25.3.20

Virus Corona: Những tiết lộ từ “mô hình Đài Loan”


VIRUS CORONA: NHỮNG TIẾT LỘ TỪ “MÔ HÌNH ĐÀI LOAN”
Ở Đài Loan, trung đoàn bảo vệ sinh học và hóa học số 33 của lục quân thường được yêu cầu thực hiện các hoạt động khử trùng quy mô lớn chống lại sự lây lan của virus Corona. (Ảnh: Chen Jun-yun, Military News Agency, miễn bản quyền)
Ở Đài Loan, người ta gọi virus Corona là “viêm phổi Vũ Hán” (Wuhan feiyan 武漢 肺炎). Sự lây lan của Covid-19, như khuyến nghị của WHO [Tổ chức Y tế Quốc tế] để gọi con virus này, gây ra sự bất ổn lớn trên phạm vi toàn cầu. Trong khi sự lây nhiễm đang lên đỉnh điểm ở châu Âu và bắt đầu lên đỉnh điểm ở Hoa Kỳ, thì Đài Loan – giống như Hồng Kông hay Singapore – đã ở giai đoạn hai của dịch bệnh: quản lý sự trở về của người dân từ những nước có nguy cơ lây nhiễm. Chúng ta rút ra được những bài học nào từ kinh nghiệm của Đài Loan, thường được các phương tiện truyền thông quốc tế trình bày như là một mô hình, cả trong nước lẫn trên bình diện quốc tế?
SỰ BẤT ĐỊNH SAU THÀNH CÔNG
Ở Đài Loan, giai đoạn 1 kiểm soát Covid-19 vào thời điểm phát tán virus từ Trung Quốc đã là một thành công thực sự, cả về phương pháp lẫn phương tiện. Cho đến chưa đầy hai tuần trước, người ta chỉ phát hiện có khoảng năm mươi bệnh nhân và một ca tử vong duy nhất ở Đài Loan.
Nhưng khi bước vào giai đoạn 2, với việc đóng cửa lãnh thổ với phần lớn những người nước ngoài kể từ ngày 18 tháng 3, là một trận chiến hoàn toàn khác: đó là việc quản lý sự trở về của các công dân Đài Loan, trong đó có một lượng lớn sinh viên, từng lưu lại các nước đang bị lây nhiễm (chủ yếu ở châu Âu và Hoa Kỳ). Chỉ trong vòng hơn một tuần, vào ngày 22 tháng 3, các đợt trở về đó đã đưa số vụ được công bố lây nhiễm ở Đài Loan lên con số 153 ca, tức về mặt thực tế đã tăng lên gấp ba lần. Phần lớn các ca lây nhiễm được xác định là những người mang virus khi rời khỏi máy bay, nhưng đã bắt đầu xuất hiện một hoặc hai ca lây nhiễm đáng lo ngại tại địa phương khi không hề đi du lịch nước ngoài.
Nếu như khi kết thúc giai đoạn 1, người ta có thể nói một cách chính đáng rằng Đài Loan là một ví dụ và mô hình [chống virus], thì giờ đây sẽ cần phải đợi đến khi kết thúc giai đoạn 2 để có một phán quyết cuối cùng.
Trên thực tế, sự nối khớp giữa hai giai đoạn nói trên là một điểm thiết yếu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Từ quan điểm đó, tình hình ở Pháp đặc biệt đáng lo ngại, bởi vì giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trùng khớp với nhau: sự trở về của 130.000 công dân từ những nước có nguy cơ lây nhiễm, trong khi việc kiểm soát biên giới chưa thực sự được thực hiện, làm cho tình hình là khá bi quan về những diễn biến tiếp theo trong ba tuần tới.
QUAY TRỞ LẠI vỚi “mô hình ĐÀI LOAN”
Nhưng hãy quay trở lại Đài Loan, với giai đoạn 1 của dịch bệnh. Làm sao giải thích sự thành công của Đài Loan, khi Formosa (hòn đảo chính của một quần đảo do Trung Hoa Dân Quốc kiểm soát, tên chính thức của Đài Loan) nằm ở 110 km cách bờ biển nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) và có mật độ dân số là hơn 649 người trên km²?
Trước hết, Đài Loan có một vị thế xuất phát tương đối thuận lợi, so với nhiều nước châu Á khác. Vị trí địa lý là một hòn đảo làm cho Đài Loan không có biên giới liên tục với Trung Quốc (PRC). Ngoài ra, Đài Loan là một nước giàu – đứng thứ 21 về GDP bình quân đầu người; Pháp đứng thứ 28 – có một hệ thống chăm sóc y tế hoàn hảo – đứng thứ 9 trên thế giới theo bảng xếp hạng hàng năm của Bloomberg về hiệu quả chăm sóc y tế, được công bố vào năm 2018.
Ngoài ra, Đài Loan đã có thể có được thông tin trực tiếp từ rất sớm, cho phép họ triển khai các biện pháp kiểm soát, ngày càng nghiêm ngặt, đối với các dòng đi lại của người Trung Quốc. Thực vậy, quốc gia nói tiếng Hoa này có một lượng lớn cư dân ở Trung Quốc và có một mạng lưới tình báo dò xét kỹ càng “lục địa”, do những căng thẳng giữa hai bờ biển.
MỘT SO SÁNH GIỮA PHÁP-ĐÀI LOAN
Trình tự thời gian các sự kiện là đặc biệt rõ ràng để có một so sánh với Pháp. Vào ngày 31 tháng 12, trong khi chính quyền địa phương ở Vũ Hán đối mặt với bệnh viêm phổi không rõ nguồn gốc (kiểm duyệt internet đầu tiên ở Trung Quốc (PRC) đối với thuật ngữ “viêm phổi Vũ Hán” cũng bắt đầu vào thời điểm này), thì Đài Loan đã tăng cường kiểm soát biên giới đối với những người Hoa đến từ thành phố này. Vào ngày 23 tháng 1, một ngày sau thông báo phong tỏa Vũ Hán, Đài Bắc đã hủy tất cả các chuyến bay từ thành phố [Vũ Hán], và vào ngày 5 tháng 2, cấm hoàn toàn bất kỳ người nào không phải là người Đài Loan từ Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Ma Cao nhập cảnh lãnh thổ Đài Loan.
Tedros A. Ghebreyesus (1965-)
Trong thời gian đó, ở Pháp, và cho đến tận hôm nay, chưa hề có bất cứ biện pháp hạn chế nào đối với khách du lịch từ Trung Quốc – ngoại trừ biện pháp từ sự sụp đổ của ngành hàng không – trong khi tất cả người Pháp nhập cảnh Trung Quốc đều phải bị kiểm dịch bắt buộc, dù có bị bệnh hay không. Không hề có bất cứ biện pháp kiểm soát nào tại các sân bay Pháp. Trong số các lý do được viện dẫn: biến động trong các dữ liệu về thân nhiệt – điều này đúng bởi vì có thể có những người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng – nhưng điều đó vẫn có thể giúp ta nhắm đến những người đã bị bệnh và những người có khả năng tiềm tàng mang virus – và điều này có thể tạo ra cảnh ùn tắc tại các sân bay.
Nếu Pháp đã làm như vậy, thì đó cũng là vì đã tuân thủ các khuyến nghị của các cơ quan quốc tế, mà một khi cuộc khủng hoảng đã qua, tính không thiên vị sẽ phải là đối tượng của một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng từ bên ngoài. Paris đã nghe theo lời của giám đốc WHO Tedros A. Ghebreyesus (quốc tịch Ethiopia – Ethiopia là cửa ngõ của sáng kiến “Con đường tơ lụa mới ở Châu Phi), người đã tuyên bố vào ngày 3 tháng 2 rằng việc hạn chế các chuyến bay là chưa cần thiết. Pháp cũng đã làm theo các khuyến nghị của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), khẳng định vào ngày 12 tháng 2, để đáp lại quyết định đình chỉ các chuyến bay đến Trung Quốc của các hãng hàng không Mỹ, rằng việc hạn chế các chuyến bay nên... linh hoạt (giám đốc ICAO, Fang Liu, là người Trung Quốc).
NHÀ BÁC HỌC ĐỐI CHỌI VỚI NHÀ CHÍNH TRỊ
Li Wenliang (1986-2020)
Tuy nhiên, ngày hôm nay, có vẻ như việc dừng các chuyến bay đến từ Trung Quốc đã trở thành một công cụ chính để các nước khác thành công trong việc ngăn chặn căn bệnh này. Nước nào ở gần Trung Quốc nhất và có ca lây nhiễm ít nhất ở châu Á? Triều Tiên, nước đã đóng cửa biên giới với nước Trung Quốc láng giềng từ ngày 22 tháng 1. Nước ít bị ảnh hưởng thứ hai ở châu Á là Việt Nam, nước đã hủy tất cả các chuyến bay từ Vũ Hán từ ngày 23 tháng 1 và đóng cửa biên giới với Trung Quốc bốn ngày sau đó (đối với ngành vận tải hành khách).
Nếu bệnh “viêm phổi Vũ Hán” trở thành một đại dịch toàn cầu, thì điều đó, trước hết, là vì cường quốc Trung Quốc không thể chấp nhận bất kỳ sự thật nào khác sự thật của họ – sự thật mà họ đã tạo ra và phê chuẩn – và ngay cả khoa học cũng phải chịu trước lệnh này (như việc bắt giữ bác sĩ và người cảnh báo Li Wenliang đã cho thấy). Nhưng liệu đây có phải là một hiệu ứng của việc người Trung Quốc thâm nhập vào các định chế quốc tế lớn – mà Đài Loan, nước đã bị loại khỏi, đã có lý do để không nghe theo lời khuyên [của các định chế đó] hay không?
Chen Chien-jen (1951-)
Cùng với việc chủ động đưa ra các biện pháp hạn chế là việc triển khai quá trình theo dõi bệnh nhân (với bản đồ chính xác về hành trình đi lại và những nơi thường xuyên lui tới của họ), ngay khi nhập cảnh Đài Bắc, với số tiền phạt lên tới 30.000 euro nếu vi phạm biện pháp kiểm dịch/cách ly. Việc phó tổng thống Đài Loan, Chen Chien-jen, là một nhà dịch tễ học, cũng đóng góp vai trò của ông trong việc sớm có đánh giá chuyên môn về tình hình y tế địa phương.
Về những hệ quả lên chính sách và quan hệ của Đài Loan với Bắc Kinh, chúng tôi sẽ thảo luận trong một bản phân tích khác về việc đối phó với Covid-19 tại Đài Loan.
Giới thiệu tác giả
Jean-Yves Heurtebise
Jean-Yves Heurtebise, Tiến sĩ Triết học của Đại học Aix-Marseille, là phó giáo sư tại Đại học Công giáo FuJen (Đài Bắc, Đài Loan). Ông cũng là thành viên liên kết của CEFC (Trung tâm nghiên cứu của Pháp về nước Trung Quốc đương đại, Hồng Kông) và là đồng tổng biên tập tạp chí Monde Chinois Nouvelle Asie [Thế giới Trung Hoa – châu Á mới]. Ông đã xuất bản hơn năm mươi bài báo trong những cuốn sách đồng tác giả (Routledge, Imperial College Press, Wiley-Blackwell, v.v.) hoặc những tạp chí học thuật (Journal of Chinese Philosophy [Tạp chí Triết học Trung Quốc], Frontiers of Philosophy in China [Biên giới triết học ở Trung Quốc], Sustainability [Bền vững], v.v.). Lĩnh vực nghiên cứu của ông là các mối quan hệ liên văn hóa giữa châu Âu và Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Coronavirus: ce que révèle le “modèle taïwanais”, Asialyst, ngày 21/03/2020.
Print Friendly and PDF