17.3.20

Corona: Vắc-xin và ý đồ bất chính của TT Trump

CORONA: VẮC-XIN VÀ Ý ĐỒ BẤT CHÍNH CỦA TT DONALD TRUMP
Tác giả: Tôn Thất Thông

Trong nền kinh tế thị trường, ai khôn ngoan nhạy bén sẽ chiếm được lợi thế ban đầu. Nhưng trong một thương vụ liên quan đến đại dịch hiện nay, mà trong vài tháng tới, số ca lây nhiễm có thể lên đến hàng triệu người, thì đạo đức kinh doanh phải xem số phận con người là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Đạo đức chính trị, nhất là đạo đức của nguyên thủ của siêu cường số một trong thế giới tự do, không thể lấy tư duy ích kỷ quốc gia làm tiêu chuẩn để hành động. Xin mời xem tư duy America First của TT Donald Trump trong việc nghiên cứu vắc-xin. Xin dành cho mọi độc giả bình luận.  

(Có bổ sung mục “Cập nhật ngày 17.3.2020” ở cuối bài)

* * *

Ngay giữa cơn lốc Corona, Đức và Mỹ âm thầm đối đầu quyết liệt về một vấn đề không những có tính chất kinh tế, khoa học mà còn là sự khác nhau về đạo đức chính trị của hai nền văn hóa. Lý do: TT Mỹ Donald Trump đã tìm cách lôi kéo các khoa học gia của công ty Đức CureVac ở Tübingen sang Mỹ làm việc, những người đang nghiên cứu gần xong vắc-xin chống SARS CoV-2 theo phương pháp mRNA (Messenger Ribonucleic Acid), một phương pháp mới mang ý nghĩa cách mạng trong lĩnh vực vắc-xin. Trump đã chào mời với một số tiền khổng lồ, nếu nhóm nghiên cứu này chịu sang Mỹ làm việc, nhưng không ai chịu đi. Sau đó Nhà Trắng đã dùng đến 1 tỉ US$ – theo nguồn tin của Berlin – để thuyết phục CureVac dành cho Mỹ độc quyền sử dụng vắc-xin để ưu tiên phục vụ cho nhu cầu của Mỹ [WELT 15.3]. Trump thừa biết rằng, ngay cả khi vắc-xin được thử xong trong năm nay, mỗi ba tháng, họ chỉ sản xuất được tối đa 10 triệu lọ. Như vậy, để thực hiện yêu cầu America First, chỉ còn cách chiếm độc quyền sản phẩm. Đó là mục đích tối thượng của Trump trong thương vụ này. Kẻ thiệt thòi là bệnh nhân các nước khác trên thế giới.

Daniel Menichella (thứ 9 từ trái sang phải), CEO của CureVac trong vòng đàm phán ngày 2.3.2020 tại Nhà trắng. Nhiếp ảnh: Joyce N. Boghosian

Thương vụ nói trên xoay quanh công ty CureVac ở Tübingen thuộc Nam Đức, một công ty nghiên cứu sinh hóa, đặc biệt là sản xuất vắc-xin chống các bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm. Hai cổ đông lớn nhất của CureVac là tỉ phú Dietmar Hopp (người sáng lập SAP) và Quỹ Từ thiện Bill-and-Bellina Gates. Họ đã không hề tiếc tiền đổ vào công ty trong gần 20 năm qua để tiến hành các nghiên cứu khoa học phục vụ cho các mục đích nhân đạo. Từ đầu năm nay, CureVac phối hợp với Viện Paul-Ehrlich của chính phủ Đức trong đề án nghiên cứu vắc-xin chống SARS CoV-2. Thành công đang đến trong tầm tay và có thể đến mùa hè năm nay sẽ có mẫu vắc-xin đầu tiên và bắt đầu thử trên người để xin giấy phép. Ngày 2.3.2020, Daniel Menichella, CEO của CureVac đã tham dự một buổi họp quan trọng giữa Trump, quan chức Nhà Trắng và hơn 10 lãnh đạo cao cấp của các công ty dược phẩm Mỹ (xem hình trên), thí dụ như GlaxoSmithkline, Pfizer, Sanofi, Johnson & Johnson v.v.. Nội dung và kết quả buổi họp không được Nhà Trắng thông báo ra ngoài. Trong lúc quan chức y tế Mỹ cho rằng phải cần đến 18 tháng để nghiên cứu thành công vắc-xin, thì Menichella tuyên bố trong buổi họp đó: “Chúng tôi chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ nghiên cứu thành công trong vài tháng tới một vắc-xin mạnh để chế ngự Corona” [CureVac Website]. Menichella còn nhấn mạnh rằng, có thể tháng 7 là có mẫu vắc-xin đầu tiên. Mọi cơ sở sản xuất cũng đã chuẩn bị xong. Có lẽ lời tuyên bố đầy ấn tượng đó đã dẫn Donald Trump đến những toan tính mờ ám tiếp theo.

Mười ngày sau buổi họp, Daniel Menichella, người có quốc tịch Mỹ, bị hội đồng quản trị công ty CureVac sa thải vì lý do không được thông báo, chỉ nói giản dị: “Chúng tôi chân thành cám ơn Dan Minichella đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển CureVac trong những năm qua” [CureVac Website]. Đồng thời, các nhà đầu tư được trấn an rằng, người CEO mới Ingmar Hoerr vốn dĩ là nhà sáng lập công ty 20 năm trước, “sẽ nắm giữ vai trò đặc biệt trong công ty, vì Hoerr sở hữu rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm về nghiên cứu sinh hóa” [Pagliarulo]. Trong buổi họp báo, có người nghi ngờ đặt câu hỏi, “liệu có liên quan gì đến các cuộc đàm thoại với Donald Trump và nhóm nghiên cứu vắc-xin ở Mỹ”. Không ai lên tiếng bình luận gì! Hoerr tuyên bố trong ngày nhậm chức: “Vắc-xin chống Covid-19 giữ vai trò then chốt của công ty để đưa sản phẩm dựa trên công nghệ mRNA đến tay mọi bệnh nhân”. Có thể ban giám đốc mới phản đối thương vụ giữa Trump và Menichella, vì thế tin tức rò rỉ ra ngoài.

Chính phủ Đức đã xác minh rằng, Donald Trump tìm đủ mọi cách để chiếm độc quyền vắc-xin để sử dụng cho Mỹ, nhưng điều phiền toái nhất là vắc-xin đó “chỉ được sử dụng độc quyền cho USA” [WELT 15.3]. Reuters trích lời Bộ trưởng Y tế Đức để xác minh tin tức của “Welt am Sonntag” (Thế giới chủ nhật), theo đó chính phủ Mỹ đang thương lượng để mua đứt công ty CureVac [Reuters], và như thế sẽ độc quyền trên vắc-xin đang được nghiên cứu. Cả nội các Đức sửng sốt trước toan tính không minh bạch của một đồng minh chiến lược. Chủ tịch khối dân biểu liên bang SPD Karl Lauterbach: “Việc bán công ty CureVac sang Mỹ phải được ngăn chặn bằng mọi giá. Chủ nghĩa tư bản vẫn còn ranh giới của nó. Về dược phẩm quan trọng, chúng ta không thể lập lại sai lầm trong quá khứ: quá phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc” [ZEIT Online], hoặc rõ ràng hơn như vị phó chủ tịch Bärbel Bas: “Đây là một vấn đề đạo đức, không phải là kinh tế, lại càng không chỉ thuộc tầm vóc quốc gia. Nếu nghiên cứu thành công vắc-xin, nó phải được phục vụ cho tất cả mọi người trên thế giới. Ngoài ra, mọi toan tính khác đều là xì-căng-đan”. Bộ trưởng Ngoại gia Heiko Maas: “Chuyên gia Đức đang dẫn đầu trong mọi hợp tác quốc tế về dược phẩm và vắc-xin. Chúng ta không thể cho phép một kẻ nào khác tước đoạt độc quyền kết quả nghiên cứu” [Heidelberg24.de].

Chung quanh vụ việc này, sự đoàn kết trong giới chính trị Đức đã vượt ra ngoài ranh giới đảng phái. Lãnh tụ đảng đối lập Dân chủ Tự do (FDP), Christian Lindner phê phán hành động của Trump là ích kỷ. “Thật là một sự sỉ nhục mà chính phủ Đức phải kịch liệt lên án. Lúc này là lúc phải phối hợp mọi lực lượng khắp nơi trên thế giới để học hỏi và hợp tác lẫn nhau. Trước thách thức hiện nay đối với nhân loại, mọi hành động phải lấy việc phục vụ loài người làm gốc. Không ai có quyền bủn xỉn cân nhắc về lợi thế riêng. Tư duy America First đã bị đặt sai chỗ trong vụ việc này” [Deutschlandfunk 15.3]. Lindner nói thêm: “Trong mùa tranh cử, mọi phương tiện đều được Trump sử dụng. Nhưng cuộc chiến chống Corona là nhiệm vụ của cả loài người chứ không thể là thời khắc của lòng ích kỷ” [Heidelberg24.de]. Chủ tịch khối Xanh (Grün), Katrin Göring-Eckhardt: “Lúc này là thời khắc của đoàn kết và hợp tác quốc tế, chứ không phải là ích kỷ quốc gia”. Chủ tịch dân biểu khối Tả (Linken), Jan Korte: “Không có một động tác nào phi xã hội hơn, thiếu đoàn kết hơn, vô liêm sĩ hơn là cách hành xử của Trump trong chiến dịch chống Corona hiện nay”.

Tin vui tối hôm chủ nhật, 15.3.2020

Dietmar Hopp (1940-)
Với sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ Đức, tỉ phú Dietmar Hopp, cổ đông lớn nhất của CureVac tuyên bố: “Nếu may mắn chúng tôi nghiên cứu thành công thuốc chủng ngừa vi-rút Corona nay mai, thành quả này sẽ được đưa đến tay mọi người để bảo vệ và giúp đỡ, không phân biệt quốc gia hay một khu vực nào, mà là toàn thế giới trên tinh thần đoàn kết” [Reuters]. Không nêu đích danh Trump trong lời phát biểu, nhưng với đòi hỏi độc quyền America First trong dự thảo hợp đồng do nhà trắng soạn thảo, lời truyên bố của Hopp là để gián tiếp trả lời tinh thần thiếu đoàn kết của Trump, là một cái tát ngoạn mục cho mưu đồ đen tối của vị thủ lãnh siêu cường số một. Hopp còn nói rõ rằng, việc ký kết hợp đồng độc quyền với bất kỳ quốc gia nào là điều ông không chấp nhận. Trong buổi phỏng vấn ngày hôm sau, 16.3, Hopp tuyên bố: “Không thể nào tưởng tượng được, một công ty Đức khám phá ra vắc-xin, rồi cuối cùng chỉ có USA độc quyền sử dụng. Đối với tôi, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra” [Focus 16.3]. Christof Hettich, CEO của Hopp BioTech Holding cũng trả lời phỏng vấn: “Chúng tôi muốn nghiên cứu thuốc ngừa chủng cho toàn thế giới, chứ không riêng cho một quốc gia nào”. Bộ trưởng kinh tế Đức thì thẳng thừng: “Nước Đức không phải là món hàng để bán”.

Tất nhiên, Mỹ sẽ không để yên chuyện này. Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer nhận xét rằng, ý đồ của Mỹ là dùng rất nhiều tiền để lôi kéo các khoa học gia Đức làm việc trong nhóm nghiên cứu vắc-xin sang Mỹ, với dụng ý sau này sẽ chiếm độc quyền kết quả nghiên cứu. Việc này chắc hẳn chưa chấm dứt và vẫn còn là đề tài nhạy cảm của “Ủy ban Giải quyết Khủng hoảng” của chính phủ Đức, theo lời Seehofer.

Kịch bản nào sẽ xảy ra?

Với sự nhất trí cao độ giữa chính phủ Đức và phe đối lập, ý đồ của Trump khó lòng thực hiện được. Các nhà nghiên cứu Đức thì không dại gì sang Mỹ theo lời dụ dỗ của Trump để làm mất uy tín và danh dự đối với đồng hương. Đẹp nhất là, Trump rút lui mọi ý định ban đầu, và hai quốc gia đưa vấn đề này vào quên lãng, khỏi mích lòng đồng minh. Còn nếu Trump vẫn tham lam tiếp tục thì chỉ chuốt lấy thất bại. Trong đại dịch Corona, số ca lây nhiễm của Đức có thể lên đến hàng chục ngàn trong vài tháng tới. Việc nghiên cứu thuốc chữa và vắc-xin có thể được xếp vào phạm trù “an ninh quốc gia”. Đến mức đó, Đức có quyền cấm các chuyên gia vắc-xin xuất cảnh, cấm rao bán kết quả nghiên cứu cho ngoại quốc, cấm mọi thương vụ mua bán các công ty dược phẩm, và biện pháp cuối cùng có thể là quốc hữu hóa các công ty liên hệ, tất nhiên là có bồi thường theo luật định.

Chúng ta chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Tôn Thất Thông

(Tin tức về công ty CureVac có thể xem tại Wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/CureVac và Website của CureVac: https://www.curevac.com. Tin tức về công nghệ mới mRNA có thể xem tại https://en.wikipedia.org/wiki/Messenger_RNA và Website của CureVac).

Bổ sung và cập nhật 17.3.2020:
Sau khi lên mạng một ngày, chúng tôi nhận được nhiều email để ủng hộ, phản biện, bổ sung, phê bình. Tựu trung, về phản biện thì có hai nhóm vấn đề:
a) Một số email cho rằng, những điều chúng tôi trình bày không có căn cứ, với dẫn chứng: Công ty CureVac phát biểu trên Tweet ngày 16.3, và một số báo Đức cũng đăng lại: “To make it clear on Coronavirus: CureVac has not received from the US Government or related entities an offer before, during and since the Task Force meeting in the White House on March 2nd. CureVac rejects all allegations from press” (Tạm dịch: Để làm rõ về Coronavirus: CureVac không nhận được một chào hàng nào từ chính phủ Mỹ hoặc các cơ quan liên hệ từ trước khi, trong khi và sau khi họp với Ủy ban Hành động tại Nhà Trắng ngày 2.3. CureVac bác bỏ mọi cáo buộc của truyền thông).
b) Một số email nêu nghi vấn là tin tức chúng tôi nêu lên có thể là tin giả (Fake News) của những phe phái chống Trump.
Chúng tôi xin lý giải rõ hơn:
1) Về vấn đề (a) liên quan đến Tweet của CureVac: đây không phải là lời đính chính, mà CureVac chỉ nói lên sự thật của công ty. Giữa chính phủ Mỹ và CureVac chưa hề có một hợp đồng nào liên quan, cũng chưa có một chào hàng chính thức bằng văn bản. Mọi chuyện đều do sự thương lượng của cựu giám đốc CureVac, Daniel Menichella với chính phủ Mỹ, và Menichella cũng chưa thể đơn phương ký một thỏa thuận nào quan trọng như thế, ông cũng không có thẩm quyền làm chuyện đó. Tất nhiên, Menichella phải báo cáo lại trong công ty để lấy ý kiến từ lãnh đạo và hội nghị cổ đông. Mười ngày sau, Menichella bị sa thải không nêu lý do. Tại sao? Có thể cắt nghĩa rằng, những thỏa thuận (miệng) của Menichella với chính phủ Mỹ đã gặp phải sự chống đối mãnh liệt của những người khác trong công ty dẫn đến chuyện thay ngựa giữa dòng. Toàn bộ câu chuyện đã lây lan qua vòng thứ hai: lãnh đạo công ty, kể cả những người ủng hộ hay chống đối cựu giám đốc Menichella. Có thể, sự rò rỉ đã bắt đầu từ đây.
Chúng tôi tin rằng, những điều trong bài về âm mưu của Trump đối với CureVac là đúng sự thật. Tại sao? Nếu chính phủ Đức không có những chứng cớ rõ rệt về ý đồ bất chính của Trump, thì làm sao mà nhiều bộ trưởng giận dữ như thế, và lãnh tụ các đảng phái cầm quyền cũng như đối lập đều có những phát biểu rất gay gắt, thậm chí hỗn láo đối với Trump, một nhân vật quan trọng hàng đầu trong khối đồng minh của Đức. Mọi người trong chính phủ Đức đều hiểu rằng, gây gổ với Trump sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, nhất là gây gổ vì những chuyện không có căn cứ. Từ đâu mà chính phủ Đức nắm được thông tin? Về mặt luật pháp và trong lĩnh vực an ninh quốc gia, chính phủ Đức có quyền triệu tập lãnh đạo CureVac để buộc công ty này trình bày minh bạch vấn đề, nếu cần, chính phủ cũng có quyền đòi lãnh đạo CureVac tuyên thệ trước khi tuyên bố. Tất nhiên, sự việc chưa đến nỗi gay gắt đến thế, nhưng chính phủ Đức cũng đã biết những điều cần biết. Trễ nhất là ngày 13.3, toàn bộ câu chuyện đã lây lan ra vòng thứ ba: nội các chính phủ Đức.
Cuối cùng, tin tức được lây lan ra vòng thứ tư công cộng, sau khi báo Welt am Sonntag (Thế giới Chủ nhật) nhận được thông tin từ một nguồn đáng tin cậy trong chính phủ, không nêu đích danh. Chúng tôi chỉ trích đăng từ các báo và đài đáng tin cậy, có uy tín và gạt ra ngoài các tin của báo lá cải. Cho đến bây giờ, các báo đó không hề đính chính những điều họ đăng tải. Điều này cho phép chúng tôi tin rằng, những điều trong bài viết ở trên xuất phát từ những thông tin đúng đắn và không có gì cần đính chính.
Chúng ta quan sát thêm thái độ của chính phủ Mỹ: Nếu sự kiện này (ý đồ của Trump về công ty CureVac) không đúng sự thật, thì với những phát biểu giận giữ của các bộ trưởng Đức, bộ ngoại giao Mỹ đã triệu tập đại sứ Đức để phản đối và có thể đòi hỏi chính phủ Đức một lời xin lỗi. Cho đến bây giờ, phản ứng của chính phủ Mỹ rất yếu ớt, chỉ có một lời tuyên bố mơ hồ rằng, “các báo Đức đã hiểu sai ý tốt của Nhà Trắng”. Đại sứ Mỹ Richard Grenell ở Berlin chỉ bình luận: “Tin tức của báo Đức không đúng sự thực”, nhưng cũng không cắt nghĩa điều gì là không đúng. Thông thường, với một việc quan trọng thế này, đại sứ phải ra họp báo để lên tiếng bảo vệ uy tín quốc gia mình, nhưng Grenell vẫn im lặng trước những lời sỉ nhục của chính trị gia Đức.
2) Về chuyện (b) liên quan đến fake news: Mỗi bộ trưởng Đức đều có một bộ phận báo chí riêng để kiểm tra mọi thông tin. Chẳng lẽ, các bộ quan trọng (nội vụ, ngoại giao, kinh tế, y tế…) có thể sơ suất đến độ không xác minh được Fake News. Chẳng lẽ họ hời hợt đến độ có thể cáo buộc nguyên thủ một siêu cường bằng Fake News? Cho nên, chúng tôi tin chắc rằng, không phải là Fake News! Bài chúng tôi viết căn cứ vào các nguồn thông tin đứng đắn và chính xác.
Tình hình hiện nay đã trở nên yên ắng, kịch bản tốt đẹp đã diễn ra. Chính phủ Đức đã đạt mục đích của họ: CureVac vẫn là công ty của Đức, vắc-xin sẽ được sử dụng rông rãi cho quốc gia nào muốn, như vậy Đức cũng không quan tâm tới chuyện gây hấn với Trump. Thủ tướng Merkel thông báo sau buổi họp G7 ngày 16.3: “Chúng tôi đã can thiệp rất sớm vào vấn đề tranh chấp này. Bây giờ thì mọi chuyện xem như đã chấm dứt” [Merkur.de]. Chính phủ Mỹ tất nhiên không muốn chuyện này ồn ào thêm, chỉ thiệt hại cho cuộc tranh cử hiện nay của Trump. Thế giới hưởng lợi: nếu CureVac nghiên cứu thành công, chúng ta sẽ có vắc-xin để dùng mà không sợ ai độc quyền để đẩy giá lên cao.
Mong được góp ý thêm.

Các bài liên quan:

Tài liệu tham khảo

CurVac Website: https://www.curevac.com

Dams, Jan – WELT 15.3: Donald Trump greift nach deutscher Impfstoff-Firma (Donald Trump thò tay đến công ty thuốc ngừa chủng của Đức).

Deutschlandfunk.de 15.3: USA wollen sich deutschen Coronavirus-Impfstoff sichern (USA muốn chiếm hữu vắc-xin Corona của Đức).

Heidelberg24.de 16.3: Coronavirus-Impfstoff: Deutsche Politiker verurteilen Vorgehen von US-Präsident Trump scharf! (Vắc-xin Corona: Chính trị gia Đức lên án kịch liệt cách hành xử của TT Trump).

Mast, Jason – Endpoints News 13.3: CureVac’s Ingmar Hoerr tells us why he returned to take on a pandemic (Ingmar Hoerr trò chuyện tại sao ông trở lại trong mùa đại dịch).

Pagliarulo, Ned – BioPharmaDive 12.3: CureVac CEO replaced in midst of biotech’s coronavirus push (Giám đốc điều hành CureVac bị thay thế trong khi đang nỗ lực về công nghệ sinh học chống Corona).

Reuters – Spiegel 15.3: Deutsche Impfstoff-Firma wird nicht in die USA verkauft (Công ty nghiên cứu vắc-xin sẽ không được bán cho Mỹ).

ZEIT Online 15.3: Tübinger Impfstofffirma dementiert mögliche US-Übernahme (Công ty vắc-xin ở Tübingen bác tin đồn bị Mỹ thâu tóm).

Print Friendly and PDF