sĩ Matt Pokora đã không mấy hài lòng khi buổi hòa nhạc của mình bị hủy bỏ sau lệnh của chính quyền trước đại dịch virus Corona. Đến mức sa vào thuyết âm mưu, giống như nhiều trường hợp khác trong những tuần gần đây.
Sebastian Dieguez

Thoát khỏi từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc, được cấp bằng sáng chế một năm trước khi xuất hiện tại một học viện do Bill Gates tài trợ, bắt nguồn từ một âm mưu thù địch” của Iran, được điều trị bằng những liệu pháp đơn giản nhưng được giữ bí mật để làm giàu cho các phòng thí nghiệm dược phẩm với một vắc-xin... virus Covid-19 đã khởi động một đại dịch tin giả trên các mạng truyền thông xã hội. Sebastian Dieguez, nhà tâm lý học tại Đại học Fribourg ở Thụy Sĩ và tác giả cuốn Total bullshit! Au cœur de la post-vérité [Mọi thứ đều nhảm nhí! Ở trung tâm của thời hậu sự thật], đã phân tích, cho tuần san Le Point, sự nhân rộng các thuyết âm mưu và các hậu quả của các thuyết này.
Le Point: Tại sao đại dịch virus Corona này lại gây ra nhiều thuyết âm mưu đến thế?
Sebastian Dieguez: Đây là một dạng hiện tượng, mà trong lịch sử, đặc biệt hợp với các thuyết âm mưu. Đây là một cuộc khủng hoảng được nói đến rất nhiều, nhưng vẫn còn khá bí ẩn, ví dụ như sơ đồ cổ điển về sự xuất hiện của các hiện tượng đó. Đại dịch, không ai biết rõ ai là thủ phạm, ít nhất là trong thời gian đầu, và cơ chế thì vô hình. Chúng ta có cái được gọi là hệ thống hành vi miễn dịch, theo cách không hẳn là hiệu quả lắm, được thiết lập để bảo vệ bản thân khỏi đại dịch. Hệ thống hành vi miễn dịch này dựa trên các thuyết âm mưu: nguy cơ đến từ những điều chưa biết, vì vậy chúng ta phải cảnh giác, phải tự bảo vệ bản thân, đó là một cơ chế tương tự như chủ nghĩa bài ngoại. Trong đại dịch hiện đại này, người ta cũng sẽ kích hoạt các thuyết âm mưu, bởi vì chính quyền sẽ đưa ra những lệnh mâu thuẫn hoặc tìm cách che giấu thông tin giống như ở Trung Quốc. Đó là hội chứng Chernobyl. Chưa kể trước diễn ngôn của các cơ quan chức trách, những tin giả được tiết lộ thường xuất phát từ Nga, để gây ra một sự lộn xộn.
Tìm ra, bằng mọi giá, một thủ phạm, một bàn tay của con người đứng đằng sau đại dịch, liệu đó có phải là một cách để tự trấn an bản thân khi đối mặt với một hiện tượng tự nhiên khó giải thích hay không?
Người ta thường nói rằng thuyết âm mưu cho phép nắm lại quyền lực đã bị tụt khỏi tầm kiểm soát trong một thế giới phức tạp, bằng cách cung cấp một sơ đồ sẵn sàng trao tay. Đối với tôi, có một điều gì đó còn sâu xa hơn: người ta không chỉ cố tìm hiểu cơ chế của sự vật, mà còn quan tâm đến câu hỏi tại sao. Chính vì lý do đó mà thuyết sáng thế vẫn rất phổ biến trong đại chúng, trong khi thuyết tiến hóa đã được các nhà khoa học chứng minh. Đại dịch, là một cái gì đó lan tỏa, với rất nhiều ổ dịch, và rất khó để tìm được nguyên nhân ban đầu. Và ngay cả khi biết được nguyên nhân ban đầu, thì điều đó vẫn chưa thỏa đáng, bởi vì người ta thích những nguyên nhân có chủ ý. Trong trường hợp này, ngay cả khi người ta biết rằng virus phát sinh từ các chợ ở Vũ Hán, thì người ta lại muốn biết ai đã mang con virus đến đó và vì mục đích gì. Đối với sơ đồ âm mưu, thì người ta chỉ việc bịa ra một thủ phạm và những ai hưởng lợi ích từ âm mưu đó.
Trong bầu không khí ngờ vực này, liệu có phức tạp hơn cho các cơ quan y tế khi đưa ra những quyết định ngăn chặn đại dịch và thực thi chúng? Trước việc đề cập đến khả năng hoãn lại các cuộc bầu cử [hội đồng] thành phố trong trường hợp đại dịch lan rộng, đã có một số người cáo buộc phe đa số muốn chôn vùi một cuộc bầu cử hứa hẹn không thuận lợi cho mình.
Điều này thực sự phức tạp đối với các cơ quan chức trách. Họ phải đưa ra những quyết định không hợp lòng dân, đôi khi trái ngược nhau, những thứ gợi lên sự nghi vấn và từ đó, sự ngờ vực. Vấn đề đối với những người theo thuyết âm mưu, là mọi thứ bạn có thể nói với tư cách là người có thẩm quyền đều sẽ nuôi dưỡng niềm tin cho rằng bạn là người trong cuộc. Còn đối với đại chúng, không nhất thiết là theo thuyết âm mưu, đôi khi, thực tế đơn giản của việc thông báo một điều gì đó là sai sẽ thúc đẩy thuyết âm mưu. Đó cũng là thế lưỡng nan của các nhà báo trong việc xử lý tin giả.
Nếu các thuyết âm mưu tạo ra một sự ngờ vực đối với các cơ quan chức trách đến mức có một bộ phận người dân không tuân thủ các khuyến cáo về y tế, thì liệu điều đó có là một mối nguy hay không?
Có người nghĩ rằng virus đã được phát tán một cách có chủ ý, nhưng cũng có người nghĩ rằng nó không tồn tại, hoặc cả những người nghĩ đã có thuốc [ngừa/trị] – đó là dầu mè hoặc nước tẩy –, nhưng người ta giấu chúng ta, bởi vì việc bán vắc-xin trong tương lai sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho các phòng thí nghiệm dược phẩm. Thật đáng lo ngại, tổ chức WHO nói về một “đại dịch tin giả”, bởi vì các thuyết âm mưu đó gây ảnh hưởng đến hành vi của con người. Thế mà, nếu người ta tự điều trị hoặc không điều trị gì cả, ngoài việc gây nguy hiểm cho bản thân, thì điều đó cũng sẽ không giúp ngăn chặn virus và thậm chí có thể làm cho virus lây lan. Tin giả ảnh hưởng đến đại dịch: người ta thấy được điều đó qua tình trạng chống tiêm vắc-xin và sự quay lại của những bệnh mà vắc-xin bảo vệ, do có một bộ phận người dân từ chối tiêm vắc-xin. Sau virus Zika, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc người dân không tin và không muốn tin rằng virus phát sinh từ muỗi và không tự bảo vệ bản thân, đã góp phần vào việc làm cho virus lây lan.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF