22.3.20

Virus Corona: các chuyên gia y tế lo ngại Vương Quốc Anh sẽ “vỡ trận” vì dịch bệnh

VIRUS CORONA: CÁC CHUYÊN GIA Y TẾ LO NGẠI VƯƠNG QUỐC ANH SẼ “VỠ TRẬN” VÌ DỊCH BỆNH
15/3/2020
Sarah Boseley
Các bác sĩ và nhà khoa học yêu cầu chính phủ cân nhắc các chiến lược áp dụng ở các nước đã thành công trong việc kìm hãm số ca nhiễm mới.
Anthony Costello, một bác sĩ nhi và nguyên là trưởng ban sức khỏe bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), đã viết thư ngỏ cho người đứng đầu cơ quan y tế, Giáo sư Chris Whitty (người trong hình), yêu cầu tiếp tục thực hiện xét nghiệm đại trà. Hình: Simon Dawson/AP
Các chuyên gia y tế cộng đồng cùng hàng trăm bác sĩ và nhà khoa học trong nước và nước ngoài yêu cầu chính phủ Anh thay đổi chiến lược đối phó virus Corona, họ lo ngại trận dịch sẽ khiến cả nước “vỡ trận”.
Họ cáo buộc nước Anh đang phớt lờ các chiến lược đã kìm hãm thành công số ca nhiễm và ca tử vong được áp dụng ở các nước khác.
Boris Johnson (1964-)
Anthony Costello (1953-)
Hôm thứ Năm, Boris Johnson và đội ngũ cố vấn y tế và khoa học của ông đã tuyên bố rằng chỉ những ca nguy kịch trong bệnh viện mới được xét nghiệm. Những người có triệu chứng nên tự cách ly ở nhà trong 7 ngày và không cần thông báo cho Cơ Quan Y Tế Quốc Gia (National Health Service - NHS).
Trước tình trạng các cơ sở thể thao và giải trí tự nguyện hủy bỏ các sự kiện, Thủ tướng và đội ngũ cố vấn của ông đã phát biểu rằng việc cấm tụ tập đông người không làm giảm sự lây nhiễm, mặc dù hiện tại lệnh cấm tụ tập có vẻ có hiệu quả.
Anthony Costello, một bác sĩ nhi và nguyên là trưởng ban sức khỏe bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization - WHO), đã viết thư ngỏ cho người đứng đầu cơ quan y tế, Giáo sư Chris Whitty, yêu cầu tiếp tục thực hiện xét nghiệm đại trà.
Ông đã chia sẻ với Guardian như sau: “Các nguyên tắc cốt yếu của WHO là kiểm soát nghiêm ngặt. Chúng ta xét nghiệm đại trà, phát hiện những ca nhiễm, cách ly người nhiễm bệnh ngay lập tức, truy tìm những người đã tiếp xúc với người bệnh và cách ly họ khỏi cộng đồng.”
Đó là chiến lược giúp Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong và Đài Loan kìm hãm số ca nhiễm. “Chúng ta thực ra có thể tách người bệnh ra khỏi cộng đồng và đảm bảo họ được cách ly. Việc này có tính chất sống còn - trước khi yêu cầu dân chúng thực hiện giãn cách tiếp xúc xã hội.”
Tedros Adhanom (1965-)
Nhưng chính phủ Anh đã ngưng thực hiện xét nghiệm bên ngoài bệnh viện. Ông cũng chia sẻ: “Theo cá nhân tôi và một số nhân vật của WHO mà tôi đã trao đổi, đây là một chính sách hết sức sai lầm. Nghĩa là chính phủ để mặc cho dịch bệnh lây lan.”
Theo Costello, nước Anh sẽ lâm vào tình trạng như nước Ý trong vòng hai tuần. Theo ông: “Biện pháp y tế cộng đồng căn bản hiện bị coi nhẹ hơn việc thiết lập mô hình toán học.”
Hôm thứ Sáu, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, bày tỏ sự lo ngại sâu sắc khi nước Anh và các quốc gia Châu Âu khác ngưng thực hiện xét nghiệm và truy tìm những người đã tiếp xúc với bệnh nhân.
Ông khẳng định rằng: “Chúng ta không thể chiến đấu với virus nếu chúng ta không biết nó ở đâu. Phát hiện, cách ly, xét nghiệm và chữa trị cho từng ca để phá vỡ chuỗi lây nhiễm Covid. Mỗi một ca chúng ta phát hiện và chữa trị sẽ hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.”
Devi Sridhar (1984-)
Lawrence Wong (1972-)
Devi Sridhar, Giáo sư sức khỏe cộng đồng toàn cầu của Đại học Edinburgh, trên trang Twitter của mình đã liệt kê những lý do vì sao phải tiếp tục xét nghiệm. “(1) Con người có thể thay đổi hành vi khi biết mình có nhiễm Covid hay không. (2) Phá vỡ chuỗi lây nhiễm. (3) Các bệnh viện địa phương có thể dự trù số lượng bệnh nhân cần chăm sóc y tế. (4) Biết được nơi nào có số ca nhiễm tăng nhanh (ổ dịch). (5) Làm sao chúng ta biết được vấn đề nghiêm trọng đến mức nào?”
Một vị Bộ trưởng của Singapore cũng đã bày tỏ sự lo ngại. Lawrence Wong, Bộ trưởng Bộ phát triển quốc gia đã phát biểu trong cuộc họp báo hôm Chủ Nhật như sau: “Điều chúng tôi lo ngại về những ca nhiễm ở Anh và Thụy Sĩ không phải là các con số. Chúng tôi lo ngại vì các quốc gia này đã không còn thực hiện bất cứ biện pháp ngăn chặn hoặc kiềm chế sự lây lan của virus, chúng tôi ước tính số ca nhiễm ở những nước này sẽ tăng chóng mặt trong những ngày, tuần tới.”
Thư ngỏ của một nhóm gồm một số vị bác sĩ kỳ cựu nhất của nước Anh yêu cầu chính phủ công bố mô hình và bất cứ bằng chứng nào làm cơ sở cho các chính sách mà chính phủ đang thực hiện. Nội dung bức thư đã chỉ cho NHS thấy nguy cơ bùng phát số ca nhiễm cần chữa trị nội trú như sau: “Các biện pháp y tế cộng đồng chống dịch Covid-19 của đất nước chúng ta khác hẳn với các biện pháp chống dịch được áp dụng ở các quốc gia Châu Âu và các quốc gia ở châu lục khác ... Hoàn toàn không có dấu hiệu chứng tỏ biện pháp chống dịch của nước Anh căn cứ trên kinh nghiệm kiểm soát dịch Covid-19 của các nước.” Nước Anh có 2,5 giường bệnh cho mỗi 1.000 dân, con số này thấp hơn Pháp (6 giường), Ý (3,2 giường) và Mỹ (2,8 giường).
Patrick Vallance (1960-)
Trong một thư ngỏ khác, các nhà miễn dịch học cho hay họ có “những câu hỏi lớn” về chiến lược hiển hiện của chính phủ dựa trên việc xây dựng hệ thống “miễn dịch cộng đồng” bằng cách để mặc cho virus lây lan ở Anh. Ngài Patrick Vallance, người đứng đầu đội ngũ cố vấn khoa học, cho rằng việc nhiều người nhiễm virus có thể mang lại kết quả tích cực.
Miễn dịch cộng đồng thường được xây dựng bằng việc chủng ngừa - chứ không phải để mặc cho người ta tiếp xúc với nguy cơ nhiễm bệnh. Thư ngỏ của Hiệp Hội Miễn Dịch Anh Quốc (British Society for Immunology) trình bày như sau: “Mục tiêu cuối cùng của miễn dịch cộng đồng là ngăn chặn dịch bệnh lây lan và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Tuy nhiên, chiến lược tạo miễn dịch như vậy chỉ có tác dụng làm giảm những bệnh nghiêm trọng, nếu những người dễ bị tổn thương được bảo vệ không nhiễm bệnh, bằng cách thực hiện giãn cách xã hội chẳng hạn. Bằng không, hậu quả có thể rất nặng nề.”
Các nhà khoa học hành vi cũng bày tỏ sự lo ngại, họ tin rằng chính phủ nên áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ngay lập tức và không chần chừ do e ngại công chúng bị “mệt mỏi vì hành vi” [tránh tiếp xúc xã hội].
Sarah Boseley
Giáo sư Ulrike Hahn của Đại học London, Birkbeck và những học giả khác viết rằng: “Nếu “sự mệt mỏi vì hành vi” thực sự là một yếu tố quan trọng mà chính phủ cân nhắc khi ra quyết định trì hoãn những biện pháp can thiệp rõ nét, chúng tôi yêu cầu chính phủ hãy chia sẻ một bằng chứng thích đáng làm cơ sở cho quyết định đó. Nếu vô bằng vô chứng, chúng tôi yêu cầu chính phủ xem lại các quyết định của chính phủ.”
Về tác giả:
Sarah Boseley: Biên tập phụ trách mục sức khỏe.
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Print Friendly and PDF